talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 17.07.2008


Đào HiếuLạc đường


Dao Hieu
Đào Hiếu

“Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi ‘nhĩ thuận’ nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.”

Đó là những lời ở chương cuối, mang tên Một đời không bến bờ, trong cuốn tự truyện mang tên Lạc đường của một người từng tích cực góp phần trong những chặng đường quan trọng của dân tộc Việt Nam gần nửa thế kỉ qua: phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, Việt Nam sau chiến tranh, Việt Nam đổi mới và sau đổi mới, ở vị trí của một nhà báo và nhà văn làm việc lâu năm tại hai cơ quan truyền thông hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh – báo Tuổi Trẻ và Nxb Trẻ. talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu tác phẩm vừa hoàn thành này của nhà văn Đào Hiếu.

talawas chủ nhật

 

Đào Hiếu

Lạc đường

(Tự truyện)

Mục lục

  1. Bayle và anh Việt cộng chịu chơi
  2. Huế, những cây vả và sương mù
  3. Những ánh lửa đốt đồng
  4. Trận đánh không được báo trước
  5. Vụ Huỳnh Tấn Mẫm
  6. Từ nhà tù đến trại tập trung
  7. Con nhện và Sisyphe
  8. Đại đội 22 trinh sát
  9. Mẹ tôi
  10. Trí thức nằm vùng
  11. Cô “Múa Đẹp” của Kôngpông Thom
  12. Tiếng leng keng của tàu điện
  13. Chút quà tặng của mùa Đông
  14. Chú mọi nhỏ của Dã Nhân
  15. Thế giới đang bốc mùi
  16. Những cộng tác viên của tôi
  17. Những chiếc lá rơi vào bụi hồng
  18. Lời thú tội của một sát thủ
  19. Đến Mỹ một lần rồi chết
  20. Chia tay
  21. Những con chó rơm của Khổng Tử
  22. Linh hồn của chuyến công tác
  23. Con cá voi trong ly nước
  24. Cuộc hội ngộ ở Saint Petersburg
  25. Cha tôi
  26. Nhìn đâu cũng thấy núi
  27. Sát thủ, gái điếm và đĩ đực
  28. Bỉ quân tử hề!
  29. Con chim sẻ cuối cùng ở Hàng Châu
  30. Một đời không bến bờ


1 - 5 6 - 10 11 - 15 16 - 21 22 - 30


6. Từ nhà tù đến trại tập trung

Bọn thanh niên bất phục tùng là một đám ô hợp, hỗn tạp như đất đá, như đống xà bần bẩn thỉu, vứt bừa bãi trong xó xỉnh ẩm mốc, u ám.

Sau một đêm trần truồng, nằm ngồi ngổn ngang, ngủ gà ngủ gật trong những phòng giam chật hẹp nhơm nhớp mồ hôi, nồng nặc hơi người, phân người, nước tiểu… bầy tù được thả ra sân cho hít khí trời, cho ăn uống, cho tiếp tục làm các thủ tục, giấy tờ để xếp loại, hỏi cung, để bạt tai, đá đít, để mắng mỏ, chửi thề…

Bọn cán bộ tên nào cũng cầm một cuốn sổ, mỗi tên phụ trách một nhóm. Chúng đếm đi đếm lại, ghi chép, cộng trừ, la hét, đánh đập những kẻ ngồi không ngay hàng, rồi lại ghi chép, chỉ chỏ. Xong việc cho giải tán. Lúc đó cửa cổng chính mở ra một bên. Những người đàn bà bán hàng rong quảy gánh chạy vô trại.

"Cháo dô! Cháo dô!"

Tiếng kêu ấy dấy lên, truyền đi như tiếng vang giữa hang đá.

Loài người quây quần, cắm cúi, xương xẩu và trần trụi. Không còn lại gì ngoài những cái miệng lớn húp chùn chụt thứ nước xúp cay xè tiêu và ớt, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.

Tôi bị nhốt ở đó mười hai ngày, làm quen với một ông thợ mộc man khai lý lịch, một tay du đãng nguyên là lính biệt kích Mỹ. Hắn và tôi đã vạch một kế hoạch trốn trại, theo đó thì vào lúc 5 giờ sáng, điện tắt, bọn tôi sẽ leo lên mái nhà nhảy qua hàng rào thứ nhất. Chúng tôi sẽ lấy bao cát ở đó chất lên các đầu cọc của hàng rào thứ hai rồi phóng ra đám mía phía ngoài.

Cuộc đào thoát ấy bị thất bại vì một biến cố bất ngờ. Ngay lúc chúng tôi chuẩn bị đặt bao cát lên những đầu cọc thì đồn quân cảnh kế bên nhà lao bị Việt cộng pháo kích. Tên lính gác lô cốt quay lại. Cả ba anh em chúng tôi đều bị bắt nhốt trong phòng tối một tuần lễ.

Mấy ngày sau đó phòng giam nhận thêm bảy người: năm dân chài, một giáo sư tư thục và một nhà sư.

Nhà sư đó chính là Dã Nhân.

Anh mặc chiếc áo nâu già bạc màu, đầu nhẵn bóng in nhiều vết cháy của trầm hương, chân đi guốc mộc. Chúng tôi đều ngỡ ngàng trước cuộc gặp mặt này.

Nhà sư thì khó có thể tượng tượng được rằng một “nhà cách mạng vĩ đại” như tôi bây giờ phải nằm trong trại lính. Còn tôi thì cứ ngỡ rằng bạn mình đã tu thành chánh quả.

Chúng tôi kéo nhau ra ngồi ở góc tường sau trại giam.

"Sao lại ra nông nỗi này”, Dã Nhân hỏi.

"Xuống đường chống Mỹ bị tù. Giấy hoãn dịch hết hạn. Bị tống vô đây."

"Còn tôi, mẹ tôi bán bốn con heo một trăm ngàn để mua một tờ giấy hoãn dịch tu sĩ. Không ngờ đó là giấy giả."

Khi ôn lại chuyện cũ, Dã Nhân hỏi:

"Thầy Long bây giờ ở đâu?"

"Chết rồi!"

"Sao nghe nói đi vô rừng?"

"Bị bom B52. Chết ở chiến trường miền Đông Nam bộ, tháng 10 năm 1968."

Chúng tôi sống lại những ngày biểu tình rầm rộ ở Quy Nhơn. Vụ đánh sập lầu Việt Cường và sau đó là trận xạ kích tàn khốc của máy bay Mỹ trên đầm Thị Nại, giết chết hàng trăm ngư dân, trong đó có ba của Dã Nhân.

Giờ đây, nhìn lại mình, chúng tôi chỉ là những tên phạm nhân ốm nhom, đen đủi, rách rưới, thảm hại.

Cái nỗi buồn mênh mông ấy tràn đến khi tôi tình cờ đi ngang qua một chiếc xe du lịch đậu trong sân trại giam, soi mặt mình trong tấm kính chiếu hậu. Đó là một bộ mặt quắt lại, mắt trũng xuống, tóc húi cao gần như trọc. Đó là bộ mặt của một đứa trẻ mồ côi đi ăn xin ở đầu đường xó chợ. Dã Nhân cũng thế, trên gương mặt anh không còn nét ung dung tự tại của vị tì kheo ngồi thiền giữa hoàng hôn và thấy mình hóa thân thành con hạc bay qua rừng trúc.

Người nào cũng đờ đẫn, thất thần, mệt mỏi.

Rồi tất cả choàng dậy sau hồi còi dài, mắt đỏ ngầu, nhễ nhại mồ hôi. Tất cả tập họp điểm danh và lãnh phần ăn chiều.

Một tuần sau, anh em chúng tôi bị chất lên một chiếc xe GMC có lính vũ trang áp tải đưa đến Trung tâm Nhập ngũ. Trong chuyến đi ấy có một người chạy thoát nên số còn lại bị quật báng súng tới tấp vào đầu và bị buộc phải cúi rạp xuống sàn xe như bầy súc vật.

Xế chiều, chúng tôi đến Trung tâm Nhập ngũ.

Thực chất đó là một trại tập trung.

*


Đám thanh niên bất phục tùng lủi thủi đi như những tên ăn mày. Dường như không ai nói một lời nào cho đến khi ngửa tay lãnh chiếc chiếu nylon màu chàm và nối đuôi nhau trở về khu dành riêng cho bọn họ.

Lớp “đàn anh” đã được gởi đi các quân trường, số còn lại là những người tật nguyền đau ốm.

Những người mới đến, mệt mỏi đi tìm chỗ nằm rồi ngủ thiếp đi trong cơn choáng váng vì đoạn đường dài mà họ đã vượt qua.

Tên du đãng nằm ngoẻo cổ, cái đầu trọc lóc nhô ra khỏi cánh tay trần xăm đầy hình nham nhở. Tât cả đều bất động như khúc cây, như cục đá lăn lóc, vô giá trị và tàn nhẫn.

Dã Nhân thì lọt thõm trong bộ quân phục rộng thùng thình và nhàu nát. Trước đây tôi đã quen nhìn Dã Nhân trong chiếc áo tu sĩ màu nâu già, đầu cạo nhẵn bóng, bây giờ tự nhiên từ trong cái đống vải màu xanh cứt ngựa kia bỗng nhô ra một cái đầu, tóc lởm chởm không có đường ngôi, không có hàng lối. Mặt anh nghiêng qua một bên, trông như cụt lại và xám đen. Có lúc tôi cảm thấy Dã Nhân đã biến mất, thay vào đó là một thằng người nào xa lạ vô danh. Dường như Dã Nhân đã bị đem đi đâu rồi và người ta đã tráo vào đó một kẻ khác. Dường như mụ phù thuỷ đã đến từ chặp tối và biến nhà tu thành một con vượn nhỏ giữa lúc anh đang ngủ.

Tôi mở mắt thao láo, nhìn đăm đăm vào những con người đang lăn lóc chung quanh mà không để ý đến người nằm cạnh mình. Nãy giờ ông ta trùm mền kín mít, bây giờ đột nhiên run rẩy mạnh đến nỗi chiếc mền sắp tuột ra khỏi giường. Dường như ông ta không đủ sức kéo chiếc mền lại, nó đã rớt xuống đất một nửa. Tôi ngồi bật dậy, định giúp ông, nhưng bắt gặp một đôi mắt trợn trừng. Đầu của ông lắc lư liên hồi, hai môi khô cứng, mở hoác ra, méo xệch. Hàm răng dưới lởm chởm, đôi gò má nhô lên khỏi hai con mắt sâu hoắm, trắng dã, trợn trừng. Đôi tay chới với, run bần bật vươn tới trước trong một dáng điệu cố gắng khốc liệt và tuyệt vọng.

"Bác, sao vậy bác?"

Nhưng ông ta vẫn cứ chới với hai tay, thở hổn hển đứt đoạn, tưởng chừng như sắp chết ngạt. Một lúc, ngón tay ông duỗi ra được, chỉ về phía cái biđông nước.

Tôi mở nắp biđông, định cho ông uống, nhưng vừa mới đưa cái biđông ra trước mặt thì, bằng hết sức bình sinh, ông ta vồ lấy, trút xối xả xuống mặt mũi. Cái miệng há ra, đói khát. Nước xối tràn ra mặt mũi, ngập cả đôi mắt trắng dã trợn trừng. Mặc kệ, ông vẫn nuốt ừng ực, cuống quýt, khốn khổ. Lát sau, chiếc biđông rời khỏi tay, rơi xuống đất, hai cánh tay cũng rớt xuống chiếu. Ông nằm ngoẻo cổ. Kiệt sức. Đôi mắt nhắm lại và hơi thở dường như đã biến mất.

Tôi đứng sững, lát sau mới cúi xuống nhặt chiếc mền lên, đắp lại cho người đàn ông khốn khổ.

*


Một tuần sau tôi bị điều đi làm việc ở nhà bếp.

Xếp sòng ở đây là một anh hạ sĩ răng vàng. Thấy chúng tôi bước vô, hắn hỏi:

"Mấy đứa?"

"Tám đứa."

Hắn ra lệnh:

"Thằng nào biết chữ thì ghi tên tất cả lại cho tao rồi ở luôn trong này mà nấu nướng dọn dẹp, hễ tao hứng lên là tao điểm danh, sót đứa nào là tao cho bò."

Tôi làm theo lời gã. Xong việc, gã phát cho mỗi người một cái xẻng:

"Một đứa lên bếp xúc cơm đổ vô cà mèng, một đứa đem cà mèng cơm lại đàng kia chồng lên cà mèng canh rồi xếp lại ngay ngắn."

Bọn thanh niên tuân lệnh răm rắp. Hạ sĩ răng vàng day sang tôi và Dã Nhân:

"Hai thằng này đi nấu nước trà. Củi ở bên hàng rào, cây nào ở trên chụm trước, lấy lộn xộn cũng bò luôn."

Dã Nhân đứng tần ngần bên bể nước, giống hệt chàng Sạclô, nhìn mệt mỏi xuống những thúng gạo lớn. Bắp cải, dưa chuột lăn lóc dưới chân.

Tôi nhảy lên thành bể nước, kéo cái thùng sắt.

"Phụ một tay", tôi nói.

Dã Nhân đỡ thùng nước xuống để dưới chân nhưng không chuyển đi. Anh móc trong túi ra một cái chai nhỏ, đưa cho tôi. Chai đựng một thứ nước trắng đục như sữa. Tôi mở nắp ngửi, thấy mùi hăng hăng

"Mủ xương rồng?" Tôi hỏi.

Dã Nhân đưa mắt ngó hạ sĩ răng vàng, gật đầu. Tôi lại hỏi:

"Ông định làm chuyện đó?"

"Coi như bỏ một con mắt"

"Tại sao không chặt ngón tay trỏ?"

Dã Nhân cười, cái môi thâm mở ra, buồn tênh.

"Tao nghĩ kỹ rồi. Bỏ con bên trái.

Cái giọng lạnh lùng ấy của Dã Nhân, tôi chưa nghe lần nào. Nó làm tôi sợ. Và tôi càng sợ hơn khi nhìn thấy cái bóng của bạn mình méo mó dưới đáy bể nước chao động, không còn ra hình dáng con người.

*


Mưa giông dữ dội. Đêm nào tôi cũng chui xuống hầm trốn pháo kích mà ngủ. Hầm được xây bằng những thùng phuy chứa đầy cát, phía trên nóc lợp vỉ sắt và đổ cát thật dày. Nước mưa đọng trong cát, rịn xuống, nhỏ giọt trên mặt đất. Bọn tôi trải chiếu nằm kế nhau. Tên du đãng thắp ngọn đèn cầy cắm trên cục gạch.

Nó tựa lưng vô vách hầm, rụt cổ xuống, im lặng hút thuốc. Trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy, nó trông giống một nhà sư khất thực.

Dã Nhân mơ ngủ nói ú ớ trong xó tối. Anh nằm lim dim, hai cái chân khẳng khiu cong lại, co ro, xương bánh chè nhô lên khỏi đầu gối, thân thể lép xẹp như con cá khô, như một người châu Phi chết đói giữa sa mạc.

Một hồi còi chợt rúc lên. Dã Nhân mở mắt ra, hỏi:

"Cái gì vậy?"

Tên du đãng đáp:

"Còi thổi tập họp."

Tôi giục:

"Nhanh lên! Nó phạt bây giờ!"

Nhưng hình như Dã Nhân vẫn chưa thoát khỏi cơn mơ. Mọi người đã chạy ra hết ngoài sân. Mưa vẫn rả rích. Tiếng tu huýt rúc lên. Tiếng cán bộ la hét.

Dã Nhân bước ra ngoài mưa, như kẻ mộng du.

Tên trung sĩ chặn anh lại, hỏi gay gắt:

"Làm gì bây giờ mới ra?"

"Tôi ngủ quên,"

Một cái tát làm Dã Nhân lảo đảo. Tên trung sĩ hét lên:

"Cởi quần dài ra! Quỳ xuống đi bằng hai đầu gối từ đây đến cầu tiêu cho tao."

Hàng trăm thanh niên bất phục tùng đứng im phăng phắc trong sân sáng choang ánh đèn.

Dã Nhân đứng thất thần như kẻ sắp bị đem đi hành quyết. Anh cởi bỏ quần dài rồi quỳ xuống nền đất đầy cát sạn.

Tên trung sĩ ra lệnh:

"Đi!"

Dã Nhân lê tới. Những viên sạn bén nhọn cứa trên hai đầu gối. Anh cắn răng, cố chịu đựng. Tên trung sĩ nhảy tới, vung roi ngựa quất tới tấp lên đầu và lưng Dã Nhân. Anh trợn mắt tiến tới, máu đầm đìa hai đầu gối, nhuộm đỏ những hòn sạn đau buốt, buộc anh phải dừng lại. Nhưng cú đạp của tên trung sĩ đã làm anh chúi mũi. Dấu chiếc giày trận trên lưng anh in rõ nét như vẽ bằng một thứ bùn đặc sệt.

Dã Nhân gượng dậy, nghiến răng tiến tới trên hai đầu gối trong nỗi uất hận điên cuồng. Khi đến cuối sân, anh đứng dậy thì thịt ở hai đầu gối đã rữa nát, máu chảy ròng ròng xuống hai ống chân.

Anh quay về, chậm rãi, nghiêm nghị, mặt ngẩng lên như chàng giác đấu vừa hạ con sư tử.

Cái nhìn bốc lửa của anh khiến tên trung sĩ rúng động. Và để trấn áp cơn sợ lạ lùng vừa ập đến, hắn hét lên:

"Cho mày nhớ đời!"

Nhưng hắn không thấy bàn tay Dã Nhân đã nắm chặt lại. Đến quỷ gác cửa địa ngục cũng không dữ hơn anh lúc ấy. Cái đấm bay tới điên cuồng. Tên trung sĩ ngã ngửa. Hắn rú lên, đưa hai tay bụm mặt, máu rịn ra quanh kẽ ngón tay.

"Bắt nó! Bắt nó!"

Ba bốn thằng lính chạy lại. Chúng đánh anh bằng báng súng. Giày “xô” đạp lên ngực, thúc vào ba sườn. Dã Nhân bị hất văng đi, nhủi xuống bùn, nhưng anh không kêu một tiếng.

Một cú đá nào đó đã làm vỡ môi anh, máu ứa ra đầy miệng. Anh lăn lóc giữa trận đòn thù như đoạn củi khô. Anh lờ mờ cảm thấy thân thể mình đang tan vỡ từng mảng đẫm máu.

Cuối cùng, người ta đem đến một chiếc còng sắt. Một cái lệnh ngắn và gọn được ban ra:

"Nhốt vô chuồng cọp. Một tháng!"


7. Con nhện và Sisyphe

Sau giải phóng Dã Nhân cởi áo tràng, bỏ chùa đi bụi đời. Dù vậy tôi vẫn coi ông như sư phụ của mình vì ông rất uyên bác về Phật học và nhiều vấn đề xã hội khác.

Ông thường hay la cà với đám thợ hồ, thợ mộc và phu xích lô, chiều chiều lai rai ở mấy cái quán cóc trong xóm lao động. Nhiều khi say quá mà không chịu về, ông thường ngồi một mình, mắt mờ đi, nhìn hoàng hôn tím sẫm sau những mái tôn nám khói. Khi tiên sinh trở về thì đã chạng vạng tối, có lần sẩy chân lọt xuống sình. Chòm xóm đến kéo lên, dội nước cho sạch bùn rồi cõng về nhà. Lại có khi đi ăn giỗ về, quá chén, vừa bước qua cổng nhà đã ngã vô bụi ớt nằm bất động mê man đến nỗi kiến lửa cắn nát cánh tay vẫn không hay. Khi đưa vô bệnh viện thì da tay rộp lên những bong bóng nước chi chít, còn đầu thì rỉ máu.

Mấy hôm nay tâm trí Dã Nhân thường bất ổn

Tôi chơi nhạc Trịnh cho ông nghe.

Có một dạo bị mất ngủ, tôi phải nằm điều trị ở Bệnh viện Y học Dân tộc. Sếp ở đây là bác sĩ Trương Thìn, anh có một phòng riêng ở đó. Mỗi sáng anh thường đến bệnh viện vào lúc 9 giờ và tôi mò đến chơi với anh. Anh có cây ghita rất tốt và tôi đã chơi nhạc Trịnh theo lối cổ điển cho anh nghe. Anh nói:

"Mình lấy làm lạ tại sao ông bị stress. Một người có ngón đàn như thế không thể bị stress được."

Tôi tin đó không phải là một lời khen suông để lấy lòng vì thế tôi vẫn đàn cho Dã Nhân nghe mỗi khi ông bất an. Tôi muốn đem lại sự thanh thản cho ông bằng những lời thủ thỉ:

Suối đã từng bàn chân em qua…

Và tiên sinh đã thiếp ngủ.

Tôi đặt cây đàn xuống. Đêm tràn qua cửa sổ. Tôi vẫn ngồi cho đến khi không còn nhìn thấy hai bàn tay mình đang đặt trên đầu gối. Dã Nhân cũng chìm khuất, hoà lẫn trong biển im lặng.

*


Nửa đêm tiên sinh gọi tôi dậy:

"Ngươi có biết triết học bắt nguồn từ sự sợ hãi không?"

"Biết. Tư tưởng Phật giáo bắt nguồn từ sinh, lão, bệnh, tử. Đó là sự sợ hãi."

"Không phải chỉ Phật giáo. Mọi hệ thống triết học đều bị ám ảnh bởi cái chết và cố gắng vượt qua nó."

Tâm hồn Dã Nhân giờ đã lắng xuống như ly nước để qua đêm. Trên mặt thì trong sạch tinh khiết nhưng dưới đáy ly vẫn còn bụi bặm của cả một đời người. Cái cặn ấy không đổ đi được, không lọc sạch được và sẵn sàng bị khuấy động.

Tiên sinh không thể ngồi thiền. Tâm của ông không ở với thân. Nó như con khỉ nhảy nhót không ngừng, nó như con ngựa chạy. Phật giáo gọi trạng thái này là “tâm viên ý mã.” Vì thế mà ông thay thiền bằng rượu.

Tôi hỏi tiên sinh:

"Thầy nghĩ gì về Eckhart Tolle?"

"Đời ta có hai lần hạnh phúc. Lần thứ nhất là năm ta mười tám tuổi, đọc Nam Hoa kinh của Trang Tử và lần thứ hai năm ta sáu mươi tuổi đọc The Power of Now của Eckhart Tolle tiên sinh. Đó là những cuốn sách làm ta sững sờ kinh ngạc."

Tôi nói:

"Thực ra Eckhart Tolle cũng chỉ diễn đạt tư tưởng của Phật Thích Ca."

"Không sai. Nội dung của cuốn The Power of Now là sự hiện đại hóa pháp môn Chánh Niệm, một nội dung rất quan trọng của Bát Chánh Đạo. Ông đã dùng ánh sáng luận lý của triết học phương Tây để quảng diễn một cách sâu sắc và cụ thể pháp môn này. Phật giáo rất coi trọng pháp hành hơn lý thuyết suông. Và Chánh Niệm là phần quan trọng nhất trong pháp hành. Thậm chí ta có thể nói đắc đạo hay không đắc đạo, thành Phật hay không thành Phật, Niết bàn hay không Niết bàn… cũng đều nằm trong Chánh Niệm. Và Chánh Niệm chính là cái ‘hiện tiền phi thời gian’ của Eckhart Tolle. Đối với ta, Eckhart Tolle thực sự là một vị A La Hán."

Cuốn The Power of Now đã được dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian. Đọc cuốn sách này tôi nhớ mấy câu kệ trong Trung bộ Kinh của Phật giáo Nguyên thuỷ. Câu kệ ấy như vầy:

Thường sống trong rừng núi
Bậc thánh sống phạm hạnh
Một ngày ăn một buổi
Sao sắc họ thù diệu?

Không than việc đã qua
Không mong việc sắp tới
Sống ngay với hiện tại
Nên sắc họ thù diệu.

Cái mà Eckhart Tolle nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm của ông là “sống ngay với hiện tại”. Nhưng chính Eckhart Tolle cũng nói rằng trên thế giới số người đạt tới cảnh giới ấy không nhiều. Vậy thì tính khả thi của Chánh Niệm, của cái “hiện tiền phi thời gian” là rất thấp và cái chết vẫn còn đó, vẫn treo lơ lửng trên phận người như một nỗi sợ hãi thường trực.

Dã Nhân kể một câu chuyện trong Nam Hoa kinh:

"Khi Trang Tử sắp chết, các học trò ông bàn nhau tổ chức đám tang. Ông nói: ‘Ta chết đã có bầu trời, mặt đất làm quan quách. Những vì sao và chim chóc đưa tiễn ta. Thế thì các ngươi tổ chức đám tang làm gì?’ Học trò thưa: ‘Chúng con sợ diều, quạ rỉa xác thầy.’ Trang Tử nói: ‘Các ngươi muốn cướp cái ăn của diều và quạ sao?’”

Có phải Trang Tử muốn hiểu cái chết như là một sự chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác, từ sinh vật này sang sinh vật khác không?

Tôi nói:

"Nhưng để ngộ được như Trang Tử phải tu nhiều kiếp. Vậy mà có một loài vật không cần tu luyện nhưng vẫn ngộ."

Dã Nhân với lấy chai rượu nhưng không còn một giọt nào. Ông đưa nó lên ánh đèn lù mù rồi thả nó lăn tròn dưới sàn nhà. Ông hỏi:

"Loài vật nào?"

"Tôi không nhớ nổi cái tên khoa học dài dòng của nó. Chỉ biết là tôi đã xem một chương trình truyền hình. Một con nhện cái màu đen. Nó có cái vòi dài và tự đẻ trứng trên khắp thân thể nó. Hàng trăm cái trứng màu trắng, chi chít, lốm đốm trên lưng, trên cổ, trên bụng nó. Đẻ xong thì nó chết. Ít lâu sau những chú nhện con ra đời và xác của mẹ chúng trở thành kho thực phẩm nuôi chúng lớn lên. Thầy nghĩ thế nào về con nhện đó?"

Dã Nhân nói:

"Nó biết chuẩn bị cho mình một cái chết. Đó là cái chết không sợ hãi, nhẹ nhõm, tự nguyện và tự do."

"Triết học Hiện sinh cũng biện hộ cho một cái chết tự do."

"Triết học Hiện sinh là triết học của sự phi lý (la philosophie de l’absurdité). Tại sao phi lý? Vì mọi người đều là một anh chàng Sisyphe. Cố lăn tảng đá lên đỉnh núi dù biết rằng khi tới đỉnh thì nó lại rơi xuống vực. Và anh ta lại phải tiếp tục lăn tảng đá ấy lên đỉnh núi, để rồi nó lại rơi xuống. Đó là sự phi lý. Giống hệt con người sống để rồi chết thế mà vẫn phải sống, vẫn phải lặp đi lặp lại hàng ngàn năm như anh chàng Sisyphe nọ.

Muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy chỉ còn một con đường là tự sát. Bởi vì khi tôi tự sát có nghĩa là tôi đã tự quyết định. Có nghĩa là tôi tự do! Và tôi chứng minh được rằng tôi hiện hữu.

Con nhện không cần triết lý. Nhưng nó đã tự quyết định cái chết của mình, nhẹ nhàng, thanh thản và rất hồn nhiên.

Tại sao con người lại không thể chuẩn bị cho mình một cái chết hồn nhiên như vậy?

Cái chết của con nhện chẳng phải là nhập Niết bàn sao? Chẳng phải là đi vào Cõi Trời sao?

Giải mã được cái chết của con nhện thì không cần triết học, không cần tôn giáo nữa.
Và đó chính là sự Giải thoát."

Tôi im lặng. Tôi chưa hiểu nổi điều mầu nhiệm trong cái chết của con nhện. Và tôi đưa một câu hỏi rụt rè:

"Hay con nhện đã hành động theo bản năng?

Dã Nhân cả cười:

"Bản năng? Thường thì sinh vật (kể cả loài người) chỉ có bản năng sinh tồn (gồm ăn, uống, tình dục, săn mồi…) chứ không có bản năng hy sinh, không có bản năng quên mình. Vì đó là những phạm trù thiêng liêng chứ không phải bản năng. Và ta cho rằng hiểu được điều mầu nhiệm trong cái chết của con nhện tức là đã trả lời được câu hỏi lớn của nhân loại mà không cần phải tự sát theo kiểu của Camus:

Il n'y a qu'un problème philosophique vraiment sérieux: c'est le suicide. Juger que la vie vaut ou ne vaut pas la peine d'être vécue, c'est répondre à la question fondamentale de la philosophie. (Chỉ có một vấn đề triết học thực sự quan trọng: đó là tự sát. Hãy xét xem cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, đó chính là trả lời cho vấn đề căn bản của triết học. Trích Le mythe de Sisyphe,)"

Tôi hỏi:

"Tiên sinh à! Ông nghĩ gì về cái chết của Albert Camus?"

"C’est le suicide."

"Tự sát sao? Báo chí đưa tin rằng đó là một tai nạn giao thông mà?”

Dã Nhân uể oải đứng dậy, mở cánh cửa tủ ọp ẹp của ông, lục lọi trong mớ báo cũ.

"Cậu đọc đi," ông nói nhưng không đưa tờ báo cho tôi mà lại đeo kính lão vào mắt rồi tự đọc lấy:

"La voiture quitte la route et percute un arbre qui la borde. Les journaux de l'époque évoquent une vitesse excessive (130 km/h), un malaise du conducteur ou l'éclatement d'un pneu, mais René Étiemble affirme: "J'ai longtemps enquêté et j'avais les preuves que cette Facel"Vega était un cercueil. J'ai cherché en vain un journal qui veuille publier mon article…" (Chiếc xe đã lạc tay lái và đâm vào một thân cây bên lề đường. Báo chí thời ấy cho rằng xe đã chạy quá tốc độ - 130 km/giờ-. Tai nạn xảy ra là do lái xe vụng về hoặc do nổ lốp xe, nhưng nhà báo René Étiemble thì khẳng định: "Trong một thời gian dài, tôi đã điều tra vụ việc và tôi đã có bằng chứng rằng chiếc xe Facel Vega đã là một cỗ quan tài. Tôi đã cố tìm một tờ báo nào dám đăng bài viết của tôi nhưng vô ích…”

Tôi lắng nghe và ngẫm nghĩ. Rồi tôi hỏi:

"Câu nói úp úp mở mở của Étiemble thực ra là gì?"

"Là gì không quan trọng. Cái quan trọng chính là câu mà Camus đã nói: ‘Il n'y a qu'un problème philosophique vraiment sérieux: c'est le suicide.’ Và chính ông đã giành lại cho mình quyền tự do ấy."


8. Đại đội 22 trinh sát

Điểm đến của tôi sau “ba tháng quân trường” là đại đội 22 trinh sát thuộc sư đoàn 22 bộ binh đóng ở Cầu Bà Gi. Một ngọn núi nhỏ, trơ trọi. Một ngọn tháp đơn độc của người Chămpa mà người ta quen gọi là tháp Bánh Ít.

Những ngày cuối cùng ở quân trường tôi bị bệnh mắt hột. Mắt cộm, sưng lên, không mở ra được.

Tôi xuống xe, xách chiếc ba lô con cóc, quờ quạng đi như một gã hành khất mù loà.
Bốn mươi lăm ký, đầu húi cao, quần áo lính thùng thình, giày botte de saut mới tinh, nặng trịch. Đứng xếp hàng trước cái trại lính lụp xụp lợp bằng tôn rỉ sét. Sau đó là ôm mặt nằm cong queo trên chiếc giường gỗ rộng tám tấc. Hai mắt đau rát.

Xế chiều có ai đó tới thăm tôi. Một thằng bạn? Không thấy mặt nó, chỉ cảm nhận một cú chạm nhẹ ở cuối giường và một tràng cười ngặt nghẽo. Cười chảy nước mắt, cười hô hố. Nhưng chỉ có nó cười. Tụi lính mới về không ai dám cười kiểu đó.

"Hiếu ơi! Tao nghe nói mày làm cách mạng mà! Sao bây giờ mày về đây làm lính của tao?"

Đó là cái giọng Huế của thằng Văn Eng. Khi tôi và Trần Quang Long “quậy” ở Qui Nhơn nó đứng ngoài cuộc vì ba nó là sĩ quan chế độ cũ. Tuy vậy chúng tôi cũng rất thân nhau. Cùng với Nguyễn Quang Hoà, chúng tôi là bộ ba giống như ba người lính ngự lâm. Trong ba thằng thì tôi và Văn Eng là những đứa lêu lổng nhất. Tới mùa thi, khi ai cũng vùi đầu nơi bàn học thì giữa đêm khuya Văn Eng bảo tôi tới nhà người yêu của nó.

Cô gái có một cái tên dài dòng, sang trọng, kiêu kỳ. Mai Lâm Tuyết Hườn. Tuyết Hườn là một viên tuyết nhỏ. Mai Lâm Tuyết Hườn là một viên tuyết nhỏ trong rừng mai.

Nhưng nhà của Tuyết Hườn không phải là một rừng mai mà là một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với một cái sân khá rộng và điều đáng ngạc nhiên là bên trong đang có… ba con bò khổng lồ.

Tại sao một nhà giàu quý tộc ở giữa lòng thành phố Qui Nhơn như thế lại nuôi ba con bò?

Văn Eng và tôi đứng tần ngần trước cái cổng gỗ to lớn. Không có người đẹp. Không có ánh đèn trong cửa sổ. Chỉ có 3 con bò đang im lìm nhìn chúng tôi, đen thui như ba tên Chà Và gác cổng.

Văn Eng thò tay vô phía trong cánh cửa cổng, mở cái chốt.

Rất thong thả, ba con bò bước ra ngoài đường phố. Còn chúng tôi thì bỏ chạy.

Cũng may, sáng hôm sau gia đình Tuyết Hườn tìm lại đưọc ba con bò!

*


Thiếu uý Văn Eng ôm lấy tôi.

Cuộc gặp ấy làm tôi bất ngờ quá.

Nó là thiếu uý đại đội phó của tôi. Đại đội trưởng là một tay đại uý xuất thân Trường Võ bị Đà lạt. Về sau tôi biết hai người không ưa nhau và thủ thế với nhau khá căng thẳng. Eng tâm sự với tôi:

"Mỗi lần thấy tao đi ngang qua văn phòng của nó, nó đều đặt tay lên khẩu colt 45 để sẵn trước mặt."

"Vì sao vậy?"

"Vì đã có lần tao suýt bắn nó."

Văn Eng là một sĩ quan nho nhã, có học thức.

Và sau này, tôi tình cờ đọc được một truyện ngắn của nó đăng trên tạp chí Trình Bày. Đó là một tuyện ngắn độc đáo. Tôi ngạc nhiên về tài năng của nó.

Ít lâu sau tôi nghe nó tử trận.

Nó không thích Việt cộng và cũng không thích Mỹ. Nó ghét chiến tranh và vẫn mãi mãi yêu Mai Lâm Tuyết Hườn. Tôi không biết bây giờ Hườn đang ở đâu. Mỹ hay Canada, hay Pháp? Tôi chỉ biết rằng Văn Eng đã chết. Đại đội của nó rơi vào một ổ phục kích và vì không muốn bị bắt nên nó đã rút súng tự sát.

Tội nghiệp cho Văn Eng. Anh bị động viên vào Thủ Đức và trở thành một sĩ quan bất đắc dĩ. Anh đã không mưu cầu một điều gì từ cuộc chiến ấy. Văn Eng, bạn tôi, là một nhà văn có tài dù anh chỉ mới viết có dăm ba cái truyện ngắn.

Eng ơi! Viết đến đây tao khóc. Vì tao thương mày quá. Sao mày lại tự sát? Sao mày không cố nhịn nhục ở tù ít lâu rồi anh em mình lại gặp nhau?


9. Mẹ tôi

Trước Tết Tân Hợi 1971 chừng một tháng, tôi xin được một cái phép ba ngày về thăm mẹ.

Căn nhà của tôi bây giờ chỉ là một nơi hoang tàn, lạnh lẽo. Tôi đi từ nhà trước ra nhà sau, không một bóng người.

Khi tôi đẩy cửa bước vô căn buồng nhỏ nơi mẹ tôi thường nằm thì nghe có mùi gì rất lạ. Căn buồng tối quá, tôi phải mở cánh cửa nhỏ mới nhìn thấy được mọi thứ trong đó. Chiếc giường nhỏ kê sát vách không có ai nằm. Một chiếc gối nhỏ và chiếc mền cũ màu xám tro. Tôi đến bên giường, vừa đặt tay lên gối thì một đám bụi bốc lên. Trên chiếu lờ mờ hiện lên những vật gì màu nâu. Tôi cúi xuống. Các bạn có biết đó là cái gì không? Đó là phân người. Chúng đã khô quắt lại.

Từ ngày tôi bị bắt lính, mẹ tôi đã sống thui thủi một mình trong cái buồng nhỏ này với ngọn đèn dầu hiu hắt từng đêm.

Những người hàng xóm kể lại rằng khi bà đi xuống bếp lục cơm nguội ra ăn, với tay lấy chai nước mắm chan vô chén cơm, hóa ra đó là chai dầu lửa. Bà nhai miếng cơm trộn trạo trong miệng một lúc mới nghe được mùi hôi và ói ra đầy giường.

Xế chiều buồn quá bà ngồi dậy quơ lấy cây gậy tre, từng bước chống đi, dò dẫm đến những nhà quen ở đầu chợ.

Tôi liền chạy ra đầu chợ, thấy mẹ ngồi đó, nhưng bà cũng không nhận ra tôi nữa. Lúc tôi chạy đến ôm bà, bà mới nhận ra hơi hướng của tôi. Bà sờ lên đầu lên mặt tôi và hỏi:

"Con đấy hả?"

Thế là bà khóc. Tôi cũng khóc. Buổi chiều đó tôi cõng mẹ từ ngoài chợ về nhà. Những người trong làng đổ xô ra xem, xem anh lính binh nhì cắp cây gậy tre trong nách cõng mẹ đi qua thị trấn.

Hàng xóm chạy đến giúp tôi dọn dẹp nhà cửa.

Lúc đó cha tôi đang ở một nơi khác. Với một gia đình khác. Có lẽ ông không hề biết mẹ tôi đã suy sụp đến như thế. Còn tôi, bây giờ tôi phải làm gì trong tình cảnh này? Ở lại với mẹ cũng không được vì đơn vị sẽ báo cáo đào ngũ. Trở về làm lính cũng không xong vì mẹ tôi sẽ chết. Cõng mẹ vô rừng theo kháng chiến thì đúng là chuyện không tưởng.

Tôi cần một ít thời gian để suy nghĩ.

Buổi chiều hai mẹ con ngồi bên thềm giếng ăn cơm với nhau. Mẹ tôi hỏi:

"Con về ở luôn với mẹ chớ?"

"Không mẹ à, ngày mốt con đã phải đi rồi."

"Sao con đi sớm vậy? Con đi đâu?"

"Con vào trại lính."

"Người ta nói con đi lính khố đỏ phải không? Tại sao con là ông cử nhơn mà phải đi lính khố đỏ?"

"Tại vì nước mình đang chiến tranh, ai cũng phải đi lính cả, mẹ ạ. Người ta bắt buộc như thế."

"Gần Tết rồi, con có về nữa không?"

"Về. Con sẽ về ăn Tết với mẹ."

*


Nhưng Tết đó tôi không về được. Chiều ngày hai mươi chín Tết, bọn lính trong đại đội trốn hết chỉ còn lại mình tôi với ông trung sĩ già. Ông ta chửi thề tùm lum rồi cùng với tôi chia nhau trực gác đêm giao thừa.

Một mình tôi gác năm vọng. Đứng ở vọng này một lúc lại chuyển sang vọng khác. Súng đạn đầy mình.

Ông trung sĩ già thì gác cổng chính, văn phòng và kho đạn.

Gần giao thừa ông thảy cho tôi ít đồ hộp và mấy trái sáng để bắn “mừng xuân mới.”

Nhưng lúc ấy tôi biết mẹ tôi đang thức một mình với ngọn đèn dầu leo lét đợi tôi.

Tôi thảy những lon đồ hộp và trái sáng xuống bờ cỏ ướt, ngóng nhìn lên bầu trời đen sâu thẳm.

Giao thừa đến với hàng ngàn thứ tiếng động ồn ào. Tôi gác khẩu M16 trên lô cốt và ngồi xuống bờ cỏ.

Khi mọi tiếng động đã tắt, khi trời đất yên tĩnh trở lại, tôi nằm ngửa trên cỏ ướt. Những băng đạn dày cộm đè trên ngực tôi. Tôi thấy mình đang mục nát.

Sáng hôm sau, một người bạn cưỡi một chiếc Honda, vượt qua cái dốc đất đỏ, đến chỗ đóng quân của tôi, dừng lại bên rào kẽm gai. Anh ngoắc tôi ra và bảo:

"Bà già mất rồi!"

Tôi được cấp cho bảy ngày phép. Bảy ngày đó đủ để tôi về quê chôn cất mẹ tôi, giao nhà lại cho mấy người bà con rồi đi Qui Nhơn. Tôi nhờ người thân phía bên vợ dùng giấy tờ giả để mua vé máy bay vào Sài Gòn.


10. Trí thức nằm vùng

Vào thời điểm đó các căn cứ của Thành Đoàn ở vùng ven Sài Gòn và chiến khu D bị càn quét ráo riết nên đa số phải dời sang tận bên đất Campuchia. Các cơ sở ở nội thành Sài Gòn cũng bị lộ, anh em phải chạy vô cứ và cũng trôi dạt sang bên kia biên giới.

Thời gian tôi bị kẹt trong quân đội Sài Gòn tuy chỉ hơn 6 tháng nhưng cũng giúp tôi tránh được những cuộc hành quân càn quét, lùng sục ở nội thành.

Tôi bắt liên lạc với tổ chức khá dễ dàng. Bây giờ tôi trực tiếp làm việc với Lê Công Giàu, một trong những lãnh đạo Thành Đoàn lúc đó. Về sau này, vào năm 1994, khi tôi bị “đánh phủ đầu” vì cuốn tiểu thuyết Nổi loạn thì anh là ông quan cách mạng duy nhất đã thăm hỏi và chia sẻ cùng tôi trong những ngày bị hỏi cung căng thẳng nhất. Những người khác đều quay lưng, thậm chí có người còn muốn dây máu ăn phần!

Tôi thuê một căn gác nhỏ ở Thị Nghè và anh Giàu thường lui tới với tôi tại đó. Anh nói:

"Cơ sở của mình bị lộ nhiều lắm. Cán bộ nòng cốt không còn bao nhiêu vì thế những người còn trụ lại được nội thành như ông là quý lắm đấy nhé."

"Thôi, tôi không ở đây nữa đâu. Anh cho tôi vô rừng. Mẹ tôi đã mất rồi."

"Vô rừng làm gì? Anh đã từng ở rừng, anh biết rồi đó. Bạch diện thư sinh như mình có đánh đấm gì được đâu. Ngồi chơi xơi nước là chính.

"Nhưng mà ở nội thành, làm việc theo phong trào, lúc có lúc không, lúc lên lúc xuống. Nhất là thời điểm này đang án binh bất động. Chán chết được."

"Thì ông cứ học để lấy cho xong cái cử nhân đi. Và nhất là phải tìm một việc làm nào đó.

*


Làm gì? Một chiếc mobilết xanh, phía sau có hai túi vải đựng báo. Sáng sớm giành giựt báo ở vỉa hè đường Trương Định, lạch bạch chạy lên khu vực chợ Cầu Muối, Nguyễn Cảnh Chân, lòng vòng trong xóm lao động. Chín giờ sáng xong việc, chạy đến trường đại học. Mười hai giờ ra khỏi trường, tấp vô quán cơm xã hội.

Làm gì? Xế chiều chạy xuống Thị Nghè gặp một người đồng hương làm thợ sửa morasse cho báo Điện Tín.

"Hôm qua tôi viết tới đâu rồi?"

"Tới chỗ hai đứa gặp nhau trên đèo Bảo Lộc."

"OK. Cho tôi một ly nước lạnh."

Ba mươi giây biến thành nhà văn. Viết feuilleton mỗi ngày bốn trang đánh máy. Viết xong, nằm lăn dưới sàn nhà đọc Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Ông ta cũng viết feuilleton như tôi nhưng ông ta giàu vì có hàng triệu độc giả, còn tôi chỉ có vài trăm ngàn người, lên xuống theo số lượng bản in của báo Điện Tín.

Tôi viết tùm lum, bốn năm cái tiểu thuyết. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không nhớ nổi cốt truyện, chỉ nhớ một cái tên rất “kêu” là Sương xuống mênh mông.

Chiều hôm đó tôi viết chương cuối cùng. Ngày hôm sau lại bắt đầu một cuốn khác lấy tên là Thành phố bạo lực. Sau giải phóng tôi đã cho in lại truyện này dưới tên Một chuyến đi xa, được tái bản bốn lần và sau đó được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

*


Từ năm 1972 đến năm 1974 phong trào sinh viên ở Sài Gòn quá yên tĩnh. Tôi không có việc gì để làm bèn tấp qua nhánh văn nghệ.

Mấy năm trước, hồi còn ở Huế tôi có cộng tác với báo Tin Văn do anh Nguyễn Ngọc Lương làm chủ bút vì vậy chúng tôi quen nhau. Khi tôi vào Sài Gòn thì tờ Tin Văn đã đóng cửa vì chính quyền đánh hơi được “mùi Việt cộng” ở đó. Anh Nguyễn Ngọc Lương cũng bị họ bắt giam mấy lần nhưng vì không có bằng chứng nên phải thả ra.

Vợ anh là con gái một gia đình tư sản chuyên kinh doanh về xăng dầu. Anh là “Bắc kỳ di cư”, vốn là một công chức của Đài Phát thanh Sài Gòn. Tôi không biết với lý lịch như vậy sao anh có thể trở thành cộng sản được.

Thỉnh thoảng tôi đến ăn trưa với anh. Chị Lương cũng là người trí thức. Chị nói tiếng Anh rất lưu loát và có kiến thức về y học khá rộng.

Một lần anh hỏi tôi:

"Cậu đang làm gì để sống?"

"Em đi bán báo. Nhưng… bây giờ nghỉ rồi. Vì chỉ bán giúp cho người ta một thời gian thôi. Anh có thể giới thiệu cho em một chỗ nào đó được không?"

Điều thú vị là anh có một chỗ.

Chỗ ấy là trạm xăng ở đường Hai Bà Trưng, ngay sau lưng nhà bưu điện trung tâm Sài Gòn.


*


Đó là một trạm xăng lớn của gia đình bên vợ anh Nguyễn Ngọc Lương. Tôi làm một nhân viên bơm xăng bình thường, mặc đồng phục kaki màu xanh biển. Không nhớ lương bao nhiêu nhưng cũng đủ sống.

Anh Lê Công Giàu và tôi thường lấy trạm xăng làm chỗ liên lạc. Có khi thì anh đến, có lúc thì giao liên của anh đến.

Phong trào sinh viên vẫn án binh bất động. Anh Nguyễn Ngọc Lương giới thiệu tôi với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn và nhà văn Vô Hạnh (tôi không muốn nêu tên thật của ông vì ông đã gần đất xa trời, vì thế tôi mượn tạm cái tên mà nhà văn Nguỵ Ngữ đã đặt cho ông.)

Ông là nhà văn nổi tiếng và đã từng bị vài tờ báo của chính quyền Sài Gòn nêu đích danh là “cộng sản nằm vùng”.

Tuy nhiên chúng tôi không thường gặp nhau vì tờ Tin Văn đã bị đóng cửa, không có môi trường để sinh hoạt.

Có một nhà văn thường xuyên quan hệ với ông Vô Hạnh, đó là Lữ Phương. Hồi đó anh là giáo viên cấp 3 dạy văn. Anh nổi tiếng qua những bài chính luận sắc bén đăng trên tờ Tin Văn. Càng nổi tiếng anh càng bị chính quyền Sài Gòn để ý và tôi cũng không hiểu tình hình đun đẩy thế nào mà anh lại vào chiến khu, tham gia vào chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam với chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Đến thời điểm đó tôi vẫn chưa được gặp mặt anh dù đã đọc anh khá nhiều.

Những ngày đầu giải phóng tôi có dịp làm việc chung với Lữ Phương trong Hội đồng Đánh giá Văn học miền Nam tại Thư viện Quốc gia.

Anh khá nổi bật trong số các thành viên của Hội đồng vì cách ăn mặc.

Trong khi các cán bộ miền Bắc và cán bộ ở rừng ăn mặc luộm thuộm, đi dép râu, còn những người tại chỗ như Vô Hạnh và tôi cũng xuyềnh xoàng, thì Lữ Phương ăn mặc chỉnh tề, đẹp. Có lẽ đó là những bộ quần áo của thời anh đi dạy học trước giải phóng. Quần Gabardine màu xám nhạt, sơ mi màu sậm, cài măng sét, giày da màu nâu bóng loáng.

Anh ăn nói lưu loát nhưng hoà nhã, lịch thiệp. Cái nhìn của anh về văn học ở các đô thị miền Nam trước giải phóng cũng khá thoáng.

Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là anh luôn luôn bị ông Vô Hạnh ngắt lời. Ông lớn tiếng, khoa tay múa chân khi nói, và thường dùng những lời lẽ đao to búa lớn để phủ nhận những ý kiến của Lữ Phương. Thái độ đó làm mọi người khó chịu. Lữ Phương thì im lặng theo cái cách của một người cha nhìn cơn bốc đồng của đứa con mình và chờ cho nó hạ xuống. Sau đó anh lại tiếp tục nói.

Trong giờ nghỉ giải lao, Vô Hạnh nói oang oang ngoài hành lang của thư viện:

"Đầu óc tiểu tư sản của anh ta vẫn còn. Anh ta là Thứ trưởng hả? Chỉ đáng là học trò của tôi."

Lúc ấy nhiều người cho rằng ông muốn tranh cái chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa của Lữ Phương, riêng Lữ Phương có lẽ anh đang cười thầm vì từ lâu anh đã hiểu cái chức ấy chẳng qua cũng chỉ là một vai diễn trên sân khấu chính trị mà thôi.

Tôi thì ngỡ ngàng. Lúc đó tôi nghĩ chắc trước đây ông và Lữ Phương có lục đục với nhau, nhưng về sau khi ông Vô Hạnh về làm việc ở Hội Văn nghệ TPHCM thì tôi mới biết ông là một tên chỉ điểm văn nghệ.

Thực ra, nhận xét về ông Vô Hạnh như thế chỉ đúng có một phần.

Phải định nghĩa về nhà văn Vô Hạnh như thế này: Một cá thể phức tạp bị dồn nén và đầy mặc cảm.

Ông hoạt động cách mạng trong nội thành nhưng khi ở tù, ông cộng tác với địch lộ liễu đến nỗi bạn tù đặt cho ông cái tên là “Vô Hạnh chui lỗ chó”, vì thế giải phóng xong ông không được tin dùng nên ông “hận” những anh em văn nghệ sĩ ở rừng về, nỗi căm hận biến thành cao ngạo, chửi bới vung vít.

Mặt khác, đối với anh em văn nghệ tại chỗ (nhất là những người không biết lý lịch của ông) thì ông lại tỏ ra mình là một ngự sử văn đàn, một nhà văn cách mạng chánh hiệu con nai vàng, vì thế ông phê phán người này, lên lớp người kia, lúc nào cũng đưa quan điểm lập trường chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân… ra làm thước đo, hù doạ mấy anh em nhà văn trẻ, nhà văn chế độ cũ đang được “lưu dung”. Còn đối với các nhà văn nổi tiếng tài năng khác như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu… thì ông mạt sát họ bằng ngôn ngữ dao phay, mã tấu…

Sau này, khi đã ngoài bảy mươi tuổi, ông vẫn chứng nào tật nấy, vẫn giở giọng chuyên chính ra truy đuổi những nhà văn tài năng đã được đưa vào Từ điển Văn học như Dương Nghiễm Mậu.

Ông làm như vậy để làm gì?

Trước đây thì có thể động cơ của ông là tâng công với Đảng. Nhưng nịnh bợ mấy mươi năm có được gì đâu. Thế thì ở cái năm 2007 này ông còn lên giọng làm gì?

Ôi thôi, đó là chuyện có liên quan tới cái mà khoa tâm phân học gọi là refoulement, gọi là transfer du complex, gọi là loi de compensation…

Cho đến khi nằm ngáp ngáp chờ chết, có lẽ ông cũng còn bị những quy luật tâm lý phức tạp ấy dẫn dắt như một thằng khùng.

Ngược hẳn với Vô Hạnh 180 độ là anh Nguyễn Ngọc Lương. Hiền lành, nhẫn nhục mà sống, mà làm việc. Trước giải phóng thành uỷ giao cho anh làm chủ bút một tờ báo công khai của Đảng tại thành phố Sài Gòn, nói nôm na là làm ông tổng biên tập một tờ báo “Việt cộng nằm vùng” ngay trong lòng địch. Chuyện đó đâu có dễ. Nếu là bạn, chưa chắc bạn đã dám nhận, phải không? Nhất là làm việc mà không có lãnh lương!

Sau giải phóng người ta cho anh làm một nhân viên sửa morasse tại toà soạn báo Văn Nghệ TPHCM. Vậy mà anh cũng làm.

Cứ cho là trong thời gian công tác anh có mắc phải một vài sai lầm nho nhỏ nào đó đi (tôi biết chắc chắn là không có gì lớn). Cái thứ sai lầm vặt ấy, truy lý lịch ra ai mà chẳng có. Vậy thì nỡ lòng nào đày đoạ đồng chí mình như vậy!

Anh Nguyễn Ngọc Lương đã qua đời trong một tâm trạng buồn như thế.

Ngày 23 tháng 3 năm 2007, mười lăm thuỷ thủ Anh bị Iran bắt làm tù binh vì “xâm phạm lãnh hải của Iran”. Mấy người lính Ănglê này (có cả một cô nàng béo tốt tên là Faye Turney) đều lên đài truyền hình Iran cầm cây thước chỉ vô bản đồ xác nhận là mình đã xâm phạm lãnh hải của Iran. Sau đó xin lỗi rối rít và cám ơn chính phủ Iran đã đối xử rộng lượng… Thế mà đến khi họ được thả về nước thì mọi người vẫn ra đón. Thủ tướng Anh còn bật đèn xanh cho họ thuật lại những chuyện đã xảy ra để… kiếm tiền. Rõ ràng là người ta nhìn vấn đề đó nhẹ nhàng như chơi một ván cờ.

Một người bạn khác của tôi là nhà báo Nguyễn Xuân Phổ cũng bị phân biệt đối xử và trở thành “dở khùng dở điên”, anh ăn mặc lôi thôi như gã ăn mày, đi lang thang đây đó suốt mấy năm trời và cuối cùng gục chết trên đường phố.

Anh ruột của Phổ là Nguyễn Xuân Hàm. Hai anh em có một người cha làm bộ trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhưng họ đã đi kháng chiến. Sau giải phóng họ bị cho ra rìa. Tôi thương Phổ nhưng tôi không đồng tình với anh cũng như tôi không đồng tình với Khuất Nguyên vì bị thất sủng mà phải trầm mình dưới sống Mịch La. Cả hai người ấy đều chưa học thuộc hai câu thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài "Phóng cuồng ca":

Thâm tắc lệ hề, thiển tắc kệ,
Dụng tắc hành hề, xả tắc tàng

(Sâu thì cởi áo, cạn thì vén áo. Biết dùng thì ta làm, không dùng thì ta về.)

Có một người đã may mắn đọc được hai câu này. Đó là Nguyễn Xuân Hàm, anh ruột của Phổ. Anh vượt biên sang Mỹ và mười năm sau anh trở về với chức Tổng Giám đốc công ty Carrier của Hoa Kỳ, có trụ sở “hoành tráng” trên đường Trần Quốc Thảo.

*


Một hôm nào đó của năm 1974 tôi được tin ông anh vợ là Trần Quốc Thuận vượt ngục trở về rừng. Tôi quyết định vào căn cứ Thành Đoàn ở Long Khánh để thăm anh.

Căn cứ địa ở miền Đông Nam bộ không có sông nước, chỉ có vườn cây ăn trái bạt ngàn. Chúng tôi đi dưới bóng cây sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mít. Về rừng mà giống như về làng quê.

Tôi ở ngay một căn nhà nhỏ lợp lá trung quân, sát mé rừng.

Thủ trưởng của cái “chốt” này là Nguyễn Đình Mai, anh là người cùng quê với tôi, học đại học khoa học. Sau giải phóng anh làm sĩ quan công an rồi chuyển qua làm sếp một cơ quan gì đó tôi chẳng nhớ tên, nhưng nó lo về kế hoạch đầu tư với nước ngoài. Từ hồi sinh viên anh ta đã ít nói, khắc khổ. Khi làm công an lại càng nghiêm nghị hơn. Tính cách ấy phần nào không hợp với tôi vì tôi càng sống càng thấy đời nhảm nhí, thấy đầy dẫy những trò hề nên hay bông đùa, hay nói tào lao, thấy ai nghiêm túc quá thì mắc cười.

Mai nói:

"Chiều thằng Thuận nó ra."

Chuyện vượt ngục của Thuận tôi có viết thành một loạt phóng sự đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ hồi năm 77 hay 78 gì đó.

Buổi chiều chúng tôi gặp nhau bên một con suối nhỏ trong rừng. Anh hơi xanh xao, ốm, choàng chiếc khăn rằn quanh cổ. Tôi thông báo với anh những tin tức về gia đình. Anh nói:

"Tự nhiên bây giờ mình muốn có một đứa con lạ lùng."

"Thì anh lập gia đình đi."

Cười. Rồi không nói gì. Trời tối mịt. Chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ. Mỗi người một cái võng. Thuận kể lại cuộc vượt ngục của anh. Lợi dụng lúc kẻ địch đưa đi Bệnh viện Biên Hoà, anh thay quần áo, leo rào, đi ra phố, nhập vào một toán học sinh mẫu giáo, giả làm phụ huynh đón con, rồi đi thẳng ra cánh đồng, ngược về phía núi Thị Vãi, lạc trên núi mấy ngày mấy đêm đói khát, ăn lá cây để sống. Cuối cùng cũng gặp cách mạng.

Thuận hỏi tôi về em gái của anh. Tôi nói:

"Bà xã đang dạy học ở một xóm chài cách Phan Thiết hai mươi lăm cây số."

Xóm chài ấy có một cái tên rất quê mùa là Mũi Né. Ngày nay đó là một khu du lịch nổi tiếng và rất sang trọng, nhưng thời đó Mũi Né là một xứ lưu đày. Một làng chài xơ xác. Trong làng không có đường mà đi. Chỉ là những lối mòn đầy cát sạn, đi vòng vòng một lúc lại dẫn ra biển.

Bãi cát bẩn thỉu, tanh mùi cá ươn và nước mắm.

Những cơn gió mặn, ẩm, thổi từ ngoài khơi, phần phật trên những mảnh lưới rách, cào xới những mái tranh đen nhẻm, mục nát trước khi lướt qua cồn cát mù mịt biến thành đám sương vàng khè bay phiêu hốt giữa mênh mông cát chập chùng.

Tôi từ chiến khu Long Khánh trở về giữa trưa nắng. Chiếc xe đò lọc cọc từ thị xã Phan Thiết băng qua những gò đống và giốc cao ven biển để xuống ngôi làng chài nhỏ bé.

Tôi theo con đường cát tìm lối vào một căn nhà lụp xụp. Căn nhà trống trơn. Bếp nguội lạnh. Chiếc võng gai rách mắc giữa nhà và trên cái bàn gỗ ở góc tường vẫn còn một ít sách vở và cái đèn dầu nám khói. Giờ này chưa đến giờ học nhưng vợ tôi đi đâu? Và đứa con gái nhỏ của tôi?

Mấy đứa bé thập thò bên cửa sổ:

"Này em. Em có biết cô Khánh không?"

"Cô đi nằm nhà thương ở Phan Thiết rồi."

Một ca cấp cứu vì đau ruột thừa trước đó hai ngày. Thế con tôi đâu? Không ai biết. Một ai đó đã đem về nuôi giúp hay nó đã đi lạc?

Lũ trẻ không có câu trả lời.

Tôi chạy đi tìm con giữa những mê lộ đầy cát nóng. Biển chói chang mặt trời mùa Hạ. Trong thứ ánh sáng xốn xang ấy, một đứa bé gái trần truồng, đen đủi, từ gió cát hiện ra. Nó đi lẫm đẫm, xiêu đổ, nhạt nhoà trong nắng lóa. Nó ngơ ngác, hốt hoảng, tìm kiếm vô vọng.

Đó là con tôi.

Tôi chạy ra sân ôm nó vào lòng. Nó bấu lấy tôi. Không khóc, không kêu một tiếng. Nhưng tôi thì khóc, vì tôi vẫn còn nước mắt. Còn con tôi, trong mấy ngày qua, có lẽ đã khóc hết nước mắt rồi. Nó cứ bấu lấy tôi. Im lặng.

Khi tôi đặt nó xuống giường, nó giương mắt nhìn tôi. Một đứa bé 20 tháng tuổi, ngơ ngác không biết tại sao mẹ mình biến mất. Nó trần truồng như một con chó con đơn độc đi tìm mẹ, lẩn quẩn ngoài vòng rào của ngôi trường nhỏ. Rồi lại trở về nhà. Rồii lại lẫm đẫm đi...

"Để ba đi mua bánh cho con."

Tôi chạy ra khỏi nhà, quệt nước mắt bằng ống tay áo. Khi tôi đem ổ bánh mì về thì đứa bé đã ngủ. Nó ngủ ngồi, gục mặt lên cái giỏ xách.

Kỷ niệm đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời.

*


Sau giải phóng, bước đường công danh của Trần Quốc Thuận cũng không suôn sẻ lắm. Hình như người ta đã hỏi anh: “Tại sao đồng chí vượt ngục trong khi chờ trao trả tù binh?” Tôi nghĩ rằng người hỏi câu đó chưa từng ở tù nên không biết tâm trạng khát khao tự do của một người bị nhốt giữa bốn bức tường. Còn tôi, tôi hiểu anh, vì tôi đã từng ở tù chế độ cũ đến 3 lần! Ba lần khao khát tự do và cũng là ba lần khẳng định phẩm chất của một trí thức trẻ dám dấn thân vào con đường mình đã chọn, cho dù con đường ấy cuối cùng đã bị xói mòn, lở loét bởi những cơn lũ của lòng tham không đáy.

Có dạo Thuận làm bí thư phường, rồi làm một ông xếp nào đó của Toà án Nhân dân TP HCM. Và chức vụ cao nhất của anh là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Lúc ấy vợ anh làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Vào những năm cuối cùng trước khi về hưu, anh đã có những phát biểu khá táo bạo về mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội. Theo anh, vì đảng viên chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội nên kết quả những cuộc bỏ phiếu đều theo ý muốn của Đảng. Hơn nữa, lại có Ban thường vụ Quốc hội là nơi có quyền quyết định mọi thứ, mà cái Ban này lại gồm toàn những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, vì thế có thể nói Quốc hội và Đảng là một. Anh chủ trương giải tán Ban thường vụ Quốc hội, tách rời Đảng ra khỏi Quốc hội, có như thế thì Quốc hội mới có thực quyền.

Anh được nhiều người biết đến và được khen ngợi nhờ những phát biểu đó đã được đăng báo và phát tán rộng rãi trên mạng Internet. Tôi có đọc một số bài của anh. Tôi thấy quan điểm của anh vừa đúng vừa phiến diện.

Đúng, là vì anh dám nói Quốc hội chỉ là bù nhìn.

Phiến diện, là vì anh chủ trương tách rời Đảng ra khỏi Quốc hội.

Thực ra, trên khắp thế giới người ta lập đảng chính là để vào quốc hội. Ví dụ như ở Mỹ có Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hoà, ở Anh có Đảng Bảo thủ, Đảng Xã hội v.v… Các đảng này từ hàng trăm năm nay tranh nhau để vào quốc hội, để chiếm được đa số trong quốc hội. Vậy thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam vào Quốc hội là chuyện đương nhiên, chuyện bình thường.

Nhưng điều không bình thường là QUỐC HỘI VIỆT NAM CHỈ CÓ MỘT ĐẢNG DUY NHẤT. Vì thế Quốc hội biến thành “tài sản” của Đảng, Quốc hội biến thành một cơ quan của Đảng cũng giống như tỉnh uỷ, thành uỷ. Và như thế Quốc hội không còn là Quốc hội nữa.

Và chúng ta có thể nói rằng nước Việt Nam không có Quốc hội, không có ngành lập pháp và trên thực tế cũng không có ngành tư pháp.

Một quốc gia không có ngành lập pháp và tư pháp mà nói đến nhân quyền thì chỉ là lừa bịp. Cũng giống như Mỹ, một quốc gia luôn đi gây chiến tranh để bán vũ khí giết người, để cướp tài nguyên của nước khác, mà nói đến nhân quyền thì chẳng khác nào coi nhân loại là một lũ ngu dốt.

Xem ra từ một nước cộng sản nghèo nàn lạc hậu đến một nước tư bản cực kỳ văn minh giàu có đều xỏ lá như nhau!

Năm 1980 tôi có dịp ra Hà Nội, nhìn thấy trong khách sạn một cái ly thuỷ tinh quái đản. Bởi nó đầy bọt khí. Cũng trong những năm ấy, ngành xuất bản của tôi chỉ cho ra đời những cuốn sách giấy đen như cứt chó, nham nhở như giẻ rách. Tuy nhiên những cái ly ấy, những cuốn sách ấy vẫn có người mua vì không còn loại ly nào khác, loại sách nào khác.

Sau thời kỳ Đổi mới, đi theo kinh tế cạnh tranh thị trường, cái ly trong khách sạn Hà Nội không còn bọt khí, cuốn sách của các nhà xuất bản được in trên giấy trắng, bìa couchée bốn màu.

Thành quả ấy là nhờ có cạnh tranh thị trường. Muốn tồn tại anh phải có sản phẩm tốt, bằng không, khách hàng sẽ mua sản phẩm của người khác. Tôi nghĩ rằng trong chính trị cũng vậy. Phải có cạnh tranh chính trị thì mới có những sản phẩm chính trị tốt, nếu không, chúng ta chỉ tạo ra được những thứ tương tự như cái ly thuỷ tinh đầy bọt và những trang sách đen như cứt chó mà thôi!

Đã lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Tiến sĩ Phan Đình Diệu (nghe đâu là cháu nội cụ Phan Đình Phùng) đăng trên tờ Diễn Đàn Paris số 28 năm 1994. Trong bài báo ấy có lẽ Giáo sư sợ bị chụp mũ là “đa đảng, đa nguyên” nên ông đã nói đại khái: nếu ở Việt Nam có 2 đảng cộng sản thì ông sẽ vô đảng thứ hai. Điều đó chứng tỏ ông cũng căm ghét sự độc tài. Bởi vì độc tài còn là cha đẻ của tham nhũng.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế và các tổ chức kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất trên thế giới..

Các lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận rằng tham nhũng đang là một "quốc nạn".

Giáo sư Yoshiharu Tsuboi, Đại học Waseda, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà là vấn đề cơ cấu trong tổ chức, và để loại bỏ tham nhũng, phải cần sự cải thiện lớn trong cơ cấu tổ chức và tài chính.

Trong một nghiên cứu độc lập khác, giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định chống tham nhũng đòi hỏi nhiều cải cách, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khó lòng thực hiện, vì những cải tổ này lại dính tới vấn đề giảm bớt độc quyền chính trị của Đảng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và cũng là một viên chức cấp cao cố vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho rằng chỉ có 5% của tảng băng tham nhũng lộ ra mà thôi; còn đến 95% vẫn còn chìm khuất.

Đầu năm 2007 Trần Quốc Thuận nói với tôi rằng anh sẽ ứng cử đại biểu quốc hội nhiệm kỳ tới. Anh nghĩ rằng với những ấn tượng tốt mà anh đã ghi được trong lòng quần chúng qua những bài phát biểu trên báo, anh sẽ có thể đắc cử. Tuy nhiên người ta đã gạt đơn ứng cử của anh ngay từ trong trứng nước.

*


Trong những ngày đầu giải phóng, người ta chia cách mạng ra thành nhiều loại: Cán bộ A là người ở miền Bắc vô, cán bộ B là người ở rừng về và cán bộ tại chỗ là những người hoạt động nội thành.

Còn tôi, Đào Hiếu, binh nhì quân dịch, số quân: 67/409.806, nhóm máu B, thuộc đại đội 22 Trinh sát, sư đoàn 22 Bộ binh, Quân lực Việt Nam Cộng hoà… thì là cán bộ gì? Làm sao người ta có thể công nhận tư cách đảng viên của tôi?

Tôi sẽ lướt qua giai đoạn này bởi vì đó là một thời kỳ mà tôi bị mắc kẹt trong cái mớ công việc lỉnh kỉnh, vụn vặt như phong trào kế hoạch nhỏ, phong trào “một cây, một con” phong trào làm sạch đường phố.

Đến gần cuối năm 1976 tôi mới thoát ra khỏi cái mớ bòng bong ấy và cùng với một số anh chị em khác như anh Võ Ngọc An, Hữu Đạo, Nguyễn Minh Lộc, Hoàng Thoại Châu, Trần Thị Xuyến… đứng ra thành lập báo Tuổi Trẻ. Anh Võ Ngọc An làm Tổng biên tập đầu tiên.

Ngay trong những ngày đầu giải phóng tôi đã hiểu ra một sự thật mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Đó là: làm cách mạng cũng là một cái nghề, muốn thành công trong nghề (có nghĩa là sau này làm quan lớn) thì phải có tham vọng chính trị. Muốn thực hiện tham vọng ấy thì phải nổi tiếng. Muốn nổi tiếng thì phải có “thương hiệu”. Trong các phong trào quần chúng đô thị miền Nam thời đó thì thương hiệu chính là các chức danh “chủ tịch” “tổng thư ký” “nhạc sĩ”… và phải làm cho nổi đình nổi đám được lãnh đạo biết tới thì sau này mới chắc ăn.

Còn những anh bộ đội, những chị du kích, giao liên, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những kẻ mơ mộng, lãng mạn, triết lý... dở hơi như tôi, như Tám Nhân, như Lữ Phương… thì cũng chỉ là những chiến sĩ vô danh mà thôi.

Khi đã ngộ ra điều đó tôi thấy lòng thanh thản.

Là một nhà báo tôi đi rất nhiều. Những ngày đầu giải phóng tôi lặn lội vào các bưng biền, vào đồng hoang cỏ cháy, vào rừng sâu nước độc… cùng với anh em thanh niên xung phong và đã viết cả trăm bài báo. Cũng có lúc tôi đi “vô sản hóa” tại nhà máy Sinco, làm thợ máy (khà! khà! Giống hệt đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi vô sản hóa ở mỏ than Quảng Ninh!) Anh em công nhân ở đó dạy cho tôi đứng máy tiện.

Năm 1979 tôi theo đoàn quân giải phóng sang Campuchia.


1 - 5 6 - 10 11 - 15 16 - 21 22 - 30

Tác giả Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 1968 vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 1970 là binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sau 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài và tiểu thuyết: Giữa cơn lốc, nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1978; Một chuyến đi xa, nxb Măng Non 1984, nxb Trẻ 1994; Qua sông, nxb Văn Nghệ 1986; Vùng biển mất tích, nxb Đồng Nai 1987; Vượt biển, nxb Trẻ 1988, 1995; Vua Mèo, nxb Trẻ 1989; Người tình cũ, nxb Văn Nghệ 1989; Kẻ tử đạo cuối cùng, nxb Trẻ 1989; Thung lũng ảo vọng, nxb Trẻ 1989; Hoa dại lang thang, nxb Văn Học 1990; Trong vòng tay người khác, nxb Tác Phẩm Mới 1990; Kỷ niệm đàn bà, nxb Văn Nghệ 1990; Nổi loạn, nxb Hội Nhà Văn 1993. Thơ: Đường phố và thềm nhà, nxb Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, nxb Văn Nghệ 1982; Những bông hồng muộn, nxb Trẻ 1999; Tình địch, nxb Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài