talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 17.07.2008


Đào HiếuLạc đường


Dao Hieu
Đào Hiếu

“Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi ‘nhĩ thuận’ nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.”

Đó là những lời ở chương cuối, mang tên Một đời không bến bờ, trong cuốn tự truyện mang tên Lạc đường của một người từng tích cực góp phần trong những chặng đường quan trọng của dân tộc Việt Nam gần nửa thế kỉ qua: phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, Việt Nam sau chiến tranh, Việt Nam đổi mới và sau đổi mới, ở vị trí của một nhà báo và nhà văn làm việc lâu năm tại hai cơ quan truyền thông hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh – báo Tuổi Trẻ và Nxb Trẻ. talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu tác phẩm vừa hoàn thành này của nhà văn Đào Hiếu.

talawas chủ nhật

 

Đào Hiếu

Lạc đường

(Tự truyện)

Mục lục

  1. Bayle và anh Việt cộng chịu chơi
  2. Huế, những cây vả và sương mù
  3. Những ánh lửa đốt đồng
  4. Trận đánh không được báo trước
  5. Vụ Huỳnh Tấn Mẫm
  6. Từ nhà tù đến trại tập trung
  7. Con nhện và Sisyphe
  8. Đại đội 22 trinh sát
  9. Mẹ tôi
  10. Trí thức nằm vùng
  11. Cô “Múa Đẹp” của Kôngpông Thom
  12. Tiếng leng keng của tàu điện
  13. Chút quà tặng của mùa Đông
  14. Chú mọi nhỏ của Dã Nhân
  15. Thế giới đang bốc mùi
  16. Những cộng tác viên của tôi
  17. Những chiếc lá rơi vào bụi hồng
  18. Lời thú tội của một sát thủ
  19. Đến Mỹ một lần rồi chết
  20. Chia tay
  21. Những con chó rơm của Khổng Tử
  22. Linh hồn của chuyến công tác
  23. Con cá voi trong ly nước
  24. Cuộc hội ngộ ở Saint Petersburg
  25. Cha tôi
  26. Nhìn đâu cũng thấy núi
  27. Sát thủ, gái điếm và đĩ đực
  28. Bỉ quân tử hề!
  29. Con chim sẻ cuối cùng ở Hàng Châu
  30. Một đời không bến bờ


1 - 5 6 - 10 11 - 15 16 - 21 22 - 30


22. Linh hồn của chuyến công tác

Tôi không thích gã, chẳng phải vì gã lầm lì, xa cách nhưng vì gã quá keo kiệt.

Đoàn có bốn người: một bà giám đốc nhà xuất bản, một cán bộ ngoại giao đã về hưu, tôi và gã. Gã được giới thiệu là một quan chức cao cấp của ngành phát hành sách. Như vậy gã đâu có thiếu tiền. Có thể nói gã là người giàu nhất trong đoàn. Vậy mà trong suốt chuyến đi gã gần như không ăn sáng, chỉ uống một ly cà phê nhỏ. Trong các bữa ăn chung tại phi trường hoặc suốt tuần lễ lang thang ở Seoul gã thường từ chối các lời mời mọc nhậu nhẹt, kẹt lắm thì cũng ngồi chơi, uống một chai nước suối nhỏ, ăn một cái bánh mì kẹp chừng một ngàn won (10.000 VNĐ). Hỏi có bị tiểu đường không thì trả lời là không. Tim mạch cũng không, thận rất tốt. Chẳng có gì phải kiêng cữ. Vậy mà ăn nhín nhịn thèm, tiết kiệm từng đồng won, đồng đô la…

Thôi, cứ tạm cho gã là một cán bộ mẫu mực, cần kiệm liêm chính.

30 THÁNG TÁM 2001

Chúng tôi đến Seoul, dạo chơi phong cảnh, ăn kim chi, ăn gà giò hầm sâm. Và đi tàu điện ngầm.

Tại sao tôi lại nhắc đến tàu điện ngầm ở Seoul?

Tàu điện ngầm ở New York thì rộng lớn, “hoành tráng” nhưng cũ. Tàu điện ngầm ở Paris thì ồn ào, rổn rảng, chỉ đáng vứt sọt rác. Tàu điện ngầm ở Bắc Kinh tạo ấn tượng quái đản với những cái giỏ cần xé đan bằng tre to tổ bố để người soát vé ném vé cũ vào đó. Tàu điện ở Hong Kong, Singapore thì tương đối văn minh hiện đại hơn với nhà ga sạch sẽ, hệ thống bán vé và soát vé tự động, tàu điện ngầm ở Moskva từ lâu vẫn là niềm tự hào của nước Nga với những nhà ga rộng lớn, có chạm trổ tranh tượng như ga Kievskaia với vài ba tác phẩm điêu khắc mỹ thuật… nhưng có lẽ công tác bảo quản kém nên đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí nhiều chỗ bị dột nát, nước rỉ từ trần vòm ướt cả lối đi. Tàu điện ngầm Moskva là sự thất vọng lớn nhất khi đến nước Nga. Ngược lại tàu điện ngầm Seoul là sự ngạc nhiên lớn nhất khi đến Hàn Quốc.

Nó lướt đi êm ái trong mơ. Mỗi nhà ga là một khách sạn năm sao lộng lẫy, không đâu có thể rực sáng hơn. Nếu như có một con kiến đi lạc trong sân ga có lẽ chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy nó.

Tàu điện ngầm ở Seoul là một vương quốc dưới lòng đất. Với 600 won (sáu ngàn đồng VN) bạn có thể mua một tấm vé điện tử đi được 15 ga vòng quanh thủ đô Seoul.

Làng truyền thống Hàn Quốc là một nơi khá độc đáo phản ánh phong tục tập quán, nghề nghiệp, trang phục, ẩm thực, luật pháp của xã hội xưa… bằng những mô hình lớn và sinh động như thật.

Nhà cửa trong làng đều lợp bằng tranh, mái dày được xén rất đều, giống hệt những mái tranh của các làng quê miền Trung Việt Nam. Cũng vách đất trộn rơm trét bên ngoài những cái khung bằng tre.

Seoul là một thành phố có nhiều cây ngô đồng và cây bách ở hai bên đường giống như các thành phố ở Trung Quốc.

Những kiến trúc trong hoàng cung cũng tương tự như Cố cung Bắc Kinh nhưng quy mô nhỏ hơn và màu sắc u nhã hơn. Trang phục của vua quan, quý tộc Hàn Quốc cũng trầm hơn, nhã hơn, sang hơn Trung Quốc. Nếu như y phục Trung Quốc chuộng những gam màu đỏ, vàng và xanh lục thì Hàn Quốc thích sự phối màu giữa đen và tím than hoặc đỏ Bordeaux, giữa màu lá úa và trắng, giữa sắc xanh lục và xám tro…

Các triều phục của vua quan không thêu rồng phượng, không đeo kim tuyến, lục lạc, đai ngọc. Đơn giản nhưng sang trọng.

31 THÁNG TÁM 2001

Thăm sứ quán Việt Nam tại Seoul. Đại sứ là bạn cũ của một người trong đoàn, trước đây ông từng làm đại sứ tại Bình Nhưỡng. Đây là một biệt thự rộng lớn và đẹp. Toà nhà do chế độ Việt Nam Cộng hoà để lại. Trong khuôn viên có một Chùa Một Cộtdo Lý Xương Căn - cháu 31 đời của Lý Thái Tổ - xây tặng.

Danh ngôn: Người Trung Quốc thích tạo ra huyền thoại, người Việt Nam thích tạo ra anh hùng còn người Hàn Quốc thích tạo ra bi kịch.

Điều này thể hiện rất rõ trong các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc được chiếu trên truyền hình Việt Nam.

*


Ông quan lớn nọ vẫn thít chặt hầu bao mặc dù cứ vô tư thưởng thức các đặc sản của Seoul do giám đốc nhà xuất bản chi trả. Tôi đi du lịch tự túc vì thế tôi không biết cụ thể công tác phí của những người trong đoàn là bao nhiêu nhưng khi đến Moskva thì những thành viên trong đoàn Hà Nội cho biết là mỗi ngày 70 đô la tiền tiêu vặt.

Riêng gã, quan lớn của một công ty nhà nước đồ sộ như thế thì tiêu chuẩn phải cao hơn nhiều.

Vậy gã tiết kiệm tiền để gởi về cho vợ sao?

NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM 2001

Đến Moskva và ở trong nhà khách của toà đại sứ Việt Nam.

Buổi chiều gã quan lớn tự nhiên đến khều tôi:

"Đi loanh quanh một chút cho biết Moskva chứ."

Tôi ngạc nhiên nhưng thấy nụ cười của gã rất thân thiện, bèn OK. Gã đi với một nhân viên của sứ quán, cùng một cán bộ của đoàn Hà Nội.

Nơi đến là một cái hầm rượu ngầm dưới đất. Chúng tôi ăn thịt cừu nướng, trứng cá caviar và cá hồi xông khói nhắm với rượu vang đỏ. Anh bạn Hà Nội hỏi tôi:

"Trước đây ông có học ở Nga không?"

"Tôi không biết gì về nước Nga cả. Cũng không biết tiếng Nga."

"Nước Nga có nhiều cái hay lắm đấy."

Tôi nói:

"Nước Nga thật vĩ đại."

Gã quan lớn khều tôi:

"Thôi, dẹp ba cái vụ ‘vĩ đại’ đi. Tôi hỏi ông có chịu chơi không?"

Không biết cái gã keo kiệt này muốn gì. Tôi nói:

"Chịu chơi chứ. Nhưng tôi không buôn lậu đâu nhé."

"Ôi giời! Sao ông lại nghĩ vớ vẩn thế?"

"Vậy là chuyện em út?"

Gã nói một cách trang trọng:

"Đúng thế. Đó chính là linh hồn của chuyến công tác này. Đây mới là lúc tiêu tiền nhé. Thế ông còn bao nhiêu?"

"Chừng năm trăm đô."

"Tạm được. Thế này nhé! Tôi sẽ lo cho đồng chí thổ địa ở đây. Còn hai vị chúng ta tự túc. Ăn xong chúng ta đi liền."

Tôi nói:

"Nghe đồn cảnh sát Nga hay trấn lột người Việt. Họ nói người Việt là bánh mì của cảnh sát Nga. Vừa rồi có một người Việt giết vợ, chặt ra thành nhiều mảnh nhỏ bỏ vô bao bố thả xuống sông. Đài truyền hình Nga loan tin đó và bình luận đầy ác ý về người Việt. Vậy các anh không sợ sao?"

"Yên tâm. Chỗ này có bảo kê hết rồi. Cảnh sát Nga sẽ gác cho mình chơi."

Và đúng như thế. Họ cũng mặc sắc phục và đeo súng. Các cô gái tóc vàng còn rất trẻ, tuổi từ 15 đến 22 da trắng, mắt xanh. Những nàng Ludmila, Natasha… được giới thiệu là sinh viên đại học. Họ nói tiếng Anh khá trôi chảy nhưng khi hỏi họ về Dos hay Tolstoy thì không cô nào biết cả. Các cô uống bia rất cừ và bia thật là ngon. Đến Nga có lẽ chỉ nên uống bia tươi, từ trong thùng rót ra cái ly vại lớn. Hồi ở Dresden bên Đức, tôi từng uống những loại bia ngon nhất thế giới, nhưng cũng không bằng Nga.

Đấm bóp cho bạn là đàn ông, nhưng những cô Ludmila sẽ tiếp bạn trên giường. Tất cả đều trống trải, không cần cửa nẻo!

Vì tôi xài tiền túi của mình nên chỉ đến đó có một lần. Còn gã thì khác. Những ngày sau đó gã biến mất. Suốt một tuần lễ không hề thấy mặt. Không ai biết rằng gã đang vi hành cùng mấy tay của phái đoàn miền Bắc. Trong túi gã còn năm ngàn đô. Giá ăn chơi ở Moskva lại rẻ. Gã phải sống cho hết mình, phải tiêu hết số tiền đó, phải hoàn thành tốt “nhiệm vụ Đảng giao” bởi vì đó là “linh hồn của chuyến công tác này”.

Sáng ngày 10 tháng 9 năm 2001 gã vác xác về. Mắt lim dim, chân bước trên mây, miệng ẩn nụ cười tự tại của một bậc đại hiền vừa đạt tới cảnh giới của sự giải thoát.

Tôi chưa thấy người nào đáng yêu như gã.

Gã đã đến Niết Bàn bằng con đường riêng của mình. Gã không cần ngồi thiền, không cần tụng kinh hay giữ giới. Gã đã “kiến tánh thành Phật”.

Giám đốc nhà xuất bản vừa thấy mặt gã đã nói móc:

"Coi chừng thân bại danh liệt."

Gã chỉ cười. Lại kéo tôi đi ăn thịt cừu ở dưới hầm rượu. Gã nói:

"Cái ‘em’ Giám đốc đó hay lên mặt đạo đức nhưng cũng chịu ăn lắm."

"Nó làm xuất bản sách mà ăn được gì?"

"Ăn chia với tụi đầu nậu phát hành."

"Nhà xuất bản của nó cũng có một phòng phát hành rất ‘hoành tráng’ mà?"

"Ba chục nhân viên, đầy đủ các chức danh: trưởng phòng, phó phòng, kế toán, thủ quỹ, có cả bộ phận tiếp thị, quảng cáo, giới thiệu sách, nhưng chỉ để… chở sách đi ký gởi."

"Ký gởi cho ai?"

"Cho đầu nậu."

"Có nghĩa là phải chia cho đầu nậu 40 phần trăm chiết khấu phát hành?"

"Không sai!"

"Có nghĩa là không thu được tiền mặt?"

"Đúng vậy. Cứ đem tài sản cơ quan ra trao vô tay đầu nậu, khi nào nó thích thì nó trả cho chút ít, không thích thì nó nói bán không được. Đa số đầu nậu là chiếm dụng vốn để mở rộng kinh doanh hoặc kinh doanh địa ốc."

"Lẽ ra nhà xuất bản phải có hệ thống bán lẻ. Hay là nó không có vốn?"

"Hoạt động 25 năm nay nó cũng có vốn chứ. Nhưng nó lấy tiền đó mua đất làm kho sách thay vì phát triển hệ thống bán lẻ. Như vậy thay vì sách in xong chở thẳng ra nhà sách bán cho người tiêu dùng thì lại cất vô kho. Rồi đi chào hàng. Người ta chịu nhận thì mới đem đi ký gởi. Ký gởi phải chịu mất 40 phần trăm chiết khấu. Nếu tự phát hành thì không phải mất một số tiền lớn như vậy."

Tôi hỏi:

"Sao nó ngu vậy?'

"Nó không ngu đâu. Vì nó có ăn chia với tụi đầu nậu. Nhưng ăn bạo nhất là vụ mua đất làm kho sách. Nó bỏ ra 3 tỷ chỉ để mua một cái nghĩa địa rộng chừng 300 mét vuông. Có nghĩa là giá mỗi mét vuông là 10 triệu đồng. Mua xong, một thằng trong chi bộ của tụi nó phát biểu: ‘Nhà tui ở gần cái nghĩa địa đó. Tui biết đất ở đó người ta chỉ bán có 2 triệu rưởi một mét vuông!”

Cú đó tụi nó kiếm hơn hai tỷ đồng. Dư luận trong cơ quan cũng rùm beng. Tưởng nó co vòi. Té ra nó đếch sợ. Nó chơi luôn 900 mét vuông nữa kế bên, giá 9 tỷ đồng!

Cú thứ hai này chúng nó đớp thêm gần 7 tỷ! Kế toán trưởng thì cất nhà mới. Phó giám đốc thì xin về hưu non để ‘hạ cánh an toàn’, giám đốc thì ‘ngày nào đầu nậu còn tín nhiệm, tôi còn làm giám đốc.”

Gã quan lớn còn muốn nói thêm nữa nhưng tôi vuốt lưng gã:

"Té ra bây giờ tôi mới biết anh là người trong sạch nhất."

"Tớ cũng đếch trong sạch, Vì thời đại này thằng nào có quyền mà trong sạch đều là những thằng cù lần. Vì thế tớ cũng đớp chút đỉnh nhưng chỉ để chia cho em út thôi! Cũng giống như hiệp sĩ Robin Hood hay các anh hùng Lương Sơn Bạc vậy mà!"


23. Con cá voi trong ly nước

Có thể một ngày nào đó tôi không còn trí nhớ. Tôi sẽ quên đường về nhà, quên cả người thân, bạn bè. Tôi sẽ không còn nhớ mình là ai. Nhưng chắc chắn tôi không bao giờ quên những giai điệu lạ lùng của nhà soạn nhạc thiên tài Nga: Shostakovich.

Thực ra tôi biết rất ít về ông, về âm nhạc của ông, thậm chí những tác phẩm của ông - mà tôi ôm ấp trong lòng nhiều thập kỷ qua – tôi cũng không biết tên. Nhưng đó là những tác phẩm thần thoại, nó lay động tôi, nó lan toả và lập tức chiếm lĩnh tâm thức tôi, hoà tan vào trí nhớ, vây phủ xúc cảm và chìm đắm bản ngã tôi vào những cơn sóng cuộn chảy, mờ mịt, réo gọi, ngân nga, gào thét…

Tiếc thay, tôi chỉ được nghe những giai điệu ấy có vài lần khi xem bộ phim Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Đó là một bộ phim tài liệu vĩ đại nhất trong tất cả các phim tài liệu mà loài người có được. Và âm nhạc của Shostakovich đã đóng vai trò quyết định. Đạo diễn Karmen cũng là một tài năng lớn nhưng ông chỉ có công dựng lên hình hài, tầm vóc của bộ phim, còn linh hồn và nhan sắc của tác phẩm điện ảnh kỳ ảo đó phải là âm nhạc của Shostakovich.

Tôi đã sục sạo hàng giờ trong các trang Web âm nhạc để cố tìm lại giai điệu của 30 năm về trước nhưng rốt cuộc chỉ được mấy dòng này:

“Shostakovich (1906-1975), nhà soạn nhạc người Nga được xem như một nhà viết nhạc giao hưởng vĩ đại nhất giữa thế kỷ 20. Ngoài thể loại giao hưởng ông còn viết concerto, nhạc kịch opera, ballet và nhạc phim.”

Còn đạo diễn Karmen thì tôi cũng tìm được mấy dòng tiểu sử ngắn ngủi:”Roman Karmen Lazarovich sinh ngày 29 tháng 11 năm 1906 tại Odessa. Ông được trao giải Oscar năm 1943 với bộ phim tài liệu Thất bại của quân Đức ở ngoại ô Moskva. Sau đó ông làm bộ phim sử thi dài 12 tập mang tên Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Bộ phim này đã đưa tên tuổi của Karmen lên hàng những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ 20.”

Tháng Chín năm 2001 tôi đến nước Nga để tìm một chút âm vang của Shostakovich.

Nhưng nước Nga lại có quá nhiều thứ bất ngờ.

NGÀY 5 THÁNG 9 NĂM 2001

Khởi hành từ Seoul, chúng tôi đến Moskva sau một chuyến bay dài mệt mỏi. Sân bay tên gì vậy? Serechavo, sân bay quốc tế của thủ đô nước Nga đây sao? Tôi tưởng mình đang ở phi trường Tân Sơn Nhất. Chật hẹp. Đông nghẹt người. Chen lấn. Ồn ào.

Trời âm u. Không có ý niệm về thời gian. Mấy giờ vậy? Không ai biết. Đồng hồ chúng tôi đang chỉ giờ của Seoul. Trời ơi! Làm sao có thể làm thủ tục nhập cảnh giữa một rừng người hỗn độn như vậy? Không biết người của đại sứ quán Việt Nam đã đến chưa? Làm sao có thể nhận ra nhau giữa cái đống hổ lốn này?

Tôi chạy đi tìm cái đồng hồ treo tường. Trong tất cả các sảnh của sân bay không có chỗ nào treo đồng hồ. Tôi hỏi một ông già da trắng:

"What time is it, please?"

Ông ta không hiểu. Một cô tiếp viên hàng không ở đàng kia đi lại:

"What time, ma’am?"

Lại không hiểu. Giương mắt ra nhìn. Tôi bực mình, chụp lấy cổ tay cô tiếp viên hàng không, lật ngửa lên: Hai giờ mười lăm phút. Ở Nga, muốn coi đồng hồ có lẽ chỉ còn cách đó.

Tiếp theo là chen lấn, xếp hàng, rồi lại chen lấn. Người ta làm gì mà đổ xô đến Moskva nhiều như vậy? Chẳng phải nước Nga đang thiếu nhu yếu phẩm, đang không có đường mà ăn, đang phải xếp hàng để mua bánh mì sao?

Ấn tượng mà cái phi trường sì-trum này tạo ra là: nước Nga không sẵn sàng, nước Nga là một căn nhà khổng lồ nhưng chỉ có một cái cửa ra vào nhỏ như cái hang thỏ, nước Nga đang quay lưng lại với thế giới và nước Nga không có ngành du lịch.

Và tôi, không biết tiếng Nga, không có xe hơi, không biết đường đi… đành lẩn quẩn trong khu nhà khách toà đại sứ Việt Nam.

Nhưng tôi không thất vọng vì tôi biết nước Nga ẩn giấu nhiều thần thoại, nhiều bất ngờ.

NGÀY 6 THÁNG 9 NĂM 2001

Mười giờ rưỡi sáng thứ năm, thăm Quảng trường Đỏ. Một người đàn bà nói: Hôm nay không cho vào vì đang sửa chữa. Lát sau người đàn bà nọ giới thiệu một bà già 70 tuổi. Bà ta bảo mỗi người đóng 60 rúp. Bà lấy ra một nửa, gói trong tờ giấy, bảo mọi người gom máy ảnh lại để bà ta giữ, xong dẫn đoàn vào cổng.

Đến cổng mới hay là quảng trường vẫn mở cửa đón khách bình thường vì hiện đang có một đoàn khách quốc tế đang xếp hàng chờ. Chỉ riêng đoàn Việt Nam khỏi xếp hàng vì đã đưa tiền cho ba già!

Lăng Lenin lát đá cẩm thạch đen. Những bậc thang đen. Hình như bên ngoài người ta đã bỏ toán lính gác. Thi hài Lenin nằm trong lồng kính giống như một tượng bằng thạch cao. Trên tường đá đen lạnh lẽo có lát những phiến đá đỏ.

Có người to tiếng bên ngoài lăng. Một du khách Trung Quốc bị giữ lại để kiểm tra giấy tờ.

Nước Nga có một quá khứ huy hoàng, một nền nghệ thuật vĩ đại, một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhưng những cái vĩ đại ấy bây giờ bị nhốt trong một cơ chế chật hẹp, trong sự bảo thủ và nạn tham nhũng lan tràn.

Nước Nga giống như một con cá voi nằm trong ly nước. Nó ý thức được hoàn cảnh của mình cũng như con cá lớn muốn vùng thoát khỏi ly nước để bơi ra biển nhưng bằng cách nào? Nếu vùng mạnh, cái ly sẽ vỡ nát và nó rơi xuống Quảng trường Đỏ, không đủ sức để trườn ra biển.

Một ngôi nhà tranh sẽ dễ dàng phá bỏ để xây dựng một cao ốc hiện đại, nhưng nước Nga lại là một lâu đài cũ kỹ rêu phong và có nhiều người ở, sinh con đẻ cái ở đó. Nếu đập ngôi nhà, những người đó sẽ ở đâu?

NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 2001

Tôi tặng cho ông già gác cổng mấy chai rượu Jinro Soju mua ở Seoul vì ông ta đã giúp đỡ tôi xách hành lý lên phòng khi tôi mới đến đây. Dường như trong phái đoàn Viêt Nam chỉ có mình tôi làm chuyện đó.

Ông ta trực ca sáng và tôi thường đến chơi với ông. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng những hình vẽ trên giấy và bằng cách ra dấu.

Quanh khu nhà khách có rất nhiều cây phong, bóng mát như rừng. Tôi hỏi ông vì sao có nhiều quạ đen đậu trên những cây phong đó. Ông nói rằng hôm qua có người vứt xác một con mèo chết dưới gốc cây và tụi quạ bu đến.

ĐÊM 11 THÁNG 9 NĂM 2001

Moskva khổng lồ với những đường phố rộng thênh thang và xe chạy vun vút không dứt. Một thành phố rất nhiều xe cũ và không có taxi nhưng bạn chỉ cần đưa tay đón là những chiếc xe ấy lập tức biến thành taxi.

Moskva đơn điệu với những bloc nhà khổng lồ màu gạch được xây hàng loạt giống hệt nhau, thỉnh thoảng mới gặp một ngôi biệt thự sơn màu ngọc bích viền trắng. Sự phối màu ấy sao chép từ quần thể các lâu đài Cung điện Mùa đông ở Saint Petersburg.

Nhưng nếu đi thuyền trên sông Moskva để ngắm nhìn thành phố, bạn sẽ gặp một thủ đô khác hẳn. Một Disney Land khổng lồ với các nhà thờ mái củ hành vàng rực như những lâu đài trong truyện thần tiên. Những tháp chuông ngọc bích thấp thoáng phía sau cụm rừng bạch dương.

Trong bóng hoàng hôn, tất cả nhạt nhoà, lẩn khuất… Phố xá, đồi trọc, rừng cây… hoà quyện thành một phông màu tím than của khói sóng, chỉ có nắng xế là cháy rực, ngời ngời trên những lâu đài nguy nga và những thánh đường diễm ảo. Người ta không còn thấy những lô nhô bận rộn của phố phường bối rối, của tiếng bánh xe rít trên đường phố. Chỉ là cái im lặng thanh thản của bầu trời xám mênh mông cùng mặt sông phẳng lặng.

Du thuyền đi trong bóng tối, ngân nga khúc nhạc quen thuộc.

Chiều thanh vắng là đây, âm thầm gió rì rào.

Nhưng cũng không còn tiếng rì rào nữa. Chỉ có tiếng bọt nước vỡ dưới mạn thuyền và ngàn mắt lấp lánh sắc vàng, tím, xanh của đèn trên bờ sông ngái ngủ.

Moskva mờ ảo đang thấm vào tâm hồn tôi bằng sự tan chảy rất chậm, rất nhẹ, rất ngây ngất của hoàng hôn.

Đi trên sông Moskva tôi gặp Pie Đại đế sừng sững như một trái núi. Ông là người anh hùng lớn của nước Nga, từng giả làm công nhân sang Thuỵ Điển để học nghề đóng tàu. Ông được ví như một Tần Thuỷ Hoàng của nước Nga, nhưng đó là sự ví von của một thằng khùng, bởi vì gã Doanh Chính kia chỉ là một sát thủ bần tiện đang thối rữa trong lịch sử.

Khoảng bảy giờ tối ngày 11 tháng 9 năm 2001 chiếc du thuyền nhỏ ghé bến. Người bạn đón một chiếc “taxi”.

Cánh cửa xe vừa đóng lại thì anh tài xế đã hỏi:

"Có biết gì không?"

"Gì vậy?"

"Bin Laden tấn công nước Mỹ!"

"Lúc nào?"

"Cách đây 5 tiếng đồng hồ."

Xe của anh ta lao đi như điên. Tất cả xe con của Moskva đều lao đi như điên.

"Hai chiếc Boeing đâm thẳng vào toà nhà WTC ở New York. Cả hai đều sụm xuống như cái đèn xếp. Ba chục ngàn người chết."

"Ba chục ngàn sao?” Anh bạn tôi hỏi và dịch lại cho tôi nghe.

"Thì cứ tính đi. Hàng ngày mỗi toà nhà chứa khoảng mười lăm ngàn người vừa nhân viên vừa khách hàng."

"Chính xác vậy sao?"

"Về nhà lẹ đi. Tôi cũng về nhà để coi tivi đây! Các ông ở đâu?"

"Ở đại sứ quán Việt Nam."

*


Nơi căntin của nhà khách đông nghẹt người đang bu quanh một chiếc tivi màu 16 inches. Đoạn phim về hai chiếc máy bay đâm vào toà nhà đang được chiếu đi chiếu lại. Tin tức nóng hổi đến độ người ta không có thì giờ dịch ra tiếng Nga, cứ để nguyên lời bình tiếng Anh. Người ta vừa uống bia vừa bàn tán về Bin Laden.

Trước đây có đôi lần tôi nghe nói về nhân vật này nhưng ông ta không gây ấn tượng với tôi. Ngờ đâu trên cái đất Nga xa lạ và lạnh lẽo này ông lại xuất hiện như một vụ nổ làm rạn nứt cả bầu trời và vỡ vụn trí tưởng tượng của tôi.

Bin Laden đã làm thay đổi nhận thức của tôi về thế giới, đã đập nát mọi hy vọng nhỏ nhoi còn sót lại trong tôi về loài người.

Ông đã phá tan mọi hệ thống triết học tư tưởng, vô hiệu hóa mọi niềm tin, làm cho các tôn giáo phải hoảng hốt. Bin Laden đã vứt mọi chuẩn mực đạo đức vào cống rãnh, xé nát bản Tuyên ngôn Độc lập MỹHiến chương Nhân quyền.

Bin Laden là ngọn gió lạnh buốt, cuồng nộ bay qua sa mạc hoang tàn, là đám mây hạch nhân trùm xuống nền văn minh Âu Mỹ.

Bin Laden một mình cầm thanh gươm man rợ đi gieo rắc cái chết kinh hoàng để xua đuổi, trong vô vọng, một thế lực hùng mạnh gấp triệu lần ông.

Và cũng trong buổi chiều ấy, Bin Laden đã làm sụp đổ toà tháp WTC thứ ba của hành tinh này: đó là tôi.


24. Cuộc hội ngộ ở Saint Petersburg

Phía trước tôi là một mảng đen bát ngát và bất động. Tôi chạy ra khỏi những khu rừng dày đặc, bị cái mảng đen ấy hút vào vòng xoáy của nó.

Đó là một ngày mưa dầm ở Cung điện mùa Hè. Con đường nhựa ướt sũng chạy dọc theo kênh đào. Dòng kênh dẫn vào cái mảng đen ấy. Nó là sa mạc, đồng cỏ hay biển?
Tôi chạy. Nước mưa đầm đìa trên mặt. Cái áo gió không ngăn nổi nước. Ngực ướt sũng. Trời xám xịt. Hàng cây đen rõ dần và cái mảng đen ấy cũng rõ dần. Đó là biển. Vịnh Phần Lan. Nước biển đen lánh như than đá.

Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn cái mảng đen mênh mông ấy. Trời thấp. Cung điện ở phía sau lưng, lấp lóa những đài nước phun và những pho tượng thếp vàng ngời sáng.

Trong khoảnh khắc, tôi quên Bin Laden. Nhưng khi trở lại Cung điện mùa Hè thì ông ta lại hiện ra và hỏi tôi vì sao lại đến cái nơi chó chết này. Bọn nhà giàu đã xây dựng cung điện này, những hoa viên này, những đài phun nước này, những pho tượng thếp vàng này… chỉ để phục vụ cái giống đực của chúng.

"Nhưng ông cũng là một tỷ phú",tôi nói -"ông còn giàu hơn các Sa hoàng nữa mà."

"Đúng thế. Tài sản của ta có thể xây vài cái Cung điện mùa Hè này nhưng ta thích sống trong hang đá."

"Đó là vì ông đang lẩn trốn biệt kích Mỹ."

Cái bóng của Bin Laden mờ ảo trong mưa bụi nhưng ngón tay trỏ của ông chỉ thẳng vào mặt tôi:

"Trước đây ngươi cũng từng lẩn trốn biệt kích Mỹ. Ngươi là một thằng cộng sản mà!"

"Nhưng bây giờ tôi không phải là cộng sản nữa."

"Ta cũng vậy. Trước đây ta theo Mỹ, đã cùng Mỹ thành lập các trường huấn luyện chiến binh Hồi giáo ở Pakistan. Thời kỳ đó, tổ chức của ta đã mở văn phòng ở Detroit và Brooklyn trên đất Mỹ."

"Nhưng vì sao ông bỏ Mỹ?"

"Thời đó ta chơi với chúng vì muốn có một đồng minh đánh đuổi Liên Xô ra khỏi Afghanistan. Khi Liên Xô tháo chạy về nước thì kẻ thù còn lại là Mỹ. Năm 1990 Mỹ đưa quân vào quê hương Ảrập Xêút của ta. Làm chủ các mỏ dầu của ta. Và chiếm luôn các mỏ dầu ở Kuwait. Hàng trăm tỷ đô la đã chảy vào túi của bọn tài phiệt Mỹ. Chúng nuôi béo bọn cầm quyền tay sai. Còn nhân dân Ảrập Xêút được gì?

Và bây giờ chúng làm chủ hệ thống dẫn dầu ở Afghanistan và những mỏ dầu khổng lồ ở Iraq. Vừa chiếm dầu mỏ vừa bán được vũ khí. Sao ta có thể ngồi yên được? Và ngươi biết đấy, Mỹ treo giá 50 triệu đô la cho cái đầu của ta."

"Nhưng gia đình ông làm ăn với Mỹ hàng trăm tỷ đô la. Sau khi người của ông tấn công hai toà nhà WTC thì chính Tổng thống Bush đã cung cấp nhiều máy bay để đưa cả gia đình ông rời nước Mỹ an toàn. Thế thì việc treo giá 50 triệu đô la cho cái đầu của ông là thật hay giả?"

"Đó là chuyện của dòng họ Bin Laden. Ta đã cắt đứt mọi liên hệ với họ. Và họ cũng vậy."

"Ông đã xem phim The Kid của Charlot chưa?"

"Xem rồi."

"Người cha là thợ sửa cửa kính. Đứa con dùng đá ném bể cửa kính để tạo công ăn việc làm cho cha. Có người cho rằng Bin Laden và giới tài phiệt Mỹ đã ‘hợp đồng tác chiến’ kiểu hai cha con Charlot. Ông nghĩ thế nào?"

"Ngươi muốn nói là ta tạo ra những vụ khủng bố để cho giới tài phiệt Mỹ lấy cớ gây chiến tranh, chiếm các mỏ dầu và tiêu thụ vũ khí?"

"Đúng vậy. Người Mỹ làm bộ ra giá 50 triệu đô la cho cái đầu của ông nhưng trên thực tế có vài lần suýt bắt được ông thì lại để vuột mất một cách khó hiểu. Mùa Đông 2004 biệt kích Mỹ đã tiến hành một cuộc truy bắt ông tại vùng biên giới giáp ranh giữa Pakistan và Afghanistan. Báo chí Mỹ đưa tin: ‘Các lực lượng Mỹ đã truy đuổi gắt gao Bin Laden khiến tên trùm khủng bố gần như không còn lối thoát và đã tính đến nước cuối cùng là tự sát.

Khi đó Bin Laden đã ra lệnh cho các thuộc hạ một khi nhận được mật khẩu thì phải lập tức ra tay giết chết y rồi tự sát, nhằm tránh bị Mỹ bắt giữ. Tuy nhiên, đúng lúc mật khẩu chuẩn bị được phát ra thì các binh sỹ Mỹ lại chuyển hướng truy tìm sang hướng khác khiến Bin Laden thoát hiểm.’ Sự thực về chuyện đó như thế nào?"

"Đó là chuyện bịa đặt. Ta hỏi ngươi câu này: Ta là một tỷ phú, ta có thể sống như một ông hoàng, việc gì ta phải ‘hợp đồng tác chiến’ với Mỹ để phải sống đời gian khổ của một chiến binh?"

"Một chiến binh? Vậy ông chiến đấu cho một mô hình nhà nước nào?"

"Có 4 loại mô hình: Loại thứ nhất là chính quyền đế quốc, đứng đầu là Mỹ, chuyên gây chiến tranh để tiêu thụ vũ khí và chiếm tài nguyên của các nước khác. Loại thứ hai là chính quyền bán nước đứng đầu là Ảrập Xêút, Kuwait, Iraq. Afghanistan… đem tài nguyên của đất nước mình trao cho Mỹ để đổi lấy địa vị và giàu sang cho gia tộc mình. Loại thứ ba là chính quyền trộm cướp đang lộng hành ở một số nước vùng Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Chúng là bọn tham nhũng chuyên nghiệp, ăn chặn tiền thuế của dân, ăn cắp tài sản quốc gia, bòn rút tiền viện trợ, rút ruột công trình để làm giàu cho cá nhân, gia đình và bè đảng của chúng. Loại thứ tư là chính quyền dịch vụ như các nước Bắc Âu, coi việc cai trị như một nghề hái ra tiền. Dịch vụ ấy được giới hạn bởi các nhiệm kỳ bầu cử. Còn ta, hiện nay còn quá sớm để nói về một chính quyền. Nhiệm vụ của ta bây giờ là gieo kinh hoàng cho bọn da trắng để chúng cút khỏi những lãnh thổ của người Hồi giáo."

"Ông có chắc là làm được chuyện đó không?"

"Ta phải làm được."

"Tôi nghĩ nếu ông từ bỏ chủ nghĩa khủng bố, lập Mặt trận Giải phóng Ảrập Xêút và tiến hành một cuộc chiến tranh du kích thì ông có thể được ngưỡng mộ như Che Guevara."

"Ta không cần ngưỡng mộ. Và ta cũng không muốn thất bại như Che Guevara. Hơn nữa đất nước ta không có rừng như Bolivia hay Việt Nam, không thể tiến hành chiến tranh du kích được. Ta không còn chọn lựa nào khác ngoài khủng bố."

"Nhưng cách thức tiến hành cuộc chiến của ông quá tàn bạo và bừa bãi. Dân thường chết quá nhiều. Chết gấp mười lần kẻ thù của ông."

"Cuộc chiến tranh nào cũng vậy. Ví dụ như hai trái bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản năm 1945. Đa số người chết là dân thường vô tội."

"Ông muốn biện hộ cho chính quyền Mỹ sao?"

"Không. Nhưng ta muốn chứng minh rằng chính quyền Mỹ còn tàn bạo hơn ta gấp ngàn lần.'

Cái bóng của Bin Laden thở dài. Tôi hỏi một câu cuối cùng:

"Người ta đồn ông có vũ khí nguyên tử. Đúng hay sai?"

Cái bóng mờ dần trong sương mù nhưng giọng của ông vẫn nghe được trong tiếng mưa rào rào:

"Bom nguyên tử không có gì ghê gớm. Hai chục triệu đô la một quả, nào có đáng gì!"

*


Tôi đang ở trong ngôi biệt thự tại một góc nào đó của Saint Petersburg. Chiếc cổng sắt của ngôi nhà dẫn ra cây cầu nhỏ bắc ngang một nhánh của sông Neva.

Đã nửa đêm mà tôi không ngủ được. Cái bóng của Bin Laden vẫn ám ảnh tôi. Dường như có một ma lực nào đó dẫn dụ tôi ra chiếc cầu đá đơn độc lạnh lẽo ngoài kia. Cũng không xa lắm. Tôi tựa thành cầu nhìn xuống dòng nước đen thẫm và gần như bất động.

Gió từ cửa sông thổi tới, lạnh buốt. Gió làm tôi tê dại, tâm thức tôi mù mịt, tăm tối. Tôi đã hình dung chuyến đi Saint Petersburg sẽ rất hào hứng, rất thú vị nhưng dường như ngoại giới đã đổi khác. Bin Laden đã làm hỏng cuộc hành trình của tôi về thành phố huyền thoại này. Lòng tôi trĩu nặng, xót xa. Lúc sáng sớm tôi đi một mình trên đường phố vắng ngắt và sũng ướt, tôi thấy mình xa lạ và tự hỏi tại sao mình lại ở đây? Cái thành phố cổ kính xinh đẹp và nổi tiếng này mang ý nghĩa gì? Trước những quyền lực láo xược và ngạo mạn đang thống trị hành tinh này, trước bom đạn, tù đày và đói rách, trước những bữa tiệc tanh tưởi của lũ ruồi nhặng… thì những tác phẩm nghệ thuật đang bày trong viện bảo tàng Hermitage kia không còn ý nghĩa nữa. Chúng trơ trẽn trong một thế giới bạo ngược, dối trá và rỗng tuếch. Chúng vô nghĩa trong một hành tinh ma quỷ.

Mặt nước đen phía dưới đang nhìn tôi bằng con mắt chế giiễu. Con mắt từng trải của dòng sông Neva đã chứng kiến ngàn năm binh lửa, ngàn cuộc đổi thay, ngàn trò hề nhảm nhí. Dòng sông đang dừng lại, đang ngạc nhiên khi thấy có con người bé nhỏ hèn mọn và cô độc kia đang ôm nỗi tuyệt vọng lạnh buốt của mình.


25. Cha tôi

Hai cha con ngồi bên bếp lửa nhỏ. Sáng mùa đông ở miền Trung trời rất lạnh, ông trùm đầu bằng một chiếc khăn lông màu trắng đã cũ, ông nhắc lại những kỷ niệm về mẹ tôi, về ông cố tôi là cụ Đào Doãn Địch, một lãnh đạo lỗi lạc của phong trào Cần vương tại tỉnh Bình Định, được vua Hàm Nghi sắc phong Phụng Nghị Đại Phu năm 1885, cũng năm ấy ông bị thương nặng trong một trận đánh lớn với quân Pháp tại huyện Tuy Phước. Ông phải rút quân về An Khê cố thủ, nhưng vì vết thương quá nặng nên đã qua đời tại đó. Trước khi mất ông giao binh quyền lại cho Mai Xuân Thưởng.

Tôi ngồi nghe, thương cha già yếu, nhưng trong đầu tôi không hề có ý nghĩ rằng đó là buổi gặp gỡ cuối cùng.

Hôm trở về, tôi mang tặng cha một chai rượu. Một người bạn cùng cơ quan nói đó là rượu nho do người nhà cô cất. Hồi đó nhu yếu phẩm rất hiếm nên có được chai rượu làm quà, tôi rất mừng. Cha tôi nói để khui ra uống thử.

Nhưng đó chỉ là một chai nước lã có màu.

Đó là món quà đầu tiên trong đời làm con của tôi tặng cho cha ruột của mình. Ngoài ra không hề có gì cả dù chỉ một đồng bạc.

Tôi mang nỗi ân hận về chai rượu ra đi. Hai cha con chở nhau trên chiếc xe đạp từ trong làng đi ra quốc lộ 19. Gần đó có một cái đồi trọc, hai cha con dẫn xe lên đồi ngồi chờ xe đò. Chiếc xe cũ kỹ chạy bằng than đá lạch bạch đi qua. Chúng tôi chia tay nhau. Không khóc, không ôm nhau, nhưng lòng tôi tràn ngập nỗi buồn. Hồi ấy tôi nghèo quá, cha tôi còn khốn cùng hơn. Ông gầy yếu đen đúa và run rẩy. Ông đứng trên đồi nhìn theo tôi, không vẫy tay, không một tiếng nói, ông đứng như pho tượng đá ngóng nhìn vào hư vô. Một chút sương sớm phảng phất trên mái tóc bạc. Nắng chưa lên và một chút gió vẫn còn hiu hắt.

Chiếc xe đò mang tôi đi.

Tại sao tôi lại phải đi?

Cũng như những đứa con khác trong cuộc mưu sinh khốn nạn của kiếp người, tôi đã phải ra đi.

Giờ đây tôi có thể ra phố mua một trăm chai rượu, nhưng đâu còn cha. Mà nếu có còn thì chắc ông cũng không cần những thứ ấy. Ông chỉ cần sự có mặt của tôi bên cạnh, ít ra thì cũng trong giờ phút lâm chung.

Nhưng điều đó vĩnh viễn đã không bao giờ có được.

Giờ đây tôi về quê để thăm những nấm mồ. Những nấm đất hiu quạnh, những bia mộ cũ kỹ, xám xịt, rêu phủ.

Tôi về đây, ngồi trong bóng tối của căn phòng ngày xưa, nằm trên chiếc võng gai cha tôi thường nằm gãy đàn Nguyệt. Có lẽ không mấy người biết cây đàn Nguyệt. Trong tay cha tôi, nó như một linh hồn. Nó nói bằng giai điệu của sâu thẳm, bằng tiếng buồn của thiên thu, bằng cơn nấc nghẹn của kiếp người. Nó là cây đàn kỳ lạ nhất của nhân loại, nó không phải là một nhạc cụ, nó là một linh vật. Một vị thần.

Những năm sau ngày thống nhất, tôi có ý định về quê đem cây đàn Nguyệt và những bút tích của cha vào Sài Gòn nhưng đã chậm một bước. Một cơn lũ lớn đã quét ngang căn nhà, xoáy thành một cái hố sâu và cuốn tất cả trôi theo dòng sông Kôn.

Tôi tiếc cây đàn Nguyệt của cha tôi.

Nó biết nói tiếng người.

*


Rồi những lớp người cứ nối tiếp nhau ra đi. Và không trở lại. Cái chết buồn và đáng sợ vì cái sự không trở lại ấy. Nhưng không ai cứu vãn được. Tôi cũng vậy.

Lúc sống thì phải sống chung với lũ ruồi nhặng mà mình căm ghét. Lúc chết thì phải xa lìa nhưng người mình thương yêu.

Đó là bi kịch lớn của nhân loại.

Nhân loại có những bi kịch mà không ai thay đổi được. Sống và chết là một bi kịch. Nghèo và giàu là một bi kịch. Đẹp và xấu là một bi kịch. Bi kịch luôn đứng giữa hai cực mâu thuẫn nhau.

Nhưng sự mâu thuẫn cũng chính là động lực của mọi sáng tạo và phát triển. Vì thể nhân loại vừa rất vĩ đại vừa rất nhảm nhí.

Và đó chính là bản chất của loài người.

*


Hiểu được bản chất đó tôi biết mình đang sống.

Giữa trưa một mình bơi ra biển. Lặng thinh lẫn khuất vào sóng nước. Nổi trôi bềnh bồng, phiêu bạt như chiếc lá mỏng.

Biển nâng đỡ, ve vuốt, rồi vùi dập. Nước vây bọc xung quanh như căn phòng xanh bằng thuỷ tinh ngời sáng. Rồi vỡ tung toé. Mặt trời sáng loà. Tôi chỉ nhìn thấy đám mây nhỏ trong vài giây rồi lại bị nhận chìm xuống, lăn lóc trong cơn xoáy.

Tôi nằm ngửa, duỗi dài, buông thả, nhìn ngắm thân thể trần truồng của mình lấp lóa nắng. Cái dương vật dài, suôn, dập dềnh theo mảng lông đen ngời như rong rêu. Tôi không còn là một ông già sáu mươi tuổi mà là một con cá voi nhỏ đang thưởng thức sự cường tráng của mình.

Tôi đang sống. Đang hoà nhập. Đang hóa thân, Đang vô danh.

Và tôi đang hạnh phúc. Quá khứ đã qua rồi, tương lại thì chưa tới. Quá khứ đã chết và tương lai không hiện hữu. Chỉ có hiện tại là có thực, là sống.

Tôi đang hoà nhập với sóng. Đang đánh mất mình trong vô định. Đang rỗng không. Chỉ có tôi một mình với sóng. Sóng che lấp núi non, những tàn cây và những ngôi nhà trong phố. Sóng che lấp bầu trời. Che lấp cuộc đời. Sóng che lấp bản ngã tôi. Dường như tôi đã chết. Nhẹ như một chiếc lá. Tan biến như một gợn sóng.

Cái dương vật vẫn dập dềnh. Dường như tôi đã ngủ thiếp đi cùng với sự dập dềnh ấy trong trí nhớ.

Trôi đi, trôi đi thật xa. Hãy rời bỏ loài người, hãy đến chỗ của vô tận, chỗ của phi thời gian…


26. Nhìn đâu cũng thấy núi

Có nhiều khi, đang ngồi, chợt thèm một cơn bão. Những cơn bão của tuổi thơ tôi thân quen hơn bây giờ. Chúng giống như cơn hờn dỗi của trời đất, một chút thác loạn của dòng sông. Bão đến lúc nửa đêm, lúc tôi còn đang ngủ. Nên khi thức dậy bão chỉ để lại một chút gió, một chút mưa dầm rả rích. Những con đường ngập nước. Cành cây gãy trôi giạt. Mặt sân đầy lá xanh. Mái rạ tốc lên nham nhở. Trời âm u. Ướt sũng. Thuyền đi trên quốc lộ 19. Trẻ con bơi lội trên vỉa hè…

Những cơn bão làm thay đổi mặt đất. Thay đổi làng mạc, thay đổi phố chợ. Đường sá biến mất. Chòm xóm đầy tiếng cười trẻ nhỏ. Có ai đó vừa bắt được một con cá chép ngay trên đường phố. Trẻ con thích thú vì sự thay đổi. Vì mưa và lạnh.

Ngày xưa, đến cơn bão cũng hiền lành, đến lũ lụt cũng như ngày hội.

Và những ngày mưa dầm triền miên trong nương rẫy. Cái nhà sàn xiêu vẹo. Một bếp lửa. Cái ấm đất. Và những trái bắp vùi trong than hồng. Mưa rả rích, cứ sột soạt trên lá khoai, lá chuối. Những con giun đất rất to bò ngang lối đi. Xách cần câu, mang áo tơi ra ruộng câu cá rô hột bí. Móc một cái trứng kiến, nhắp nhắp trên mặt bèo. Cú đớp mồi nhói tim.

Chỗ tôi thường câu cá rô là ngõ nhà của Hạ. Hạ ơi! Bao nhiêu năm rồi anh không gặp em? Anh đi và em ở lại. Anh học nhiều, đọc nhiều, suy nghĩ nhiều nên đã biến thành ma quỷ, còn em vẫn ngồi sau những sạp vải ở khu chợ cũ, không học, không đọc, không suy nghĩ gì nên em vẫn là em.

Dù sao anh vẫn nhớ em mỗi lần về thăm sông Kôn, thăm bãi dâu, những đám mía. Cát ở đó ngày xưa rất là trắng. Anh dẫn em lội qua sông giữa trưa nắng. Cả một vùng sông nước mênh mông với nương rẫy, gò đống, đồi cây… chỉ có anh và em. Chúng ta đã tìm một chỗ để hôn nhau, một chỗ để yêu nhau. Năm ấy anh hai mươi tuổi, con em thì mười tám. Chúng ta đã nằm trên đệm lá tươi xanh nồng nàn mùi cây cỏ. Buổi trưa im lặng như cõi trời. Núi vây chung quanh. Nhìn đâu cũng thấy núi. Phía xa có một cái ao cá diếc và những hàng cây, treo đầy những ổ chim giồng giộc.

Ba mươi năm sau gặp lại em ở Sài Gòn, em khóc. Em có chồng giàu lắm mà. Sao em lại khóc? Hắn đem nhà đi thế chấp cho ngân hàng để đánh bạc. Bây giờ em không còn nhà. Em về ở với mẹ.

Phải chi tôi có thể nói được: Thôi, em về ở với anh. Thời gian đã xía vô mọi thứ. Thời gian làm hỏng bét mọi thứ. Nó là kẻ mạnh nhất, cố chấp và lạnh lùng nhất trên cõi đời này. Trong cuộc hành trình bất tận của nó, nó đã lấy đi sinh mạng của hàng tỷ người mà không ai dám chống lại, chỉ có Trịnh Công Sơn van nài nó cách tuyệt vọng:

Một ngày như mọi ngày
Xin trả lại đời tôi.

Xin hãy trả lại! Hãy trả lại! Trả lại tôi cái ngày mà ngươi vừa cướp đi. Tiếng kêu thảng thốt thất lạc giữa “ngày lên hấp hối”. Nhưng thời gian vẫn lừng lững bước tới, kéo cả nhân loại thêm một bước đến gần vực thẳm.

Triêu như thanh ti, mộ thành tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan.
(Lý Bạch "Tương tiến tửu”)

Buổi sáng tóc hãy còn xanh, chiều đã trắng như tuyết. Cuộc đời sao quá phù du! Hãy uống cho hết cuộc vui. Nhưng chắc chắn Lý Bạch cũng không tin vào cuộc vui giả tạo ấy. Bởi nó là cuộc vui trong cõi vô thường.

Còn tôi, tôi thích ngồi uống rượu một mình nơi quán lá bên bến sông hiu quạnh, nơi ngày xưa tôi vẫn thường ngồi với một người đàn bà đã từng yêu tôi mười năm. Mái tranh lụp xụp của một bà cụ già. Một cái quán xơ xác, trống trải. Cái bàn xếp và hai cái ghế gỗ thấp. Một đĩa cóc xanh, muối ớt. Và xị rượu. Hồi ấy chúng tôi rất nghèo. Và chúng tôi rất hạnh phúc. Gió thổi rạp những hàng dừa nước. Con nước thầm lặng trôi qua chân người. Bến đò vàng nắng xế. Trẻ con đi học về bước xuống con đò tròng trành… Mái chèo khua nước. Hoàng hôn trôi theo sóng lấp lóa.

Bây giờ tôi ngồi một mình nhìn bến đò vắng không. Con thuyền đã đi rồi, chỉ còn một bãi đất trống phù du. Bóng xế đọng trong tròng mắt. Cơn say tràn ra không gian. Mặt trời ngất ngưởng lặn xuống chân trời xa tắp. Tôi nhìn cánh cò bay cho tới khi nó mất hút trong chân trời. Nhưng tôi vẫn ngồi đó. Vẫn uống. Bà lão vẫn ngồi đó. Vẫn nhìn tôi. Sao lâu nay cậu đến đây có một mình? Tôi vẫn uống. Không còn cánh cò nữa. Không còn chân trời. Hàng dừa nước cũng tan biến. Chỉ còn lại ngọn đèn dầu nhỏ như một con đom đóm. Và gió. Lao xao trên mái tranh, rì rào trong rừng dừa và thỉnh thoảng hú lên khi chạy dọc theo con nước.

"Tôi thấy tóc cậu bạc trắng. Còn tôi thì cũng sắp xuống mồ."

"Tôi sẽ đến đây uống rượu cho đến khi bà xuống mồ."

"Tôi xuống mô rồi, cậu sẽ làm gì?"

"Sẽ đến lượt tôi."

"Đời buồn quá phải không cậu?"

"Đời buồn. Người ta thường uống rượu để quên nỗi buồn nhưng chỉ trong giây lát. Cũng như ngồi thiền vậy. Có thể tìm thấy Niết Bàn, nhưng chỉ trong giây lát."

"Không phải Niết Bàn là Phật sao?"

"Phải. Nhưng Phật cũng chỉ là một khoảnh khắc."

"Không phải Phật là Đức Thế Tôn sao?"

"Có một lúc nào đó bà cũng là Phật, tôi cũng là Phật. Rồi sau đó không là gì cả. Ngay cả Phật cũng có lúc không phải là Phật."

"Vậy sao? Thế còn Niết Bàn?"

"Niết Bàn là chết như một chiếc lá. Chắc bà không hiểu đâu…"


27. Sát thủ, gái điếm và đĩ đực

Tôi gọi:

"Này Dã Nhân! Thầy hãy lắng nghe:

Những ngọn núi đứng im ngàn năm
Đã chết vì buồn thảm
Mặt trăng vật vờ trên không
Nhàm chán những vòng quay ảm đạm

Mặt đất chằng chịt dấu chân
Bị giày xéo bởi ngàn năm binh lửa
Những cơn hồng thuỷ và bão trời
Lột da mặt đất


Những bầy đàn người
Với chày đá và xương thú rừng
Với tên tẩm thuốc độc
Săn đuổi nhau trong rừng
Đập đầu trước cửa hang
Giành nhau một ngọn lửa

Giữa đàn người lầm than
Tuyệt vọng trên chiến địa
Nổi lên những cánh tay bốc lửa
Hạng Vũ, Bạch Khởi, Tần Thuỷ Hoàng
Vơ vét những thây người
Xây đắp cơ đồ muôn thuở.
Những cuộc thập tự chinh thời trung cổ.
Những trận cuồng phong trên yên ngựa
“Giết tất cả những ai cao trên thắt lưng”
Vứt xác người ra thảo nguyên mênh mông
Chiếm đoạt gia súc và đàn bà
Lùa vào cái miệng đầy máu
của Thành Cát Tư Hãn."

Thầy hãy bình luận đi."

"Ta đang buồn ngủ."

"Tại sao?"

"Vì ngươi chỉ nói được một nửa. Sao không thấy Hitler, Mao Trạch Đông, Napoléon, Pol Pốt, Stalin, Truman, Nixon, Bush? Chúng nó cũng là những sát thủ."

"Tôi để dành cho thầy."

"Ta mệt mỏi. Ta ỉa vào chúng nó, mặc dù bọn sử gia viết sách dạy lũ con nít rằng những thằng chó chết ấy là anh hùng."

"Thế thầy phủ nhận anh hùng sao?"

"Không phủ nhận. Vì vẫn có anh hùng. Đó là những người chết ngoài mặt trận."

"Nhưng Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo… chẳng phải anh hùng sao?"

"Khi đánh ngoại xâm thì họ là anh hùng, nhưng khi dành lại đất nước thì họ là những ông chủ. Họ coi đất nước là chiến lợi phẩm, dân tộc là bọn gia nô, đàn bà con gái là những món đồ chơi xác thịt. Chẳng lẽ phải gọi họ là anh hùng sao?"

"Nhưng cũng có những minh quân, những nhà lãnh đạo yêu dân như con. Chẳng hạn như Nghiêu, Thuấn, như vua Vũ bên Tàu, như Gandhi bên Ấn Độ, như Nelson Mandela…"

"Ngươi không nhớ Trang Tử nói gì về Nghiêu, Thuấn sao? Ở chương thứ 7 của Tạp thiên ngài đã mượn lời Đạo Chích để mắng Khổng Tử: Thời Thần Nông, dân chúng sống thanh thản, người và thiên nhiên, người và cầm thú hoà thuận nhau, không ai hại ai, không ai tranh giành ai. Nhưng tới thời Hoàng Đế rồi Nghiêu, Thuấn, đặt ra quan chức, mưu cầu lợi lộc, gây ra chiến tranh, tang thương khắp nơi. Kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, nước lớn hiếp nước nhỏ. Đủ thấy bọn vua chúa, quan lại có ra gì, chỉ toàn một bọn gây loạn mà thôi. Vậy mà ông lại muốn ta chạy theo bắt chước cái bọn trâu ngựa ấy sao? Bấy lâu nay ông đã dùng xảo ngôn và hành vị giả dối để mê hoặc bọn vua chúa trong thiên hạ để cầu danh cầu lợi, mong được vinh hoa phú quý. Đó chẳng phải là hành vi trộm cướp sao? Tại sao thiên hạ không gọi ông là ‘kẻ cướp’ mà lại gọi ta là Đạo Chích?

Xưa nay, để nói về một thời đại thanh bình người ta thường đem Nghiêu, Thuấn ra so sánh, nhưng đọc Nam Hoa kinh ta thấy thời ấy cũng đầy những bọn sâu bọ. Còn Gandhi, ông ta là một anh hùng chứ. Vì ông ta đã chết cho nhân dân mà trên mình chỉ có một cái khố bằng vải thô."

"Vậy anh hùng là gì?"

"Kẻ nào đem lại hạnh phúc cho quần chúng, kẻ ấy là anh hùng. Ta muốn nói tới những nghệ sĩ tài năng, những nhà khoa học, những nhà phát minh, những giáo sư bác sĩ, những nhà kinh tế…"

"Các chính khách không có tên trong danh sách của thầy sao?"

"Hầu hết là bọn ăn chặn, bọn trộm cướp và bọn nói dối. Mặt của chúng rất dày. Sao gọi là anh hùng được."

"Nhưng thưa thầy, nếu không có chính quyền thì…"

"Trước đây ta đã từng dạy ngươi những thứ đó. Ngươi quên rồi sao? Tự cổ chí kim, từ đông sang tây… lúc nào chính quyền cũng vừa là bạn của dân, vừa là kẻ thù của dân.

Là bạn dân vì họ tổ chức xã hội, xây dựng bệnh viện trường học, đường sá... Là bạn dân vì họ trấn áp tội phạm (mặc dù họ là tội phạm đầu sỏ!) Không có chính quyền, xã hội sẽ loạn.

Nhưng chính quyền cũng là kẻ thù của nhân dân vì chúng ăn chặn tiền của nhân dân từ những công trình, chúng cấu kết với bọn tài phiệt trong và ngoài nước chiếm đoạt tài nguyên quốc gia, chúng bóc lột sức lao động của công nhân, nông dân, trí thức… chúng sống đời vương giả trên sự nghèo đói lầm than của quần chúng, chúng gây chiến tranh làm hàng triệu người chết, gây tang tóc cho nhiều dân tộc, nhiều thế hệ chỉ vì tham vọng cá nhân, vì quyền lợi đảng phái, và có khi chỉ vì một người đàn bà.

Chúng là người bạn bất đắc dĩ của nhân dân nhưng chúng là kẻ thù truyền kiếp của mọi dân tộc. Chúng ăn những bữa tiệc thịnh soạn và chúng chia cho dân những vụn bánh mì.

Vì thế ta muốn khuyên lớp trẻ: Các bạn đang sống trong một thời đại lừa đảo, giả dối, độc ác và rỗng tuếch. Phải tỉnh táo. Phải hiểu rằng những thứ như công lý, nhân quyền, độc lập, dân chủ, tự do, bình đẳng, truyền thống, dân tộc… toàn là đồ giả, toàn là mớ bầy nhầy được bơm silicôn cho phồng lên và trét đầy son phấn. Chúng nó tiếp thị những từ hoa mỹ đó để trang điểm cho chế độ của chúng nó. Thực tế trên mặt đất này không hề có những thứ đó đâu. Đừng tin. Hãy khạc nhổ vào chúng, ỉa vào chúng, đạp chúng dưới gót giày và hất vào lỗ cống.

Bọn cầm quyền thực tế là lũ đĩ đực, là lũ gái điếm chuyên nghiệp. Còn những gái điếm đang hành nghề trên đường phố, trong khách sạn, trong các ổ mại dâm chỉ là đám dân nghèo bất đắt dĩ, những kẻ bất hạnh bị xô vào hoàn cảnh. Họ ỉa vào những thứ hoa mỹ ấy, họ chỉ cần cơm, áo. Và thuốc để chữa bệnh giang mai, bệnh lậu, bệnh AIDS…"

Tôi hỏi Dã Nhân:

"Nhưng liệu lớp trẻ chúng có nghe thầy không? Dường như chúng không quan tâm đến những điều mà tôi và thầy hằng bức xúc. Chúng đang cuồng lên vì điện thoại di động, đang say mê giới tính, đang chụp giựt ái tình, chúng mặc xác tham nhũng, mặc xác chiến tranh, mặc xác khủng bố, mặc xác nhân quyền… ai làm gì mặc kệ, chúng chỉ biết ôm nhau trong công viên, trong vũ trường, trong toa-lét… còn những công nhân viên chức thì chỉ nghĩ đến đồng lương, đến cái ghế của mình. Họ không biết, không nghe, không thấy. Kể cả những anh thợ hồ, những phu xích lô, những gái điếm, những trẻ bụi đời, những người thất nghiệp… cũng dửng dưng với tất cả. Họ cúi mặt sống. Họ im lặng nằm co trong ổ chuột của mình. Họ âm thầm nhai miếng cơm chan mồ hôi nước mắt và chẳng bao giờ nghĩ: tại sao? phải làm gì?"

Dã Nhân cười ha hả:

"Thì đó chính là sự đầu hàng tập thể mà ta từng nói với ngươi. Đó chính là cách họ ‘sống chung với lũ’, sống chung với trộm cướp."

"Vậy thì chúng ta viết cuốn sách này để làm gì?"

"Để bảo họ đừng đầu hàng. Để bảo họ tố cáo. Và đó là cách duy nhất để nhân dân có thể xác lập cái nhân quyền của mình. Nhân quyền không phải là thứ được ghi trong hiến pháp, cũng không phải là thứ mà nhân dân phải xếp hàng để chờ ban phát. Nhân dân phải tự khẳng định nhân quyền của mình bằng sự tố cáo, vạch mặt, bóc trần những dối trá, đập vỡ những huyền thoại. Đó là thứ NHÂN QUYỀN duy nhất có thật trên cõi đời này."


28. Bỉ quân tử hề!

Quân tử là người mẫu thời trang của Trọng Ni, là thần tượng của nho sĩ, là người tình lý tưởng của các nàng thục nữ…

Nhưng với nhân dân lao động Trung Quốc ngày xưa thì quân tử mang một diện mạo khác. Điều này có ghi lại trong Kinh Thi:

Khảm khảm phạt đàn hề
Trí chi hà chi ngạn hề
Hà thỉ thanh thả liên ỷ

Bất giá bất sắt
Hồ thủ hoà tam bách triền hề?
Bất thủ bất lạp
Hồ chiêm nhĩ đình hữu huyền huyên hề?
Bỉ quân tử hề
Bất tố san hề.

Chát chát chặt gỗ đàn
Chặt xong để trên bờ sông
Nước sông trong và hơi gợn sóng

Những kẻ không cày cấy
Sao mỗi mùa thu được ba trăm triền?
Những kẻ không săn bắn
Sao trong nhà vẫn treo da thú?
Người quân tử kia ơi!
Các người chẳng phải là những kẻ ăn không ngồi rồi đó sao?
(“Phạt đàn” – Kinh Thi)

Nhân dân là đám đông thầm lặng, nhưng họ biết tất cả. Nhân dân biết tất cả, nhưng họ chẳng làm gì được.

Họ bị xua đi lao dịch ở lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, làm khổ sai ở Vạn lý Trường thành hay phơi xác nơi chiến địa, bị Bạch Khởi rồi Hạng Vũ chôn sống cả triệu sinh mạng trong một đêm, bị biến thành đống xương vô định trong cuộc tranh giành người đẹp giữa Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế. Bị Mao Trạch Đông tàn sát hàng triệu người trong Cách mạng Văn hóa…

Chưa kể nhiều thế hệ đã chết trong các cuộc thập tự chinh kéo dài suốt gần 200 năm giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo vào cuối thế kỷ thứ 11, tiếp đến là Chiến tranh Một trăm năm (La guerre de cent ans) giữa Anh và Pháp cũng lấy đi sinh mạng của vô số người. Rồi những cuộc tàn sát người da đỏ ở châu Mỹ, những cuộc diệt chủng thổ dân ở Australia, những lò thiêu xác của Hitler và cả trăm triệu người đã ngã xuống trong hai cuộc thế chiến.

Trong chiến tranh Việt Nam, năm mươi tám ngàn lính Mỹ đã tử trận và hàng triệu người Việt Nam đã chết do bom đạn Mỹ. Hơn 4000 lính Mỹ chết ở Iraq và bao nhiêu người dân Iraq, người dân Afghanistan đã vùi thây dưới bom đạn? Số người bị xua vào chỗ chết trên khắp hành tinh này không thể nào kể xiết.

Nhân dân ơi! Hỡi nhân dân! Các người là ai vậy? Các người có biết phận mình không?


29. Con chim sẻ cuối cùng ở Hàng Châu

Hàng Châu được mệnh danh là Thiên đường của hạ giới nhưng tôi chỉ chú ý đến một sinh vật bé nhỏ. Một con chim sẻ. Con chim sẻ cuối cùng.

Cô gái trên đồi trà Long Tĩnh hỏi tôi:

"Sao chú biết đó là con chim sẻ cuối cùng?"

"Chú đi từ Quảng Châu sang Tô Châu rồi đến đây, rừng cây chập chùng mà không hề thấy một con chim sẻ. Đây là con chim duy nhất mà chú nhìn thấy."

"Nhưng đã chắc gì nó là con chim cuối cùng. Bộ những con chim sẻ khác đã chết hết rồi sao?"

"Cách đây mấy chục năm, khi cháu chưa sinh ra đời, ở quê hương của cháu người ta mở chiến dịch diệt chim sẻ. Già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà… xách cung tên, ná thun, súng hơi, gậy gộc, phèn la, mõ, trống… đổ xô đi bắt chim sẻ. Người ta dồn xác chim thành từng đống lớn, vứt xác chim lên xe cam-nhông đầy nhóc chở đi từng đoàn. Những con chim sẻ còn sót lại bị mõ, trống, phèng la, gậy gộc truy đuổi ráo riết. Chúng bay rã cánh, rớt xuống đất. Chúng bị diệt không còn một mống."

"Nhưng vì sao người ta diệt chim sẻ?"

"Vì sợ chim sẻ phá hoại mùa màng. Nhưng khi không còn chim sẻ thì sâu bọ phát triển khủng khiếp. Mùa màng bị thiệt hại nặng nề. Chiến dịch diệt chim sẻ của Mao Chủ tịch đã làm chết mười triệu người vì thiếu lương thực."

Cô bé hái trà trố mắt nhìn tôi, nghi hoặc:

"Chú ở tận Việt Nam, sao chú biết chuyện bên nước cháu?"

"Chú đọc báo và xem phim tài liệu của hai nhà làm phim nổi tiếng người Đức là Heynowski và Scheumann. Chú đã nhìn thấy những đoàn người điên cuồng, những xe cam-nhông chất đầy xác chim sẻ."

Bỗng nhiên cô bé cười rất tươi:

"Nhưng đó là chuyện đã xưa rồi. Nếu quả thật có một con chim sẻ còn sống sót sau chiến dịch đó thì nó cũng đã già và chết từ lâu rồi. Nào phải con chim sẻ lúc nãy chú cháu mình nhìn thấy?"

"Cháu giỏi lắm. Tất nhiên đó không phải là con chim sống sót. Nhưng chiến dịch diệt chim sẻ là một sự kiện có thật. Một chiến dịch dốt nát, man rợ và điên rồ."

Cô bé vẫn hái trà. Bàn tay thoăn thoắt ngắt những đọt trà non còn đọng sương sớm. Hình như cô muốn quên chuyện chim sẻ, nhưng cô lại hỏi:

"Sao giọng chú có vẻ gay gắt thế?"

"Vì chú thương con chim sẻ. Và thương cái thế hệ của cha cháu phải sống dưới ách thống trị của một con người dốt nát, độc ác và đầy ảo tưởng."

"Ảo tưởng như thế nào?"

"Ông ta muốn hiện đại hóa Trung Quốc bằng cách tính của một bà nội trợ."

"Vậy sao?"

"Ừ. Hồi đó Trung Quốc có bảy trăm triệu dân. Mao Chủ tịch bèn làm một phép tính nhân. Nếu như mỗi người dân đóng góp 3 ký sắt thép, đem nhân với 700 triệu thì Trung Quốc sẽ có một sản lượng thép bằng 5 lần nước Anh. Thế là mọi người bỏ cả công ăn việc làm đi kiếm sắt thép. Cả nước thu được một mớ nồi niêu soong chảo, rựa cùn, cuốc mẻ, dao phay, mã tấu… rồi đổ tiền của ra mua nhiên liệu để nấu thép. Hì hục ngày đêm. Nhà nhà nấu thép, người người nấu thép. Bán bò bán ruộng để nấu thép. Rốt cuộc thu được một số kim loại hổ lốn không dùng được việc gì cả. Cái bước ‘Đại Nhảy vọt’ ấy đã khiến nông dân không có thì giờ cày cấy, sản xuất công nghiệp ngưng trệ và kết quả là có thêm mấy triệu người nữa chết vì thiếu ăn."

"Chú ơi! Cô bé kêu lên. Cháu chưa từng nghe ai nói về Mao Chủ tịch như thế bao giờ."

*


Nhưng một tỉ người dân Trung Quốc trưởng thành thì đã biết những điều đó.

Cha ông họ và bản thân gia đình họ đã từng là nạn nhân của Chiến dịch Chim sẻ, của bước Đại Nhảy vọt, của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản đẫm máu.

Giờ đây, Mao Trạch Đông vẫn còn đang nằm trong lăng tại Quảng trường Thiên An Môn nhưng nhân dân Trung Quốc muốn lôi hắn ra và ỉa vào cái xác thối ấy.

Một tỷ ba trăm triệu nạn nhân của Mao sẽ làm cái động tác phóng uế ấy. Lúc đó Trung Quốc sẽ có một cái lăng vĩ đại được xây bằng… vàng (!). Lăng mộ đó còn “hoành tráng” hơn cả lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, độc đáo hơn cả thập tam lăng của Triều Minh.

Nhưng sẽ không có du khách nào dám đến thăm.

Vì nó rất thối.

Vài ngày sau có một ngàn con ruồi bay đến. Ngày kế tiếp đáp xuống một vạn con. Rồi cả triệu con từ mọi quốc gia trên thế giới bay về. Trong khoảnh khắc, đàn ruồi lên đến một tỷ, rồi một ngàn tỷ, một trăm triệu tỷ. Chúng đến để dự bữa tiệc hùng vĩ chưa từng có trên mặt đất.

Chúng không hút bằng vòi. Chúng đang ăn. Chúng đớp. Liếm láp như mèo. Nhâm nhi, gặm nhấm như chuột. Nhai lại như bò. Ngấu nghiến như hổ báo.

Chúng bu đen kịt. Vo ve. Rù rì. Rồi im lặng. Một mảng xám xịt, lúc nhúc. Chợt bốc lên như đám mây u ám. Chợt hạ xuống. Phiêu hốt, chập chờn. Hư huyễn như ma trơi. Nín thinh. Rồi hỗn loạn. Tiếng đập cánh ong óng như gió gào khóc, như cô hồn rên rỉ.

Chúng vầy thành từng chủng loại ruồi, từng đẳng cấp ruồi. Chúng vừa ăn nhậu vừa địt nhau, vừa địt nhau vừa chửi nhau, giết nhau, vừa giết nhau vừa sinh nở…

Giòi tràn ngập mặt đất. Lũ ruồi không còn chỗ để đậu, chúng bay lên như một đám mây khủng khiếp, che lấp mặt trời, bao trùm cả tầng khí quyển.

Ánh sáng biến mất khỏi hành tinh. Mặt đất trở nên băng giá. Loài người kêu khóc. Động vật hoảng loạn. Cây cỏ rũ chết, vùi thây trong tuyết.

Lũ ruồi bắt đầu chiếm lĩnh các thành phố.

Chúng bốc mùi của cứt đái, mùi đồng, mùi đờm dãi. Khi chúng bu lên xác chết, chúng có mùi thối rữa. Khi chúng bay vờn trên chiến địa, chúng có mùi bom đạn. Chúng sà xuống những đống tiền, đống vàng, đống cổ phiếu như ma quỷ và làm cho những thứ đó dậy mùi tanh của tinh dịch lẫn với máu người. Chúng lởn vởn quanh các ngai vàng, các phủ, các bộ, các nhà hàng khách sạn.

Chúng lại mở những đại tiệc trên xác chết của loài người. Xác chết bất tận vì thế bữa tiệc của ruồi cũng kéo dài bất tận.

Chúng đang tồn tại và chúng sẽ tồn tại trên dương gian này hàng ngàn năm nữa. Gió bão, động đất, sóng thần, lửa trời cũng không đuổi được. Dù cho chiến tranh nguyên tử có tiêu diệt cả nhân loại thì chúng vẫn sống. Sống để truyền kiếp, để xâm nhập vào một loài người mới, để ăn tiếp bữa tiệc của kiếp trước.

Đó là bữa tiệc của ruồi.


30. Một đời không bến bờ

Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đời không bến bờ
(Trịnh Công Sơn)

Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi “nhĩ thuận” nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút.

Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.

Dã Nhân gầy đét như một cây khô, mặt sạm như đá núi, lòng lạnh như tro tàn. Chú mọi nhỏ thì như con nai con, chạy nhảy, cười nói lí lắc.

Ba người ngồi trong cái am nhỏ, mây núi chập chùng, cũng thấy lòng rũ bỏ được vài phân trần thế.

Buổi trưa tôi thường đi bắt bọ rùa với thằng nhỏ, Nó hỏi tôi tại sao con bọ rùa người ta lại gọi là ladybird? Tôi nói ban đầu là chữ ladybug. Bug là con bọ, nhưng rồi có người đọc trại thành bird cho nên mới có từ ladybird. Giải thích cho vui, không chắc đã đúng như vậy. Nhưng chú mọi nhỏ rất tin vào lời giải thích đó.

Thường thì tôi và Dã Nhân hay ngồi uống rượu với nhau trên một hòn đá phẳng, dưới một tán lá. Chúng tôi uống rượu thay cho ngồi thiền. Không ai nói gì nữa vì đã nói quá nhiều rồi. Muốn thu mình lại như con sâu, trốn trong vỏ cây. Muốn như con sóc nhỏ đi kiếm hạt dẻ trong đống lá mục. Muốn như con chim đơn độc trong kẽ lá…

Ta về rừng, mình mọc đầy lông như con khỉ già.
Bứt quả xanh, một quả ăn, một quả để dành
Để dành cho chú mọi nhỏ.

Ta về rừng rửa lòng dưới thác
Rũ bỏ ký ức trong ngọn gió núi
Tim trống không như thung lũng hoang tàn
Đập một nhịp buồn như tiếng mõ.

Ta về rừng dạo chơi trên lá khô
Tâm dừng lại trú trong từng bước nhỏ
Bàn chân đặt trên đá đen ngày nọ
Da khô, từng trải một đời buồn

Gót nứt nẻ trầm luân trên mặt đất mênh mông.
Hai tay trắng không cầm kiếm
Hai tay trắng đã từng ôm ảo vọng
Khóc giữa cơn mưa dài
Uống rượu say mèm trong những chiều phai

Ta về rừng không tu, không đọc kinh
Ta tìm lại cái ta lênh đênh
Lòng như đám mây bay qua ghềnh thác
Lòng như ngọn gió đầu truông ngơ ngác.

Ta về rừng sống hoang dã
Sống như cái cây, sống như hòn đá
Cây im lìm, đá cũng không nói
Sớm mai thức dậy nghe tiếng chim kêu
Nghe tiếng rừng gọi, nghe như ai gọi.

Ai gọi ta, hỡi rừng rất xa?
Ai gọi ta về? Gọi ta về nhà?
Nán lại một giây cùng chú mọi nhỏ
Nán lại để bắt con bọ rùa đó
Nán lại để chờ cánh hoa sắp nở
Rồi ta sẽ về,
Rồi ta sẽ về.


Viết xong ngày 14 tháng 11 năm 2007 tại Sài Gòn

© 2008 Đào Hiếu
© 2008 talawas


1 - 5 6 - 10 11 - 15 16 - 21 22 - 30

Tác giả Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 1968 vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 1970 là binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sau 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài và tiểu thuyết: Giữa cơn lốc, nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1978; Một chuyến đi xa, nxb Măng Non 1984, nxb Trẻ 1994; Qua sông, nxb Văn Nghệ 1986; Vùng biển mất tích, nxb Đồng Nai 1987; Vượt biển, nxb Trẻ 1988, 1995; Vua Mèo, nxb Trẻ 1989; Người tình cũ, nxb Văn Nghệ 1989; Kẻ tử đạo cuối cùng, nxb Trẻ 1989; Thung lũng ảo vọng, nxb Trẻ 1989; Hoa dại lang thang, nxb Văn Học 1990; Trong vòng tay người khác, nxb Tác Phẩm Mới 1990; Kỷ niệm đàn bà, nxb Văn Nghệ 1990; Nổi loạn, nxb Hội Nhà Văn 1993. Thơ: Đường phố và thềm nhà, nxb Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, nxb Văn Nghệ 1982; Những bông hồng muộn, nxb Trẻ 1999; Tình địch, nxb Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài