talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 04.11.2007

Nguyễn Nguyên PhướcNhững số

Nguyen Nguyen Phuoc
Nhà văn
Nguyễn Nguyên Phước

Đường chỉ tay của “chú Dân”, nhân vật chính trong truyện ngắn dưới đây, hợp thành một vòng tròn khiến cho khi bàn tay khum lại, người ta có cảm giác chú đang nắm giữ một con số không... Định mệnh như cái vòng tròn, con người cứ luẩn quẩn chạy miết trong đó, làm đủ thứ lặt vặt vô ích, đau khổ vô ích, để rồi cuối cùng cũng không thoát ra khỏi. Tuyệt vọng chăng? Không hẳn vậy. Hình như mỗi người đều chăm chỉ nuôi giữ một hy vọng, cho dù hoàn toàn không có cơ sở: nó mong manh và tuỳ thuộc may rủi như trò xổ số. “Những số” – một truyện ngắn nữa góp phần khuếch đại cái viễn tượng bi quan trong sáng tạo văn học của Nguyễn Nguyên Phước.talawas chủ nhật

 

Nguyễn Nguyên Phước

Những số

 

Đã hơn hai mươi năm nay, bàn tay cha tôi hầu như không thay đổi mặc cho những bộ phận khác trên thân thể ông già đi theo thời gian. Kể từ khi tôi năm tuổi – đó cũng là thời điểm xa nhất trong quá khứ mà tôi còn có thể nhớ được – bàn tay cha tôi đã nổi những đường gân chằng chịt như những đường gờ trên chiếc can nhựa. Bàn tay có lẽ là bộ phận chóng già nhất trên cơ thể, một khi đã già rồi nó sẽ không thể già hơn nữa. Tôi không bao giờ nhìn thấy bàn tay trước kia của cha tôi khi ông còn trẻ. Những tấm ảnh chụp ông hồi đó hầu hết là ảnh bán thân; ngay cả trong những tấm ảnh hiếm hoi chụp toàn thân cũng không có cái nào có hình ảnh bàn tay, hoặc ông đút tay vào túi quần hoặc chắp tay đằng sau như đang cố tình che giấu nó.

Ở quê tôi, người ta tin rằng bàn tay là hình ảnh phóng chiếu của số phận. Thậm chí, có những người chỉ cần nhìn vào bàn tay là họ có nói về quá khứ, hiện tại và tương lai với một độ chính xác đến kinh ngạc. Cha tôi không tin vào số mệnh trong lòng bàn tay. “Bàn tay chỉ có thể cho ta biết về quá khứ”, ông nói, “nó hoàn toàn vô dụng trong việc ước đoán tương lai.”

Mặc dù không phải là một người mê tín nhưng cha tôi lại bị ám ảnh với số. Ông thường nói: “Mỗi số đều có một số phận lệ thuộc. Có những số không thể đứng riêng một mình. Nó luôn phải đi kèm với những số khác.” Có lẽ suy nghĩ đó là khởi nguồn cho hứng thú đặc biệt của cha tôi đối với trò xổ số mặc dù về bản chất ông không phải là người máu mê cờ bạc. Có một thời gian dài, khi kinh tế gia đình tôi còn khó khăn, cha tôi không hề mua một tấm vé số, nhưng điều đó không ngăn cản ông vẫn tỉ mỉ ghi chép kết quả xổ số vào cuốn vở học sinh.

Thực sự, đối với tôi, niềm hứng khởi sâu xa của cha tôi đằng sau cái công việc ghi chép buồn tẻ và vô nghĩa ấy rất khó lý giải. Nó càng trở nên khó giải thích hơn khi tôi tiếp tục công việc bàn giấy của cha tôi sau khi ông về hưu. Đối với tôi, công việc ấy giống như một gánh nặng mà người ta suốt đời phải mang theo. Đứng từ ngoài nhìn vào, người ta sẽ có cảm giác chúng tôi là những kẻ nhàn rỗi, vô tích sự, hầu như không phải làm gì nhưng nếu thực sự làm công việc đó họ sẽ cảm thấy cực kỳ bận bịu và căng thẳng bởi những áp lực vô hình. Chúng tôi quay cuồng giữa những chồng giấy tờ ngày một cao hơn cùng với những đòi hỏi cũng ngày càng phi lý hơn. Để giải quyết cái đống công việc khổng lồ ấy, người ta cần phải có một sức làm việc phi thường mà tôi tin rằng trong số chúng tôi không ai có thể kham nổi. Bởi thế không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm công việc đó một cách hời hợt, dửng dưng như thể định mệnh đã quy định như thế rồi, không thể tránh được. Từ góc độ ấy mà suy xét thì khó có thể hiểu được tại sao cha tôi lại có hứng thú với việc ghi kết quả xổ số, một công việc mà theo tôi cũng vô nghĩa không kém gì công việc ông đã từng làm ở cơ quan. Những người khác ở cơ quan, trong đó có tôi, đều có những trò giải trí khác. Chẳng hạn, chúng tôi đánh tá lả hay chơi game – những việc đó ít ra theo tôi còn có mục đích và ý nghĩa rõ ràng hơn công việc bàn giấy hay việc ghi kết quả xổ số.

Cha tôi không phải là người quảng giao. Trong số không nhiều những người bạn của cha tôi, chú Dân có lẽ là một trường hợp hi hữu. Đường chỉ tay của chú Dân ngay từ khi lọt lòng đã có những dấu hiệu đặc biệt. Nó không có bốn đường chỉ tay như người bình thường, thay vào đó đường sinh mệnh, đường tình duyên, đường sự nghiệp, đường sức khỏe hợp thành một vòng tròn rõ nét đến mức nếu nhìn chú khum khum lòng bàn tay người ta sẽ có cảm giác như chú đang nắm số không trong lòng bàn tay.

Hai người gặp nhau lúc họ hai mươi tuổi. Họ làm công nhân khuân vác ở bến Phà Đen. Chú Dân sinh sau cha tôi hai tháng. Hoàn cảnh hai người giống nhau: đều từ nông thôn thoát ly lên thành phố. Chú Dân khi đó theo miêu tả của cha tôi trắng trẻo và đẹp trai. Cũng theo lời cha tôi kể lại, hồi đó chú Dân đã bộc lộ một năng khiếu không thể phủ nhận về hội họa. Thời kỳ này, cha tôi cũng có nhiều hứng thú với hội họa, mặc dù năng khiếu của ông không rõ rệt như chú Dân. Qua một người bạn giới thiệu, cha tôi và chú Dân theo học một ông họa sĩ già. Tất cả đám công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đều hy vọng một ngày kia chú Dân sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, trái với mong đợi, sau một thời gian theo học, chú Dân đột nhiên không còn hứng thú vẽ bất cứ thứ gì nữa. Hứng thú với hội họa của cha tôi kéo dài lâu hơn nhưng rồi ông cũng phải từ bỏ khi nhận ra mình không có khả năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông nói với chúng tôi rằng ít ra đó cũng là một điều may mắn: nhận ra mình bất tài khi còn trẻ.

Rồi cuộc đời họ đi theo hai lối khác nhau. Cha tôi làm công nhân nhà máy cơ khí Mai Động; sau đó khoảng mười năm, ông được cử đi học hàm thụ kinh tế rồi chuyển sang làm ở phòng điều độ. Chú Dân học trung cấp điện; ra trường chú làm thợ điện cho một nhà máy trên Thái Nguyên. Chú Dân lập gia đình trước cha tôi một năm. Kể từ đám cưới của cha mẹ tôi, trong vòng mười hai năm, hai người không gặp nhau. Họ thường viết thư cho nhau vào dịp cuối năm. Họ kể về những khó khăn trong cuộc sống gia đình, nhắc lại những kỷ niệm xưa, hỏi han tin tức những người quen. Thực ra, họ chẳng có gì nhiều để kể. Nếu tóm tắt cuộc đời hai người trong những năm tháng ấy tôi nghĩ chắc cũng chẳng cần đến hai trang giấy.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên chú Dân đến nhà tôi vào một buổi chiều giáp tết âm lịch. Năm ấy tôi mười tuổi, em gái tôi tám tuổi. Chú hoàn toàn khác với tưởng tượng của hai anh em tôi. Trong hình dung của chúng tôi thông qua những câu chuyện mà cha tôi vẫn kể cho cả nhà nghe trong những buổi tối mất điện, mà hồi ấy mất điện thường xuyên, chú Dân là một người đàn ông dong dỏng cao, hơi gầy, khuôn mặt cương nghị và cuốn hút. Vào cái buổi chiều mùa đông ấy, khi hai anh em tôi mới đi học về, đang rửa chân ngoài vòi nước công cộng, cha tôi gọi chúng tôi vào nhà, chỉ vào một người đàn ông to béo, đầu hơi hói và nói: “Đây là chú Dân.” Phải mất một thời gian dài tôi mới có thể quên được được hình ảnh người đàn ông dong dỏng cao hơi gầy, nét mặt cương nghị mà trước kia tôi vẫn thường tưởng tượng mỗi khi nghe ai đó nói về chú Dân. Chúng tôi không vì thế mà bớt yêu quý chú nhưng dù sao trong tâm hồn trẻ thơ của hai anh em tôi cũng có một chút thất vọng. Giá kể như chúng tôi không gặp chú thì có lẽ hình ảnh ấy sẽ đẹp một cách trọn vẹn.

Sau đó mấy tháng, gia đình chú Dân chuyển về Hà Nội. Chú Dân và cha tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Hai người thường ngồi đối diện với nhau bên bàn uống nước. Xen giữa những khoảng im lặng kéo dài, họ chậm rãi kể lại những sự kiện xảy ra hồi còn làm công nhân khuân vác ở bến Phà Đen. Họ trầm ngâm đắm chìm trong quá khứ. Họ kể lại cái cảm giác lần đầu tiên ra Hà Nội, ngồi trong quán ăn, cha tôi theo thói quen của người nhà quê mời tất cả mọi người xơi cơm làm thực khách trong quán bò lăn ra cười. Họ kể về vợ chồng ông chủ nhà, nửa đêm bà vợ đánh thức ông chồng dậy làm tình, ông chồng cáu ầm lên, còn đám công nhân khuân vác cười rúc rích. Họ kể về những năm tháng khó khăn cả hai đều đói phải đi xin cháy ở quán cơm. Cha tôi lúc đó phải gửi tiền về quê nuôi hai đứa cháu gái mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chú Dân cũng phải nuôi hai đứa em. Họ kể những chuyện đó với một cảm giác thoải mái dù những năm tháng đói kém chưa hẳn đã lùi xa. Gia đình tôi phải ăn cơm độn mì và bo bo. Thức ăn chủ yếu muối vừng và lạc rang. Gia đình chú Dân chuyển từ nông thôn lên còn khó khăn hơn. Cô Hằng, vợ chú Dân là giáo viên dạy văn ở trường cấp ba trên Thái Nguyên, phải chạy chọt cả năm trời mới chuyển được về dạy ở một trường cấp một ở Hà Nội. Hai đứa con gái chú gầy như hai que củi, một đứa bằng tuổi tôi tên là Trang, một đứa kém tôi ba tuổi tên là Thúy.

Ba năm sau khi về Hà Nội, chú Dân bỏ việc cơ quan. Chú chuyển sang đạp xích lô. Hồi ấy bỏ cơ quan nhà nước là việc động trời nhưng có lẽ đối với chú Dân điều ấy không có nghĩa gì hết. Chú đạp xích lô đến nhà tôi, cười nói oang oang, nét mặt rạng rỡ. Chú nói rằng thu nhập từ nghề đạp xích lô cao hơn rất nhiều so với lương nhà nước. “Tôi cảm thấy như vừa được hồi sinh.” Chú nói với cha tôi. “Có vẻ như cuối cùng tôi đã tìm thấy nó, cái ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà tôi luôn khao khát. Cuộc đời thật ngắn ngủi, vậy tại sao người ta cứ phải cố gắng chịu đựng một cuộc sống mà mình không thích?”

Rồi vợ chồng chú Dân li dị. Cô Hằng cùng Thúy quay trở lại Thái Nguyên, Trang ở lại với chú Dân. Chú Dân hoàn toàn không thay đổi chút gì sau khi li dị. Chú vẫn là con người tháo vát, nấu ăn ngon, giỏi việc chợ búa. Chú có thể sống thoải mái mà không cần đến bàn tay phụ nữ. Trang cũng chỉ ở với chú được ba tháng rồi nó trốn nhà, nhảy tàu về Thái Nguyên về với mẹ. Chú Dân sống một mình, hầu hết tiền kiếm được chú gửi về cho vợ nuôi con. Cả chú Dân và cô Hằng đều không tái giá. Có lẽ họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống độc lập, ít ràng buộc. Chú Dân thỉnh thoảng lên Thái Nguyên thăm vợ và con, ở lại vài ngày, giúp cô Hằng làm những việc nặng mà phụ nữ không thể làm được. Theo cách đó, dường như họ không giống như một cặp vợ chồng đã ly hôn.

Hàng ngày, chú Dân dạy từ ba giờ sáng đi bắt lợn cho một chị bán thịt ở chợ Thành Công. Người ta đồn rằng chú Dân bắt bồ với chị ta. Đó là một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, người đẫy đà, mắt hơi híp, chồng làm thủy thủ viễn dương, quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ về nhà. Chú Dân hay đến nhà tôi, hầu như tuần nào chú cũng đến. Kể từ khi chú li dị vợ, mẹ tôi không còn quý chú như ngày trước nữa. Cha tôi thì vẫn thế. Ông vốn ít nói nên lúc nào trông ông cũng như vậy. Tôi có cảm giác cha tôi không bao giờ thay đổi. Ba mươi năm trước ông như thế nào thì ba mươi năm sau ông vẫn cứ như vậy. Chỉ già đi thôi.

Thỉnh thoảng, chú Dân lại chở hai anh em tôi đi ăn kem. Chú chở chúng tôi đến một hàng kem ở gần bệnh viện, mua cho chúng tôi mỗi đứa một que kem, loại kem que rẻ tiền mà hồi ấy dân bán rong vẫn thường rao đổi đồ đồng nát, rồi chú thả chúng tôi tha thẩn trên vỉa hè, còn chú ngồi đánh cờ cùng những người bạn đạp xích lô, đám thợ cắt tóc và một ông già bán vé số ở gần đấy. Đối với hai anh em chúng tôi, những người bạn ấy của chú Dân thật đáng mến, lúc nào cũng vui vẻ, vô tư. Chẳng có gì có thể làm họ phiền lòng. Họ hoàn toàn khác với những người ở cơ quan cha mẹ tôi, những con người suốt ngày than vãn, ca cẩm về đủ thứ chuyện trên đời, như thể họ đang bị ép phải sống một cuộc sống tù đày vậy.

Vào dịp nghỉ hè, hai đứa con gái chú Dân ra Hà Nội sống với bố một tháng. Chú Dân thường chở hai đứa đến nhà tôi chơi. Tôi chưa bao giờ thấy hai đứa con gái chú Dân thoải mái, khuôn mặt u sầu của chúng lúc nào cũng e dè sợ sệt. Hà Nội đối với hai đứa chúng nó là một nơi đầy bất trắc. Hơn nữa, người ta hẳn khó có thể cảm thấy thoải mái với cuộc sống tạm bợ cùng với một ông bố đạp xích lô. Trang có lần nói với tôi rằng nếu không vì mẹ nó bắt ép chắc hai đứa chúng nó chẳng bao giờ về Hà Nội sống cùng chú Dân trong căn nhà chật chội ấy.

“Dù có thế nào, ông ấy vẫn là cha các con.” Trang kể với tôi rằng mẹ nó đã nói với hai chị em nó như vậy. “Ông ấy là một người tốt. Cuộc đời đã quá bất công với ông ấy nên mẹ con mình không được làm điều gì không phải với ông ấy.” Mỗi lần hai đứa sắp ra Hà Nội nghỉ hè, chú Dân lại phải sửa sang lại căn nhà. Chú mua vôi ve, tự quét lấy. Chú kê lại giường tủ, sắp xếp lại đồ đạc, vứt đủ thứ linh tinh để căn hộ một phòng ấy trông rộng rãi và sáng sủa hơn. Ngoài sách giáo khoa, chú còn mua cho hai đứa rất nhiều truyện ở một cửa hàng sách cũ. Cuối tuần chú chở hai đứa đi xem phim. Chú Dân làm tất cả những việc đó một cách hoàn toàn tự nhiên như thể hai đứa vẫn sống cùng chú cả năm trời vậy.

Cứ như vậy chú Dân sống bằng nghề đạp xích lô trong mười năm. Chú sống một cách thoải mái, không rượu chè, không bài bạc, những lúc rảnh rỗi ngồi tán chuyện và đánh cờ tướng cùng vài người bạn ở cái vỉa hè bệnh viện, nơi ngày trước chú vẫn chở hai anh em tôi ăn kem. Khi chị bán thịt lợn ở chợ Thành Công bỏ nghề, cùng chồng lúc này đã thôi làm thủy thủ viễn dương mở cửa hàng karaoke, chú Dân kiếm được công việc chở hàng thuê cho mấy bà buôn hàng xén. Số tiền chú kiếm được đủ nuôi hai đứa con gái học xong đại học. Hai đứa không còn rụt rè như trước nữa. Chúng sống cùng chú Dân trong cái căn hộ chật chội ngày xưa bây giờ đã được cơi nới thêm một ít và có thêm một cái gác xép bằng gỗ, ít ra nó còn tốt hơn những căn nhà ổ chuột dành cho sinh viên ngoại tỉnh. Chúng không còn cảm thấy xấu hổ vì có ông bố đạp xích lô. Chúng cảm thấy thoải mái với cuộc sống ở Hà Nội. Dù sao chúng cũng may mắn hơn những đứa ở nông thôn ra Hà Nội trọ học. Trước khi Trang ra trường, chú Dân đã chạy cho cả hai đứa có hộ khẩu Hà Nội, hồi ấy là một lợi thế xin việc cho sinh viên mới tốt nghiệp. Rồi cả hai lấy chồng, gần như cùng một lúc. Trang theo chồng vào Sài Gòn, Thúy ở lại Hà Nội. Cô Hằng vẫn ở Thái Nguyên. Cô chưa muốn về hưu.

Chú Dân không còn đạp xích lô nữa. Chú bán vé số thay cho ông lão ngồi trước cổng bệnh viện, người vừa mất một tuần trước đó vì ung thư dạ dày, thọ bảy mươi nhăm tuổi. Thu nhập từ nghề bán vé số không nhiều như đạp xích lô nhưng đều đặn và ít tốn sức. Cha tôi lúc này đã về hưu. Thỉnh thoảng ông vẫn ra hàng chú Dân mua một tấm vé số. Họ thường ngồi nói chuyện với nhau rất lâu dưới bóng cây bàng.

Chú Dân kể lại rằng chú bắt đầu mua xổ số từ hồi đạp xích lô. Chú mua gần như hàng ngày. “Tấm vé số mang đến cho tôi niềm vui.” Chú Dân nói. “Hầu như ngày nào tôi cũng mua một tấm. Cảm giác chờ đợi thật hạnh phúc. Có lần tôi trúng giải ba, vừa đủ tiền mua cho con Trang cái xe đạp mini cũ. Còn lại toàn trượt.” Rồi chú Dân và cha tôi say sưa nói về những con số của ngày hôm qua hay ngày hôm kia. Họ kể về những người trúng giải mà họ biết, thực ra phần lớn họ nghe ai đó kể lại, mà người kể lại rất có thể được nghe kể lại từ một người khác nữa. Cứ như vậy, họ cảm thấy niềm vui của họ là bất tận. Họ quên đi tuổi già, thất bại, bệnh tật và những thiếu thốn vật chất. Cha tôi không còn than phiền như trước kia. Ông cũng không còn ghi kết quả xổ số vào những quyển vở nữa. Ông kết thân với đám bạn của chú Dân trên vỉa hè bệnh viện. Ông cảm thấy hạnh phúc vì có lương hưu, một sự bảo đảm nho nhỏ nhưng chắc chắn.

Chú Dân qua đời cách đây bốn năm. Chú không phải chịu quá nhiều đau đớn như phần lớn những người bị ung thư gan. Khi người ta phát hiện ra bệnh của chú thì nó đã ở giai đoạn cuối, chú Dân chỉ còn sống thêm được hai tháng nữa. Trang từ Sài Gòn ra thăm chú được gần ba tuần. Phần lớn công việc chăm sóc ở bệnh viện do cô Hằng đảm nhiệm. Hồi ấy, cô Hằng chuẩn bị lĩnh sổ hưu nên cũng rảnh rỗi. Hàng ngày, vào buổi tối, tôi và em gái tôi thay phiên nhau chở cha tôi đến bệnh viện thăm chú Dân. Cha tôi thường ngồi rất lâu ở đó. Ông nhanh chóng quen tất cả bệnh nhân trong phòng, hầu hết đều bị bệnh gan, đang cận kề cái chết, da vàng như nghệ, bụng to như cái trống, họ thở một cách khó nhọc. Ông nói chuyện với họ tự nhiên như những người bạn lâu ngày không gặp lại. Chú Dân nói rằng ban đêm những người này rất đau đớn, họ kêu gào thảm thiết làm làm chú rất khó ngủ. Chú cũng bị những cơn đau hành hạ nhưng có lẽ không khủng khiếp như bọn họ. Chú nằm viện được gần một tháng thì cô Hằng xin chuyển chú được về nhà để tiện chăm sóc. Chú Dân chỉ bị hôn mê nửa ngày trước khi mất. Chú nói với cha tôi rằng chú cảm thấy thoải mái khi được chết ở nhà, không khí ở bệnh viện quá ngột ngạt đối với chú.

Đồ đạc chú Dân để lại hầu như chẳng có gì: một cái cassette Sony một cửa băng, một cái xe đạp mini Trung Quốc, một cái đồng hồ báo thức Liên Xô và một chồng vé số mà chú đã mua trong hơn mười năm đạp xích lô. Cô Hằng mang tất cả những thứ đó về Thái Nguyên. Mấy thứ đồ gỗ thì cô cho mấy người hàng xóm làm củi. Căn nhà trở nên trống trơn. Một năm sau khi chú Dân mất, căn nhà được bán đi, cô Hằng giữ lại một số tiền nhỏ, còn lại chia hết cho Trang và Thúy. Rồi Thúy theo chồng chuyển vào Vũng Tàu. Tất cả những gì thuộc về chú Dân trên mảnh đất mà chú đã sống gần ba mươi năm cuối cùng cũng hoàn toàn biến mất. Cách đây mấy tháng, tình cờ tôi có dịp đi ngang qua ngõ nhà chú Dân ở ngày trước. Ngôi nhà cũ đã được phá đi, người chủ mới xây một ngôi nhà nhỏ ba tầng, mái hình chóp lợp tôn Austnam, bên ngoài quét ve màu nâu đỏ.

Sau đám tang chú Dân, cha tôi già hẳn đi. Không ai dám để ông đi ra ngoài một mình, nếu không kiểu gì ông cũng sẽ lần theo con đường dẫn đến cái vỉa hè bệnh viện nơi chú Dân ngày trước bán vé số; ông sẽ ngồi ở đấy, thẫn thờ hàng giờ đồng hồ nhìn những bệnh nhân mặc áo trắng buồn bã đi lại trong bệnh viện. Chúng tôi bất lực nhìn cha tôi chìm dần vào một thế giới tăm tối nào đó như thể nhìn một người đang từ từ chìm xuống đầm lầy mà không có cách nào kéo lên được. Dần dần, cha tôi không thể phân biệt được thời gian, thế giới lúc này đối với ông chỉ còn là một lớp sương mù dày đặc những sự kiện của quá khứ và hiện tại chồng chéo lên nhau. Cách diễn đạt của cha tôi cho thấy rằng ông không nhận thức được cái chết của chú Dân. Có lần ông hỏi tôi sao lâu rồi không thấy chú Dân tới chơi, rồi ông lẩm bẩm như thể nói với chính mình “Số phận của chú Dân là số phận của kẻ lạc lối. Những đường chỉ tay có lẽ là như vậy.”

Nagoya 9.2006

© 2007 talawas

Nguyễn Nguyên Phước sinh năm 1976 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học (chuyên ngành Điện tử-Viễn thông) và Cao học (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Vật liệu, Học viện Công nghệ Toyota (Toyota Technological Institute), Nagoya, Nhật Bản. Hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài