talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 22.01.2006

Nguyễn Nguyên PhướcTruyện ngắn

Babu-sanThuyết tiến hóa ngượcChúng ta là những chàng trai rẻ tiền
Nguyen Nguyen Phuoc
Nhà văn
Nguyễn Nguyên Phước

Ngay từ lần công bố truyện ngắn đầu tay (“Tâm trạng khi điên”, eVăn, 4.9.2004), Nguyễn Nguyên Phước đã gây được sự chú ý đặc biệt nhờ vào phong cách dựng truyện hấp dẫn và một lối văn kể lạnh lùng.

talawas chủ nhật kì 3 xin giới thiệu truyện ngắn “Babu-san”, một sáng tạo mới của Nguyễn Nguyên Phước cùng hai truyện ngắn khác của anh: “Thuyết tiến hóa ngược” và “Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền”. talawas chủ nhật

 

Nguyễn Nguyên Phước

Thuyết tiến hóa ngược

 

Ngày mai, tôi có một bài thi vấn đáp vào lúc chín giờ sáng. Chắc chắn đây là một bài thi khó khăn, mười giáo sư sẽ hỏi tôi. Những câu hỏi của họ, theo như cảnh báo của thầy tôi, hoàn toàn không thể đoán trước được. Bây giờ là chín giờ tối, còn mười hai tiếng đồng hồ nữa; tôi chẳng biết nên làm gì. Đằng nào mọi sự chuẩn bị cũng chỉ là vô ích, bởi những câu hỏi của các vị giám khảo sẽ đến theo cách bất ngờ nhất, không ai lường trước được.

Môn học của chúng tôi có lẽ trên thế giới không nơi nào có. Tên của nó rất đặc biệt: hybrid. Tất nhiên là không có textbook; đã rất nhiều lần tôi dùng google hy vọng sẽ tìm được một trường đại học nào đó dạy cái course dở hơi này nhưng hoàn toàn vô vọng. Môn “hybrid” do mười ông giáo trong trường dạy. Mỗi ông dạy một buổi. Mười ông mười chuyên ngành, chẳng liên quan gì đến nhau. Buổi đầu tiên, chúng tôi học Khoa học vật liệu. Buổi thứ hai, Khoa học máy tính. Buổi thứ ba, Sinh học phân tử. Buổi thứ tư, Vật lý lý thuyết. Buổi thứ năm, Sự hình thành các nền văn minh. Buổi thứ sáu, Hóa học phân tử. Buổi thứ bảy, Lịch sử những học thuyết kinh tế. Buổi thứ tám, Toán học cao cấp. Buổi thứ chín, Công nghệ nano. Buổi thứ mười, Thuyết tiến hóa ngược.

Buổi đầu tiên, thầy giáo của tôi dạy. Thầy tôi là một người kỳ quặc. Ông luôn thể hiện mong muốn làm những điều đặc biệt. “Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta giống như những người khác. Chúng ta sinh ra là những kẻ duy nhất trên thế giới này và cuộc đời chúng ta phải thể hiện sự duy nhất đó.” Ông thường nói vậy và kết luận. “Nếu chúng ta không thể hiện được sự duy nhất đó, chúng ta hoàn toàn chẳng có lý do gì để tồn tại”. Môn “hybrid” do ông đề xuất. Lý do của đề xuất đó chắc cũng có phần nào liên quan đến cái philosophy kỳ cục trên.

“Các bạn có mặt ở đây hôm nay để học một môn học đặc biệt mà có lẽ ngoài trường ta chẳng có nơi nào trên thế giới có.” Ông mở đầu một cách trịnh trọng. “Môn học này là tổng hợp của mười chuyên ngành khác nhau. Các buổi học sẽ độc lập với nhau nhưng chúng đều nằm trong một tổng thể. Thế giới này là một tổng thể trong đó mỗi cá thể nhìn bề ngoài có vẻ như tồn tại độc lập nhưng thực chất chúng có những mối liên hệ vô hình mà thông thường chúng ta hay bỏ qua. Mục đích của môn học này là nhằm cung cấp cho các bạn một cái nhìn toàn diện về các cá thể để từ đó các bạn sẽ tìm ra được mối liên hệ giữa chúng. Những mối liên hệ này hoàn toàn bí mật. Không có đáp án. Bản thân tôi, người đề xuất môn học này, cũng hoàn toàn không biết gì về những mối liên hệ ấy.”

“Vậy làm thế nào để đánh giá trình độ của học viên” – cậu sinh viên người Nhật nhuộm tóc vàng hoe thắc mắc – “khi chúng ta không có một đáp án rõ ràng.” Thầy tôi mỉm cười. Ông luôn mỉm cười trước những câu hỏi, đó gần như là một thói quen bắt buộc đối với ông mà dần dần chúng tôi bị ảnh hưởng; chúng tôi luôn cố gắng mỉm cười trước những câu hỏi, mặc dù rõ ràng cái sự mỉm cười của chúng tôi, cũng giống như của thầy tôi, thường chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.

“Chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên sự hài lòng của các giáo sư đối với thái độ tiếp nhận của các bạn.” Ông nói với vẻ bí hiểm không che đậy. “Sự hài lòng, đương nhiên, chỉ là một trong những tiêu chí, song nó là tiêu chí quan trọng nhất.”

Rồi ông bắt đầu bài giảng. Cả lớp học có lẽ chỉ có mình tôi hiểu điều ông đang nói, những đứa còn lại học chuyên ngành khác hẳn là không thể hiểu được những kiến thức thuộc một ngành hẹp, hay nói đúng hơn nó chỉ đơn thuần là một đề tài nghiên cứu của ông. Ông còn biết nói gì hơn nữa; nhiều năm nay, ông chỉ nghiên cứu vấn đề này và ngoài nó ra ông chẳng quan tâm đến những cái khác. Cứ thế, ông nói mãi về một đề tài, có lẽ định hy vọng rằng từ đó chúng tôi sẽ khái quát được vấn đề. Khoảng mười lăm phút sau khi bài giảng bắt đầu, trừ tôi ra tất cả sinh viên trong lớp đều ngủ gật. Tựa lưng vào thành ghế tạo thành một tư thế chắc chắn, cằm tỳ vào ngực, bọn chúng say sưa ngủ.

Buổi học thứ hai thì đến lượt tôi ngủ. Lúc đầu tôi nhìn chằm chằm vào ông giáo sư, cố gắng nghĩ xem ông ta đang nói gì nhưng chỉ được một lát rồi tôi bỏ cuộc. Bài giảng của ông chậm rãi, đều đều như bản tin CNN; tôi lim dim mắt và ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mơ, tôi thấy mình dự đám cưới cô bạn gái học hồi cấp hai. Cô mặc váy trắng, trùm khăn voan trắng, đi giày trắng và khuôn mặt đánh phấn trắng bệch giống như một con bù nhìn. Đi bên cạnh cô, chú rể mặc toàn đồ đen, màu đen nhiều đến mức nó lấn át toàn bộ màu sắc khác trên người anh ta khiến tôi không thể nhìn rõ mặt. Cô dâu mỉm cười nhìn tôi.

Khi chuông đồng hồ kết thúc giờ học vang lên, tôi tỉnh giấc và chỉ còn nhớ được giấc mơ đến chi tiết cô dâu mỉm cười. Và đến lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng trên thực tế bạn tôi đã chết vì tai nạn giao thông năm mười lăm tuổi. Khuôn mặt bạn bị biến dạng đến mức người ta phải phủ lên nó một mảnh vải trắng; nhìn qua nắp kính quan tài, tôi thậm chí không thể hình dung ra khuôn mặt trước kia. Nó vĩnh viễn mất đi trong ký ức của tôi kể từ đó. Buổi học thứ ba, tôi tiếp tục giấc mơ về cô bạn học, chỉ có điều lúc này trong giấc mơ tôi đủ tỉnh táo để biết rằng đây là một giấc mơ và rằng thực tế bạn tôi đã chết từ mười lăm năm trước; tôi bắt buộc phải mơ, giống như trong một đường hầm không lối thoát người ta bắt buộc phải đi dẫu biết rằng đó là một việc không có kết quả. Trong giấc mơ lần này, bạn tôi sinh con, một bé trai kháu khỉnh. Thằng bé khóc ré lên khi tôi bế nó. Tôi đành phải đặt nó xuống và hốt hoảng nhận ra trên lưng nó có một vết chàm in hình bàn tay của tôi. Được một lúc, tôi trấn tĩnh lại và tự nhủ: “Không việc gì phải sợ cả.” Đây chẳng qua chỉ là một giấc mơ, cô bạn tôi đã chết từ năm mười lăm tuổi, do đó cô ta không thể lấy chồng và đương nhiên cũng chẳng thể có con. Từ những suy luận có tính logic như vậy, tôi kết luận rằng vết chàm trên lưng thằng bé là không có thật bởi bản thân thằng bé chẳng hề tồn tại.

Những buổi học tiếp theo, giấc mơ cứ ngắn lại hay nói đúng hơn là ký ức của tôi về giấc mơ bị ngắn lại và kể từ buổi học thứ sáu trở đi, khi tỉnh dậy tôi không thể biết được giấc ngủ vừa qua tôi có mơ hay không. Và cũng kể từ buổi thứ sáu trở đi, tôi không còn phân biệt được sự khác nhau giữa những buổi học. Buổi học thứ sáu, thứ bảy, thứ tám và thứ chín giống hệt nhau, tôi ngồi xuống ghế, lim dim mắt và ngủ. Những giấc ngủ giống hệt nhau, bởi chúng không có những giấc mơ đi kèm. Buổi học thứ mười thì tôi hoàn toàn tỉnh táo, có thể là do cái ý nghĩ đây là buổi học cuối cùng và nó hẳn phải quan trọng hơn những buổi học khác, mà cũng có thể là do cách giảng bài của ông giáo dậy môn này. Đó là một ông già bé nhỏ, trán hói, mắt híp, lông mày rậm và dài; ông có nụ cười khô khốc. Ông nói rằng ông hoàn toàn không biết gì về môn này, người ta đã ép ông phải dậy nó, họ thậm chí chẳng quan tâm đến chuyên ngành của ông. Rồi ông kể về thời kỳ gian khổ ông dạy học trên Tokyo. Ông kể ông đã mệt mỏi như thế nào trong lúc ngồi đợi người ta cất nhắc ông lên full professor. Ông kể đời sống ở Tokyo trong những năm ấy khó khăn ra sao. Ông kể về căn phòng hẹp nơi vợ chồng ông và hai đứa con ở, mỗi khi có khách, mọi người, cả chủ nhà lẫn khách, đều cảm thấy lúng túng. Ông kể về những buổi chiều ngồi trên tầu điện ngầm, ông cố nhớ tên một người bạn cùng lớp đại học nhưng không sao nhớ nổi. Cứ như thế, ông kể lan man những câu chuyện dây cà dây muống, những câu chuyện chẳng có đầu mà cũng chẳng có đuôi; chúng nối tiếp nhau bằng những liên hệ rối rắm. Buổi học kết thúc và chúng tôi quên không hỏi ông thuyết tiến hóa ngược là gì. Mà có khi, ông cũng chẳng biết.

Lúc này là mười một giờ, đã hai tiếng trôi qua. Tôi xem tivi nhưng không sao tập trung để có thể nghe trọn một bản tin. Có lẽ do tôi quá lo lắng về bài thi ngày mai? Tương lai của tôi phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bài thi này, thầy giáo tôi nói vậy nhưng ông không cho biết cụ thể. Ông chỉ mập mờ nói rằng người ta sẽ không đánh giá khả năng của tôi dựa trên một bài thi nhưng bài thi này lại quan trọng đối với tôi. Cảm giác lo lắng mỗi lúc một rõ rệt khiến tôi cảm thấy khó chịu đến mức tôi đành phải tắt tivi, lên giường nằm.

Nằm mãi không ngủ được, tôi nghĩ về môn Thuyết tiến hóa ngược. Không hiểu ai nghĩ ra cái tên đó. Không lẽ lại là thầy tôi? Liệu khi đặt cái tên như vậy, ông có nghĩ đến một bằng chứng xác thực nào cho cái lý thuyết tưởng tượng ấy không hay chỉ đơn thuần bằng trực giác ông tin rằng có sự tồn tại những quá trình vận động ngược khiến cho mọi vật trở lại cái thuộc về bản thân nó trước kia. Ngày trước, ông ngoại tôi cũng có kể một câu chuyện, chẳng biết có thật hay không, nhưng nếu xem xét một cách kỹ lưỡng thì nó có thể là một chứng tích của quá trình tiến hóa ngược.

Ông tôi kể rằng khoảng bảy mươi năm về trước, làng chúng tôi đang ở hiện nay nằm cạnh một khu rừng. Để đi chợ người ta phải băng qua khu rừng, nơi cây cối khá rậm rạp, có khá nhiều rắn rết và thú dữ; thậm chí người ta còn đồn rằng có một bọn thảo khấu ẩn nấp trong khu rừng nhưng hành tung của bọn chúng khá bí mật. Hồi đó, ở làng có một thiếu phụ đi qua khu rừng vào lúc nhập nhoạng tối và bị một bầy khỉ cưỡng hiếp – theo lời kể của thiếu phụ thì những kẻ cưỡng hiếp bà có vẻ là bầy khỉ hơn là bọn cướp; tuy nhiên do trời nhập nhoạng tối nên khó có thể khẳng định một cách chắc chắn. Sau đó, người thiếu phụ mang bầu và vấn đề trở nên phức tạp trong việc xác định ai là cha của đứa trẻ trong bụng bà vì tối hôm trước bà đã ngủ với chồng. Thiếu phụ sinh đôi, một đứa chết ngay từ lúc lọt lòng, người nó toàn lông lá có phần giống khỉ, chi tiết này khiến cho lời kể bà ta bị khỉ hiếp có phần thuyết phục hơn; một đứa thì khỏe mạnh. Đứa trẻ ấy phát triển bình thường nhưng khuôn mặt của nó luôn ẩn chứa nét u buồn như thể đang tìm kiếm một cái gì đó đã mất. Nó không có bạn bè và luôn tìm cách xa lánh mọi người. Năm hai mươi tuổi, nó chết. Đầu tiên, nó sốt cao, mặt đỏ bừng, da mọc vẩy, rồi tróc ra, sau đó mọc đầy lông; chân ngắn lại, tay dài ra. Đến lúc tắt thở thì nó hoàn toàn giống một con khỉ. Người ta phải phủ vải trắng khắp người nó để che lông, chỉ chừa lại hai cái lỗ để có thể nhìn thấy hai mắt nó đã nhắm nghiền và từ đó họ có thể phân biệt được đâu là đầu, đâu là chân để đặt vào quan tài cho đúng. Câu chuyện này, chẳng biết có thật hay không, được ông tôi kể lại một cách say mê như thể ông là người chứng kiến toàn bộ sự kiện kể từ lúc người đàn bà bị đàn khỉ hiếp cho đến khi gã thanh niên hai mươi tuổi qua đời.

Tôi nằm trên giường trong bóng tối, thấy thoải mái hơn dù rằng cảm giác lo lắng vẫn còn nguyên vẹn. Căn phòng này mang cho tôi cảm giác an toàn, luôn luôn là như vậy. Ở trường, tôi thường ở trong một tư thế sợ hãi rằng thầy tôi có thể đột nhiên đòi gặp tôi rồi đưa ra một yêu cầu vượt quá khả năng của tôi hoặc chỉ trích tôi đã không tuân thủ những nguyên tắc của ông, những nguyên tắc mà trong nhiều tình huống chúng hoàn toàn không thể tuân thủ được. Hơn nữa, ở đây tôi luôn cảm giác tự do cá nhân của tôi bị vi phạm nghiêm trọng, dường như ai đó đang rình mò tôi. Mọi hành vi, cử chỉ của tôi ở trường, nếu không để ý cẩn thận, sẽ gây bất lợi cho công việc, cho tương lai của tôi. Trong khi đó, ở căn phòng của ký túc xá, không ai làm phiền tôi. Tôi thường hay tắt đèn, nằm yên trên giường trong căn phòng tối om và cố gắng không suy nghĩ gì cả. Thực ra chẳng bao giờ tôi đạt được trạng thái không-suy-nghĩ-gì-cả nhưng dù sao nằm yên trên giường, cố gắng tự an ủi rằng ngày mai muốn ra sao thì ra cũng khiến tôi dễ chịu hơn. Từ hồi sang đây, thời khắc hạnh phúc nhất luôn là thời điểm trước khi lên giường đi ngủ. Trước khi đi ngủ, tôi thường cố gắng không nghĩ về tương lai, những ý nghĩ như vậy thường làm cho người ta hoặc phấn khích hoặc mệt mỏi dẫn đến chứng mất ngủ. Nhưng không thể không nghĩ ngợi gì; bởi thế, tôi thường nghĩ về quá khứ; bởi nó không thể thay đổi được nên nó mang lại cảm giác an toàn. Tôi bật điều hòa, tắt đèn, đóng kín phòng, kéo rèm thật kỹ để không môt tia sáng dù là nhỏ nhất có thể lọt vào, rồi đông cũng như hè, trùm kín chăn qua đầu cho đến khi cảm thấy bóng tối hoàn toàn tràn ngập không gian xung quanh, tôi mới từ từ mở chăn ra. Cảm giác dễ chịu bao trùm trong tôi sẽ kéo dài cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ, tôi hay gặp ác mộng. Những cơn ác mộng không kéo dài hoặc cũng có thể chúng kéo dài nhưng tôi không nhớ nổi. Chẳng hạn, có lần tôi mơ rơi xuống một cái giếng và gặp một chuyện khủng khiếp nhưng cụ thể chuyện khủng khiếp ấy là chuyện gì thì tôi không nhớ, chỉ biết rằng nó rất kinh hoàng, kinh hoàng đến mức dù không nhớ được những chi tiết, tôi vẫn nhớ được rằng trong giấc mơ mồ hồi ướt đầm trên mặt. Hay một lần khác tôi mơ thấy mình trở về những năm học cấp ba, bạn bè vẫn thế nhưng thầy giáo tôi lại là ông thầy hiện nay ở Nhật; tôi không nhớ rõ trong giấc mơ, tôi đã phạm một sai lầm gì đó và ông đã đuổi tôi ra khỏi trường. Cứ như vậy, những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên, không thể kiểm soát, không thể đoán trước; chúng khiến toàn thân tôi cứng nhắc như bị cùm.

Tôi không biết mình ngủ lúc mấy giờ, có lẽ lúc hai giờ sáng. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sáng. Tôi nhìn đồng hồ, mười giờ kém hai mươi. Bài thi đã bắt đầu cách đây bốn mươi phút. Đã quá muộn. Tối hôm qua, tôi quên đặt chuông đồng hồ. “Đằng nào cũng không thể thay đổi được nữa rồi. Chẳng việc gì phải vội vã.” – tôi thầm nghĩ và bật máy tính check mail như mọi ngày. Trong lúc chờ đợi máy tính khởi động, tôi ngồi suy tính cách đối phó với thầy tôi. Tôi không thể nói rằng tôi không dự thi là do ngủ dậy muộn. Cách tốt nhất bây giờ là giả vờ ốm. Tôi sẽ giả vờ mắc một chứng bệnh gì đó. Người ta không thấy tôi lên lab làm việc. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày. Họ sẽ mò vào phòng tôi và thấy tôi nằm liệt giường. Họ sẽ đưa tôi đi bệnh viện. Họ sẽ bày tỏ sự thương cảm đối với tôi. Sẽ chẳng còn ai quan tâm đến việc tôi vắng mặt trong buổi thi. Một kế hoạch hoàn hảo. Bị ốm là một cái cớ tốt. Không ai có thể khiển trách tôi chỉ vì tôi bị ốm.

Cảm thấy phấn chấn, tôi mở hộp thư ra và kinh ngạc vì nhận được một cái mail đề ngày nhận là ngày mai. Nhìn lại trên máy tính, tôi càng ngạc nhiên hơn vì ngày thi thực tế đã diễn ra hai ngày trước đây. Thời gian theo ghi nhận của tôi hóa ra đã bị chậm mất hai ngày. Vấn đề là nó bắt đầu bị chậm từ bao giờ? Từ khi nào trong ý thức của tôi, ngày mai hóa ra lại là ngày hôm qua? Chắc hẳn nó mới xảy ra gần đây vì cách đây sáu tháng, tôi mới dự một hội nghị; trong hội nghị đó, tôi đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình vào đúng thời điểm được ấn định sẵn. Như vậy, tại thời điểm diễn ra hội nghị, cách đây sáu tháng, thời gian trong ý thức của tôi trùng với thời gian thực. Sau hội nghị, tôi về nhà và bắt đầu làm việc như bình thường và trong khoảng thời gian đó, có một lúc nào đó ý thức của tôi đã quên mất hai ngày trôi qua.

“Tốt nhất, nên bắt đầu từ ngày hôm qua” – tôi tự nhủ – “nếu không mình sẽ bị rối trí.” Đầu tiên, hãy giả thiết rằng giấc ngủ của tôi không thể kéo dài đến hai ngày. Điều này hoàn toàn hợp lý. Làm gì có ai ngủ đến bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nhất là trong suốt bốn mươi tám tiếng đó lại không cảm thấy đói. Bây giờ tôi chỉ thấy hơi đói, mà cái đấy là hiển nhiên vì sáng nào tỉnh dậy tôi cũng cảm thấy hơi đói. Nếu tôi nhịn bốn mươi tám tiếng đồng hồ thì có lẽ lúc này tôi đã lả người vì đói mất rồi. Vậy hãy bắt đầu từ sự kiện gần đây nhất. Đầu tiên là giấc ngủ. Trước khi đi ngủ, tôi nghĩ về thuyết tiến hóa ngược và câu chuyện ông ngoại tôi kể ngày trước. Rồi trước đó, tôi không ngủ được; tôi nằm trên giường. Trước khi nằm trên giường, tôi xem tivi. Rồi gì nữa nhỉ? Trước khi xem tivi, tôi đã làm gì? Có thể, tôi đã ăn cơm. Chắc vậy. Vì ngày nào tôi cũng xem tivi sau khi ăn tối. Có lẽ tối qua cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi ăn cơm, hẳn tôi phải nấu ăn. Ngày hôm qua, hình như tôi xào mực vì tôi nhớ là sau khi nấu ăn xong tôi phải rửa tay bằng xà phòng cho hết mùi tanh. Mùi tanh cũng có thể từ món cá, nhưng nếu như tôi ăn cá, thì bây giờ trong thùng rác hẳn phải có xương; tôi đã kiểm tra thùng rác và chẳng thấy gì. Vậy là tôi không ăn cá, mà ăn mực. Trước khi ăn tối, tôi xào mực. Trước khi nấu ăn, tôi đã làm gì nhỉ? Có lẽ, trước khi về nhà nấu ăn, tôi đã làm việc trên lab. Thường tôi kết thúc công việc lúc bảy rưỡi tối, sau đó tôi về nhà. Tôi sẽ mở tủ lạnh lấy một phần đồ ăn trong ngăn đá cho vào lò vi sóng; ngăn đá là nơi chứa thức ăn dự trữ cho cả tuần mà tôi thường mua vào ngày chủ nhật. Phải, ngày nào tôi cũng làm như thế, không có ngoại lệ. Ngày hôm qua chắc cũng vậy. Vậy là hôm qua, tôi làm việc trên lab cả ngày. Rồi kết thúc lúc bảy rưỡi. Rồi về nhà nấu ăn. Rồi ăn cơm. Rồi xem tivi. Rồi lên giường. Rồi nghĩ về thuyết tiến hóa ngược. Rồi đi ngủ. Vậy tôi đã làm gì ở lab? Tôi làm việc, tất nhiên. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi làm việc. Thường tôi bắt đầu lúc tám giờ sáng. Hôm qua, chắc cũng thế. Không thể muộn hơn. Vậy thì trước tám giờ ngày hôm qua, tôi đã làm gì? Chắc tôi check mail. Khi ngủ dậy, đầu tiên tôi sẽ đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, rồi check mail. Phải, tôi check mail. Như vậy, nếu hôm qua, có ai gửi mail cho tôi và tôi xem ngày thì tôi sẽ biết là mình bị chậm mất hai ngày. Nhưng vấn đề là gần một tháng nay chẳng ai gửi mail cho tôi, mà hơn nữa, nếu họ có gửi thì tôi cũng chẳng để ý đến ngày ghi trên cột Received của chương trình Outlook. Như vậy là những sự kiện ngày hôm qua chẳng mang lại một thông tin khả dĩ nào để từ đó tôi có thể dò được thời điểm mà ý thức về thời gian của tôi không còn chính xác nữa. Mà ngày hôm kia cũng vậy vì ngày hôm kia, xét cho cùng, cũng chẳng khác gì ngày hôm qua. Nhưng ngày hôm kia lại là ngày thi. Vậy thì trong ngày thi đó, tôi đã làm gì? Mọi ngày tôi vẫn làm việc. Nếu hôm nào có buổi thi, tôi sẽ vắng mặt trong thời gian thi. Vấn đề là ở chỗ ngày hôm kia, tôi có đi thi hay không? Thực sự, tôi không nhớ vì nếu nhớ thì tôi đã không nhầm ngày thi là ngày hôm nay. Như vậy, có thể kết luận là tôi đã không đi thi. Nhưng kết luận như vậy kể ra cũng hơi vội vã và có phần vô lý, bởi nếu ngày hôm kia, tôi không đi thi thì thầy tôi sẽ phát hiện ra và ông sẽ khiển trách tôi. Nhưng biết đâu ông lại cố tình im lặng trước lỗi lầm của tôi, ghi nhớ nó để rồi đến một ngày nào đó không xa, mặc dù tôi chẳng biết cái ngày đó là ngày nào và liệu nó có tới hay không nhưng nói chung thầy tôi chẳng bao giờ quên những lỗi lầm của tôi, ông sẽ gợi lại chuyện cũ như một lời đe dọa. Bây giờ có lẽ chỉ có thầy tôi mới thực sự biết tôi có thi hay không. Không lẽ lại hỏi ông? Nếu hỏi vậy, ông sẽ có ấn tượng rất không tốt về tôi. Làm sao có thể có ấn tượng tốt với một sinh viên thậm chí không nhớ nổi mình có đi thi hay không. Không, tôi không thể hỏi ông. Vậy làm thế nào để biết được thực sự tôi đã dự thi hay không? Có lẽ nên chờ kết quả thi. Nếu tôi không dự thi, tôi sẽ không có điểm. Mà không, điều này cũng không khả thi. Kể từ đầu học kỳ, theo quyết định của ông hiệu trưởng mới, mọi kết quả thi của sinh viên, bất kể trượt hay đỗ, đều được giữ bí mật.

Nagoya 09/2005

© 2006 talawas

Nguyễn Nguyên Phước sinh năm 1976 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học (chuyên ngành Điện tử-Viễn thông) và Cao học (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện làm Nghiên cứu sinh (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Học viện Công nghệ Toyota (Toyota Technological Institute), Nagoya, Nhật Bản.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài