talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 11.02.2006
Nguyễn Huy ThiệpTiểu long nữ

phần 1 phần 2 phần 3 phần 4

Nguyen Huy Thiep
Nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính
Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn của talawas chủ nhật

talawas chủ nhật: Thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với những sáng tác và phát biểu gần đây, độc giả đang thấy một Nguyễn Huy Thiệp với quan niệm và phong cách văn chương khác hẳn thời kì trước. Xin anh cho biết tại sao lại có bước ngoặt như vậy?

Nguyễn Huy Thiệp: Nếu độc giả thấy tôi khác trước thì thật thú vị, nghĩa là tôi cựa quậy, nghĩa là tôi đa dạng... Chẳng có bước ngoặt nào cả. Tôi sống, cố gắng thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng. Mỗi một chặng của đời người ta đều có những khó khăn, những đón đợi. Viết văn là một việc rất khó, tự mình làm khó cho mình. Hình như có lần tôi nói ở đâu đó rằng viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính.

talawas chủ nhật: Có tin đồn cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp nhất định phải viết tiểu thuyết vì chỉ viết tiểu thuyết mới dễ được trao giải Nobel. Cũng lại có tin đồn cho rằng, anh nhất định viết rất nhiều và rất nhanh để chứng minh rằng viết tiểu thuyết chẳng qua chỉ là trò trẻ con dễ ợt. Quả thực, anh đang viết nhiều và nhanh... Anh nghĩ sao về những tin đồn này?

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng là miệng thế gian như làn sóng bể. Tôi viết văn, viết tiểu thuyết quả thật chưa bao giờ nghĩ đến giải Nobel. Tôi ra nước ngoài, thấy tình trạng dịch thuật tồi tệ thì tôi biết chắc sẽ chẳng có giải Nobel nào cả cho người Việt Nam mình. Nếu tôi ở Đức, giỏi tiếng Đức, tôi sẽ kiếm được giải Nobel văn chương về cho Việt Nam. Nhất định thế! Còn việc tôi cố gắng viết tiểu thuyết nhiều và nhanh thì không phải để chứng minh gì cả (tôi phải chứng minh với ai? Để làm gì?). Làm sao viết văn lại là "trò trẻ con dễ ợt" được? Hiện nay ở Việt Nam, cuộc sống diễn ra muôn màu muôn vẻ, đúng là đổi mới, cái gọi là "hiện thực cuộc sống sinh động" phong phú gấp tỉ lần sự tưởng tượng của nhà văn. Tiểu long nữ của Nguyễn Thiên Đồng [1] là một ví dụ thảm hại: nguyên mẫu phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều nhân vật tiểu thuyết. Tôi muốn thể nghiệm việc nhà văn hoá thân vào các sự kiện đời sống nhưng có lẽ không làm được, hoàn toàn không làm được. Ở Việt Nam, có quan chức như Bùi Tiến Dũng ở Bộ Giao thông Vận tải đánh bạc tới cả triệu đô... Rất nhiều con người, nhiều sự kiện ngoài sức tưởng tượng của nhà văn. Viết nhanh, viết nhiều là nhu cầu của các nhà văn lương thiện, có lương tâm, có "ý thức công dân" (như người ta vẫn nói) hiện nay.

talawas chủ nhật: Chẳng mấy khó khăn để đoán ra tác giả của những Mổ nhà văn, Võ lâm ngoại sử... chính là Nguyễn Huy Thiệp. Tại sao anh không kí tên thật cho những tác phẩm này?

Nguyễn Huy Thiệp: Có những tác phẩm mà kí tên thật nhiều khi cũng... ngượng. Cũng sợ nữa.

talawas chủ nhật: Trong lời giới thiệu cho cuốn Tiểu long nữ dưới đây, anh cho rằng, tiểu thuyết chẳng qua chỉ là thứ "văn học hạng hai", là "á văn học" và người viết tiểu thuyết cốt để mua vui và kiếm tiền. Vậy anh có tin rằng độc giả sẽ thấy vui khi đọc anh bây giờ hơn là đọc anh ngày xưa? Và anh đã kiếm được bao nhiêu tiền cho những tiểu thuyết này?

Nguyễn Huy Thiệp: Mỗi một thời một khác. Mỗi một chặng đời của người viết văn cũng chẳng có chặng đời nào giống chặng đời nào. Không phải lời nào của tôi nói ra cũng là "lời của Chúa", đáng tin cậy. Độc giả, những "fan" thực sự của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng vui thích khi có một tác phẩm mới của anh ấy được tung ra, dù cho ký tên gì cũng thế. Ngay cả tôi, tôi cũng thích một Nguyễn Huy Thiệp nhà văn với những tác phẩm mới. Còn tiền bạc? Không có nhiều đâu. Nhà văn với cuộc sống thanh đạm. Số phận của tôi là thế. Tôi chọn một cuộc sống như thế. "Tại mày muốn thế! Georges Dondain! Tại mày muốn thế! Georges Dondain!". Đấy là lời của một nhân vật ở trong hài kịch Molière mà tôi vẫn hay nhắc khi nào tôi bí. Khi nào tôi hết tiền!

 

Nguyễn Huy Thiệp

Tiểu long nữ

tiểu thuyết 45 chương (phần 1)

 

Lời đề từ

“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài cùng với chữ tai một vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh..."

Truyện Kiều, Nguyễn Du (1765 – 1820)


Ghi chú của tác giả

Các nhân vật và sự kiện trong tiểu thuyết này đều là hư cấu, không có trong thực tế. Chuyện thời sự (vụ án Lương Quốc Dũng) chỉ là gợi ý cảm hứng để nhà văn viết tiểu thuyết này. Mong bạn đọc tránh sự hiểu lầm đáng tiếc.


Lời tựa

Tiểu thuyết là một thể loại văn học đặc sắc có cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Tiểu thuyết văn xuôi có ở Việt Nam xuất hiện vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XX khi mà chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ biến. Nhiều nhà nghiên cứu văn học coi Hoàng Ngọc Phách, tác giả của tiểu thuyết Tố Tâm (xuất bản năm 1925) là người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bác lại, cho rằng tiểu thuyết ở Việt Nam có sớm hơn (khoảng trong những năm Đại chiến Thế giới thứ nhất) và những tiểu thuyết đó ra đời đầu tiên ở Nam Bộ.

Lỗ Tấn (nhà văn lớn Trung Quốc) khi trích dẫn lời người xưa cho rằng "nhà tiểu thuyết gom góp những câu nói vụn vặt, những mẩu chuyện vụn, lấy thí dụ gần đó để làm ra những cuốn sách ngắn, gọn, tuy vậy cũng có thể lấy đó để răn mình, sắp xếp việc nhà". Những nhà tiểu thuyết đầu tiên ở Trung Quốc phần lớn "thuộc dòng phái sinh ra từ các chức quan nhỏ, sách họ làm là do câu chuyện đường phố, lời nói ngõ làng, vào lỗ tai ra lỗ miệng mà tạo ra".

Trong biển cả tiểu thuyết mà các "nhà văn" sáng tác ra (khái niệm "nhà văn" là một khái niệm chỉ những người viết hư cấu, "bịa đặt" – chữ của Nguyễn Công Hoan – hẳn cũng chỉ là một khái niệm mới, ở ta từ thế kỷ XIX về trước không có) bao gồm đủ mọi thứ chuyện ái, ố, hỷ, nộ trên đời. Tính chất thị phi, không tin cậy khiến người ta thậm chí nghi ngờ tư cách của chính những người viết ra nó. Trong câu trích dẫn trên đây từ sách của Lỗ Tấn (Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Hoa) tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết người viết tiểu thuyết ("nhà văn") đều là "các chức quan nhỏ". Vì sao lại thế? Các chức quan nhỏ từ xưa tới nay phần lớn đều nghèo, họ thuộc bậc thang thấp nhất trong giới quan trường nhưng lại đứng đầu trong "bọn thảo dân". Địa vị "trung dung" không cao, không thấp "chân không đến đất, cật không đến trời", cộng với sự rỗi hơi trong công việc khiến họ có thể có nhiều cơ hội "nắm thông tin" trong thiên hạ nhiều hơn những người ở tầng lớp khác. Chữ nghĩa đầy mình cũng chẳng làm gì, thời gian nhàn rỗi cũng chẳng làm gì... Vậy thì tốt nhất ngồi viết tiểu thuyết.

Trong quan niệm của tôi, truyện ngắn là một thể loại viết khó hơn tiểu thuyết nhiều. Nó là một thứ "luyện công” cho nghệ thuật viết văn, là một thứ mỹ nghệ kim hoàn đòi hỏi tinh vi, khéo léo và "bác học". Tiểu thuyết tạp hơn, có thể viết "tất tay" và không phải tốn sức nhiều như truyện ngắn. Đương nhiên, đây là tôi muốn nói đến những nhà văn có tài Trời cho thực sự, họ hoàn toàn có thể viết những tiểu thuyết (đọc được, không cầu toàn lắm vì thể loại tiểu thuyết không đòi hỏi cầu toàn) dễ dàng như "thò tay vào túi lấy đồ vật”. Nhiều cuốn tiểu thuyết người ta chỉ viết trong vòng một tháng. Tôi cũng đã từng có cơ hội làm việc như vậy (tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu). Nguyễn Thiên Đồng viết tiểu thuyết Tiểu long nữ chỉ trong 15 ngày. Tôi nghĩ rằng ở những nhà tiểu thuyết "đại hiệp" như Kim Dung thì việc viết ra Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ v.v. chắc có lẽ cũng không mất nhiều công sức cho lắm.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà (sinh năm 1962 ở Hà Nội) quan niệm khá chính xác về sự "bừa", hồn nhiên, ôm đồm và trần tục của tiểu thuyết. Xét về khía cạnh nào đó, tiểu thuyết có lẽ không phải là một thể loại "đứng đắn" nếu nhìn bằng con mắt nghiêm khắc của các học giả "đại thuyết”. "Tiểu thuyết – sách mua vui" cần phải được các nhà văn ở ta nhận thức ra và quan niệm lại (ít nhất cũng giống như những người "cổ xưa"), như thế thì "chữ nghĩa mới tuôn ra trên đầu ngọn bút như nước chảy” được. Trong nhiều năm nay, rất tiếc giới nghiên cứu lý luận văn học ở ta và các nhà phê bình văn học thuộc môn phái "hành quyết" đã đặt vào tiểu thuyết nhiều rào chắn quá, khiến cho các nhà văn thực sự muốn viết cũng sợ hãi không dám viết tiểu thuyết.

Tiểu long nữ là một cuốn tiểu thuyết thời sự của Nguyễn Thiên Đồng. Nó được viết ra từ một chuyện nhảm nhí (vụ án Lương Quốc Dũng) và tôi nghĩ Nguyễn Thiên Đồng cũng không phải khó khăn gì mấy (nó không bõ để tốn sức). Thực ra, ý nghĩa của nó cũng chỉ để mua vui và kiếm tiền. Có lẽ bởi vậy nó sẽ gần với quan niệm của các nhà tiểu thuyết "đại hiệp” như Tản Đà, Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh... ở ta ngày xưa chăng?

Tôi cũng là một nhà văn thiên về quan niệm cho tiểu thuyết chỉ là thứ "văn học hạng hai", "á văn học".
Nếu không tin bạn thử đọc lại Chiến tranh và hoà bình của Leo Tolstoy, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas (cha) v.v…, bạn sẽ thấy những nhà văn ấy thật ra xét cho cùng cũng chỉ là những tay "đại bợm".

Hà Nội 1/10/2004
Nguyễn Huy Thiệp


CHƯƠNG 1

Hà Nội, một ngày mùa thu. Nắng vàng rực rỡ trên các đường phố.

Một chiếc taxi sang trọng đi từ thành phố ra ngoài ngoại ô. Ngồi trên xe là Nguyễn Quốc Lương, một người đàn ông trạc 50 tuổi, vận com-lê. Lương có nét mặt kín đáo, lạnh lùng, ít biểu lộ tình cảm. Nhìn bên ngoài, ta có thể nhận thấy rõ Lương là một quan chức khôn ngoan, đang thành công, đang ở trên thế thượng phong.

Ngồi bên cạnh Lương là Thuý Nga, phóng viên báo. Thuý Nga mắt một mí, có đôi môi mọng đỏ. Cô vận một bộ đồ jeans, đeo máy ảnh ở ngực.

Cả hai hình như vừa đi dự một lễ hội về. Ở cổ hai người vẫn còn đeo thẻ VIP của Ban tổ chức.

Con đường cao tốc chạy bon bon phía trước. Con đường này dẫn đến những khu trang trại giàu có ở phía Tây Bắc thành phố.

Thuý Nga nhìn khuôn mặt đăm chiêu của Nguyễn Quốc Lương gợi chuyện.

"Anh có nghĩ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp dần lên không?"

Lương cười nhỏ, nụ cười rất khó bắt chước.

"Anh luôn ở trên đỉnh cao mười năm nay rồi."

Thuý Nga cựa quậy mình trên ghế. Rõ ràng cô không thích câu trả lời của Lương. Cô nói:

"Chết là ở đấy. Anh không thấy có nhiều người ghen tị, muốn hất cẳng anh không?"

Lương ngả mình ra sau nệm ghế:

"Anh biết! Rồi họ sẽ phải còn ghen tị với anh nhiều hơn nữa."

Thuý Nga tháo thẻ VIP ở trên cổ ra mân mê nó trong tay. Theo thói quen, cô hỏi như người đang đi phỏng vấn:

"Anh có hài lòng về bản thân mình không?"

Lương chồm mình lên phía trước như một con thú hung dữ. Lương nói:

"Không! Không bao giờ! Lát nữa chúng ta sẽ gặp bố anh. Ông cụ dạy anh không bao giờ được hài lòng về mình."

Chiếc xe ô tô rẽ vào cổng một trang trại gần đường cái. Đây có vẻ là một trang trại để chơi hơn là để thu lợi.


CHƯƠNG 2

Trang trại ven đường, nằm trên một quả đồi thấp. Nơi này, trước đây vốn là đất của một nông trường trồng chè. Rất nhiều những luống chè cũ vẫn còn nằm rải rác ở trong trang trại.

Ngôi nhà sang trọng ở giữa trang trại phỏng theo lối kiến trúc Pháp, có tầng hầm xây bằng đá hộc. Trước cửa ngôi nhà có một chiếc ghế băng màu trắng, trên đó có một con mèo đang lim dim ngủ. Chiếc dây phơi quần áo buộc nối từ nhà tới một cây to có rất nhiều quần áo và những tấm vải lớn sặc sỡ. Bên cạnh cửa ngôi nhà có chiếc xe lăn. Trên xe lăn là một ông già đang ngồi sưởi nắng. Ông già chừng 70 tuổi nhưng còn khá mạnh, mặt mũi phương phi, mặt rỗ, nét mặt phong trần.

Chiếc taxi đỗ ở sân. Không có ai ra đón. Ông già gục đầu như ngủ gật, hé mắt nhìn, không có vẻ gì ngạc nhiên cả.

Người lái xe mở cửa xe cho Nguyễn Quốc Lương và Thuý Nga bước xuống, sau đó anh ta mở cốp, bê các thứ ở xe vào: vài cái túi, một thùng bia v.v.

Nguyễn Quốc Lương đến gần ông bố già, nói giọng run và cảm động:

"Chào bố!"

Ông già mở mắt ra nhìn, thoáng nét hân hoan, hóm hỉnh ở trong ánh mắt.

"Chào tướng quân!"

Ông già cố nén cho tiếng cười khỏi bật ra:

"Có vẻ phởn hả?"

Rõ ràng, dưới mắt ông bố già từng trải, Nguyễn Quốc Lương dù là một quan chức thành đạt vẫn chỉ là "thằng chó con" ngày nào.

Lương nắm lấy tay ông già đưa ra:

"Bố có khoẻ không?"

Ông già mỉm cười:

"Khoẻ."

Thuý Nga đi lại gần, Lương giới thiệu Thuý Nga với bố.

"Đây là cô Thuý Nga. Cô ấy là phóng viên báo."

Thuý Nga nhanh nhẹn:

"Cháu chào cụ!"

Ông già nheo mắt, gật đầu với Thuý Nga. Ông già quay sang hỏi Lương, trong giọng nói có ý đùa cợt:

"Thế cô vợ già của anh đã hết thói ghen tuông chưa?”

Lương tỏ ra khó chịu với ông bố già nhưng rõ ràng chẳng làm gì được ông lão. Lương nói, có phần phật ý:

"Con cũng chỉ định ghé qua thăm bố rồi lại đi ngay."

Ông bố Lương thở dài:

"Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng gì cũng phải vào nhà đã chứ!"

Lương đưa tay đẩy chiếc xe lăn nhưng ông già gạt tay Lương ra, tự mình điều khiển chiếc xe.

Cả ba đi vào nhà.


CHƯƠNG 3

Giống như nhiều ngôi nhà kiểu Pháp cũ, những cửa sổ rộng đều có hai lớp cửa: cửa kính bên trong, cửa chớp bên ngoài. Nội thất trong nhà được bày biện khá sang trọng và có gu. Đặc biệt ở trên tường có treo rất nhiều sừng nai, đầu bò; có cả súng trường, súng kíp treo trên đó nữa.

Trong phòng ăn, một chiếc bàn ăn dài cho khoảng 8 người ngồi khá lịch sự. Trên đó đã bày sẵn các thức ăn. Một chiếc ti-vi kê trên chiếc bệ lò sưởi là chỗ khi ngồi ăn mọi người đều nhìn thấy rõ.

Ông bố Lương điều khiển xe vào chỗ đầu bàn ăn. Ông nói:

"Ngồi xuống đi!"

Lương và Thuý Nga kéo ghế. Hai người ngồi bên cạnh nhau.

Từ trên gác, một thiếu phụ, chừng 30 tuổi khá xinh đẹp, vẻ đẹp của một người đàn bà thị dân tỉnh lẻ. Thiếu phụ mặc chiếc váy dài vải hoa khá điệu nhẹ nhàng bước xuống, mỉm cười.

Lương hơi bất ngờ, đưa mắt dò hỏi ông bố.

Ông bố Lương giới thiệu với người thiếu phụ:

"Đây là con trai anh và bạn gái của nó."

Giấu vẻ tự hào, ông già hỏi Lương:

"Anh chức gì nhỉ, tương đương tướng phải không?"

Lương không trả lời mà tò mò hết nhìn thiếu phụ lại nhìn ông bố.

Lương hỏi:

"Đây là..."

Ông bố Lương cười to vẻ hãnh diện, khoái trá. Ông già đưa tay nắm lấy bàn tay thiếu phụ đang đặt trên bàn:

"Đây là dì anh... Tôi khác anh! Anh thì lo nhiều chuyện lớn đại sự quốc gia. Còn tôi thì mọi chuyện lớn đều là chuyện nhỏ, chỉ con vợ nhỏ mới là chuyện lớn!"

Thiếu phụ ngượng ngùng cười. Lương gật đầu chào, chưa hết bất ngờ, Lương nói với bố:

"Thế mà bố không cho con biết!"

Ông bố Lương lắc đầu, cười mủm mỉm:

"Cho anh biết để anh lại dạy đạo đức tôi à? Tôi chẳng dại."

Lương hỏi tiếp:

"Đã lâu chưa?"

Ông bố Lương nhìn thiếu phu, hỏi:

"Được ba tháng chưa?"

Thiếu phụ trả lời:

"4 tháng 16 ngày."

Lương cố nén bình tĩnh, nhìn ông bố, thoáng có ý trách:

"Con hơi bị bất ngờ."

Ông bố Lương cười, rõ ràng trong giọng nói có ý nhạo Lương:

"Còn bất ngờ nữa dành cho anh đấy!"

Cửa buồng mở và một đôi thanh niên trai gái ôm nhau vào. Cậu thanh niên mắt đen, khá tuấn tú, mặc chiếc quần jeans bó sát lấy người và một cái T-shirt khá mốt. Đó là Thành, con trai Lương, 22 tuổi, sinh viên đại học. Cô gái diện sooc, áo hai dây, 20 tuổi. Đó là Hằng, người yêu của Thành.

Lương giật mình, nhỏm người lên, gần như đứng dậy. Thành trông thấy bố, vội buông Hằng ra, lúng túng chào:

"Con chào ông! Con chào bố! Cháu chào cô..."

Hằng cũng líu ríu chào theo.

Lương cố nén bình tĩnh hỏi Thành:

"Thành! Bố tưởng con đang đi tham gia hè thanh niên tình nguyện cơ mà?"

Ông bố Lương bảo Lương, có ý không được hài lòng:

"Ngồi xuống đi! Nó lên đây nửa tháng nay rồi."

Quay lại nhìn Thành và Hằng ông bảo:

"Ngồi xuống đi các cháu. Chúng mày có vẻ là một cặp uyên ương tốt đấy."

Lương cởi áo vét khoác vào thành ghế, nới bớt cà-vạt, tỏ ra bất lực với ông bố già quái quỷ.

Lương hỏi Thành, giọng đã dịu đi:

"Mẹ có biết con lên đây với ông không?"

Thành nhìn bố rồi quay đi, vẻ cứng cỏi, hờn dỗi:

"Mẹ chẳng biết gì về mọi người trong nhà mình hết."

Ông bố Lương can thiệp:

"Thôi nào! Rót rượu ra đi. Chúng ta chúc mừng các quý bà nào!"

Thuý Nga ngồi, thích thú theo dõi mọi người. Cô có vẻ thú vị vì Lương – vốn là một người luôn chủ động ở trong mọi việc nay lại bị lâm vào thế bị động. Thuý Nga táy máy cầm cái điều khiển ti-vi trên bàn bật lên. Trên ti-vi, hiện ra quang cảnh náo nhiệt ở một sân vận động lớn, Nguyễn Quốc Lương đang đọc diễn văn ở đó. Mọi người quay ra nhìn.

Ông bố Lương nháy mắt với Lương, đùa cợt:

"Anh diễn giỏi đấy!"

Cầm cốc rượu vang Boóc-đô trên tay, ông nói:

"Nào! Chúc cho công thành danh toại! Chúc cho các cô, các bà!"

Mọi người chạm cốc.


CHƯƠNG 4

Một phần vì công việc bận rộn, một phần vì tính nết cha con xung khắc, hơn nữa ỷ lại vào việc giáo dục con cái cho vợ nên Nguyễn Quốc Lương ít khi nói chuyện với con.

Ở ngoài vườn trang trại, dưới một gốc cây sấu xum xuê, nơi ấy có buộc chiếc dây phơi quần áo, trên đó có những tấm vải rộng đang bay phần phật. Lương đứng nói chuyện với con trai mình.

Thành dựa lưng vào gốc cây, chịu đựng câu chuyện với bố với vẻ bất đắc dĩ.

Lương nói:

"Ba nghĩ rằng con nên tập trung vào học tập. Con sắp tốt nghiệp, việc mày yêu sớm sẽ không tốt đâu."

Thành nói, vẻ cứng cỏi:

"Tốt nhất là bố mặc con, bố đi mà lo công việc của bố."

"Con ta không phải của ta. Tai hoạ của nó mới là của ta". [2] Một ý nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu Lương. Lương nói, cố giữ cho giọng nói nhẹ nhàng.

"Con phải biết rằng bố mẹ rất thương con."

"Con biết!" – Thành trả lời.

Lương cố kiềm chế:

"Con đi thế này, bố mẹ Hằng nó có biết không?"

Thành không nhìn bố:

"Con không biết, con không quan tâm."

Lương nóng mặt:

"Thế mày biết gì? Mày quan tâm gì?"

Thành tránh cái nhìn nghiêm khắc của Lương, quay đi chỗ khác:

"Hằng yêu con. Thế là đủ. Nếu bố thực sự lo thì bố cho con mượn ít tiền."

Lương bật cười, cảm thấy nó giống hệt như mình hồi nào:

"Bố tưởng con vẫn đi làm thêm ở tiệm ăn cơ mà?"

"Bố có cho không?"

Thành vùng vằng, muốn bỏ đi. Lương thởi dài, lấy ví rút tiền ra cho Thành, khoảng vài trăm nghìn. Thành nhận tiền, quay đi mà không nói gì, đi ngang qua dây phơi quần áo.

Lương đứng lại, nhìn theo đứa con trai. "Nó lớn thật rồi" – Lương nghĩ – "Nó đã trưởng thành. Thực ra, bằng tuổi nó thì mình làm sao đã bằng được như nó bây giờ?".

Lương xem đồng hồ. Buổi tối nay Lương còn có một cuộc họp giao lưu với các vận động viên trẻ có quay truyền hình trực tiếp. Lương muốn về Hà Nội trước 6 giờ chiều.

Lương đi vào nhà để tìm Thuý Nga.


CHƯƠNG 5

Trong trang trại rộng 10 héc-ta bao gồm trọn cả quả đồi có những chỗ cây mọc tự nhiên rất đẹp. Dưới chân đồi có một con suối nước chảy róc rách, ở đó có một bãi cỏ mà Thành và Hằng rất thích. Chúng hay đến ngồi ở đó.

Thành và Hằng đang nói chuyện. Hằng ngồi, còn Thành nằm dài gối đầu lên đùi cô.

Hằng hỏi:

"Bố nói gì với anh?"

Thành cười:

"Vẫn vở cũ thôi, môn giáo dục công dân."

Hằng hỏi:

"Bố rất giàu và quyền thế, đúng không?"

Thành gật đầu:

"Ừ, cá mập đấy!"

Hằng dè dặt:

"Anh không thích bố, em thấy thế."

Thành nhỏm người lên:

"Không phải là không thích... nhưng anh thương mẹ. Bố phản bội mẹ, cái cô phóng viên hôm nay là bồ ông ấy."

Hằng luồn tay vào tóc Thành, nhìn vào mắt người yêu:

"Anh yêu em, liệu anh có phản bội em không?"

Thành ngạc nhiên, trong đầu cậu chưa bao giờ thoáng ý nghĩ ấy. Thành nói:

"Không bao giờ!"

Hằng cúi đầu, hôn lên trán Thành:

"Anh thật tuyệt!"

Vừa lúc ấy có mấy con chim sẻ ở đâu bỗng bay vụt đến, chúng đậu trên ngọn cây mận, líu ra líu ríu như đang trò chuyện với nhau.

Khung cảnh thật thanh bình, yên tĩnh.


CHƯƠNG 6

Trong nhà, ông bố Lương ngồi trên xe lăn. Lương ngồi trên chiếc ghế ở cạnh bàn ăn. Hai người trò chuyện. Những cuộc trò chuyện thế này thường là hiếm hoi giữa hai bố con.

Lương nói:

"Con cảm thấy thằng Thành không ưa con, nó luôn chống đối lại con."

"Cũng giống như anh đã từng chống đối tôi thôi.

"Nhiều khi con bất lực. Con không biết dạy nó thế nào."

"Sao lại dạy?" – Ông bố Lương có vẻ bực mình. "Không ai dạy được ai. Dạy con trai, điều cấm kỵ là không được cho tiền. Anh vẫn cho nó tiền phải không?"

Lương lắc đầu:

"Không, chỉ thỉnh thoảng thôi. Nó vẫn vừa đi làm vừa học."

Ông bố Lương nhìn Lương, đôi mắt tinh anh hấp háy:

"Nếu có tiền thì anh nên đầu tư vào cái gì đấy, hoặc là anh cho gái. Anh cho nó tiền, anh sẽ làm hư nó. Ngày xưa, có bao giờ tôi cho anh tiền đâu."

Lương trầm ngâm:

"Ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa cả nước đều nghèo. Bây giờ bọn trẻ khác rồi. Nó yêu con bé Hằng, con không thể để nó thiếu thốn. Nó sẽ oán con."

Ông bố Lương nhìn sâu vào đôi mắt Lương:

"Anh cũng đã từng oán tôi. Đúng không?"

Lương thở dài:

"Nhiều khi con cảm thấy rất mệt mỏi. Sức ép từ công việc, từ gia đình. Không ai hiểu con, không ai chia xẻ."

Ông bố Lương nói:

"Thì cô nhà báo đấy. Nó biết nói chuyện, tôi thấy nó với anh cũng hợp."

Lương lắc đầu:

"Không phải lúc nào đàn bà cũng có ý nghĩa."

Ông bố Lương ngạc nhiên thực sự.

"Sao anh nói thế? Nghe đây này: tôi đã gần 80 tuổi đầu, nói thật với anh, chỉ có chuyện đàn bà với tôi là quan trọng nhất. Tất cả những danh vọng hão huyền của anh, hỏi nó có ý nghĩa gì với tôi?"

Lương nhìn đi chỗ khác:

"Chịu! Con không muốn tranh luận với bố về điều ấy."

Ông bố Lương thăm dò:

"Nhìn vẻ mặt anh, tôi thấy thần khí của anh dạo này suy sụp. Anh phải thận trọng giữ mình. Anh có muốn tôi bói cho anh một quẻ hay không?"

Lương thú vị:

"Được thế còn gì bằng! Con biết bố rất thạo lý số... nhưng chưa có một dịp nào."

Ông bố Lương gật đầu:

"Ừ, cũng là kỷ niệm của thời trai trẻ ngông cuồng. Nhiều khi cũng là ngón nghề kiếm ăn khi thất cơ lỡ vận ở trong giang hồ. Nhưng này! – ông già láu lỉnh bảo Lương – Nếu tôi bói cho anh thì anh phải chi tiền đấy! Tôi không bói suông cho ai bao giờ!"

Lương phì cười:

"Được rồi! Con đặt một quẻ hai triệu được không?"

Lương lấy tiền, đặt lên thành chiếc xe lăn.

Ông già cất tiền đi, lấy ở đâu đó ra một cái đĩa và ba quân súc sắc đưa cho Lương:

"Anh hãy tập trung, đừng để một ý nghĩ tạp nào trong óc – ông già bảo Lương – rồi anh thành khẩn cầu Trời cho biết số phận sắp tới của mình, sau đó anh gieo ba quân súc sắc này vào trong đĩa."

Lương làm theo lời ông bố, có phần thành kính thái quá.

Ông bố Lương ghé mắt nhìn vào trong đĩa, thoáng giật mình:

"Hai lục, một nhất! Ông già thất vọng – cộng lại là số 13! Mày sẽ gặp nguy đấy, con ạ!"

Lương chưng hửng, không còn hào hứng với trò bói toán vừa rồi.

"Cần phải cẩn thận, số mày đang có phục binh bốn mặt, nguy hiểm vô cùng. Đừng có ham tiền, ham gái. Nếu không, không cứu được đâu!"

Lương gật đầu nhưng vẫn tỏ ra cứng cỏi:

"Bản mệnh con vững, con chẳng sợ gì."

Ông bố Lương thận trọng:

"Đừng có khinh suất, con ạ!"

Ngừng một lát, ông già khuyên nhủ:

"Cái con vợ già của anh keo kiệt nhưng nó là một người đàn bà tốt. Thỉnh thoảng anh cũng nên chăm sóc cho nó. Như tôi biết, anh đã đối xử với nó rất tệ. Anh không xứng đáng với nó! Cái hạn của anh sắp tới, nếu không có phúc đức của nó phù trợ thì sát thân đấy, con ạ..."

Lương quay đi, ra vẻ như câu chuyện của hai bố con đã đến hồi kết thúc:

"Con biết rồi! Bố đừng lo!"


CHƯƠNG 7

Chiếc xe chở Nguyễn Quốc Lương và Thuý Nga ra khỏi cổng trang trại của ông bố Lương.

Thuý Nga nói:

"Bố anh đúng là một ông già lạ lùng."

Lương cười, nới bớt cà-vạt.

"Không ai chịu nổi ông cụ."

Thuý Nga cười:

"Thì dì anh đấy thôi! Chị ấy chỉ bằng tuổi con gái ông cụ."

Lương lạnh lẽo:

"Cô ấy lấy ông cụ vì tiền."

Thuý Nga lắc đầu:

"Anh nhầm rồi. Chị ấy biết ông cụ có những giá trị khác hơn người."

"Chỉ vì tiền! Chỉ vì tiền!" – Lương hơi gắt gỏng. "Làm gì có giá trị nào?"

Thuý Nga quay đi, lùi xa Lương:

"Em thất vọng vì anh!"

Lương nuốt nước bọt, kiềm chế, đưa tay kéo áo Thuý Nga:

"Anh xin lỗi!"

Thuý Nga gạt tay Lương ra:

"Anh phải xin lỗi với rất nhiều người. Với thằng Thành, con trai anh. Em nhìn thấy sự thù ghét trong ánh mắt nó."

Lương sửa lại cà-vạt:

"Đấy là nó ghen tị. Nó biết, nó có cố gắng thế nào nó cũng không thể bằng anh được."

Thuý Nga không vui:

"Anh thật kiêu ngạo!"

Lương nói:

"Anh có quyền làm thế!"

Thuý Nga nhìn ra ngoài xe, nơi những thửa ruộng lúa đang lên xanh trông rất thích mắt.

"Anh phải học nhiều tính hài hước của ông cụ anh. Ông cụ có sức hấp dẫn thực sự. Nếu gần, em cũng yêu ông ta."

Lương đùa cợt:

"Không phải vì tiền đấy chứ?"

Thuý Nga cau mày, nhìn Lương:

"Thế anh nghĩ em yêu anh cũng vì tiền ư?"

Lương mỉm cười:

"Bỏ cả giang sơn yêu người đẹp. Hay đâu người đẹp thích giang sơn." [3]

Thuý Nga giằn dỗi:

"Em đã nghe rất nhiều cộng sự của anh nói anh là một tên nguy hiểm."

Lương cười nhạt:

"Bất cứ một kẻ nào sở hữu một số tài sản trị giá 20 tỉ cũng đều nguy hiểm."

Thuý Nga trầm ngâm:

"Em nghĩ không đến mức ấy. Chỉ 1 tỷ đã không còn là người bình thường nữa rồi."

Lương phản ứng:

"Gọi là gì? Đại gia à?"

Thuý Nga lắc đầu:

"Em không biết! Thường người ta gọi là tham nhũng."

Lương không bằng lòng:

"Bọn nhà báo các em dùng những từ rất khó chịu."

Thuý Nga nói:

"Anh chỉ thích báo chí khen ngợi anh thôi!"

Lương nhìn ra phía trước, mắt thoáng một ánh lạnh lùng:

"Báo chí chỉ phù thịnh. Người đời chỉ phù thịnh chứ không phù suy. Anh biết chắc chắn điều ấy... Và anh biết rõ anh phải làm gì."

Thuý Nga ngồi nhích xa Lương. Lần đầu tiên, cô cảm thấy sợ ông ta. "Đấy không phải là sự cương cường – cô nghĩ – Anh ấy đang phải ráng sức gồng mình... và điều ấy ẩn chứa biết bao tai hoạ...".


CHƯƠNG 8

Khu nhà của cơ quan Bộ mới được xây dựng mấy năm gần đây khá hiện đại. Vụ tổ chức – kế hoạch nơi Lương làm việc ở trên tầng 8 của cao ốc. Lương bước vào cầu thang máy rồi sải những bước đĩnh đạc dọc theo hành lang. Những nhân viên dưới quyền Lương lễ phép chào ông ta và rụt rè tránh sang bên cạnh. Có vài người chạy theo Lương để xin chữ ký vào một văn bản nào đó. Rõ ràng ở đây Lương là ông chủ, là một sếp lớn.

Lương bước vào phòng làm việc. Đó làm một căn phòng rộng, thoáng mát, có cửa kính rộng để nhìn bao quát thành phố. Chiếc bàn làm việc thiết kế khá độc đáo, lượn vòng cung, dài hơn 2 mét, trên đó có đặt chiếc máy vi tính. Ngay đằng sau bàn làm việc, ở khoảng trống trên tường có treo một tấm ảnh lớn chụp toàn cảnh một sân vận động trong một dịp lễ hội lớn, rực rỡ cờ hoa.

Lương để cặp lên bàn, ngồi xuống khởi động máy vi tính. Vừa theo dõi màn hình, Lương vừa hỏi người thư ký mới bước vào phòng:

"Đã có báo cáo quyết toán các công trình xây dựng gửi lên chưa?"

Người thư ký có khuôn mặt dài ngoẵng, dị tướng khác thường, nhanh nhảu:

"Thưa anh, đủ hết rồi. Tôi thấy nó khớp đáng ngờ với kế hoạch. Điều đáng sợ là tất cả các công trình đều xuống cấp nhanh sau khi đưa vào sử dụng."

Lương thản nhiên:

"Tôi biết rồi."

Người thư ký ngần ngại:

"Anh phải tiếp hai phái viên trên Bộ bây giờ, họ đã chờ anh nửa tiếng đồng hồ. Tôi đặc biệt ngại tay Đức là người của bên an ninh. Anh ta có dò hỏi mọi người về anh."

Lương cau mày:

"Mời họ vào đi... và chuẩn bị hai cái phong bì."

Trước khi đi ra, người thư ký đặt trước mặt Lương một tập giấy tờ:

"Anh ký cho những văn bản này."

Lương gật đầu. Người thư ký bước ra hành lang, để Lương ngồi lại.



CHƯƠNG 9

Tiệm cắt tóc gội đầu của Thuý Vinh, tức Vinh "chọi" nằm ở một góc phố nhỏ. Thuý Vinh chừng 25 tuổi vốn là công nhân của xí nghiệp đóng giày nhưng "tuột xích". Trong giới ăn chơi, Vinh "chọi" khá nổi tiếng vì sự liều lĩnh. Tuy ít học nhưng vốn láu lỉnh khôn khéo nên Vinh "chọi” quan hệ khá rộng, thậm chí với cả những người thuộc giới tai mắt cổ cồn ở trong thành phố.

Ba ông khách nằm dài trên ghế được Thuý Vinh và hai cô nhân viên của Vinh chăm sóc. Họ vừa làm việc, vừa tán tỉnh, đùa cợt với khách.

Thuý Vinh hỏi chuyện ông khách mà cô đang gội đầu cho. Đấy là một người đàn ông chừng 40 tuổi, khá hay chuyện, có vẻ là một công chức ở một Bộ hay Sở nào đó.

Thuý Vinh hỏi:

"Ông anh dạo này có hay đi công tác đâu không?"

Ông khách nhăn nhó:

"Trên bảo đi đâu đi đấy. "Ăn cơm chúa, múa tối ngày".

Thuý Vinh cười:

"Chắc bận lắm à?"

Ông khách gật đầu:

"Ừ! Nghề của bọn anh là thế, vất vả lắm, đâu được nhàn hạ như nghề của em, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu."

Thuý Vinh kéo tai ông khách:

"Thế mới có tiền tiêu như rác! Còn chúng em nặn ra chẳng được một đồng."

Ông khách nắm lấy tay Thuý Vinh ỡm ờ:

"Thôi đi cô! Đừng có xạo. Anh hỏi thật nhé: thu nhập của em mỗi ngày mấy "sập"?

Thuý Vinh lè lưỡi:

"Eo ơi! Anh bảo em làm nghề giết người cướp của à? Mấy "sập”! Nếu thế thì em đã thành triệu phú.»

Ông khách cười to:

"Em chẳng giết người cướp của thì cũng đè đầu cưỡi cổ người ta."

Thuý Vinh cười ngất:

"Đấy là vì các anh tự nguyện đấy chứ. Có ai bắt đâu nào!"

Vừa lúc ấy, Chi – một cô bé con 13 tuổi đi vào, vừa đi vừa ăn nho. Chi mặc một bộ đồ hoa, áo không tay, quần lửng, đầu tóc rối bù. Cô bé trông rất xinh xắn, trông nhỏ nhưng đã rất gợi tình. Ông khách nghiêng đầu nhìn, ngạc nhiên:

Ông khách hỏi Thuý Vinh:

"Nhân viên mới của em đấy à?"

Thuý Vinh trả lời:

"Nhân viên tiếp thị. Mốt bây giờ là bọn "chíp” này. Bọn em quá đát rồi."

Ông khách thở hắt ra:

"Cũng có thể nói rằng đàn ông bây giờ đồi bại hơn."

Thuý Vinh cầm lược gõ lên trán ông khách:

"Đấy là anh nói đấy nhé!"

Ông khách gạt tay Vinh ra:

"Còn em, em sẽ nói gì?"

Thuý Vinh cười:

"Em á? Sự đời như chiếc lá đa. Con kiến nó cứ leo ra leo vào."

Chi đứng một mình, uốn éo trước gương rồi đánh hông rồi đi vào buồng trong, trông rất bụi.


CHƯƠNG 10

Trong phòng làm việc, Nguyễn Quốc Lương đang ngồi tiếp hai phái viên của Bộ ở xa-lông. Cả hai vị khách đều vận com-lê, trạc 45 tuổi. Một trong hai phái viên là Đức, vốn là một sĩ quan ngành công an, có nét mặt thâm trầm rất ấn tượng. Người thư ký của Lương đứng ở cửa để chờ để sai bảo.

Vị phái viên trên Bộ, đầu hói, đeo một đôi kính cận dày đến 5 "đi-ốp" thông báo:

"Tình hình của các vị là mắc kẹt đấy. Bộ trưởng không hài lòng. Báo chí nói rằng chúng ta đã chi quá nhiều hơn so với mức cần thiết. Thậm chí có quyết toán khống."

Lương nói:

"Tôi không quan tâm. Ở đời, được mất phải đi đôi với nhau. Chỉ muốn được mà không muốn mất thì chỉ có cách ngồi yên chẳng làm gì cả."

Vị phái viên cười:

"Đấy là lý thuyết. Nhưng ở phương diện vi mô, nhiều khi mất thì có nghĩa là sẽ mất sạch."

Lương lạnh lẽo:

"Tôi biết."

Vị phái viên hỏi:

"Anh đã xem kỹ các bản quyết toán xây dựng ở các cơ sở gửi lên chưa. Anh có dám đứng ra chịu trách nhiệm giải trình với Bộ trưởng hay không?"

Lương trả lời, khó chịu ra mặt:

"Đừng có mang Bộ trưởng ra để doạ tôi. Thế anh tưởng tôi ngồi ở ghế này để chơi à? Tôi xuất thân là dân xây dựng, tôi đã có 30 năm chỉ huy xây dựng các công trình tầm cỡ quốc gia. Rất khó qua mắt được tôi."

Vị phái viên chặn lại:

"Anh đừng có chủ quan!"

Lương nói:

"Tôi chưa bao giờ là người ký bừa, ký ẩu... Tôi hiểu rõ công việc của mình và tôi hiểu rõ trách nhiệm của tôi."

Vị phái viên gật gù:

"Tôi tin anh... nhưng có nhiều người không tin anh, nhất là cánh bên báo chí..."

Lương bực bội:

"Báo nào? Tôi sẽ làm cho họ câm miệng!"

Đức từ lúc nãy vẫn ngồi yên, bây giờ mới nói, khá nhẹ nhàng nhưng có ý đe doạ.

"Anh Lương, anh nên bình tĩnh. Cái gì cũng có giới hạn của nó."

Lương và Đức nhìn nhau như thăm dò, như đối địch, có phần căng thẳng.

Lương không còn giữ kiềm chế, ông ta đứng lên, có ý muốn kết thúc câu chuyện. Sự chủ động của Lương khiến vị phái viên lúng túng, cũng đứng lên theo.

Người thư ký của Lương đến gần hai vị khách, đưa ra hai cái phong bì:

"Xin lỗi, để các anh ăn trưa."

Vị phái viên mỉm cười, nhét phong bì vào túi áo ngực. Đức xua tay, không nhận phong bì. Đức nói:

"Cám ơn, tôi không cần."

Lương lạnh lùng giơ tay ra bắt tay hai người. Lương và Đức bắt tay nhau, hơi có phần căng thẳng và đối địch.

Khi hai vị khách đi ra khỏi phòng, Lương giơ chân đá vào cái rọ vẫn để giấy lộn.

"Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào! – Lương tự nhủ mình – Trên cao thì gió lộng... Điều cốt yếu nhất là phải giữ mình bình tĩnh, nếu không, những quyết định đưa ra sẽ sai lầm. Chẳng lẽ mình lại đang bị phục binh tới cả bốn mặt hay sao? Tầm bậy!"

© 2006 talawas

[1]Bút danh mà Nguyễn Huy Thiệp dùng cho cuốn tiểu thuyết này vốn là Nguyễn Thiên Đồng (talawas chủ nhật).
[2]Thơ Nguyễn Bảo Sinh (sinh năm 1940 ở Hà Nội, nhà thơ dân gian): “Con ta không phải của ta/ Tai hoạ của nó mới là của ta/ Của chìm của nổi trong nhà/ Của ta rồi sẽ lại là của con”.
[3]Thơ Nguyễn Bảo Sinh

Nguyễn Huy Thiệp (1950) được coi là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại quan trọng nhất, với những truyện ngắn đã trở thành kinh điển trong văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, làm nên một phong cách không thể trộn lẫn. Những năm gần đây, ông liên tục gây dư luận và gây tranh cãi trong những thể loại khác, như qua loạt tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” (2004), “Thời của tiểu thuyết” (2003), tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu (2003), vở kịch Mổ nhà văn (2004, bút danh Thích Thiện Ngân) và gần đây nhất là tiểu thuyết chương hồi Võ lâm ngoại sử (2005, bút danh Tiểu Ngọc).

Nguyễn Huy Thiệp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại Hà Nội với vợ và hai con trai.

Website Nguyễn Huy Thiệp: http://nguyenhuythiep.free.fr/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài