talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 29.03.2009
Phan Nhiên Hạo Đông Dương đi, 2007
Phan Nhien Hao
Phan Nhiên Hạo

Phan Nhiên Hạo

Đông Dương đi, 2007


Sapa

Rời khách sạn trong khu phố cổ Hà Nội lúc 8 giờ 45 tối. Xe công ty du lịch đậu ngoài Bờ Hồ, tay hướng dẫn trẻ tuổi đi bộ vào dẫn ra. Trên xe đầy khách Tây, tất cả đều đi thành cặp. Tay hướng dẫn liên tục nói đéo gì đó với tài xế, vẻ bức xúc, rồi quay xuống phát phiếu khách sạn cho khách. Đến ga đã sát giờ tàu chạy, lộn xộn, thiếu chỉ dẫn, nhưng rồi khách cũng tìm được tàu. Toàn dân du lịch giàu kinh nghiệm, tháo vát. Loa phóng thanh nói tàu sẽ rời ga trong năm phút, nhưng lên tàu đã hơn hai mươi phút chưa thấy nhúc nhích. Cabin có máy lạnh nhưng cửa mở, hơi nóng tháng Sáu ùa vào từ hành lang khiến mồ hôi chảy như tắm. Tôi nằm giường tầng trên, giường dưới một tay đang nói liên tục với hai mẹ con cô người Úc ngồi giường đối diện. Mãi khuya cô con gái mập mạp mới leo lên giường trên, bà mẹ nằm giường dưới. Tôi nằm chung với ba người lạ trong căn phòng nhỏ chẳng lấy gì làm thích thú, ước gì một mình được cả cabin.

Cabin đã đóng cửa, máy lạnh dần đủ mát, nhưng không ngủ được. Áp mình xuống tấm nệm mỏng, có thể cảm nhận được độ nghiêng của con tàu qua những khúc quanh. Nhân viên trên tàu đi lại ngoài hành lang nói chuyện văng vẳng, cũng hay nói đéo, có thể vì đa phần khách trong toa là dân ngoại quốc. Gần một giờ sáng, ra khỏi phòng, đi dọc hành lang hẹp từ đầu đến cuối tàu. Tàu gồm mười toa khách, tất cả đều giường nằm, không có toa nhà ăn, thay vào đó một nhân viên đẩy chiếc xe nhỏ đi dọc tàu bán nước suối, thuốc lá, bánh kẹo. Những toa đầu ốp gỗ, mỗi toa gồm bảy cabin máy lạnh, mỗi cabin bốn giường nệm hai tầng. Những toa cuối tường nhựa xanh, mỗi cabin gồm sáu giường trải chiếu xếp thành ba tầng, và thay cho máy lạnh là hai cửa sổ song sắt mở ra hành lang. Vài cabin còn sáng đèn, đàn ông cởi trần ngồi uống trà hút thuốc, đàn bà nằm tay vắt trán co chân cố giữ chút riêng tư. Cầu tiêu trên tàu gồm ba loại. Loại thứ nhất bồn nhựa trắng, có nước bên dưới, như trong khách sạn. Loại thứ hai bằng kim loại, không có nước bên dưới, kiểu bồn cầu trên máy bay. Loại thứ ba cũng kim loại, nhưng ngồi chồm hổm, và không có nước bên dưới, đi xong dận lên bàn đạp gần chỗ để chân, nước xòe ra khá mạnh. So với những phòng vệ sinh phân lan ra tận cửa trên những chuyến tàu cách đây mười mấy năm, tàu này quá sạch.

Bên ngoài trời tối đen, tàu chạy tốc độ vừa phải, thỉnh thoảng dừng năm mười phút ở những ga hiu hắt. Ở một ga, tàu dừng khá lâu, ra cửa toa hỏi người nhân viên đang đứng dưới đất, anh ta nói đây là ga Yên Bái. A, Yên Bái, nơi Nguyễn Thái Học khởi nghĩa, những đoàn tàu chở tù chính trị thời Pháp thuộc, những đoàn tàu chở sĩ quan miền Nam cải tạo năm 1975, đã dừng lại hoặc ngang qua đây. Lịch sử và xương máu. Nhà ga cũ kỹ, tường thấm nước mưa đen xỉn, hai cửa sổ không song sắt toang hoác trong ánh điện vàng ệch, bên trong chỏng trơ chiếc bàn gỗ lớn. Trên nền xi măng giữa hai tuyến đường ray, vài người đàn ông đàn bà ngồi chồm hổm trong bóng tối lờ nhờ, không hiểu buôn bán gì vào giờ hôm khuya khoắt. Tiếng loa phóng thanh văng vẳng thông báo một đoàn tàu đang tiến vào ga. Tàu xuôi xuống từ Lào Cai, lướt qua với đầu máy nặng nề, hai toa nằm mang bảng hiệu Victoria Resort, vài toa giường chiếu, rồi những toa ngồi. Hai toa của Victoria Resort cabin ốp gỗ, rèm nhung đỏ sậm, đèn vàng dịu sang trọng. Những toa nghế ngồi thắp đèn trắng, cửa sổ không rèm, khách ngoẹo đầu ngủ, vài người ở trần, nhiều người đứng dậy chuẩn bị xuống ga. Tàu dừng lại, nhìn sang toa đối diện thấy một cô khoảng ba mươi dáng cao mặt đẹp đang đứng loay hoay trong phòng nhỏ sáng điện. Cửa sổ kính rộng nên thấy cô đến quá nửa người. Bỗng cô ta mở dây kéo quần ngồi thụp xuống chỉ còn nhô phần đầu. Thì ra cô đang trong phòng vệ sinh. Sau một lúc cô đứng lên kéo dây quần rồi bước ra khỏi phòng, dập cửa sau lưng. Từ đầu đến cuối cô không một lần hướng mặt ra ngoài, nơi những nhân viên hỏa xa đang đứng ngồi lố nhố dưới đất. Đứng ở cửa toa tàu bên này, tôi vô tình nhìn thấy khoảng khắc riêng tư của người đàn bà hiện ra như trên màn ảnh trong một rạp chiếu phim, đèn tắt và người ta mơ mộng trong bóng tối. Tôi hỏi người nhân viên đang ngồi chồm hổm hút thuốc tốc độ tàu bao nhiêu. Anh ta nói khoảng năm sáu mươi cây số giờ. Rồi như để biện hộ, anh nói thêm: “tốc độ thế là chậm so với tàu ‘các nước tiên tiến’, nhưng thế giới họ xây tường hai bên đường ray, còn ở ta trâu bò cứ thả rong trước mũi tàu”.

Tàu chuyển bánh chạy qua rìa thị xã, thoáng thấy con đường không bóng người trong sương loãng đùng đục, vườn hoa nhỏ với tượng đài công nông binh lôi thôi kiểu thường thấy trên khắp nước Việt Nam. Những ngôi nhà sát đường tàu thấp bẹt, sơ sài, cửa sổ gỗ lá sách cũ kỹ như thể mấy mươi năm không sơn sửa, đựng bên trong những con người say ngủ, những con người đã quen với tiếng bánh sắt rầm rập và độ rung mặt đất ngày đêm. Sau thị xã, rừng tiếp tục chạy dọc đường tàu, thỉnh thoảng để lộ ra ngôi nhà tranh một khối đen xiêu vẹo.

Năm giờ, trời dần sáng. Tàu lên cao, chậm lại nhưng vững chãi. Rừng xanh mướt, thưa thớt vài thửa ruộng bậc thang. Suốt đêm tôi lang thang ngoài hành lang, cổ họng hơi đau, bỏ thuốc lá đã năm năm nhưng mỗi lần đi xa lại hút chút đỉnh. Tôi bước vào khoảng nối giữa hai toa. Trong đó, đang đứng một người đàn ông độ năm mươi tay cầm ống thuốc lào dài cả thước, ống thuốc lào vĩ đại nhất tôi từng thấy trong đời. Nhưng thay vì thuốc lào, ông ta dựng vào lỗ nõ điếu thuốc lá đã ngắt bỏ đầu lọc, châm lửa hít những hơi dài, má hóp lại, mắt nhắm nghiền. Đầu điếu thuốc nhọn đỏ nhanh chóng lụi tàn. Nhận ra tôi đang quan sát, ông mỉm cười đưa bao thuốc màu đỏ mời tôi. Thuốc lá Trung Quốc hiệu Yun Yao, nặng cỡ thuốc Camel. Thêm một người đàn ông mặt ngái ngủ tóc tai bù xù bước vào chỗ chúng tôi im lặng cầm lấy điếu cày từ tay ông thứ nhất. Ông này cao thủ hơn, rít liên tục hai điếu chỉ trong khoảng một phút. Hai người đàn ông nói tiếng Hoa, tôi đoán họ đang trên đường về lại Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Họ có vẻ nông dân hay người tỉnh nhỏ, nhìn họ liên tưởng ngay đến màu đỏ chói của người Tàu, đến đám đông năng động và không ngừng sinh sản. Khoảng không hẹp lập tức đặc khói thuốc, tôi quay vào toa.

Loa thông báo sắp đến ga Lào Cai. Ba hành khách cùng cabin với tôi đã thức dậy, thu xếp đồ đạc, mang giầy. Tay nói nhiều đang nhìn ra cửa sổ vẻ bần thần. Trên tàu về Hà Nội tình cờ tôi lại nằm chung toa với hắn, nói chuyện mới biết hắn người Tây Ban Nha.

Ngoài cửa ga Lào Cai, người của các công ty du lịch cầm bảng đứng đón khách. Mới năm giờ rưỡi sáng Lào Cai đã nóng bức, nóng hơn Hà Nội. Chiếc xe hai mươi chỗ ngồi mới nhưng ngột ngạt hơi người. Đường từ Lào Cai lên Sapa tráng nhựa tốt, hẹp và ngoằn ngoèo. Núi chập chùng, ruộng bậc thang vạc vào đỉnh đồi tròn như những nếp nhăn trên trán hói khổng lồ. Phụ nữ Dao áo quần đen khăn quấn đầu đỏ rực đi từng nhóm thong thả, trâu bò nép vào vệ đường, trẻ con lem luốc ngồi trước hiên nhà, những con chó lim dim trong nắng sớm, chiếc xe gắn máy Liên Xô lấm bùn dựng trên chân chống cao, hàng quán bày những chai nước giải khát nhiều màu. Khung cảnh xanh tươi và trầm tĩnh. Mất gần một tiếng mới đi hết đoạn đường chỉ ba mươi tám cây số.

Sapa không có vẻ thơ mộng của Đà Lạt. Rất ít thông trong trung tâm thành phố, hoàn toàn vắng bóng những kiến trúc thuộc địa, ngoại trừ ngôi nhà thờ bé tí đang trùm bạt sửa chữa. Nhà Sapa phần lớn mới xây, kiến trúc lộn xộn như nhà dưới xuôi. Nhưng thiên nhiên Sapa tuyệt đẹp, hùng vĩ hơn Đà Lạt nhiều. Dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phanxipan phủ mây nằm ngay trong tầm nhìn thị xã, gần đến độ tưởng có thể đi bộ đến. Sapa đặc biệt vì những bộ quần áo nhiều màu sắc của người dân tộc. Họ lang thang suốt ngày bán hàng thổ cẩm đến khách du lịch, khác với Đà Lạt, nơi người dân tộc chỉ xuống chợ mua bán rồi về bản làng ngay.

Hai tay tiếp tân khách sạn rất trẻ, như sinh viên mới ra trường, bộ điệu quan trọng. Khi tôi đưa visa để lấy phòng, họ không chịu, đòi phải có hộ chiếu. Tôi nói đi lại trong nước tôi không mang hộ chiếu vì sợ mất, hơn nữa visa nhập cảnh do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp phải có giá trị ở Việt Nam hơn giấy tờ nước ngoài chứ. Tay tiếp tân chỉ vào đống hộ chiếu đủ màu của khách nước ngoài mà hắn vừa thu gom, gay gắt: "Anh đi du lịch nhiều chưa? Anh có biết là đi đâu cũng cần pát-pô không? Anh có biết ở đây gần cửa khẩu Trung Quốc. Việt Nam là đất nước một đảng không chấp nhận đa nguyên anh biết không?" Tôi xuýt phì cười vì câu lạc đề đoạn cuối. Nhưng bỗng chột dạ. Tự dưng sao tên này lại vãi ra những thứ nặng mùi như vậy. Hay hắn là công an. Tôi nói nếu không chịu thì trả lại tiền tour, tôi đi kiếm chỗ khác. Đây là lần đầu tiên tôi du lịch theo tour, nghe theo lời quảng cáo của cô tiếp tân trong khách sạn ở Hà Nội. Tôi vốn ghét đi theo nhóm thế này. Tay tiếp tân hục hặc nói nếu tối công ăn đến kiểm tra phạt vạ gì tôi phải chịu trách nhiệm.

Sau có dịp ngồi ở tiền sảnh, tôi kín đáo quan sát tay tiếp tân. Hắn không thể là công an, tôi nghĩ. Hắn còn quá nhiều vẻ trong sáng của một thanh niên mới lớn. Hắn có vẻ chỉ là một hỗn hợp của những giáo điều ba xu và thói hãnh tiến tỉnh lẻ. Hắn cũng như Sapa, một thị trấn heo hút bỗng tràn ngập du khách nước ngoài khiến người ta ảo tưởng đã nhìn thấy thế giới nhưng cùng lúc nhận ra mình không thể đi ra khỏi sự bủa vây của núi non trùng điệp. Người ta cảm thấy quan trọng trong tư thế chủ nhà nhưng cùng lúc khó chịu nhận ra mình đang phải phục dịch những kẻ lạ rủng rỉnh.

Phòng khách sạn không máy lạnh, có vẻ người ta quá tự tin vào thời tiết của Sapa. Nhưng bây giờ tháng Sáu, nóng bứt rứt. Đồ đạc trong khách sạn toàn hàng Trung Quốc, loại hàng nội địa in chữ Tàu đỏ choét. Ở đây gần Trung Quốc, ảnh hưởng của Tàu dĩ nhiên đậm. Ở Hà Nội, ảnh hưởng của Tàu cũng rõ rệt hơn trong Nam. Nói chuyện với vài người Hà Nội, thấy họ không che giấu sự ngưỡng mộ đối với Trung Quốc. Có người thậm chí nói thẳng, Việt Nam đi theo đường của Trung Quốc là hoàn toàn đúng, rằng dân chủ kiểu phương Tây chỉ dẫn đến hỗn loạn. Điều mỉa mai là hàng hóa Trung Quốc đang tàn phá thị trường và sức khỏe dân chúng Việt Nam. Việt Nam những ngày tôi về xôn xao tin đăng lại từ báo chí Trung Quốc kể chuyện bên Tàu có người làm bánh bao nhân bằng giấy các-tông. Chẳng bao lâu cũng chính báo Việt Nam lại nói tin bánh bao nhân các-tông là do một tay phóng viên Trung Quốc bịa ra để được chú ý, rằng y đã bị nhà nước bạn trừng trị. Tay phóng viên bịa chuyện hay bị đem ra làm dê tế thần cũng khó biết trong những xứ luật rừng như Trung Quốc. Có điều, ở một nơi mà nhiều người trở nên cực kỳ giàu có nhờ quyền chức và những trò mafia, việc một ông bán bánh bao nghèo khổ dùng các-tông thay nhân thịt kiếm chút lời xét cho cùng là chuyện dễ hiểu. Lẽ ra ông ta nên làm những chiếc bánh bao nhân thạch tín bán cho bọn tư bản đỏ.

Sau khi nhận phòng, khách chia thành từng nhóm nhỏ, bắt đầu đi xem cảnh. Cô hướng dẫn viên người Dao mặc áo dài đen sợi thô dệt hoa văn dài đến gối, ống chân quấn xà cạp, mang giầy vải Trung Quốc, nhưng đội nón vải kiểu đi rừng lính Mỹ. Cô tên M., hai mươi tuổi, người nhỏ nhắn, mắt xếch, khuôn mặt xinh xắn, thân thiện. Cô cho biết chỉ học đến lớp chín, trước đây cũng bám chân khách du lịch bán hàng thổ cẩm như mấy đứa trẻ trước khách sạn, nhưng nhờ vậy tự học được tiếng Anh đủ làm hướng dẫn viên du lịch. Ngày hôm sau tôi đi thăm Hàm Rồng với một hướng dẫn viên nam người H’mong hai mươi lăm tuổi. Anh này cho biết đã từng đi bộ đội, về học trung cấp sửa máy nhưng không sống được, bỏ đi làm phụ bếp trong một khách sạn, gặp cô quản lý người Úc tốt bụng dậy cho tiếng Anh, nên giờ làm được hướng dẫn viễn du lịch. Anh cho biết thỉnh thoảng cô người Úc, bây giờ đã về Sài Gòn dạy học, vẫn lên thăm và cho sách vở. Trong một thời gian ngắn có vẻ khách du lịch nước ngoài đã tác động lên đời sống của người dân tộc ở Sapa nhiều hơn mấy chục năm "tận tình chăm lo" của nhà nước. Những hướng dẫn viễn du lịch người dân tộc tôi gặp ở Sapa đều có vẻ nhanh nhẹn và cư xử rất tự trọng.

Đoàn gồm một cặp người Anh, một cặp Tây Ban Nha, hai chị em người Đức, và tôi. Chúng tôi vào bản người H’mong gần thị xã. Nói gần nhưng cũng phải đi bộ mấy cây số đường đồi dốc dưới cái nắng nung người, mặt và cổ tôi bị lột da cả tuần sau chưa khỏi. Trước lúc đi, người ở Hà Nội nói với tôi về Sapa như một chỗ trốn nắng, tôi cũng tưởng vậy. Thật ra mùa hè ở Sapa còn nóng hơn dưới đồng bằng, không dịu như mùa hè Đà Lạt.

Chúng tôi đi xuyên qua ngôi làng của người H’mong bằng con đường bậc thang xi măng dẫn thẳng xuống thung lũng, bên cạnh con mương nhỏ chảy thứ nước xanh lè nồng nặc mùi phân súc vật. Vào thăm một ngôi nhà ẩm thấp, chật chội, trên bàn ăn bừa bộn chén đũa, nồi cơm không đậy nắp trơ vài hạt khô dưới đáy, chảo cám heo ám khói, chỗ nấu ăn lầy lội, quần áo cũ treo đầy góc nhà. M. cho biết nhà này gồm mười lăm người, ban đêm chỉ đủ chỗ cho vài người ngủ trên gác lửng, cũng là nơi chứa lương thực, còn lại trải chiếu nằm dưới đất. Một bé gái khoảng sáu tuổi ôm đứa em ngồi bán những tấm vải thổ cẩm trước hiên nhà. Cạnh đó, đứa em trai khác nằm ngủ ngon lành trên hai chiếc ghế nhựa nhỏ đâu lại, chỉ cần trở mình là cả người và ghế sẽ đổ kềnh.

Ngày xưa đọc những truyện vùng núi tôi cứ hình dung đời sống người H’mong khá thơ mộng: ở trên núi cao mát mẻ, ăn xôi, thịt rừng nướng, hút thuốc phiện, uống rượu, thổi khèn, ngày chợ phiên trai gái múa xòe. Bây giờ đầu thể kỷ hai mươi mốt mà một bản du lịch người H’mong vẫn rách nát thế này, không biết ở những chỗ xa xôi đời sống của họ ra sao. Điều lạ là đi suốt bản không gặp người đàn ông nào, chỉ vài phụ nữ và rất nhiều trẻ con. Tất cả những đứa trẻ đều trần truồng hoặc khoác manh áo ngắn cũn cỡn. Những đứa trẻ không cần đến nhà cầu, khi bài tiết chỉ đứng dạng chân ra rồi tiếp tục chạy chơi như gà lợn thả rông.

Chúng tôi dừng chân ở thác Cát Cát. Nắng quá, tôi vào ngồi trong quán nhỏ bán nước giải khát. Đầu băng ghế gỗ dài, một thanh niên địa phương chụp hình dạo mặc quần tây, sơ mi dài tay, giầy da đen, ngồi rất nghiêm và hơi e thẹn. Tất cả du khách đều có máy ảnh. Nghề chụp hình ngày càng khó sống ở Việt Nam. Những người chụp hình dạo, trong mắt tôi, luôn có vẻ của những trí thức lỡ thời hoặc công chức thất nghiệp. Những người chụp ảnh dạo khiến tôi nhớ lại thời khốn khó ở Việt Nam sau 1975. Vài tấm hình trắng đen bé xíu chụp với gia đình và bạn học - không bao giờ phí phạm phim để chụp cảnh - giờ là những nhân chứng sót lại của quãng đời buồn rầu. Tuần trước ở Sài Gòn, lúc dẫn con gái vào công viên Lê Văn Tám tìm trò chơi, mặc dù có mang theo máy ảnh, vợ chồng tôi đã chụp vài tấm ảnh dạo. Chúng tôi đứng trước những luống hoa, tựa đầu vào nhau theo đạo diễn của người thợ hình, cảm động thấy mình hơi cải lương. Hai mươi năm nữa những bức ảnh này sẽ gợi nhiều kỷ niệm, tôi chắc vậy. Chúng tôi sẽ nói về một buổi sáng đầy nắng và tiếng xe gắn máy ở Sài Gòn, về người đàn ông trung niên đeo kính cận dày cộp có nụ cười móm mém hiền lành. Ông đã chụp cho chúng tôi những bức ảnh điệu đàng bằng chiếc máy cơ hiệu Nikon cũ kỹ.

Từ bản người H’mong trở về thị xã, chúng tôi đi đường khác, nhưng cũng nhiều đồi dốc. Cạnh một trạm gác đường, toán xe ôm đang đứng đợi để chở những người không đủ sức tiếp tục cuốc bộ. Nhưng đám du khách vẫn bước đi không tỏ chút mệt nhọc. Những người chạy xe ôm rà rà theo nài nỉ bằng vài từ tiếng Anh cụt lủn. Một người lái xe ôm chỉ tôi: "Hỏi thằng Nhật này xem nào”, “Hello, motobike, motobike?" Một người khác nói: “Nhật gì, Việt Nam đấy, xe không anh”. Tôi chỉ im lặng. Sau một lúc lẽo đẽo bám theo không kết quả, những người lái xe ôm thất vọng hô bảo nhau: "Về thôi chúng mày ơi, đéo đứa nào chịu đi". Bầy xe gắn máy gầm rú lao lên dốc, biến mất sau khúc quanh. Bên đường, cạnh con trâu bạch tạng đang nằm thở phì phì, hai đứa bé trai ngơ ngác nhìn đám người xa lạ đi qua. Chúng có bao giờ nghĩ đến một thế giới khác, bên kia những dãy núi.

Về lại khách sạn, cơm trưa xong, kêu xe ôm xuống khu Cầu Mây cách trung tâm thị xã mười hai cây số. Tay lái xe khoảng ba mươi, người xương xương, nói chuyện hay dùng cụm từ "mất quan điểm": "Bọn nó ra giá với anh thế thì mất quan điểm thật”, “Bọn xe du lịch là cứ phóng mất quan điểm như thế". Ở chợ Sapa, tôi mua một quần soọc, tay bán hàng trẻ tuổi luôn miệng dùng từ "chất": "Vải này chất xịn anh ạ”, “Hàng này chất mát”, “Anh em mình chất thanh niên với nhau, em không nói thách". Tôi khoái nhất câu tâng bốc này của hắn: "Chất bác mặc quần này vào câu đít lên rất đẹp". Ở Việt Nam, giới nào có từ sành điệu của giới đó. Dân chơi thì "a còng", "wi-fi", "thế giới phẳng", "thế hệ 7x, 8x, 9x", “công dân toàn cầu”; báo chí thì "hội nhập", "ra biển lớn", "thế và lực", "sân chơi"; mấy ông văn nghệ thời thượng thì "phá cách", "hậu hiện đại", "đại tự sự", “pốp”; mấy ông nhà nước thì "sáng suốt lãnh đạo", "khôn khéo bản lĩnh", mặc cho mất đất mất biển.

Từ mặt đường, thung lũng Cầu Mây hiện ra tuyệt đẹp với trùng trùng ruộng bậc thang và những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác giữa màu xanh ngô lúa. Khung cảnh hoàn hảo như một tấm bưu thiếp. Và tuyệt đối yên tĩnh. Đây là nơi để ngủ một giấc dài, thức dậy nhìn nắng chiều loãng ra trên núi đồi.

Từ Cầu Mây đi thêm vài cây số nữa đến Bãi Đá cổ, nơi có các khối đá khắc hình vẽ của người xưa. Có thể nhận ra những vạch ngang mô tả ruộng bậc thang, những mô típ hình tròn, và dường như một loại ký tự. Năm 1925 người ta đếm được khoảng hai trăm tảng đá cổ ở khu vực này, nay phần lớn đã bị di dời, vùi lấp. Ba bốn tảng đá lớn còn lại nằm giữa ruộng lúa xanh, xung quanh có hàng rào, cách nhau vài trăm mét. Năm đứa bé người dân tộc khoảng năm đến tám tuổi cầm những chiếc vòng đeo tay dệt bằng chỉ màu lẽo đẽo chạy theo, đều đều lặp đi lặp lại một câu duy nhất, giọng lơ lớ như đọc kinh: "Mua cái này cho cháu, không mua thì cho tiền, một đứa hai nghìn đồng". Đứa trai bé nhất không mở miệng nhưng bám tôi rất sát. Nó chạy cật lực, mỗi lần vấp ngã trên đường ruộng mấp mô lại lập tức đứng dậy nhìn tôi bằng đôi mắt mở to, mũi dãi thò lò. Có ít tiền lẻ, tôi định đưa mỗi đứa vài ngàn. Nhưng tôi nghĩ ra cách hay hơn. Tôi đưa tờ năm mươi ngàn cho đứa lớn nhất, bảo chia ra. Lập tức cả bọn dừng lại chí chóe cãi nhau, rồi áp tải đứa cầm tiền đi ngược lên quán nước trên mặt đường đổi tiền. Tôi hoàn toàn thoát nạn. Đây là một áp dụng của phương pháp chia để trị rất “đỉnh cao trí tuệ”.

Quay lại thị xã, tay xe ôm gạ tôi đi ngược tiếp lên Thác Bạc. Mười mấy cây số đến thác như cực hình. Con đường liên tỉnh đi Lai Châu nát bấy, bụi đỏ mù trời, vài đoạn đang được lề mề sửa chữa. Tay xe ôm lạng lách liên tục, khổ nhất lúc gặp những chiếc xe khách hoặc xe tải cùng chiều. Chạy chậm phía sau thì hít bụi, chạy sát lên cố vượt qua càng hít bụi nhiều hơn, nhiều lúc bụi gần như không thấy đường. Bản thân những chiếc xe lớn chạy phía trước cũng đảo qua đảo lại tránh ổ gà, chạy gần rất nguy hiểm. Có lúc phải mất mười phút hít bụi chúng tôi mới vượt qua được hai xe tải nối đuôi nhau. Giao thông đoạn đường này quả thật rất "mất quan điểm". Thác Bạc đẹp nhưng quá đông khách du lịch, họ đổ xuống hàng đoàn từ những xe ca lớn.

Từ thác Bạc đi thêm vài cây số đến Cổng Trời. Đoạn đường này vắng và tương đối còn tốt, rừng xanh tươi, không khí lên cao mát lạnh. Tôi hơi thất vọng vì Cổng Trời không phải cổng gì cả, đơn giản chỉ là điểm cao nhất trên đoạn đường đèo đi Lai Châu. Hy vọng tay lái xe nói thật. Chúng tôi tấp xe vào vệ đường cạnh một quán lợp tôn sơ sài, nơi mấy người đàn ông đội nón cối đang ngồi tán chuyện với bà chủ quán. Xung quanh hoàn toàn không nhà cửa. Con đường đèo liên tỉnh uốn lượn phía dưới với chiếc xe khách nhìn từ trên cao như món đồ chơi đang bò chậm chạp quanh sườn núi trong ánh nắng vàng thẫm của ngày sắp tàn.

Buổi tối đi bộ ra phố. Quảng trường thị xã hình lòng chảo đào sâu khoảng một thước, tù mù. Quanh miệng lòng chảo, đầy những người bán bắp nướng, xe ôm, những người đàn bà dân tộc bày hàng thổ cẩm trên tấm khăn nhỏ trải trên đất. Con phố chính gồm nhiều tiệm bán đồ lưu niệm khá sáng sủa, trưng bày những mặt hàng na ná nhau. Một người đàn ông H’mong ngồi thổi khèn bên đường, không thấy ai dừng lại. Đi lên đi xuống vài vòng, tôi ghé vào một bar rượu có cái tên ngồ ngộ: "Tàu Bar". Viết theo kiểu Việt Nam sẽ là "Ba Tàu". Bar lùi xùi, bên trong dựng mấy chiếc xe đạp leo núi cho thuê, quầy rượu bên phải, bàn bi-da bên trái với hai chụp đèn treo thõng sát xuống mặt nỉ xanh, sàn nhà tráng xi-măng thô.

Quán vắng. Một nhóm vài đứa Mỹ khoảng mười chín hai mươi đang ồn ào chơi bi-da. Tôi là người duy nhất ngồi ở quày. Một đứa con gái trong bọn bước đến chỉ vào bao Marlboro của tôi hỏi mua lại một điếu thuốc. Tôi đưa nó hai điếu. Tường quán rượu trang trí những hình sơn xịt graffiti và dán những tờ giấy bạc nước ngoài. Đồ đạc duy nhất đẹp trong bar là súc gỗ lim mỗi cạnh ba tấc, dài hơn chục thước dùng làm quày rượu. Khúc gỗ đồ sộ, đen bóng, rắn như thép, gõ vào cảm thấy rất bất lực, chỉ muốn cúi xuống cắn cho ê ẩm răng. Nhạc chơi từ một computer để gần quày, khách có thể sử dụng con chuột hàng Trung Quốc chớp nháy lòe loẹt tự chọn bài. Hai anh em tay chủ quán rất trẻ, đầu đinh, ít nói, thay nhau đi lòng vòng bắt muỗi bằng chiếc vợt điện. Mỗi lần quơ vợt, những tia lửa xanh lè bắn ra kêu lách tách. Một phát minh tân kỳ của Trung Hoa vĩ đại.

Ngồi một lúc, thêm hai khách nước ngoài bước vào. Một tên thấp đậm mặc quần soọc, áo thun ba lỗ, đầu đội chiếc mũ công an mới toanh gắn ngôi sao đỏ chóe. Hắn ngồi xuống cạnh tôi, đặt bàn tay to bè đầy những sợi lông bạc lên mũ, quát bằng giọng Ái Nhĩ Lan nặng chịch, ra lệnh chủ quán đóng cửa tiệm. Chủ và khách phá lên cười khoái trá. Hắn rút từ túi quần một tờ giấy bạc nước ngoài tặng chủ quán. Chủ quán dán ngay lên tường. Tôi hỏi tiền gì vậy, hắn nói tiền riyal của Ả Rập Saudi.

Kệ rượu trước mặt quá thưa chỉ với ba mươi tám chai. Đúng ba mươi tám chai. Tôi đếm từ trái qua phải, rồi từ phải qua trái. Một con thằn lằn xuất hiện trên tường, nó sẽ bắt muỗi hiệu quả và đỡ thô tục hơn chiếc vợt điện Trung Quốc, tôi nghĩ.


*

Lào

Rời Hà Nội 6 giờ sáng đi Vientiane. Máy bay mở cửa đúng giờ nhưng cất cánh trễ hơn hai mươi phút vì đợi mấy ông khách quan trọng. Mấy ông mặc đồ vét, xách cặp da, thong thả bước xuống xe chạy đến tận thang máy bay. Đến Vientiane, một chiếc Mercedes màu đen cắm cờ Việt Nam cũng chạy ra tận máy bay đón các ông. Chắc các ông ngoại giao hay cố vấn. Trông các ông có vẻ rất tự tin trên đất Lào.

9 giờ 30, sân bay Wattay mưa lớn, nhân viên hàng không ôm bó dù ra chân thang phát cho khách. Khách đi bộ vào nhà ga cách đó khoảng năm mươi thước. Wattay có lẽ là “sân bay quốc tế” nhỏ và vắng nhất thế giới. Trong căn phòng với dăm hàng ghế nhựa và chiếc tivi mười lăm inch treo trên góc, chỉ vài người nước ngoài xếp hàng làm visa nhập cảnh. Visa mất 34 đô la. Mươi nhân viên hải quan và công an ngồi thành hàng sau quầy chuyền tay nhau giấy tờ của khách, trông họ không đến nỗi hống hách nhưng cũng không niềm nở. Sân bay sơ sài, sạch sẽ, có không khí của một cửa hàng ăn uống quốc doanh ế ẩm ở Việt Nam những năm tám mươi. Tôi yêu vẻ ngái ngủ của Lào ngay lập tức.

Khách sạn kiểu “boutique” có ban công nhìn ra sông Mekong, sàn gỗ teak lâu năm đen bóng. Một trong những thú vị của việc du lịch đến những xứ nhiều rừng như Lào là được ở trong những căn phòng đồ gỗ đẹp, nguyên khối, không phải loại gỗ tạp hay chỉ dán lớp mỏng bên ngoài như bên Mỹ. Dĩ nhiên với nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của dân Mỹ, nếu đồ đạc đóng toàn bằng gỗ khối, chắc sẽ chẳng còn cánh rừng nào sót lại trên mặt đất.

Bên kia bờ Mekong là tỉnh Nong Khai của Thái Lan. Đang mùa mưa, sông đục màu phù sa, chảy lờ đờ. Gần bờ bên này, một cồn cát chạy dài khoảng cây số, đậu duy nhất chiếc ghe mỏng như lá tre của người đàn ông quanh quẩn lặn ngụp bắt cá. Có hôm ông cởi trần dẫn theo con chó vàng đi bộ lên doi cát, dáng cả hai lẫn vào màu của cát và sông nước mênh mông. Tuyệt không bóng thuyền bè nào khác qua lại. Con đường trước khách sạn tuy vậy khá ồn ào ban ngày bởi xe cộ. Vientiane là thành phố xe hơi, ít xe gắn máy, và thưa người hơn Sài Gòn.

Vật giá Vientiane không mắc lắm nhưng với cùng giá tiền, người ta có thể tìm được nhiều tiện nghi và thú vui hơn ở Thái Lan. Đây là chuyện thường thấy ở những nước mới mở cửa du lịch: chặt hơi quá và phục vụ thì trật giuộc. Nhưng cũng chính ở những nơi như vậy mọi chuyện dễ dãi hơn, con người thân thiện và chưa trở nên chai sạn trong giao tiếp với người ngoại quốc. Ngôn ngữ là trở ngại khá lớn khi đến Lào. Trong chín nước Đông Nam Á tôi từng đến, người Lào nói tiếng Anh ít nhất, ngay cả trong những khu du lịch. Tình trạng này tệ hơn ở bưu điện, ngân hàng, công sở, trường đại học.

Buổi tối tay lái xe tuk tuk trước khách sạn chở đến một tiệm disco lớn. Bên trong nam thanh niên ăn mặc chải chuốt nhưng ngồi im, các cô gái trẻ đứng thành vòng quanh những chiếc bàn không ghế uống beer Lào, nhún nhảy vụng về và cười lớn với nhau như để che giấu vẻ thiếu tự nhiên. Khung cảnh như vào đầu một đêm hội lớn ở quê: rượu, nhạc, và đống lửa ở giữa, nhưng mọi người chỉ đứng quanh đùn đẩy nhau e ngại. Đó cũng là cảm giác của tôi về Vientiane, nơi những tòa nhà cao tầng đang xây, thẻ tín dụng bắt đầu được dùng, xe hơi nhiều trên đường phố, nhưng mọi sự vẫn chậm rãi, rời rạc.

Vào một bar khác, nhưng mới ngồi mười phút đã đến giờ đóng cửa, đèn bật sáng, từ những bàn salon đứng lên vài người khách Đại Hàn với những cô gái Lào đánh quá nhiều phấn hồng. Nhân viên bar chỉ lên lầu hay vào trong gì đó nói có chỗ uống tiếp. Nhưng tôi chán, ra kêu tay tuk tuk nãy giờ vẫn đợi bên ngoài chở đi lòng vòng. Vientiane vắng lặng, đường phố nhiều cây lớn, thấp thoáng vài ngôi nhà thời thuộc điạ sau hàng rào song sắt quấn dây leo. Cảm thấy hoàn toàn yên tâm lang thang trong thành phố lạ và vắng vẻ này lúc nửa đêm. Tay lái tuk tuk khoảng hai mươi mấy, luôn săm soi chiếc điện thoại di động và bứt rứt xin lỗi vì mọi thứ. Tôi ngồi phía trước với hắn, can xăng nhựa treo óc ách ngay sau lưng, nối xuống máy bằng một ống nhỏ, nếu đụng xe chắc cháy không kịp thoát. Xe không cửa nhưng hôi khói nồng nặc, đến độ sau chừng một tiếng loanh quanh, mặc dù muốn đi nữa, tôi đành phải về lại khách sạn.

Sáng dậy trời mưa lớn, sông Mekong mờ mịt hơi nước không thấy bờ bên kia, người đánh cá cũng không đến cồn cát. Có việc lên Đại học Quốc gia Vientiane cách trung tâm thành phố khoảng nửa tiếng lái xe. Khuôn viên đại học rộng, nhiều cây xanh, không chật chội như những đại học trong thành phố Sài Gòn. Với dân số chỉ sáu triệu rưỡi, mật độ 25 người một cây số vuông, người Lào có nhiều không khí để thở hơn dân Việt. Mật độ dân số Việt Nam là 254. Đại học Quốc gia Lào mới thành lập cuối năm 1996, gồm mười một khoa, dạy những ngành thực hành như y tế, giáo dục, lâm nghiệp, nông nghiệp, giao thông. Trong ba nước Đông Dương thời thuộc Pháp, Lào là nước ít được đầu tư nhất. Đến tận những năm năm mươi, trẻ em Lào chủ yếu vẫn học ở chùa làng. Chính phủ thuộc địa chỉ mở trường đến cấp hai, chương trình tiếng Pháp, đào tạo viên chức địa phương. Nhiều người trong số này là con cái các công chức Việt Nam sang làm việc ở Lào. Những học sinh khá giả hoặc nhiều tham vọng được gởi đi du học Việt Nam. Một số nhỏ đi Tây. Chương trình giáo dục bằng tiếng Lào được khởi động bởi chính phủ Hoàng gia vào những năm sáu mươi. Mười năm sau khi giành chính quyền (1975), cộng sản Lào mới đưa ra chính sách giáo dục tiểu học bắt buộc. Tuy vậy, do thiếu nhân lực và ngân khoản, kế hoạch “đầy tham vọng” này bị đình trệ mãi đến năm 2000. Hậu quả của nền giáo dục rời rạc thể hiện rõ qua tình trạng rất ít sách vở được in ấn ở Lào. Tiệm sách nhà nước lớn nhất Vientiane có diện tích bằng một phòng học với dăm ba cuốn sách lem nhem bày trong tủ kính. Sách ngoại văn, thật thú vị, là những sách chính trị và kỹ thuật tiếng Việt. Đây có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới mà tiếng Việt là ngoại ngữ của một số trí thức. Tiệm cũng bán những tấm hình lộng kiếng lãnh tụ Souphanouvong cười sung sướng bên cạnh Hồ Chí Minh vẻ độ lượng người anh lớn. Cộng sản Việt và cộng sản Lào có một lịch sử “hữu nghị” lâu dài, bắt đầu từ thời Cộng sản Đông Dương, đến Việt Minh, qua chiến tranh chống Mỹ, kéo dài tận hôm nay. Quân đội và cố vấn Bắc Việt hiện diện trên đất Lào đông đảo từ cuối những năm năm mươi, là sức mạnh chủ lực sau lưng Pathet Lào, nếu không muốn nói đã giựt dây Pathet Lào suốt hai cuộc chiến tranh. Việc Hà Nội lập đường mòn Hồ Chí Minh trên phần đông dãy Trường Sơn thuộc địa phận Lào đã khiến quân Mỹ ném hơn hai triệu tấn bom xuống khu vực này, nhiều hơn toàn bộ lượng bom sử dụng trong Thế chiến thứ Hai. Cả Bắc Việt và Mỹ đều che giấu những can thiệp quân sự của họ vào Lào, một quốc gia trung lập trên giấy tờ. Vì vậy, mặc dù là chiến trường ác liệt, Lào ít được thế giới nhắc đến. Sau 1975, cộng sản Lào cũng thực hiện chính sách cải tạo sĩ quan viên chức chế độ cũ như Việt Nam, với mức độ tàn bạo không thua kém đàn anh chút nào. Con số ước lượng tù cải tạo ở Lào khoảng bốn đến năm mươi ngàn người, bao gồm hoàng gia Savang Vatthana, vua Lào từ 1959 đến 1975. Sau hai năm tạm yên ổn trong cung điện với chức vị cố vấn bù nhìn, tháng 3 năm 1977, vua Savang Vatthana cùng hoàng hậu Khamboui và thái tử Say Vongsavang được trực thăng “thỉnh” đến trại cải tạo số Một. Tháng 2 năm 1978, thái tử chết vì đói, mười một ngày sau nhà vua qua đời, chỉ còn hoàng hậu lay lắt đến năm 1981. Cả gia đình nhà vua được vùi xác không mộ bia bên rìa trại cải tạo. Tương tự Việt Nam, nhiều người Lào “được giải phóng” đã phải bôn ba tìm cách vượt biên sang Thái Lan rồi qua Mỹ tỵ nạn. Ở Mỹ hiện có khoảng hai trăm ngàn người Lào, và cũng khoảng chừng đó người Hmong. Người Hmong ở Lào trước đây được CIA huấn luyện để tiêu hao quân Pathet Lào và Bắc Việt, là kẻ thù không đội trời chung của cộng sản. Nhiều người Hmong còn kẹt lại ở Lào hiện vẫn đang bị săn đuổi trong rừng rậm. Người Hmong chắc không muốn chiến đấu chỉ với vài khẩu súng rỉ sét từ thời chiến tranh, nhưng đối mặt với nguy cơ bị trả thù tàn khốc, họ vẫn phải tiếp tục lẩn lút trong đói khát, bệnh tật, bom pháo. Thủ lãnh của người Hmong ở Mỹ, Vang Pao, oái ăm thay, mới đây bị FBI bắt vì “âm mưu lật đổ chính phủ Lào bằng vũ lực”. Số phận người Hmong, như những dân tộc nhỏ bất hạnh khác, luôn chỉ là quân cờ thí, và khi bị bỏ rơi, họ phải tự cứu mình bằng những phương cách tuyệt vọng.

Chùa ở Vientiane rất đẹp, nhưng không còn nguyên thủy, vì thành phố đã từng bị tàn phá bởi quân Xiêm năm 1827. Tháp Pha That Luang biểu tượng của nước Lào, khởi xây từ thế kỷ 13, cũng đã hai lần được trùng tu trong thế kỷ hai mươi, móng gia cố bằng bê tông cốt thép. Chùa Si Saket xây năm 1818 là chùa cổ duy nhất còn sót lại, thoát khỏi cuộc tàn phá của quân Xiêm, vì xây theo kiểu Thái. Sân chùa trầm mặc những cây cổ thụ, bầy mèo hoang mới sinh nằm ngo ngoe sưởi nắng trên bậc thang gỗ cũ kỹ đầy bụi của ngôi nhà nhỏ trước đây là thư viện chứa kinh sách, nay trống trơn.

Cổng Chiến thắng của Vientiane nằm giữa quảng trường trung tâm, nhại kiểu Khải hoàn Môn Paris. Mua vé ba ngàn kíp leo lên đỉnh, nhìn thấy những đại lộ thẳng tắp, thoáng đãng, không có nhà cao tầng. Sau mấy ngày thăm viếng những chùa chiền tái tạo của Vientiane, tôi nôn nóng đi cố đô Luang Phrabang, nơi nghe nói vẫn còn nhiều kiến trúc cổ.

Luang Phrabang cách Vientiane chỉ 425 cây số về phía Bắc nhưng vì ít thời gian, tôi phải đi máy bay. Lao Airlines hiện chỉ gồm sáu máy bay nhỏ: hai chiếc ATR72-200 chế tạo bởi một hãng nhỏ Âu Châu và bốn máy bay Trung Quốc MA60. Tất cả đều máy bay cánh quạt, tốc độ tối đa năm trăm cây số giờ. Tôi đi Luang Prabang trên một chiếc MA60 Trung Quốc như vậy, với hơn năm mươi hành khách khác. Trên internet, có du khách kể chuyện đi máy bay Lào lúc xuống thấy ông phi công xách theo xâu cá tươi. Chuyện đó đăng cách đây đã vài năm, và thật ra xách xâu cá về cho vợ cũng đáng hãnh diện, có thể vì vậy mà ông phi công đã không gói cá lại, chứ bao bì trên máy bay thiếu gì. Mở trang web của Lao Airlines, thấy ngay trang đầu câu khẩu hiệu “Quý vị an toàn với chúng tôi” (You're safe with us), tôi hoàn toàn yên tâm. Sống ở cao nguyên, tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng ù ù những chuyến bay quân sự cánh quạt theo ba tôi đi đóng đồn, những chuyến bay Air Vietnam về Đà Nẵng và Sài Gòn nghỉ hè, những chuyến bay chạy loạn. Máy bay cánh quạt bay chậm và thấp, nhìn rất rõ bên dưới, là phương tiện du lịch thú vị hơn máy bay phản lực, nếu khoảng cách không quá xa. Lúc nhỏ, có lần trên chuyến bay từ Sài Gòn về gần tới Kontum, lúc máy bay xuống thấp, tôi thấy một người đàn ông trên đỉnh đồi đang chĩa khẩu súng trường lên trời. Tôi kể lại chuyện này với ba tôi, ông có vẻ suy nghĩ rồi nói chắc tôi nhìn lầm, có thể đó chỉ là một người đang cuốc đất, mà không có súng nào bắn tới máy bay đâu, đừng lo.

Khu sân bay nội địa Vientiane là ngôi nhà một tầng, trước hiên đặt những hàng ghế nhựa cho người đón thân nhân. Phòng kiểm tra vé gồm hai quầy nhỏ, vào lúc đó tôi là khách duy nhất. Không chào hỏi, một ông trung niên mặc đồng phục xanh ngồi sau quầy cầm lấy vé và hộ chiếu của tôi, mặt hầm hầm hướng ra cửa. Ông nói gì đó với hai nhân viên trẻ hơn. Họ đi ra khỏi phòng, mười lăm phút trôi qua, ông trung niên vẫn im lặng tiếp tục cau mặt về phía cửa. Sau cùng, một cô váy hồng xuất hiện, thong thả đi vào quầy. Thì ra cô này mới là người có trách nhiệm kiểm tra vé, nhưng nãy giờ cô ta bỏ đi đâu, ông trung niên phải sai hai nhân viên đi tìm. Hành lý được cân bằng chiếc cân với mặt chữ số gắn trên một trụ đứng, kiểu cân của những hàng bán gạo.

Trong phòng đợi gắn máy lạnh, một ông Việt Nam mặc đồ vét nói điện thoại oang oang, đi đi lại lại hút thuốc cạnh bảng cấm hút thuốc. Tivi đang chiếu chương trình ca nhạc Lào, những bài hát được minh họa bằng hình ảnh “chiến đấu và dựng xây” thường thấy ở Việt Nam cách đây một thập kỷ. Thời gian này đúng dịp kỷ niệm ba mươi năm ký kết quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện Việt-Lào, truyền hình chiếu đi chiếu lại cảnh Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo Lào ôm nhau hôn say đắm. Tivi trong khách sạn tôi ở có cả đài Việt Nam, rõ như ở Sài Gòn, bên cạnh những chương trình Thái và Mỹ. Tiếng Lào và Thái gần nhau, người Lào xem đài Thái có thể hiểu được.

Nằm giữa hai con sông Mekong và Nam Kha, Luang Prabang hiện ra êm đềm với những đường phố hẹp nhưng thẳng, những ngôi chùa trên đồi rợp bóng cây ngay trong trung tâm thành phố. Khung cảnh thơ mộng và cổ kính. Chùa Xieng Thong xây từ năm 1560 đã trải qua vài lần trùng tu nhưng còn giữ được nhiều kiến trúc nguyên thủy. Những điện thờ bằng gỗ chạm khắc tinh vi, tường phủ kín những họa tiết đỏ sậm và nhũ vàng mang ảnh hưởng Khmer. Trong sân chùa, mươi chú tiểu áo vàng ngồi học kinh dưới tàn cây, vẫn còn vẻ hồn nhiên nghịch ngợm trẻ con. Chú tiểu lớn nhất khoảng mười lăm, chắc trưởng lớp, hỏi tôi vài câu tiếng Anh. Một chú khoảng mười tuổi xen vào như muốn khoe khả năng ngoại ngữ, nét hãnh diện lộ ra mặt. Trước chùa, con đường nhỏ vắng lặng chạy dọc bờ sông Mekong với nhiều lối bậc thang dẫn xuống bến nước. Không có nhiều du khách mùa này. Một người đàn ông lái thuyền vẻ rụt rè hỏi tôi có muốn thăm vài ngôi đền và làng đồ gốm bên kia sông không.

Thuyền chạy giữa dòng, xuôi hướng Nam. Bên trái là trung tâm thành phố với ngọn tháp nhũ vàng của ngôi chùa Phousi lấp lánh trên đồi trong nắng chiều. Bên phải là xóm làng mộc mạc, nhà cửa lẫn khuất trong rừng cây. Nước sông nặng phù sa, chảy chậm, nhưng nhiều chỗ xoáy bọt nổi trắng từng mảng lớn. Trẻ con tắm dưới bến. Những lối đi bật thang típ tắp dẫn lên đền. Dừng thuyền, tôi leo lên đỉnh đồi. Mấy đứa trẻ chạy theo nhưng nhanh chóng bỏ cuộc, ngoại trừ hai đứa trai khoảng mười và mười ba tuổi. Ngôi đền trống hoác, tất cả những cánh cửa đã mất, tường lỗ chỗ vết đạn, trên bệ thờ chỉ duy nhất một tượng Phật bằng gỗ tróc sơn. Nhưng những khay đồ cúng nhỏ kết bằng lá dừa bên trong đựng cánh hoa đặt trước tượng Phật cho thấy ngôi đền vẫn còn được dân làng sử dụng. Từ trên đồi thấy một đoạn dài sông Mekong uốn lượn giữa núi rừng, chiếc đò máy đầy người chầm chậm trở về từ bên phố, hơi bị dòng chảy đẩy xiên xiên. Đây cũng là nơi sông Nam Kha và sông Mekong giao nhau, tạo thành một ngã ba sông. Quanh đền, cây cối um tùm, tiếng ve rưng rức, oi nồng. Đã lâu lắm mới lại nghe tiếng ve. Tôi nằm xuống thềm đền, nhắm mắt. Hai đứa trẻ im lặng ngồi gần đó. Trong vài phút, thế giới hoàn toàn yên tĩnh, chỉ còn cảm giác buồn buồn dễ chịu, như những trưa hè rất xa trong ký ức. Tôi chụp hình hai đứa trẻ trước cửa đền trống trải, rồi nhờ đứa lớn chụp hình tôi, ngồi vào đúng chỗ nó vừa đứng lên.

Từ Luang Prabang đi ngược dòng Mekong khoảng hai mươi lăm cây số sẽ tới hang Pak Ou, nơi có cả ngàn tượng Phật lớn nhỏ. Đi và về bằng đường sông tuy vậy sẽ mất gần cả ngày, nên tôi đi xe. Có nhiều tuk tuk và xe tải nhỏ hiệu Dahatsu chuyên chở du khách từ Luang Prabang đi Pak Ou. Người chạy tuk tuk tên Un hay gì đó, tự xưng thêm Mít-tờ. Trên đường đi, Mít-tờ Un dừng lại một quán nhỏ bên đường bày vài nải chuối trên chiếc bàn gỗ thấp, chỉ tay vào mình, rồi chỉ tay vào người đàn bà bán hàng, cười giới thiệu: “Ma-đam Un”. OK, chào Ma-đam Un. Sau lưng người đàn bà, đứa bé gái khoảng năm tuổi nằm đưa võng dưới bóng mát hai cây so đũa. Tôi nhớ con gái tôi ở nhà. Ma-đam Un móc túi đưa ông chồng ít tiền đổ xăng. Xe của Mít-tờ Un quá cũ, khói xăng ngộp thở, mà đường còn rất xa. Tôi do dự, nhưng sau cùng phải than phiền vừa bằng lời vừa bằng tay với Mít-tơ Un về tình trạng chiếc tuk tuk. Mit-tờ Un hiểu ngay, ngoắc một chiếc Dahatsu chạy ngược chiều, vui vẻ sang khách. Chiếc Dahatsu quay đầu lại, người tài xế ra hiệu tôi lên ngồi phía trước với anh ta. Người tài xế không nói được tiếng Anh, chỉ luôn mỉm cười hiền lành. Tôi đã làm một quyết định đúng, vì gần đến Pak Ou, phải rẽ vào mấy cây số đường đất rất xấu, chiếc tuk tuk xì khói của Mit-tờ Un khó lòng kham nổi.

Hang Pak Ou nằm bên kia bờ Mekong, trổ vào vách núi đá dựng đứng. Đi thuyền qua sông neo lại dưới chân núi, leo vài mươi bậc thang, vào ngay một hang nhỏ và cạn, bên trong xếp lộn xộn vô số tượng Phật lớn nhỏ do khách hành hương mang đến. Một lối đi bậc thang ôm vòng thân núi dẫn lên hang lớn hơn tên Tham Theung. Hang này bên trong tối như mực. Ngoài cửa, hai vợ chồng người giữ đền bán nhang kiêm cho mướn đèn pin. Soi đèn, thấy những tấm bảng chú thích bằng tiếng Anh phủ mạng nhện. Không biết hệ thống điện đã hỏng hay do mùa này ít khách du lịch người ta không mở đèn. Hang Tham Theung nằm trên cao nhưng từ đây không thấy được dòng sông phía dưới vì cây rừng che khuất tầm nhìn. Khung cảnh rất tĩnh mịch, nhưng trời nóng quá, mồ hôi tôi tuôn ra như từ bọc nước lủng, mặc dù chỉ mặc quần ngắn áo thun.

Trên đường về lại Luang Prabang, ghé vào khu cỡi voi. Lần đầu tiên cỡi voi, rất thất vọng. Voi to lớn nên mỗi bước đi thân hình dao động mạnh, ngồi bên trên chẳng êm ái chút nào. Đường rừng hẹp, lầy lội, nhiều muỗi và ruồi vàng. Những con voi bướng bỉnh đi mươi bước lại dừng chân gặm phá bất chấp tiếng quát tháo của người nài. Chúng liên tục đánh rắm và thải lộp bộp những bãi phân khổng lồ, dương vật trắng bợt điểm chấm đen dài cả thước đong đưa, tồ tồ xả nước. Đám du khách nhe răng cười. Tôi ngồi chung bành với một cô Tây Ban Nha làm việc ở Hà Nội, hơi ngạc nhiên khi biết một quốc gia không lấy gì làm giàu có như Tây Ban Nha cũng viện trợ cho Việt Nam. Câu chuyện về Việt Nam dẫn đến những đề tài không tránh khỏi: tự do ngôn luận, tệ quan liêu, tham nhũng, hy vọng thay đổi. Cô nói cần thuyết phục để những người tham nhũng hiểu rằng khi họ thôi tham nhũng đất nước sẽ khá lên, cả xã hội được lợi, trong đó có phần của các quan chức. Cô nói như thể lòng tham của những kẻ nắm quyền ở Việt Nam thì có đáy vậy. Cô này dù sao cũng có cái nhìn về Việt Nam thực tế hơn so với nhiều người ngoại quốc tôi từng gặp, những kẻ thiên tả hời hợt chưa bao giờ nếm mùi đời sống tả lỵ trong một xứ cộng sản.

Con phố chính của Luang Phrabang hẹp, nhiều tiệm ăn nhỏ, tiệm bán đồ lưu niệm, văn phòng du lịch. Tất cả các bảng hiệu đều bằng gỗ và không sơn, theo quy định chung nhằm giữ vẻ cổ kính cho thành phố. Trời mưa lớn, tôi ngồi ăn bữa trưa trước khi về lại Vientiane bằng chuyến bay bốn giờ rưỡi chiều. Bên kia đường, dưới những tấm bạt nhựa căng dọc phố đang tưng bừng một đám cưới. Ban nhạc gồm người chơi keyboard và hai ca sĩ mặc áo khoác nilon thay phiên hát. Khách dự tiệc phần lớn đứng tuổi, ăn mặc đơn giản nhưng chỉnh tề như công chức đi làm. Vài người đứng lên nhún nhảy điệu lăm-vông, động tác đơn giản, uyển chuyển. Phần lớn họ bị lôi kéo bởi một ông trẻ lăng xăng. Bữa tiệc nào cũng cần một hai kẻ quá chén hăng say như vậy. Nhạc chơi lớn, tiết tấu nhanh nhưng âm điệu trữ tình. Loại nhạc mới, không phải nhạc cổ truyền. Thỉnh thoảng, một người đàn ông đứng lên dùng cán dù nâng tấm bạt, đẩy nước mưa từ những chỗ trũng chảy ào xuống mặt đường.

Trong quán, bàn trước mặt tôi, hai cô gái người Âu ngồi tránh mưa không gọi thức ăn chỉ uống nước. Một cô mở ba lô lấy máy ảnh liên tục chụp đám cưới. Con phố hẹp bề ngang chỉ vài thước nên những người đàn ông trong bàn tiệc nhanh chóng nhận ra mình đang bị chụp hình, bắt đầu mất tự nhiên thấy rõ. Họ ngọ nguậy sửa dáng ngồi, nói cười ngượng nghịu, cử động dè xẻn, dù làm ra vẻ không để ý người chụp hình. Cô Tây vẫn tiếp tục bấm máy, xong mỗi bức lại dấm dúi khoe màn hình với bạn, thậm thụt cười nói, thái độ như người xẻ thịt chuột, vừa sợ đứt tay, vừa trắng trợn làm tới.

Tôi tự hỏi một người Lào du lịch sang châu Âu liệu có dám chĩa máy vào mặt những người đang ăn uống chụp hết tấm này sang tấm khác mà không cần xin phép như vậy không. Sau hàng thế kỷ bị cô lập, phải chăng sau cùng những dân tộc nghèo như người Lào đang được phép “hội nhập” với thế giới bằng cách làm người mẫu không công cho những bức hình du lịch của kẻ khác. Hình ảnh của họ sẽ được mang đi khắp bốn phương, trưng ra trước những con mắt xa lạ, như bầy chim sẻ trên dây điện, không tên tuổi căn cước cá nhân. Và như vậy họ cũng đã “ra biển lớn” rồi, theo cái cách của những món hàng lưu niệm.

Trời vẫn mưa lớn, nhưng tôi đứng dậy rời quán.

*

Nhật ký Phnom Penh

Rời Vientiane đi Phnom Penh bằng máy bay Vietnam Airlines. Gần đến giờ lên máy bay vẫn chẳng thấy hãng hàng không nói năng gì, quá giờ, cũng không nghe thông báo, đám hành khách lao xao. Mãi sau, một nhân viên người Việt mới xuất hiện, cho biết máy bay sẽ trễ ba tiếng, mời hành khách lên nhà hàng buffet tầng trên ăn trưa. Mới hơn mười giờ sáng nhưng thiên hạ cũng lục tục kéo nhau đi. Tôi không thấy đói, nhưng rồi cũng phải vào nhà hàng vì chẳng có gì để làm ở sân bay nhỏ xíu này. Bên trong, mọi người đang nhiệt tình ăn uống, tay nhân viên hàng không cứ muốn xếp tôi ngồi chung bàn với những hành khách khác trong khi vẫn còn vài bàn trống. Tôi từ chối. Hắn có vẻ bực mình, suốt bữa ăn đứng nhìn tôi lom lom. Ở Việt Nam, khi đông khách, thay vì bảo đợi, nhiều chủ quán cũng tự nhiên xếp khách ngồi chung bàn với người lạ như vậy. Một kiểu tiếp khách gây lúng túng cho người đang ngồi lẫn người mới vào.

Đến Phnom Penh khoảng 3 giờ rưỡi chiều. Visa nhập cảnh làm tại sân bay. Làm biếng đi tiểu trên máy bay nên vừa xuống phi trường tôi phải vào phòng vệ sinh ngay. Máy bay nhỏ, khách nước ngoài chỉ vài người nên lúc tôi ra khỏi phòng vệ sinh tất cả hành khách đã qua khỏi cổng hải quan. Ngồi thành hàng dài sau quầy cấp visa là sáu sĩ quan hải quan và công an Campuchia. Một ông cầm hộ chiếu của tôi xăm xoi. Sáng nay lúc ngồi trong phi trường, tôi đã gỡ bỏ cái visa dán trong họ chiếu lần vào Siêm Riệp trước đây, vì các trang hộ chiếu đã đóng dấu gần kín. Ông hải quan vẫy vẫy hộ chiếu trước mặt tôi, hỏi visa lần trước đâu. Tôi nói rơi mất rồi. Ông nói phải nộp phạt hai mươi đô la. Tôi hỏi có biên nhận không, ông nói không. Tôi nói không được, tôi đi công tác, mọi cái phải có biên nhận người ta mới trả tiền lại. Ông hải quan vẫn nói không có biên nhận. Tôi đứng ì ra, làm bộ lúng túng, nhưng không đưa tiền. Thấy không xong, ông hải quan xé một tờ giấy yêu cầu tôi viết cam kết từ nay không được bóc visa cũ của nước ông ra khỏi hộ chiếu. Tôi hiểu đây chỉ là trò đỡ mất mặt nên vui vẻ viết vài hàng, trịnh trọng ký tên. Chỉ cần tôi quay lưng đi tờ cam kết sẽ bay vào sọt rác, tôi chắc vậy. Lấy được visa, còn phải đi qua cổng nhập cảnh. Ông hải quan này không hạch họe, chỉ nhoẻn cười nhũn nhặn, nói tiếng Việt lơ lớ: "Cho ông công an xin năm đô la uống café". Cách làm tiền tuy trắng trợn nhưng vì có tiếp thị nụ cười nên coi bộ khó từ chối. Tôi nói không có tiền lẻ. Ông trả lời: "Có tiền thối mà". Tôi đưa tờ mười đô, ông nhanh như chóp móc túi lấy tiền thối kẹp vào hộ chiếu trả lại. Lên taxi mở ra coi, thấy bên trong bốn tờ một đô, đô còn lại thối bằng tiền Ria, với tỉ giá hối đoái hơi bị thấp.

Tôi ra khỏi phi trường lòng vô cùng ngao ngán. Thêm một bài học du lịch: ở những phi trường có khả năng bị làm tiền, đừng bao giờ đi rớt lại một mình. Tuy vậy, có thể tôi bị làm tiền vì là người Việt Nam. Người Campuchia ghét người Việt nhất. Tôi có dịp nói chuyện với các sinh viên Campuchia du học ở trường nơi tôi làm việc, họ cho biết dân Campuchia ghét người Việt vì nhiều nguyên nhân, thực có tưởng tượng có, nhưng tựu trung do trong quá khứ Việt Nam đã lấn chiếm đất đai của Campuchia. Họ lo sợ chuyện đó lại sẽ xảy ra vì Việt Nam đất chật người đông. Hiện nay, sự kỳ thị đến từ va chạm giữa người địa phương và đông đảo người Việt tràn sang Campuchia sinh sống bằng đủ thứ nghề cùng khổ, với một số lớn phụ nữ làm điếm. Từ khía cạnh lịch sử, người Campuchia ghét người Việt tương tự như người Việt ghét người Tàu, ghét vì nguy cơ bị xâm lăng. Điểm khác ở chỗ, người Tàu ở Việt Nam đa số khá giả hơn người Việt, trong khi người Việt ở Campuchia phần lớn thuộc thành phần dưới đáy. Ác cảm của người Campuchia đối với người Việt vì vậy kèm theo rất nhiều khinh thị.

Từ Vientiane sang Phnom Penh là bước vào một thế giới khác, đông đảo hơn, hỗn loạn, xám bẩn. Tuy xe hơi nhiều hơn Việt Nam, Phnom Penh cũng còn khá nhiều xe gắn máy, và người đi xe không đội nón bảo hiểm. Lề những con đường chính trong thành phố tuy rộng nhưng dùng làm chỗ đậu xe hơi nên không đi bộ được, đi xuống đường nguy hiểm vì xe chạy nhanh và ẩu, muốn đi nửa cây số cũng phải leo lên taxi, xe ôm, hoặc tuk tuk. Trước cửa khách sạn tôi ở trên đại lộ Monivong lúc nào cũng có một đội quân xe ôm và tuk tuk thường trực. Để công bằng, tôi lần lượt đi với hầu hết bọn họ. Trong số này tôi còn nhớ hai người. Một tay chạy tuk tuk vạm vỡ có nụ cười cởi mở, và một ông xe ôm đứng tuổi lù đù mặc duy nhất chiếc áo sơ mi cháo lòng với cổ áo cáu bẩn chạy chiếc xe gắn máy màu đỏ rất cũ. Kiến trúc và không khí đô thị Phnom Penh gần với Sài Gòn, chỉ có điều nhiều rác hơn. Phmom Penh là thành phố nhiều rác nhất tôi từng thấy.

Ngày…

Hôm nay đi công việc, mướn nguyên chiếc xe có máy lạnh cả ngày chỉ tốn ba mươi đô, do một người quen địa phương giới thiệu. Người tài xế trẻ, nhã nhặn. Ăn trưa với anh ta trong một quán bán thức ăn địa phương nằm trong con hẻm lớn, khách phần lớn là dân ngoại quốc làm việc hoặc ở đây lâu. Chiều ra bưu điện gởi sách. Bưu điện không bán thùng, nhân viên nhặt hai thùng mì cũ bỏ sách vào. Sáu người đàn bà loay hoay bàn tán, vịn đỡ mãi mới xong việc. Bưu điện của Lào cũng tương tự, nhưng hiền hơn, nói ít tiếng Anh hơn.

Tám giờ tối, không biết lễ gì mà bắn pháo bông, có lẽ từ phía chợ trung tâm, chỉ cách khách sạn một khoảng ngắn nên tiếng pháo nghe như tiếng lựu đạn. Trên đường phố, thỉnh thoảng thấy những băng rôn căng dòng chữ "Say no to weapons" (Nói không với vũ khí). Súng đạn vẫn còn nhiều ở Campuchia, những nhân vật tai to mặt lớn và đại gia đều có cận vệ mang vũ khí.

Ngày…

Buổi sáng đi xe ôm đến Wat Botum. Wat được xây lần đầu năm 1422 nhưng đã trải qua nhiều lần dựng lại, lần cuối vào năm 1937. Wat vắng tanh, bao quanh bởi hàng rào song sắt cao, cổng khóa, như cố chống lại sự xâm lấn của những nhà dân sống sát bên. Ngôi đền quét vôi mới màu hồng, cơm nguội và quần áo phơi trong sân. Đối diện với đền là một công viên lớn cây cối xơ xác, bên trong đổ những đống rác lớn, mấy đứa trẻ cởi trần gầy còm đang loi nhoi bươi móc. Cạnh đó, người lớn nằm ngồi và nấu nướng trong những căn lều xiêu vẹo. Tôi đoán ông xe ôm đã đi nhầm chỗ. Đây là ông lù khù nói ở trên. Ông không biết chút tiếng Anh nào, chỉ OK, OK và đoán mò, nên thường bị đám thanh niên đồng nghiệp chế giễu mỗi khi cố chào mời tôi đi xe. Nhưng chính vì vậy, thỉnh thoảng tôi thấy có bổn phận phải đi với ông. Tôi đi chơi, có lạc cũng là dịp để thấy thêm thành phố, chỉ cần ông lái xe biết đường chở tôi về lại khách sạn là được.

Đi thêm hai cây số về phía Bắc đến Wat Phnom, ngồi đền quan trọng nhất thành phố. Đền đông khách địa phương và tràn ngập người bán hàng rong, bán từ bưu ảnh đến nhang đèn, chim phóng sinh đến hột vịn lộn, bông vạn thọ đến cóc ổi ngâm chua. Người lớn ngồi bán hàng dưới đất, trẻ con nài nỉ bám theo. Một con voi cho du khách trả tiền leo lên chụp hình mang trên lưng chiếc ghế ngồi đỏ chói, chân xiềng vào gốc cây. Bốn chân voi mang "giày" cắt ra từ lốp xe, có lẽ để khỏi giẫm lầy lội khuôn viên và đi trên đường nhựa cho được êm. Nhìn "giầy" của voi không khỏi liên tưởng đến những đôi dép lốp các anh "giải phóng quân" mang vào miền Nam năm 1975. Dọc lối bậc thang dẫn lên đền, bầy khỉ la chí chóe vì bị mấy đứa nhỏ vô gia cư chọc ghẹo phun nước miếng. Bên trong đền khá đẹp dù mọi thứ có vẻ mới được sơn phết lại. Hơi ngạc nhiên khi thấy trước tượng Phật bát thịt kho hột vịt và chén cơm cúng, nhưng nhớ ra Campuchia theo Phật giáo Tiểu thừa, chay hay mặn tùy chọn lựa của người đi tu, mặc dù họ không được phép sát sinh. Không phải loại thịt nào sư cũng được phép ăn, món “cầy tơ” chẳng hạn, nhất định không có trong thực đơn của sư. Dân chúng ở những nước sùng đạo Phật đều kỵ món này, nên qua Thái Lan thấy rất nhiều chó hoang, nhưng không thấy nhiều ở Campuchia và Lào, có lẽ vì hai nước này gần Việt Nam, chó hoang đã được cho “du lịch” qua nước bạn, và tiêu thụ tại chỗ bởi người Việt nhập cư.

Rời đền ra khu bờ sông ngay trung tâm thành phố chụp vài tấm hình. Đoạn sông rất rộng, là nơi giao nhau của ba con sông Tonle Sap, Mekong, và Bassac. Bờ sông tráng xi-măng, đang giờ trưa nên vắng nhưng chiều xuống rất đông người tụ tập hóng gió. Một người đàn bà dẫn theo ba đứa bé mũi dãi xanh đặc tiến đến xin tiền.

Dọc bờ sông là khu du lịch với nhiều hàng quán và khách sạn trung bình, đi thêm một đoạn sẽ thấy những khách sạn sang trọng nằm sâu trong khuôn viên rộng rãi, xe cộ choáng lộn đậu phía trước. Tòa nhà Bộ Ngoại giao đồ sộ mái cao vút kiểu kiến trúc Khmer truyền thống và Văn phòng Quốc hội mới xây cũng cạnh đó. Sau lưng khu dinh thự chính phủ là một chung cư bốn tầng cũ với những căn hộ vỡ toác trồi ra thụt vào, cốt thép lòi tua tủa, tường đen xỉn. Toà nhà như mụn nhọt lở loét trên lưng một cô gái mặt đẹp. Dân chúng họp chợ buôn bán ngay trên mảnh đất lầy lội ngập rác trước chung cư.

Chiều đến Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng. Từ 1975 đến 1978, chế độ Khmer Đỏ đã giam khoảng mười ngàn năm trăm người trong nhà tù này, tất cả sau đó đều bị giết. Tuol Sleng trước 1975 là một trường trung học ba tầng lầu được Khmer Đỏ biến thành trại giam với bí danh S21. Những phòng học trên tầng ba được chia thành xà lim cá nhân bằng gỗ hoặc gạch ống. Những xà lim bằng gạch trông rất tởm: xi-măng trộn quá nhiều cát, vôi vữa trét lem nhem phòi ra ngoài mép gạch, khung cửa hẹp méo mó chỉ vừa người lách qua, chiếc cùm sắt rỉ sét trên nền nhà lạnh lẽo. Sự cẩu thả và xấu xí tột độ khiến nơi đây lập tức gợi ấn tượng về một thứ chuồng trại súc vật. Các phòng học thông nhau bằng những lỗ đục lởm chởm qua tường. Hành lang bên ngoài có rào kẽm gai nhằm ngăn tù nhân nhảy lầu tự tử trên đường áp giải lên xuống phòng hỏi cung. Những phòng học tầng hai và tầng một dùng làm phòng giam tập thể, tù nhân nằm xếp lớp trên sàn, chân cùm chung vào thanh sắt dài, mỗi phòng có một thùng sắt đạn đại liên dùng tiêu tiểu. Tù nhân khi vào S21 đều được chụp ảnh làm lý lịch, những tấm ảnh còn nguyên trong tủ đựng hồ sơ khi Khmer Đỏ tháo chạy. Nhiều ảnh phụ nữ bồng con nhỏ, những đứa bé không biết chúng đang sống trong địa ngục, rất nhiều nạn nhân thiếu niên. Đội quân cai ngục phần lớn cũng là những thiếu niên được nhồi sọ và huấn luyện thành những tiểu quỷ có khả năng tra tấn tù nhân bằng đủ ngón tàn bạo chỉ với vài dụng cụ thô sơ như gậy gộc, lu nước, kềm búa, đinh, bình điện. Để hành hạ con người, không cần nhiều phát minh. Nhà tù này thực sự là một lò mổ, tệ hơn lò mổ ở chỗ nạn nhân không được yên thân chờ đến ngày bị hóa kiếp, cách giết cũng không được gọn gàng như thọc huyết lợn.

Triển lãm cũng gồm một số ảnh cai ngục S21 chụp sau này, thấy họ chỉ như những nông dân lam lũ. Điều đáng nói là trong số cai ngục chịu cho chụp hình và phỏng vấn, không mấy người tỏ ra hối hận về các tội ác của họ. Tất cả đều biện hộ chỉ làm theo lệnh cấp trên. Dưới thời Pol Pot, trường học hoàn toàn bị phá hủy, Khmer Đỏ chỉ dạy chữ cho một số thiếu niên thuộc thành phần tin cậy đủ để chúng đọc được các chỉ thị. Phần lớn lính Khmer Đỏ là nông dân mù chữ, cầm giấy tờ lộn ngược nhưng mặt mày nghiêm trọng. Khmer Đỏ không chỉ là một thể chế tàn bạo, nó còn hết sức kỳ quặc. Mà hình như thể chế độc tài nào cùng kỳ quặc. Nó thích làm bác chú cha anh thiên hạ, thích bí số K, Z, A, B, giờ G, tọa độ X, thích bí mật, âm mưu. Sự bí mật cho phép thể chế độc tài giấu mặt trong bóng tối để làm điều ác, đồng thời tạo nên một thứ uy quyền âm u ám ảnh dân chúng. Những kẻ độc tài nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ngay trong hàng ngũ chính họ. Trong bốn năm cầm quyền, Khmer Đỏ đã thực hiện nhiều vụ giết chóc nội bộ đẫm máu, như vụ thanh trừng quân khu miền Đông năm 1978, quân khu miền Bắc năm 1977. Đại đa số tù nhân ở Tuol Sleng là cán bộ Khmer Đỏ bị nghi ngờ phản bội và thân nhân của họ. Một số người Việt cũng bị giam ở Tuol Sleng. Phần lớn người Việt ở Campuchia đã chạy về Việt Nam ngay sau những cuộc đụng độ đầu tiên giữa hai chính phủ cộng sản. Nhưng cũng có một số ở lại. Đây là những người sinh sống ở Campuchia đã hai ba thế hệ hoặc lập gia đình với người địa phương. Tất cả đều bị phát hiện và giết bởi Khmer Đỏ sau đó. Người Chăm cũng bị cưỡng bức ra khỏi khu vực cư trú lâu đời, cấm nói tiếng Chăm và thực hành đạo Hồi, hàng chục ngàn người đã chết vì đói khát, thủ tiêu. Người Hoa có lẽ do là con cháu của sư phụ Trung Cộng nên không nằm trong chủ trương diệt chủng như đối với người Việt, mặc dù vẫn bị cưỡng bức lao động và đập đầu như người bản xứ.

Tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ tuy bị cả thế giới lên án, hiện vẫn chỉ được đề cập một cách ỡm ờ bởi giới cầm quyền Campuchia. Hun Sen, Thủ tướng ngồi lì của Campuchia vốn xuất thân từ Khmer Đỏ. Bản thân vua Norodom Sihanouk từng ủng hộ Khmer Đỏ trong chiến tranh, có lúc đã vào rừng ở với Khmer Đỏ một thời gian ngắn, giúp nhóm này thu phục sự ủng hộ của dân chúng, tuyển mộ được thêm hàng chục ngàn binh sĩ. Sau 1975, Sihanouk được Khmer Đỏ cho giữ chức cố vẫn bù nhìn hơn một năm, rồi bị hất ra, theo đúng bài bản của các chế độ cộng sản chiến thắng trong cách đối xứ với những thành phần cộng tác không hoàn toàn là người của họ. Sihanouk phải sang sống lưu vong ở Trung Quốc. Vì những dính líu lịch sử của cả Hun Sen lẫn Sihanouk - hai phe đang nắm quyền ở Campuchia - với Khmer Đỏ như vậy, lịch sử tội ác của chế độ này đến nay vẫn chưa được chính thức giảng dạy trong trường học Campuchia. Bên ngoài các trường phổ thông, tuy vậy, không hề có sự cấm đoán nào đối với việc nghiên cứu hay in ấn sách vở liên quan đến đề tài này.

Ngày…

Đứng ở ban công khách sạn tầng năm nhìn xuống đại lộ Monivong lúc một giờ đêm, con đường vốn đông đảo ban ngày vắng lặng hẳn. Mấy chiếc xe ôm chở gái chạy ngang qua, có chiếc đèo hai cô chân buông thõng, có lúc ba bốn chiếc kè theo hai bên hông một xe hơi “chào hàng”, mới nhìn qua tưởng các nữ cận vệ hộ tống yếu nhân, có điều áo quần hở hang quá, không biết giấu súng ở đâu. Đèn giao thông ở ngã tư vẫn đều đặn đổi màu nhưng hoàn toàn không còn hiệu lực đối với người đi đường. Quang cảnh như một đường phố Sài Gòn về khuya.

Một chiếc xe hơi loại mười hai chỗ ngồi, ở Việt Nam thường gọi xe cá mập, phóng rất nhanh, đến ngã tư không hề giảm tốc độ. Tôi linh cảm sẽ có chuyện xảy ra. Thật vậy, chiếc xe vượt đèn đỏ, định qua mặt người đàn ông chạy xe máy cùng chiều bằng cách luồn vào bên phải nhưng đến gần lại đổi ý ngoặt tay lái ra ngoài. Quá gấp, đủ để tạo khoảng cách giữa hai xe, hông bên phải chiếc xe hơi táng vào xe gắn máy, người đi xe văng ra trước, chiếc xe đổ xuống mặt đường trong tiếng va đập dữ dội, trượt một đoạn ngắn tóe lửa. Không hề chậm lại, chiếc xe hơi tiếp tục phóng thẳng, chỉ thấy hai chấm đỏ đèn đuôi nhỏ dần cuối đại lộ. Đám đông những bảo vệ khách sạn, những người chạy xe ôm và tuk tuk thường trực gần đó lập tức túa đến bao quanh người bị nạn. Khá xa và bị cản tầm nhìn bởi đám đông, tôi không nhìn rõ người bị nạn. Chỉ thấy đám đông tan dần sau khoảng nửa tiếng. Hình như người bị nạn được chở đi bằng xe xích lô. Từ đầu đến cuối không hề thấy cảnh sát hay xe cứu thương xuất hiện, mặc dù tai nạn xảy ra ngay trên một đại lộ chính của Phnom Penh. Một trong những vấn đề của việc du lịch đến những xứ nghèo và nhiều tham nhũng như Campuchia là khi gặp rủi ro, người ta khó có thể trông cậy vào cảnh sát hay giới chức thẩm quyền. Cảnh sát sẽ không đến, hoặc rất lâu mới đến, hoặc tệ hơn đến chỉ để làm tiền du khách thay vì bảo vệ họ. Ở Việt Nam cũng vậy, nghĩ đến công an là nghĩ đến đe dọa, hối lộ, phiền toái. Chuyện sau đây xảy ra ở Nhà Trang là một ví dụ.

Năm 2000 lần đầu tiên tôi về Việt Nam sau gần chín năm sống ở Mỹ, cái gì cũng háo hức. Tôi đi Nha Trang với gia đình hai người bạn. Họ đều có vợ con nên buổi tối bị cấm cung ngủ sớm. Tôi lang thang ra phố một mình. Tay xích lô trên đường Trần Phú dọc bờ biển hỏi tôi có muốn "tham quan thành phố". Hắn nói giống Nghệ An pha địa phương lờ lợ. Lúc đầu tôi từ chối nhưng hắn cứ bám theo. Tôi dừng lại chuyện trò vài câu, thấy hắn rất vui vẻ nên đồng ý để hắn chở đi lòng vòng. Qua vài con đường, hắn nói sẽ chở tôi đến một quán café đặc biệt, có nhiều em xinh đẹp, chỉ vô ngồi café "tâm sự", không mất gì. Đến nơi, tôi được dẫn vào một căn phòng chỉ gồm bộ ghế nệm giả da và chiếc bàn ọp ẹp. Đợi năm phút, một cô gái trẻ bộ dạng cau có xuất hiện, theo sau là tay bồi bàn bưng mâm trái cây kèm theo mấy phong kẹo cao su. Tôi hơi ngạc nhiên vì uống café mà lại ăn trái cây và kẹo cao su nhưng nghĩ chắc ở đây họ cứ dọn ra vậy, mình không dùng thì thôi. Nhưng vừa ngồi xuống cạnh tôi, cô tiếp viên lập tức cắt trái cây, bóc hết tất cả các phong kẹo cao su ra như xả rác. Sau này đọc báo, tôi mới biết đây là trò trấn lột. Vào những chỗ này, chủ quan lập tức dọn ra đủ thứ đồ ăn vớ vẩn mặc dù khách không gọi, rồi sẽ tính vài triệu đồng chỉ sau khoảng nửa tiếng để khách ngồi với một cô tiếp viên có bổn phận phá hỏng mọi thứ trên bàn. Lúc đó dù chưa biết trò này nhưng tôi cảm thấy có gì không bình thường, khung cảnh lại nhếch nhác, ảm đạm. Sau mấy ngụm café chua loét, tôi nói với cô tiếp viên gọi tính tiền. Tay chủ quán vào đưa mảnh giấy nhỏ ghi vỏn vẹn con số hai triệu đồng. Tôi choáng váng hỏi tính gì mà hai triệu, hắn lạnh lùng nói tiền đồ ăn và tiền tiếp viên. Tôi nói không mang theo đủ tiền, vừa nói vừa móc ra một trăm ngàn đồng đặt xuống bàn, cười cười như mọi chuyện chỉ là trò đùa. Tay chủ quán chờn vờn muốn cản đường nhưng chưa động vào người, nên miệng nói chân bước, sau cùng tôi ra được tới cửa. Tay chủ quán bám sát. Tôi băng nhanh qua đường, vào một nhà hàng hải sản lớn nhưng vắng khách tính gọi điện thoại báo công ăn. Lúc đó điện thoại di động còn ít. Nhưng vừa vào nhà hàng chưa kịp hỏi nhờ điện thoại, đã nghe tiếng những người bồi lao xao. Quay lại, thấy tên chủ quán và hai đàn em đang đứng ngay sau lưng. Nhân viên trong nhà hàng xua tay nói thôi thôi mấy anh đi ra ngoài giải quyết, ở trong này chỗ buôn bán. Tôi đi ra, đứng trên lề đường, ba tên trấn lột vây quanh. Tay xích lô nãy giờ đợi tôi bên ngoài quán café cũng đẩy xe tới. Nhìn thái độ thản nhiên của hắn, tôi biết hắn cùng băng với tụi trấn lột. Hắn là thằng có nhiệm vụ mang con mồi đến để tụi kia xẻ thịt.

Lúc đó khoảng chín giờ tối, đường phố sáng đèn và khá đông người qua lại. Những nhân viên nhà hàng hải sản cũng bước ra quan sát nhưng không ai dám can thiệp. Ba tên trấn lột nói năng càng lúc càng dữ dằn, bộ điệu loi choi như gà sắp chọi. Tôi chỉ lúng túng, thật sự không nghĩ ra phải làm gì. Đi thì không được, xô xát chắc chắn sẽ bầm dập với bốn thằng, la hét cho người đi đường bu lại có thể là cách thoát nhưng kỳ cục quá. Một thằng nói nếu tôi không đem đủ tiền, phải để nó lục túi. Cũng may, buổi tối ra khỏi khách sạn tôi chỉ mang theo đúng sáu trăm ngàn đồng, nên nghĩ, đã đến nước này thôi đành chịu mất tiền, coi như một bài học du lịch. Tôi lộn túi đưa năm trăm ngàn còn lại cho bọn nó, không ngờ thằng chủ quán nói số tiền này con thiếu, tụi nó phải theo tôi về khách sạn lấy cho đủ. Thật quái đản, tôi nghĩ, trấn lột mà dám đến tận khách sạn, có khác gì tự nộp mình cho công ăn. Tôi gật đầu, nhanh chóng leo lên xích lô. Thằng xích lô vừa đạp xe vừa vờ vĩnh phân bua như thể nó cũng là nạn nhân. Ba thằng kia chở nhau trên một xe gắn máy chạy rề rề phía sau.

Từ quán café về khách sạn tôi ở trên đường Trần Phú chỉ khoảng mười lăm phút, một khách sạn lớn nhất nhì Nha Trang thờì điểm đó, có đông nhân viên bảo vệ, đèn đuốc sáng choang. Bình thường đi một mình tôi không ở loại khách sạn như vậy, nhưng chỗ này do bạn tôi chọn. Đến trước khách sạn, bọn trấn lột dừng xe đợi bên kia đường, tôi đi nhanh vào quày tiếp tân, nói gọi cho tôi trưởng bảo vệ. Trưởng bảo vệ đến ngay, hỏi có việc gì. Tôi kể vắn tắt sự việc rồi bảo anh ta ra ngoài gặp tụi trấn lột với tôi, nhưng anh ta từ chối. Tôi nói vậy anh gọi công an cho tôi. Tay trưởng bảo vệ nói tôi ngồi đợi ở salon tiền sảnh khách sạn. Một lúc lâu hắn quay ra, cầm theo giấy bút bảo tôi viết tường trình. Tôi chỉ muốn chửi thề. Tôi nói vậy mà nãy giờ tôi tưởng anh đi gọi công ăn. Tay trưởng bảo vệ nói, anh viết tường trình rồi mai tôi báo cáo ban giám đốc khách sạn, gọi công an không ích gì đâu, anh là Việt kiều, gặp công an họ sẽ kết tội anh chơi bời này nọ phải tốn thêm tiền đút lót. Tôi nói mấy thằng trấn lột đang đứng ngoài kia, ít nhất công an đến sẽ giữ tụi nó lại, tôi sẵn sàng lên đồn trình bày sự việc. Tay bảo vệ nhìn tôi vẻ thương hại, nói mấy thằng đó tới tận đây thì anh phải hiểu tụi nó làm ăn đã được công ăn bảo kê rồi, đụng vô chỉ mệt cho anh. Tôi chán nản bỏ lên phòng. Không biết mấy thằng cốt đột còn lẩn quẩn bên ngoài bao lâu.

Ngày…

Sáng đến thăm Trung tâm Tài liệu Cambodia (Documentation Center of Cambodia), là nơi thu thập các tài liệu liên quan đến tội ác của Khmer Đỏ. Được tài trợ dồi dào bởi các tổ chức phi chính phủ ngoại quốc, trung tâm chiếm một toà nhà khá lớn ngay trong khu đẹp nhất thành phố. Không hẹn trước nên ông giám đốc đi vắng, chỉ gặp vài nhân viên trẻ. Một thanh niên dong dỏng cao, mặt rất sáng, vui vẻ giới thiệu về trung tâm. Nói chuyện một lúc nhớ ra anh ta là Khambody Ly, tác giả cuốn sách về Khmer Đỏ bằng tiếng Anh, A History of Democratic Kampuchea. Tôi có nghe phỏng vấn Ly trên đài phát thanh quốc gia NPR ở Mỹ. Cuốn sách giúp Ly được biết đến trong giới nghiên cứu về Campuchia không phải vì những phát hiện học thuật của nó - thật ra cuốn sách được viết một cách rất tổng quát - mà vì Ly là người Campuchia đầu tiên viết sách về Khmer Đỏ bằng tiếng Anh. Ly nói đang cố gắng đưa cuốn sách, sau khi dịch lại ra tiếng Khmer, trở thành một phần của chương trình giáo khoa phổ thông. Rủ Ly ra ngoài uống café nhưng anh ta nói phải đi ngay xuống tỉnh với một nhóm sinh viên Mỹ. Ly rất trẻ, sinh năm 1981, không sống dưới thời Khmer Đỏ, và cũng không phải là người được đào tạo từ trường lớp phương Tây. Một thanh niên đáng nể.

Chia tay Ly, kêu ông xe ôm chở đến Đại học Nghệ thuật Hoàng gia. Trường này gần Trung tâm Tài liệu, nhưng hôm nay đi với ông xe ôm lù khù nên cẩn thận nhờ Ly ra ngoài nói với ông ta chỗ muốn đến. Ông nói OK, OK, vậy mà lại chở ra Đại học Hoàng gia Phnom Penh, nằm tuốt ngoài ngoại ô. Đường xa, nắng gắt, bụi mù trời, nói với ông xe ôm thôi quay về. Nhưng cũng nhờ vụ đi lạc này mà biết trên đường Russian có nhiều nhà thổ Việt Nam. Mấy cô gái vẻ gầy yếu phấn son lòe loẹt ngồi trước những căn nhà lợp tôn xập xệ vẫy vẫy khách qua đường giữa ban ngày.

Tối đi ăn ở một tiệm ăn Ấn Độ ngay trung tâm thành phố, cạnh tượng đài Độc lập. Sách hướng dẫn du lịch rất khen tiệm này, nói thỉnh thoảng những người trong hoàng gia cũng ra ăn ở đây. Tiệm trang trí thanh lịch, ấm cúng, ngoài hiên rộng có để mấy bàn. Toàn bộ khách là người nước ngoài. Tay thanh niên trẻ tuổi chở tôi đến quán, nói sẽ đợi, mặc dù tôi không yêu cầu. Tay này làm nghề dọn phòng trong khách sạn tôi ở, sau giờ làm việc thỉnh thoảng kiêm luôn chạy xe ôm và hướng dẫn du lịch nghiệp dư cho khách. Hắn rất dễ thương, ăn mặc sạch sẽ, xe mới, đi ngoài đường nhìn như một sinh viên. Lúc đầu có chiếc xe hơi đậu trước quán nên tôi không thấy tay thanh niên đang đợi, sau khách trong quán ra lái xe đi khỏi, mới thấy hắn đang ngồi bên kia đường. Tôi thật sự không muốn hắn phải đợi trong khi tôi đang ăn như vậy. Nhưng hắn muốn chở tôi đi vòng vòng kiếm thêm chút tiền. Những người bồi quá chậm, mất khoảng bốn mươi lăm phút để kêu đồ ăn và thêm hai mươi phút chỉ để tính tiền. Nhưng hình như chẳng ai sốt ruột, đây là một chổ ngồi dễ chịu vào buổi tối, và ở xứ này người ta có nhiều thời gian.

Ăn xong nói tay thanh niên chở đến đường 104 nơi có nhiều quán bar. Vào một quán nhỏ, đa phần khách có vẻ là dân làm việc hoặc lui tới Campuchia nhiều lần: điềm đạm, biết điều. Đến một thành phố lạ, đôi khi phải mất vài ngày mới tìm ra những chỗ như vậy, những chỗ không chặt chém kiểu một lần rồi thôi và nhất là không quá nhiều khách du lịch ồn ào. Uống nhiều bia hơn thường lệ, về nhà lúc gần một giờ sáng, người nôn nao.

Ngày…

Sáng nay đi với tay thanh niên chạy tuk tuk trước khách sạn đến Cánh đồng Chết cách trung tâm thành phố khoảng mười lăm cây số. Nơi này trước kia là vườn nhãn, giờ còn sót lại vài cây. Dưới thời Khmer Đỏ, đây là khu vực hành quyết tù nhân rồi vùi xác tại chỗ. Những hố chôn tập thể san sát nhau được khai quật phủ cỏ và xâm xấp nước mưa. Có hố chôn hơn bốn trăm phụ nữ và trẻ em trần truồng. Có hố đào lên toàn người cụt đầu. Phần lớn mỗi hố chôn hơn trăm mạng. Tù nhân từ Tuong Sleng và các nơi khác được chở đến đây trong đêm tối, bịt mắt, dẫn ra miệng hố, đập đầu bằng cuốc xẻng, gậy gộc, thậm chí cứa cổ bằng xống lá dừa nước, có khi chôn sống, sau đó rắc bột DDT để khử mùi, tránh gây nghi ngờ trong dân chúng xung quanh. DDT cũng có tác dụng kết thúc những kẻ bị thương còn ngắc ngoải. Trong vườn có một cây lớn nơi lính Khmer Đỏ quật đầu trẻ con vào trước khi ném xuống hố. Khi hành quyết, bọn đao phủ mở to loa phóng thanh treo trên cây phát những bài hát ca ngợi lãnh tụ anh minh và cuộc đời tươi đẹp, mục đích át tiếng kêu la của nạn nhân. Ngay cổng vào Cánh đồng Chết người ta xây một ngôi tháp lớn, bên trong chất hàng ngàn đầu lâu của nạn nhân. Một số quần áo của người chết cũng để trong tủ kính, bèo nhèo, tả tơi, thuần màu đen mốc. Những cái chết không chỉ đau đớn mà còn bần cùng.

Đây chỉ là một trong nhiều cánh đồng chết ở Campuchia, một số nơi người ta thôi không quật mộ tập thể lên nữa, vì chẳng biết phải làm gì với hàng chục ngàn bộ xương vô thừa nhận. Phần lớn nạn nhân của Khmer Đỏ đều bị giết cả gia đình, từ già đến trẻ sơ sinh, nhằm tiêu trừ hậu họa.

Ra khỏi Cánh đồng Chết, tay chạy tuk tuk chở đi thêm năm cây số đường lộ, rẽ vào một đường làng ngoằn ngoèo hai bên dày những bụi tre. Chúng tôi đến chỗ bắn súng. Giữa khu vườn rộng là ngôi nhà gạch đỏ, mái tôn, dưới chái hiên đặt những chiếc nghế nhựa quanh hai chiếc bàn thấp, trên tường treo năm bảy khẩu súng ngắn và tiểu liên. Vừa ngồi xuống bàn, chủ tiệm đem ngay ra "thực đơn" bọc nhựa ghi rõ giá biểu từng “món”:

Món đặc sản cao cấp là B40, một phát 200 USD, muốn bắn sẽ được chủ quán chở bằng xe gắn máy ra quả đồi gần đó.

Phòng bắn hẹp xây bằng gạch ống, trần nhà thấp treo chỉ một bóng điện tù mù, sàn đất nện vung vãi đầy vỏ đạn, cuối phòng chất đống vỏ xe hơi cũ dùng chắn đạn. Tay "huấn luyện viên" khoảng mười tám tuổi đưa tôi chiếc áo lính rằn ri cáu bẩn nồng nặc mùi mồ hôi, bảo khoác vào để súng giật đỡ đau vai. Hắn lắp đạn vào khẩu súng ngắn K54, vừa nói vừa huơ huơ súng loạn xạ. Súng cũ, tám viên thì hai viên kẹt đạn. AK47 cũng vậy, kẹt đạn ba lần. Đeo đồ bịt tại vẫn nghe tiếng cười nói và tiếng súng chát chúa của hai cô người Úc đang bắn ở phòng bên cạnh. Loại gạch ống nung dối chắc không chịu nổi đạn tiểu liên trong trường hợp hai cô vô ý quay súng sang bên này. Hồi học đại học ở Việt Nam, cuối năm thứ tư tất cả sinh viên bị lùa đi học quân sự mấy tuần nên tôi có biết tháo lắp và nhắm bắn AK. Học AK nhưng cuối cùng mỗi sinh viên chỉ được cho bắn ba phát súng bán tự động CKC. Đây là lần đầu tiên tôi biết cảm giác xả cả băng tiểu liên. Ra ngoài, chủ tiệm hỏi có muốn quăng lựu đạn không. Hỏi quăng ở đâu, chủ tiệm chỉ xuống ao ngay bên nhà, nơi một thanh niên trong gia đình đang ngồi rửa chén, nói quăng xuống đó. Tôi nói thôi thôi. Hai cô người Úc từ phòng bắn đi ra bắt tay chủ quán, ôm AK47 cười tít mắt chụp hình. Chỗ bắn súng, theo lời chủ quán, được thầu bởi quân đội để có thêm thu nhập dùng huấn luyện lính.

Ở đây mọi chuyện đều vui vẻ, không gặp rắc rối như hồi vào tiệm bắn súng ở Manila, Philippines. Lần đó nhân viên một nhà sách địa phương nơi tôi mua sách cho thư viện dẫn tôi đi chơi khu pháo đài cổ Intramuros. Xây bởi người Tây Ban Nha cách đây bốn trăm năm, Intramuros là một khu thành lũy phức hợp với tường dày kiên cố, nhà thờ đồ sộ, doanh trại và đường phố trải ra trên một diện tích rộng, du khách thường lấy xe ngựa mới đi hết. Xem xong khu Intramuros, tay đánh xe ngựa hỏi tôi có muốn bắn súng không. Tôi nghĩ có lẽ đây là một phần của tour du lịch pháo đài, chắc sẽ được bắn những cây súng cổ dài ngoẵng, nên chịu liền. Nhưng chiếc xe ngựa băng qua đường, đi vào một con hẻm rộng kiểu những con hẻm xe hơi ở Sài Gòn. Tôi thấy lạ, hỏi anh bạn đi cùng. Anh nói cũng không rõ. Dù sao lúc đó ban ngày nên chẳng có gì ngại, tôi thích thú vì có dịp đi vào một khu dân cư của Manila. Tôi hỏi tay đánh xe giá cả chỗ bắn súng thế nào. Hắn nói khoảng hai mươi peso một viên đạn, không mắc.

Tiệm bắn súng là một ngôi nhà tường sơn xanh nhìn bên ngoài không có gì đặc biệt so với những ngôi nhà trong hẻm. Vào trong, thấy một tủ kính bày rất nhiều súng ngắn, tiểu liên cả chục khẩu treo trên tường. Phòng bắn ngay cạnh phòng tiếp khách, ngang bốn thước, dài chỉ khoảng hai mươi thước. Chưa kịp yêu cầu, hai thanh niên phục vụ đã đặt xuống trước mặt tôi khẩu Uzi và ba băng đạn. Loại tiểu liên Do Thái này nổi tiếng bắn nhanh, trừ phi muốn đốt tiền tôi mới đụng đến nó. Cách phục vụ có vẻ ép khách này khiến tôi hơi mất hứng. Tôi nói tôi chỉ muốn thử súng ngắn. Cái nhìn của hai thanh niên lộ ác cảm ngay, nhưng rồi họ miễn cưỡng đem khẩu Uzi đi cất, đem vào một khẩu 22 ly nhỏ xíu. Tôi chỉ bắn khoảng mươi viên, đưa súng cho anh bạn người Phi, anh ta có vẻ không thích thú lắm nhưng cũng bắn hai phát, rồi nói thôi mình về. Ra quày tính tiền, tay chủ tiệm bảo tất cả tốn gần một trăm đô la. Anh bạn Phi nói lúc mới vào đã hỏi giá, sao bây giờ khác. Tay chủ tiệm nói đó là giá đạn, còn phải trả tiền thuê súng, đồ bịt tại, tiền bảo hiểm và tiền phục vụ gì đó nữa. Đúng là chúng tôi đã không hỏi kỹ nên mắc bẫy. Một tay thanh niên ra đóng cửa tiệm lại. Nhìn súng đạn đầy phòng và mặt mũi lừ đừ của mấy tay thanh niên, không khỏi ơn ớn. Anh bạn Phi cố giải thích, nhưng có vẻ cũng không được bình tĩnh. Tôi chỉ muốn đi ra khỏi cái nơi ngột ngạt mùi thuốc súng này. Tôi nói tôi đồng ý trả hơn giá ban đầu một chút, đôi co một hồi, mất khoảng bốn mươi đô. Ra khỏi tiệm, thấy hàng xóm bắc ghế ngồi nói chuyện trong hẻm rất thản nhiên như thể họ không hề lấy làm phiền về một tiệm bắn súng ngay sát vách. Lúc đó khoảng mười một giờ trưa, nắng rạng rỡ, và tôi có cảm giác vừa thức dậy từ một giấc mơ ngắn tồi tệ.

Ngày…

Chiều nay đi thăm Cung điện Hoàng gia Campuchia, vé vào cửa sáu đô la. Khuôn viên cung điện chiều ngang tám trăm mét, chiều sâu năm trăm, gồm nhiều tòa nhà rất đẹp. Chính điện bắt đầu được xây năm 1866 với sự hỗ trợ của người Pháp, sau xây thêm nhiều tòa nhà phụ, gồm nơi trình diễn múa, nhà khách, văn phòng, nhà chứa nhạc cụ và cũng là nơi để vua lên xuống voi. Những tòa nhà đồ sộ nhưng thanh nhã, mái ngói vàng gối lên nhau, đầu hồi gắn tượng rắn thần Naga mềm mại, tường và các cánh cửa chạm khắc hết sức chi tiết, sống động. Về kiến trúc và điêu khắc thì người Khmer là bậc thầy, có ảnh hưởng sâu rộng lên nghệ thuật của người Thái, Lào, và Chăm. Những công trình xây dựng của người Khmer nhìn vào nhận ra ngay nét đặc thù, không như của người Việt, khó phân biệt với đồ của Tàu, ngoại trừ đặc điểm nhỏ bé và sơ sài hơn.

Làm vua, dù ở một nước lạc hậu như Campuchia vẫn sướng, thậm chí sướng hơn ở những nước phát triển, vì tuy không có tài sản nhiều, vua ở những nước lạc hậu được dân chúng rất sùng mộ, tự do hưởng thụ theo ý thích. Vua Sihanouk chẳng hạn, là người thích làm phim, mấy chục năm qua ông làm vô số phim. Khoảng hai năm gần đây, cứ vài tháng ông lại gởi tặng thư viện trường tôi qua trung gian một giáo sư chuyên về Campuchia một tác phẩm điện ảnh mới của ông. Phim của Sihanouk, thành thật mà nói, là đỉnh cao của tính cải lương và vụng về. Trước 1975 ông làm một số phim dài, quay ngoại cảnh, tận dụng phương tiện thoải mái của một ông vua đương quyền, nhưng phim cũng rất tệ. Sau sống lưu vong, phim của ông chỉ còn là những câu chuyện dài mười lăm hai mươi phút, mở đầu và chấm dứt đột ngột, quay trong những căn phòng khách sạn với vài đồ đạc đơn điệu. Những diễn viên trong phim của Sihanouk ăn mặc cực kỳ trịnh trọng, comlê cà-vạt, đầm dài đầm ngắn, đi đứng e lệ, chớp mắt cung tay, nói năng uốn éo. Có vẻ họ là những người hầu của ông hơn là những diễn viên độc lập. Phim của Sihanouk màu mè đến nỗi đôi khi tôi tự hỏi phải chăng ông đang chơi trò anti-cinema nào đó, kiểu các thi sĩ “sành điệu” chơi trò anti-poetry. Nhưng nếu vậy, ông là người đã chơi quá liều, đến nỗi sẽ không bao giờ còn tỉnh dậy nổi để đi ra khỏi trò nghệ thuật đái dầm này.

Tất cả những phim gần đây của Sihanouk đều làm ở Bắc Hàn, nơi ông được cấp một biệt thự và lui tới nghỉ ngơi nhiều năm nay. Kim Young II cũng là người mê làm phim. Các lãnh tụ dở hơi sở dĩ có ảo tưởng mình là nghệ sĩ lớn như vậy vì họ được bao quanh bởi quá nhiều kẻ nịnh bợ mang danh trí thức.

Sau khi thăm cung điện, tôi đi loanh quanh mấy con phố làm hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch, mọi thứ xấu xí quá mức. Có lẽ những nghệ nhân giỏi của Campuchia đã bị Khmer Đỏ giết hết rồi. Một đất nước từng xây Angkor vĩ đại giờ đây chỉ còn những kẻ bắt chước vụng về.

Mua được vài cuốn sách bằng tiếng Anh về nghệ thuật Campuchia do viện Nghệ thuật và Văn hóa Reyum in, có một cuốn nói về nghệ thuật Campuchia những năm năm mươi và sáu mươi, mà họ gọi là nghệ thuật thời kỳ độc lập. Đây là lúc đất nước thanh bình, ảnh phương Tây vào nhiều, trường mỹ thuật được mở, đô thị được quy hoạch lại, nghệ sĩ hào hứng dựng kịch, làm phim, chơi nhạc rock. Giới nghệ sĩ của Campuchia tuy không đông bằng Việt Nam, dĩ nhiên, nhưng có lẽ họ tự tin về nghệ thuật truyền thống của mình hơn các nghệ sĩ Việt Nam. Thành tựu tri thức và nghệ thuật hiện đại của Campuchia đã bị Khmer Đỏ xóa sạch.

Những kẻ phá hoại sẽ luôn kết thúc như những kẻ phá hoại, mặc dù khởi đầu, bao giờ họ cũng nhân danh dựng xây cái mới.

7.2007-3.2009

© 2009 Phan Nhiên Hạo

© 2009 talawas

Phan Nhiên Hạo sinh 1967 tại Kontum, Việt Nam, sống ở Hoa Kỳ từ 1991. Học xong khoa Văn Đại học Sư phạm, TP HCM, 1989. Cử nhân văn chương Anh-Mỹ (1998) và cao học thư viện-thông tin (2000) tại University of California, Los Angeles (UCLA). Hiện làm việc trong một thư viện đại học ở Illinois và theo học cao học nhân chủng học văn hoá.

Tác phẩm Night, Fish, and Charlie Parker. Tuyển tập thơ song ngữ, Đinh Linh dịch. Dorset: Tupelo Press, 2006; Chế tạo thơ ca 99-04. Thơ. San Jose: NXB Văn, 2004; Thiên đường chuông giấy. Thơ. Garden Grove: NXB Tân Thư, 1998.

Một số thơ dịch ra tiếng Anh in trên các tạp chí Xconnet, Cutbank, MANOA, Filling Station, The Literary Review…, các tuyển tập: Of Vietnam Indentities in Dialogue, Three Vietnamese Poets.

Website http://www.haophan.net

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài