talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 28.05.2006
Nguyễn Quí ĐứcNgao du
Nguyen Qui Duc
Nguyễn Quí Đức
Ảnh: KQED/Jenny Doll

Lưu vong, hai chữ ấy có ý nghĩa gì với Nguyễn Quí Đức, một trong những nhà văn Mĩ gốc Việt thành thạo cả hai thứ tiếng Việt và Anh, có những thành công được ghi nhận rộng rãi trong giới văn học và truyền thông ở Mĩ? Tác phẩm viết bằng tiếng Việt mới nhất của Nguyễn Quí Đức, truyện ngắn "Ngao du" trong talawas chủ nhật kì này, dẫn chúng ta vào cuộc hành trình lạ lùng của một người đàn ông Việt Nam đứng trước những câu hỏi của cuộc đời lưu vong trong một xã hội xa lạ và đi tìm câu trả lời bằng cách mất tích vào quá khứ u uất của Việt Nam. Lưu vong, là đào thoát hay trở về? Từng cá nhân con người lẻ loi, dẫu đi hay ở, đứng ở đâu trong cái vòng xoay không hề báo trước của lịch sử? Mời bạn đọc cùng chia sẻ.
talawas chủ nhật

Nguyễn Quí Đức

Ngao du

 

Cả tuần, ông Toàn lục đục thay dầu, xiết thắng, chỉnh lại máy xe. Chiếc Toyota màu vàng gụ, đời khá mới, thằng Dũng tặng cho ông lúc ông qua Mỹ được ba tháng. Nó là đứa con đầu.

Buổi chiều mấy đứa con đi làm, đi học về, trời cuối thu, năm sáu giờ đã tối đen. Thấy bố nhọc nhằn với chiếc xe, mấy đứa không nói gì. Chỉ một lần, thằng Cường, bây giờ đổi tên là Cowen, ú ớ mấy chữ xong rồi nói tiếng Anh, bảo ông đem xe đi tiệm cho khoẻ. Nó là đứa con út, sanh được ba tháng thì mẹ mang chạy tản cư sang Mỹ với hai đứa anh và con chị lớn. Lúc đó đóng đồn tại Quảng Trị, ông Toàn bị bắt giải lên Trường Sơn.

Cả đám con ông Toàn cứ nằm lì trong phòng. Nghe nhạc, coi ti-vi, nói chuyện điện thoại liên tu bất tận. Hay là ngồi hàng giờ trước cái máy điện toán. Giờ cơm thì ló đầu ra, nhồm nhoàm mấy món pizza, hamburger hay thịt gà chiên như bầy thú. Mẹ chúng hỏi gì thì chỉ ậm ừ mấy tiếng. Xong rồi chia nhau rửa chén, rồi lại rúc vào phòng. Ông Toàn sống bên cạnh chúng như một bóng ma. Ít nói, lại càng ít cười. Hôm qua thằng Cường thắc mắc tại sao ba sửa xe. Mẹ nó nói, ôi ba làm gì thì ba biết. Mẹ không hiểu được đâu. Bà trả lời tiếng Anh, ông Toàn nghe chữ được chữ không. Ông học tiếng Anh đã được chín tháng, từ ngày qua Mỹ. Nhưng ông đã già, tâm thần mệt nhọc. Học bao nhiêu quên bấy nhiêu. Bạn cũ hỏi, ông cứ cười. Thôi, tôi đi cắt cỏ mà sống. Tiếng Anh, tiếng Mỹ làm gì. Học nhiều quên nhiều, học ít quên ít. Không học không quên.

Cơm nước xong, ông Toàn bỏ xuống dưới phòng kho, giặt áo quần. Thường thì ông ngồi đọc mấy tờ báo xin trong chợ Việt Nam, áo quần chỉ giặt vào ngày cuối tuần. Bà vợ để mặc ông.

Cuối tuần, ông Toàn nấu một nồi phở. Thằng Dũng, bây giờ tên là Don, ăn hai bát. Mấy đứa kia chỉ lấy một tô nhỏ, ăn không hết lại bỏ mứa. Thằng Cường ôm điện thoại, rủ bạn đi ăn tiệm. Con Loan (Lou-Ann) và thằng Tuấn (Tony) cũng đi chơi đến khuya. Ông Toàn ở nhà, vào ra với vợ, nhưng hai người ít nói gì với nhau. Bà Toàn thời con gái tên là Vân, bây giờ đổi là Vanna. Bà Vanna bán địa ốc được tiền lắm, nhưng giờ giấc đòi hỏi. Sáng chúa nhật, bà rủ ông đi thăm bạn, luôn tiện đưa khách đi coi căn nhà. Ông Toàn nói thôi, không đi. Ông nói bà ở nhà với ông có chuyện. Bà trả lời, chuyện gì thì mai mốt hẳn tính, em đã hẹn, phải đi. Ông lại lục đục với chiếc xe. Ngày xưa ông là lính thiết giáp, xe tăng ông còn không ngán, huống gì chiếc Toyota này—trừ mấy bộ phận điện tử tối tân quá thì ông đành bó tay. Xong phần máy móc, ông khuân mấy thùng giấy cho vào thùng xe. Ðồ đạc trong thùng ông mua dần dà từ mấy tuần qua tại mấy cửa tiệm vừa Việt vừa Mỹ.

Tối chúa nhật ai cũng lo đi ngủ sớm. Không ai nói gì với ông, cũng không ai muốn nghe ông nói điều gì. Cuối tuần trôi qua như mọi cuối tuần thông thường.

Sáng thứ hai, mọi người máy móc ra khỏi nhà. Bà Toàn đi làm lúc tám giờ kém. Con Loan, thằng Dũng cũng thế. Một đứa đang tập sự làm bác sĩ, đứa kia vừa ra trường, kỹ sư điện tử. Thằng Cường đi học. Mỗi người một chiếc xe. Ông Toàn qua Mỹ, thấy con cái học hành thành đạt, cũng hả dạ, và biết ơn bà vợ.

Chín giờ sáng ông Toàn cũng lái xe đi. Như mọi hôm, ông rời nhà lúc chín giờ, đến trung tâm huấn luyện sinh ngữ và huấn nghệ lúc chín giờ mười lăm. Lớp học bắt đầu vào chín giờ rưỡi. Người dạy Anh văn đáng tuổi con gái ông, nhưng dầu gì cũng là bậc thầy cô. Còn người dạy ông về nghề điện tử là một anh Mỹ béo phì, vừa giảng bài vừa thở hổn hển như sắp lên cơn đau tim.

Nhưng hôm nay, ông Toàn không đến trường. Ông thảy một cái va-ly nhỏ vào ghế sau, cho xe chạy về phía xa lộ. Buổi chiều bà Toàn về đến nhà thì thằng Cường giao cho bà tờ giấy ông viết bằng tiếng Việt, nó đọc không hiểu. Ông Toàn nhắn là có chuyện cần phải đi xa, xa lắm, nhưng không nói là đi đâu. Ông nói đi không biết bao giờ về. 

Lái xe được hơn ba tiếng, ông Toàn thấy buồn ngủ. Trưa mùa cuối thu có nắng dịu, ông quay kính xuống cho gió lạnh lùa vào, nhưng vẫn không thấy hết cơn buồn ngủ. Ông tấp vào một quán ăn bên đường, một loại nhà hàng nằm khắp nơi cạnh các xa lộ. Ông đậu xe, vào quán uống một ly cà phê. Sau đó ông gọi món ăn. Khi người bồi bàn dọn cho ông đĩa thịt chiên thì ông điềm đạm rút từ trong cái túi nhỏ ra một chai nước mắm, và một cái bao ny-lông đựng mấy trái ớt hiểm. Có ớt, có nước mắm, ông ăn uống ngon lành. Ăn xong, ông xin một ly nước sôi, tự pha cho mình một ly trà cỏ ngọt một người lính cũ của ông mang từ Ðà Lạt qua Mỹ tặng ông.

Ông Toàn lái xe hết một ngày, ở qua đêm tại một khách sạn loại rẻ tiền cạnh xa lộ. Nước Mỹ bát ngát, toàn là xa lộ. Có nơi là những cánh đồng có hàng chục ngàn con bò đủ màu. Ông nghĩ, ước gì mà Việt Nam mình được một phần sự giàu có của nước Mỹ, cho dân bớt đói, cho người ta bớt khổ. Nhưng rồi ông lại nghĩ, lịch sử thăng trầm của người Việt nó như là một thứ số phận kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ đời vua này qua đời vua khác. Giàu sang thật sự thay đổi được số phận con người là bao?

Buổi sáng, ông Toàn rời khách sạn, khởi hành sớm. Cứ vài tiếng lại ghé đâu đó, ăn uống qua loa. Lúc nào cũng một chai nước mắm, một hai trái ớt hiểm, và ly trà cỏ ngọt. Rồi lại lên đường. Tuyệt nhiên không nói chuyện với ai. Quang cảnh hai bên đường lúc đầu cũng làm ông chú ý. Nhưng được chỉ một ngày, còn qua ngày thứ nhì trở đi thì dường như mắt ông mở mà chỉ thấy những cuộn phim chạy bên trong trí óc. Ðôi khi ông âm ỉ một hai câu Kiều, có khi lắc đầu, mếu máo cười mỉm một mình.

Qua ngày thứ ba, ông đến một thành phố lớn. Những vùng đồi núi cây xanh bây giờ đã biến mất. Trước mặt ông và hai bên xa lộ là những toà nhà chọc trời. Xa xa, có một dòng sông. Ông Toàn quyết định ghé vào đây, nghỉ ngơi đôi chút.

Trước tiên, ông vào mướn phòng khách sạn. Áo quần ông vẫn để nguyên trong va-ly, trừ một bộ mặc vào người tươm tất sau khi tắm. Sau đó, ông xem niên giám điện thoại, tìm ra một quán cơm Việt Nam. Ông gọi hỏi đường và lái xe đến tiệm ăn.

Tiệm cơm thanh lịch nằm sát cạnh con sông. Ông Toàn đậu chiếc xe Toyota ở trên dốc đồi, hướng về con sông. Ông tấm tắc nhìn và nhớ đến những dòng sông quê cũ. Sông Hàn ở Ðà Nẵng, sông Thu Bồn ở Hội An, sông Bạch Ðằng ở Sài Gòn, sông Hương ở Huế. Cả con sông Hồng mà ông giữ trong ký ức của một chú bé trước ngày đất nước phân chia... Cơn gió lạnh thổi qua làm ông rùng mình. Ở thành phố này, mùa thu đang ra đi, mùa đông đang hiện hình. Nước sông ở đây chảy mạnh, cuốn xiết, chứ không có vẻ lặng lờ, thơ mộng của những con sông quê nhà. Sông nước thác lũ thế này thì làm sao có được câu hò, câu thơ về những chuyến đò ngược xuôi, đưa người qua bến, đưa tình sang sông... Mà ở Mỹ, có dòng sông nào mang nghĩa chia phôi, như con sông Bến Hải?

Hơn hai mươi năm quân ngũ, bước chân của ông đã lưu lạc ở khắp cùng quê hương. Ông đã từng đưa những đoàn thiết giáp đến nhiều bến, nhiều bờ, chỉ huy các đoàn quân, những trận pháo giày xéo cho quê hương thêm tiêu điều. Bây giờ ông bị cuốn trôi vào dòng đời lưu vong, một dòng đời thác lũ, xa lạ hẳn với cuộc sống ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bây giờ ông phải chống chọi với những dị biệt, những tính tình, thói quen và lối hành xử khó hiểu, khó cho ông chấp nhận, những thứ đã mọc rễ, đâm chồi trong bầy con và người vợ của ông.

Ông Toàn nghĩ ông phải đi quanh nước Mỹ, làm quen với xứ sở này. Một chuyến đi như thế này mới có thể giúp ông vượt qua những khó khăn hiện tại. May ra, ông sẽ còn có một cơ hội chung sống vui vẻ với vợ con.

Nhưng đã nhiều ngày qua, càng đi, ông lại càng cảm thấy lạc lõng, và trong thành phố này, bên cạnh con sông thác lũ này, ông đã phải tìm đến một quán cơm Việt Nam, tìm cái thân quen của mùi rau thơm, bát phở, hay một đĩa cơm sườn ướp sả.

Quán vắng khách, ông Toàn ngồi một mình ở góc, hỏi xin một tờ báo và gọi một tô phở tái. Ông vừa đọc báo vừa chậm rãi ăn phở. Ông không nhìn thấy người đàn ông vừa bước vào cửa.

Người ấy trạc chừng 75, 80 tuổi, tóc thưa và đã bạc hết. Mái tóc ấy vẫn ém sát vào đầu nhưng không còn cái màu đen láng bóng như thuở xưa nữa. Khuôn mặt cũng có vẻ thon gọn hơn.

Người đàn ông đảo hai con mắt đen láy một vòng quanh tiệm ăn và chợt nhận ra ông Toàn. Ủa, chú Toàn, người đàn ông nói. Ở đâu ra mà ngồi đây?

Ông Toàn ngẩng đầu, há hốc mồm.

Khi người đàn ông tiến đến phía ông Toàn, ông vội đứng dậy. Ông nói được hai chữ. Tổng thống.

Người đàn ông đưa hai tay chụp lấy bờ vai ông Toàn. Chú cũng qua đây hả? Qua đây hồi nào?

Dạ, thưa tổng thống, em mới qua.

Người đàn ông làm một cử chỉ gạt bỏ lời nói của ông Toàn. Ðừng nói vậy. Nguyễn Văn Thiệu có còn là tổng thống đâu? Cũng tị nạn như các anh em, như chú thôi. HO hả? Ngồi, ngồi đây.

Hai người cùng ngồi xuống. Ông Thiệu quay người nói với người chủ quán đứng sau quầy, mang thêm tô phở nữa đi. Trở lại với ông Toàn, ông Thiệu hỏi thăm sức khoẻ và chuyện định cư ở Mỹ, rồi lắc đầu nghe chuyện học tập cải tạo. Họ nhắc đến tên một số người cùng đi lính với họ thuở xa xưa. Lúc người chủ quán mang tô phở ra bàn, hai người bàn về thế sự, và tình hình Việt Nam. Hình như ông Thiệu nói nhiều hơn, còn ông Toàn chỉ trả lời những câu hỏi.

Ðến khi uống những ngụm trà cuối cùng thì ông Thiệu có vẻ mệt mỏi. Ông không còn phê phán đám cầm quyền hiện thời ở Việt Nam nữa. Ông trầm giọng, uổng quá. Hồi đó mà có chú ở Ban Mê Thuột. Thất lạc tin tức, tôi nghi là chú bị bắt ở Quảng Trị mất rồi. Bây giờ ai cũng phê phán là hồi đó tôi ra lịnh bậy bạ.

Ông Thiệu khua tay. Làm sao được? Hồi đó không có ai cáng đáng được chuyện gì hết. Cái gì cũng phải chờ đến tôi ra lịnh.

Ông Toàn cúi đầu, nhìn vào chén trà như thử ở trong đó chứa đựng một thứ ánh sáng soi rõ được chuyện thời xưa. Một lát, ông nói, em hỏi anh một câu. Bây giờ nhìn lại thì anh muốn thấy lịch sử ghi chép vai trò của anh như thế nào?

Thôi, ông Thiệu nói. Nói chuyện lịch sử làm gì, to lớn quá. Tôi đã làm hết sức rồi. Mất nước hay không cũng là số phận của cả nước, của toàn dân. Mà nói chú đừng nghĩ sai, chứ không có chuyện tháng Tư năm 75 thì làm gì có cả hàng triệu người Việt mình ở đây? Thôi, tôi đi về đây.

Hai người trả tiền cho người chủ quán rồi cùng nhau bước ra cửa quán ăn.

Ông Toàn lẩm bẩm, một triệu rưỡi người Việt ở Mỹ.

Ông Thiệu bật cười. Ừ, một triệu rưỡi người. Phải lo công ăn việc làm, không biết rồi có làm gì được cho đất nước hay không. Nhưng mà người mình giỏi lắm nghe. Ai cũng làm ăn lớn nhỏ, con cái học hành đỗ đạt.

Ông Toàn ngẫm nghĩ, còn bao nhiêu là người ở bên quê nhà, sống lầm than. Nhưng ông chỉ nuốt nước bọt, không nói gì với ông Thiệu. Ông theo ông Thiệu ra xe, một chiếc Jaguar màu xám đậm, đậu ngay sau lưng chiếc Toyota màu vàng của ông Toàn.

Ông Thiệu vào xe, đóng cửa. Rồi ông quay kính xuống. Ông nói, thôi mừng cho chú. Làm sao cố gắng đi. Nuôi cho con ăn học, mà đừng để tụi nó mang tài sức đóng góp cho cái xứ Mỹ này. Mình qua đây để còn có ngày lo cho đất nước, chứ có phải để góp công cho thằng Mỹ làm giàu đâu, phải không?

Ông Toàn cười không trả lời mà chỉ nói lời chào rồi cũng vào xe. Vừa đúng lúc đó thì ông Thiệu gài số, sẩy tay. Chiếc Jaguar màu tro lao vụt vào phía trước, tông nhằm chiếc xe ông Toàn.

Chiếc Toyota vừa được ông Toàn thả thắng tay, lao xuống con dốc ngắn.

Ý nghĩ duy nhất vụt thoáng qua trong đầu ông Toàn là câu nói của người tổng thống thời cũ. Nuôi cho con ăn học, mà đừng để tụi nó mang tài sức đóng góp cho cái xứ Mỹ này.

Ðó là ý nghĩ cuối cùng của ông Toàn trước khi chiếc xe của ông rơi ào xuống sông, chìm vào dòng nước cuồn cuộn.

Lúc ấy, thời tiết của Mỹ đã là thời tiết đầu mùa đông. Dòng nước dưới sông chảy xiết, chảy xiết như dòng thời gian vô tình không biết dừng chân.

*

Cả mùa đông năm đó, bà Vân – Vanna - và các con trông ngóng tin tức ông Toàn. Họ tìm đến các bạn bè thân quen, các trung tâm huấn nghệ, rồi các hội đoàn HO khắp nơi trên nước Mỹ. Họ ra vào các bót cảnh sát, nói chuyện hàng giờ với các nhân viên thông tin thuộc các bịnh viện. Có lúc họ cũng đã vào một nhà xác khi được báo tin về một người đàn ông Á đông chết không tông tích.

Có khi bà Vân tin rằng ông đã theo một cô gái nào, hay là một người vợ lẽ, dan díu từ Việt Nam trong những năm bà cực nhọc, tứ cố vô thân với bầy con dại ở xứ người. Có khi bà cũng nghĩ phải lập bàn thờ cúng tế cho ông, nhưng chọn ngày nào làm ngày giỗ? Rồi bà cũng nghĩ, phải nuôi hy vọng. Chắc rồi ông sẽ trở về. Ở Mỹ này thiếu gì người mang bịnh tâm thần, làm những điều không ai hiểu nổi. Ông Toàn lại là người lính chiến, bị tù bị tội bao nhiêu năm. Ðôi khi coi ti-vi có tin người nào nổi điên, nổ súng ở quán hàng, bưu điện, bà Vanna thấy hồi hộp, ớn lạnh trong lòng. Có khi điện thoại reng vào lúc hơi khuya, bà cũng thấy nhức tim.

Bà Vân và những đứa con phấp phỏng trông ngóng. Mùa đông trôi qua, mùa xuân sáng sủa quay về với những chùm hoa anh đào ở những con phố gần nhà. Nhưng ông Toàn vẫn bặt âm vô tín.

*

Người tổng thống cộng hoà cũ cũng trải qua một mùa đông khá ảm đạm.

Hôm đó, ông chưng hửng nhìn thấy chiếc xe ông Toàn tụt dốc, rơi xuống sông. Ông cũng hấp tấp xuống xe, chạy đến bên bờ sông. Dòng nước chảy xiết, bóng dáng chiếc Toyota biến tan mau chóng.

Ông Thiệu cuống quýt trong vài giây đồng hồ. Gọi cảnh sát cứu cấp hay không? Nên ở lại hay bỏ đi? Tâm trạng ông tương tự như thời xa xăm. Quảng Trị. Ban Mê Thuột. Trách nhiệm. Nha Trang. An Lộc. Trách nhiệm. Lịch sử.

Chỉ có điều lần này không ai bỏ rơi ông. Ông bỏ số xe lầm lỡ. Ðời người sao nhiều tai ương. Ðịnh mệnh và số phận của bao nhiêu người khác sao cứ nằm trong bàn tay của mình?

Cuối cùng thì ông Thiệu quay về chiếc xe của mình và rời con dốc.

Từ đó về sau, ông không hề đến ăn cơm ở tiệm ăn định mệnh đó nữa.

Và ông cũng không đến hội họp với các bạn bè, lính chiến cũ nữa.

Lúc nào có những người thân cận ngày xưa gọi điện thoại đến thăm, ông ậm ừ nói chuyện, nhưng tuyệt đối không đưa ra lời khuyên nhủ nào.

*

Ông Toàn ngồi bó tay trong chiếc Toyota. Bên ngoài là khối nước cuồn cuộn.

Chiếc Toyota nhào lộn. Ông Toàn chợt nghĩ, mình là lính thiết giáp, bây giờ lại bỏ thân xác dưới dòng sông, giống như một người thuỷ thủ.

Chiếc Toyota tiếp tục nhào lộn trong dòng nước. Ông Toàn nhắm nghiền mắt. Và trong đầu lại loé lên một ý nghĩ. Mình là HO. Qua Mỹ diện đoàn tụ, không phải lao đao như hàng trăm ngàn người vượt biên. Mà giờ đây lại phải nhào lộn với nước sông. Nhưng mà thôi, chỉ tiếc là làm tốn mất của thằng Dũng chiếc Toyota đời khá mới. Chứ còn ra đi như thế nào thì cũng là ra đi. Ra đi trong dòng thác lũ cũng chỉ là một sự ra đi.

Ðúng lúc đó, ông Toàn nghe thấy tiếng la lớn.

Cơn hồng thuỷ! Cơn thác lũ, cậu nghe chưa? Không có chi khác, ngoài cơn hồng thuỷ!

Tiếng la mỗi lúc mỗi lớn. Ông Toàn mở mắt, nhìn lờ mờ qua màn kính xe còn đầy nước đục. Trước mặt chiếc xe là bóng dáng một người có vẻ vuông vức, thấp người, nhưng lại mặc một bộ đồ com-lê Tây, màu trắng, rất uy nghi.

Người này dần dần hiện rõ ra trước đôi mắt ông Toàn. Ông Toàn lúc đó hành xử theo bản năng. Ông đạp thắng, đổi số và kéo thắng tay. Rồi ông mở cửa bước xuống xe. Chiếc Toyota đã được kéo khỏi dòng nước từ lúc nào.

Ông Toàn cúi nhìn những bướp chân chập chững của mình trên thảm cỏ. Rồi ông lại ngẩng đầu. Lại há hốc mồm.

Người đàn ông trong bộ đồ trắng giữ nguyên vị trí trên thềm nhà. Mà đây không phải là một căn nhà bình thường.

Ông Toàn kinh ngạc nhận thấy mình đang đứng ở ngưỡng cửa Dinh Gia Long, ngay giữa một ngày oi bức của Sài Gòn. Sau lưng ông, chiếc xe Toyota nằm trên bãi cỏ, những giọt nước sông đọng lại, lóng lánh dưới ánh mặt trời.

Người đàn ông mặc bộ đồ trắng giữ một tay sau lưng, một tay chỉ lên trời, vẻ dạy bảo. Ðôi mắt người đàn ông đầy giận dữ.

Ông lại la lớn. Cậu nghe rõ chưa?

Ông Toàn nói được bốn chữ. Dạ, kính tổng thống.

Người đàn ông quay người bước ba bước về phía trái, rồi lại quay lại bước ba bước về phía phải. Rồi lại la lớn. Ngô Ðình Diệm không bao giờ nói điều gì sai! Cậu nghe rõ chưa?

Ông Toàn đứng bất động trước cơn thịnh nộ của vị tổng thống đệ nhất cộng hoà.

Vị tổng thống vụt quay lại, nhìn thẳng vào mặt ông Toàn.

Ta nói cho cậu nghe: sau ta là cơn hồng thuỷ!

Ông Diệm nhấn mạnh từng chữ một. Cơn hồng thuỷ!

Sau ta là cơn hồng thuỷ! Après moi, le déluge! Cơn thác lũ! Một khi Ngô Ðình Diệm đã ra đi, chúng bây chỉ sẽ là dòng thác lũ, phá vỡ tất cả! Chúng bây sẽ cuốn trôi mọi điều ta đã gây dựng trong suốt cuộc đời. Chúng bây là bầy quỹ!

Ông Toàn vẫn bất động.

Ông Diệm chỉ một ngón tay vào mặt ông Toàn. Về mà nói lại cho bầy lũ tụi bây nghe. Ngô Ðình Diệm nói không sai! Sau ta là thác lũ, là đồ hại dân hại nước.

Vị tổng thống đệ nhất cộng hoà khoát tay. Thôi, đi đi! Mang quân lính và xe tăng thiết giáp mà bố trí chung quanh Dinh. Không có lịnh của ta thì chớ có rục rịch!

Ông Toàn không chủ động được trí óc mình. Ông có cảm tưởng mình đã thoát ra khỏi thể xác, đang tự mình nhìn vào con người của mình. Ông thấy mình đưa tay chào tổng thống theo kiểu nhà binh, dậm chân, rồi quay người bước lui.

Trời Sài Gòn oi bức, ánh nắng đổ xuống, chiếu rõ cái bóng đen của ông Toàn trên thảm cỏ xanh.

Ông Toàn thấy mình vẫy một cánh tay như một hiệu lịnh cho những binh lính vô hình đâu đó chung quanh. Rồi ông thấy mình lái chiếc Toyota ra khỏi Dinh Gia Long. Chiếc xe chạy chậm rãi một đoạn rồi dừng lại bên vệ đường.

Ông Toàn xuống xe, mở cửa sau. Ông kéo từ băng ghế sau ra một chiếc ghế xếp bằng vải bố nhà binh. Ông ngồi xuống đó, và đưa tay lên ngực. Ông cầm lấy cặp ống nhòm, đưa lên mắt, quan sát những khu vực chung quanh, con đường dài thẳng tắp, nhà thờ gạch đỏ ở phía xa xa.

Trong khu công viên hiện ra trong ống kính, có những thân cây, phân nửa dưới phết sơn trắng. Ở dưới bóng mát của mỗi gốc cây có dáng một người ngồi xếp bàng, đầu trọc, mắt nhắm lại, một bàn tay đạt trước ngực, bất động.

Một lát ông Toàn đặt ống nhòm xuống, dựa lưng vào chiếc xe Toyota và thiếp ngủ.

Trưa hè không có một ngọn gió. Trưa hè nóng như thiêu đốt. Bầy ve ve không buồn cất tiếng hát.

Ðộ chừng nửa tiếng sau khi thiếp ngủ, ông Toàn cảm thấy ai đó khều nhẹ vào vai. Ông bừng mắt, nhìn về phía bên trái, thấy có một cụ già hơi khòm lưng. Cụ già nhoẻn một nụ cười, vuốt nhẹ chòm râu dài, thưa, bạc trắng.

Cụ già nói, chào ông sĩ quan.

Ông Toàn nhìn cụ già, trông có vẻ quen quen nhưng không tài nào nhận dạng rõ rệt được là ai. Ông Toàn không nói gì.

Cụ già nói, trưa hè oi quá, và úp cả bàn tay lên phần đầu hói, làm như đang vuốt sạch mồ hôi. Ông sĩ quan này,... ừ, mà thế này nhé, quả bác cũng đã lớn tuổi, thôi thì ta cứ bác bác, cháu cháu, cho nó thân thiện nhé...

Ông Toàn vẫn giữ im lặng.

Bác nói thật đấy, bác ngồi đây chờ cháu cũng đã hai tháng rồi, mà cháu ngủ say quá, bác nóng lòng mới thức cháu dậy... Bác biết cháu phải mệt nhọc lắm, trưa hè oi bức như thế này, mà thật, thời buổi này, trai tráng, ai ai cũng phải mệt nhọc, bác nói có đúng không nào... bác xin cháu điếu thuốc thơm nào...

Cụ già chỉ tay vào túi áo ông Toàn. Ông cho tay sờ vào túi áo, thấy vật gì cộm cộm, móc ra thì quả thật là một bao thuốc lá Ruby đỏ. Ông Toàn sực nhớ mình đã bỏ thuốc từ sau khi bị đưa vào trại giam trên Trường Sơn, nay sao lại có bao thuốc quân tiếp vụ này. Ông rút một điếu trao cho cụ già rồi cho bao thuốc vào túi áo.

Không nói dối gì cháu, bác đang có ý nhờ cháu một tị. Cụ già đốt điếu thuốc với những ngón tay xương xẩu. Ông phì một làn khói. Quả là bác gặp lúc khó khăn. Giặc ta, giặc Tây, mấy thằng nó đánh nó đuổi, khổ sở hết sức.

Cụ già lại kéo một hơi thuốc. Thơm thật. Ngày trước bác còn được hút các thứ thuốc thơm như thế này, lúc mà bác ở bên Tây ấy. Này, bác biết cháu sắp mang xe, mang quân ra miền Trung. Ðừng buồn, chúng nó báo cho bác biết hết... Cháu cứ yên tâm, rồi cháu sẽ không hề hấn thế nào cả.

Ông Toàn nhìn quanh, không thấy bóng dáng những người lính của mình.

Chúng bỏ chạy hết cả rồi. Thằng tuỳ viên của cháu nó đi theo đám bên kia, nó mang đơn vị xuống Thủ Ðức đó. Bác biết. Mà thôi, không sao đâu. Bác cháu ta cứ lên đường.

Ông Toàn đưa mắt nhìn ông già.

Còn nhìn bác làm sao nữa? Bác không đi với cháu thì ai chỉ đường cho cháu? Mà bác đi loạng choạng một mình, có mà bị bắt vào tù. Bác sợ tù. Sợ lắm. Còn như bây giờ, bác nằm vùng như thế này, không đi nhờ với cháu thì còn gì là mưu mô xảo quyệt?

Cụ già lại cầm hờ những sợi râu thưa thớt. Bác nói cho cháu nghe, cháu không đi ngay bây giờ, không khéo chính cả cháu cũng vào tù đấy. Thời buổi này khó mà lường được. Biết tin ai bây giờ. Ta cứ lên đường, bác đi với cháu. Sau này còn thưởng công cho cháu. Công lớn lắm đấy.

Ông Toàn lại thấy dường như mình không chủ động được trí óc của mình. Hết người này đến người kia nói năng đủ điều, khuyên bảo, sai khiến, nhờ vả. Mọi thứ ông đều làm theo, đúng là một thân phận nổi trôi. Ông thấy thể xác mình đứng lên, mở cửa ngồi vào xe. Cụ già cũng nhanh chân vòng sang phía bên kia, mở cửa, ngồi vào ghế phụ lái phía trước.

Chiếc Toyota từ từ tiến khỏi khu vực dinh thự đúng lúc từ trên bầu trời chói nắng, tiếng gầm rú của một chiếc phản lực cơ làm át tiếng máy xe, tiếng cười sang sảng của cụ già.

Chiếc phản lực cơ bay thật thấp. Rồi đùng một cái, chiếc máy bay lao xuống Dinh Gia Long, phóng một trái phi tiêu nổ ầm. Lửa phực cháy đỏ rực, gây ấn tượng thiêu đốt nóng bỏng.

Ông Toàn nhìn quanh, thấy những bóng người lúc nãy ngồi dưới những gốc cây. Tất cả đều vùng dậy, chạy tán loạn. Những ông sư. Những ông sư chạy tán loạn, những chiếc áo cà sa bay bổng như những cánh bướm.

Cụ già nói gì bên tai, ông Toàn nghe chữ được, chữ mất. Bác đã dặn... quyết tâm... chúng... việc gì... bỏ chạy... lập trường... tư cách... xin cháu... thuốc thơm...

Cụ già khều tay vào vai ông Toàn. Ông máy móc rút thuốc, trao cả bao cho cụ già. Lúc đó chiếc máy bay đã bay xa. Ông Toàn nghe lời cụ già rõ chữ. Sau này có đứa sẽ làm lớn trong đảng. Sao cái gì bác cũng biết cả nhỉ?

Ông Toàn chưa hiểu hết câu nói của cụ già, lại phải hốt hoảng vì con đường trước mặt bỗng dưng tràn đầy những người là người. Người ta chạy tứ phía. Xe đạp, xích lô rần rần.

Một chiếc xe thiết giáp đột ngột từ một ngõ đường quẹo vào ngay trước mũi xe Toyota. Người lính thiết giáp tiến gần cúi khom người và chĩa nòng súng vào mặt ông Toàn. Cụ già hốt hoảng cúi đầu, co hai đầu gối lên tận trán.

Ðột dưng người lính nói một lời gì rồi đưa tay lên chào ông Toàn. Người lính phất tay, ra hiệu mọi người tránh đường cho ông Toàn đi. Ông quay xe, vòng ra phía trước ngôi nhà thờ gạch đỏ.

Người lính lại cúi khom người nhìn vào trong xe, chợt nhận thấy cụ già. Người lính thổi còi, bắn một tràng đạn chỉ thiên.

Ông Toàn đạp ga, chiếc xe lao tới trước mặt, leo lên một bờ lề. Chạy như thế được một đoạn, ông Toàn lấy lại được bình tĩnh, tiếp tục hướng về một khu phố ông cảm thấy thân quen, nhưng bây giờ con đường này lại mang tên Catinat.

Ông Toàn buột miệng, Tây nó về hả bác?

Cụ già gật đầu. Ừ, thì nó thua nó phải rút về ngay ấy chứ. Nó bị Giáp nó đánh cho một trận nhừ tử. Có thế chú Ðồng mới ăn mới nói hùng hổ đến thế ở Giơ Neo. Cháu có hút một điếu với bác không?

Ông Toàn lắc đầu, cắm cúi lái xe. Những đoàn người rời rạc vẫn dắt nhau chạy ngược xuôi trên con phố.

Cụ già lại cười mỉm. Thế mà cú ấy, các anh em trong này chơi khăm đấy. Không ký hiệp định thì làm gì bác nói chuyện bầu cử, trưng cầu dân ý được. Lại phải đánh nhau tơi bời. Nhưng ấy là mưu lược hay. Bác thích ai mưu lược hay. Chú Giáp cũng thế. Mưu mô lắm đấy. Thế nhưng chú ấy không biết tề gia.

Chiếc Toyota bỏ khu phố, chạy đến bến Chương Dương. Vừa trông thấy dòng sông, ông Toàn đã giật thót mình.

Cụ già nói, này cháu có yêu nước không? Bác yêu nước lắm. Bác lênh đênh trên chiếc thương thuyền ngày trước, sang đến tận bên Tây. Lúc nào bác cũng kiếm cớ ra đứng trên boong tàu, nhìn xuống dòng nước. Thích làm sao. Các anh em trong này sông ngòi nhiều, chắc cũng yêu nước như thế.

Ông Toàn giữ chặt tay lái chiếc Toyota, tránh những đám đông, tránh nhìn dòng nước. Ông quyết định không nghe thêm những lời vô bổ của người hành khách râu bạc.

Chiếc Toyota ra khỏi thành phố, chạy phăng phăng trên quốc lộ Một về hướng bắc.

Ðến ngày thứ ba thì hai người ra đến Quãng Ngãi. Họ không có ý dừng lại đây, nhưng đang chạy trên con đường hai bên là ruộng lúa, họ bỗng nghe súng ở đâu nổ vang trời. Ông Toàn dừng xe, và cụ già theo ông đi vào một ngôi làng.

Ở đó, họ thấy hàng trăm xác chết ngổn ngang. Xác nguời già. Xác con nít. Máu me be bét. Thi thể la liệt.

Ông Toàn nôn mửa. Cụ già lắc đầu. Ðây là Mỹ Lai đây. Rồi xem. Thằng Mỹ sẽ trả giá đắt về vụ này. Chết ngần ấy người thì không thấm vào đâu. Ngày trước bác cho cải cách ruộng đất, chết còn lắm người hơn thế này nhiều. Nhưng thằng Mỹ sẽ không ém nhẹm được vụ này. Nó sẽ là một đòn tâm lý nặng.

Ông Toàn sửng sốt nghe những lời nói lạnh như nhát dao của cụ già.

Ông quyết định lên xe, rời bỏ ngôi làng oan khiên, rời bỏ ông già.

Cụ già nói, thôi từ đây, bác lên đường mòn mà đi cũng được. Chỉ sợ bị trúng bom. Này, cho bác gởi ít tiền. Gọi là tiền xăng nhớt. Chứ cháu làm việc không công, đưa bác đi từ trong ấy ra đến đây như vậy lại bị đưa ra toà án quân sự đấy. Bác gởi ít tiền chứ chính sách không cho bác vay mượn công lao nhân dân đâu. Cháu không lấy, bác cứ bỏ vào xe như thế này nhé.

Ông già đặt lên ghế xe mấy đồng tiền lẻ, in hình Hồ Chí Minh.

Lúc đó là bốn giờ chiều. Trời đất nổi cơn giông bão. Mưa gió vụt lên ào ào, thổi bay những đồng tiền giấy.

Ông Toàn vừa lái đi được một đoạn thì gặp phải một khúc đường bùn lầy đất lở. Chiếc xe trượt bánh, lăn xuống một thửa ruộng, lật úp. Bốn bánh xe Toyota nằm chổng lên trời. Ông Toàn đập đầu vào tay lái, bất tỉnh.

Tiếng cuốc xẻng, hò reo càng lúc càng nghe rõ hơn. Chiếc xe lay động dưới những bàn tay của dân làng và binh lính.

Ông Toàn tỉnh dậy nhìn ra ngoài một lúc mới biết người ta đang cột những sợi dây thừng vào những bộ phận dưới gầm xe. Dường như không ai biết có ông nằm trong xe.

Ông Toàn vặn vẹo thân hình, nhìn quanh những cửa kính.

Voi. Một đàn voi. Vậy là dân làng đang dùng voi, kéo xe ông khỏi thửa ruộng.

Ðàn voi gầm lên những tiếng rú quái dị và kéo chiếc xe lăn lộn.

Ông Toàn nhào lộn trong xe, lại ngã ra bất tỉnh.

Lúc ông tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên một chiếc chõng tre.

Một người đàn ông ăn mặc chiến bào như một vị quan võ trong phim bộ Hồng Kông nói lớn tiếng. A, nhà ngươi đã tỉnh dậy! Ta chờ đã ba năm mà ngươi cứ li bì. Cơ thể thế nào?

Ông Toàn cố gắng trả lời nhưng cổ họng ông khô đét. Ông không nói lên được một lời nào.

Người đàn ông mặc áo quan ra lịnh cho một người nào đó đổ nước vào miệng ông Toàn. Rồi ông nói, mau mau đi. Ngươi tỉnh dậy đúng lúc. Ðúng là Trời đã thuận ý cho ta tiến quân. Chúng ta sẽ khởi hành đúng vào giờ Tý hôm nay. Bổn phận của nhà ngươi sẽ là chuyên chở hoàng đế! Quản tượng, xà ích, ngươi muốn xưng danh thế nào thì xưng. Bắc tiến!

Chiếc Toyota hoá thành cỗ xe đưa hoàng đế Quang Trung ra Bắc trong cuộc viễn chinh đánh đuổi giặc Thanh. Tài xế của hoàng đế Quang Trung là cựu sĩ quan thiết giáp Trần Toàn. Xe khởi hành vào lúc nửa đêm ngày đầu tháng giêng năm Kỷ Dậu.

Ðêm hôm đó gần Tết, trời không có trăng. Ông Toàn bật đèn pha, phóng vùn vụt trên quốc lộ một, chỉ một ngày sau là đưa vị đại hoàng đế ra đến thành Thăng Long. Ngựa voi bám sát chiếc Toyota, đoàn quân đánh úp binh lính của giặc, chiến thắng vẻ vang.

Buồn thay cho ông Toàn. Người sĩ quan thiết giáp đầy kinh nghiệm chiến trường không được tham gia trận chiến lịch sử này. Ông cũng không chứng kiến được trận đánh đó.

Ông Toàn bị vua Quang Trung chém đứt đầu ngay phút đầu tiên khi chiếc xe Toyota vừa vào đến thành Thăng Long.

Khi đến nơi, ông Toàn ngẫm nghĩ trong đầu. Vậy mà lịch sử ghi công vị hoàng đế mở cuộc tiến quân chớp nhoáng và bất ngờ. Sự thật thì cái vận tốc Bắc tiến khốc thần này là nhờ ở chiếc xe Toyota.

Lúc đó, hoàng đế Quang Trung ngồi ở băng ghế sau, nhìn vào gáy ông Toàn. Vị hoàng đế đọc được ý nghĩ xúc phạm lịch sử của ông Toàn, mặc dù ông Toàn không nói nên lời.

Quang Trung rút kiếm, vung tay chém đứt đầu người tài xế về tội sai láo với lịch sử.

Thế nhưng lịch sử vẫn tốt lòng với người không thật sự có tà ý.

Sau khi trút hết cơn giận của mình, Quang Trung cho lính chôn cất ông Toàn với đầy đủ lễ nghi dành cho một vị quan có công lớn với triều đình.

Sau này khi cộng sản sụp đổ, người ta hay tưởng lầm bức tượng đồng của một người không có đầu là bức tượng của Lenin, bị dân chúng cột giây kéo sập.

Thật ra đó là bức tượng tưởng niệm nguời sĩ quan thiết giáp có công mà lại mất đầu với hoàng đế Quang Trung.

*

Hơn mười năm sau khi ông Toàn mất tích, bà Vân - Vanna Thi Nguyen - lúc này đã già, mang đàn con về thăm quê hương.

Thằng Dũng, hoặc là Don, thằng Cường, Cowen, con Loan, tức Lou-Ann và thằng Tuấn, Tony, nay đã là những người trung niên. Họ rủ nhau đưa mẹ, đưa vợ, chồng, con cái đi thăm chùa tháp, núi non, đền thờ, biển sông, hang động. Nói chung là họ thăm viếng rất nhiều danh lam thắng cảnh.

Riêng tại Hà Nội, thành Thăng Long ngày trước, họ có được đến xem một nơi rất đặc biệt, nhưng họ không biết đấy là một nơi có liên hệ mật thiết đến cuộc đời côi cút của họ, và đến cuộc đời nổi trôi của người bố trong gia đình.

Nơi họ đến xem là một phòng triển lãm, cửa kính rộng lớn bốn bề. Bên trong là những cỗ xe sáng loáng, mới tinh.

Bên ngoài là một bức tường đá đen, có hàng chữ bằng đồng: Toyota Central Dealership, Việt Nam.

Hàng ngày, một người công nhân vẫn dùng thuốc và giẻ sạch đánh bóng hàng chữ bằng đồng này.

Ở giữa sân, thằng Dũng đứng ngắm chiếc xe Toyota màu vàng gụ, quay tròn trên một bệ đá.

Chiếc xe đã cũ kỹ lắm, và thằng Dũng nay cũng đã là một người đàn ông trung niên. Ðôi mắt người đàn ông trung niên vẫn còn tốt, lơ đãng nhìn chiếc xe màu vàng gụ mà không nhận đấy chính là chiếc xe của mình thời trai trẻ ở Mỹ, chiếc xe đã mang người bố của mình trôi sông, mất tích vào quá khứ u uất của đất nước.

© 2006 talawas

Nguyễn Quí Đức sinh tại Đà Lạt, tốt nghiệp đại học ngành truyền thông tại San Francisco. Sau thời gian dạy học tại Indonesia vào đầu thập niên 1980, anh làm việc 2 năm cho Vụ Viễn đông của đài BBC tại London, rồi về Mỹ sinh hoạt trong ngành truyền thông, cộng tác với đài phát thanh công cộng KALW và viết bài cho các báo San Francisco Examiner, Asian Wall Street Journal Weekly, Los Angeles Times, San Jose Mercury News, v.v… Anh cũng làm xã luận viên cho hệ thống phát thanh toàn quốc National Public Radio (NPR), được giải xuất sắc của Hiệp hội Báo chí Hải ngoại tại Hoa Kỳ (Overseas Press Club of America) sau khi về Việt Nam thực hiện các bài phóng sự năm 1989. Sau một thời gian cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông phục vụ cho người Việt và các cộng đồng thiểu số tại New York, Texas và California, anh về San Francisco làm chủ biên và người dẫn tin trong chương trình Pacific Time, một chương trình phát thanh toàn Hoa Kỳ chuyên về Á châu. Năm 2001 anh được cơ quan truyền thông “A Media” chọn vào danh sách “25 Người Mỹ gốc Á đáng chú ý nhất”.

Nguyễn Quí Đức là tác giả cuốn hồi ký Where the Ashes Are (Addison-Wesley, 1994), ̣đồng chủ biên hai tuyển tập Vietnam: A Travelers’ Literary Companion (Whereabouts Press) và Once Upon A Dream (Andrew & McMeel). Anh là dịch giả cuốn Behind the Red Mist ̣(Hồ Anh Thái) và The Time Tree (Hữu Thỉnh), giải chung kết Dịch thuật năm 2003 của Hiệp hội Phê bình Văn học tiểu bang California. Các truyện và thơ anh dịch của nhiều nhà văn, thơ trong và ngoài nước như Phùng Nguyễn, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bá Trạc, Mai Kim Ngọc, Trịnh Công Sơn, v.v… được đăng tải trên nhiều tạp chí và tuyển tập văn nghệ như Zyzzyva, Manoa Journal, Watermark, v.v… Các sáng tác của anh đã được đăng tải trên Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Under Western Eyes, Vestiges of War, Manoa Journal, Salamander… Đầu thập niên 1990 anh là sáng lập viên nhóm văn bút Ink & Blood, khuyến khích đối thoại trong và ngoài nước giữa các văn nghệ sĩ nhiều thế hệ, tổ chức nhiều buổi nói chuyện, trưng bày tranh, chiếu phim, giới thiệu sách và tác phẩm, và dựng vở kịch A Soldier Named Tony, soạn theo truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Năm 1995, anh được mời làm nghệ sĩ thường trú tại Trung tâm Nghệ thuật Villa Montalvo. Gần đây nhất, năm 2005, phóng sự truyền hình China: Shanghai Nights của anh, thực hiện cho FrontlineWorld/ thuộc hệ thống truyền thông Public Broadcasting Service (PBS), được chung giải Edward R. Murrow Award for Best TV Interpretation or Documentary on International Affairs cũng của Hiệp hội Báo chí Hải ngoại tại Hoa Kỳ, và anh được tặng giải chuyên nghiệp của phân khoa xã hội học trường đại học UC Berkeley và Quỹ Alexander Gerbode Foundation.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài