talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 11.02.2006
Nguyễn Huy ThiệpTiểu long nữ

phần 1 phần 2 phần 3 phần 4

Nguyen Huy Thiep
Nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính
Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn của talawas chủ nhật

talawas chủ nhật: Thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với những sáng tác và phát biểu gần đây, độc giả đang thấy một Nguyễn Huy Thiệp với quan niệm và phong cách văn chương khác hẳn thời kì trước. Xin anh cho biết tại sao lại có bước ngoặt như vậy?

Nguyễn Huy Thiệp: Nếu độc giả thấy tôi khác trước thì thật thú vị, nghĩa là tôi cựa quậy, nghĩa là tôi đa dạng... Chẳng có bước ngoặt nào cả. Tôi sống, cố gắng thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng. Mỗi một chặng của đời người ta đều có những khó khăn, những đón đợi. Viết văn là một việc rất khó, tự mình làm khó cho mình. Hình như có lần tôi nói ở đâu đó rằng viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính.

talawas chủ nhật: Có tin đồn cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp nhất định phải viết tiểu thuyết vì chỉ viết tiểu thuyết mới dễ được trao giải Nobel. Cũng lại có tin đồn cho rằng, anh nhất định viết rất nhiều và rất nhanh để chứng minh rằng viết tiểu thuyết chẳng qua chỉ là trò trẻ con dễ ợt. Quả thực, anh đang viết nhiều và nhanh... Anh nghĩ sao về những tin đồn này?

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng là miệng thế gian như làn sóng bể. Tôi viết văn, viết tiểu thuyết quả thật chưa bao giờ nghĩ đến giải Nobel. Tôi ra nước ngoài, thấy tình trạng dịch thuật tồi tệ thì tôi biết chắc sẽ chẳng có giải Nobel nào cả cho người Việt Nam mình. Nếu tôi ở Đức, giỏi tiếng Đức, tôi sẽ kiếm được giải Nobel văn chương về cho Việt Nam. Nhất định thế! Còn việc tôi cố gắng viết tiểu thuyết nhiều và nhanh thì không phải để chứng minh gì cả (tôi phải chứng minh với ai? Để làm gì?). Làm sao viết văn lại là "trò trẻ con dễ ợt" được? Hiện nay ở Việt Nam, cuộc sống diễn ra muôn màu muôn vẻ, đúng là đổi mới, cái gọi là "hiện thực cuộc sống sinh động" phong phú gấp tỉ lần sự tưởng tượng của nhà văn. Tiểu long nữ của Nguyễn Thiên Đồng [1] là một ví dụ thảm hại: nguyên mẫu phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều nhân vật tiểu thuyết. Tôi muốn thể nghiệm việc nhà văn hoá thân vào các sự kiện đời sống nhưng có lẽ không làm được, hoàn toàn không làm được. Ở Việt Nam, có quan chức như Bùi Tiến Dũng ở Bộ Giao thông Vận tải đánh bạc tới cả triệu đô... Rất nhiều con người, nhiều sự kiện ngoài sức tưởng tượng của nhà văn. Viết nhanh, viết nhiều là nhu cầu của các nhà văn lương thiện, có lương tâm, có "ý thức công dân" (như người ta vẫn nói) hiện nay.

talawas chủ nhật: Chẳng mấy khó khăn để đoán ra tác giả của những Mổ nhà văn, Võ lâm ngoại sử... chính là Nguyễn Huy Thiệp. Tại sao anh không kí tên thật cho những tác phẩm này?

Nguyễn Huy Thiệp: Có những tác phẩm mà kí tên thật nhiều khi cũng... ngượng. Cũng sợ nữa.

talawas chủ nhật: Trong lời giới thiệu cho cuốn Tiểu long nữ dưới đây, anh cho rằng, tiểu thuyết chẳng qua chỉ là thứ "văn học hạng hai", là "á văn học" và người viết tiểu thuyết cốt để mua vui và kiếm tiền. Vậy anh có tin rằng độc giả sẽ thấy vui khi đọc anh bây giờ hơn là đọc anh ngày xưa? Và anh đã kiếm được bao nhiêu tiền cho những tiểu thuyết này?

Nguyễn Huy Thiệp: Mỗi một thời một khác. Mỗi một chặng đời của người viết văn cũng chẳng có chặng đời nào giống chặng đời nào. Không phải lời nào của tôi nói ra cũng là "lời của Chúa", đáng tin cậy. Độc giả, những "fan" thực sự của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng vui thích khi có một tác phẩm mới của anh ấy được tung ra, dù cho ký tên gì cũng thế. Ngay cả tôi, tôi cũng thích một Nguyễn Huy Thiệp nhà văn với những tác phẩm mới. Còn tiền bạc? Không có nhiều đâu. Nhà văn với cuộc sống thanh đạm. Số phận của tôi là thế. Tôi chọn một cuộc sống như thế. "Tại mày muốn thế! Georges Dondain! Tại mày muốn thế! Georges Dondain!". Đấy là lời của một nhân vật ở trong hài kịch Molière mà tôi vẫn hay nhắc khi nào tôi bí. Khi nào tôi hết tiền!

 

Nguyễn Huy Thiệp

Tiểu long nữ

tiểu thuyết 45 chương (phần 2)

 

CHƯƠNG 11

Trong tiệm cắt tóc gội đầu của Thúy Vinh, câu chuyện của Thúy Vinh với ba ông khách đã có phần lả lơi.

Vừa lúc ấy, Chi đi ra. Cô bé vừa nhún nhảy vừa hát một bài hát quen thuộc của Britney Spears.

Ông khách trầm trồ:

“Con nhỏ kháu quá! Ở đâu ra đấy?”

Thúy Vinh cười tít mắt:

“Hoa cỏ mùa xuân mà anh... Mới 13 tuổi.”

Ông khách ỡm ờ, đập nhẹ vào tay Thúy Vinh:

“Anh dạo này đen quá! Muốn tìm thuốc giải hạn mà chẳng kiếm được thuốc gì. Em giúp anh được không?”

Thúy Vinh thì thào, lấp la lấp lửng:

“Có tiền mua tiên cũng được. Không tiền mua lược không xong!”

Chi cầm chiếc điều khiển ti-vi bật lên. Trên ti-vi, Nguyễn Quốc Lương đang đọc diễn văn ở một sân vận động lớn.

Ông khách chỉ lên ti-vi, giật mình:

“Sếp của anh kìa!”

Thúy Vinh lơ đãng chưa chú ý. Cô hỏi:

“Ai cơ?”

Ông khách nói:

“Sếp của anh! Thần tượng của anh đấy.”

Thúy Vinh nhìn lên ti-vi, sững sờ, ngạc nhiên. Cô ta đờ cả mặt ra.

Thúy Vinh hỏi dồn dập:

“Có đúng không? Anh có nhầm không?”
Ông khách nói:

“Nhầm là thế nào! Nhắm mắt anh cũng nhận ra. Ông ta hiện nay đang lên như diều. Viện Huân chương đang đúc huân chương... Phen này có khi ngấp nghé cả ghế Bộ trưởng.”

Thúy Vinh mừng thầm, gặng hỏi:

“Ông ấy tên gì?”

Ông khách trả lời:

“Nguyễn Quốc Lương, nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp công ty, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị... vân vân và vân vân... Tóm lại là cá mập.”

Thúy Vinh khoái trá, vẻ tiếc rẻ.

Thúy Vinh than thở:

“Chà! Thế mà em không biết. Em cứ tưởng là tay cù lần...”

Ông khách ngạc nhiên:

“Em biết ông ta à?”

Thúy Vinh tiếc rẻ:

“Biết mà không biết! Thế mới chết!”

Ông khách tò mò:

“Thế là thế nào?”

Thúy Vinh không trả lời, bảo một nhân viên khác gội đầu cho ông khách rồi vội vã vào phòng riêng lục lọi đồ đạc, tìm kiếm một cái gì đấy. Mãi sau, Thúy Vinh mới tìm được một mẩu giấy ghi nghuệch ngoạc một số điện thoại di động. Vẻ đắc ý, Thúy Vinh lấy điện thoại di động bấm số máy ghi trên tờ giấy. Đấy là số điện thoại di động của Nguyễn Quốc Lương.

Thúy Vinh hồi hộp, lắng nghe tín hiệu trả lời:

“A lô... A lô... Anh Lương phải không? Có nhận ra em không?”

Trong lúc ấy, Nguyễn Quốc Lương đang đi đi lại lại trong phòng làm việc. Điện thoại di động réo chuông. Lương nghe máy:

“A lô... Tôi nghe đây. Ai đấy? Ai ở đầu dây đấy?”

Thúy Vinh mừng rỡ:

“Em đây... Em là Vinh đây. Vinh “chọi” đây. Anh còn nhớ khách sạn Ê-đen không?”

Lương nhớ lại lần gặp gỡ với Thúy Vinh, mỉm cười:

“À... à! Nhớ, nhớ, còn nhớ.”

Thúy Vinh cười khanh khách:

“Anh có khỏe không?”

Lương do dự:

“Cám ơn em, vẫn khỏe.”

Thúy Vinh vồn vã:

“Em vừa nhìn thấy anh ở trên vô tuyến truyền hình. Trông anh phong độ quá.”

Lương ậm ừ, trả lời không mặn mà lắm:

“Ừ... ừ... Cũng thường thôi.”

Thúy Vinh đắn đo rồi bạo dạn hỏi:

“Anh có muốn gặp lại em không? Em chờ anh đấy! Em nhớ anh!”

Lương khó chịu:

“Ừ, ừ... Được rồi... Để khi nào rảnh.”

Thúy Vinh mừng rỡ:

“Tối nay nhé. Được không?”

Lương chần chừ giây lát, giở lịch làm việc trên bàn rồi lưỡng lự:

“Tối nay thì không được. Tối mai đi.”

Thúy Vinh nhanh nhảu:

“Thế thì tối mai nhé. Em chờ anh đấy!”

Lương cười:

“Ừ, tối mai.”

Thúy Vinh phấn khởi:

“Cứ thế nhé! Bai bai anh! U-ki anh! Em tắt máy nhé! Chào anh!”


CHƯƠNG 12

Siêu thị nằm ở trung tâm thành phố. Bà Quỳnh, vợ của Nguyễn Quốc Lương, đang đẩy xe chọn mua hàng, nét mặt tư lự và buồn rầu. Bà Quỳnh hơn Lương tới 6 [sáu?] tuổi, đến mười năm nay, bà chỉ như một chiếc bóng trong nhà.

Bà Quỳnh chọn những thứ cần thiết cho sinh hoạt gia đình: xà phòng, nước mắm, nước gội đầu, dầu ăn, bánh kẹo v.v... khá nhiều so với người khác.

Chọn mua hàng xong, bà ra cửa thanh toán.

Bà Quỳnh xách hai ba cái túi to ra khỏi siêu thị thì gặp Đức, viên sĩ quan công an. Họ đã quen biết nhau từ nhiều năm nay. Đức đỡ túi cho bà Quỳnh.

Đức nói:

“Chào chị. Chị để tôi giúp cho nào.”

Bà Quỳnh giật mình. Nhận ra Đức, bà vội vã chào:

“Chào anh. Lâu không gặp anh. Anh vẫn làm việc bên an ninh chứ?”

Đức nói:

“Vâng, vẫn việc bên đó. Chị có khỏe không? Tôi cũng vừa mới gặp anh hôm vừa rồi.”

Bà Quỳnh vẫn còn như người đang còn hồn vía để đâu. Bà hỏi:

“Ai cơ?”

Đức trả lời:

“Anh Lương, chồng chị. Gia đình anh chị có được ổn không?”

Bà Quỳnh tần ngần, vẻ lưỡng lự.

Bà Quỳnh nói nhỏ:

“Biết nói với anh thế nào? Anh Lương càng thành đạt, tôi cảm thấy anh ấy ngày càng xa tôi.”

Đức ngạc nhiên, gặng hỏi, có ý thăm dò:

“Công việc của anh ấy rất bận. Anh ấy làm được những việc quả thật không ai làm được.”

Bà Quỳnh thở dài:

“Tôi cảm thấy lo lắm.”

Đức mỉm cười:

“Chị cả nghĩ quá. Chị lo xa rồi. Anh Lương là người có bản lĩnh và giỏi chuyên môn.”

Bà Quỳnh vẫn đuổi theo ý nghĩ của mình:

“Tôi sợ lắm. Tôi luôn cầu Trời khấn Phật phù hộ anh ấy. Lúc nào tôi cũng cảm thấy tai họa lơ lửng trên đầu.”

Đức nhẹ nhàng:

“Phật phù hộ cho chị!”

Bà Quỳnh ngẩng lên nhìn Đức:

“Cảm ơn anh!”

Ra đến ngoài đường, Đức nhã nhặn nói:

“Để tôi gọi ta-xi cho chị nhé!”

Bà Quỳnh lắc đầu:

“Thôi! Về nhà tôi cũng gần. Tôi muốn đi bộ cho khỏe chân.”

Đức dừng lại, trao túi cho bà Quỳnh:

“Chào chị! Hẹn sẽ gặp lại chị.”

Bà Quỳnh gật đầu:

“Cảm ơn anh! Khi nào anh rỗi, mời anh lại chơi.”

Hai người chia tay nhau. Bà Quỳnh đi. Đức đứng lại, có vẻ nghĩ ngợi rồi lấy điện thoại di động ra, gọi đi đâu đấy.

Đức nói nhỏ:

“A lô... Tôi muốn có toàn bộ hồ sơ về tất cả các công trình xây dựng... Tôi muốn có kết luận.”
Rõ ràng, Đức đang có nhiệm vụ kiểm tra những công việc của Nguyễn Quốc Lương và việc gặp gỡ bà Quỳnh không phải là việc vô tình.



CHƯƠNG 13

Ngôi nhà bà Quỳnh là một biệt thự kiểu cũ rất đẹp ở trong thành phố. Ngôi biệt thự này đã qua rất nhiều đời chủ. Trước đây, ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của một bác sĩ khá danh tiếng. Do công việc, ông bác sĩ phải chuyển gia đình vào ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ một người quen, Nguyễn Quốc Lương mua được ngôi nhà với giá 2 nghìn cây vàng. Gia đình Lương ở ngôi nhà này đã được tới hơn 10 năm.

Ngôi nhà hai tầng, kiến trúc theo lối Pháp có tới 8 phòng, phòng nào cũng rộng rãi. Trên tầng hai, mặt sàn được lát bằng gỗ lim, đen bóng. Mặc dầu ngôi nhà đã cũ, ngót nghét trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng do được tu sửa, chăm sóc cẩn thận nên còn rất bền vững.

Bà Quỳnh ở siêu thị về, mở cổng bước vào nhà. Nhà bà không nuôi “ô-sin” như mốt thịnh hành của các nhà giàu bây giờ. Mọi việc nội trợ trong nhà chỉ một tay bà lo hết. Ông Lương và Thành gần như đi vắng suốt ngày. Bà cứ cô đơn, âm thầm như một chiếc bóng hết làm việc này lại đến việc khác.

Bà Quỳnh cất thức ăn vào trong tủ bếp rồi lên nhà ngồi. Căn nhà trống vắng, lạnh lẽo đến dễ sợ. Đến giờ ăn trưa nhưng bà cũng chẳng thiết ăn. Hết ra lại vào, bà bèn khóa cửa lên gác vào buồng thờ Phật. Trên bàn thờ có một pho tượng Phật cổ Quan âm bồ tát sơn son thếp vàng đã tróc cả sơn. Bà Quỳnh cúi lạy trước bàn thờ Phật. Bà giở cuốn kinh Phật tụng niệm. Tiếng gõ mõ đều đều và tiếng niệm kinh lúc bổng lúc trầm khiến cho bà bớt cô đơn, cũng khiến cho ngôi nhà như ấm dần lại.


CHƯƠNG 14

Khách sạn Mélia đèn sáng rực rỡ. Trong phòng ăn có rất nhiều thực khách sang trọng. Ở một chiếc bàn trà lớn có tới cả chục người ngồi ăn. Nguyễn Quốc Lương ngồi ở giữa. Tất cả các vị khách đều mặc lễ phục và quần áo dạ hội. Họ đều là những doanh nhân có tên tuổi và địa vị trong xã hội.

Một vị khách đang thao thao kể chuyện mình cùng với đoàn doanh nhân tháp tùng Thủ tướng đi thăm Trung Quốc mới về. Ông ta kể về sự đổi thay của nền kinh tế Trung Quốc cùng với sự phát triển của các khu kinh tế mới ra sao.

Vị khách nói:

“Sau khi bôn ba gần một tháng ròng ở trên đất nước Trung Hoa, tôi có thu hoạch thế này, xin đọc các vị nghe thử.

Đi thăm đất nước Trung Hoa
Xem ra gái đẹp thua xa nước mình!
Còn như miếu mạo cung đình
Không xem cũng biết rằng mình kém xa![1]

Tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên vui vẻ.

Một vị khách nâng cốc rượu, hướng về phía Lương:

“Giải ngân xong là mọi việc coi như xong rồi. Chúc mừng anh Lương!”

Một vị khách nữ cầm cốc rượu đưa cho Lương:

“Anh uống rượu đi!”

Lương chạm cốc với mọi người, uống hết cốc rượu.

Một vị khách nam nói nhỏ với Lương:

“Anh Lương, nếu anh đồng ý đầu tư cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ trích trả anh một phần tư lợi nhuận.”

Lương gật đầu, nghĩ ngợi rồi nói:

“Để xem đã!”

Các vị khách uống rượu trò chuyện. Tất cả đều rất hưng phấn. Rõ ràng, Nguyễn Quốc Lương là trung tâm trong bàn tiệc này, mọi người đều cố làm vui lòng ông ta.

Chuông điện thoại di động réo. Lương nghe điện thoại. Đó là điện thoại của Thúy Vinh gọi.

Lương đứng lên, ra ngoài nghe máy, vẻ mặt giãn ra vui vẻ:

“Được rồi... được rồi... Khoảng nửa giờ nữa.”

Mấy vị khách nhìn Lương vẻ thông cảm:

“Sếp có khác! Lúc nào cũng bận tối ngày. Thôi! Ta kết thúc đi! Để khi khác! Sếp Lương lại phải đi rồi...”


CHƯƠNG 15

Khách sạn Ê-đen là một khách sạn xinh xắn, kín đáo nằm ven bờ Hồ Tây. Mấy năm gần đây, xung quanh Hồ Tây mọc lên rất nhiều ngôi nhà, biệt thự sang trọng. Đây trở thành một tụ điểm ăn chơi, xa hoa khét tiếng của dân sành điệu ở trong thành phố.

Trong một lần đối tác “chiêu đãi” Nguyễn Quốc Lương đã gặp Thúy Vinh, tức Vinh “chọi” ở khách sạn này. Vinh giỏi chiều chuộng, lại biết lắm ngón nghề ăn chơi nên được nhiều khách làng chơi chú ý. Lương cũng đã có vài lần qua đêm với Thúy Vinh ở đây nhưng Thúy Vinh không hề biết Lương là một nhân vật quan trọng, một VIP. Thậm chí đến tên của Lương, Vinh cũng không biết nếu không có buổi nói chuyện vô tình với ông khách hôm ở tiệm cắt tóc gội đầu.

Trong phòng ngủ, Lương nằm trên giường cởi trần. Thúy Vinh mặc váy ngủ nằm bên cạnh, bàn tay vuốt ve trên ngực Lương.

Thúy Vinh nói:

“Anh làm chức to, nổi tiếng thế mà em không biết. Em khờ quá!”

Lương mỉm cười:

“Biết để làm gì?”

Thúy Vinh vò đầu Lương:

“Anh ghê thật đấy... Ngày xưa, em cứ nghĩ rằng những người ở địa vị cao sang như anh thì chẳng bao giờ đi chơi thế này.”

Lương gỡ tay Thúy Vinh ra, cười cợt:

“Đấy là quan niệm lạc hậu xưa rồi. Bây giờ, đến Tổng thống Mỹ vẫn còn lăng nhăng cơ mà. Em biết chuyện Bill Clinton không?”

Thúy Vinh ngạc nhiên thực sự:

“Cha nội ấy là ai, em chẳng biết!”

Lương nói:

“Đại để đấy là một ông lớn hơn anh nhiều.”

Thúy Vinh thành thực:

“Em chưa bao giờ gặp một ông lớn nào ngoài anh.”

Lương nhỏm dậy, kê cái gối cao lên đầu:

“Thế là may cho em!”

Thúy Vinh tròn mắt:

“Sao lại may?”

Lương trầm ngâm:

“Theo như anh biết thì họ đều là những người nguy hiểm.”

Thúy Vinh nhìn vào mắt Lương:

“Thế anh có nguy hiểm không?”

Lương nhìn ra chỗ khác, nén thở dài:

“Không. Anh chỉ là một người thích dục vọng. Có thể vì công việc của anh căng thẳng quá. Anh luôn phải căng người ra... nói là đối phó thì hơi quá, nhưng anh là người luôn phải hứng chịu rất nhiều sức ép từ phía bên ngoài.”

Thúy Vinh rúc đầu vào ngực Lương:

“Tội nghiệp anh!”

Lương lùa tay vào những sợi tóc trên đầu Thúy Vinh:

“Cám ơn em. Đây là lời an ủi chân tình nhất mà anh nghe được trong vòng mười năm nay! Không, hai mươi năm nay!”

Thúy Vinh nhỏ nhẻ:

“Thế vợ anh không chia sẻ với anh à?”

Lương thở dài:

“Không. Đấy là một người chị, đúng hơn là một người mẹ luôn phải chịu đựng anh là một đứa con hư hỏng và điên rồ.”

Thúy Vinh cười:

“Khiếp! Anh nói em chẳng hiểu gì.”

Lương nói:

“Thật may cho em. Em hạnh phúc, em tự do ở trong dục vọng, chẳng ai ghen tị em, chẳng ai nhòm ngó em.”

Thúy Vinh dừng một lát, nhớ tới một bài báo in trên tờ “Đẹp”:

“Có người nói được tự do ở trong dục vọng thì người ta sẽ không làm điều ác, đúng không anh?”

Lương lắc đầu:

“Anh không biết... nhưng phụ nữ thường làm cho đàn ông nhân đạo hơn.”

Thúy Vinh cười:

“Nhưng phụ nữ cũng có thể đẩy đàn ông đến cái chết.”

Lương gật đầu:

“Chết vì tình thì cũng có ý nghĩa hơn những cái chết khác.”

Thúy Vinh thích chí:

“Đấy là anh nói đấy nhé!”

Lương nói, giọng rất thành thực:

“Em chưa biết rằng ở trên đỉnh cao nhiều khi người ta cô đơn đến như thế nào. Xung quanh mọi người không ai hiểu cả. Không có người đối thoại. Không có ai tri âm. Trong lòng trở nên hoang vắng. Cố gắng tìm cách thoát ra mà không thoát được... Kiếp con người đúng là một kiếp đọa đày.”

Thúy Vinh ngớ người ra, không hiểu những điều Lương nói:

“Sao anh lại đi nói những điều ấy với em?”

Lương nói:

“Có lẽ bởi vì em vô hại. Anh không biết là em có trong trắng không, nhưng rõ ràng trong lòng em không tồi tệ như những người sống xung quanh anh.”

Thúy Vinh nhích xa Lương, cảm thấy sợ con người này. Cô nói:

“Anh thật là một kẻ u ám. Trông thấy anh như trông thấy giông bão. Anh thật đáng sợ... Có lẽ em không dám yêu anh.”

Lương nhìn Thúy Vinh, bỗng dưng trở nên gắt gỏng:

“Cô yêu thế nào được tôi?”

Lương vùng dậy. Lương lấy áo sơ-mi mặc, thái độ khác hẳn, không còn là “một người đàn ông tâm sự” nữa mà đơn giản chỉ là một khách hàng.

Thúy Vinh úp mặt xuống gối, phản ứng lại yếu ớt.

Thúy Vinh ngồi nhỏm dậy trên giường:

“Em thấy sợ anh...”

Lương đã đứng dậy, quần áo tề chỉnh.

Thúy Vinh nhìn Lương, rụt rè đưa tay sờ vào người Lương:

“Em còn có thể gặp anh không?”

Lương quay đi:

“Khó đấy!”

Thúy Vinh im lặng một lúc rồi hỏi:

“Em có thể giới thiệu bạn của em không?”

Lương quay lại nhìn Thúy Vinh, cộc lốc:

“Có kháu không?”

Thúy Vinh chợt nghĩ đến Chi, ánh mắt ánh lên một tia tàn nhẫn:

“Tuyệt vời. Nó mới 13, 14 […] tuổi.”

Lương hỏi:

“Nó là gì với em?”

Thúy Vinh ra vẻ thực thà:

“Là nhân viên thôi... Em mới tuyển nó vào được ít ngày. Khách đến cửa hàng đông hẳn lên. Em bảo gì nó cũng phải nghe.”

Lương lấy tiền ra, gặng hỏi:

“Anh phải trả em bao nhiêu?”

Thúy Vinh nhìn Lương, ngần ngại:

“Tùy anh thôi. Tiền nào của nấy. Con bé này như nhụy hoa buổi sáng. Để em thiết kế vụ này cho anh.”

Lương lạnh lùng:

“Nghe thật hấp dẫn.”

Thúy Vinh cầm tiền, lưỡng lự:

“Nhưng em không dám hứa điều gì trước. Tính nết nó rất thất thường.”

Lương giang tay ra, nhún vai:

“Như thế nghĩa là còn phải phụ thuộc vào số giời nữa.”

Thúy Vinh gật đầu:

“Đúng rồi! Trăm đường không ra khỏi số.”

Lương sửa lại cà-vạt, xem đồng hồ rồi nói:

“Khi nào được thì em gọi điện cho anh.”

Thúy Vinh gật đầu lia lịa:

“Được rồi! Được rồi! Anh không phải lo!”

Lương mở cửa, trước khi ra ngoài còn nói:

“Anh đi trước nhé. Bai bai em!”

Thúy Vinh ngồi yên trên giường, làm động tác hôn gió:

“Anh đi đi. Bai bai anh! U-ki anh!”

Lương đóng cửa, ra khỏi phòng, vừa đi vừa khoác áo vét-tông.


CHƯƠNG 16

Chiếc ô tô chở Lương rời khỏi khách sạn Ê-đen đi vào thành phố. Lương ngồi trên xe đọc tài liệu. Ngày mai, Lương phải thuyết trình tại Bộ về việc tăng thêm ngân sách cho một số công trình xây dựng trọng điểm để kịp phục vụ những chương trình kỷ niệm chính trị trong năm. Cảm thấy bồn chồn, không yên tâm, Lương bảo người lái xe:

“Vòng lại đi. Đừng về Bộ nữa. Còn sớm. Cho tôi xuống công trường.”

Người lái xe gật đầu, vòng xe lại.

Chiếc xe đi về phía ngoại thành. Ở đấy, những ngôi nhà chung cư cao tầng đang khẩn trương hoàn thiện. Những chiếc cần cẩu lớn đang hoạt động. Con đường vào công trường lầy lội. Chiếc xe dừng lại ở một ngôi nhà đang xây dở.

Một đám công nhân xây dựng đang ngồi nghỉ, có vẻ rệu rã. Khi xe Lương đến, mọi người hoảng hốt, đứng lên chạy đi làm, người xây, người trộn vữa ra vẻ xăng xái. Lương ngồi trong xe nhìn thấy rõ cả.

Lương xuống xe, hỏi một thợ xây:

“Chỉ huy công trường đâu?”

Người thợ xây lúng túng đáp:

“Dạ, em không biết!”

Viên chỉ huy công trường ở đâu vội vã chạy đến, vừa chạy vừa đội mũ nhựa.

Viên chỉ huy cười cầu tài:

“Anh! Anh xuống mà không báo trước, làm cho bọn em không kịp đón anh...”

Lương cau mày:

“Thôi đi! Cho tôi đi xem các hạng mục chính, tiến độ xây dựng làm đến đâu rồi?”

Viên chỉ huy lấy thêm một chiếc mũ nhựa ra đưa cho Lương, phàn nàn:

“Thưa anh, giá sắt thép lên, xi-măng cũng lên... cả công trường vừa làm, vừa ngóng, kinh phí nhỏ giọt, công nhân vừa làm vừa nghỉ...”

Lương tránh một cái ổ gà, bực bội:

“Chết thật! Làm ăn thế này thì rồi đi tù cả nút.”

Họ vừa nói chuyện vừa đi lên gác. Lương có vẻ không hài lòng. Khi lên đến tầng thượng, Lương ngó mắt nhìn xuống. Cảnh công trường bề bộn.

Lương xem xét chất lượng bê-tông. Viên chỉ huy bối rối.

Lương nghiêm khắc nhìn viên chỉ huy:

“Anh có trực tiếp kiểm tra mác xi-măng không?”

Viên chỉ huy gãi đầu:

“Thưa anh, có.”

Lương cầm một nắm bê-tông nhão dí vào mặt viên chỉ huy, gằn giọng:

“Kiểm tra mà thế này à?”

Lương ném bê-tông xuống chân, hai tay tóm ngực viên chỉ huy.

Lương rít lên, không còn tự chủ được nữa:

“Nếu sụp công trình thì anh với tôi mọt gông trong tù. Hiểu chưa?”

Viên chỉ huy sợ hãi. Lương đẩy anh ta ra, bất lực:

“Nếu làm ăn gian dối, tất cả chúng ta sẽ không có đất chôn thây. Anh có hiểu không? Chúng ta đang ngồi ở trên lưng hổ.”

Viên chỉ huy sợ hãi gật đầu. Lương ôm đầu. Cả công trường nghiêng ngả, quay tròn.

Viên chỉ huy đưa Lương đi xem thêm vài nơi nữa, ở đấy công việc cũng chẳng hơn gì chỗ cũ.

Lương nói:

“Phải đẩy tốc độ lên. Gấp lắm rồi!”

Viên chỉ huy gật đầu, đưa Lương trở lại chỗ xe ô tô.

Viên chỉ huy hỏi Lương:

“Thưa anh, gói thầu số 8 [tám?] thế nào?”

Lương trả lời:

“Vẫn theo luật cũ.”

Lương giơ tay bắt tay viên chỉ huy:

“Tôi đi đây. Tuần sau tôi sẽ quay lại.”

Viên chỉ huy gật đầu.

Chiếc ta-xi ra khỏi công trường, qua một quãng đường lầy lội. Chiếc xe đi rất khó khăn, bánh xe tóe bùn.

Trên xe, Lương phải dùng cả hai tay bám vào thành ghế.

Chiếc xe ra khỏi quãng bùn lầy. Lương nói với lái xe:

“Cậu dừng xe một chút.”

Lái xe quay đầu lại, ngạc nhiên. Anh ta hỏi:

“Thủ trưởng mệt à?”

Lương gật đầu, lấy thuốc ra uống, bình tĩnh lại.

Lương nhắm mắt lại, bảo người lái xe:

“Được rồi! Đi đi.”


CHƯƠNG 17

Từ công trường, chiếc xe ô tô chở Lương đi thẳng về nhà. Giờ này là giờ tan tầm, đường phố Hà Nội đông nghịt người xe.

Qua chỗ đường chắn tàu hỏa, người xe ùn lại. Tắc đường! Chiếc xe ô tô chở Lương nhích dần từng bước, phải tới nửa giờ mới qua được bên kia đường. Lương ngồi trong xe, mệt mỏi trông ra bên ngoài. Chẳng biết cho đến khi nào mới hết cảnh này? Mười năm, hay hai mươi năm trời nữa?

Lương mở cửa bước vào nhà. Căn nhà vắng lặng.

Bà Quỳnh vẫn ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật. Lương vào. Bà Quỳnh vẫn như không để ý.

Lương bực mình, quăng cặp da, cau có:

“Suốt ngày tụng kinh gõ mõ! Suốt ngày tụng kinh gõ mõ!”

Bà Quỳnh vẫn ngồi điềm nhiên, không quay đầu lại:

“Mặc kệ tôi!”

Lương rít lên:

“Liệu Phật có cho tiền không? Hay để tôi suốt ngày cứ phải nai lưng làm việc nuôi cả nhà này?”

Bà Quỳnh rành rẽ:

“Không ai ăn bám ông cả.”

Lương cười nhạt:

“Phải! Không ai ăn bám!”

Bà Quỳnh cất quyển kinh Phật, đứng lên buồn rầu:

“Hôm nay tôi gặp ông Đức bên công an, người ta đồn thổi về ông nhiều điều.”

Lương hỏi, giọng bực bội:

“Đồn gì? Một lũ chó chết!”

Bà Quỳnh nghiêm trang:

“Ông ăn hối lộ, làm ăn gian dối. Ông trai gái. Toàn chuyện đồi bại.”

Lương đi lại cuối phòng, quay ngoắt người lại:

“Tôi không sợ! Làm gì được tôi?”

Bà Quỳnh im lặng một lúc rồi nói, nhẹ nhàng:

“Làm chức vụ to thì phải tu nhân tích đức. Quyền hành lớn mà đức mỏng thì chỉ rước vào tai họa.”

Lương vung tay:

“Xin bà, bà đừng có dạy khôn tôi.”

Bà Quỳnh quay đi:

“Tôi không dám dạy khôn ông. Ông phải làm gương cho hai đứa con...”

Lương bực mình, quát lớn:

“Thôi, đủ lắm rồi. Im đi! Tôi không muốn mỗi khi về nhà, lúc nào vợ chồng cũng như quân thù quân hằn.”

Bà Quỳnh nhìn Lương, ngạc nhiên:

“Đấy là tự ông gây thù, chuốc oán, không ai đi gây thù chuốc oán với ông!”

Lương cầm lọ hoa ném xuống sàn nhà, bỏ đi ra, để mặc bà Quỳnh đứng lại.


CHƯƠNG 18

Nguyễn Quốc Lương đi trên hè, vừa đi vừa mặc áo vét-tông, tâm trạng không tốt.

Lương và bà Quỳnh biết nhau cách đây đã 28 […] năm. Lúc ấy miền Nam vừa được giải phóng, cả nước hân hoan mừng nước nhà thống nhất. Lương rời quân ngũ trở về.

Lương trở về, vào học tại trường Đại học Bách khoa, thực hiện mơ ước của thời trai trẻ. Song, những năm tháng ở chiến trường đã để lại trong Lương nhiều thương tật. Năm bữa nửa tháng Lương lại phải vào nằm bệnh viện. Ở đây, Lương quen bà Quỳnh bấy giờ vốn là một bác sĩ ở trong bệnh viện. Cảm phục sự tận tình chăm sóc của người bác sĩ đức độ, Lương ngỏ lời cầu hôn, mặc dầu biết bà Quỳnh hơn mình 6 tuổi.

Đôi vợ chồng sống với nhau có được hơn mười năm thật hạnh phúc. Sau nhiều lần không đậu, cuối cùng họ có được đứa con trai kháu khỉnh. Đấy là Thành, hiện đang học năm thứ tư Đại học Kinh tế Quốc dân.

Từ khi Lương lên Tổng giám đốc công ty xây dựng, công việc khiến Lương nhiều ngày phải sống xa nhà. Quan trường và tiền bạc dần dần tha hóa khiến Lương không còn giữ được bản tính ngày xưa. Lương trở nên ích kỷ, cộc cằn. Đồng tiền đã làm cho Lương trở thành một con người khác. Tuy sống một nhà nhưng Lương và bà Quỳnh hai người gần như những kẻ ly thân. Bà Quỳnh âm thầm chịu đựng Lương, cốt giữ nếp nhà yên ấm để Lương rộng đường theo nghiệp công danh. Tất cả tình thương của bà trút vào đứa con trai. Thành là một thanh niên tốt, luôn gần gũi mẹ. Đối với bố, Thành có phần xa cách và thậm chí còn lạnh nhạt nữa.

Trong thâm tâm, Lương rất biết ơn vợ. Lương biết bà Quỳnh một mực tận tuỵ hy sinh, trước sau một lòng chung thuỷ. Biết Lương có thói phong tình, bà Quỳnh vẫn âm thầm chịu đựng và luôn giữ gìn danh dự, sĩ diện cho chồng, không hề ghen tuông, đố kỵ như những người đàn bà khác.

Lương đi bộ trên hè phố. Lương cũng thầm tự trách mình. Lương biết mình bực bội với bà Quỳnh thật là vô lý. Nhưng có lẽ do tâm trạng buồn bực có sẵn lúc ở công trường đã tác động đến Lương. Nhiều lần, Lương đã tự nhắc mình không nên mang những lo toan buồn bực trong công việc trút lên đầu vợ, nhưng rồi không hiểu tại sao hễ bước về nhà là Lương không kiềm chế được. Thương vợ, oán trách mình. Tâm trạng nặng nề ấy khiến Lương bứt rứt. Một chiếc xe xích lô ghé vào bên Lương:

Người đạp xích lô hỏi:

“Đi xe không ông?”

Lương lên xe, chưa thoát khỏi tâm trạng buồn bực.

Người đạp xích lô hỏi tiếp:

“Ông đi đâu?”

Lương trả lời:

“Đi đâu cũng được.”

Chiếc xích lô đi chậm. Lương ngồi lên xe, thở dài, nét mặt u ám, rất khủng khiếp. Bóng điện trên đường phố hắt vào dòng người xe đang trôi.


CHƯƠNG 19

Thành là một sinh viên xuất sắc trong trường. Tính nết Thành sôi nổi, hăng hái. Học giỏi, thông minh, Thành tham gia hầu hết các sinh hoạt đoàn thể trong trường, từ thể dục thể thao, văn nghệ đến cả việc làm trưởng nhóm câu lạc bộ tin học trong trường là một việc không phải ai cũng làm được.

Ngoài giờ đi học, Thành còn làm thêm ở một tiệm ăn nhanh gần trường. Đây là tiệm ăn của các công chức làm việc trong các công sở nhà nước gần đó.

Tối nay là phiên trực của Thành. Cậu mặc trang phục của nhà hàng màu xanh lá cây, trước bụng buộc cái tạp dề màu trắng. Thành hối hả chạy đi chạy lại phục vụ các bàn ăn, khi thì bưng khay thức ăn, khi thì rót bia từ một cái “bom” bia khổng lồ.

Khoảng tám giờ tối thì Hằng, người yêu Thành, ăn mặc trông khá sexy thập thò ở cửa, vẫy tay.

Thành nhìn thấy vội giúi khay thức ăn vào tay một khách hàng. Đấy là một cô đeo kính vừa mới bước vào. Cô này ngạc nhiên, không hiểu sao cả.

Thành mỉm cười nói với cô đeo kính:

“Nhờ chị cầm giùm!”

Nói xong Thành chạy ra cửa gặp Hằng.

Hằng chìa ra hai chiếc vé xem phim:

“Đi xem không? “Thập diện mai phục” của Trương Nghệ Mưu. Phim hay hết sảy.”

Thành gãi đầu gãi tai:

“Nhưng anh đang bận!”

Hằng dài môi, chèo kéo:

“Thì xin nghỉ đi!”

Thành cười:

“Đang đông khách. Ông chủ đuổi việc thì nguy.”

Hằng quay đi, ngúng nguẩy:

“Mặc kệ anh! Nếu không em đi với người khác đấy!”

Thành xoay người Hằng lại, làm lành:

“Thôi nào, thôi nào! Để anh vào xin phép đã.”

Hằng cười, gật đầu bằng lòng.

Thành chạy vào đỡ khay thức ăn trên tay cô đeo kính. Thành nói:

“Cám ơn chị nhiều!”

Cô đeo kính lắc đầu, vẻ thông cảm.

Thành cất khay thức ăn, gãi đầu gãi tai đến chỗ ông chủ tiệm ăn, tay vò vò chiếc tạp dề.

Ông chủ đã nhìn thấy Thành và Hằng nói gì ở ngoài cửa ra vẻ thản nhiên:

“Cái gì? Lại xin nghỉ việc phải không?”

Thành cười nịnh:

“Kẹt quá! Mẹ em ốm, người nhà đến gọi em về.”

Ông chủ ra vẻ nghiêm khắc:

“Thôi đi, chắc bồ đến gọi phải không?”

Thành vội vàng láu táu:

“Không! Mẹ em ốm thật! Em xin thề!”

Ông chủ lắc đầu:

“Thề với thốt gì! Đừng có giấu tao... Mày đừng có xạo! Nếu nghỉ hôm nay thì phải làm thêm ba buổi không lương. Chịu không?”

Thành phấn khởi:

“Chịu!”

Nói xong lại đứng tần ngần.

Ông chủ ngạc nhiên:

“Lại còn gì nữa?”

Thành cười trừ:

“Em không còn tiền mua thuốc cho mẹ em... Em muốn xin tạm ứng lương.”

Ông chủ tiệm ăn cười ngất, lấy tiền ở ví ra cầm tay:

“Thằng nhỏ! Mẹ mày đứng chờ ngoài kia phải không? Mày đừng có xạo! Mày muốn lấy tiền thì phải nói thực với tao. Có đúng đi với bồ không?”

Thành bối rối, gật đầu.

Ông chủ trìu mến:

“Biết ngay mà! Đừng hòng qua được mắt tao.”

Thành giật lấy tiền, hôn chút lên má ông chủ rồi chạy đi để ông ta đứng lại, đưa tay lên má, sững sờ.

Thành cởi tạp dề, lại giúi vào tay cô đeo kính rồi chạy ra ngoài cửa kéo Hằng. Cả hai đến chỗ dựng xe máy, vừa chạy vừa cười như nắc nẻ.


CHƯƠNG 20

Đường phố Hà Nội ban đêm ở khu trung tâm vẫn đông nghịt người.

Chiếc xe xích lô chở Nguyễn Quốc Lương vẫn đi trên đường phố.

Chiếc xe xích lô đi đến gần một khách sạn lớn. Một tốp thanh niên đi xe máy phân khối lớn chạy ào qua cười nói vui vẻ. Trên một chiếc xe @, Thành đèo Hằng. Cả hai buộc trên đầu hai dải băng đỏ. Hằng ôm chặt lấy eo lưng Thành. Chúng nhìn thấy Lương.

Lương nói với người xích lô:

“Cho tôi xuống đây.”

Lương trả tiền, đi vào khách sạn.

Chiếc xe chở Thành và Hằng vòng lại. Bọn bạn Thành ngạc nhiên nhưng Thành ra hiệu cho chúng phóng đi.

Hằng chỉ tay:

“Bố anh kìa!”

Thành dừng xe nói với Hằng:

“Anh biết rồi! Xuống đi em. Anh muốn xem ông ấy làm gì.”

Hằng nói:

“Thôi đi! Em sợ muộn giờ xem phim.”

Thành xem đồng hồ:

“Không sợ đâu! Còn sớm mà em.”

Cả hai dựng xe, vào khách sạn, dừng ở cửa theo dõi Lương.

Lương ra quầy bar, lấy chìa khóa phòng, ra cầu thang máy.

Thành và Hằng chạy ra cầu thang máy nhưng bị nhân viên khách sạn ngăn lại.

Người nhân viên giơ tay trước mặt hai người:

“Cô cậu đi đâu?”

Thành chỉ tay:

“Tôi theo ông kia!”

Người nhân viên lắc đầu:

“Xin lỗi, đấy là khách VIP ở đây. Cô cậu cần gì?”

Thành trả lời:

“Tôi là con ông ấy.”

Người nhân viên nhã nhặn:

“Xin lỗi, nếu ông ấy không cho phép thì vợ con cũng không vào được. Đấy là nguyên tắc.”

Thành bực mình:

“Quỷ tha ma bắt nguyên tắc của anh!”

Người nhân viên cương quyết:

“Xin cậu ăn nói cẩn thận. Xin mời cô cậu đi ra.”

Thành hậm hực cùng Hằng đi ra.

© 2006 talawas

[1]Bút danh mà Nguyễn Huy Thiệp dùng cho cuốn tiểu thuyết này vốn là Nguyễn Thiên Đồng (talawas chủ nhật).
[2]Thơ Nguyễn Bảo Sinh

Nguyễn Huy Thiệp (1950) được coi là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại quan trọng nhất, với những truyện ngắn đã trở thành kinh điển trong văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, làm nên một phong cách không thể trộn lẫn. Những năm gần đây, ông liên tục gây dư luận và gây tranh cãi trong những thể loại khác, như qua loạt tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” (2004), “Thời của tiểu thuyết” (2003), tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu (2003), vở kịch Mổ nhà văn (2004, bút danh Thích Thiện Ngân) và gần đây nhất là tiểu thuyết chương hồi Võ lâm ngoại sử (2005, bút danh Tiểu Ngọc).

Nguyễn Huy Thiệp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại Hà Nội với vợ và hai con trai.

Website Nguyễn Huy Thiệp: http://nguyenhuythiep.free.fr/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài