talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 26.10.2008


Đào HiếuVề đâu?


Dao Hieu
Đào Hiếu

Đào Hiếu

Về đâu?

Tiểu thuyết

Mục lục

Chương 1: Hello, ông nội
Chương 2: Người lính già trên đồng bưng
Chương 3: Một ông già, một con chó
Chương 4: Vương gia và người dẫn đường
Chương 5: Sự cám dỗ của quyền lực
Chương 6: Đứa con rơi của vương gia
Chương 7: Cô nữ sinh mười hai tuổi
Chương 8: Mạt lộ
Chương 9: Cây trúc mảnh mai của miền Tây
Chương 10: Ông chủ Nhật Bản
Chương 11: Ba phân cảnh ngắn
Chương 12: Bước ngoặt
Chương 13: Những cánh diều
Chương 14: Sinh nhật của lão già
Chương 15: Quà tặng cho Akinari
Chương 16: Săng-ta
Chương 17: Bóng tối và sự im lặng
Chương 18: Hai anh em
Chương 19: Giám đốc Minh và Akinari
Chương 20: Kết thúc vụ săng-ta
Chương 21: Cha, mẹ và con trai
Chương 22: Những đứa trẻ khóc
Chương 23: Buổi sáng trong vườn hoa
Chương 24: Trúc nằm trên võng
Chương 25: Akinari trở về Nhật
Chương 26: Tiếng gọi trên bến sông
Chương 27: Trở lại phồn hoa
Chương 28: Mặt đất đã thay đổi
Chương 29: Truyền giống
Chương 30: Lễ mừng thọ của vương gia
Chương 31: Ba ông già trên cù lao


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31


7. Cô nữ sinh mười hai tuổi


Mười năm sau. Trong một lần về thăm làng cũ nơi tôi sinh ra, bước vào một quán cà phê, tôi đối mặt với một đám thanh niên hoàn toàn xa lạ.

Tôi có cảm giác như mình đã vào lộn chỗ, như mình đang ở một xứ nào chứ không phải làng quê mình. Một trăm cặp mắt nhìn tôi. Hai bên hoàn toàn không biết nhau. Tôi chỉ là một khách qua đường. Và bọn trẻ như rừng cây vừa mọc lên từ đất. Một khu rừng trẻ, lố nhố, xa cách.

Cái gì đã biến tôi thành khách lạ tại cái nơi mình chôn nhau cắt rốn?

Đó là ma thuật của thời gian.

Rất may trong mười năm ấy tôi và bé Quỳnh Vi đã sống bên nhau nên sự xa lạ quái đản ấy đã không xuất hiện.

Buổi chiều lúc năm giờ tôi thường đến trường đón bé. Bé khoe:

“Ông nội ơi, hôm nay con có gặp một bạn trai dễ thương lắm.”

“Dễ thương như thế nào?”

“Bạn ấy rất đẹp. Mắt đẹp, mũi cũng đẹp. Nói chuyện có duyên lắm. Từ trước đến giờ con chưa thấy có người nào hoàn hảo đến như vậy.”

Bạn có tin đó là lời của một cô bé mười hai tuổi học lớp Bảy không? Nó giống ai mà mê trai sớm vậy? Chắc giống mẹ nó? Nhưng cái kiểu lãng mạn quá sớm như vậy cũng có thể là gen của tôi!

Tôi cười thầm, hỏi:

“Bạn cùng lớp hả?”

“Không phải. Con gặp bạn ấy ở hồ bơi trong sân golf”

“Sao con lại vào hồ bơi đó?”

“Vì thầy Prewitt cho cả lớp đi bơi.”

“Nó bơi có giỏi không?”

“Giỏi lắm. Chỉ có hai đứa con là bơi liên tục ba vòng hồ.”

Sáng chủ nhật tôi rủ bé đi bơi, mục đích là để xem mặt “chàng trai” đó.

Nó là một thằng bé trắng trẻo, mặt tròn quay và môi đỏ như con gái. Một đứa trẻ không có gì đặc biệt vì thế tôi để cho chúng tự do bơi với nhau.

Hôm đó không có thầy Prewitt nhưng lại có cô giáo Rosemary quê ở Seattle và một thầy giáo người Philippines tên là Marlon.

Thấy tôi đi với bé Vi cả Marlon và Rosemary đều đến làm quen. Tôi hỏi:

“Quỳnh Vi học hành thế nào?”

“Fantastic! Ông có một cô cháu nội tuyệt vời. Tiếng Anh của bé rất chuẩn.”

Thực ra nếu xưng hô bằng tiềng Việt thì tôi phải gọi họ bằng “con” vì họ còn ít tuổi hơn ba của bé Vi. Nhưng tôi vẫn xem họ như là bạn.

Ngày nọ Marlon gọi điện cho tôi:

“Bác ơi, giúp tụi cháu với.”

Họ có bốn người, đều là Phi, họ muốn thuê một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng để đi dạy cho gần nhưng họ không giao tiếp được bằng tiếng Việt với chủ nhà, và cũng không biết trong hợp đồng thuê nhà nói gì.

Tôi giúp họ thuê căn nhà ấy và có thêm hai người bạn nữa.

Từ đó hai ông cháu thường đi lại chơi đùa với các “thầy cô” trẻ. Dọn nhà xong, họ làm một bữa tiệc nhỏ. Bé Vi nói như chim, đùa giỡn với thầy cô như bạn bè. Tôi ngồi uống rượu với Marlon, người lớn tuổi nhất trong đám. Tôi hỏi:

“Các cháu tốt nghiệp đại học sao không làm việc ở Manila mà sang đây dạy học?”

“Bên đó khó tìm việc làm lắm, bác ạ. Dân Phi thất nghiệp rất nhiều. Sang đây tụi cháu kiếm mỗi tháng cũng được hai ngàn đô.”

“Cháu thấy Việt Nam thế nào?”

“Xã hội ổn định.”

“Nhưng là cái ổ tham nhũng đấy.”

“Bên nước cháu cũng vậy thôi. Tổng thống Ferdinand Marcos từng tham nhũng một trăm tỉ đô la. Chính quyền của bà Arroyo hiện nay cũng không khá gì hơn. Đầy dẫy bất công, nghèo nàn, lạc hậu. Philippines là câu trả lời cho những ai vẫn tin rằng theo Mỹ là sự lựa chọn khôn ngoan nhất.”

“Nhưng ít ra ở đó còn có báo đối lập, có quyền biểu tình, có tự do sáng tác. Còn Việt Nam thì tuyệt đối không. Chính quyền coi đất nước này là tài sản riêng của họ. Họ muốn làm gì thì làm.”

Tôi nhìn quanh. Quỳnh Vi đang nghịch cát với thằng bé. Đó là thứ cát trắng người ta mua từ Nha Trang về để tạo một chút thiên nhiên cho cái bể bơi xinh xắn này. Chúng đang cùng nhau đắp những quả núi và những hang động.

Đến đây, tôi gặp một bé Vi khác, linh hoạt và hiện đại.

Về sau này, có một lúc đi ngang qua phòng nó, nghe nó đang nói chuyện với ai đó bằng tiếng Anh rất hào hứng. Dường như chúng đang cãi nhau, đang tranh luận với nhau, chọc ghẹo nhau. Tôi bước vào phòng. Chỉ có bé Vi và chiếc ti-vi đang phát chương trình Teen Titans. Con bé không xem chương trình ấy như một khán giả. Nó tham dự vào cuộc chơi, nó tranh luận với các nhân vật trong phim, nó trả lời chất vấn và đặt câu hỏi, say mê đến nỗi tôi bước vào mà nó không hay.

Một bữa nọ, trên đường từ trường về, nó hỏi:

“Ông nội ơi, con ốc sên có răng không?”

“Chắc là không. Nó chỉ có cái lưỡi mềm dùng để di chuyển và để nuốt thức ăn.”

“Không phải đâu. Nó có răng đó.”

“Con đọc ở đâu vậy?”

“Con xem trên đài Discovery. Người ta nói trong lưỡi của con ốc sên có hai hàng gai, đó chính là răng của nó, dùng để bắt những con côn trùng trên đường nó di chuyển.”

Bé ngồi sau xe, lấy mấy ngón tay sờ tóc trên đỉnh đầu tôi. Lại nói:

“Tóc ông nội rụng nhiều quá. Sắp hói rồi đó.”

“Đó là tuổi già đấy con ạ.”

“Tại sao vậy?”

“Tại vì tạo hóa chậm hiểu lắm.”

“Tạo hóa kém thông minh sao?”

“Ừ, kém thông minh. Tạo hóa không biết rằng con người khác xa với cây cỏ, khác xa cầm thú. Con người biết thay đổi thế giới và sáng tạo ra thế giới, con người có ý thức về sự sống và sự chết. Sao lại bắt con người chịu chung một quy luật giống như cây cỏ và cầm thú? Sao lại bắt con người phải chết?”

Tôi cảm nhận một sự im lặng khác lạ sau lưng tôi. Nó kéo dài. Như có một cái gì đó đang ngừng lại. Tôi dừng xe, ngoái nhìn bé, thấy trên má nó có hai giọt nước mắt. Tôi hỏi:

“Sao con khóc?”

“Một ngày nào đó con cũng sẽ chết sao?”

Câu hỏi của đứa bé mười hai tuổi bắn vào tim tôi như một mũi tên bất ngờ. Tôi nhìn thấy cái bóng của thời gian như một vùng sương mù xám xịt đang lởn vởn trên ngọn cây, làm tôi hoảng hốt. Tôi dựng xe, bế bé lên và ôm nó vào lòng.

Nó òa khóc.


8. Mạt lộ

Huy đến trường nhưng không có thầy.

Lại về.

Nhà quá rộng nên sự trở về của Huy không gây một xáo trộn nào cho cái không khí yên tĩnh thường ngày. Chàng trai mười bảy tuổi bước lên lầu và thấy cửa phòng ba mình mở.

Đã chín giờ sáng.

“Bữa nay ba không đi làm sao?”

Không có tiếng trả lời. Hỏi lại lần nữa. Cũng im lặng. Ông Đạt nằm trên giường, xuôi tay. Huy ngồi xuống một bên, sờ tay lên trán. Không thấy sốt.

“Ba mệt hả?”

Chỉ lắc đầu.

“Sao con thấy ba sống âm thầm quá. Hình như giữa ba và mẹ có chuyện gì phải không?”

“Ba bị người ta làm nhục mà không làm gì được.”

“Nhưng ai làm nhục ba?”

“Hồi trước ba ở tù. Hai chân bị cùm. Bị nhốt trong phòng tối. Đói khát. Ăn cả thằn lằn, bò cạp. Thân thể ghẻ lở, hôi hám. Vậy mà vẫn sống được. Con biết vì sao không? Đó là vì mình có niềm tự hào. Có niềm tin. Còn bây giờ xe hơi nhà lầu nhưng sống nhục quá. Ba cảm thấy mình đang chết từng ngày.”

“Nhưng kẻ nào đã làm nhục ba?”

“Kẻ đó quyền lực ghê gớm lắm. Người ta vẫn gọi ông ta là ‘vương gia’. Cái bóng của ông ta bao trùm thiên hạ. Đến Trung ương còn phải sợ. Huống chi là ba. Ba chỉ là một con tép, một con nhái bén.”

“Nhưng ông ta đã làm gì ba?”

“Thôi, con không nên biết quá nhiều. Sao hôm nay con không đi học?”

“Con nghỉ hai tiết đầu vì thầy bệnh.”

“Vậy bây giờ con trở lại trường đi.”


*


Những điều người cha nói ban sáng làm Huy thao thức. Đã gần 3 giờ khuya. Thành phố im lặng. Cậu uống một ly nước lọc rồi ra đứng ngoài ban-công. Trước mặt Huy là một nhánh sông phẳng lặng, từ đó đưa lại những tiếng rì rào của rừng dừa nước. Huy nhìn xuống khu vườn nhà mình và thấy đèn trong phòng ba còn sáng. Cậu nghĩ đêm nay ba cũng mất ngủ như mình và cậu muốn ghé thăm ông.

Cậu đi rất nhẹ, dừng lại một lát trước cửa phòng. Bỗng nhiên Huy nghe tiếng lên đạn. Cậu giật mình, nhìn vào lỗ khóa. Thấy cha mình đang ngồi trên ghế bành, trước mặt là một chai rượu uống dở và trên tay ông là khẩu K54.

Huy tông cửa vào.

“Ba làm gì vậy?”

Ông Đạt giấu khẩu súng dưới nệm ghế. Huy bước tới, tước khẩu súng, bỏ vào túi quần.

“Có gì đâu. Người cha nói. Khẩu súng để lâu ngày rỉ sét, ba đem ra chùi lại.”

“Ba đừng giấu con. Nhìn chai rượu và nhìn nét mặt ba con đã hiểu rồi.”

“Không có gì đâu. Con trả súng lại cho ba.”

Huy móc súng ra. Kéo cơ bẩm. Một viên đạn văng ra nền nhà. Anh tháo băng đạn ra khỏi súng và nói:

“Không ai lau súng mà để đạn trong nòng. Sao ba lại có ý định tự sát? Hãy cho con biết đi.”

Huy quỳ xuống ôm lấy người đàn ông gầy yếu và tuyệt vọng. Ông Đạt gần như run rẩy. Ông vuốt tóc chàng trai để lấy lại bình tĩnh.

“Huy ơi! Con có biết hôm nay mẹ con đi đâu không?”

“Mẹ đi công tác ở Cần Thơ.”

“Không phải đâu con à. Mẹ đang ở nhà của vương gia đó.”

“Nhưng mẹ con đến đó để làm gì?”

“Mẹ con đã quan hệ với ông ta từ hồi ba còn nằm ngoài Côn Đảo.”

Huy sửng sốt nhìn cha:

“Có chuyện đó sao? Con không tin đâu.”

“Những đó là sự thực. Ngay cả khi ba ra tù, về sống chung với mẹ con, thì hai người vẫn quan hệ với nhau.”

“Có gì làm bằng chứng?”

Ông Đạt đẩy cái ly về phía Huy:

“Rót cho ba một ly.”

Huy rót rượu cho ông. Ông nói:

“Ba có người quen làm tài xế trong tư dinh của lão nên mỗi lần mẹ con ngủ lại đó ba điều biết. Những chuyện như thế đã kéo dài trong nhiều năm.”

“Thế vợ con lão đâu?”

“Ở Đà Lạt.”

“Nhưng lão không sợ thiên hạ dèm pha sao?”

“Chỉ có thiên hạ sợ lão. Lão chẳng sợ ai.”

Huy ôm lấy cha:

“Mặc kệ vương gia. Mặc kệ mẹ. Ba ơi! Con thương ba lắm. Hãy hứa với con là ba đừng chết nhé?’


9. Cây trúc mảnh mai của miền Tây

Quỳnh hỏi cháu ngoại:

“Nhà con Trinh có gì vậy?”

“Có một ông Đài Loan.”

Cô gái biến mất sau đám chuối.

Căn nhà lá nhỏ và thấp. Chòm xóm bu lại như cái chợ. Mấy cái ghe bán đồ tạp hóa cũng ghé vô. Lão già người Đài Loan nhỏ xíu. Lão đeo dây chuyền vàng và đồng hồ vàng. Cô Bảy mặc đồ bộ, người phốp pháp mà đen vì suốt ngày đi cắt lúa. Nhỏ Trinh thì tròn lẳn, tướng thon thả, đẹp gái. Chòm xóm hỏi nhỏ:

“Nó đưa được nhiêu?”

“Hai ngàn đô.”

“Nhiều dữ vậy hả?”

Trúc trề môi:

“Cha già xấu oắc. Mười ngàn tui cũng hổng thèm.”

“Đừng có chảnh. Mai mốt qua bển nó gởi đô về mới ngon.”

Trúc bỏ về. Quỳnh hỏi:

“Thấy chú rể Đài Loan sao?”

“Con thấy tội nghiệp cho chị Trinh.”

Quỳnh nói:

“Mai mốt con sẽ đi Mỹ với ông ngoại.”

Nhưng đại úy Quỳnh không hy vọng gì nhiều. Đợt phỏng vấn này Mỹ nó cho kê khai thêm những gì không nói đuợc trong đơn. Ông hy vọng vào những vết sẹo chằng chịt do trận “mở đường máu” năm nào để lại. Ông hy vọng vào những đặc vụ biệt kích mà ông từng được thả xuống giữa rừng rậm của liên khu Năm vào sau mùa hè 1972. Chắc chắn người Mỹ còn lưu giữ tên ông trong danh sách những đội đặc nhiệm ấy.

Tiếng Anh vẫn còn kha khá, Quỳnh có thể trả lời phỏng vấn trực triếp với nhân viên tòa tổng lãnh sự.


*

Tôi chở Quỳnh đến nơi phỏng vấn.

Trong khi chờ đợi, tôi gọi điện thoại cho Trần:

“Tôi đưa bé Trúc đến chỗ ông nhé?”

“Cứ đưa nó thẳng đến công ty. Gặp thằng Minh, con tôi. Tôi đã bảo nó xếp lịch để tiếp con bé rồi. Nó sẽ quyết định.”

Thế là tôi chở bé Trúc đến gặp giám đốc Minh. Nó tiếp chúng tôi ngay tại phòng và nói rằng nó có nghe ba nó nói về bé Trúc và nó sẽ giúp đỡ. Tôi hỏi bé Trúc:

“Cháu ở đây nói chuyện với giám đốc được không? Bác phải đi đón ông ngoại cháu.”

Cô bé không có vẻ gì là sợ sệt. Nó cười, hất mái tóc bồng bềnh cháy nắng qua bên vai, trông nó xinh lắm.

Tôi đến Tổng lãnh sự Mỹ và đợi chừng mười lăm phút thì Quỳnh ra.

“Phỏng vấn thế nào?” Tôi hỏi.

“Không có phỏng vấn. Không đủ điều kiện để dự phỏng vấn.”

“Lại do vụ cải tạo hai tuần?”

Quỳnh gật gật. Tôi hỏi:

“Sao không đem sẹo ra mà khoe?”

“Có gặp thằng Mỹ nào đâu mà khoe. Gặp một con bé nhân viên người Việt. Vạch đùi ra khoe sẹo nó chửi cho bỏ mẹ.”

Tôi bảo Quỳnh cùng lại chỗ bé Trúc nhưng ông nói.

“Kệ chúng nó. Kiếm rượu uống đi. Tao buồn.”


*


Giám đốc Minh hỏi Trúc:

“Em nhuộm tóc hả?”

“Tóc vàng tự nhiên.”

“Em đâu phải con lai.”

“Em đi cắt lúa. Tóc bị cháy.”

“Học lớp mấy?”

“Lớp Bảy.”

“Biết tiếng Anh không?”

“Không biết.”

“Sao bỏ học sớm vậy?”

“Làm biếng.”

“Làm biếng thì ai nhận vô làm.”

“Không nhận thì thôi. Đi về.”

Nói xong quay đi liền. Minh huýt sáo:

“Này, bé ơi!”

Trúc chỉ ngoảnh mặt lại, kênh:

“Ông huýt sáo gọi tôi hả? Tôi có phải chó đâu.”

“Xin lỗi. Anh chỉ đùa với em thôi. Anh thích em lắm. Nhưng nếu anh nhận em thì em sẽ làm được việc gì? Không biết tiếng Anh. Không biết vi tính. Trình độ lớp Bảy. Em nghĩ em làm được việc gì?”

“Pha trà mời khách. Lau nhà. Hay ông muốn bắt tui chùi cầu tiêu?”

“Làm người mẫu.”

“Đừng có chọc quê em. Nhưng em nghĩ em có thể đi đòi nợ được. Em dữ lắm.”

“Dữ cỡ nào?”

“Ở dưới quê tụi bạn em nó nói em là sát thủ.”

Giám đốc Minh đến ngồi đối diện cô gái. Ngắm nghía hoài.

“Một cây trúc mảnh mai… Hoàng Dung… đả cẩu bổng…”

Cả hai đều cười. Minh hỏi:

“Em còn giữ con búp bê anh mua cho em năm nào không?”

“Thả trôi sông rồi.”

“Tại sao?”

“Lũ.”

Minh nói:

“Thôi, được rồi. Bữa nay thứ năm. Tuần tới em đi làm.”

“Làm việc gì?”

“Tùy thích.”


10. Ông chủ Nhật Bản

Gã tên là Akinari, một thằng lõi đời. Gã đến Việt Nam với rất nhiều lợi thế: lương tháng 10 ngàn đô, làm trưởng văn phòng đại diện công ty Yashima tại Thành phố Hồ Chí Minh. Gã mới bốn mươi tuổi, có vợ con nhưng đang ở xa ngàn dặm, gã có quậy cỡ nào ở cái đất Giao Chỉ này thì mụ vợ cũng đếch biết, mà có biết cũng chẳng làm gì được.

Tám giớ sáng gã đến văn phòng, hơi thở còn mùi rượu. Nhân viên phục vụ đem cho gã một ly cà phê sữa nóng. Gã uống thay cho bữa ăn sáng. Gã vừa làm việc vừa ngủ gục. Mặt úp trên bàn, hai chân dạng ra. Nhiều lúc gã quên đóng khóa kéo quần.

Sau lưng gã có một cái tủ lạnh. Mười hai giờ trưa gã ra lệnh cho nhân viên nghỉ rồi mở cửa tủ lạnh lấy gói mực nang sống xắt lát sẵn, bịch ớt tươi quả to như ngón tay. Và một chén nước tuơng. Gã ăn mực sống, chấm nước tương và nhai ớt như nhai cà-rốt.

Đó là bữa ăn trưa của gã.

Buổi tối mới là lúc đàn quỷ sứ ma vương trong con người gã sổng chuồng. Con quỷ đói dẫn gã vô một nhà hàng sang trọng. Gã gọi một đĩa bít-tết, hai cái đùi gà quay với dĩa xà-lách trộn dầu dấm. Bữa tối của gã thường là 100 đô la Mỹ. Con quỷ đói đứng hầu một bên, lưỡi thè ra, dài tới ngực, nước miếng nhỏ giọt, nhưng chưa chạm đất đã bốc khói. Gã chừa lại mấy mảnh vụn bánh mì và vài miếng thịt bò nhỏ nhưng con quỷ đói tuy miệng thì to, lưỡi thì dài mà cổ họng thì nhỏ như cọng rơm nên không thể nuốt bất cứ thứ gì trừ nước bọt của nó. Vì thế mà suốt hàng ngàn năm nay nó vẫn là quỷ đói.

Sau bữa tối, quỷ đói biến mất. Quỷ dâm dục xuất hiện. Nó màu xanh, nó ốm tong teo, nhưng cái dương vật thì to như trái bí đao và đỏ như máu. Con quỷ này dẫn Akinari tới quán bar. Khi bước vào quán, con quỷ trở nên vô hình, còn gã Akinari thì đi lom khom vì con quỷ đã gỡ cái dương vật bằng máu của nó gắn vô háng của gã.

Akinari thường chơi rất sộp nên vừa thấy mặt gã đã có bốn năm em mặc đồ lót vô hình chạy đến bao vây.

Akinari quỳ xuống. Bốn chùm lông đen thui, xù lên như kẽm gai, mai phục bốn phía. Gã há miệng, chiến đấu bằng răng và lưỡi. Người gã xoay vòng vòng, tiếp chiêu bốn hướng đông tây nam bắc. Hướng thứ năm là đỉnh đầu thì bị hai cái vú bơm silicôn chẹn ngay huyệt thiên linh cái.

Đó là cuộc vây hãm cuồng loạn và mê đắm mà đêm nào gã cũng đối mặt.

Trái bí đao bằng máu của gã phết đất, căng cứng như một cái bong bóng. Gã nói bằng tiếng Nhật đếch ai hiểu, nhưng các em thì hiểu:

“Sắp bể cu rồi. Sắp nổ! Sắp nổ!”

Bốn cô gái dựng gã dậy, đẩy gã vô sát góc nhà, chỗ có bóng tối. Gã nốc rượu như uống nước lã. Vừa nốc vừa làm tình với bốn cô một lúc.

Lúc gã ngã xuống đất thì người ta kéo gã vô nằm trong một căn phòng có giường nệm. Như thường lệ gã không đem ví tiền, chỉ bỏ trong túi bốn trăm đô. Và những con linh cẩu đã xé xác món tiền đó trong chớp mắt.

Đó là một ngày của Akinari.


*

Trong cuộc họp liên tịch ngày hôm sau thì Akinari, đại diện công ty Yashima là người cao nhất, Năm Trung, đại diện chính quyền, là người mập nhất và Minh, giám đốc công ty địa ốc Đại Hưng là người trẻ nhất.

Sáng nay các quan chức này không họp trong phòng mà kéo ra hiện trường, họp đứng.

Khu đất rộng khoảng hai chục hecta gồm có một cái hồ, một sân bóng đá của xã và nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề nông.

Một trăm triệu đô la. Đó là cái giá cho các hạng mục công trình thuộc dự án “Đường cao tốc” mà các vị này đang bàn bạc. Đó là đoạn đường chạy qua một địa hình phức tạp gồm ruộng lúa, ao cá, nhà dân và rừng dừa nước.

Akinari nói:

“Xin nhắc lại: giá đền bù giải tỏa là 100 ngàn đồng VN cho mỗi mét vuông đất. Nếu các anh trả cao hơn thì các anh phải bỏ tiền túi ra đấy.”

Năm Trung nói:

“Ông đừng lo. Ở đây chỉ có khoảng hai chục hộ dân. Chúng tôi sẽ làm rất nhanh.”

Minh nói:

“Thực ra công trình này tuy nhỏ nhưng rất phức tạp. Nội cái chuyện giải tỏa đền bù không thôi cũng rất gay go rồi. Cái giá 100 ngàn một mét vuông mà các ông quy định đã làm khó cho chúng tôi rất nhiều. Các ông có thấy cái chòi tranh giữa đồng đó không?”

“Đó là cái gì vậy?” Akinari hỏi.

“Một cái gai trong mắt chúng tôi. Đó là căn hộ duy nhất không chịu dời đi. Không chịu nhận tiền bồi thường.”

Rồi Minh ngoắc một cô nhân viên đang đứng xớ rớ gần đó.

“Trúc ơi! Em đi gọi thằng Tài cho anh.”

Lát sau Trúc dẫn Tài đến. Giám đốc Minh hỏi:

“Làm việc với lão già đó tới đâu rồi?”

“Dạ thưa anh, lão ta đòi gặp anh. Lão không nói chuyện với em.”

“Sao các cậu không dùng vũ lực đẩy lão ra khỏi nhà?”

“Lão đang sốt rét. Run lập cập.”

“Vậy thì càng tốt. Gọi xe cứu thương đến. Thảy lão lên cáng. Chở đi bệnh viện. Chờ xe cứu thương đi khỏi là cho xe xúc nhào tới bứng nguyên căn, dzụt xuống hồ là xong. Hiểu chưa?”

“Dạ hiểu.”

“Hiểu thì đi làm đi.”

Giám đốc Minh vừa ban lệnh xong, day lại thấy mất tiêu Akinari và Trúc.

Lúc đó hai người này đang đứng ngắm bông súng ở bờ hồ. Minh đến gần, hỏi Trúc:

“Nói gì vậy?”

“Có biết tiếng đâu mà nói.”

“Đi làm việc đi.”

Trúc chào hai người đàn ông. Akinari nói:

“Cậu có con bé xinh quá. Nhường cho tớ đi.”

Minh nói:

“Không được đâu. Nó dữ lắm.”


*

Đợi Akinari lên xe, Minh ra thẳng chỗ căn chòi vì nghe có tiếng cãi cọ và dường như có cả xô xát nữa.

Ông già đang nằm trên giường. Công an và các nhân viên của công ty Đại Hưng đứng quanh giường. Minh xông thẳng vô, quát nạt:

“Sao chưa có xe cứu thương? Nãy giờ tụi bay làm gì?”

“Thưa anh xe cứu thương nói ở đây sình lầy quá xe không vô được.”

Minh đá đít anh chàng vừa nói:

“Mày không biết vác cái cáng vô đây hả? Đi lẹ lên!”

Hai nhân viên bước ra khỏi nhà. Minh đến cạnh ông lão, sờ lên trán thấy nóng rực.

“Bác này, Minh nói, bác nên chấp hành lệnh của nhà nước. Đây là việc công ích. Nhà nước sẽ biến vùng đồng ruộng sình lầy này thành một khu đô thị văn minh hiện đại. Đó là việc tốt quá đi chứ. Sao bác lại chống đối?”

“Tôi không chống. Nhưng giá đền bù thấp quá tôi không thể kiếm nổi một chỗ ở.”

“Đền bù như thế là hợp lý. Tụi cháu đã tính toán rất kỹ. Có tình có lý. Bác có một ngàn mét vuông ruộng ngập nước, vùng trũng. Nhà nước đền cho bác một trăm ngàn một mét vuông là phải rồi. Tính ra bác cũng được 100 triệu. Bác ra ngoại ô cất được cái nhà. Ngon ăn. Còn muốn gì nữa.”

“Nhưng tôi lấy đất đâu để làm ruộng? Rồi con cháu tôi đang đi làm. Đang đi học ở thành phố, bây giờ bắt chúng về vùng quê bơ vơ lạc lõng. Làm sao?”

“Vậy thì bác nhận một cái nền nhà 80 mét vuông. Được chưa?”

Ông già cười méo miệng:

“Cậu nói khó nghe quá. Đất của tui rộng một ngàn mét vuông, bây giờ cậu đổi cho tôi một cái nền 80 mét vuông. Sao cậu khôn quá vậy?”

Giám đốc Minh nhổ nước bọt:

“Đù má. Không nói chuyện với thằng cha già này nữa. Đem cáng về chưa?”

“Dạ có ngay, sếp!”

Thế là:

Người nách thước, kẻ tay đao.
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

Hai thằng nhân viên lực lưỡng xông tới, một thằng nắm hai vai, một thằng nắm hai cổ chân, nhấc bổng ông già lên, ném qua cáng. Ông già la to:

“Ăn cướp! Bớ làng xóm ơi! Ăn cướp!”

Rồi ông tụt cái quần xà loỏng của mình xuống, cầm con cu mềm èo của mình mà hét lên:

“Con cặc tao đây nè. Tụi bay lấy luôn đi!”

Một thằng nào đó lên tiếng:

“Cặc hết xí-qoách. Lấy làm chó gì.”

Nhưng ông già đã giấu sẵn “ám khí” trong háng. Ông moi nó ra, ném vô mặt giám đốc Minh. Vì lão xuất chiêu quá bất ngờ nên Minh tránh không kịp, bãi phân táp vô má. Thúi um. Minh bỏ chạy. Hai thằng khiêng cáng cũng bỏ chạy.

Lão già đắc chí vỗ tay cười ha hả. Tiện tay cởi phăng cái quần, ở truồng tồng ngồng chạy ra khỏi nhà. Lão la:

“Nhà báo đâu? Chụp hình đi! Quay phim đi. Tụi nó cướp đất. Cướp luôn cả cái quần xà loỏng rồi!”

Nhưng mọi người đã bỏ đi hết.


11. Ba phân cảnh ngắn

Ba Trần bấm máy gọi Minh:

“Mày làm cái trò gì vậy?”

Bên kia đầu dây:

“Con chỉ thực hiện lệnh cưỡng chế của nhà nước.”

“Cưỡng chế gì mà như ăn cướp?”

“Hồi ba còn làm giám đốc, chính ba cũng đã từng cưỡng chế…”

“Nhưng tao không bắt người thô bạo như mày.”

“Thô bạo hay không thô bạo thì cũng là… cướp. Mình không cướp thì công ty khác nó cũng nhào vô cướp. Đằng nào cũng cướp. Chuyện đó ba biết mà. Chẳng qua ba làm bộ đạo đức mà thôi.”


*

Lúc ấy trong một nhà hàng, giám đốc Minh đang ăn trưa với Trúc.

“Em thấy không? Ngày trước ở Vị Thủy ăn mặc lèng xèng, cơm thì dọn trên bộ ván ọp ẹp, chỉ có một nêu cá kho mặn và đĩa rau luộc. Bây giờ ăn uống sang trọng như vầy, chẳng phải đổi đời sao?”

Trúc nói:

“Chỉ đổi được cái vỏ. Một cái quần jean, mấy cái áo pull. Vẫn đi xe buýt. Điện thoại thì chưa có. Cơm thì lâu lâu mới ăn với anh được một bữa (nhờ quen biết) còn thì vẫn cơm bình dân, mì gói.”

Minh uống rượu vang.

“Trúc này, hôm đó thằng Nhật nó làm gì em vậy?”

“Chưa thấy thằng nào dê như nó. Cứ xáp xáp vô, sờ vai, vuốt mông.”

“Sao em lại theo nó ra bờ hồ?”

“Em tưởng nó cũng lịch sự. Mà anh hỏi chi vậy?”

“Anh tức.”

“Sao tức?”

“Vì anh thương em.”

Minh nắm cổ tay Trúc, giữ chặt.

“Ở chỗ đông người, anh làm gì kỳ vậy?”

Minh buông ra. Lại uống rượu vang. Lát sau:

“Hay là mình tìm chỗ nào yên tĩnh. Anh có chuyện muốn nói với em.”

“Chỗ nào?”

“Trong khách sạn chẳng hạn.”

“Ông đi một mình đi.”


*

Cuối cùng hai người vô quán cà phê.

“Nói gì, nói đi.”

“Tóc em đẹp lắm.”

“Thôi, dẹp!”

“Em có vẻ đẹp hoang dã.”

“Đừng ca vọng cổ!”

“Em rất mảnh mai.”

“Giống dân ghiền sao?”

“Giống người mẫu.”

“Mấy mẹ đó đi ẹo ẹo thấy gớm.”

“Người mẫu mà chê hả?”

“Chê.”

Cuộc nói chuyện cứ tiếp tục lừng khừng kiểu đó khiến Minh chán. Họ trở về công ty.


12. Bước ngoặt

Quỳnh Vi lấy xe đạp chạy vòng quanh khu cư xá. Một tiếng đồng hồ sau không thấy nó về, tôi đi tìm thì thấy nó đang chạy xe sóng đôi với một cậu con trai xa lạ.

Tôi bảo nó về vì trời đã tối nhưng nó không dừng xe lại. Vừa đạp vun vút vừa nói:

“Con đi tí xíu nữa.”

Rồi mất hút sau một khúc quanh dọc theo bờ sông.

Một lát nó cũng về. Tôi hỏi:

“Bạn mới quen hả?”

“Mới quen. Ảnh nói ảnh đang có chuyện buồn.”

“Chuyện gì?”

“Ba mẹ ảnh sắp chia tay.”

“Nhà nó ở đâu?”

“Ở khu biệt thự Hoa Lan bên kia sông.”

Mấy ngày sau, hai đứa lại đạp xe đi sóng đôi suốt buổi chiều. Đến lần thứ ba thì tôi gặp anh chàng. Hóa ra nó là thằng Huy, con trai của Thu. Hai khu dân cư cách nhau một nhánh sông và được nối liền bởi một cây cầu nhỏ.

Từ lâu tôi vẫn biết gia đình Thu ở bên khu biệt thự Hoa Lan nhưng tôi không lui tới vì họ quá giàu và cũng vì Thu sống buông tuồng. Tuy nhiên cô ta không quan hệ với lão vương gia nữa vì đã quá nhiều tai tiếng.

Cô kết bạn với mấy bà giám đốc, mấy bà phu nhân của chủ tịch quận, chủ doanh nghiệp giàu có, mỗi tuần vài lần rủ nhau đi “sinh hoạt” trong các câu lạc bộ khiêu vũ.

Loại hình đó không hẳn là quán bar nhưng cũng có đủ món ăn chơi như rượu, đàn ông, vũ sư và… đĩ đực.

Trong các món ấy có lẽ “đĩ đực” là hấp dẫn nhất. Và Thu cũng chọn được một thằng bảnh trai cho mình.

Thằng này là đứa con lai, con của một cô gái đứng đường và một thằng Tây ba lô nào đấy. Không biết trong khai sinh nó tên gì nhưng dân bụi đời gọi nó là “thằng Lai” vì cái mũi lõ và mái tóc màu hạt dẻ của nó.


*

Đó là bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời người đàn bà đầy cá tính ấy. Bước ngoặt thứ nhất từ thành phố đâm thẳng vô R làm “con nuôi” của vương gia, mối quan hệ ấy kéo dài tới những năm sau ngày thống nhất và đẻ ra Huy.

Bước ngoặt thứ hai là từ giai cấp thượng lưu rẽ vào ngõ cụt của giới giang hồ. Nhưng sự xé rào ấy chưa ai biết. Mọi sự vẫn bình lặng.

Cho đến một hôm Huy chở bạn gái đi ra ngoại ô hóng mát thì thấy chiếc BMW của mẹ mình đậu trong lùm cây.

Huy dừng xe lại, dắt tay bạn gái bước tới. Trong xe không có người, nhưng trên bãi cỏ ven sông thì có hai người: một bà già ngoài năm mươi tuổi và một thằng Tây lai chừng hăm lăm tuổi, đang ôm nhau. Huy hỏi bạn gái:

“Em thấy có đúng là mẹ anh không?”

“Nhìn từ phía sau thì rất giống nhưng phải nhìn tận mặt mới được.”

Huy nói:

“Xe của bả đây. Chẳng lẽ đó là người khác!”

Cậu ta quyết định sấn tới, chạm mặt mẹ mình.

Huy gầm lên:

“Cái trò khỉ gì thế này?”

Người mẹ còn đang bối rối thì thằng Lai đã bật dậy:

“Đù má, mày là thằng chó nào?”

Huy chưa kịp phản ứng thì đã bị đá văng xuống sông. Cô bạn gái của Huy ôm mặt khóc. Thằng Lai lại quát lên:

“Đù má, còn con nhỏ này nữa. Nứng hả?”

Cô gái bỏ chạy. Huy cũng vừa bơi được vào bờ. Cậu ta liều mạng nhào tới phía địch thủ nhưng Thu đã ôm cậu ta lại.

“Mẹ lạy con! Con về đi. Tối nay mẹ sẽ giải thích.”

Huy hét lên:

“Bà là một con…”

Cô gái bụm miệng Huy lại, rồi kéo anh ta chạy về phía chiếc xe gắn máy đang ngã chỏng gọng bên gốc cây.


13. Những cánh diều


Lý thuyết “Sự chọn lọc tự nhiên” của Darwin lập luận rằng khi một con sư tử săn mồi, nó sẽ chọn con mồi yếu nhất trong đàn để bắt, chính nhờ thế mà chỉ có những con thú mạnh nhất, khôn ngoan nhất là sống sót, và điều đó giúp cho các giống loài càng ngày càng ưu việt. Lại nói: khi hai con thú đực đánh nhau để giành quyền giao hợp với con cái thì đó cũng nhằm “chọn lọc” giống mạnh nhất để duy trì chủng loại.

Tôi nghĩ đó là lý thuyết chỉ dành cho loài vật.

Con người là sinh vật có ý thức và trí khôn. Nó có thể dùng sự xảo quyệt, sự bần tiện hoặc quyền lực để chiến thắng, và nếu giành được quyền giao hợp để duy trì nòi giống thì nó sẽ sinh ra một giống nòi như thế nào?

Bỗng nhiên sự bần tiện của người lớn tác động vào thế giới hồn nhiên của bọn trẻ, bốc chúng ra khỏi môi trường sống quen thuộc của chúng, khiến chúng mất phương hướng.


*

Giám đốc Thu ngồi trên giường, cúi mặt, hai bàn tay đan vào nhau, giấu giữa hai đầu gối. Huy ngồi trên bàn làm việc của mẹ, hai chân đong đưa. Bao thuốc để bên cạnh đã vơi hơn nửa, tàn thuốc ném đầy dưới nền nhà, ngay trước mặt Thu.

“Bà nghe tôi nói đây. Huy nói. Bà có thể tiếp tục quan hệ với lão vương gia, có thể tham ô, móc ngoặc, ăn hối lộ… nhưng bà không thể cặp bồ với một thằng đĩ đực. Đó là điều vô liêm sỉ nhất. Trước đây, có lần tôi đi vũ trường, nhìn thấy các mụ sồn sồn ngồi ôm mấy thằng đĩ đực chỉ đáng tuổi con mình, tôi muốn ói. Hình ảnh ấy thật lố bịch và thảm hại.”

“Nhưng mẹ không thể bỏ nó được.”

“Bà mê nó đến thế sao?”

“Không. Mẹ rất muốn bỏ nó nhưng không được. Đến bây giờ mẹ mới biết một quy luật của giới giang hồ là: khi đã quan hệ với nó thì chỉ có nó mới có quyền bỏ mình, một khi đã bòn rút hết mọi thứ, còn mình thì không bao giờ có thể bỏ nó.”

“Tại sao?”

“Vì nó sẽ quậy. Nó sẽ đến công ty, la toáng lên, bêu rếu mẹ. Nó sẽ liên hệ với các đối tác làm ăn của mẹ để hù dọa, làm tiền, nó sẽ không từ một thủ đoạn hèn hạ nào để khống chế mẹ.”

“Bà không thể báo công an sao?”

“Báo công an thì mọi việc sẽ đổ bể. Thiên hạ đồn đại, các đối thủ cạnh tranh của mẹ sẽ khai thác để hạ bệ mẹ… Ôi thôi, con ơi, mẹ đã bị khống chế như một con nô lệ rồi.”

“Nhưng bà vẫn còn vương gia. Ông là một người đầy quyền lực. Ông có thể bóp chết nó như bóp một con kiến.”

“Không được đâu con ạ. Không thể cho ông biết mối quan hệ ấy. Thà mẹ phải chết…”

Huy la lên:

“Vậy là chịu thua? Bó tay! Một người bản lãnh như bà mà phải chịu thua một thằng đĩ đực! Mạt vận! Cái gia đình này đã đến hồi mạt vận rồi!”

Huy bỏ ra ngoài vườn hoa. Tiếng nước róc rách từ khe suối chảy quanh hòn non bộ làm lòng chàng dịu lại. Chàng ngồi trên cỏ, nhìn dòng nước chảy. Dòng nước đã chảy như thế trong nhiều năm, chảy trong những trưa hè, chảy trong đêm mưa hay những sớm mai đầy nắng, cứ luân chuyển như thế trong cái không gian chật hẹp, quen thuộc mà không nhàm chán. Lúc nào cũng thấy nước reo vui, róc rách. Sao lòng chàng lại bề bộn những giằng xé, oán hận và đau khổ? Sao không thể như nước, hòa lẫn vào cây cỏ, vỗ về những khe đá, những bờ rêu xanh?

Chàng tiếc tuổi trẻ của mình đã bị bóng tối của ngờ vực và sân hận vây phủ. Chàng đã đánh mất sự hồn nhiên lúc nào vậy?

Chợt Huy nhớ ra rằng suốt mấy hôm nay không thấy bé Vi chạy xe đạp. Trời vẫn còn một chút nắng. Huy lấy xe, ra bãi thả diều.

Gió tràn ngập. Như sóng vô hình. Và dậy lên từ rừng dừa nước. Gió như ngọn thác chảy ngược từ đám lau sậy và cỏ gai, tuôn trào lên những đám mây. Huy sững sờ nhìn một hoàng hôn chưa từng thấy trong đời chàng. Một hoàng hôn rực rỡ và xôn xao ngàn cánh diều như đàn cá ngũ sắc đang vượt thác, đang chạy đuổi nhau ngược dòng nước chảy xiết. Đuôi diều rung chuyển như xiêm y lộng lẫy trong vũ điệu hoang sơ của khoảng không bao la, xanh ngắt và lộng gió.

Đó là một thế giới khác, không nhà cửa, không cây cỏ, không chim chóc và không có người. Bầu trời lợp bằng những cánh diều và gió chảy trên những chiếc đuôi tha thướt, sặc sỡ.

Những đám mây và những cánh chim đã bay ra ngoài rìa không gian, nhường chỗ cho những cánh diều. Gió hội tụ, nhảy múa, xoay chuyển, lay động và uốn éo. Gió như người mẹ trẻ ngồi thảnh thơi trên hư không, chải tóc cho những con diều lí lắc, nô giỡn và lẩn tránh.

Bầu trời là của diều. Hoàng hôn cũng của diều. Và diều là của trẻ thơ. Nên bầu trời và hoàng hôn đều là của trẻ thơ. Huy thảng thốt trước thế giới rộng lớn, trước sự giàu có vô lượng của thiên nhiên mà những đứa trẻ đang nắm trong bàn tay nhỏ xíu của chúng.

Chàng vứt xe đạp bên bờ cỏ và đi bộ dọc theo cái sân rộng bát ngát. Bé Vi đang ngồi trên cỏ với mấy đứa con gái cùng lớp.

“Tớ sẽ thổi một cái bong bóng to hơn lúc nãy.”

“Không được đâu. Gió mạnh lắm.”

“Ngồi che gió cho tớ đi.”

Đứa bạn dịch ra phía trước. Bé Vi thổi ra một cái bong bóng màu hồng. Nó chao đảo trong gió nhưng không vỡ.

Huy đến nhập cuộc:

“Anh có thể thổi một cái to hơn cho mà xem.”

“Really?”

Bé Vi hỏi và đưa cho Huy thỏi kẹo cao su. Trên trời hai con diều vừa xoắn vào nhau. Huy phải chạy ra xa để gỡ. Khi trở lại, Huy nói:

“Hãy xem cái bong bóng của anh này.”

Quả nhiên Huy là một tay vô địch. Bé Vi vỗ tay tán thưởng.

Trên đường về, Vi hỏi:

“Người Nhật họ thích làm những con diều khổng lồ phải không?”

“Phải. Ở Việt Nam, người Huế làm diều cũng giỏi lắm.”

“Anh làm cho em một con đại bàng đi.”

Cô bé nói xong liền ngoặt tay lái, chạy qua cầu. Trong hoàng hôn, cô bé chỉ là một cái bóng trắng, như con chim câu nhỏ đang bay về tổ của nó.


14. Sinh nhật của lão già

Năm Trung điều quân như một tướng lãnh:

“Người của công ty Đại Hưng đi đầu, có nhiệm vụ dỡ hàng rào kẽm gai. Chín Thuận dẫn một tiểu đội cảnh sát cơ động có nhiệm vụ bắt giữ lão già, còng tay dẫn ra xe. Giám đốc Minh có nhiệm vụ điều động hai xe xúc, tấn công từ hai bên hông nhà, ném nó xuống hồ. Bác sĩ Hiệp có nhiệm vụ áp sát xe cứu thương vào hiện trường, sẵn sàng tiếp ứng.”

Lệnh vừa ban thì trinh sát từ trong cái chòi tranh của lão già chạy ra báo cáo:

“Thưa chú Năm lão ta đang ngồi nhậu.”

“Nhậu với ai?”

“Nhậu một mình. Lão còn kêu cháu vô nhậu với lão.”

“Thằng này muốn giỡn mặt chính quyền.”

Năm Trung lại hỏi:

“Mày có chắc là trong nhà không còn ai?”

“Còn một con chó.”

“Bắn chết ngay tức khắc. Còn gì nữa?”

“Thưa chú Năm. Còn một chi tiết quan trọng. Đó là lão đã tự xích chân vào cột nhà.”

Năm Trung nhìn quanh, hỏi:

“Có đem cưa máy đó không?”

“Có.”

“Cưa đứt cột nhà. Rút chân lão ra.”

Năm Trung rút khẩu K54 trong túi quần, bắn một phát chỉ thiên.

Bọn thuộc hạ nhào vô.

Bên trong lão già vẫn ung dung ngồi nhấm nháp con khô sặc và rượu đế đựng trong cái chén sành. Ông tu một hơi cạn chén rồi cầm cái vò rượu còn đầy nhóc, rót thêm.

Khi những lọn dây kẽm gai chặn lối vào bị đám thuộc hạ của Minh dỡ bỏ thì cảnh sát cơ động đã thấy lấp ló ngoài cửa. Hai chiếc xe xúc cũng băng sình gầm gừ tiếp cận mục tiêu. Xe cứu thương của bác sĩ Hiệp tuy không vào được vì sình lầy nhưng hắn không chịu lép vế. Hắn ra lệnh hụ còi inh ỏi, đèn hiệu trên nóc ambulance chớp tắt liên tục làm tăng thêm khí thế tiến công cách mạng.

Giám đốc Minh rỉ tai một thuộc hạ:

“Phải cưa cây cột nhà mới bắt nó đi được.”

Thuộc hạ giật sợi dây, khởi động chiếc máy cưa cầm tay. Nhưng từ trong lều lão già đã gọi lớn:

“Giám đốc Minh ơi! Ngoài đó có chuyện gì mà vui quá vậy? Chú vô đây nhậu chơi. Hôm nay là sinh nhật của tôi.”

Minh gào lên:

“Chúc mừng sinh nhật!”

Rồi khoát tay cho đám thuộc hạ tràn vô bên trong. Tiếng máy cưa gầm lên khi nghiến vào cột nhà.

Lão già cười như điên dại. Lão hớp một ngụm rượu đầy, phun vào mặt thằng đang cưa, rồi ôm vò rượu, tưới lên vách lá.

Lão bật quẹt ga. Vách lá bốc cháy. Ngọn lửa lan ra chiếc chõng tre lão đang ngồi, táp lên quần áo lão. Vách lá ngấm rượu bắt lửa rất nhanh. Lửa trùm lên căn lều. Bọn cảnh sát cơ động tháo chạy trối chết. Trong nhà chỉ còn lửa và khói. Con chó nhỏ hoảng hốt chạy ra sân sủa, nhưng lông nó cháy sém, dường như nó cũng sắp ngã quỵ, tiếng sủa của nó nghe giống như tiếng ho húng hắng trong cổ họng.


15. Quà tặng cho Akinari

Cuộc hành quân kết thúc mà không có chiến thắng. Túp lều tranh và người chủ của nó đã bị xóa sổ nhưng hậu quả để lại không nhỏ.

Quan chức duy nhất, trong cái liên minh ma quỷ đó, không nhập cuộc là Akinari. Bởi vì, dẫu là một con quỷ nhưng hắn cũng đến từ một nước đã thoát ra khỏi thời kỳ man rợ. Hắn không muốn liên lụy. Chính vì thế mà hắn có quyền hách dịch trước mặt giám đốc Minh.

“Chú em có thể bị truy tố vì tội giết người đấy.”

Nhưng Minh đâu phải tay vừa. Hắn hỏi một cách khiêu khích:

“Ai truy tố? Năm Trung chăng? Hay viện kiểm sát nhân dân thành phố? Nên nhớ, đây là Việt Nam nhé. Không phải Nhật Bản đâu.”

Akinari:

“Có thể mày đúng. Nhưng tao sẽ không ký hợp đồng với một thằng có 'thành tích’ như mày.”

“Thành tích gì? Ông nên nhớ rằng đó chỉ là một vụ tự sát. Cũng có thể hiểu đó là một vụ hỏa hoạn. Ông đọc báo sáng nay chưa? Tất cả đều loan tin rằng đó là một vụ cháy do bất cẩn trong lúc nấu nước pha trà.”

Akinari thấy ngứa dái. Hắn thọc tay vô háng gãi sồn sột. Rồi tiếp:

“Nhưng đó là chuyện nội bộ của mày. Còn tao, tao bỏ tiền, tao có quyền chọn đối tác khác.”

Minh tắt nhạc, bấm máy gọi cà phê đá.

Trúc có vẻ trầm lắng nhưng vẫn còn nguyên nét bướng bỉnh. Cô đặt hai ly cà phê trước mặt hai người đàn ông rồi lui ra. Chiếc váy màu đen căng ra giữa cặp đùi sạm nắng nhưng rất thon thả.

Minh mời cà phê và nói:

“Ông Akinari ạ. Hãy quên chuyện đó đi. Vì chúng tôi đã giải quyết xong rồi. Không ảnh hưởng gì đến chương trình của chúng ta cả.”

“Nhưng sếp lớn của tôi bên Nhật đã biết, và không chừng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã biết.”

“Nhờ ông nói cho một tiếng. Nếu cần chúng tôi sẽ có văn bản giải thích.”

Akinari nhếch cười tinh quái:

“Khỏi cần văn bản. Tôi chỉ cần cô gái lúc nãy.”

Minh nhắm mắt lại. Vuốt mặt. Akinari đứng lên, chìa tay ra:

“Cứ suy nghĩ đi. Tôi chờ.”


*

Trong lúc Minh và Akinari ăn sáng thì Trúc đi ra biển, ngồi dưới những tàng cây cổ thụ phủ mát cả một bãi cát rộng lớn. Gió nhẹ và sóng hiền hòa. Ngoài khơi chỉ có một chiếc thuyền đánh cá khá lớn, sơn màu xanh đang neo lại.

Trong làng có hai người đàn ông đang đẩy chiếc ghe nhỏ ra biển, trên ghe có những can nước ngọt, xoài sống, rau tươi và những bu gà.

Trúc hỏi:

“Các chú ra ngoài tàu đánh cá hả?”

“Ừa. Đó là tàu Thái Lan. Tụi nó cần mua gà và rau quả.”

“Cho cháu đi theo với.”

Những người đàn ông từ chối và chèo ghe ra xa. Trúc đứng dậy, đưa hai tay lên khỏi đầu và hét lên:

“Không cho tôi cũng đi.”

Rồi cô phóng xuống nước.

Ban đầu cô bơi sải, khi chỉ còn cách chiếc ghe chừng năm mét thì cô dừng lại. Những người trên ghe ngạc nhiên nhìn cô gái xinh đẹp, mặc áo tắm hai mảnh mà bơi giỏi như con rái.

Trúc cười lớn, đưa tay vẫy:

“Nước mát quá! Có dám đua với tôi không?”

Một người trên ghe nói:

“Quay lại đi. Còn xa lắm đó. Bơi không nổi đâu.”

Trúc đổi sang bơi ếch:

“Chuyện nhỏ mà. Có dám đua không?”

“Coi chừng bị chuột rút tôi không cứu đâu đấy.”

Nhưng Trúc đã tới sát mạn thuyền. Một người bảo:

“Thôi, leo lên đi.”

”Thích bơi.”

Mười lăm phút sau họ đã đến sát tàu đánh cá. Và trong khi người ta trao đổi hàng hóa với nhau thì Trúc bơi quanh tàu như một con cá heo nhỏ. Một thủy thủ của tàu ngạc nhiên khi thấy cô gái dám bơi ra tận ngoài khơi, liền thả thang dây xuống biển.

Hắn nói một câu gì đó bằng tiếng Thái mà Trúc đoán là hắn muốn mời cô lên tàu.

Cô đu thang dây lên. Anh chàng thủy thủ đứng trên boong đưa tay ra. Khi bàn chân của Trúc vừa chạm lên mạn thuyền thì gã thủy thủ đã kéo cô gái vào lòng.

Trúc không hề bất ngờ trước tình huống ấy nên thay vì đẩy hắn ra thì Trúc lại ôm chặt lấy hắn và lao xuống biển.

Hắn là một thủy thủ. Nhưng Trúc lại là một con rái cá. Ban đầu hắn tưởng cô gái muốn đùa giỡn với mình dưới nước, nhưng khi Trúc lặn xuống thật sâu và níu chân hắn theo thì hắn bắt đầu sợ. Hắn quẫy chân để hất cố gái ra nhưng Trúc đã cưỡi trên vai hắn làm hắn không ngoi lên được. Hắn dùng tay đẩy cô gái nhưng cô đã ngồi trên lưng hắn, hai đùi kẹp vô hông.

Thiếu oxy làm hắn đuối sức, còn Trúc thì cứ kéo hắn xuống đáy biển. Ở độ sâu chừng mười mét Trúc thấy hắn bắt đầu lả đi nên buông hắn ra và giúp hắn bằng một cú đẩy mạnh về phía mặt nước.

Những người trên thuyền thấy hai người biến mất khỏi mặt nước quá lâu thì bắt đầu hốt hoảng. Họ định nhảy xuống tiếp cứu, vừa lúc gã thủy thủ ngoi lên, thở gấp như một con cá bị vứt trên bãi cát nóng. Mặt anh ta tái nhợt môi thâm lại, run lập cập.

Bọn trên tàu la lên, cả tiếng Thái lẫn tiếng Việt:

“Con bé đâu rồi?”

“Tôi đây! Tôi đây này!”

Trúc đang bơi vào bờ, cách tàu chừng năm mươi mét.


*

Ba người ăn tối tại một khách sạn trên bờ biển. Trúc kể lại chuyện ấy cho Minh nghe nhưng anh ta không tin. Trúc nhìn trần nhà, cười khúc khích.

“Tại sao cười?” Minh hỏi.

“Anh nghĩ là em chỉ biết pha trà và trực điện thoại thôi sao?”

“Em làm những việc đó rất tốt. Anh sẽ tăng lương cho em.”

“Sao không cưới em đi?”

“Em phải chịu khó học tiếng Anh và vi tính.”

“Em không thích. Nhưng em có thể cứu anh nếu anh rơi xuống biển.”

“Anh làm gì mà rơi xuống biển?”

“Em cũng có thể đoạt huy chương vàng môn lặn không cần bình dưỡng khí. Người ta có đưa môn đó vào chương trình thi đấu Olympic không?”

“Không biết.”

“Hỏi chơi vậy thôi. Em chỉ thích sống tự do.”

Minh đưa cho Trúc một ly nước ngọt và cầm ly bia của mình lên, cụng.

“Trăm phần trăm nhé?”

Nhưng Trúc chỉ uống một nửa.

Một lát sau cô thấy hai mắt trĩu nặng và nghĩ rằng có lẽ do ban sáng mình đã bơi quá nhiều trên biển.


*

Trong giấc ngủ, cô mơ thấy một con quái vật lông lá xù xì đang đè lên người mình. Và cô thì trần truồng. Và gió biển thì lạnh. Con thú ấy có cái lưỡi rất đỏ và rất dài. Nó liếm láp bộ phận sinh dục của cô, sau đó nó bắt đầu ăn những ngón chân của cô. Cô hoảng hốt, kêu ú ớ, muốn vùng thoát khỏi nó nhưng mất hết sức lực, hai mắt không mở ra nổi.

Con thú ấy giống như một con gấu nhưng lại không phải là gấu. Mặt nó là mặt người, hàm râu quai nón xù lên quanh cái miệng đỏ chót.

Đột nhiên từ giữa hai cái đùi đầy lông lá của nó mọc ra một con rắn đỏ loét. Con rắn ấy không dài nhưng to như một nắm đấm, gân guốc và trần trụi. Con quái vật đang áp sát vào người cô và con rắn khủng khiếp ấy đang ngọ nguậy, tìm cách chui vào cửa mình cô.

Trúc hốt hoảng choàng tỉnh nhưng con rắn đã chui được vào bên trong rồi. Và kẻ đang đè lên mình cô không phải là một con gấu mà là một người đàn ông xa lạ.

Trúc vùng vẫy, cố với tay lên đầu giường, bật công tắc đèn. Khi ánh sáng bùng lên, cô nhận ra hắn chính là Akinari. Hai tay hắn đang siết cô lại như một gọng kìm. Và mông hắn thì nhịp lia lịa.

Trúc la lên nhưng bị một bàn tay to lớn bịt miệng. Cô vùng vẫy, giãy giụa trong tuyệt vọng. Rồi cô chợt thấy miệng mình đang ở sát ngay bắp thịt vai của hắn. Cô cắn mạnh, dùng hết sức cắm ngập hai hàm răng vào da thịt Akinari. Máu túa ra đầy miệng cô nhưng dường như con quỷ dâm dục ấy không hề hay biết. Cái mông của hắn nhịp theo tiết tấu của trống trận, như thể hắn đang công đồn, đang xung trận, đang say máu.

Nhưng không phải máu của kẻ thù mà máu của chính hắn. Khi Trúc nhả vết thương ra thì máu phun có vòi, ướt đầm mặt cô, ướt cả ngực. Tấm ra trải giường bị nhuộm đỏ. Hiện trường giống hệt một vụ thảm sát đẫm máu. Nhưng cái mông của Akinari vẫn nhịp liên tục, cuống cuồng, như một điệu rock man rợ làm nền cho tiếng khóc của cô gái nhỏ.

Cuối cùng Akinari kêu lên như con thú bị thiến và ngã vật ra giường, đè lên vũng máu của chính hắn.


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31

Đào Hiếu sinh tại Tây Sơn, tỉnh Bình tại Định. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài: Giữa cơn lốc, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 1978. Một chuyến đi xa, Nxb. Măng Non 1984, Nxb. Trẻ 1994. Qua sông, Nxb. Văn Nghệ 1986. Vùng biển mất tích, Nxb. Đồng Nai 1987. Vượt biển, Nxb. Trẻ 1988, 1995. Vua Mèo, Nxb. Trẻ 1989. Người tình cũ, Nxb. Văn Nghệ 1989. Kẻ tử đạo cuối cùng, Nxb. Trẻ 1989. Thung lũng ảo vọng, Nxb. Trẻ 1989. Hoa dại lang thang, Nxb. Văn Học 1990. Trong vòng tay người khác, Nxb. Tác Phẩm Mới 1990. Kỷ niệm đàn bà, Nxb. Văn Nghệ 1990. Nổi loạn, Nxb. Hội Nhà Văn 1993. Lạc Đường, talawas 2008, Nxb. Giấy Vụn 2008, Nxb. Kim Thư Production USA 2008. Thơ: Đường phố và thềm nhà, Nxb. Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, Nxb. Văn Nghệ 1982. Những bông hồng muộn, Nxb. Trẻ 1999. Tình địch, Nxb. Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài