talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 26.10.2008


Đào HiếuVề đâu?


Dao Hieu
Đào Hiếu

Đào Hiếu

Về đâu?

Tiểu thuyết

Mục lục

Chương 1: Hello, ông nội
Chương 2: Người lính già trên đồng bưng
Chương 3: Một ông già, một con chó
Chương 4: Vương gia và người dẫn đường
Chương 5: Sự cám dỗ của quyền lực
Chương 6: Đứa con rơi của vương gia
Chương 7: Cô nữ sinh mười hai tuổi
Chương 8: Mạt lộ
Chương 9: Cây trúc mảnh mai của miền Tây
Chương 10: Ông chủ Nhật Bản
Chương 11: Ba phân cảnh ngắn
Chương 12: Bước ngoặt
Chương 13: Những cánh diều
Chương 14: Sinh nhật của lão già
Chương 15: Quà tặng cho Akinari
Chương 16: Săng-ta
Chương 17: Bóng tối và sự im lặng
Chương 18: Hai anh em
Chương 19: Giám đốc Minh và Akinari
Chương 20: Kết thúc vụ săng-ta
Chương 21: Cha, mẹ và con trai
Chương 22: Những đứa trẻ khóc
Chương 23: Buổi sáng trong vườn hoa
Chương 24: Trúc nằm trên võng
Chương 25: Akinari trở về Nhật
Chương 26: Tiếng gọi trên bến sông
Chương 27: Trở lại phồn hoa
Chương 28: Mặt đất đã thay đổi
Chương 29: Truyền giống
Chương 30: Lễ mừng thọ của vương gia
Chương 31: Ba ông già trên cù lao


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31


 

16. Săng-ta


Cú điện thoại nặc danh bao giờ cũng báo hiệu một điềm gở. Có lẽ nó đã đến.

Khi nghe người trực điện thoại báo tin là có người đã gọi cho bà, Thu làm như không để ý, nhưng bà hiểu nó đang đến.

Thu mở điện thoại di động và đợi. Quả nhiên chừng hai mươi phút sau thì có chuông.

“Sao khóa điện thoại?”

“Có khóa đâu. Đang sạc pin.”

Thu trốn vô toa-lét. Giọng thằng Lai lại vang lên:

“Cả tuần nay bà lẩn tránh tôi?”

“Việc gì phải trốn. Nhưng Lai ơi, để cho Thu làm việc đi. Đã bảo đừng bao giờ gọi điện đến cơ quan mà.”

“Tại vì bà khóa máy di động. Tôi cần gặp bà ngay bây giờ.”

“Không được. Thu đang làm việc. Sắp tiếp một phái đoàn nước ngoài.”

“Tôi không cần biết. Bà có muốn tôi công bố những hình ảnh trong khách sạn không?”

“Đừng làm chuyện con nít. Mai gặp được không?”

“Ngay bây giờ. Tôi đang ở phòng 203 khách sạn Sao Mai. Tôi đợi.”

Hắn cúp máy.

Thu ra khỏi công ty. Đón một chiếc taxi và đến khách sạn trong vòng mười lăm phút. Bà gõ cửa phòng 203 và nghe tiếng nói từ bên trong:

“Vào đi.”

Hắn nằm trên giường, tay cầm một chai Hennessy uống dở.

“Lại đây. Hắn nói. Em muốn bỏ anh sao?”

Sau cái hôm bị Huy bắt gặp ở bờ sông, Thu không xưng em với hắn nữa vì tự nhiên bà thấy lố bịch khi xưng em với một thằng bé chỉ đáng tuổi con mình. Vậy mà hôm nay khi bước chân vô căn phòng này lòng tự trọng của bà tan rã như bọt nước.

“Em rất yêu anh. Bà nói. Nhưng càng ngày em càng thấy mối quan hệ giữa chúng ta không bình thường và sẽ xảy ra nhiều bi kịch hơn nữa. Con em nó phản ứng quyết liệt. Em không dạy nó được. Và nếu anh lại đến cơ quan quấy nhiễu thì em cũng phải bỏ cơ quan mà đi thôi.”

“Tất cả đều tại em. Hắn nói. Sao em lại lẩn tránh. Chúng ta cứ quan hệ bình thường như mọi khi.”

Thu ngồi xuống mép giường và khóc:

“Không thể bình thường được nữa. Cây kim trong bọc đã lòi ra rồi. Em van anh. Hãy buông tha em.”

Hắn ném tàn thuốc vô góc phòng và ôm ngang lưng Thu, đè xuống. Hắn lột y phục của bà một cách thô bạo và đóng đinh bà bằng cái dùi đục của hắn. Thu khóc nức nở nhưng vẫn ôm siết lấy thằng “bé cưng”, uốn lượn theo vũ điệu man rợ của nó.

Xong việc, nó nói:

“Anh xin lỗi em nhé. Anh rất mắc cỡ khi nói điều này nhưng anh đang cần tiền. Má anh bị người ta giựt hụi mất năm trăm triệu. Ngày mai em cho anh mượn số tiền ấy. Bả đòi uống thuốc độc tự vẫn.”

Thu gật đầu, gật liên tiếp. Rồi mặc quần áo, coi đồng hồ và ra khỏi phòng. Thằng Lai vẫn nằm im trên giường hút thuốc.


*

Đó là săng-ta đầu tiên. Thu vẫn tự hỏi, không biết bằng cách nào hắn có thể chụp cảnh hai người làm tình trong khách sạn được. Bà đã xem những tấm hình ấy, thấy rõ từng sợi lông mày. Hắn khoe hắn còn có một đĩa phim DVD chất lượng cao nữa.

Dĩ nhiên cái giá của đĩa DVD phải hơn hẳn những tấm hình. Nhưng lần này hắn không vòi tiền lộ liễu. Hắn dẫn Thu đến một căn nhà lụp xụp trong xóm lao động. Đó là một cái ổ chuột ẩm mốc và tối. Hắn bảo Thu ngồi đợi ở ghế mây, kê cạnh cái bàn xếp nhỏ xíu.

Thu hỏi:

“Vào đây làm gì?”

“Má muốn gặp em.”

Rồi hắn mở hé cánh cửa phòng trong. Một đóm sáng vàng đục hắt ra từ cái xó tối tăm ấy cùng với mớ tiếng động lục cục và tiếng lè nhè của người ngái ngủ.

“Má ơi. Có khách.”

Tiếng ho rồi tiếng khạc nhổ:

“Khách nào?”

“Con dâu đến ra mắt.”

Lập tức giọng nói bên trong trở nên lảnh lót:

“Chèng đéc ơi! Con dâu của tui hả? Đợi má chút. Đợi chút nghe cưng!”

Rồi một mụ đàn bà đẩy cửa bước ra, đem theo cả hơi rượu trộn với mùi nước đái. Bà ta bước lảo đảo về phía Thu khiến Thu phải đứng lên, gần như là để thủ thế.

Té ra là một con mẹ sồn sồn trạc năm mươi tuổi, mặc áo hai dây màu hồng, môi xâm đỏ chót như trong tuồng hát bội, mắt cắt hai mí vụng về nên một con to một con nhỏ. Tóc uốn quăn, thả dài xuống vai và lạ lùng hơn nữa là cái quần jean màu đỏ chói, sát rạt trong háng, và lưng thì xệ, để hở lỗ rún đen thui.

Trong lúc Thu đang lúng túng không biết phải xưng hô như thế nào thì mụ ta sấn tới, ôm eo ếch Thu rối ghé cặp môi đỏ chót “hun” vô má Thu đánh chụt một cái và nói:

“Bác nghe thằng Lai nó khen cháu lắm. Nhà cháu ở gần đây không?”

“Dạ… nhà cháu cũng…”

Thu muốn chạy trốn. Bỏ mẹ mình rồi. Con nhỏ này nó gọi mình bằng cháu và xưng bác. Bộ nó đui sao, hở trời!

Mụ đàn bà vẫn không kém phần vồn vã. Mụ vuốt lưng, vuốt tóc Thu, rồi nựng cái cằm của bà thành ủy viên, giám đốc Sở Thương nghiệp:

“Tội nghiệp hôn. Cháu mắc cỡ hả? Ba má cháu có khỏe không?”

Thu ngộp thở vì cái mùi khăm khẳm của rượu trộn với mồ hôi. Bà ngồi xuống ghế để trấn tĩnh.

Mụ đàn bà lại nói:

“Cháu đừng sợ. Bác không phải loại mẹ chồng phong kiến đâu. Bác còn trẻ mà. Điện nước đầy đủ. (Bà ta cười hắc hắc). Cháu nhìn kỹ đi. Ngực này là thứ thiệt. Bác không có bơm đâu. Cháu thấy bác còn phong độ không?”

“Dạ… còn…”

Mụ ta móc túi quần jean ra một gói thuốc lép kẹp, còn được vài điếu Dunhill xanh, châm lửa. Khi đã nhả ra được một lọn khói, mụ ta hỏi:

“Nãy giờ quên hỏi cháu tên gì?”

“Cháu… tên Thu.”

“Năm nay bao nhiêu tuổi?”

Bỏ mẹ. Chắc con nhỏ này nó tưởng mình là 8X. Tự nhiên Thu muốn nói tuổi thật của mình để dập tắt cái kiểu xưng hô quái đản của mụ me Tây này.

Thu lật ngửa lá bài:

“Năm mươi lăm tuổi.”

Mụ ta chồm người tới, nhướng cặp mắt, xói vào mặt Thu:

“Á, á… Coi kỹ lại thì cũng già chát. Có khi bồ còn già hơn tui. Nhưng không sao. Tình yêu không kể đến tuổi tác. Thằng con trai tui có mê bồ lắm đấy. Nhưng bồ bị chồng bỏ phải không?”

Thu giận run người mà nước mắt cứ muốn trào ra. Bà đứng dậy, nói:

“Tôi có việc phải đi.”

Thằng Lai nãy giờ đứng một bên, hào hứng theo dõi diễn tiến cuộc hội ngộ giữa “mẹ chồng nàng dâu” như xem một vở hài trên sân khấu.

Khi Thu bước ra cửa, hắn nối gót. Mụ đàn bà cũng với theo:

“Có muốn đi cắt mắt, thì lại đây nhé.”


*

“Dẫn tôi đến đó để làm gì?”

“Để em biết rằng nhà anh quá tệ. Có thể nào xây tổ uyên ương tại đó không?”

Thu biết hắn muốn gì, nhưng bà im lặng.

Hắn lại nói:

“Có một căn hộ ba phòng ngủ, một phòng khách, hai toa-lét và một bếp. Giá tỉ rưỡi.”

Thu vẫn im lặng. Hắn xoay người bà lại, nhìn vào mắt, hỏi:

“Em tiếc tiền phải không? Thôi được. Cứ về suy nghĩ đi. Có gì điện thoại cho anh sau.”

Taxi ghé quán bi-da quen thuộc của hắn, và ngừng lại cho hắn xuống. Hắn mở túi xách, lôi ra một chiếc đĩa phim, đưa cho Thu và nói.

“Quay lén bằng điện thoại di động nhưng chất lượng cũng không tồi đâu.”


*

Đã có lần Thu định gặp vương gia và kể cho ông nghe vụ săng-ta này nhưng lại sợ ông ta sẽ nhổ vào mặt mình, hoặc ông ta sẽ nổi trận lôi đình sai bảo vệ đuổi mình ra khỏi tư dinh.

Rồi bà lại nghĩ: thằng khốn nạn ấy có thể làm săng-ta mình, tại sao mình lại không thể làm săng-ta lão ấy? Và bà quay số máy riêng của vuơng gia. Bên kia đầu dây có giọng một bà già:

“Ai đấy?”

“Dạ cháu…”

Trời ạ! Bà bé sao lại xưng “cháu” với bà lớn. Chưa kịp hoàn hồn thì bên kia đầu dây tiếng bà già lại vang lên một cách nghiêm khắc:

“Đây là số điện thoại mật của vương gia. Sao cô biết được?”

Thu hoảng hồn. Cúp máy.


17. Bóng tối và sự im lặng

Rượu làm cho tròng mắt đỏ, nhưng cũng có thể là nắng xế. Khi nhậu một mình, đại úy Quỳnh thường ngồi trên bộ ván kê trước bàn thờ. Nhậu mà không biết mình đang nhậu cái gì. Mơ hồ thấy có một thứ gì đó trên cái đĩa nhôm móp méo. Một thứ gì mặn mặn, chát chát, chỉ để làm cho rượu đỡ đắng.

Cái chung nhỏ như vỏ trứng, cứ rót đầy, đưa cay xuống cổ họng, nghe rượu lan tỏa trong ngực, trong gan ruột, trong tứ chi, rồi uống tiếp.

Hình như trên sông có tiếng động mơ hồ. Rồi nó tạo ra tiếng rầm rì bất tận trong bờ cỏ. Hình như trong tiếng lách tách của sóng có tiếng nói yếu ớt của quá khứ.

Cái chòi trống trơn. Và bóng tối đã mon men tới. Nắng xế còn đọng một chút trên sóng và ánh lên tròng mắt.

Im lặng. Ông nghe tiếng mình thở, nghe mùi rượu cay cay đầu lưỡi, bốc lên mắt. Nếu không có rượu, nỗi buồn sẽ khô cứng lại, sắc như miếng mẻ sành, cứa những nhát bầm tím. Không có rượu thì nỗi buồn nó sẽ làm cho mình chết. Cõi lòng bị rạch nát, đau thắt. Nên phải uống cho buồn tan loãng ra, bốc thành hơi, bay ra từ hai tròng mắt, làm cho nó đỏ ngầu lên.

Ông uống từ xế chiều cho tới khi hàng xóm lên đèn.

Và trong cái mờ mịt của lúc chạng vạng, ông nhìn thấy một cái bóng mảnh khảnh, nhẹ tênh như một linh hồn vất vưởng đâu đó vừa chợt ghé lại. Cái bóng đến gần và ngồi ở đầu kia tấm ván. Ông không nhìn thấy mặt. Ông không nhìn thấy màu sắc của quần áo. Cũng không nghe tiếng nói. Nhưng ông biết là cháu ngoại.

Và ông cũng biết tại sao cháu ngoại trở về căn nhà rách nát này vào giữa lúc chạng vạng tối.

Trúc cũng im lặng. Trúc trở về như một giấc chiêm bao. Như linh hồn đã chết, đã phiêu hốt, nương theo ngọn gió mà trôi dạt về.

Ông vẫn tiếp tục uống. Và cái bóng vẫn ngồi ở mép ván bất động.

Rồi có một lúc ông mơ hồ nghe tiếng kêu:

“Ngoại ơi!”

Lúc ấy ông đặt ly rượu xuống. Cô gái nhỏ gục trên vai ông và khóc. Lúc ấy nước mắt ông, từ cõi man man thiên địa sầu, mới chảy xuống mái tóc khô cháy của cô gái nhỏ.

“Ngoại ơi!”

“Đừng nói. Đừng nói gì cả con ạ. Ngoại biết hết rồi. Chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi kiếp nghèo đâu con. Thành phố là của người khác. Đất nước này là của người khác. Không bao giờ là của mình. Của mình chỉ có túp lều tranh này, cái chuồng heo và mấy con cá khô phơi ở chái nhà. Đất nước này không phải của mình đâu con. Cả trái đất này cũng không phải của mình. Mình chỉ là lũ ăn theo, lũ đi lượm mót một chút tiện nghi rơi rớt của chốn phồn hoa. Giống như ông cháu mình từng đi mót lúa ngoài đồng. Thôi, con đừng khóc nữa. Và cũng đừng kể lại những gì đã xảy đến cho con.”

Ông già đỡ đứa cháu ngoại nằm xuống, lấy gối kê đầu cho nó. Rồi ông vuốt tóc cho nó ngủ.

Cuộc hành trình từ thành phố về quê của Trúc không phải một buổi, không phải một ngày, mà nhiều ngày.

Cô đã không trở lại căn phòng mà giám đốc Minh đã thuê cho cô. Cô đã không trở lại công ty. Cô đi thẳng từ nơi cô bị hãm hiếp, từ nơi cô bị bán, từ nơi có biển xanh và những cây bàng cổ thụ…

Cô đi thằng từ đó với vài trăm ngàn trong túi. Vất vưởng như kẻ ăn mày. Vô định như chiếc lá đã chết, đã trôi dạt trong cơn gió… Cô đã nghĩ rằng mình sẽ đi cho đến khi nào gục chết, nhưng bàn chân lại dẫn cô về nhà. Đói khát, tả tơi, kiệt sức.


*

Trúc hồi sinh nhờ nước và nắng. Nước gột sạch bụi đường và những thương tích của cuộc hành trình mười ngày đêm.

Và nắng sớm của một ngày mới đã xua đuổi bóng tối của quá khứ.

Sau một năm, đám lục bình đã tụ lại nơi bến cũ. Dưới đáy sông cá đã về làm tổ trong những nhánh chà. Và cô gái nhỏ của làng Vị Thủy cũng trở lại.

Cô đẩy chiếc xuống nhỏ ra giữa dòng. Nước biếng chảy. Lờ lững. Trúc bơi chèo dọc theo bờ và ghé vào một bến nước.

“Chào bà Tư.”

Bà lão mù nghiêng tai nghe ngóng:

“Đứa nào đó?”

“Con, Trúc đây.”

“Trúc nào? Sao nghe tiếng quen vậy?”

“Con là Ba Khùng nè.”

“A, con nhỏ khóc nhè. Mày đi đâu cả năm nay?”

Chiếc xuồng nhỏ lại đi tiếp. Lại ghé một bến nước:

“Ủa, nhỏ Trúc nè. Về hồi nào vậy con?”

“Mới về. Chị Trinh đi Hàn quốc sao rồi?”

“Cũng ổn. Bữa trước nó gởi về được ba trăm đô.”

Chiếc xuồng lại đi. Đám lục bình ở đâu trôi về tràn cả mặt sông. Xuồng của Trúc bị mắc kẹt. Có ai đó nói:

“Muốn giúp không?”

Trúc nhìn xuống nước, thấy một cái đầu nhô lên khỏi những lá lục bình.

“Anh Sen hả. Giúp em một tay đi.”

“Nhưng tui có biết cô là ai đâu.”

“Thôi, đừng làm bộ. Ba Khùng nè.”

“Không tin. Ba Khùng sao đẹp quá vậy.”

“Ba Khùng đẹp là chuyện bình thường. Hồi nhỏ đã đẹp rồi.”

Sen bơi lại mũi xuồng, vẹt lục bình ra hai bên.

“Trúc nè! Về chơi hay về luôn vậy?”

“Về chơi. Lát nữa đi.”

“Trời ơi. Thấy về, mừng muốn chết. Sao đi gấp vậy?”

Trúc quẫy mạnh mái chèo. Chiếc xuồng lướt đi, bỏ lại chàng trai ngẩn ngơ giữa dòng sông.

Qua khỏi đám lục bình, dòng sông lại trải mình ra dưới nắng. Trúc bơi sát bờ, muốn nhìn lại những lá bạc hà xanh non, những khóm rễ cây tràm bông vàng bò ra mé nước, ở đó bám đầy những chùm trứng ốc màu hoa cà. Và đàn cá thòi lòi nhảy loi choi trên bãi sình màu vàng xỉn. Tất cả giống hệt như ngày xưa. Dường như những lá bạc hà này, những chùm trứng ốc, những con cá thòi lòi này vẫn ở đây chờ cô trong suốt một năm qua. Trúc thấy như mình đã phản bội chúng, đã để chúng ngóng đợi suốt một thời gian quá dài.

Rồi có tiếng vịt kêu. Đó là đàn vịt của ông ngoại. Ông ngoại đang ngồi trên bờ sông vấn điếu thuốc rê. Trúc cho xuồng vô chỗ bóng mát và cập bến.

“Ngoại ơi! Về ăn cơm.”

“Hãy để lũ vịt kiếm ăn một lúc nữa đã. Chỗ này nhiều ốc.”

Trúc ngồi xuống cạnh ngoại. Hai ông cháu nhìn mặt sông đầy nắng. Trúc hỏi:

“Ngoại ơi! Dòng sông này sẽ chảy đến đâu thì dừng lại?”

“Đến biển thì dừng lại.”

“Có phải tất cả các dòng sông đều chảy về biển không?”

“Phải.”

“Sao chúng không chảy về rừng?”

“Vì rừng ở chỗ cao hơn, còn biển bao giờ cũng ở chỗ thấp nhất.”

“Nhưng rừng lấy nước ở đâu mà đổ về biển vậy?”

“Lấy nước từ trời.”

“Thế trời lấy nước từ đâu?”

“Từ biển. Hồi nhỏ con cũng đã từng hỏi ông ngoại những điều đó rồi mà. Còn đã quên rồi sao?”

“Con đã quên. Nhưng bây giờ thì con nhớ lại. Con đang nhớ lại. Từng bến sông, gốc cây, từng tiếng mái chèo. Con nhớ cả mùi thuốc rê quen thuộc của ông ngoại nữa đó ông ngoại ơi!”


18. Hai anh em

Nơi bãi thả diều không phải chỉ có diều. Những buổi sáng lặng gió Huy vẫn thường dẫn bé Vi đi câu cá ở nhánh sông gần đó.

Trên địa hình này có nhiều nhánh sông như vậy, không biết từ đâu chảy lại. Mặt nước cứ phẳng lặng. Có khi bắt gặp một cây cầu gỗ nhỏ hẹp, lát ván sàn. Có khi là chiếc cầu khỉ chông chênh.

Trong rừng dừa nước dường như có tổ chim. Đang câu chợt nghe tiếng chim non kêu trong khóm lá. Vi đặt cần câu xuống bãi cỏ, nghe ngóng:

“Anh Hai ơi! Hình như có tổ chim ở trên đầu em đó.”

Huy vạch lá, tìm nhưng không thấy gì. Sông nước trở lại yên lặng. Một lúc tiếng chim lại kêu.

“Anh có nghe thấy không? Đó là tiếng chim gì vậy?”

“Chim nhác.”

“Sao lại gọi nó là chim nhác?”

“Anh không biết. Có lẽ vì nó rất lười.”

Vi nói:

“Loài vật không lười đâu. Con chim làm tổ vất vả lắm đó.”

“Nhưng ở Nam Mỹ có một loài vật có tên là con lười”.

“A!... em biết rồi. Đó chính là con sloth. Vì nó chỉ ăn lá cây nên không có nhu cầu săn mồi. Chứ không phải nó lười.”

Huy vò đầu bé Vi:

“Em dẻo miệng lắm. Cái gì em cãi cũng được. Kìa, cá cắn câu. Giựt đi.”

Vi giựt mạnh. Cần câu cong oằn. Một con cá chép to bằng hai bàn tay bị kéo lên khỏi mặt nước. Vảy của nó ánh lên như giát vàng. Bỗng nó quẫy mạnh một cái làm Vi mất đà ngã xuống hồ.

Nhưng cô bé không bỏ con cá. Vi lần theo sợi dây câu lặn xuống và thấy nó đang tháo chạy, kéo theo cả chiếc cần câu.

Huy cởi áo, phóng xuống nước. Chàng trai tưởng cô bé bị chìm nên rẽ nước lặn xuống. Chẳng thấy Vi đâu cả, Huy muốn phát khóc. Lại ngoi lên, quan sát mặt nước, thấy có xao động phía giữa hồ. Huy bơi sải đến.

“Vi ơi! Em ở đâu?”

Vừa lúc một cái đầu tóc dài nhô lên. Huy ngạc nhiên thấy Vi đang cố xỏ cọng cỏ lát vô mang cá. Cô bé cười khúc khích. Rồi đeo con cá ở thắt lưng, bơi vào bờ.

Huy đưa chiếc áo thun của mình, bảo Vi vô trong bụi rậm thay áo. Chàng ta nói:

“Em làm anh muốn đứng tim.”


19. Giám đốc Minh và Akinari

Hồn ma của lão già hằng đêm vẫn bay vất vưởng trên khu vực thi công, lúc thì dưới dạng những đóm ma trơi, lúc lại là những tiếng hú man rợ như sói.

Tuy “công trình đường cao tốc” của Akinari không dính dáng gì tới dự án Đại lộ Đông Tây nhưng những tai tiếng của vụ này cũng làm hắn lo ngại ảnh hưởng dây chuyền. Một số tin tức về công ty PCI đối với Akinari không mới, nhưng anh ta cũng phải đọc kỹ, để xem có ai đả động gì đến công ty Yashima của mình không.

Akinari đọc báo bằng tiếng Nhật và cả báo tiếng Anh được xuất bản ở Sài Gòn.

Trong một cuộc họp báo diễn ra tại Tokyo vào ngày 15.8, ngoại trưởng Nhật Bản Komura thông báo: công ty PCI bị cấm tham gia vào các dự án ODA của Chính phủ Nhật trong thời gian hai năm kể từ ngày 15.8.2008.”

Ngân hàng JBIC đã xác nhận rằng lệnh cấm này là do họ đưa ra. JBIC tuyên bố: “Công ty PCI không đủ tư cách để nhận các hợp đồng do ODA của Nhật tài trợ vì đã dính líu vào các hành vi tham nhũng hay gian lận.”

Theo thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Nhật, PCI đã biển thủ 140 triệu yen bằng cách khai khống hoá đơn và gian lận. Kết quả, PCI đã phải trả lại cho JICA 171 triệu yen và cho JBIC 5,7 triệu yen.

Việc bốn quan chức cao cấp của họ bị bắt với các cáo buộc gian lận trong quá trình tham gia đấu thầu, hoặc thực hiện các dự án ODA khác nhau ở nước ngoài, cũng như rửa tiền trốn thuế, đã khiến tập đoàn này “không còn mặt mũi nào” tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký.

Với nhiều năm kinh nghiệm, Akinari hiểu tại sao một công ty có bề dày thành tích bất hảo như vậy lại được trúng thầu xây dựng một công trình khổng lồ như công trình Đại lộ Đông-Tây?

Hết đọc báo giấy, Akinari lại chúi mũi vào các trang web:

Hạng mục hầm ngầm Thủ Thiêm do nhà thầu Obayashi Corporation thi công, và công ty PCI tư vấn thiết kế.

Đơn vị thi công đã thực hiện đổ mẻ bê tông đầu tiên đúc đốt hầm này. Đến tháng 6.2008, cả 4 đốt hầm đã được đúc xong tại bãi đúc thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện các vết nứt trên tường hầm và bản nắp.

Đây là nhận định từ báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình đại lộ Đông - Tây vào tháng 5.2008 của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.

Các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt vết nứt ở các đốt hầm Thủ Thiêm. Các vết nứt đều xuất hiện ở tường thành thẳng đứng, kéo dài từ 2 m đến 3 m, bề rộng lớn nhất của vết nứt rộng đến 1 mm, bề sâu vết nứt thì chưa xác định cụ thể.

Đáng chú ý là các vết nứt ngang, dọc, xiên, trên bề mặt bê tông hầm dìm, làm ngấm dột nước mưa trên nóc, đã làm suy giảm cường độ khối bê tông và ảnh hưởng tới khả năng chịu lực cũng như tuổi thọ công trình.

Akinari đem chuyện này rỉ tai giám đốc Minh, nhưng anh ta chỉ nói:

“Tôi biết rồi. Nhưng đó là chuyện của người ta. Có dính dáng gì tới mình đâu?”

“Nhưng công ty Yashima của tôi cũng có cung cấp vật tư cho PCI, tôi sợ liên lụy.”

Minh nhăn răng cười:

“Ô, sợ quái gì. Cho dù hầm ngầm Thủ Thiêm có sập, chôn vùi hàng trăm xe cộ, dìm chết hàng ngàn người thì cũng huề cả làng. Rồi mọi sự cũng sẽ chìm vào quên lãng.”


20. Kết thúc vụ săng-ta

Khi đi làm Thu không bao giờ dám tắt điện thoại di động. Bởi vì hắn sẽ gọi tổng đài điện thoại của Sở Thương nghiệp và sẽ nói bậy với nhân viên trực điện thoại. Chẳng hạn có lần chuông reo, cô nhân viên trực điện thoại hỏi: Xin lỗi, anh ở đâu gọi đến, liền bị hắn nạt: Hỏi làm gì? Tôi là ông xã của giám đốc đây. Đi gọi gấp đi!

Khi cô nhân viên báo cho Thu, bà đành phải nói: “Tụi nó phá đấy. Cháu nói cô đi ra ngoài.”

Tuy nhiên hôm nay người đến tìm Thu không phải là hắn mà là mẹ hắn. Vẫn mặc áo hai dây nhưng màu đen. Quần jean cũng đen, đeo kính đen. Bà ta đi xe ôm tới. Bảo vệ ngửi thấy mùi rượu khi bà ta đến gần nên chặn lại:

“Bà hỏi ai?”

Mụ tháo mắt kính cất vô ví, chường ra một bộ mặt lòe loẹt, mắt to mắt nhỏ, vẽ màu tím.

“Tôi đi tìm con dâu tôi.”

“Dâu bà tên gì?”

“Bộ cậu không biết giám đốc Thu hả?”

Bảo vệ đẩy bà ta ra khỏi cổng:

“Lộn rồi bà ơi. Giám đốc Thu đáng tuổi chị hai của bà, sao làm dâu bà được?”

Thế là trợn mắt lên. Chống nạnh, la lớn:

“A… mày không tin hả. Để tao gọi nó xuống cho coi. Thu ơi! Má đây con. Bảo vệ nó không cho má lên nè.”

Thu nghe tiếng của mụ, tái mặt. Bà gọi điện thoại cho bảo vệ:

“Đuổi con mẹ điên đó đi.”

Bảo vệ xách khẩu AK, lên đạn.

Nhưng mụ ta đâu có sợ. Mụ bứt nút áo, phô cái coóc-sê màu đỏ.

“Bắn đi! Mày dám không?”

Bảo vệ sợ quá, cất khẩu súng, năn nỉ:

“Má ơi. Con lạy má. Má đi chỗ khác cho con làm việc.”

Mụ ta đeo kính đen vào, tiếp tục gào lên:

“Tại sao mày hứa mua nhà cho con tao mà mày xù? Bà sẽ làm cho mày bỏ xứ này mà đi, con dâu ạ.”

Mụ ta vừa định quay đi thì anh công an đứng gác bên kia đường, bước tới. Bảo vệ nói:

“Bà này đến cơ quan quậy, chửi tùm lum.”

Mụ ta vỗ đùi bành bạch, đạp vô cánh cửa cổng rầm rầm:

“Kêu công an bắt hả? Mụ đưa hai cổ tay ra – Có ngon thì bắt đi!”

Ngờ đâu anh công an xuất chiêu quá nhanh, chiếc còng số 8 đã khóa hai tay mụ lại. Mụ hét lên:

“Thu ơi! Tụi nó bắt má nè con!”

Nhưng anh công an đã đẩy lưng bà ta đi tới.

Đứng trên lầu, nhìn qua cửa sổ, Thu thấy tình hình không ổn liền gọi điện cho bảo vệ:

“Bảo công an thả ra đi. Bà ta là em họ của cô đấy. Nó bị khùng. Đừng để bắt về đồn nó nói bậy thì phiền lắm. Cháu chạy theo gấp đi.”


*

Nghe kể lại chuyện đó, Huy chỉ im lặng.

Anh đến văn phòng của mẹ lúc mười giờ rưỡi sáng.

“Tại sao mẹ cho nó địa chỉ này?”

“Mẹ không cho. Nó đã theo dõi mẹ.”

“Thế còn số điện thoại của Sở?”

“Biết địa chỉ là biết số điện thoại. Nó hỏi đài 116.”

Huy chửi thề:

“Đài 116. Dẹp mẹ chúng mày đi!”

Như lời đáp cho câu nguyền rủa đó, chuông điện thoại của Thu reo lên.

“Bà trốn tui hả?”

Thu nhìn cậu con trai, chỉ ra cửa sổ. Huy nhìn xuống, thấy một thằng Tây lai đứng bên kia đường, đang nói điện thoại.

“Tại sao bà hứa mua nhà, rồi bà xù?”

“Lai ơi! Thu lạy Lai. Thu làm công chức mà. Làm gì có nhiều tiền vậy?”

“Không nhiều lời. Chỉ cần nhìn ngôi biệt thự bà đang ở là biết rồi. Một tỉ rưỡi đối với bà chỉ là cái móng chân thôi. Tôi gia hạn cho bà ba ngày.”

Vì Thu muốn cho cậu con trai cùng chia sẻ tai họa với mình nên bà đã mở speaker máy điện thoại. Huy không nhịn được, anh hét vào máy:

“Thằng chó. Cút ngay đi. Mày sẽ không có một cắc nào đâu. Đừng mơ con ạ. Tao kêu công an nhốt mày bây giờ.”

Tiếng thằng Lai bên kia đầu dây:

“A, mày là thằng Huy hả. Mày xuống đây tao cho mày coi con mẹ mày ở truồng ngủ với tao nè.”

Huy ném cái điện thoại qua cửa số và chạy xuống cầu thang như một thằng điên. Thu hốt hoảng gọi:

“Con ơi! Dừng lại đi, con ơi!”

Nhưng Huy đã biến mất sau khúc quanh của cầu thang. Thu quỵ xuống mấy bậc cấp, gục đầu vô tay vịn cầu thang mà khóc.

Thằng Lai nhìn thấy Huy chạy xuống, cũng băng qua đường. Bảo vệ thấy khó tránh một cuộc ẩu đả ngay tại cơ quan nhà nước, liền chụp cây dùi cui.

Thằng Lai đã áp sát, đẩy cánh cửa cổng. Bảo vệ dùng dùi cui ngăn nó lại. Nó chụp lấy cây dùi cui và thúc đầu gối lên bụng đối phương.

Huy chạy đến tham chiến.

Cảnh sát cũng vừa tới nơi, dùng súng khống chế và còng tay thằng Lai dẫn đi.


21. Cha, mẹ và con trai

Thu giao việc cho phó giám đốc. Một tuần ở Đà Lạt là để ôn lại mọi thứ, phân tích tình hình, tìm một lối thoát. Tình mẹ con đã đổ vỡ. Tình chồng vợ thì đã quá bẽ bàng. “Bé cưng” thì bị kêu án năm năm tù vì người ta khám phá ra hắn còn nhiều tội danh khác như lừa đảo, đánh người cướp tài sản, buôn bán ma túy.

Thu khóc một mình trong căn phòng khách sạn lạnh lẽo.

Đà Lạt mù mịt trong những buổi chiều thấp và đầy gió.

Cuối cùng, Thu chỉ còn vương gia.

“Chào bố.”

“Em đang ở đâu vậy?”

“Đà Lạt. Bố lên với em được không?”

“Không. Anh đang bận. Sao em bỏ việc đi chơi vậy?”

“Có vài chuyện rắc rối. Nhức đầu quá.”

“Ngày mai em lấy máy bay về đi. Anh sẽ cho người lên sân bay đón.”

Nhưng người đi đón giám đốc Thu lại là “người thân” của Mười Đạt.

Mười Đạt liền gọi điện cho con trai:

“Huy đó hả. Sáng mai mười giờ con lên sân bay Tân Sơn Nhất đón mẹ con.”

Mười giờ. Xe của vương gia vừa trờ tới chỗ Thu đứng đợi thì xe của Huy cũng tấp vô.

“Mẹ ơi! Con đi đón mẹ đây.”

“Mẹ đã có xe cơ quan.”

“Đó đâu phải xe cơ quan. Mẹ không về nhà sao?”

Thu đành phải lên xe của con trai.

Cuộc “giành khách” được sắp đặt trước nên không có gì rắc rối. Tài xế của vương gia về báo cáo: tình cờ gặp con trai của bà Thu ở phi trường nên đành phải nhường cho nó.

Vương gia im lặng.

Nhưng việc đưa vợ về nhà chỉ là chuyện tự ái vặt. Người đàn bà này có ở nhà hay không thì ngôi biệt thự đó cũng lạnh lẽo như cái nhà mồ. Tuy vậy Mười Đạt cũng nói riêng với con trai:

“Thế nào tối nay bà ta cũng đến đó.”

Huy ngồi im một lúc. Rồi bỏ đi. Không nói một lời.


*

Quả nhiên lúc mười giờ đêm, giám đốc Thu lái chiếc Innova bảy chỗ ra cổng. Ba mươi phút sau xe đến nhà vương gia. Cánh cổng tự động mở.

Xe chạy vòng ra sau.

Trong phòng ngủ, vương gia theo dõi màn hình camera và biết người tình đã đến. Ông khoác chiếc kimônô bằng nhiễu Thượng Hải, xỏ chân vô đôi hài thêu, lẹp xẹp đi ra hành lang phía sau.

Thu mở cửa xe bước xuống và ngã vô vòng tay của lão già cao lớn ấy.

“Em trở lại, anh mừng lắm. Anh cứ tưởng em đã quên anh rồi.”

“Bố luôn là chỗ dựa của em.”

Vương gia bế Thu lên hai cánh tay rắn chắc của mình và quay vào.

Lúc ấy trên xe, ở băng sau, có một cái đầu vừa nhô lên, nhìn theo cặp tình nhân già. Rồi cánh cửa xe mở hé. Huy lẻn ra rất nhẹ.

Nhưng cậu ta vừa bước vô tới cửa phòng ngủ của vương gia thì có tiếng chó sủa dữ đội. Một con berger nặng 60 ký từ xa phóng tới. Huy hoảng hốt rút khẩu súng của Mười Đạt ra, bấm cò. Phát súng trật mục tiêu. Huy trốn sau hòn giả sơn nhưng con chó đã chạy vòng ra. Anh bắn một phát nữa, trúng ngay chân nó. Nó vừa la vừa cố lết ra cổng. Lập tức hai cận vệ cao lớn xuất hiện.

Chỉ cần một phát súng.

Huy chết ngay tại chỗ.


22. Những đứa trẻ khóc

Quỳnh Vi khóc.

Những đứa trẻ thường khóc vì tội lỗi của người lớn.

Hàng ngày, trên mặt đất này có bao nhiêu đứa trẻ đã khóc như thế? Những đứa trẻ mới sinh ra đã không có sữa bú. Những đứa trẻ trần truồng lạc mất mẹ trong chiến tranh. Những đứa trẻ da đen ngụp lặn trong bùn lầy để tìm mấy con nhái. Những đứa trẻ mồ côi ngồi khóc trên vỉa hè.

Tôi đã nhìn thấy hình ảnh một cậu bé da đen ốm nhom như con khỉ nhỏ, xách một cái túi rách, lang thang bên bãi rác. Nó nhặt một cái chai bằng nhựa, cắt đôi ra, mỗi bên cột chéo một sợi dây để làm dép.

Và tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng của Kevin Carter đoạt giải Pulitzer 1994 làm cả thế giới bàng hoàng, được chụp khi xảy ra nạn đói khủng khiếp ở Nam Phi.

Một bé gái đang đói lả gần chết nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hiệp Quốc. Con chim kền kền lẽo đẽo theo sau, chờ đứa trẻ chết để ăn thịt.

Không ai biết điều gì xảy ra với em bé sau đó, kể cả Kevin Carter, người đã rời khỏi hiện trường ngay sau khi bấm máy. Có tờ báo đã viết về Carter như thế này:

“Kẻ chỉ chú tâm chụp ảnh, nhưng lại vô cảm trước thảm cảnh của cô bé da đen, thì cũng chỉ là một con vật ăn thịt, một con kền kền thứ hai trong bối cảnh tàn bạo ấy mà thôi.”

(The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering, might just as well be a predator, another vulture on the scene.)

Kevin Carter đã đọc được câu này và anh đã tự sát.

Trong giấc mơ, tôi vẫn gặp những đứa trẻ khóc. Trẻ khóc mọi nơi trên mặt đất. Những đứa trẻ tàn tạ, khô rốc, đầy bùn đất và ruồi nhặng. Những đứa trẻ không có tuổi thơ, không có tình mẫu tử. Những đứa trẻ không có gia đình, không có một mái ấm để về. Chúng chỉ có những hang hốc, những gầm cầu. Chúng chỉ có sự cô độc. Giống như một con chuột nhắt, như một con chó hoang, con mèo lạc mẹ kêu khóc trong rét mướt. Những đứa trẻ một mình chống chõi với cả cuộc đời rộng lớn, hỗn loạn và đầy cạm bẩy. Những đứa trẻ đơn độc. Những đứa trẻ đã khô hết nước mắt, đã tắt tiếng, đã tàn héo nụ cười.

Khi mới bảy tháng tuổi, Quỳnh Vi cũng đã nếm trải những tháng ngày tàn bạo như thế. Cho đến giờ, khi bé đã sống trong no đủ. Đã sống đời của một thiếu nữ văn minh hiện đại, tôi vẫn cứ bùi ngùi mỗi khi chợt nhớ rằng nó đã trải qua những ngày tối tăm, không có mẹ, không có tôi, không có người thân bên cạnh.

Bây giờ, ở tuổi mười bốn, nó lại khóc. Nó cứ ngồi ở cầu thang. Và khóc.

“Để nội dẫn con đi ra nghĩa trang nhé.”

Nó vẫn khóc. Khóc ấm ức. Những giọt nước mắt lăn trên má.

Ngày thứ hai, tôi lại nói:

“Để nội dẫn con đi thăm anh Huy nhé?”

Thì nó gật đầu.

Tôi chở nó đi bằng xe máy.

Khi hai ông cháu đến, thì đã có một người đàn bà đang quỳ trước mộ.

Bà ta quỳ như một pho tượng đá. Không khóc và cũng không động đậy. Trên tấm bia bằng cẩm thạch là bức hình của Huy. Cũng bất động.

Quỳnh Vi bước đến, đặt bó hoa hồng vàng lên mộ. Nó kêu lên:

“Anh Hai ơi!”

Và lại khóc.

Đã từ lâu tôi tránh nói với nó về cái chết, vậy mà bây giờ cái chết lại là một phần của cuộc đời nó. Cái chết đang ở trong nó, đang xói mòn nó.

Không có tờ báo nào đưa tin về cái chết này. Lễ tang cũng được tổ chức đơn giản, vội vàng. Đi viếng chỉ có mấy người ở Sở Thương nghiệp, vài ba vị trong thành ủy. Cái chết được thông báo như là một tai nạn giao thông, mặc dù ai cũng biết rõ từng chi tiết.

Khi Quỳnh Vi hỏi tôi tại sao Huy chết, tôi đã không thể giấu nó. Tôi không muốn dùng những lời giả dối đối với tình cảm thiêng liêng của một cô gái trẻ.

Tôi đã nói chuyện với nó trong nhiều giờ, về những chi tiết trong cái chết của Huy mà tôi đã được nghe Mười Đạt kể qua điện thoại, về giai đoạn ở trong rừng, về thảm cảnh của Trúc, về Minh... Quỳnh Vi không bao giờ muốn dừng lại nửa chừng, nó luôn hỏi đến ngọn ngành vự việc.

Giữa khu nghĩa địa mênh mông, nó đứng khóc như một đứa trẻ lạc loài.

Có một giọng đàn bà khàn đục, từ dưới vực thẳm của tuyệt vọng vang lên:

“Nghiệp chướng!”


23. Buổi sáng trong vườn hoa

Thu bước vô cổng nhà mình, trôi dạt như một cái bóng. Bà mơ hồ thấy người chồng đang ngồi trên chiếc ghế mây ngoài vườn hoa, mặt nhìn ra sông. Trên chiếc bàn nhỏ kê trước mặt có một ly cà phê đen.

Đã nhiều năm ông rất ít nói, có khi bà hỏi, ông cũng không trả lời, có thể ông không muốn trả lời, nhưng cũng có thể là ông bắt đầu nặng tai, vì thế bà chỉ nhắc: Coi chừng cảm lạnh đấy. Rồi bà đi lên phòng.

Bà nằm xuống giường, trong đầu đang nghĩ về nội dung của lá đơn xin từ chức. Bà muốn bàn giao công việc cho phó giám đốc ngay ngày mai. Muốn bỏ đi tức khắc, không cần đợi sự chấp thuận của cấp trên.

Bà sẽ giao nhà cho chồng, về Cần Thơ sửa lại căn nhà, sống những ngày cuối đời với mẹ.

Bà cũng nghĩ tới việc mình sẽ đi tu. Hôm rồi khi đi thăm mộ Huy trở về bằng xe hơi, bà thấy một tượng Phật bằng đá bị ai bỏ bên lề đường. Bà liền dừng xe lại. Bức tượng cao chừng bốn tấc được tạc bằng một loại đá sần sùi màu nâu đen, chất liệu gần giống với tượng Chàm. Bà đem bức tượng về cất trong tủ vì nhà không có bàn thờ Phật.

Bà nghĩ chắc người chủ bức tượng này chê nó sần sùi, tối tăm, xấu xí nên đã bỏ đi và mua một bức tượng khác. Có thể mình đã có duyên với bức tượng. Nó quá đẹp và lột tả được tinh thần Phật giáo trong cả đường nét lẫn chất liệu.

Bà ôm bức tượng xuống vườn hoa, ở đó có một cái đồi nhỏ phủ đầy cỏ, bao quanh những tảng đá trắng xám lẫn lộn. Bà đặt pho tượng trên đỉnh đồi rồi thắp nhang khấn nguyện cho con trai mình.

Người chồng vẫn đang ngồi trên chiếc ghế mây, ngó ra sông. Bà bước nhẹ trên cỏ, đến thật sát.

“Này ông! Lại đây xem bức tượng Phật.”

Nhưng người chồng vẫn im lặng. Bà đặt tay lên vai chồng. Thấy lạnh ngắt. Và cái thân hình khẳng khiu ấy nghiêng qua một bên, đổ gục xuống bãi cỏ.

Xác chết đã cứng đờ từ lúc nào.

Trên bàn, ly cà phê đen đã vơi một nửa. Một cuốn sách cũ nằm dưới chân ghế.

Dường như cái chết đã đến rất đột ngột. Có thể do một cơn gió lạnh từ ngoài sông thổi tới.


24. Trúc nằm trên võng

Đó là một buổi trưa hoàn toàn im lặng. Buổi trưa đang dừng lại để chờ một ai đó, hay chờ một điều gì đó. Hay chỉ dừng lại vì lười biếng.

Hình như thời gian cũng không muốn trôi đi. Nó đã trôi đi suốt nhiều ngàn năm rồi. Có một lúc nào đó nó cũng dừng lại, nghe ngóng, chờ một cơn mưa, chờ một tiếng sấm rền trong mây.

Và chờ xem cô gái đang nằm trên võng sẽ nói gì với chàng trai đang ngồi dưới đất. Chàng trai cầm chiếc điện thoại di động lật qua lật lại. Trúc nói:

“Tui cho anh đó.”

“Không biết sử dụng. Nhưng mà tui với Trúc đang ở cạnh nhau, cần gì đến điện thoại.”

“Rủi như có lúc nào đó tui đi xa thì sao?”

“Hôm qua Trúc nói về luôn mà.”

“Sen muốn tui ở luôn đây không?”

“Muốn.”

“Làm gì sống?”

“Sống nghèo không được sao?”

“Được. Nhưng cũng phải có việc làm chớ.”

“Tui đi lưới. Mỗi ngày cũng kiếm được chục ký cá.”

“Còn tui?”

“Cũng đi lưới.”

“Dầm nước riết, đen thui.”

“Cả hai người đều đen.”

“Nhưng con trai đen thì đẹp. Con gái đen thì xấu lắm.”

“Đen cỡ nào Trúc cũng không xấu.”

Sen đẩy nhẹ chiếc võng. Trúc dài và thanh mảnh như một con báo nhỏ, khuôn mặt sáng như đoá hoa nở trên nền tóc đen mượt. Võng đu đưa. Trúc lúc xa, lúc gần. Lúc gần thì hông Trúc có thể chạm vào mặt của chàng trai. Trúc lại hỏi:

“Lấy nhau rồi ở đâu?”

“Ở ngoài cù lao. Ngoài đó có cái chòi, một cái ao và vườn rau. Tui sẽ cất thêm một cái chuồng gà.”

Võng cứ đu đưa theo nhịp tay của Sen. Trúc hỏi:

“Sen này! Anh nghĩ gì về trinh tiết?”

“Hên xui.”

“Vậy có quan trọng không?”

“Quan trọng, Nhưng thương nhau quan trọng hơn.”

“Làm sao biết thương nhau.”

“Dễ mà. Ví dụ như Sen thương Trúc thì con cá ở dưới sông nó cũng biết.”

“Vậy nếu như tui không còn trinh tiết nữa thì anh có thương tui không?”

“Thương.”

“Nếu được vậy thì tui thương anh lắm.”

Sen mừng rỡ, nắm lấy tay Trúc.

“Trúc ơi! Bây giờ mình đi ra cù lao của mình chơi đi.”

“Đi bằng gì?”

“Xuồng.”

“Đừng đi xuồng. Mình sẽ bơi qua đó.”

“Ướt hết quần áo sao?”

“Trời nắng, một lát sẽ khô.”

Sen kéo Trúc ngồi dậy. Họ đi ra bến sông. Chàng trai ném túi xách của Trúc lên xuồng, đẩy nó ra giữa dòng. Hai người phóng xuống nước. Cù lao ở ngay giữa sông, rộng chừng một nửa cái sân bóng đá.

Ngay chỗ bờ kè, mọc lên một cây còng cổ thụ, cành lá xòe ra che mát cả một khúc sông.

“Trúc nè. Tui có thể bắt cá bằng hai tay không.”

“Thiệt sao?”

Sen biến mất khỏi mặt nước. Trúc nhìn theo gợn sóng, biết anh chàng đang lặn xuống bên dưới những rể cây còng. Chừng một phút sau đã trồi lên, hai tay cầm hai con cá rô phi, miệng thì cắn con thứ ba.

“Sao bắt được hay vậy?”

“Dưới đó có những hốc đá. Đó là hang của chúng. Chỉ thọc tay vô là bắt được.”

Trúc gỡ con cá ra khỏi miệng Sen và đẩy xuồng vô bờ.

Trên bờ là một thế giới mới mẻ. Nó như khu vườn Địa đàng mới được đức Chúa Trời dựng nên cách đây một phút. Nó hoang sơ và nghèo. Chỉ có một cái chòi, một giàn mướp, một vườn rau và một cái ao nhỏ. Trúc rất thích cái ao tuy chỉ lác đác năm ba cái bông súng. Cô chạy vòng quanh nó, nghiêng người nhìn xuống nước, thấy một bầu trời thật tròn, và một cái mặt người thật xinh.

Trúc chui vào dưới giàn mướp, sờ vào những trái mướp non, treo lủng lẳng ngay trước mặt. Những con ong bầu màu đen chập chờn quanh những nụ hoa vàng để hút mật. Trúc nhìn trời qua khe lá, thấy nắng ửng lên những sợi lông tơ của những chiếc lá non, những nụ hoa mướp chúm chiếm.

Trúc bước đến vườn rau.

Nhưng nó hãy còn hoang sơ quá. Cỏ mọc tràn lan trên lối đi. Con cào cào vụt bay lên, tiếng lách tách của đôi cánh rải nhẹ trong nắng trưa yên tĩnh. Trúc đuổi theo và thấy nó đậu trên một cành ổi.

Và Trúc trèo lên cây ổi. Đã có lác đác những trái non nhưng cô muốn tìm một trái có thể ăn được.

Sen đứng dưới đất, nhảy lên và chộp được một trái to bằng trái quýt. Ông Adam trao trái ổi chua cho bà Eva của làng Vị Thủy. Trúc cắn. Mảnh vỡ tạo một tiếng động giòn tan. Ngay lúc ấy Trúc nhận ra một bụi ớt đầy trái màu đỏ. Bụi ớt đẹp như một khóm hoa tình cờ. Trúc nhảy xuống đất và đến gần nó.

Trong khi Trúc săm soi những trái ớt chín đỏ thì Sen đi lại phía gốc cây còng, mở túi xách lấy điện thoại di động ra, bấm tùm lum, nhưng chỉ nghe được những tiếng bíp bíp của bàn phím.

Chàng trai quê mùa này không hề biết rằng mình đang ở ngoài vùng phủ sóng.


25. Akinari trở về Nhật

Cứ xế chiều, cơn sốt lại kéo đến. Akinari chán ăn và hay nổi cáu. Buổi tối hắn lại đến các nhà hàng sang trọng và gọi những món ưa thích nhưng vẫn nuốt không nổi. Vì ăn không được nên hắn cũng chẳng thiết gì tới chuyện chơi bời.

Trong giấc ngủ chập chờn hắn thường mơ thấy lửa cháy. Và trong đám lửa đỏ rực ấy hắn thấy cái bóng đen của lão già cầm chai rượu đi về phía hắn. Tới lúc chỉ còn cách hắn chừng một bước thì lão hả miệng phun ra một vòi lửa xanh lè như con rắn, mổ vào giữa trán hắn. Hắn la lên và thức giấc, người đầm đìa mồ hôi.

Lúc ấy việc san lấp mặt bằng của giám đốc Minh sắp kết thúc, các phương tiện cơ giới đang tiến hành làm hệ thống thoát nước và rải đá.

Suốt ngày hôm đó Minh không gặp Akinari, anh ta gọi điện cho hắn cũng không được vì hắn cúp máy. Minh nghĩ rằng hắn đang xé lẻ đi chơi đâu đó nên không liên lạc nữa.

Đến ngày thứ tư Minh lại gọi điện thoại cho hắn để hội ý giải quyết một vài sự cố trong lúc đặt đường ống thoát nước nhưng vẫn không liên lạc được. Minh gọi điện đến công ty Yashima thì được biết là hắn đã về Nhật để chữa bệnh.

Một sếp mới tạm thời được điều từ Hong Kong sang thay cho hắn. Minh muốn gặp tay sếp mới này nhưng hắn lại chúi mũi vào những cuộc họp liên miên.

Minh gọi cho một cô bạn, hiện là trưởng phòng nhân viên của Akinari.

“Akinari về Nhật làm gì vậy?”

“Về chữa bệnh.”

“Hắn có nói chừng nào trở lại Việt Nam không? Giữa anh và hắn vẫn còn một số việc riêng.”

“Em nghi ổng sẽ không trở lại.”

“Sao vậy?”

“Vì thấy có cái gì đó rất là nghiêm trọng.”

“Nghe nói hắn bị lao phổi mà. Lao phổi thì có gì nghiêm trọng đâu. Ở Việt Nam cũng dư sức chữa.”

“Em không biết. Nhưng thấy phía Nhật Bản họ có vẻ hơi khó hiểu.”

Đó là tất cả những gì Minh biết về Akinari.


*

Mười một giờ trưa Minh nhận được điện thoại của “ông già”. Anh ta biết là “có chuyện” nên tự lái xe tới. Ba Trần nằm võng, ngoài sân sau, ngắm hồ cá.

“Thằng Akinari trốn rồi hả?”

“Dạ không. Nó về Nhật chữa bệnh.”

“Mày với nó đã làm gì con Trúc vậy?”

“Dạ, thưa ba, đâu có gì đâu.”

“Sao con Trúc nó nghỉ. Đúng ra là nó bỏ đi. Không về lấy hành lý. Không ghé công ty. Chuyện đó đối với mày vô nghĩa à?”

“Dạ, con cũng có dò hỏi. Hiện giờ nó đang ở dưới quê.”

“Mày đã bán nó cho thằng Akinari. Bộ mày còn muốn buôn người nữa hả?”

“Dạ thưa ba, con chỉ muốn cho em nó kiếm thêm tí tiền.”

Ba Trần ném tàn thuốc lá vô người Minh.

“Té ra mày coi nó như một con điếm hả? Mày có biết ông ngoại nó là bạn của tao không?”

Minh lùi một bước, phủi tro trên ngực áo.

“Dạ biết. Con còn nhớ bác Quỳnh mà.”

“Tao tưởng mày chỉ biết có tiền.”

Minh ngồi xuống ghế, cách xa đầu võng một khoảng an toàn.

“Thưa ba, nghề của mình là nghề kinh doanh mà. Kiếm tiền là nhiệm vụ ba giao cho con.”

“Nhưng không phải bằng mọi giá. Thế mà người ta đồn là mày yêu nó. Mày muốn lấy nó. Nghe như thế tao đã mừng, té ra mày có yêu đương cái quái gì đâu. Minh à, sao mày không có chút tình người nào vậy? Mày còn ép lão già chết thiêu trong túp lều của lão. Mày ăn ở như loài cầm thú. Mày cũng phải nghĩ tới chuyện để đức lại cho con mày chứ!”

“Thế ba có để đức lại cho con không?”

“Không để đức mà ngày nay mày trở thành một đại gia, một tỉ phú à?”

“Ba đi làm cách mạng, đấu tố địa chủ, hạ nhục họ, bức tử họ, để rồi khi cách mạng thành công, ba và các đồng chí của ba truất quyền sỡ hữu đất đai của nhân dân, một mình vơ vét ruộng đất, trở thành những địa chủ khổng lồ. Giàu có vô lượng, chiếm hữu đất đai nhiều vô số. Ba để đức lại cho con như vậy đó hả?”

Ba Trần cố gượng ngồi dậy, trợn mắt nhìn cậu con trai hung hãn của mình, ông giận sùi bọt mép nhưng không có gì trong tay để ném.

“Thằng chó đẻ! Mày là thằng chó đẻ!”

Minh ngửa mặt cười, thách thức:

“Con không phải do chó đẻ đâu. Ba quên rằng con là con của vương gia sao? Ông ta là một con người lạnh lùng cho nên giám đốc Minh này vô cảm, giám đốc Minh này thiếu tình người là chuyện có gì khó hiểu đâu. Khó hiểu là những người cộng sản. Họ rêu rao rằng họ đang thực hiện công bằng xã hội, giải phóng giai cấp, thế mà họ tàn ác, tham lam và lạnh lùng như những con người vô tính.

Công ty của con là một công ty tư nhân nhưng con không thể lấy đất của dân nếu không có sự chỉ đạo, sự ủng hộ, sự đồng tình, sự chia chác… của nhà nước. Con chỉ là một cái bánh xe trong guồng máy mà thôi.”


26. Tiếng gọi trên bến sông

Hai người chuẩn bị tổ ấm như hai con chim sáo nhỏ. Tổ ấm ở trên cù lao nên hai con sáo phải bay sang sông mỗi ngày. Chúng tha những cọng rơm khô, những cọng cỏ chỉ. Chúng lựa cỏ mảnh, mềm và thơm, những cọng rơm còn phảng phất mùi lúa mới.

Đàn ong trong rừng tràm bay về từ sáng sớm, chúng rót mật vào cái lọ thủy tinh để giữa bàn ăn rồi quay trở lại rừng tràm ở cách đấy hai mươi dặm. Những con két xanh đem đến những hũ mứt quả mơ rất thơm và bầy khỉ nhảy từ cành cây hai bên bờ sông qua tán lá rộng của cây còng, đem trái cây chín đỏ cho đôi vợ chồng trẻ.

Ngày hôm sau cô Lọ Lem gởi tặng Trúc ba hạt dẻ.

Trúc đem chỉ may giăng quanh túp lều tranh của mình và đàn bướm trắng bay về đậu sáng rực cả một góc vườn. Túp lều biến thành một lâu đài nhỏ được lợp bằng ngàn cánh bướm.

Trúc ném hạt dẻ thứ nhất xuống cỏ, lập tức hiện ra một chiếc áo cưới lộng lẫy. Nàng chưa kịp mặc thì Sen vừa bơi xuồng về:

“Trên xã họ chưa chịu ký giấy hôn thú.”

“Tại sao?”

“Họ biểu anh và em phải đi xét nghiệm máu.”

Trúc kêu lên:

“Trời ơi! Sao mà thủ tục rườm ra vậy. Thế chừng nào đi?”

“Đi ngay bây giờ. Anh chở em lên huyện.”

Họ chèo xuồng đi và làm xong mọi việc khi trời đã đứng bóng.


*

Hôm sau, hai người lại lên huyện. Trúc nói:

“Anh đậu ghe chờ đây. Em lên lấy kết quả trong vòng mười lăm phút.”

Rồi Trúc bước lên bờ, đi lẩn vào đám học trò nhỏ đang tan trường. Sen ngồi nhìn chúng, nghĩ rằng rồi mình cũng sẽ có những đứa con như vậy. Lũ học trò đi giữa trưa nắng, nhiều đứa không đội nón, tóc vàng cháy, da rám đen, nhưng cứ ruợt đuổi nhau lẩn vào đám cỏ lát trồng dày đặc dọc theo bờ sông.

Sen hỏi một người vừa chèo xuồng chở trái cây đi ngang qua:

“Anh Tư ơi, cho hỏi mấy giờ?”

“Tui không có đồng hồ nhưng chắc cũng gần mười hai giờ.”

Sen ngóng lên bờ. Tầm nhìn của anh bị những đám cỏ lát che khuất. Cứ mỗi lần có cái bóng thấp thoáng là anh lại nhổm dậy. Cuối cùng Sen bước lên bờ, tìm cái gốc cây, ngồi đợi.

Lũ học trò đã về hết, những người đi chợ cũng thưa thớt, con đường đất vàng chỉ còn nắng khô và im lặng.

Một sự sợ hãi chợt dạt đến, tràn qua tâm trí anh. Sen đi ngược về phía bệnh viện. Ở đó cũng vắng người. Người gác cổng cũng đã đi ăn cơm. Sân đất chói nắng. Sen chạy thẳng vô phòng xét nghiệm máu.

Một cái phòng trống không. Bàn ghế câm lặng. Sen chạy dọc theo hành lang bệnh viện, chỉ gặp một người quét rác và một con chó nhỏ đang lẩn quẩn gần đấy. Sen muốn khóc.

“Trúc ơi! Trúc ơi!”

“Cậu tìm ai vậy?”

“Vợ tôi.”

“Đi khám thai hả?”

Sen hốt hoảng chạy khắp nơi, phòng nào cũng nhìn vào. Cuối cùng lại trở ra phòng trực. Có một cô y tá ở đó.

“Chị ơi! Cách đây hơn một tiếng đồng hồ bà xã tôi có đến đây nhận kết quả xét nghiệm máu, không hiểu sao không thấy trở về.”

“Anh ra chợ thử coi.”

Sen chạy ra chợ. Chợ cũng vắng người.

“Trúc ơi!”

Giọng đã khàn đi. Đã sợ hãi. Nỗi sợ trùm xuống, lạnh buốt, làm hai chân anh run rẩy.

“Trúc ơi!”

Sen chạy trở lại xuồng.

“Trúc ơi!”

Đó không còn là tiếng gọi nữa. Đó là tiếng khóc đang dội xuống mặt sông và lan truyền đi theo những con sóng nhỏ.

“Trúc ơi!”

Tiếng gọi yếu dần như lời hấp hối.


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31

Đào Hiếu sinh tại Tây Sơn, tỉnh Bình tại Định. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài: Giữa cơn lốc, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 1978. Một chuyến đi xa, Nxb. Măng Non 1984, Nxb. Trẻ 1994. Qua sông, Nxb. Văn Nghệ 1986. Vùng biển mất tích, Nxb. Đồng Nai 1987. Vượt biển, Nxb. Trẻ 1988, 1995. Vua Mèo, Nxb. Trẻ 1989. Người tình cũ, Nxb. Văn Nghệ 1989. Kẻ tử đạo cuối cùng, Nxb. Trẻ 1989. Thung lũng ảo vọng, Nxb. Trẻ 1989. Hoa dại lang thang, Nxb. Văn Học 1990. Trong vòng tay người khác, Nxb. Tác Phẩm Mới 1990. Kỷ niệm đàn bà, Nxb. Văn Nghệ 1990. Nổi loạn, Nxb. Hội Nhà Văn 1993. Lạc Đường, talawas 2008, Nxb. Giấy Vụn 2008, Nxb. Kim Thư Production USA 2008. Thơ: Đường phố và thềm nhà, Nxb. Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, Nxb. Văn Nghệ 1982. Những bông hồng muộn, Nxb. Trẻ 1999. Tình địch, Nxb. Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài