talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 11.02.2006
Nguyễn Huy ThiệpTiểu long nữ

phần 1 phần 2 phần 3 phần 4

Nguyen Huy Thiep
Nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính
Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn của talawas chủ nhật

talawas chủ nhật: Thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với những sáng tác và phát biểu gần đây, độc giả đang thấy một Nguyễn Huy Thiệp với quan niệm và phong cách văn chương khác hẳn thời kì trước. Xin anh cho biết tại sao lại có bước ngoặt như vậy?

Nguyễn Huy Thiệp: Nếu độc giả thấy tôi khác trước thì thật thú vị, nghĩa là tôi cựa quậy, nghĩa là tôi đa dạng... Chẳng có bước ngoặt nào cả. Tôi sống, cố gắng thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng. Mỗi một chặng của đời người ta đều có những khó khăn, những đón đợi. Viết văn là một việc rất khó, tự mình làm khó cho mình. Hình như có lần tôi nói ở đâu đó rằng viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính.

talawas chủ nhật: Có tin đồn cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp nhất định phải viết tiểu thuyết vì chỉ viết tiểu thuyết mới dễ được trao giải Nobel. Cũng lại có tin đồn cho rằng, anh nhất định viết rất nhiều và rất nhanh để chứng minh rằng viết tiểu thuyết chẳng qua chỉ là trò trẻ con dễ ợt. Quả thực, anh đang viết nhiều và nhanh... Anh nghĩ sao về những tin đồn này?

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng là miệng thế gian như làn sóng bể. Tôi viết văn, viết tiểu thuyết quả thật chưa bao giờ nghĩ đến giải Nobel. Tôi ra nước ngoài, thấy tình trạng dịch thuật tồi tệ thì tôi biết chắc sẽ chẳng có giải Nobel nào cả cho người Việt Nam mình. Nếu tôi ở Đức, giỏi tiếng Đức, tôi sẽ kiếm được giải Nobel văn chương về cho Việt Nam. Nhất định thế! Còn việc tôi cố gắng viết tiểu thuyết nhiều và nhanh thì không phải để chứng minh gì cả (tôi phải chứng minh với ai? Để làm gì?). Làm sao viết văn lại là "trò trẻ con dễ ợt" được? Hiện nay ở Việt Nam, cuộc sống diễn ra muôn màu muôn vẻ, đúng là đổi mới, cái gọi là "hiện thực cuộc sống sinh động" phong phú gấp tỉ lần sự tưởng tượng của nhà văn. Tiểu long nữ của Nguyễn Thiên Đồng [1] là một ví dụ thảm hại: nguyên mẫu phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều nhân vật tiểu thuyết. Tôi muốn thể nghiệm việc nhà văn hoá thân vào các sự kiện đời sống nhưng có lẽ không làm được, hoàn toàn không làm được. Ở Việt Nam, có quan chức như Bùi Tiến Dũng ở Bộ Giao thông Vận tải đánh bạc tới cả triệu đô... Rất nhiều con người, nhiều sự kiện ngoài sức tưởng tượng của nhà văn. Viết nhanh, viết nhiều là nhu cầu của các nhà văn lương thiện, có lương tâm, có "ý thức công dân" (như người ta vẫn nói) hiện nay.

talawas chủ nhật: Chẳng mấy khó khăn để đoán ra tác giả của những Mổ nhà văn, Võ lâm ngoại sử... chính là Nguyễn Huy Thiệp. Tại sao anh không kí tên thật cho những tác phẩm này?

Nguyễn Huy Thiệp: Có những tác phẩm mà kí tên thật nhiều khi cũng... ngượng. Cũng sợ nữa.

talawas chủ nhật: Trong lời giới thiệu cho cuốn Tiểu long nữ dưới đây, anh cho rằng, tiểu thuyết chẳng qua chỉ là thứ "văn học hạng hai", là "á văn học" và người viết tiểu thuyết cốt để mua vui và kiếm tiền. Vậy anh có tin rằng độc giả sẽ thấy vui khi đọc anh bây giờ hơn là đọc anh ngày xưa? Và anh đã kiếm được bao nhiêu tiền cho những tiểu thuyết này?

Nguyễn Huy Thiệp: Mỗi một thời một khác. Mỗi một chặng đời của người viết văn cũng chẳng có chặng đời nào giống chặng đời nào. Không phải lời nào của tôi nói ra cũng là "lời của Chúa", đáng tin cậy. Độc giả, những "fan" thực sự của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng vui thích khi có một tác phẩm mới của anh ấy được tung ra, dù cho ký tên gì cũng thế. Ngay cả tôi, tôi cũng thích một Nguyễn Huy Thiệp nhà văn với những tác phẩm mới. Còn tiền bạc? Không có nhiều đâu. Nhà văn với cuộc sống thanh đạm. Số phận của tôi là thế. Tôi chọn một cuộc sống như thế. "Tại mày muốn thế! Georges Dondain! Tại mày muốn thế! Georges Dondain!". Đấy là lời của một nhân vật ở trong hài kịch Molière mà tôi vẫn hay nhắc khi nào tôi bí. Khi nào tôi hết tiền!

 

Nguyễn Huy Thiệp

Tiểu long nữ

tiểu thuyết 45 chương (phần 4)

 

CHƯƠNG 36

Nhà của Chi trên đường tàu hoả. Chiếc xích lô chở Thúy Vinh và Chi dừng ở cửa. Chi khóc thút thít. Họ xuống xe.

Thúy Vinh dỗ dành:

"Nào! Nào... Nín đi, nín đi!"

Thúy Vinh kéo Chi vào nhà.

Ông Khôi, bố của Chi ra đón.

Khôi hơi ngạc nhiên, cau mày:

"Sao thế con? Sao mày lại khóc?"

Chi giằng khỏi tay Thúy Vinh, vứt cái túi xắc lên chiếc ghế xa-lông rách, quăng đôi giày cao gót đỏ rồi trèo lên gác, khóc to hơn, nằm úp mặt kéo chăn trùm đầu.

Thúy Vinh ngồi phệt lên ghế xa-lông.

Khôi quát vợ vẫn đang mải băm thịt:

"Bà để đấy! Lên xem con bé thế nào!"

Dung chùi tay, vội vã trèo lên gác.

Khôi hỏi Thúy Vinh, vẻ ngờ vực, hai mắt hấp háy:

"Em nó sao thế hả cô? Sao nó lại khóc?"

Thúy Vinh dằn dỗi nói:

"Biết sao được? Đồng bóng còn gọi con ông là cụ..."

Khôi cười lấy lòng, xoa hai tay vào nhau:

"Thì nó mới còn trẻ con mà cô. Mới có 13 tuổi đầu. Ở tuổi nó, một ngày tôi cười ba lần, sau đó lại khóc ba lần..."

Khôi rót nước, đưa cho Vinh:

"Uống nước đi cô... Thế cháu nó làm cho cô thế nào? Buổi đầu, cái gì cô cũng phải dạy, cũng phải bảo ban cho nó. Như thế gọi là nghĩa tình quân sư phụ. Ngày xưa, Khổng Tử có bảo Nhan Hồi là ta với ngươi có tình thày trò, nhưng nghĩa là nghĩa cha con ruột thịt.

Khôi cầm cái túi xách mà Chi vứt trên ghế xa-lông ngắm nghía:

"Của cô đây à?"

Thúy Vinh lắc đầu:

"Không! Của em Chi đấy!"

Khôi mở phéc-măng-tuya lấy ra gói báo, mở ra thấy tờ 100 đô-la và xấp tiền dày, ngạc nhiên. Mặt Khôi tái dần đi:

"Chết! Sao nó lại có nhiều tiền thế này?"

Thúy Vinh chỉ liếc mắt nhìn, không trả lời, vẫn giữ vẻ hậm hực.

Khôi căn vặn:

"Cô trả cho nó đấy à?"

Thúy Vinh không trả lời. Bằng kinh nghiệm riêng trường đời, Khôi lờ mờ hiểu ra tình thế, vẻ mặt từ từ thay đổi.

Khôi cầm tập tiền chìa ra, hoạnh hoẹ:

"Cô bán nó rồi phải không? Có đúng không? Có đúng hay không?"

Thúy Vinh ngồi lùi ra, giằn dỗi:

"Ai bán con ông?"

Khôi sừng sộ:

"Không bán sao có nhiều tiền thế này? Cô nói thật đi! Không cô sẽ chết với tôi!"

Thúy Vinh sợ hãi, lúng túng, lắp ba lắp bắp:

"Bác... Bác làm gì thế?"

Khôi điên tiết:

"Làm gì à? Cô bán trinh nó phải không? Cô giết con tôi... Mày! Mày giết con tao mất rồi!"

Khôi ném cái túi vào người Thúy Vinh nhưng tay kia vẫn cầm chặt tiền.

Thúy Vinh lùi vào góc chiếc ghế, hoảng sợ:

"Bác... Bác! Bác làm gì thế?"

Khôi dồn Thúy Vinh, mặt đỏ tía tai:

"Bác cháu cái gì? Mày khai thật đi! Mày bán trinh nó phải không? Nếu không thì tao giết mày."

Vừa lúc ấy vợ Khôi kéo Chi đang khóc nức nở xuống gác.

Dung lu loa, rít lên:

"Giời ơi! Ông ơi... Con bé nó bị hiếp dâm... nó nói nó bị hiếp dâm đây này..."

Khôi lao vào Thúy Vinh đấm túi bụi vào mặt cô ta. Thúy Vinh sợ hãi lấy túi che đỡ...

Khôi ngồi phệt xuống đất, lấy hai tay đấm xuống đất, gào lên:

"Giời ơi là giời! Giời ơi là giời..."

Đúng lúc ấy, tàu hỏa sầm sập chạy qua. Những viên sỏi bắn cả vào trong nhà.



CHƯƠNG 37

Trong một phòng làm việc của cơ quan công an, có năm, sáu người ngồi ở hai bên bàn, có người mặc thường phục, có người mặc quân phục, có cả người phái viên ở Bộ chủ quản của Lương. Đức mặc quân phục trung tá đang nói.

Đức nhìn mọi người, chém mạnh tay vào không khí:

"Tôi nghĩ rằng phải bắt Nguyễn Quốc Lương. Những biểu hiện tham nhũng, tham ô tài sản nhà nước là rất rõ ràng."

Người phái viên trầm ngâm, vặn lại:

"Nhưng chứng cứ ở đâu? Bằng chứng chúng ta không có."

Một người khác băn khoăn:

"Nguyễn Quốc Lương làm việc độc lập, không có phe nhóm, đã xơi là xơi một mình. Hắn khôn ngoan như cáo, lạnh lùng như sói. Không có bằng chứng, không có tang vật thì không thể bắt hắn vì tội tham nhũng được."

Một người khác nữa cũng nói:

"Chúng ta không thể bắt hắn vì cảm tính. Ra pháp luật, tất cả phải có lý lẽ, phải có tang chứng, vật chứng rõ ràng. Hơn nữa Nguyễn Quốc Lương là người có lý lịch tốt, hắn thực sự là người có công trạng lớn."

Đức bực mình:
"Chẳng lẽ chúng ta bó tay sao? Chúng ta bế tắc trong chính những quy định pháp lý mà chúng ta dựng ra hay sao?"

Người sĩ quan đeo lon đại tá lắc đầu:

"Không phải thế. Nếu có tội thì dù kiểu gì cũng phải trả giá. "Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không lọt”, Bao Công ngày xưa chẳng nói như thế là gì."

Một người khác cũng bảo Đức:

"Chúng ta vẫn đủ thời gian chờ đợi cơ mà. Anh Đức, anh đã theo hắn 5 năm nay rồi, chờ thêm 5 ngày nữa cũng không được sao?"

Đức mỉm cười, gật đầu:

"Được! Tôi sẽ chờ! Nhất định tôi sẽ tóm được con cá mập này!"

Cuộc họp kết thúc, Đức ngồi lại sắp xếp các giấy tờ. Anh nhìn đồng hồ, hốt hoảng. Đã đến giờ phải vào bệnh viện thăm vợ. Vợ anh đang còn rất yếu...


CHƯƠNG 38

Trong nhà Chi. Trên chiếc ghế xa-lông rách, Thúy Vinh ngồi nép vào một góc sợ hãi. Bà Dung ôm Chi ngồi ở ghế, Chi vẫn nước mắt sụt sùi.

Khôi ra treo tấm biển: "Nghỉ không bán hàng” rồi khép cửa lại đi vào.

Khôi đi đi lại lại trước mặt ba người. Khôi ra rút soạt con dao bầu lăm lăm trong tay. Khôi dừng lại trừng mắt hỏi Chi:

"Thế hiếp dâm mày nó là thằng nào?"

Chi sợ hãi chỉ Thúy Vinh.

Chi nhìn con dao trên tay Khôi, khiếp đảm:

"Con không biết... Bố hỏi chị ấy!"

Khôi quay sang Thúy Vinh, uy hiếp.

Khôi dứ con dao trước mặt Thúy Vinh:

"Nó là thằng nào? Nói!"

Thúy Vinh sợ hãi, lắp bắp:

"Ông ấy... ông ấy là Nguyễn Quốc Lương, một quan chức bự..."

Khôi cười nhạt:

"Thế thì nó là một thằng có tóc... Được rồi! Tóm thằng có tóc không ai tóm thằng trọc đầu! Tốt lắm! Thế thì tốt lắm! Thế thì nó chết đầu nước với tao... Tao sẽ cho nó đi tù phen này... Thế mày quen nó lâu chưa?"

Thúy Vinh sợ hãi, khép nép nhìn con dao trong tay Khôi:

"Quen vài lần!"

Khôi hỏi:

"Nhà nó ở đâu?"

Thúy Vinh lúng túng:

"Cháu không biết. Cháu chỉ có số điện thoại di động."

Khôi cười gằn:

„Điện thoại di động! Hừ! Văn minh đấy! Rồi nó sẽ chết vì thứ văn minh đồi bại này cho mà xem... Bây giờ phải làm đơn kiện. Mày phải ký tên vào đấy làm chứng. Phải mang con bé nhà tao đi vào bệnh viện để khám màng trinh... Mẹ chúng mày chứ! Chiểu theo khoản 1, điều 112 Bộ luật hình sự thì tội hiếp dâm trẻ em phải chịu từ 7 cho đến 15 năm tù. Lại còn bồi thường tiền nữa, ít nhất cũng phải ngót nghét tỉ đồng...“

Khôi đi đi lại lại suy nghĩ rất lung. Ba người đàn bà co rúm lại nhìn theo bước đi hung dữ của Khôi.

Khôi bỗng bật cười, thói lưu manh nổi dậy trong người ông ta.

Khôi gật gù, dứ dứ con dao:

"Tái ông thất mã... Hay quá! Phen này thằng Nguyễn Quốc Lương sẽ phải rũ tù. Một mặt bây giờ phải làm đơn kiện, tao sẽ đứng tên cựu chiến binh để ký đơn này. Một mặt mẹ mày (chỉ vào Dung) phải ngay lập tức đưa con bé này vào trong bệnh viện, phải xin bằng được chứng chỉ mất trinh... Cô Vinh, cô phải đứng về phe của chúng tôi, tức là những người bị hại để mà làm chứng. Ra công đường, không có tình nghĩa gì đâu mà chỉ có lý mà thôi. Không có tang chứng vật chứng thì rồi ăn cứt... Một mặt khác nữa, phải tìm ngay ra địa chỉ, nhân thân của tay Lương này để đòi bồi thường thiệt hại... Tái ông thất mã. Mất ngựa rồi tìm ra ngựa... Chẳng lẽ mất trinh mà không tìm ra được thứ gì à?"

Khôi vứt dao xuống đất, quát mẹ con Dung, Chi:

"Đứng lên đi! Đi vào bệnh viện. Vẫn còn ngồi đây thút thít thì làm được cái trò gì?
Vừa lúc ấy, lại một chuyến tàu sầm sập chạy qua."

Khôi chạy ra ngoài gọi mấy chiếc xe ôm. Khôi bắt Thúy Vinh đi theo hai mẹ con Dung, Chi.

Khôi giao hẹn trước với Thúy Vinh:

"Bằng bất cứ giá nào cũng phải lấy được chứng chỉ xác nhận của bệnh viện là con bé mất trinh. Nếu không – Khôi khẳng định như đinh đóng cột – thằng này sẽ sống chết với cô. Cô cứ về đóng quan tài trước đi là vừa!"

Thúy Vinh biết, với loại người như Khôi thì đấy không phải là một câu nói đùa.


CHƯƠNG 39

Trong phòng làm việc của Đức ở trụ sở công an: Đức và một nữ đồng nghiệp đang làm việc trên máy vi tính. Ở các bàn khác cũng có những người khác mặc quân phục đang ngồi làm việc.

Đức đi đi lại lại, bực bội:

"Thật tức quá! Tội phạm sờ sờ trước mặt, biểu hiện rõ ràng mà không làm gì hắn được..."

Người nữ đồng nghiệp của Đức tìm ra được một số liệu gì đó trên máy vi tính, reo lên:

"Anh Đức! Anh xem đây này. Những con số này có ý nghĩa gì?"

Đức nhìn vào máy vi tính, làm một vài thao tác máy, xem xét số liệu trên màn hình.

Đức giơ tay lên trời:

"Đúng rồi! Đúng rồi! Đây là gói thầu số 8... Tôi cũng đã kiểm tra số liệu gói thầu này! 25 triệu đô-la mà thất thoát tới 9 triệu đô-la thì kinh khủng quá!"

Vừa lúc ấy, một người công an mở cửa phòng bước vào. Người này bảo Đức:

"Anh Đức! Vừa có tin gấp về Nguyễn Quốc Lương."

Đức vội vã đi theo người công an.

Đức hồi hộp. Đức đã theo dõi Nguyễn Quốc Lương từ 5 năm nay. Tìm hiểu Lương, Đức công nhận Lương có những phẩm chất hơn người: tính quyết đoán trong công việc, đầu óc tổ chức giỏi, trong quan hệ với mọi người không phải không có tình có lý. Thậm chí, Lương còn là một kẻ vị tình. Chính điều đó đã làm cho không ít người lợi dụng Lương, nếu không muốn nói là còn làm hại Lương trong công việc nữa.

Giống như nhiều người Việt Nam giữ những cương vị lớn, Đức nhận thấy Lương thiếu phẩm chất của một thủ lĩnh. Thái độ không tin cậy bạn cộng sự là một nhược điểm. Lương hay sa vào những việc sự vụ. Một mặt khác, Lương còn hay tham vặt.

"Nhưng lòng tham thì ai chẳng có?” Đức tự hỏi mình. Chính Đức nhiều khi cũng tham danh lợi. Tuy nhiên, Đức vẫn luôn nhớ lời người xưa: "Ham cái lợi phải là cái lợi chung cho thiên hạ, ham cái danh phải là cái danh cho muôn đời". Đức luôn phải tự nhủ mình giữ gìn danh dự.

Đức biết công việc của mình là một công việc khó và hay bị hiểu lầm. "Không có cảnh sát thì không có văn minh”. Đức mong muốn góp một phần công sức cho sự văn minh của đất nước, một việc tưởng là dễ nhưng khó vô cùng.



CHƯƠNG 40

Trời nắng như thiêu. Không khí oi bức lạ thường. Hà Nội đang trong những ngày cuối hè, đầu thu, mưa nắng thất thường.

Trước cửa nhà Chi ven đường tàu hoả đông nghẹt người. Ở ngoài cửa, Khôi, bố của Chi đã cho treo tấm biển đề: "Nghỉ cửa hàng. Nhà bị hại" to tướng.

Trong nhà và ngoài cửa xúm xít rất đông những người đứng tò mò xem.

Ở giữa nhà có kê một cái bàn làm việc. Khôi đang ngồi đối diện với một người công an phường và ông chủ tịch phường.

Trên tay người công an là một tập giấy tờ Khôi vừa trình báo.

Khôi nước mắt lưng tròng:

"Thưa các chú... Con bé mới có 13 tuổi đầu, trong trắng, ngây thơ... Xác nhận y tế rõ ràng "ở trong âm đạo có xác tinh trùng". Giời ơi là giời! Thế là thế nào? Thằng Nguyễn Quốc Lương là yêu râu xanh chứ còn gì nữa! Đạo đức ở đâu? Luật pháp ở đâu? Tôi gửi đơn kiện này với đủ tang chứng, vật chứng rõ ràng. Chúng tôi bị hại! Chúng tôi có quyền đòi hỏi lẽ phải. Hiếp dâm trẻ em là tội tày đình, trời không dung, đất không tha. Không thể tha thứ cho thằng ấy được."

Ông chủ tịch phường ngăn lại:

"Bác Khôi! Bác cứ bình tĩnh! Cái gì cũng có pháp luật, bác cứ yên tâm. Chúng tôi rồi sẽ xem xét..."

Khôi đỏ mặt tía tai:

"Vâng! Tôi yên tâm chứ... nhưng xin cha nội không thể cứ cưa mũi tên như thế. [2] Tôi sẽ gửi đơn kiện này lên thành phố, lên cao nữa... Phải làm cho ra môn ra khoai."

Người công an xem xét giấy tờ, nhận xét:

"Chứng thực của bệnh viện này là rất quan trọng. Nó là cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án."

Khôi vội vàng lấy trong ngăn kéo ra một tập giấy in:

"Đây! Các anh cầm thêm một bản sao nữa cho chắc chắn. Tôi đã photocopy ra 50 bản! Chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Các cụ ngày xưa đã nói thế rồi. Nó là đạo đức, cũng là tiền bạc. Nó phi vật chất mà là vật chất. Danh dự của con gái tôi cũng là danh dự của tôi, của cả nhân dân phường này. Tôi nói như thế có đúng không nào?"

Nhiều tiếng đồng tình: "Đúng! Đúng!". "Phải làm cho nó ra nhẽ!".

Khôi đứng lên, hướng về đám đông, vung tay lên như diễn thuyết:

"Thưa bà con! Đạo đức đứng về phía tôi! Đạo đức là gì? Đạo đức chỉ có ở những người nghèo khốn khổ. Chúng ta có thừa đạo đức! Chúng ta đạo đức nên thế chúng ta mới khổ! Đây là một cuộc đấu tranh pháp lý mang tính đạo đức, mang tính nhân văn..."

Ông chủ tịch phường vội vàng kéo Khôi ngồi xuống:

"Thôi thôi! Bác Khôi, bác cứ bình tĩnh. Chúng tôi nhận đơn của bác sẽ về trình báo. Bác cứ yên tâm..."

Ông chủ tịch phường và người công an đứng lên.

Đám đông đi ra. Vừa lúc ấy, một chuyến tàu đến. Mọi người bỏ chạy tán loạn.

Ngay sáng hôm sau, trên các báo hàng ngày đã đưa tin "Nguyễn Quốc Lương hiếp dâm trẻ em". Có đến hơn chục tờ báo đưa tin một lúc.

Trước một quầy bán báo. Rất đông người mua báo.

Mấy đứa trẻ bán báo đang rao báo.

"Báo đây! Báo đây! Khởi tố vụ án Nguyễn Quốc Lương hiếp dâm trẻ em!"

Những đứa trẻ khác cũng rao ầm lên như thế.

Thúy Nga mua một tờ báo, đứng đọc ngay giữa đường. Một chiếc ô tô đi đến. Người lái xe quát to:

"Muốn chết à?"

Thúy Nga vội vã tránh lên hè.

Thúy Nga lo lắng, gọi điện thoại di động cho Nguyễn Quốc Lương nhưng không có tín hiệu trả lời.

"Thế là nguy rồi" – Thúy Nga nghĩ – "Khinh suất, kiêu ngạo... Thế là anh ấy đã tự chuốc hoạ vào mình."

Thúy Nga biết một khi báo chí đã đưa tin rầm rộ thì nghĩa là sự nghiệp của Lương đã đi đứt, vô phương cứu chữa.

Bất giác, cô thở dài, luống cuống không biết mình đang ở đâu, định đi đâu.


CHƯƠNG 41

Lương choáng người khi đọc xong tập báo mà người thư ký mang vào buổi sáng. Mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.

Thế là mất hết! Thế là vô phương cứu vãn. Ô nhục! Làm sao có thể thanh minh được với mọi người khi mà chứng cớ đã rất rõ ràng, lại được đăng tải ở tất cả các tờ báo lớn?

Lương vò nát tờ đơn kiện của gia đình Khôi. Phen này ra toà là chắc. Làm sao thoát khỏi búa rìu pháp luật?

Lương lo lắng nghĩ. Điều Lương lo sợ lúc này là sự việc không phải chỉ dừng ở mức có thể ỉm đi cho xong chuyện được. Từ việc này sẽ lan sang việc khác. Hay là đã có kẻ nào gài bẫy? Không! Không đời nào! Tất cả chỉ là do sự khinh xuất không đáng có.

Lương đi đi lại lại, đầu ong ong như có muôn vàn mũi kim đâm vào. Không còn có mặt mũi nào để nhìn vợ con, thiên hạ.

"Chỉ còn cái chết giải thoát tất cả" – Lương nghĩ – "Sống sẽ chỉ chuốc ô nhục vào mình..."

Lương sợ hãi khi nghĩ đến buổi sáng nay khi đến công sở. Tất cả mọi người đều lảng tránh Lương. Ngay cả viên thư ký trung thành cũng biến đâu mất. Khi Lương vào phòng, chỉ thấy có một tập báo in sự việc của Lương ở trên mặt bàn.

Lương khoá cửa phòng ngồi im suy nghĩ cả ngày, không ăn, không uống. Đã hết giờ làm buổi chiều rất lâu, Lương mới lén mở cửa phòng trông ra ngoài. Mọi người đã về từ lâu, không còn bóng một người nào.

Lương lén lút rời khỏi công sở, gọi một chiếc xe bảo đi về cầu Thăng Long. Lương đứng giữa cầu, nhìn xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy.

"Lương ơi, số mệnh của mày đến đây là hết!"

Lương nhắm mắt lại. Chỉ một tích tắc nữa thôi Lương sẽ lao mình xuống dòng nước xiết.

Bỗng nhiên, từ phía Hà Nội một chiếc xe taxi từ từ đến gần, đỗ lại cách chỗ Lương đứng khoảng chục mét. Đức xuống xe, đi đến gần, vỗ nhẹ vai Lương. Lương giật mình quay lại, thất thần.

Đức nghiêm nghị:

"Anh Lương! Xin đừng làm thế. Cái gì cũng có giới hạn của nó!"

Lương thở dài, toàn thân như sụp đổ:

"Tôi biết. Tôi đã thua anh."

Đức nhẹ nhàng:

"Đừng nói đến thắng thua. Anh đã sai lầm từ chính trong bản thân mình. Có đúng không?"

Lương mệt mỏi, không trả lời, biết rằng không còn lối thoát. Lương giơ tay ra cho Đức lấy còng số 8 còng tay. Chiếc ô tô tiến lại gần. Đức mở cửa xe cho Lương chui vào.

Lương chui vào xe. Đức đóng sập cửa xe rồi mở cửa xe ngồi lên ghế trên.

Chiếc xe phóng đi.


CHƯƠNG 42

Chiếc xe taxi đi từ trong trường đại học đi ra. Bà Quỳnh và Hằng vừa đi dự lễ tốt nghiệp ra trường của Thành. Buổi lễ trang trọng, tất cả sinh viên tốt nghiệp đều mặc áo chùng, đội mũ cử nhân hệt như ngày hội.

Trong xe taxi, Thành ngồi giữa, vẫn mặc lễ phục như khi lên nhận bằng từ thầy Hiệu trưởng. Bà Quỳnh mặc áo dài. Hằng mặc áo dài ôm hoa. Cả ba mẹ con cười nói hân hoan như chưa bao giờ họ vui như thế.

Chiếc taxi đi về nhà bà Quỳnh.

Ở nhà bà Quỳnh, cổng mở toang. Khôi đứng tựa ở cửa, đeo kính đen, khoanh tay, điệu bộ khá du côn, bên cạnh có tấm biển đề: "Người bị hại”. Dung (vợ Khôi) đứng cạnh ôm bức ảnh Chi lồng kính. Chiếc taxi chở bà Quỳnh, Thành và Hằng tiến vào. Bà Quỳnh hơi ngạc nhiên.

Khôi bỏ cặp kính đen ra, nói:

"Về đây rồi! Chà! Đúng là đại gia có khác. Con đỗ thủ khoa. Mẹ bậc phu nhân đài các. Phen này ra rơm ra rác cả nhà!"

Bà Quỳnh, Thành và Hằng xuống xe. Khôi vẫn im lặng khoanh tay.

Bà Quỳnh hốt hoảng hỏi Khôi:

"Ông... Các người là ai?"

Khôi đưa tấm biển ra, đưa ra một tập báo.

Khôi cười nhạt:

"Chào bà, chào cô, chào cậu. Bà hỏi chúng tôi là ai? Thưa bà, bà có nhìn thấy tấm biển này không? Chúng tôi là người bị hại... Ông nhà đã hại chúng tôi, hại đời con gái chúng tôi. Thế bà đã đọc báo sáng nay chưa? Tôi xin giới thiệu: tôi là Ngọc Khôi, còn đây là vợ tôi, cô Thùy Dung. Bà cứ mở cửa vào nhà chúng ta nói chuyện."

Thành giật lấy tờ báo đọc, vẻ mặt thất sắc. Bà Quỳnh quỵ xuống, suýt ngã. Hằng vội đỡ bà Quỳnh.

Khôi đi theo mọi người vào nhà, bảo bà Quỳnh:

"Bà bị sốc... Thế bà tưởng vợ chồng tôi không sốc hay sao?"

Thành mở cửa nhà.

Trong nhà bà Quỳnh: phòng khách rộng mênh mông. Bộ xa-lông Hàn quốc lộng lẫy. Khôi, Dung ngồi đĩnh đạc trên ghế.

Bà Quỳnh cũng ngồi, sau lưng là Thành và Hằng bám vào lưng mẹ.

Trên bàn, la liệt các tờ báo đăng tin vụ Nguyễn Quốc Lương do Khôi mang đến.

Khôi vào đề ngay, không có rào trước đón sau gì cả:

"Thưa bà! Xin bà và hai cô cậu đừng vội trách gia đình chúng tôi đường đột. Chẳng qua vì cực chẳng đã mới phải thế này... Con gái tôi mới 13 tuổi (quay sang Dung). Mẹ mày! Bỏ ảnh ra! (Dung lấy một tấm ảnh chụp Chi lồng trong khung kính đặt lên đùi). Bà xem! Có đúng là một đứa trẻ miệng còn hơi sữa không nào? Âëy, thế mà ông yêu râu xanh nhà ta nỡ làm chuyện đồi bại ấy ngay giữa thanh thiên bạch nhật... Báo chí đã viết rõ ràng."

Bà Quỳnh ôm mặt khóc.

Khôi gằn giọng, càng nói càng hăng:

"Thật là xấu hổ! Có phải không nào? Thật vô đạo đức... Có phải không nào? Nhưng thôi! Chuyện ấy bỏ qua. Bây giờ chúng ta nói chuyện về gia đình mình. Tương lai ông nhà, tương lai cậu Thành cùng với cô Hằng mới là quan trọng. Chúng tôi đang cầm trong tay đơn kiện. Chúng tôi đã đâm đơn kiện thì chúng tôi cũng sẽ có quyền để rút đơn kiện. Đấy là quyền lợi của người bị hại... tức là những người bất hạnh khốn khổ. Theo luật nhà nước, chiểu theo khoản 1, điều 112 Bộ luật hình sự (đặt lên bàn cuốn sách in Bộ luật hình sự) thì tội hiếp dâm trẻ em phải chịu từ 7 cho đến 15 năm tù. Ông nhà bị tù, thế là mất hết. Cậu Thành không còn hy vọng gì nữa để mà tiến thủ công danh."

Khôi dừng một lúc, theo dõi ba mẹ con bà Quỳnh.

Khôi hỏi:

"Thưa bà, bà có thấy ô nhục không?"

Bà Quỳnh khóc to.

Bà Quỳnh ôm mặt:

"Tôi xin ông... Tôi xin ông..."

Khôi gác hai chân lên nhau, nhìn bà Quỳnh khoái trá rồi nói có phần lạc đề:

"Thưa bà, bà có biết ở trong tù thì bọn tù nhân thích nhất và ghét nhất loại người nào không... Vâng! Bà chẳng biết được... Tôi đã ở tù nên tôi biết rõ: tù nhân thích nhất là thấy thằng nào dám đứng ra để đánh quản giáo. Thằng ấy là một anh hùng. Còn thằng mà chúng ghét nhất là thằng hiếp dâm đàn bà con gái. Những thằng như thế có thể bị chúng đánh chết không thương."

Dung có vẻ bực mình, kéo áo Khôi:

"Thôi đi ông!"

Khôi gật đầu, nghiêm chỉnh:

"Vâng... Ta vào chuyện chính. Thưa bà, nếu được bồi thường, chúng tôi sẵn sàng sẽ rút đơn kiện. Tôi chắc bà và các cô cậu hiểu được tình thế ông nhà."

Bà Quỳnh vội vã:

"Thưa ông, ông nói bồi thường, bồi thường gì?"

Khôi đứng lên quay mặt đi:

"Ơ hơ... Bồi thường gì? Thưa bà, bồi thường danh dự chứ bồi thường gì? Chúng tôi rút đơn kiện tức là bà bỏ tiền ra để mua danh dự cho gia đình mình. Ông lại sạch sẽ, nhà ta lại đại gia, lại vẫn tiết hạnh khả phong, lại là gia đình văn hóa mới... Nếu chúng tôi kiện, tức là ông nhà sẽ phải ra toà. Sự ô nhục này không phải một sớm một chiều hết được..."

Bà Quỳnh hiểu ra buồn rầu, chậm rãi:

"Thưa ông, chúng tôi phải đền bao nhiêu?"

Khôi ngồi xuống:

"Chữ trinh đáng giá ngàn vàng. (Giục Dung). Kìa! Mẹ nó. Bà nuôi con bà từ bé đến lớn, bà xem liệu nó đáng giá bao nhiêu? Đến 1 tỉ không?"

Dung nói:

"1 tỉ."

Bà Quỳnh giật nảy mình, đánh rơi cốc nước.

Bà Quỳnh lẩm bẩm:

"Chết! 1 tỉ. Nhà tôi lấy đâu ra được 1 tỉ bây giờ?"

Khôi lạnh nhạt:

"Cái ấy thì tùy bà thôi. Nhà đại gia, lấy đâu ra chẳng được 1 tỉ tiền mặt: 1 tỉ tức là 68 ngàn 400 đô-la, tức là 61 ngàn 700 ơ-rô, tức là tương đương 130 cây vàng. Tiền gì cũng được, chẳng cứ tiền Việt. Tốt nhất là đô-la Mỹ. Hê-lô! Ô-kê! Tiêu đâu cũng được."

Bà Quỳnh gượng đứng lên:

"Để tôi lên gác..."

Thành và Hằng đỡ bà Quỳnh đi. Thành đỡ mẹ lên cầu thang rồi quay lại.

Khôi nhìn Thành, khoát tay:

"Mời cậu ngồi!"

Thành ngồi đối diện với Khôi.

Khôi nói:

"Thưa cậu, tôi biết cậu là cậu Thành, thiếu gia của gia đình ta, cậu có biệt hiệu "Na tra thái tử". Cậu học giỏi, lại chịu chơi, cả thành phố này đều biết. Cậu có học, chắc cậu hiểu được tình thế của ông Nguyễn Quốc Lương, bố cậu và gia đình ta đang đứng bên bờ vực thẳm.

Thành nhìn Khôi cố kiềm chế:

"Vâng, tôi biết!"

Khôi mát mẻ:

"Cám ơn cậu!"

Thành xẵng giọng:

"Nếu nhà chúng tôi đền tiền, ông sẽ rút đơn kiện bố tôi phải không?"

Khôi gật đầu:

"Tất nhiên rồi. Quân tử nhất ngôn. Tôi đã viết sẵn đơn rút kiện đây rồi (lấy đơn ra). Cậu xem đi!"

Thành xem đơn rút kiện:

"Được rồi. Đơn này nhà tôi sẽ giữ làm bằng."

Khôi mỉm cười:

"Tất nhiên rồi... Cậu đúng là người có học... Người xưa nói rằng: mất của thì chẳng mất gì, nhưng mất danh dự thì là mất hết..."

Bà Quỳnh và Hằng xuống. Bà Quỳnh cầm tiền đặt lên bàn.

Bà Quỳnh ngồi xuống, lúng túng:

"Thưa ông, nói ra thật xấu hổ... Ở nhà chỉ còn có 3 triệu đồng bạc... Liệu có đủ không?"

Khôi đứng lên quay đi, giật phắt tờ đơn trên tay Thành.

Khôi rít lên:

"Liệu có đủ không? Thưa bà, bà mơ ngủ chắc? Tôi nói rõ ràng là 1 tỉ đồng... Xin lỗi bà, bà có hiểu thế nào là pháp luật không? Ra toà, đứng trước búa rìu dư luận thì chỉ 1 búa là 10 cái nhà thế này cũng tung hê hết... Xin lỗi bà, bà tưởng chúng tôi đến đây để làm trò hề, để chứng kiến sự liêm chính của gia đình nhà ta hay sao? 3 triệu đồng! Có đủ không? Bà điên hay bà tỉnh? Ngay nhà tôi đây, một nhà bình dân xơ mướp, lúc nào đồng tiền dự trữ cũng phải vài chục triệu đồng (quay sang Dung). Có đúng không?"

Dung gật đầu. Bà Quỳnh bối rối.

Thành đứng lên bảo mẹ:

"Mẹ để con. Con biết chỗ bố cất tiền."

Khôi quay người lại, mắt sáng lên:

"Đấy. Tôi biết ngay mà! Đúng là "Na tra thái tử". Cậu ấy thông minh, cái gì cậu ấy chẳng biết."

Thành chạy lên gác.

Thành mở cửa phòng làm việc của Lương trên gác, tháo bức tranh sơn dầu quẳng đi: một con chuột khá to xộc ra sau bức tranh. Thành mở khoá két lấy tiền. Thành thấy trong ấy ngoài tiền có một số giấy tờ. Thành ngạc nhiên hơn khi thấy trong két có khẩu súng ngắn, đặc biệt hơn nữa là một tấm ảnh đã cũ phóng to chụp hình ông Lương và bà Quỳnh bế Thành hồi bé, cách đây mấy chục năm. Thành nâng bức ảnh lên, vuốt ve.

Thành cởi chiếc áo chùng và mũ cử nhân quẳng đi. Thành mang bức ảnh và số tiền lấy trong két xuống nhà dưới.

Chỉ trong phút chốc, hai bên đã giao nhận tiền nhanh chóng.

Khôi nhận đủ tiền, cất vào túi.

Khôi đứng lên:

"Vậy như thế là đủ 68 nghìn đô-la tương đương với 1 tỉ đồng tiền Việt. Gia đình tôi đồng ý rút đơn kiện (đưa đơn cho bà Quỳnh). Xin bà cầm lấy làm bằng... Như vậy, đạo đức đã được trả giá... Chúng tôi cũng được an ủi phần nào... Cậu Thành, xin cậu gọi cho chúng tôi một chiếc taxi..."

Vợ chồng Khôi đi ra. Bà Quỳnh ngồi lại với Hằng. Chỉ có Thành ra tiễn.

Trước khi lên taxi, Khôi đặt tấm biển "Người bị hại” ở trước cổng nhà bà Quỳnh.


CHƯƠNG 43

Trong phòng giam của cơ quan an ninh, Lương ngồi trên ghế băng, đờ đẫn. Mới có một tuần lễ mà Lương gày tọp hẳn đi, tóc bạc trắng, không còn là vị quan chức có phong độ đàng hoàng, đường bệ khi nào.

Đức mặc quân phục cùng một sĩ quan ngồi trước bàn hỏi cung Lương. Lương ký vào biên bản nhận tội như một cái máy, vô hồn, vô cảm.

Đức đứng lên:

"Anh đã thấy rõ hết tội lỗi của anh chưa?"

Lương gật đầu:

"Vâng, tôi biết."

Đức hỏi:

"Biết thế nào?"

Lương im một lúc, lí nhí hỏi lại:

"Tham nhũng ư?"

Đức không trả lời, nhìn xoáy vào mắt Lương.

Lương bỗng cười nhạt, miệng méo xệch đi:

"Không... Không phải tham nhũng. Không thể bắt tôi về tội tham nhũng, cho dù tôi có tiền, có đến vài cái nhà đi nữa. Tham nhũng không phải là tội, dù nó sờ sờ ra đấy... Nếu bắt tội tôi thì phải bắt tất cả quan chức của đất nước này."

Đức nghiêm khắc:

"Anh Lương! Anh đang quá trớn. Anh đã ký vào biên bản nhận tội. Anh không nhận tội, chúng tôi không còn cách nào để xử tội anh. Luật pháp là như vậy. Anh biết đấy."

Lương cúi mặt. Đức bỗng thấy căm ghét Lương như ghét một con chuột cống bẩn thỉu. Cho đến phút này mà hắn vẫn còn ngoan cố, vẫn còn lấp liếm về các tội lỗi của mình.

"Đạo đức ư? Không thể kết tội đạo đức vì chẳng có ai quy định thế nào về đạo đức."

"Anh im đi" – Đức gằn giọng nói – "Chúng ta kết thúc ở đây. Anh sẽ còn phải trả lời trước toà nhiều câu hỏi nữa..."

Đức và người sĩ quan công an đứng dậy.

"Vụ án đã kết thúc" - Đức nghĩ - "Và xã hội đã loại được một phần tử nguy hiểm, một tên tội phạm. Hắn còn sẽ phải đối diện với toà án lương tâm của hắn trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời."

Đức cảm thấy tiếc cho Lương. Vợ đẹp, con khôn, tiền của, danh vọng... Đối với hắn, tất cả bây giờ trở thành vô nghĩa.


CHƯƠNG 44

Một ngày mùa thu mát mẻ. Trên đường phố Hà Nội, quãng gần Nhà hát Lớn, gia đình Chi vui vẻ đang đi trên đường. Chi mặc quần ống tuýp, áo bo gấu. Khôi đội mũ phớt, diện com-lê, cravat. Dung mặc váy dài, ôm hoa.

Chi nhảy tung tăng. Khôi cầm chiếc kính đang giả làm tàu hoả trêu con gái:

"Sầm sập! Sầm sập! Tu tu! Tu tu!..."

Khôi đuổi theo Chi đang cười nắc nẻ.

Khôi va phải một người đi đường, chiếc kính văng ra. Vừa lúc ấy, một chiếc xe máy đè lên làm chiếc kính vỡ.

Khôi dang hai tay ra, khôi hài:

"Vỡ rồi! Kính này là kính vạn hoa. Đeo vào đôi mắt sáng loà như sao! Ông ơi, ông làm vỡ kính của tôi mất rồi! 1 tỉ đấy! 1 tỉ là 68 ngàn 400 đô la! Giời ơi là giời!"

Mọi người đi đường dừng lại để cười với Khôi.

Khôi vẫy một cái xích lô cho hai mẹ con Dung, Chi. Khôi cũng ngồi lên một chiếc xích lô khác.

"Đi đâu hả ông?" – Người đạp xích lô hỏi Khôi.

"Đi đâu cũng được" – Khôi cười – "Đi khắp phố phường Hà Nội như bọn Tây vẫn hay đi dạo. Sans soucis! Vô tư! Vô tư đi! Tiền không phải là vấn đề! Vấn đề ở đây chính là đạo đức! Con người – chú có hiểu không? Phải nhìn bằng con mắt của kính vạn hoa để mà vui sống. Thức ăn người này thuốc độc người kia, bi kịch người này, hài kịch người kia, chú có hiểu không? Đời là như thế..."

Người đạp xích lô mỉm cười.

Khôi vẫn huyên thuyên:

"Bi kịch, hài kịch vẫn xen vào nhau."

Cùng trên một chuyến đò ngang
Người thì sang bến kẻ đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang? [3]

Chú em! Chú cứ đi thẳng cho tôi! Rồi chú cho cả nhà tôi dừng ở chỗ nào rẻ tiền tên là Hạnh phúc!

Người đạp xe xích lô mỉm cười với Khôi, rướn người ở trên bàn đạp.


CHƯƠNG 45

Trên trang trại của ông bố Nguyễn Quốc Lương.

Ở trước cửa ngôi nhà vẫn là chiếc xe lăn, nhưng đây là chiếc xe lăn không có người ngồi.

Mấy chiếc lá vàng rơi trên chiếc xe lăn.

Ông bố Lương nằm dài trên giường kê gối cao, đắp chăn ngang ngực, tay cầm tờ báo đăng vụ án Nguyễn Quốc Lương. Mắt ông già nhắm nghiền. Ông già đang ốm.

Một chiếc tủ nhỏ đặt gần giường ông già trên đó thắp một ngọn nến và một đĩa đựng mấy quả cam vàng tươi.

Thành vào. Ông già rất thính, lập tức mở mắt ra nhìn.

Thành bước lại gần.

Thành khẽ khàng gọi:
"Ông!"

Ông già đăm đăm nhìn cháu. Thành đến gần, ông già đưa tay nắm lấy tay Thành.

Ông già hỏi cháu:

"Bố con đã làm những điều đồi bại... phải không?"

Thành ứa nước mắt, gật đầu.

Ông già nói nhưng nước mắt cứ chảy ra ràn rụa:

"Cứng cỏi lên con!"

Thành cố nín khóc, gật đầu.

Ông già hỏi Thành:

"Con sẽ làm lại chứ?"

Thành lại gật đầu.

Ông già đưa tay lên lấy một quả cam trên đĩa cam để ở mặt tủ đưa cho Thành.

Ông già xúc động:

"Ông cho con! Cầm lấy! Cầm lấy đi con!"

Thành đưa hai tay đỡ quả cam, đi ra, vừa đi vừa ngoái đầu lại.

Ông già định cười nhưng không cười được, nhắm nghiền mắt lại, miệng méo xệch.

Gió thổi làm ngọn nến đặt trên chiếc tủ đầu giường phụt tắt.

Thành chạy vụt ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở.

Thành chạy trên cầu Thăng Long. Ánh sáng đèn cao áp rực rỡ. Thành chạy trước, Hằng đuổi theo sau.

Hằng gọi to:

"Anh Thành! Anh Thành!"

Thành đứng đúng ở vị trí bố mình đã đứng ở đấy hôm nào.

Khuôn mặt Thành rắn rỏi. Gió làm bay tóc Thành.

Hằng chạy đến gần. Cô đứng lại nhìn: Thành cầm quả cam, nghiến răng lại, bàn tay vô tình bóp nát quả cam.

Hằng nghĩ:

"Nếu không phải quả cam mà đấy là cái điện thoại di động thì anh ấy cũng làm như thế..."

Hằng đến gần, nắm lấy tay Thành. Cả hai chậm rãi bước đi ra giữa cầu.

Bóng hai người dắt tay nhau đi ở giữa cầu. Cả hai cứ đi như thế cho đến khi chỉ còn là hai chiếc bóng nhỏ ở trên chiếc cầu dài hun hút.

Hà Nội đang vào thu. Ở Hà Nội thì thu nào cũng đẹp.

Hà Nội tháng 9/2004

© 2006 talawas

[1]Bút danh mà Nguyễn Huy Thiệp dùng cho cuốn tiểu thuyết này vốn là Nguyễn Thiên Đồng (talawas chủ nhật).
[2]Theo sách “Hậu hắc học” của Lý Tôn Ngô (Trung Quốc, đầu thế kỷ XX) thì “cưa mũi tên” và “hàn nồi” là hai chiêu mà các nhà chính trị hay dùng. “Cưa mũi tên” là tìm cách đùn đẩy trách nhiệm sang người khác. “Hàn nồi” là việc từ bé (đục) xé ra to.
[3]Thơ Nguyễn Bảo Sinh


Nguyễn Huy Thiệp (1950) được coi là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại quan trọng nhất, với những truyện ngắn đã trở thành kinh điển trong văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, làm nên một phong cách không thể trộn lẫn. Những năm gần đây, ông liên tục gây dư luận và gây tranh cãi trong những thể loại khác, như qua loạt tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” (2004), “Thời của tiểu thuyết” (2003), tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu (2003), vở kịch Mổ nhà văn (2004, bút danh Thích Thiện Ngân) và gần đây nhất là tiểu thuyết chương hồi Võ lâm ngoại sử (2005, bút danh Tiểu Ngọc).

Nguyễn Huy Thiệp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại Hà Nội với vợ và hai con trai.

Website Nguyễn Huy Thiệp: http://nguyenhuythiep.free.fr/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài