Cấn Vân KhánhHai truyện ngắn
Cấn Vân Khánh |
"Nhẹ nhàng và mong manh, dịu dàng và day dứt, những trang viết của Cấn Vân Khánh, là truyện, là tạp văn, ấp ủ một nỗi buồn trong trẻo, hoang sơ của một tâm hồn nữ, của một tâm hồn trẻ, nơi những con người thuộc một thế hệ hiện giờ đang được khoác lên mình cái áo hiện đại. Nhưng đọc một truyện như 'Phía sau khe cửa’ đã lại thấy nỗi lòng thăm thẳm muôn thuở của người đàn bà ở cây bút trẻ này. Trong khuôn khổ của một truyện ngắn, để nói được tối đa điều muốn nói bằng một số chữ tối thiểu có thể, tác giả đã dùng ba giọng kể, ba điểm nhìn, soi chiếu vào một sự việc, trong ba tâm trạng khác nhau của ba nhân vật. Đọc xong truyện ta thấy thương hơn những phận người, thương cho các nhân vật trong truyện, và thương chính ta hơn nữa..."
(Lời giới thiệu trên bìa 4, tuyển tập truyện ngắn Khi nào anh thuộc về em của Cấn Vân Khánh, Nhà sách Bách Việt và Nxb. Hội Nhà văn sắp ấn hành)
Phạm Xuân Nguyên
Cấn Vân Khánh
Hai truyện ngắn
Em có muốn tắm không? Phía sau khe cửa
Phía sau khe cửa
Tôi chuồi người ra khỏi vòng tay cứng cáp đang quàng chặt thân mình. Không chớp mắt, tôi nhìn ra khoảng sân mưa ngập trắng xóa qua ô cửa sổ bé buông hờ một nửa tấm rèm nhung đỏ như màu máu nơi phòng ngủ của ông. Hơi lạnh rùng lên từng đợt khiến tôi co mình, kéo chăn lên ngang bụng rồi lúc ấy phải giữ nguyên tư thế vì tôi chưa kịp nhỏm dậy thì ông đã vùi đầu vào.
Những sợi tóc bạc. Chúng nằm ngả ngớn lên nhau, hiếm hoi lắm mới thấy một sợi đen chen vào. Tôi nhớ mái tóc của bố tôi, sự liên tưởng tuyệt đối này khiến lòng tôi se thắt. Tôi không tin là, sau ngần ấy thời gian, ấn tượng về bố trong tôi chỉ là những sợi tóc bạc. Chúng khiến tôi đau đớn hơn những trận đòn dã man bố thường quất lên tôi và các em sau cơn say rời rã.
"Lũ khốn nạn!" Bố thường hực lên một tiếng chửi rồi mới giơ tay lên, ôi những vết lằn mỏng hằn sâu lên tuổi thơ không có mẹ.
Sau đó là những nếp nhăn.
Những nếp nhăn kéo dài từ khóe mắt, xuống cằm rồi kéo suốt dưới bụng thành lớp mỡ nhăn nheo chồng lên nhau. Nếu ông nằm quay qua tôi, co người với tư thế của một con tôm, thì tôi hay đưa tay chạm vào chúng với xúc cảm lạ kỳ như chưa bao giờ được nếm trải trong đời. Và mỗi khi ngón tay út của tôi nghịch ngợm, ông chỉ cười và không để tôi phải đợi chờ lâu hơn, ông hôn tôi chậm rãi, cẩn thận, từng chút một. Sự dịu dàng của ông có thể khiến tôi mềm người vào bất cứ lúc nào.
Tôi yêu ông, tuy không phải ngay từ giây phút đầu tiên khi tôi xuất hiện ở căn nhà hoang vắng rộng thênh thang này với bộ dạng lếch thếch và khốn khổ. Nhưng có thể tôi đã ấn tượng những nếp nhăn của ông, khi ông chào tôi bằng hai cánh tay dang rộng, tựa như nỗi cô đơn của ông sau bao nhiêu tháng ngày đè nén giờ mới có dịp sổ tung. Ông xa lánh cuộc đời bằng cách không chịu ngồi xe lăn. Với ông chỉ có ô cửa sổ nhìn ra đám mây mờ mịt trên không trung là khoảng rỗng duy nhất trong thế giới bưng bít của riêng mình. Tôi yêu những nếp nhăn của ông, cũng như tôi yêu nỗi cô đơn ấy, nỗi cô đơn quý phái và xa lạ mà tuổi thơ xám xịt vì đói nghèo cơ cực của tôi chưa bao giờ biết đến.
"Trời mưa thế này, chắc bà ấy không về..." "Vâng!" "Em đói bụng chưa? Tôi nghĩ em cần phải ăn một chút gì đó." "Vâng." "Em ngoan quá! Lại đây nào, cho tôi ôm em." Tôi lại gần ông, ông đưa tay rờ lên tóc tôi mềm mượt non tơ và óng ả, ông vuốt ve kỹ lưỡng tưởng như từng sợi một không thoát khỏi bàn tay sần sùi ấy, khiến tôi nghẹn lại, nín thinh. "Em có thể nằm lên tôi, thế, tôi thích như vậy lắm." Tôi leo lên ông, e dè đầy hổ thẹn. "Sao em lại quay đi, nhìn vào mắt tôi nào!" Tôi nhìn vào mắt ông, và lại thấy những nếp nhăn cũ kỹ. Tôi tập trung vào điểm nhấn đó, mắt mở to. Có lẽ tôi đã rất quyến rũ ông vào những khoảnh khắc thế này, hoặc ngược lại tôi bị ông quyến rũ, trong tư thế trần truồng. Đã quá lâu, rất lâu rồi, dưới bụng tôi, ông cứng cáp nhường nào, luôn luôn, không mệt mỏi và không thuyên giảm.
Nhưng tại sao ông không giải thoát cho tôi? Gần hai năm qua chưa bao giờ ông muốn? Hay ông cố tình không hiểu rằng cơ thể thiếu nữ của tôi đang khao khát ông với những cung bậc nổi trôi, cuồng loạn đầy hoang hoải? Tôi mịt mùng không lối thoát. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhớ đến công thức nấu ăn bà dạy tôi chiều qua...
<
Trong phút giây này, thế giới của tôi chỉ còn có em thôi, em từ một nơi xa xôi kỳ ảo mà ông trời đã ban tặng cho tôi, giữa tháng ngày dài đằng đẵng hoang lạnh và đau đớn xen lẫn nỗi sợ hãi triền miên, mê man mục nát trong tâm hồn già cỗi.
Cả cuộc đời lăn lộn vì vợ, vì con, đến cuối đời, sau một cơn tai biến, tôi chỉ còn chiếc giường làm bạn. Nó là vật vô tri, vô cảm cho dù tôi có úp mặt vào thành giường hay đập đầu lên nó, nó vẫn im lìm, nằm lù lù một chỗ. Còn bà ấy, nào có khác gì nhau? Mỗi lần đụng vào bà ấy, trong tôi chỉ còn dấy lên cảm giác gần như là ghê tởm, vì những ngón tay khô khốc, hay vì ánh mắt bà lạnh lẽo đầy thù hận, hay người đàn ông trong tôi đã chết dần theo chuỗi ngày cô đơn, khốn khổ vì đôi chân tàn phế không thể nào cử động và một trái tim thoi thóp yếu đuối. Có nhiều đêm, tôi không ngủ. Bà ấy cũng không ngủ. Tôi buông lơi cho ý nghĩ dọc ngang trôi nổi đến đâu thì đến, thậm chí có lúc cầu mong một là tôi, hai là bà ấy chết quách cho xong. Những cơn mộng mị của tôi sặc mùi nhang khói và buổi sớm tinh mơ, tôi nặng trịch bởi cánh tay bà, cánh tay phình to, bèo nhèo mỡ đè nghiến lên ngực mình. Tôi chỉ muốn gạt phăng đi, nhưng bực bội, tức tối đến tuyệt vọng khiến tôi xuội xuống, mắt nhắm nghiền để rồi lại chìm trong cơn mê mệt và uất ức. Bà ấy không có lỗi, chỉ cuộc đời có lỗi, chỉ cuộc đời đưa đẩy đến nông nỗi này đây, cái gọi là tình cảm vợ chồng ngày càng mối mọt hoen rỉ theo sự bào mòn của thời gian, khiến mọi cái trở nên khô ráo và cạn kiệt. Nhưng đời tôi. Một ngày kia. Đã có em.
Em xuất hiện bất ngờ khiến lòng tôi thảng thốt, tôi như chiếc lá vàng cuối mùa đang chờ ngày rụng xuống chợt thấy mình xanh lại. Em nấu nướng, giặt giũ, em bón cho tôi ăn, em nhìn tôi trìu mến, em hát cho tôi nghe, em bé bỏng dịu dàng, không hồn nhiên như mọi bé gái ngây thơ khác bởi tuổi thơ quê mùa thiếu thốn. Nhưng đôi mắt em thẳm sâu chất chứa đầy hoài niệm đã khiến cho cái tuổi năm mươi chín của tôi chết chìm trong đó.
Tôi, biết bao lần muốn dấn sâu hơn, nhưng đôi mắt em khiến tôi ngưng lại ở những vuốt ve âu yếm và chỉ thế thôi. Tôi muốn gìn giữ cho em sự trắng trong tinh khiết vì em là thiên thần đích thực. Dù cả hai chúng tôi đều chờ đợi lắm rồi điều gì đó ở phía trước, giống như một khoảnh khắc thiêng liêng chưa thể nào xâm phạm. Tôi tranh thủ từng giây từng phút được cùng em, sự ngọt ngào ngắn ngủi ấy đủ để tôi gặm nhấm suốt đêm dài lê thê bên cạnh người đàn bà già nua lạnh lẽo kia. Như hôm nay, khi chiều đã quá muộn màng. Chiếc váy hoa em tự tay tụt xuống tận đầu gối. Dường như em đã rất sẵn sàng, với tôi.
<
Xung quanh tôi là bóng tối...
Vì ngoài trời đã đen kịt lại từ lúc nào. Tôi rời rã, và họ, có lẽ cũng rời rã sau những cơn hoan lạc. Hoặc có thể là không, vì đối với một người đàn bà đã quá tuổi mãn kinh như tôi đây, chỉ cần động chân động tay chút thôi là các khớp xương giòn tan trong cơ thể sẽ trở nên nhức nhối.
Tôi tiếp tục nhìn qua khe cửa.
Ánh mắt tôi lạnh nhạt khi nhìn lên cái giường, tấm drap màu kẻ nâu, cái gối cũng màu nâu đầy bi thảm của tôi. Hàng ngày, khi tôi (hoặc là họ tưởng lầm) đi vắng, họ quần nát lên đó. Như hôm nay. Như bây giờ. Cái thân hình nảy nở của con bé chưa qua tuổi mười bảy đè nghiến lên ông ta, khuất lấp, chìm trôi, chỉ còn tiếng thở phì phò của ông ta vọng ra lẫn với tiếng thở gấp của con bé. Con ô sin khốn kiếp, đáng nguyền rủa nhất trên đời mà cách đây hai năm tôi đã tha về từ một trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để cưu mang, để rồi chẳng kịp dạy dỗ điều gì, bằng cách nào đó nó đã leo lên được cái giường của vợ chồng tôi, chồm hỗm thế kia. Và ông ta, chồng tôi, người đàn ông liệt giường liệt chiếu kia đã trở nên hăng hái như chưa bao giờ thế trong suốt mười năm sinh hoạt nói cười một chỗ.
Hàng đêm tôi vẫn nằm cạnh ông, vẫn đưa tay ra cho ông gối đầu, vẫn ôm hôn ông trong sầu muộn, chỉ để nhận về sự im lặng. Tôi đau đớn không kinh ngạc. Đôi khi nửa đêm, tôi ngồi dậy quan sát ông trong giấc ngủ, say sưa trước thân thể của ông, vì tôi chẳng bao giờ quên được những ân ái nồng say giữa chúng tôi. Dù quá lâu, rất lâu rồi, nhưng nó như những đường rãnh ăn mòn ăn mỏi vào tâm hồn tôi, người đàn bà dại dột đã hăng hái rước về một kẻ xa lạ ngang nhiên tước đoạt hết thiên chức, quyền uy của một người vợ.
Một là tôi sẽ đạp cửa xông vào, la hét loạn xạ, sẽ xỉa xói, nhục mạ, lột hết váy xống của con ranh con đĩ thõa kia tống cổ ra đường, thậm chí là tôi có thể giết chết hai kẻ sa đọa đàng điếm kia rồi đâm một nhát vào tim mình cho tan cửa nát nhà, cho kết cục đẫm máu. Hai là tôi sẽ tiếp tục đứng đây, như một tên ăn cắp, nhớn nhác sợ bị bắt quả tang đang rình mò bí mật của người khác nhưng chính vì thế lại tràn đầy khoái cảm, thỏa mãn và đau đớn khi không bị ai phát hiện. Nhưng rồi, sau cùng, tôi lại kéo dài tình thế, để làm gì thì tôi chưa biết được. Hay tôi đã chai lì và bệnh hoạn theo họ mất rồi?
Con bé đang thì thào gì đó vào tai ông ta, nó ghé miệng day nhẹ những sợi râu lưa thưa ở trên cằm khiến ông ta ghì sát với một quyết tâm lớn. À thì ra là sắp sửa. Con bé tì sát vào ngực ông ta, chỏm tóc hoe vàng rung nhè nhẹ khi ông ta ra sức ưỡn cái bụng nặng nề của mình lên. Một tiếng kêu nghèn nghẹt phát ra từ cổ họng con bé, nghe như tiếng mèo kêu và sau đó, tôi nhìn thấy chồng tôi sau cái rướn mình lần thứ hai bỗng đổ gập xuống, như một tàu lá chuối sau cơn bão. Mắt ông ta trợn ngược, tay vồ lên ngực trái. Con bé cuống cuồng vật ông ta ra, tru tréo, lần này không phải là tiếng mèo kêu, mà tôi nghe thảm thương như tiếng chó con lạc mẹ.
Ông ta bất động.
Lạ thay. Tôi ngật đầu quay bước. Những bước chân nhẹ tênh, vô cảm không hoảng hốt. Sau lưng tôi hai cánh cửa tự nhiên khép lại bởi một cơn gió lùa qua khe. Như cơn chấn động nhỏ, khi có một người từ giã mà đi.
Nguồn: Rút từ tập truyện ngắn Khi nào anh thuộc về em của Cấn Vân Khánh, Công ty sách Bách Việt và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản (sách sắp phát hành trong tháng 6.2007)
Em có muốn tắm không? Phía sau khe cửa
Cấn Vân Khánh sinh năm 1979 ở Hà Tây. Từng đoạt gải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh về truyện ngắn năm 1998 của báo Tiền phong. Hiện sống ở Hà Nội và cộng tác với các báo VietNamNet, Tiền phong, Người lao động, Thanh niên...
Blog của Cấn Vân Khánh: http://360.yahoo.com/canvankhanh
Tác phẩm Cấn Vân Khánh đã xuất bản hai tập truyện riêng: Chàng hề của em (Nxb. Trẻ, 1998), Hạnh phúc mơ hồ (Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006) và có tác phẩm in trong tập truyện Vũ điệu thân gầy của 12 tác giả nữ, Nxb. Trẻ, 2007.