talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 11.02.2006
Nguyễn Huy ThiệpTiểu long nữ

phần 1 phần 2 phần 3 phần 4

Nguyen Huy Thiep
Nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính
Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn của talawas chủ nhật

talawas chủ nhật: Thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với những sáng tác và phát biểu gần đây, độc giả đang thấy một Nguyễn Huy Thiệp với quan niệm và phong cách văn chương khác hẳn thời kì trước. Xin anh cho biết tại sao lại có bước ngoặt như vậy?

Nguyễn Huy Thiệp: Nếu độc giả thấy tôi khác trước thì thật thú vị, nghĩa là tôi cựa quậy, nghĩa là tôi đa dạng... Chẳng có bước ngoặt nào cả. Tôi sống, cố gắng thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng. Mỗi một chặng của đời người ta đều có những khó khăn, những đón đợi. Viết văn là một việc rất khó, tự mình làm khó cho mình. Hình như có lần tôi nói ở đâu đó rằng viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính.

talawas chủ nhật: Có tin đồn cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp nhất định phải viết tiểu thuyết vì chỉ viết tiểu thuyết mới dễ được trao giải Nobel. Cũng lại có tin đồn cho rằng, anh nhất định viết rất nhiều và rất nhanh để chứng minh rằng viết tiểu thuyết chẳng qua chỉ là trò trẻ con dễ ợt. Quả thực, anh đang viết nhiều và nhanh... Anh nghĩ sao về những tin đồn này?

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng là miệng thế gian như làn sóng bể. Tôi viết văn, viết tiểu thuyết quả thật chưa bao giờ nghĩ đến giải Nobel. Tôi ra nước ngoài, thấy tình trạng dịch thuật tồi tệ thì tôi biết chắc sẽ chẳng có giải Nobel nào cả cho người Việt Nam mình. Nếu tôi ở Đức, giỏi tiếng Đức, tôi sẽ kiếm được giải Nobel văn chương về cho Việt Nam. Nhất định thế! Còn việc tôi cố gắng viết tiểu thuyết nhiều và nhanh thì không phải để chứng minh gì cả (tôi phải chứng minh với ai? Để làm gì?). Làm sao viết văn lại là "trò trẻ con dễ ợt" được? Hiện nay ở Việt Nam, cuộc sống diễn ra muôn màu muôn vẻ, đúng là đổi mới, cái gọi là "hiện thực cuộc sống sinh động" phong phú gấp tỉ lần sự tưởng tượng của nhà văn. Tiểu long nữ của Nguyễn Thiên Đồng [1] là một ví dụ thảm hại: nguyên mẫu phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều nhân vật tiểu thuyết. Tôi muốn thể nghiệm việc nhà văn hoá thân vào các sự kiện đời sống nhưng có lẽ không làm được, hoàn toàn không làm được. Ở Việt Nam, có quan chức như Bùi Tiến Dũng ở Bộ Giao thông Vận tải đánh bạc tới cả triệu đô... Rất nhiều con người, nhiều sự kiện ngoài sức tưởng tượng của nhà văn. Viết nhanh, viết nhiều là nhu cầu của các nhà văn lương thiện, có lương tâm, có "ý thức công dân" (như người ta vẫn nói) hiện nay.

talawas chủ nhật: Chẳng mấy khó khăn để đoán ra tác giả của những Mổ nhà văn, Võ lâm ngoại sử... chính là Nguyễn Huy Thiệp. Tại sao anh không kí tên thật cho những tác phẩm này?

Nguyễn Huy Thiệp: Có những tác phẩm mà kí tên thật nhiều khi cũng... ngượng. Cũng sợ nữa.

talawas chủ nhật: Trong lời giới thiệu cho cuốn Tiểu long nữ dưới đây, anh cho rằng, tiểu thuyết chẳng qua chỉ là thứ "văn học hạng hai", là "á văn học" và người viết tiểu thuyết cốt để mua vui và kiếm tiền. Vậy anh có tin rằng độc giả sẽ thấy vui khi đọc anh bây giờ hơn là đọc anh ngày xưa? Và anh đã kiếm được bao nhiêu tiền cho những tiểu thuyết này?

Nguyễn Huy Thiệp: Mỗi một thời một khác. Mỗi một chặng đời của người viết văn cũng chẳng có chặng đời nào giống chặng đời nào. Không phải lời nào của tôi nói ra cũng là "lời của Chúa", đáng tin cậy. Độc giả, những "fan" thực sự của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng vui thích khi có một tác phẩm mới của anh ấy được tung ra, dù cho ký tên gì cũng thế. Ngay cả tôi, tôi cũng thích một Nguyễn Huy Thiệp nhà văn với những tác phẩm mới. Còn tiền bạc? Không có nhiều đâu. Nhà văn với cuộc sống thanh đạm. Số phận của tôi là thế. Tôi chọn một cuộc sống như thế. "Tại mày muốn thế! Georges Dondain! Tại mày muốn thế! Georges Dondain!". Đấy là lời của một nhân vật ở trong hài kịch Molière mà tôi vẫn hay nhắc khi nào tôi bí. Khi nào tôi hết tiền!

 

Nguyễn Huy Thiệp

Tiểu long nữ

tiểu thuyết 45 chương (phần 3)

 

CHƯƠNG 21

Trong buồng ngủ ở khách sạn, Thúy Nga dầm mình trong bồn tắm. Sau giờ làm việc ở toà soạn báo, Lương có điện báo cho cô tới chờ ở khách sạn này.

Thúy Nga biết Lương từ ba năm nay. Lương có những phẩm chất hơn người thực sự khiến cô say mê. Những quan hệ rộng rãi của Lương giúp cho cô đi sâu vào nghề nghiệp của mình, không phải là ai cũng có được.

Trong buồng tắm, Thúy Nga đang nằm trong bồn tắm.

Có tiếng gõ cửa của Lương.

Thúy Nga nói vọng ra:

"Anh vào đi. Em ra ngay đây."

Lương bước vào phòng. Giường đệm trắng tinh. Lương cởi áo vét-tông, nằm ngả ra giường, mệt mỏi.

Thúy Nga mặc áo sơ mi để chân trần từ buồng tắm ra.

Thúy Nga gạn hỏi:

"Anh mệt à?"

Lương thở dài, đưa mắt nhìn cô:

"Ừ! Em lại đây!"

Thúy Nga đến ngồi cạnh Lương, vuốt tóc Lương.

Thúy Nga cúi sát đầu xuống, hỏi Lương:

"Anh sao thế?"

Lương nói khẽ, giọng trầm và đục:

"Tất cả đều không ổn. Anh rất mệt. Tựa hồ như đứng ở trên vực thẳm. Đây là lần đầu tiên anh thế này."

Thúy Nga nhìn sâu vào trong mắt Lương:

"Thanh tra à?"

Lương đưa tay vuốt ve cái cổ trắng mịn mà của Thúy Nga:

"Một phần thôi. Cái tay Đức ở bên an ninh. Hắn săn anh. Hắn xộc cả vào trong buồng ngủ. Tình hình công trường rất tệ."

Thúy Nga ngồi dịch ra:

"Tiền không giải quyết được à?"

Lương nhỏm người dậy:

"Với tay Đức này thì không phải vì tiền. Anh biết rõ hắn. Vì thế anh mới sợ."

Thúy Nga đứng lên:

"Có thể không phải vì tiền nhưng có thể bởi số tiền chưa đủ. Anh vẫn nói thế còn gì."

Lương gật đầu:

"Ừ! Nhưng tay Đức này thì khác. Hắn là khắc tinh của số phận anh. Anh cảm thấy thế."


CHƯƠNG 22

Công sở một cơ quan của Bộ Công an. Đêm đã về khuya.

Trong một phòng làm việc có chừng gần chục người vẫn đang ngồi làm việc trước máy tính. Đồng hồ chỉ 2h sáng.

Đức mặc áo trắng, áo bỏ trong quần đang chăm chú lần mò trên máy tính cùng một nữ đồng nghiệp. Cả hai đều mệt mỏi nhưng cuối cùng họ đã tìm ra một điều gì đấy.

Đức phấn khởi quên cả mệt nhọc, reo lên:

"Đây rồi! Tay Nguyễn Quốc Lương này thực là một tay cáo già."

Người nữ đồng nghiệp ngồi bên cẩn thận hỏi lại:

"Anh chắc chứ?"

Đức thở phào, khoan khoái, khẳng định:

"Chắc! Con cá sẽ chui vào rọ. Đúng là một con cá mập. Số tiền mà hắn tham nhũng lên tới 60 tỉ đồng."

Người nữ đồng nghiệp của Đức cau mày:

"60 tỉ đồng trong 4 năm. Kinh khủng thật. Đúng là một con chuột lớn."

Điện thoại di động của Đức réo chuông. Đức nghe máy, vẻ mặt lo lắng.

Người nữ đồng nghiệp băn khoăn hỏi anh:

"Anh sao thế?"

Đức lo lắng nói:

"Vợ tôi đang trong bệnh viện. Cô ấy lại sảy thai. Đang cấp cứu."

Người nữ đồng nghiệp sửng sốt:

"Trời! Anh phải vào ngay đi chứ. Chị ấy đang rất cần anh."

Đức gật đầu. Đức bất đắc dĩ phải đi. Anh vội vã. Trước khi đi anh còn quay lại bảo người nữ đồng nghiệp:

"Làm ngay cho tôi báo cáo. Phải khẩn trương vào."

Người nữ đồng nghiệp của Đức gật đầu, giục giã:

"Được rồi. Anh cứ đi đi."

Đức vội vã đi. Đồng hồ chỉ 3 giờ sáng.




CHƯƠNG 23

Trong phòng làm việc của Lương ở nhà riêng.

Thành và Hằng đang lục lọi, tìm một cái gì đấy. Cả hai lật các giấy tờ, ngăn kéo, tủ sách nhưng không tìm thấy gì. Thành lần mò trên máy vi tính.

Thành ngồi ở ghế, bất lực, dõi nhìn, mắt dừng ở bức tranh sơn dầu.

Thành tháo bức tranh ra. Đằng sau là một hốc nhỏ đựng két sắt.

Thành reo lên mừng rỡ:

"Đây rồi!"

Hằng vỗ tay reo:

"Anh tuyệt quá!"

Thành và Hằng loay hoay mở khoá số trong két sắt nhưng không được. Chợt nghĩ ra, Thành ra máy vi tính để dò tìm mã số.

Thành tìm được mã số và mở két sắt. Cả Thành và Hằng đều phấn khởi.

Trong két sắt có rất nhiều tiền. Tất cả xếp thành hàng ngăn nắp. Có cả tiền Việt Nam, tiền đô la Mỹ.

Thành và Hằng sững sờ nhìn nhau, bối rối.

Hằng sửng sốt:

"Nhiều tiền quá trời!"

Thành:

"Anh vẫn nghi ngờ công việc của bố anh. Nhưng không thể ngờ ông ấy lại có nhiều tiền đến thế."

Hằng lo ngại hỏi:

"Liệu có gì không ổn không?"

Thành đắn đo:

"Anh không chắc nữa."

Hằng nói:

"Em thấy sợ. Em chưa bao giờ thấy nhiều tiền cả. Anh có sợ không?"

Thành quay lại nhìn Hằng, ánh mắt lo lắng:

"Anh cũng sợ. Ông vẫn bảo anh rằng đồng tiền có tinh, có quái. Không nên tham lam nhiều quá. Chỉ nên có vừa đủ thôi."

Thành và Hằng yên lặng nhìn nhau, không nói câu gì.

Thành đóng cửa két sắt lại.

Thành và Hằng ngồi sát vào nhau, cả hai đều có tâm trạng nặng nề, u ám.


CHƯƠNG 24

Ở trong khách sạn, Lương và Thúy Nga vẫn đang trò chuyện. Thúy Nga định tháo cà vạt khỏi cổ áo Lương thì chuông điện thoại di động của Lương réo vang.

Lương nghe điện thoại, hơi cau mày rồi cúp máy.

Thúy Nga tần ngần hỏi:

"Anh phải đi à?"

Lương trả lời:

"Ừ. Anh phải đi. Bọn họ đang đợi anh!"

Thúy Nga ngồi dậy:

"Có lâu không anh?"

Lương lắc đầu:

"Chưa biết!"

Thúy Nga đắn đo:

"Em đi cùng, có được không?"

Lương thoáng nghĩ, rồi gật đầu:

"Em thay đồ đi! Nhanh nhanh một chút."

Một lúc sau, hai người ra ngoài gọi taxi. Chiếc taxi đi ra phía bến cảng.

Ở ngoài bến cảng. Aánh đèn hắt xuống dòng nước lung linh.

Trên đường ke có một chiếc taxi đi đến. Xe của Lương xuất hiện, đi ngược chiều với chiếc xe kia.

Ở một vị trí quan sát thuận lợi. Đức, mặc thường phục và hai công an mặc quân phục đang quan sát.

Đức cầm ống nhòm theo dõi.

Hai taxi đỗ lại, cách nhau một quãng.

Trên taxi kia, hai người bước xuống đi ra trước xe của Lương. Viên chỉ huy công trường hôm trước vẫn ngồi trong xe.

Lương mở cửa xe bước xuống. Trong xe, Thúy Nga chăm chú nhìn theo.

Lương đến gặp hai người kia.

Một người giơ tay ra bắt:

"Chào sếp!"

Lương không trả lời, bắt tay họ.

Lương lạnh lùng hỏi:

"Thế nào?"

Một trong hai người lấy trong ngực ra một phong bì màu vàng, trong đó đựng tiền:

"Đây là cho gói thầu số 8."

Lương cầm phong bì, mở ra liếc nhìn rồi quay đi, không nói câu nào.

Trên vị trí quan sát, Đức và hai công an bấm máy ảnh.

Tiếng động máy ảnh chụp vang lên rất khẽ.

Trên chiếc taxi kia viên chỉ huy công trường nhìn theo xe Lương cau mày. Ông ta văng tục:

"Thằng chó!"

Chiếc xe chở Lương đi vào thành phố trở về khách sạn. Lương mở phong bì thấy một tập tiền đô la Mỹ dày.

Thúy Nga hỏi Lương:

"Phần của anh à?"

Lương thở dài:

"Đấy là thuế máu. Không có đồng tiền lớn nào sạch cả."

Chiếc xe đi hoà vào dòng người xe trong đêm, đỗ lại ở khách sạn. Lương và Thúy Nga xuống xe.


CHƯƠNG 25

Trong chùa Quán Sứ, nội thất trang nghiêm. Bà Quỳnh mặc áo dài như một cái bóng, quỳ trước bàn thờ, nét mặt ưu tư.

Bà Quỳnh khấn Phật.

Bà Quỳnh xóc thẻ, rút một chiếc thẻ. Xong xuôi, bà Quỳnh cầm chiếc thẻ đến trước một ông già mặc áo dài đỏ ngồi trước bàn để nhờ ông già giải nghĩa.

Bà Quỳnh hỏi ông già, giọng run run:

"Thưa cụ, thẻ này nói gì?"

Ông già xem thẻ, nói với bà Quỳnh:

"Thưa bà, không phải điềm tốt."

Bà Quỳnh thở dài, đôi mắt thẫn thờ khiến ông già cũng phải cảm thương:

"Cụ cứ nói đi."

Ông già lưỡng lự:

"Cứ như quẻ này thì nhà bà đang có hạn. Hạn Tiểu long nữ. Nếu không sát thân thì cũng tù đày, thân bại danh liệt, nguy hiểm vô cùng."

Bà Quỳnh sợ hãi, bàn tay run run:

"Thưa cụ, liệu có cách gì giải hạn được không?"

Ông già lắc đầu:

"Hạn Tiểu long nữ thì ngay tôi đây cũng chịu. Bà làm lễ cúng, hình nhân thế mạng, vàng bạc một nghìn, 10 bông hoa trắng, chén rượu cơi trầu, hoa thơm quả ngọt... cứ 10 giờ đêm hướng về phía Bắc khẩn cầu... nhưng tôi sợ rằng nghiệp chướng tích tụ đã lâu, khó tránh quả báo, chỉ nội trong vòng 10 ngày là phát... Xin bà nói với mọi người trong nhà mình nên cẩn thận."

Bà Quỳnh cố hỏi lại một lần nữa:

"Thưa cụ, không có cách nào giải hạn được sao?"

Ông già nhắm mắt lại, đọc một bài kệ:

"Thiên cơ bí mật"

Biết nói ra sao

Số đã thế nào

Phải ai nấy chịu.

Bà Quỳnh buồn rầu lấy tiền ra nhưng ông già ngăn lại:

"Thưa bà, tôi không lấy tiền. Tôi chỉ xem hộ bà thôi. Xin bà bảo trọng."

Bà Quỳnh đứng dậy cảm ơn, đi ra như người mất hồn.


CHƯƠNG 26

Đường tàu hoả đoạn từ Giáp Bát đi vào ga Hàng Cỏ phải qua một bãi dài hai cây số có rất nhiều cơ quan và nhà dân ven đường. Trên đoạn đường này có nhiều đoạn cắt ngang rất nguy hiểm vẫn thường xảy ra tai nạn chết người. Nhà của Chi, cô bé 13 tuổi, nhân viên cửa hàng cắt tóc gội đầu của Thúy Vinh (tức Vinh “chọi”) là một ngôi nhà gỗ ọp ẹp sát ngay bên đường tàu hoả. Mỗi khi tàu hoả chạy qua thì cả dãy phố rung chuyển tựa như đang có động đất.

Nhà của Chi là một quán cơm bình dân sơ sài, chẳng khác nào nhà của Tê-nác-điê trong truyện của đại văn hào Victor Hugo. Đồ đạc trong nhà đều là thứ mua rẻ hoặc nhặt nhạnh ở đâu đó. Trên tường treo một chiếc đồng hồ cổ lỗ vỡ cả mặt kính. Những áp phích quảng cáo phim ghim đầy trên vách. Bộ xa-lông rách là vật xa xỉ nhất trong nhà cùng với chiếc ti-vi “Sam Sung” cũ rích. Ông Khôi, bố của Chi vốn là một tay lính cựu “tuột xích”. Giống như Tê-nác-điê hay kể chuyện về trận Oa-téc-lô, Khôi cũng hay nói về trận đánh ở thành cổ Quảng Trị năm nào. Theo Khôi, ông ta là một trong những cảm tử quân hiếm hoi thoát chết nhờ "phúc tổ tông". Khôi không có nghề nghiệp, phần lớn ngồi nhà giúp vợ bán cơm kiếm ăn qua ngày. Thỉnh thoảng, Khôi cũng hay làm thêm việc chữa kính, chữa khoá hoặc buôn bán kính đeo mắt. Đấy là lúc mà cửa hàng cơm bình dân ế khách, Khôi gọi đó là “đi dã ngoại”, một công việc để mở rộng tầm mắt.

Hôm đó, cửa hàng cơm bình dân lèo tèo chỉ có vài người ăn. Dung, mẹ của Chi đứng trước quầy đang thái thịt. Khôi ngồi ở xa–lông hút thuốc lào. Trên cái điếu bát, có chiếc xe điếu khảm ngà voi. Chi nằm ngủ ở trên gác xép bề bộn. Khi tàu hoả đi qua, sàn của chiếc gác xép rung lên bần bật. Tiếng còi tàu hú vang. Chi lấy tay bịt tai, ngồi dậy. Giữa đống chăn màn và chén bát lộn xộn, Chi như đoá hoa sen ở giữa đống bùn. Ở dưới nhà, khi tàu hoả đi qua, Khôi lấy hai cái gối bịt chặt tai lại. Ông ta gầm lên:

"Địa ngục! Thật là địa ngục!"

Vợ Khôi đã quá quen thuộc với kiểu độc thoại của chồng, chỉ ngừng băm thịt tí chút rồi lại chú tâm vào việc.

Khôi hút thuốc lào xong, than thở:

"Tôi cần 1 tỉ để tôi mua nhà. Mẹ khỉ, 1 tỉ tức là 68 ngàn 400 đô la, tức là 61 ngàn 700 ơ-rô, tức là tương đương 130 cây vàng. Giời ơi là giời! Mỗi ngày 56 chuyến tàu, tức là cứ 20 phút lại bị tra tấn một lần. Sầm sập! Sầm sập! Tu tu! Tu tu! Địa ngục! Thật là địa ngục!"

Khôi đứng lên, đi quanh ở trong ngôi nhà chật hẹp, miệng không ngớt giả làm tiếng động tàu hoả và tiếng còi tàu: "Sầm sập! Sầm sập! Tu tu! Tu tu!".

Vợ Khôi chém mạnh dao vào thớt, quát lên:

"Đủ rồi! Có để cho con bé nó ngủ hay không?"

Khôi cười hà hà, đùa vợ:

"Sao lại ngủ? 35 năm nay tôi không hề ngủ. Sầm sập! Sầm sập... Tu tu! Tu tu... Ngủ để làm gì... Các cựu chiến binh phải thức để cho dân ngủ, phải thức để nhìn thiên hạ trắng đen!"

Chi ở trên gác xuống, ngái ngủ. Khôi múa may quanh người cô.

Khôi giả lả:

"Ngủ để làm gì... Con ơi, ngủ để làm gì... Sầm sập! Sầm sập! Tu tu! Tu tu!... Phải thức để nhìn thiên hạ..."

Chi gạt Khôi ra để đi đánh răng rửa mặt. Đúng lúc ấy, lại một chuyến tàu đi qua.

Khi chuyến tàu đi qua thì Thúy Vinh xuất hiện, đứng giữa đường tàu, váy bó sát người, khêu gợi, tươi cười, như một bà tiên trong truyện cổ tích.

Thúy Vinh xách ví đầm bước vào nhà Chi.


CHƯƠNG 27

Sau những giây phút chào hỏi, Thúy Vinh và Khôi ngồi đối diện ở cái bàn uống nước ọp ẹp.

Thúy Vinh hỏi:

"Thế nào? Bác có nhất trí cho Chi đi làm với cháu hay không?"

Khôi đưa chén nước cho Thúy Vinh, cười nói:

"Cô uống nước đi! Đi làm à? Nhất trí! Nhất trí! Nhưng phải làm sao được 1 tỉ đồng."

Thúy Vinh cười:

"1 tỉ đồng! Bác nằm mơ chắc?"

Khôi ngả người ra chiếc ghế xa lông, nheo mắt:

"Cô ơi... cô hãy cho nó đi làm với bọn nhà giàu. Chúng nó tiền của thiếu gì... Buổi sáng súc miệng bằng nước cam tươi, ngồi uống cà phê, ăn trứng ốp lếp, hút thuốc Dunhill. Buổi trưa chén bánh xăng-uých, xa lát trộn với cà chua, dưa chuột... Một suất ăn nhanh 15 đô la... Buổi tối, cô nhắc Xcốt-len với bít-tết Pháp, lườn gà ca ri, mì ống Ý, thịt bò Úác với nước sốt pha kiểu Tàu..."

Thúy Vinh cười lớn, giả giọng miền Nam:

"Thôi cha nội, cha đừng có mơ!"

Khôi lắc đầu, đứng lên, giang hai tay ra:

"Sao lại mơ... Cô chẳng hiểu gì? Con Chi là một công chúa sinh ra trong đám bùn lầy... Sầm sập, sầm sập! Tu tu! Tu tu... Nó là bông hoa trong cảnh bần hàn... Đúng là con bé đáng giá ngàn vàng. Cô hiểu không? 1 tỉ đồng sống của tôi không hơn không kém."

Ở góc nhà, Chi nhún nhảy, hát một bài hát tiếng Pháp vui tươi:

"Oong... đơ... toa"

Một con gà...

Khôi tán thưởng, vỗ tay reo lên:

"Đấy cô xem... Cô ơi, mới sáng sớm đã hát! Oong đơ toa! Một con gà... Cô ơi! Nó là bà hoàng của cả nhà này! Xem nó nhảy kìa! Xem nó múa kìa! Mày phải nhún nhảy cho thật sếch-xy con ạ... Không có nó thì tôi chịu đựng sao được cái tiếng sầm sập, tu tu suốt ngày? 1 tỉ đồng! Đúng là ngàn vàng không hơn không kém!"

Thúy Vinh cười, vẫy Chi lại gần:

"Lại đây với chị!"

Khôi ngăn lại, đỡ eo lưng Chi:

"Nó còn biết cả nhào lộn... Con ơi! Nhào lộn đi con! Nào! Alê! Hấp... Đấy! Cô xem! Nó có đáng giá ngàn vàng không cô?"

Chi lăn một vòng, ngã ngay vào tay Thúy Vinh.


CHƯƠNG 28

Những hàng cây trong công viên Thống Nhất xanh ngắt. Nắng lọc qua những kẽ lá, rải vàng trên mặt đất. Hôm nay, Đoàn trường Đại học tổ chức cắm trại nhân ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3. Những lều trại sắp thành hàng được trang hoàng rất đẹp, cờ hoa rực rỡ.

Dưới một gốc cây to có chừng 20 sinh viên nam nữ ngồi vòng tròn đang vỗ tay hát. Thành và Hằng cũng ngồi trong đấy, cả hai đều vui vẻ, tươi tỉnh. Tất cả đều mặc quần áo thanh niên tình nguyện.

Hai sinh viên nữ trò chuyện với nhau. Một người chỉ Hằng và Thành:

"Trông kìa! Đẹp đôi chưa?"

Người kia xuýt xoa:

"Nhà giàu! Đẹp trai! Học giỏi... Thật đúng là "năm-bờ-oăn".

Một sinh viên bảo Thành:

"Thành ơi! Đỗ thủ khoa, phải khao đi chứ!"

Thành vui vẻ, cười tươi như hoa:

"Được thôi! Một chầu công viên nước. Được không?"

Thành lấy một tập tiền giơ lên. Cả lớp reo mừng, vỗ tay, đứng lên vây quanh Thành để chờ phát tiền. Thành chia tiền cho mọi người, mỗi người 100 ngàn đồng. Ai cũng vui vẻ.

Trong khi đó ở một lớp học trong trường phổ thông cơ sở nơi Chi đang học, các học sinh trạc 12, 13 tuổi quàng khăn đỏ, mặc quần áo đồng phục đang ngồi nghe cô giáo giảng bài.

Cô giáo mặc áo dài, đeo kính đang viết trên bảng. Chi ngồi ở cuối lớp, cạnh một cậu học sinh rất béo. Cậu béo đang từ từ đưa tay kéo chiếc gấu váy của Chi, để lộ chiếc đùi nõn nà. Cậu béo đưa tay sờ lên đùi Chi. Chi đập nhẹ lên tay cậu béo, cậu ta rụt phắt tay lại.

Một lúc sau, cậu béo lại đưa tay sờ lên đùi Chi. Chi ngân ngấn nước mắt cầm chiếc cặp đập túi bụi lên đầu cậu béo. Cậu béo giơ tay đỡ. Cô giáo trông thấy quát:

"Chi!"

Cậu béo đứng lên, ráo hoảnh:

"Thưa cô! Nó đánh con!"

Chi xách cặp chạy ra khỏi lớp. Cả lớp nhốn nháo. Cô giáo đuổi theo vướng vào bậc cửa, ngã lăn ra.

Chi chạy ra khỏi cổng trường, nước mắt lưng tròng.

Chi thất thểu đi đến một chiếc hồ nước, nét mặt căm uất, đôi mắt trừng trừng.

Chi cởi khăn đỏ nhét vào cặp sách rồi ngồi xuống cạnh hồ nước.

Dưới hồ những con cá chép vàng bơi lội rất tự do, chắc chúng chẳng bao giờ phải đi học!

Chi lấy gói bỏng ném xuống nước. Những con cá tranh nhau đớp mồi.

Chi mở cặp, vứt dần từng cuốn sách xuống hồ nước, rồi vứt cả cái cặp xuống đấy.

Chi đứng dậy bỏ đi, vẻ bất cần.

Trên trời, một cánh chim tự do tung bay.


CHƯƠNG 29

Trong công viên nước Hồ Tây, Thành, Hằng và bạn bè sinh viên vui vẻ trượt ống máng bơi lội.

Ở một góc hàng rào mắt cáo bảo vệ công viên, phía ngoài đường, Chi đứng bám vào hàng rào.

Một sinh viên trêu Chi vẫy tay:

"Ê, ê...! Em gái! Vày đây! Vào đây!"

Chi bĩu môi, tức tối bỏ đi.

Ở ngoài công viên nước, ông Khôi bố của Chi đang ngồi bán kính. Một tấm ni-lông trải ở trên hè, bày các loại kính đeo mắt. Tấm biển đề: “Nối vòng tay lớn. Kính thưa các loại kính”! Khôi ngồi xổm bên cạnh cái hộp gỗ đựng tiền và cặp lồng thức ăn.

Khôi đứng lên đi đi lại lại:

"Mua kính đi! Mua kính đi! Kính thưa các loại kính... Sầm sập, sầm sập! Tu tu, tu tu! Mua kính đi! Thưa các ông các bà. Kính này là kính vạn hoa. Đeo vào đôi mắt sáng loà như sao... Mua kính đi! Mua kính đi..."

Chi đến gần, vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn vào công viên nước.

Khôi nhìn thấy con, vẫy tay:

"Con ơi, mày nhìn vào đấy làm gì... Đấy là thế giới phù hoa, mày nhìn vào đấy làm gì... Mày đã bỏ học, mày nhìn vào đấy làm gì? Ở đấy không có tàu hoả, không có sầm sập, tu tu... Thế giới này đang phân hoá. Để bố bán kính lấy 1 tỉ đồng bố xây cho mày cái nhà... Trong nhà có cả bể bơi, nước phun từ sáng đến chiều... Mày nằm trên ghế sô-pha, ăn kem Tràng Tiền, hát nhạc Trịnh..."

Có một ông khách đi qua. Khôi kéo tay ông khách, giả lả:

"Mua kính đi ông. Kính này là kính vạn hoa. Đeo vào đôi mắt sáng loà như sao... Chỉ có 12 nghìn đồng bạc... Chỉ bằng cho ông súc miệng một cốc nước lọc ở quán Cafê Paris Deli... Kính tốt đấy, mắt kính Hàn quốc hẳn hoi. Tôi thề với ông như vậy."

Ông khách hàng thử kính. Khôi đưa cái gương ra. Chi đứng bên cạnh nhìn lên.

Khôi săn đón xung quanh ông khách:

"Ông thử xem! Có đúng tài tử điện ảnh Clark Gable không nào... 12 đồng bạc... Ông bói đâu ra một thứ giá cả bèo bọt thế này... Sầm sập, tu tu! Ông đeo kính đi lên tàu hoả. Ông bước vào toa hạng nhất... Ông hát nhạc Trịnh, rồi ông nối vòng tay lớn với tất cả mọi người... Thế là ông bước một bước lên giới thượng lưu chỉ nhờ đôi kính. Mười hai đồng bạc không hơn không kém!"

Chi đứng bên cạnh ông khách, nhón lấy cái ví da trong túi quần. Khôi nhìn thấy, nháy mắt với cô con gái láu lỉnh.

Ông khách lấy ví, lục lọi các túi, thấy mất ví, hốt hoảng:

"Trời ơi! Chết thật... Không biết rơi ví đâu rồi!"

Khôi săn đón:

"Ông mới ở công viên nước đi ra phải không?"

Ông khách lúng túng trả lời:

"Vâng... Tôi vừa ở đấy đi ra... Lúc nãy, tôi còn lấy ví trả tiền cơ mà."

Khôi cười:

"Thế là ông mất toi ví ở đấy chứ còn gì nữa. Trong công viên nước toàn quân cường đạo. Ông tính: 50 nghìn đồng một vé, 80 nghìn đồng một chiếc quần xịp to bằng bàn tay, thử hỏi cái quần xịp ấy có công dụng gì? Sĩ diện ư? Chả phải! Thượng lưu ư? Chả phải! Nó không phải kính... cũng không phải nhạc Trịnh... nó chỉ là dụng cụ nối vòng tay lớn với cả mọi người..."

Ông khách bất lực, xin lỗi, bỏ đi.

Chi vòng lại chỗ bố.

Khôi bảo con:

"Mày khéo đấy... con ạ... nhưng đấy không phải đạo đức, không nên làm thế... Nhưng thôi, đưa tao cái ví! Bao giờ bố con mình giàu thì ta sẽ mua đạo đức lại sau... Cần nhất là ta phải có được 1 tỉ đồng. Có 1 tỉ đồng là có danh giá... Nào! Đưa tao cái ví."

Chi giấu cái ví ra sau lưng, cười.

Khôi đến gần, định chụp lấy Chi nhưng con bé chạy mất.

Khôi lắc đầu, lại ngồi bán kính.


CHƯƠNG 30

Trong một shop thời trang ở phố Tràng Tiền, quần áo giầy dép bày la liệt. Thúy Vinh dẫn Chi đi mua sắm váy áo.

Chi thích thú, thử váy áo, dáng điệu hồn nhiên, tự nhiên.

Thúy Vinh bảo Chi:

"Nếu thích bộ nào, chị mua cho!"

Chi chỉ tay:

"Em thích bộ này!"

Hai người cuối cùng chọn được hai bộ váy, áo cho Chi.

Qua quầy bán gấu bông, búp bê. Chi đứng tần ngần, không muốn rời đi.

Chi hỏi:

"Em thích con gấu! Mua có được không?"

Thúy Vinh cười:

"Được chứ!"

Chi chọn một con gấu bông to, sau đó lại chọn một con búp bê tóc vàng. Thúy Vinh mua cả hai thứ.

Chi có vẻ thích, vừa đi vừa nhảy nhót.

Hai người đi ăn rồi đến một tiệm sửa sang sắc đẹp ở phố Cửa Đông. Sau một hồi sửa sang, Chi khác hẳn, không còn đầu tóc bù xù Lọ lem nữa mà tóc đã được tết thành từng sợi nhỏ. Chi ngồi cởi trần, ôm một cái khăn bông che ngực. Đằng sau lưng, hoạ sĩ đang vẽ hình một con rồng ở lưng. Hoạ sĩ điểm xuyết những nét cuối cùng cho con rồng.

Thúy Vinh ngồi bên cạnh, không ngớt xuýt xoa:

"Tuyệt! Đúng là trang điểm tuyệt vời. Đúng là công chúa. Đúng là đáng giá ngàn vàng."

Hoạ sĩ lùi xa, ngắm nghía:

"Xong rồi! Đúng là một Tiểu long nữ chính hiệu. “Năm-bờ-oăn”! Phong cách S-tyle hết sảy..."

Mấy cô người mẫu và khách hàng lại xem, trầm trồ.


CHƯƠNG 31

Khách sạn Horison nằm ở cuối đường Giảng Võ rực rỡ ánh đèn. Cuộc họp với các nhà thầu ngoại quốc và trong nước thành công rực rỡ. Lương chủ trì cuộc họp này, cuộc họp có cả Bộ trưởng và các phái viên của văn phòng phủ Thủ tướng đến dự. Buổi tối là tiệc chiêu đãi, có tới mấy trăm thực khách. Tất cả đều mặc lễ phục và trang phục dạ hội. Lương tháp tùng Bộ trưởng đi quanh các bàn tiệc nâng cốc chúc mừng. Thức ăn bày la liệt. Các thực khách đang hưng phấn. Tiếng hô: "1,2,3... Dô!". Liên tục chạm cốc. Liên tục chúc mừng. Chùm đèn treo trên trần giữa nhà ánh sáng rực rỡ. Lương ngồi xuống ghế vui vẻ. Cách đấy không xa, Thúy Nga nâng cốc nháy mắt với Lương. Lương nâng cốc đáp lại.

Tiệc đang nửa chừng thì người phái viên trên Bộ đi cùng Đức vào khách sạn. Cả hai đều ăn mặc lịch sự. Người phái viên vui vẻ nhưng Đức vẫn giữ nét mặt kín đáo. Hai người dừng ở cửa nhìn quanh. Người phái viên nói gì với cô nhân viên phục vụ. Cô nhân viên phục vụ đến gần chỗ Lương ngồi.

Cô nhân viên phục vụ rỉ tai Lương:

"Thưa anh, anh có khách!"

Lương quay ra, nhìn thấy người phái viên và Đức. Lương đứng dậy, cầm cốc rượu đi ra gặp họ.

Lương niềm nở, bắt tay hai người:

"Hay quá! Mời các anh vào uống cốc rượu cùng với chúng tôi! Thủ tướng vừa duyệt dự án, hôm nay chúng tôi tiếp các chuyên gia nước ngoài sang nhận đấu thầu..."

Người phái viên lúng túng:

"Anh cứ tiếp khách... Hôm nay chúng tôi bận quá!"

Lương hỏi xẵng:

"Có việc gì không?"

Người phái viên nói:

"Có! Có vài việc nhỏ cần phải giải trình. Anh Đức muốn sẽ làm việc cụ thể với anh."

Đức lấy giấy trong ngực áo ra, chìa cho Lương:

"Cơ quan công an chúng tôi muốn triệu tập anh hỏi về một số công việc."

Lương xem giấy, ngạc nhiên:

"Giấy triệu tập tôi! Quan trọng thế à? Ngay bây giờ ư?"

Đức lắc đầu:

"Không! Không phải hôm nay! Anh cứ vào tiếp khách đi. Chúng ta còn có nhiều thời giờ mà."

Lương sầm mặt, cất tờ giấy vào túi, giơ tay bắt tay hai người. Họ quay đi, Lương trở lại bàn tiệc. Thúy Nga làm động tác dò hỏi. Lương không vui, lặng lẽ lắc đầu.


CHƯƠNG 32

Hôm sau, Lương đến công sở sớm hơn mọi ngày. Trong phòng làm việc của Lương, Lương ngồi trước máy vi tính kiểm tra số liệu. Lương ngồi im lặng suy nghĩ rất lâu.

Lương lục lọi giấy tờ, lấy ra một số giấy tờ châm bật lửa đốt.

Có tiếng gõ cửa của người thư ký bên ngoài phòng.

Lương nói vọng ra:

"Tôi không tiếp khách."

Lương lại tiếp tục đốt một số giấy tờ. Chuông điện thoại di động réo. Lương nghe. Đấy là điện thoại của Thúy Vinh.

Lương khó chịu:

"A lô. Tôi nghe đây!"

Bên kia đầu dây, Thúy Vinh hồi hộp:

"Anh Lương, Vinh "chọi" đây! Em có hàng rồi. Bảo đảm hết sảy. Khách sạn Ê-đen. Anh đến nhé!"

Lương nói khẽ:

"Anh đen quá! Đang có hoạ lớn đây này!"

Thúy Vinh gạt đi:

"Ôi... Đây là thuốc giải hạn tốt nhất đấy! Tiểu long nữ... Bảo đảm với anh 100% tinh khiết. Em phải mất công rất nhiều mới được cho anh."

Lương im một lúc, rồi nói, nét mặt căng thẳng:

"Thôi được! Anh sẽ sắp xếp công việc."

Thúy Vinh sốt ruột:

"Anh đến ngay nhé! Phòng 201, khách sạn Ê-đen. Chúng em sẽ chờ ở đó."

Lương xem đồng hồ, trả lời:

"Được rồi! Anh sẽ đến!"

Thúy Vinh mừng rỡ:

"Anh đến nhé! Bai bai anh! U-ki anh! Chúng em đang chờ anh đấy!"


CHƯƠNG 33

Ở trong khách sạn Ê-đen. Thúy Vinh dẫn Chi lên cầu thang gác. Cầu thang gác hẹp và cao. Ánh sáng hắt bóng các song cầu thang và hắt bóng Thúy Vinh với Chi lên tường. Chi dừng lại, không đi nữa.

Chi phụng phịu:

"Chị Vinh... Em ngại lắm!"

Thúy Vinh kéo tay Chi:

"Ngại là thế nào? Cứ như hôm qua. Ngại gì mà ngại."

Chi gỡ tay Thúy Vinh ra:

"Không... Em chẳng đi đâu."

Thúy Vinh phát bẳn:

"Mày... Con nỡm! Đừng có giở chứng... Thôi! Hãy nghe lời chị. Một lần này nữa rồi thôi."

Thúy Vinh mở xắc, lấy ra một bọc tiền, ấn vào tay Chi:

"Này đây... Đây là tiền ngày hôm qua của em. 4 triệu 950 nghìn đồng. Chị chỉ lấy có 50 nghìn đồng lại quả để cho có lộc... Cầm lấy!"

Chi cầm tiền, lưỡng lự. Thúy Vinh kéo Chi đi.

Thúy Vinh thì thào:

"Đây là khách sộp, cá mập chính hiệu. Em nghe lời chị rồi chị em mình có hết. Đừng ngúng nguẩy nữa. Em cứ vào phòng rồi chị xuống đón ông ta. Không sao đâu mà."

Thúy Vinh kéo Chi đi. Đến phòng 201, Vinh mở cửa rồi đẩy Chi vào.

Thúy Vinh kéo cửa lại, đứng ngoài một lúc, thấy yên ổn, không động tĩnh gì thì cười hài lòng, đi xuống gác.

Thúy Vinh lẩm bẩm:

"Con nỡm! Đúng là Tiểu long nữ."

Vừa lúc ấy, chiếc taxi chở Nguyễn Quốc Lương đỗ ở trước cửa khách sạn. Nhân viên khách sạn ra mở cửa xe. Lương vào. Chiếc xe vụt đi.

Thúy Vinh niềm nở chạy ra đón Lương:

"Gớm! Chờ anh đến mỏi cả mắt."

Lương có vẻ bối rối.

Lương nhìn quanh, khẽ hỏi:

"Thế nào?"

Thúy Vinh cười:

"Xong rồi! Chìa khoá phòng đây. Anh lên đi. Phòng 201. Em chờ ở dưới."

Lương mỉm cười, lấy ra một cái phong bì dày đựng tiền đưa cho Thúy Vinh. Thúy Vinh nhận tiền, vui vẻ.

Thúy Vinh hôn gió:

"Cảm ơn anh!"

Thúy Vinh tiễn Lương lên đến giữa cầu thang gác thì dừng lại.

Thúy Vinh đẩy nhẹ vào người Lương:

"Em xuống đây. Chúc anh vui vẻ nhé!"

Lương bước lên cầu thang gác. Chiếc cầu thang hun hút. Chỉ nghe thấy tiếng giày của Lương lạnh lùng.

Lương dừng bước trước cửa phòng 201, lấy chìa khoá mở cửa, lóng ngóng mãi mới mở được khoá. Lương không biết rằng cũng trong lúc đó, ở nhà mình, trước bàn thờ, bà Quỳnh vẫn đang ngồi tụng kinh. Tiếng mõ dồn dập. Bát hương trên bàn thờ bỗng nhiên phát hoả: các chân hương cháy ngùn ngụt.

Bà Quỳnh vẫn ngồi yên tụng kinh gõ mõ. Tiếng mõ như thúc giục rồi từ từ thưa thớt. Bà Quỳnh ngã quỵ dưới bàn thờ, ngất đi.


CHƯƠNG 34

Lương bước vào phòng, hơi hoa mắt. Phòng tối um. Lương đưa tay lần sờ để bật công tắc điện. Những ngón tay Lương lóng ngóng. Đèn bật sáng.

Trên giường nệm trắng tinh, Chi nằm khoả thân úp mặt xuống giường, trên lưng có hình con rồng nhỏ rất đẹp.

"Tại sao mình lại ở đây?" – Lương nghĩ – "Người ta đã giáo dục mình như thế này đây".

Chi cựa mình. Những sợi tóc xoã trên bờ vai mềm mại. Tất cả những chi tiết trên thân thể cô đều nhỏ nhắn, xinh xắn.

"Báu vật... Đúng là một báu vật" – Lương nghĩ – "Tại sao mình lại ở đây? Mình đang làm gì? Tội lỗi...". Lương loay hoay, chính Lương cũng cảm thấy bàng hoàng.

Lương gần như nín thở. Chi nhắm nghiền mắt. Khi Lương ngồi xuống bên cạnh, Chi hé mắt nhìn, nở nụ cười rực rỡ với Lương. Lương giật thót mình. Chưa bao giờ Lương nhìn thấy một nụ cười nào vừa ngây thơ, vừa phóng đãng đến thế. Nó ở trên môi một bé gái và điều ấy khiến Lương bất giác sợ hãi, run bắn người lên. Chết thật! Tại sao mình lại ở đây? Ma xui quỷ khiến thế nào mà lại chước vào nghiệp chướng này?

Lương nhắm mắt lại. Hồi xưa, khi còn thơ ấu, Lương cũng đã từng có một cô bạn gái bằng tuổi Chi đây. Có lần, ở trong đống rơm sau nhà, hai đứa chơi trò vợ chồng. Tuy nhiên, lúc ấy, mặc dầu trần truồng nằm bên cạnh nhau, Lương không hề có một cảm giác gì về dục vọng. Mối tình trẻ thơ trong trắng cứ in mãi trong lòng Lương. Với Lương, hình ảnh những người phụ nữ bao giờ cũng là hình ảnh về cái đẹp, sự thánh thiện và lòng nhân từ. Chỉ cho đến khi Lương bước trên con đường công danh thành đạt, lúc ấy sự tha hoá mới gặm nhấm dần tâm hồn Lương. Lương trở nên một người khác hẳn, vị kỷ và nhiều khi độc ác.

"Có ai thương xót mình đâu" – Nhiều khi Lương nghĩ – "Không ai hiểu được những gì ta đã cống hiến cho đời. Tất cả mới chỉ nhìn thấy một mặt của quyền lợi... và sự đố kỵ, hằn thù từ bốn phía. Không ai biết ta đã đêm ngày lao lực thế nào, mất công mất sức thế nào... Rồi thì cái chết, không biết cái chết nó sẽ đến từ đâu, lúc nào?" Lương vẫn hình dung cái chết sẽ đến với Lương bất ngờ, không hề hẹn trước. Số mệnh của Lương là thế. Định mệnh... Và một bản năng ở đâu đó mách thầm Lương:

"Hãy sống đi... Mỗi ngày sống là một ngày hoan lạc..."

Lương giơ tay ra, bỗng nhiên như người chóng mặt, hoa mắt. Lương cảm thấy con rồng trên lưng Chi như cựa quậy, trừng mắt nhìn mình. Lương đưa tay lên trán bóp nhẹ. Tất cả căn phòng như chao đảo, quay tròn.

Chi sợ hãi, nhỏm dậy:

"Ông... Ông... Anh làm sao thế?"

Lương đứng dậy, gần như không hiểu tình thế của mình.

Lương lắp bắp:

"Em... Cô... Cô mặc quần áo vào đi!"

Chi vội vã nhỏm dậy, ôm tấm chăn che người, lùi vội vào một góc giường nhanh nhẹn như con thú, mắt quắc lên sợ hãi.

Lương bước đi một bước.

Chi lùi xa hơn nữa, xua tay:

"Đừng... đừng đến gần tôi..."

Lương dừng bước. Chi rút ra một con dao nhọn nhỏ vẫn dùng để gọt khoai tây giơ ra để thủ thế.

Lương giật lùi, xua xua tay:

"Cô... Xin cô đừng sợ..."

"Ông đi đi... Đi đi..."

Chi lấy gối ném vào người Lương. Cô trở nên hung dữ lạ thường.

Lương lùi, dựa lưng vào tường, không còn tự chủ được nữa. Lương vội lấy vài viên thuốc trong túi ra, lấy chai nước trên bàn uống thuốc.

Chi ôm chặt cái chăn trước ngực sợ hãi theo dõi Lương, một tay vẫn cầm dao.

Lương tỉnh lại, lặng lẽ rút trong ví ra tờ 100 đô-la Mỹ đặt lên đầu giường rồi đi ra.

Lương xuống cầu thang, bước đi lảo đảo. Thúy Vinh đang ngồi chờ, vội vã đứng lên, chạy lại, giơ tay:

"Anh... Sao nhanh thế? Có vừa lòng không?"

Lương gạt tay Thúy Vinh ra, bước nhanh ra cửa. Chiếc taxi từ đâu không biết phóng đến đón Lương. Lương mở cửa xe bước lên. Chiếc taxi vọt đi ngay, để Thúy Vinh ở lại sững sờ không hiểu ra sao nữa cả.


CHƯƠNG 35

Lương mở khoá cổng, xách cặp bước vào nhà. Lương hơi ngạc nhiên vì thấy căn nhà vắng lặng.

Trong phòng khách, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường nghe rõ mồn một. Bộ xa lông Hàn Quốc sang trọng lạnh lẽo đến rợn người. Trên tường, bức tranh thảm dệt hình một con hổ nằm dữ tợn, oai nghiêm như đang trừng mắt nhìn xuống.

Lương ngó vào trong bếp. Căn bếp tựa như đã lâu không có người sử dụng. Lương hơi giật mình. Đã nửa tháng nay gần như Lương không ăn cơm nhà, ngày nào cũng tiệc tùng chè chén liên miên. Công việc đòi hỏi Lương phải thù tiếp xã giao, nhiều khi muốn tránh cũng không tránh được. Thành đang đi thực tập không có ở nhà. Chẳng lẽ bà Quỳnh nhịn đói, không nấu nướng gì? Một tình cảm xót thương vợ nhói lên trong lòng Lương. "Một ngày nên nghĩa”. Đằng này, hai người chung sống với nhau đã mấy chục năm trời. Lương ân hận, tự trách mình ích kỷ.

"Nếu như bà ấy mệnh hệ thế nào thì mình ân hận suốt đời" – Lương nghĩ – "Tiền tài, danh vọng lúc ấy phỏng ý nghĩa gì? Nỗi ân hận sẽ theo mình xuống tận đáy mồ..."

Lương đi ra, vứt cặp lên ghế, bước lên cầu thang. Như có linh tính, Lương hốt hoảng, chạy vội vào phòng nơi bà Quỳnh vẫn ngồi thờ Phật.

Trên bàn thờ Phật khói hương nghi ngút. Bức tượng Phật cổ ngồi trầm mặc thoáng ẩn hiện dưới làn khói hương. Khuôn mặt tượng Phật như chau lại.

Bà Quỳnh nằm ngã ngất đi dưới bàn thờ. Lương chạy lại đỡ bà Quỳnh, nước mắt ràn rụa. Lương lấy tay lay mặt bà Quỳnh.

Lương nức nở:

"Mình... mình... Tỉnh lại đi! Mình... mình... Mình tỉnh lại đi."

Bà Quỳnh từ từ mở mắt ra, mệt mỏi. Lương úp mặt xuống mặt bà Quỳnh, khóc oà lên. Tiếng khóc của Lương rất thành thực, đau đớn.

Tiếng khóc của Lương vang lên giữa ngôi nhà mênh mông, vắng lặng.

© 2006 talawas

[1]Bút danh mà Nguyễn Huy Thiệp dùng cho cuốn tiểu thuyết này vốn là Nguyễn Thiên Đồng (talawas chủ nhật).

Nguyễn Huy Thiệp (1950) được coi là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại quan trọng nhất, với những truyện ngắn đã trở thành kinh điển trong văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, làm nên một phong cách không thể trộn lẫn. Những năm gần đây, ông liên tục gây dư luận và gây tranh cãi trong những thể loại khác, như qua loạt tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” (2004), “Thời của tiểu thuyết” (2003), tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu (2003), vở kịch Mổ nhà văn (2004, bút danh Thích Thiện Ngân) và gần đây nhất là tiểu thuyết chương hồi Võ lâm ngoại sử (2005, bút danh Tiểu Ngọc).

Nguyễn Huy Thiệp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại Hà Nội với vợ và hai con trai.

Website Nguyễn Huy Thiệp: http://nguyenhuythiep.free.fr/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài