talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 05.02.2006
Phan An Ba mùa
Phan An
Nhà văn Phan An

Họ ăn trưa ở Ciao, uống cà-phê ở Mimosa, đi du lịch ở Thái, đương nhiên là đánh tennis và tùy tình huống luôn sẵn một lời bình luận hóm hỉnh hay khinh bạc, một nhận xét lịch duyệt hay châm chọc, một nỗi đau nhè nhẹ hay đầy khoái cảm về nhân loại và cuộc đời…, họ là những người trẻ tuổi thuộc một lớp trung lưu mới đang hình thành, đặc biệt tại một thành phố như Hà Nội. Và có lẽ họ đã tìm được nhà văn của mình, người phát ngôn cho thế giới của họ với một phong cách duyên dáng giầu liên tưởng, đồng thời cũng là một nhà quan sát tinh tế và đôi khi không nhân nhượng: Phan An.

talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu truyện ngắn “Ba mùa”, tác phẩm mới nhất của Phan An. talawas chủ nhật

Phan An

Ba mùa

I. Mùa xuân


1.

Bắt đầu mùa xuân. Có thể nhận thấy mùa xuân qua những cây bàng khô khẳng mỗi ngày lại xoè thêm lá mới. Hà Nội bây giờ càng ngày càng ít cây. Muốn có nhiều cây chỉ có ra Bách Thảo.

Mùa xuân, ra đường chỉ cần mặc một áo khoác mỏng, và trong túi không cần nhiều tiền lắm.

Đêm rất đẹp. Bây giờ ít người để ý đến đêm đẹp hay xấu.

Tôi đọc sách rồi ngủ thiếp đi.


2.

Tiến rẽ qua nhà tôi với một chai Smirnoff và cô bạn gái mới. Cô bạn gái chân dài, như thể mỗi chân không phải có một cái đầu gối mà có ít nhất hai cái. Tiến giới thiệu cô bạn là Huyền Diệm người mẫu. Diệm ngực bé xíu khiến tôi bất giác nhớ đến câu ca dao “Hỡi cô có cái chũm cau, cho anh bấu cái có đau anh đền”.

Tôi pha cà phê. Tiến bảo:

“Tối qua mày đi đâu đấy?”

“Chẳng đi đâu cả, tao ở nhà đọc sách.”

“Rượu sáng, trà trưa”. Vodka Smirnoff không lạnh uống vẫn vào ngọt lịm. Tôi nhớ hôm bảo vệ luận án tiến sĩ có đọc lời cám ơn dài, trong đó có lời cảm ơn cả ông Nicolai Smirnoff nhưng chắc chẳng ai để ý.

“Công việc của mày thế nào?”

“Bình thường. Lâu lắm mới thấy mày.”

Tiến thấy nóng. Tiến cởi áo khoác, chỉ còn mặc áo phông.

“Công việc của mày thế nào?”

“Bình thường. Dạo này có trò gì hay không?”

Không biết có lần nào Tiến bị gái bỏ vì tội uống rượu nhiều chưa? Chai Smirnoff đã hết một nửa. Uống rượu buổi sáng không khác nhiều so với uống buổi tối. Uống rượu buổi sáng tự nhiên thấy muốn ăn bát phở. Uống rượu buổi tối thấy thèm cốc cà phê.


3.

Uống rượu buổi sáng, tự nhiên tôi có cảm giác ngày hôm nay sẽ rất quan trọng. Trong đời mỗi người có bao nhiêu lần thấy ngày hôm nay sẽ rất quan trọng?

“Hè này mày định đi đâu?”

“Chưa biết. Chưa nghĩ. Để xem có tiền không đã.”

“Hè này đi Thái đi. Đi Thái không tốn lắm.”

“Đi Thái lúc nào chả được, cứ gì phải đến hè. Đi Thái hết độ bao nhiêu?”

“Năm trăm.”

“Năm trăm? Đi một tuần à?”

Tiến rót nốt chỗ còn lại trong chai.

“Nói chung cũng nên đi Thái một lần cho biết.”

Mấy năm nay, năm nào Tiến cũng đi Thái – đi Thái còn rẻ hơn đi trong nước và năm nào Tiến cũng rủ người cùng đi, cho vui. Cô bạn gái của Tiến bảo:

“Biển ở Thái không đẹp lắm.”

“Nếu chỉ để tắm biển thì xuống Đồ Sơn cũng được.”

Tôi hiểu, Tiến thèm cảm giác lại được đi ra nước ngoài.


Buổi sáng Hà Nội, giờ đi làm. Đường tắc.


4.

Ăn phở. Phở Hà Nội bây giờ xuống cấp khủng khiếp, đến mức tôi thấy thà ăn phở Nam Định còn hơn.

“Hôm nay mày có phải đi làm không?”

“Thích đi thì đi, không thích đi thì thôi.”

Lên Hàng Mắm, bia mộ bày đầy vỉa hè. Café Đồng Vọng. Tiến hỏi cô bé bán hàng:

“Anh Hải có nhà không?”

“Dạ, anh Hải đang đi Trung Quốc ạ.”

“Bao giờ anh Hải về.”

“Dạ, tuần sau ạ, các anh có nhắn gì không ạ?”

“Không, bọn anh đến uống cà phê thôi.”

Lên tầng hai ngồi, uống chè bạc hà ngắm tượng Phật và đồ giả cổ - quán cà phê kiêm cửa hàng bán tượng Phật và đồ giả cổ. Không khí hơi ngột ngạt. Tiến bảo:

“Ở Hà Lan có nhiều quán bar có bán ôxy.”

Tôi bảo:

“Hình như ở Hà Lan người ta dạy trẻ con là có bốn giới tính, nghĩa là có giống đực, giống cái, gay và lesbian?”

“Tao không biết, tao ở Hà Lan có mười tháng.”


5.

Đã gần trưa, ra café Ciao ăn trưa. Không ai nghi ngờ là lại phải ra Ciao. Ngày thường nhưng Ciao không đông lắm. Cô bạn gái của Tiến gặp hai cô bạn, tất cả ăn cơm rang Dương Châu. Tiến gọi bia tươi và kể là trong quán ở Hà Lan bia được ba loại cốc: cốc 1 lít, cốc nửa lít và cốc 0,3 lít. Tiến bảo:

“Tao căm thù bọn uống bia vào cốc 0,3 lít.”

Bỗng nhiên tôi thấy mình đang sống trên mảnh đất quê hương của mình mà như thể những người lưu vong, tôi cứ lang thang hoài trong những quán cà phê.


6.

Bắt đầu mùa xuân. Có thể nhận thấy mùa xuân qua những cây bàng khô khẳng mỗi ngày lại xoè thêm lá mới. Hà Nội bây giờ càng ngày càng ít cây. Muốn có nhiều cây chỉ có ra Bách Thảo. Ngày xưa tôi đã đi bán nước lá bàng giả làm nước chè tươi ở Bách Thảo.

Hồi ấy cũng là mùa xuân, không hiểu tại sao bọn tôi lại muốn đi xem những đôi hôn nhau trong Bách Thảo. Tôi với một cậu bạn nghĩ ra một kế là giả vờ đi bán nước chè xanh. Bọn tôi lấy cái ấm với hai cái cốc Liên Xô, mua một mớ lá chè xanh rồi ra đầu phố mua nước sôi đổ vào (hồi ấy còn có bán nước sôi đun than quả bàng). Vào Bách Thảo bọn tôi cứ ung dung tiến lại gần các đôi đang hôn nhau, mời mua nước chè xanh, nếu anh chị mà không mua bọn tôi cứ đứng đấy nhìn trân trân… Một tối cũng bán được nhiều nước ra phết, mùa xuân mà. Nước chè xanh mà nhạt, bọn tôi ngắt mấy cái lá bàng bỏ vào, thế là lại xanh, lại chát như xưa. Có một đôi tình nhân già, không đứng ôm nhau trong bóng tối ở gốc cây mà ngồi ở ghế đá dưới ánh điện, uống nước xong lại còn cho tôi thêm tiền nữa và hỏi có ý thương hại là bố mẹ tôi làm gì… Cậu bạn tôi nhanh mồm nhanh miệng trả lời thay là bố nó làm nghề thổi kèn đám ma, mẹ nó làm nghề cắm hoa đám cưới. Nói rồi bọn tôi ù té chạy…

Mùa xuân, ra đường chỉ cần mặc một áo khoác mỏng, và trong túi không cần nhiều tiền lắm. Trong cuộc đời người ta cần có bao nhiêu tiền để cảm thấy hạnh phúc?

II. Mùa đông


1.

Đó là mùa đông cuối cùng của tôi ở xứ tuyết, trước khi tôi về nước.

Ngày 16 tháng 11 năm 2004, ở Moscow, những bông tuyết đầu mùa đã rơi. Bầu trời treo rất thấp. Tâm trạng tôi treo cũng rất thấp, lại thấy muốn nhờ ông Nicolai Smirnoff giúp đỡ. Chỉ cần 50 gram nước mắt chim câu là có thể thấy mình lại yêu đời như một quả dưa chuột tươi rói.

Tôi ngồi trước máy tính, kỳ cạch gõ. Hồi bé tôi ước mơ trở thành nhà văn, bây giờ tôi trở thành cái gì tôi cũng chưa biết chắc chắn. Tôi thấy mình đang sống một cuộc sống vật vờ, nhạt nhẽo và có rất nhiều thứ tôi không tham gia được như cuộc đua Công thức 1 hay Giải Quần vợt Mỹ mở rộng… Nhiều thứ nhỏ nhặt đối với tôi đã là một chiến công, và đôi khi mượn được một cái đĩa DVD phim hay đối với tôi đã là hạnh phúc.

Tôi nhìn ra cửa sổ: không có mặt trời. Ở Việt Nam thì nắng chói chang như thể có nhiều mặt trời quá. Mặt trời - là kẻ thù hay là bạn bè? Khi nhìn mặt trời chúng ta nghĩ gì? Tôi bỗng nhớ lời một bài hát đại để: khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây, khi nghĩ về một rừng cây tôi thường nhớ về nhiều người…

Tôi đã quá ba mươi tuổi, tôi cảm thấy mình vẫn là trẻ con đồng thời thấy mình già nua khủng khiếp…

Trên tivi cô phát thanh viên đang đọc phần tin thế giới… Thế giới vẫn như thế, bố tôi rất chăm đọc báo, như thể chờ đợi cái gì đó xảy ra, mà chẳng có gì xảy ra cả, hay có gì đó đã xảy ra mà ông không biết vì ông cũng chẳng biết chờ đợi cái gì. Tôi thì vẫn lớn lên hay nói cách khác thì tôi vẫn già đi… Có thể một ngày tôi sẽ lại chăm đọc báo giống bố…

Santa - con chó tôi nuôi - tha chiếc vòng cổ đến trước mặt tôi, có ý rủ tôi đi ra ngoài đường chơi. Chúng ta tìm tình cảm ở những con mèo, con chó và những người bạn ở xa xôi, những người bạn mà thậm chí chúng ta không biết mặt… Chúng ta cởi mở với những người xa lạ vô danh và khép kín với những người gần gũi cạnh mình, chúng ta có mặc cảm là không ai hiểu được mình, vì một lý do giản đơn do chính chúng ta tự nghĩ ra: vì chính chúng ta cũng không hiểu được mình nữa…

Tôi cười, như một sự tự bảo vệ, như cái mặt nạ thôi, tôi không nhớ từ bao giờ tôi cười sảng khoái… Chúng ta trở thành những nạn nhân của quy ước xã hội, kiểu như là phải vào đại học, phải đi du học, phải làm ở công ty nước ngoài ngồi phòng máy lạnh và lương cao, phải chui vào làm ở cơ quan nhà nước để có cơ hội trở thành quan chức… Chúng ta hy sinh tuổi trẻ để đổi lấy sự giàu có và toan tính lấy tiền bạc để mua tuổi trẻ, buồn cười quá…

Tôi ngồi trước máy tính, kỳ cạch gõ. Cần phải nghĩ về cuộc đời, cần phải kể về cuộc đời một cách chân thành, khi đó ta thấy mình như được tẩy rửa, và có thể ngẩng cao đầu mà sống tiếp.

Đó là mùa đông cuối cùng của tôi ở xứ tuyết, trước khi tôi về nước. Tôi bắt đầu cảm thấy bất ổn, tôi thấy ngợp trước tương lai không định trước, nhưng nếu tương lai được định trước rồi thì tôi lại chẳng muốn sống làm gì nữa, đằng nào thì mọi sự cũng đã được định trước rồi… Có một cách phản ứng, đó là cố tình sống khác đi những gì đã được định trước, như thể là phá phách, ví dụ như khi có học vị tiến sĩ lại muốn đi làm công việc gì đó thuần túy chân tay… Tôi đã lẩn tránh sự thành đạt, tôi sợ khi tôi quá dấn sâu vào một cái gì đó, thành đạt trong một lĩnh vực nào đó tôi sẽ bị cột chặt vào đó, tôi sẽ không còn được sống như mình mong muốn… Bỗng thèm về một vùng quê xa xôi nào đó, nơi mà thời gian dừng lại, nơi vẫn còn tivi đen trắng và nhà lợp lá gồi, để thấy nhẹ nhõm… Nhưng có ai về quê - như trở lại quá khứ mà không mua vé hai chiều?

Santa không được đi ra ngoài đường chơi, rên lên ư ử. Nếu những con chó biết nói, chúng sẽ nói với nhau bằng tiếng gì? Đừng cho rằng những con vật là vô lo vô nghĩ, như thể chó thì chỉ cần mẩu bánh mì hay bát cơm và miếng thịt cùng những lời âu yếm là đủ hạnh phúc…

Ở một khía cạnh khác, tôi thấy mình may mắn vì sống trong một thời gian lý tưởng, khi không cần phải mặc cả, không cần phải thoả thuận với bất cứ cái gì, khi biết là mình là ai và mình muốn gì… khi những mong muốn đều được thực hiện và khi thấy xứng đáng với điều đó. Uống champagne vào buổi sáng và tặng kim cương vào buổi tối, đó chỉ là một phần của sự xa xỉ… Điều xa xỉ nhất là được sống như mình muốn, được là chính mình.

Tôi về nước, để gặp số mệnh của mình, như thể những con cá hồi lội ngược dòng sông. Chẳng có gì đẹp đẽ, cao thượng trong hành động này cả. Những ngày trước khi về nước tôi như sống trong giấc chiêm bao tưởng không thức tỉnh nổi.


2.

Ngược trở lại mười năm trước nữa… Café Leo ở tầng hầm của Viện bảo tàng lịch sử Moldova, ở sân Viện bảo tàng là tượng đồng của con sói đã cho hai anh em Romulus và Remus bú. Ngồi trong quán ấm áp, nghĩ bao giờ về sẽ mở quán cà phê của mình. Hình như ai đó trong đời cũng một lần muốn mở quán cà phê của mình – như thể là chỗ để tự thể hiện. Nhìn những phù điêu đồng treo trên tường, tôi bảo bao giờ mở quán, quán của mình cũng sẽ treo phù điêu đồng như thế…

Ý tưởng về quán cà phê cũng như thể một mặt trời sưởi ấm trong tôi trong những tháng mùa đông. Nhà văn tôi yêu thích - Haruki Murakami - ngày trước cũng mở quán cà phê nhạc Jazz, hàng đêm sau khi đóng cửa quán, ông chong đèn viết. Hình như đó là ước mơ của tôi – được viết văn, được nổi loạn - làm công việc gì đó thuần tuý chân tay dù được học hành đến nơi đến chốn… Nhưng có lẽ ước mơ chỉ là ước mơ thôi, có mấy người dám sống cho ước mơ thật sự của mình?

Có một điều nữa ám ảnh tôi, đó là mặc cảm mình chưa làm được gì. Thế nào có nghĩa là làm được một cái gì đó trong đời? Có những cách theo tôi là dễ dàng: làm từ thiện, in vài quyển sách… Hoặc trong cả cuộc đời chỉ cần viết được một cuốn tiểu thuyết có giá trị, tôi muốn viết về thế hệ mình, về những gã khốn nạn (hay khốn khổ?) đã tiêu phí tuổi trẻ của mình, đã tiêu phí cuộc đời mình. Thế hệ @...

Quán cà phê… tôi cứ lang thang hoài trong những quán cà phê…


3.

Tôi vẫn nhớ câu Mỹ nói với tôi là “Có thể cùng anh cà phê được không”. Tôi trả lời (như trong phim) là “Được cà phê với em là một vinh hạnh lớn”.

Lần đầu tôi và Mỹ gặp nhau là ở Mimosa 25 Lý Thường Kiệt, gần cơ quan cũ của tôi. Tiếc là chiếc ghế mềm bên cửa sổ nhìn ra đường đã có người ngồi, tôi chọn một chỗ gần cửa để có thể nhìn thấy em vào… Em với những lọn tóc xoăn trông lạ lẫm, em ngơ ngác kiếm tìm. Mimosa - quán những bông hoa vàng… Trên màn hình chiếu một bộ phim cũ như hồi ức…

“Cô xanh xao và bé bỏng, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mềm trước mặt anh. Không nói gì, mi mắt hơi cụp xuống, chỉ chốc chốc đưa tay vén những lọn tóc xoăn đang xoà xuống hai bên má. Có lần anh nói không thích cô để kiểu tóc này, dường như cái vẻ gợi cảm cố tình ấy không hợp lắm với cô. Anh đã quen nhìn cô với dáng vẻ dịu dàng quen thuộc, và anh thích nhìn cô với dáng vẻ ấy hơn. Nhưng không biết sao lần này, đối diện với cô, gương mặt được bao quanh bởi những lọn tóc xoăn vừa nghịch ngợm vừa lạ lẫm, bàn tay trong suốt, thấy từng đường gân xanh thỉnh thoảng đưa lên xốc lại chúng, ánh mắt buồn buồn, phảng phất sự mệt mỏi, trong anh bỗng trào lên một niềm xúc động rất khó tả. Đột nhiên anh chỉ muốn ôm thật chặt cô vào lòng, và che chở cho cô mãi mãi. Anh thích cô, nhưng từ trước anh luôn tự tin vào sự tỉnh táo của bản thân. Đôi khi anh kìm bớt cảm xúc lại để khỏi đưa cả anh và cô vào cái vòng đau khổ của tình cảm. Còn lần này, sự yếu đuối và tội nghiệp toát ra từ cô làm anh không khỏi chạnh lòng.”

Tầng hai Ciao ngày lễ, tôi vừa đi Quảng Ninh về, bó hoa ly trắng mua vội… Em thích ăn cơm rang Dương Châu và uống nước chanh. Tôi thích tất cả những gì mà em thích. Em có điện thoại, em phải về. Có gã chạy BMW đi theo em xin chở hộ em bó hoa.

Café Phố - một buổi sáng tôi đi đánh tennis về vội vàng phóng xe lên mà vẫn trễ, em mặc áo trắng bình thản uống cam vắt đọc báo Thể thao và Văn hoá, các bàn xung quanh toàn là con trai.

Nhiều thứ đến giờ tôi mới hiểu em đã hy sinh vì tôi đến thế nào.

I remember the smell of your skin - I remember everything
I remember all your moves - I remember you yeah


Tôi vẫn còn nợ em nhiều thứ lắm, có món nợ có lẽ hết đời kiếp này chắc cũng không trả hết được, có món nợ đơn giản thôi như nợ một lần vào A Little Dream để ăn món ăn Nga mà có lẽ cũng đã là mãi mãi rồi…

Please forgive me - I can't stop lovin' you

Tôi biết là mình đã yêu thật sự vì tôi bỗng trở nên hết sức xuẩn ngốc, làm gì cũng không đúng. Tôi biết là mình đã hạnh phúc thật sự vì lúc đó tôi đã trân trọng từng giây phút đang sống, tôi đã yêu chính hiện tại của mình chứ không phải quá khứ, tương lai. Nhưng rốt cuộc tôi đã chạy trốn em để mình lại được là chính mình. Bốn mươi ngày sống trong cùng một thành phố, cách nhau mười hai tuổi, gặp nhau tất cả tám lần… những con số thảm hại. Ở em tất cả mới chỉ bắt đầu, em như một cô bé con còn ngái ngủ, còn trong thế giới của tôi tất cả đã bắt đầu quay cuồng.

Quán cà phê… tôi cứ lang thang hoài trong những quán cà phê…


4.

Nếu ngồi trước máy tính, kỳ cạch gõ, tối đến ra ngồi trên bậc cửa sổ, nhìn lên trời, nhìn xuống đường, thấy mọi người hối hả về nhà sau một ngày làm việc. Có ai đó nói hạnh phúc là mỗi sáng muốn được đi làm và mỗi chiều muốn được về nhà. Hạnh phúc là có một công việc thực sự để làm và có ai đó để yêu.

Tôi mở cửa để những bông tuyết bay vào. Những chuyển động hỗn loạn của bông tuyết như thể chuyển động hỗn loạn của những suy nghĩ. Lạnh run người, cảm giác run rẩy gần như là hạnh phúc.

Tôi nghĩ hạnh phúc còn là tìm được ai đó để có thể tôn thờ, có thể quỳ xuống hôn chân người ta, đi theo người ta. Nhưng mọi người đều đi theo ai đó, chẳng có ai dẫn đường. Chẳng có ai dẫn đường, như thể chẳng có mặt trời, như thể chẳng có ai đi trên đường.

Mọi người đi về phía cửa sổ của tôi như thể đến chơi với tôi, sẽ là một ngày hội, chỉ thiếu mỗi chai rượu trên bàn. Nhưng mọi người đi đâu… tôi chờ mãi mà chẳng thấy ai gõ cửa.

Nếu được phép làm một việc điên rồ ngớ ngẩn ngay bây giờ, chúng ta sẽ làm gì?

Chẳng làm gì cả, vì từ trước đến nay chúng ta đã làm quá nhiều điều điên rồ ngớ ngẩn rồi.


5.

Tuyết đã rơi dày, phủ lên mọi vật một màu trắng tinh khiết. Tôi lại giở lương khô ra ăn, mỗi lần về Việt Nam tôi lại mang sang một gói lương khô. Những ngày đông lạnh giá tuyết rơi, pha một cốc chè bạc hà ngồi nhấm nháp lương khô cũng không phải là dở lắm... Trong tủ lạnh có miếng mỡ muối salo Ukraina, có hộp trứng cá Nga mà không hiểu sao tôi cứ thích ăn lương khô Việt Nam.

Anh chị em người Việt bán hàng ở Chợ Vòm có một sở thích thú vị là giải ô chữ, các ô chữ được đăng thường kỳ trên các tờ báo lá cải của người Việt. Những lúc không có khách, họ chăm chú miệt mài đoán, ví dụ “phương tiện giao thông có bốn bánh và gồm ba chữ cái” là chữ gì. Có lúc tôi nghĩ, giải ô chữ như vậy cũng là một cách kiếm cả đống tiền giải thưởng nhưng hóa ra không phải, mọi người chỉ đơn giản là không muốn nhìn thấy cảnh vật xung quanh: đống hàng rẻ tiền đầy lỗi và những khách mua hàng tham lam… Những gì mấy hôm nay tôi làm cũng từa tựa như giải ô chữ.

Đôi khi trong cuộc sống có điều gì đó sẽ phải xảy ra. Đôi khi sẽ chẳng xảy ra cái gì hết. Với tôi trong năm nay nhiều điều đã xảy ra và đồng thời chẳng xảy ra cái gì hết.

Một năm trước đây tuyết rơi ngoài trời, gió ngoài trời thổi cũng khác, đúng vào thời gian này năm ngoái tôi đang ngồi với khách trong một cái Night Club ở Moscow, những cô gái xinh đẹp tuyệt trần nhún nhảy trong tiếng nhạc và từ từ cởi váy áo… Tất cả đã thay đổi và tôi cũng thay đổi theo những thay đổi ấy.

III. Mùa hè


1.

Thấm thoắt thế mà đã sang mùa hè. Chúng tôi ngồi vẫn nguyên đội hình như vậy ở Ciao, như thể chúng tôi vẫn ngồi nguyên đây từ hồi mùa xuân.

Tôi bỗng muốn nhìn thấy bầu trời phương Nam, mùa hè. Tôi bảo Tiến: “Đi Sài Gòn chơi đi…”. Tiến bấm điện thoại đặt hai vé máy bay đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi lại ngồi ở Ciao, bàn gần cửa, như thể chúng tôi vẫn ngồi suốt ở đó từ Hà Nội.

Có cô gái lại gần hỏi:

“Anh làm ơn chỉ giùm Lennon ở đâu?”

“Muộn rồi em ạ. Lennon đã chết.”

“Làm sao mà chết được?”

“Bị bắn chết, thế đấy, C’est la vie - đời là thế.”

Đến khi hiểu được Lennon là một quán café internet, Tiến đã kịp gọi cho cô gái một cốc cam vắt và cô gái đã uống hết một nửa cốc nước.

Cô gái kể là cô đến từ Buôn Ma Thuột, cô là người Bana. Tiến hỏi Buôn Ma Thuột có nghĩa là gì và Bana có liên quan gì đến banana không. Tiến bảo:

“Em tìm Lennon làm gì, ngồi đây với bọn anh cũng được.”

“Không em phải tìm Lennon, tối nay ở đấy có ca nhạc – những bài của Beatles…”

“Đang mưa mà em…”

Cô gái da ngăm ngăm đen, mắt trong, ngực to, eo thắt, môi dày, nụ cười tươi…

“Em đã nghe Army of Love bao giờ chưa?”

“Chưa.”

“Rất tiếc, anh đành phải bảo với em là em chẳng hiểu gì về điện, à về âm nhạc cả…”

Trời tạnh mưa, cô gái lại đi tìm Lennon…


2.

Tiến đi đâu đó rồi trở lại cùng một gã đi giày đánh bóng lộn. Có những gã không có tiền để uống cà phê nhưng giày bao giờ cũng đánh bóng lộn. Tiến giới thiệu đấy là chủ một quán cà phê nổi tiếng ở Hà Nội, vào Sài Gòn để cắt tóc và uống cà phê.

Gã này hỏi:

“Anh bao nhiêu tuổi?”

“Tại sao anh lại hỏi tuổi tôi?”

“Vì anh trông không phải là thanh niên nhưng cũng không ra người lớn.”

“Nhiều rồi. Tôi hơn ba mươi. Tôi ba lăm tuổi.”

“Anh nói dối để làm gì?”

“Tôi không nói dối. Tôi ba lăm tuổi thật mà.”

“Đầu tiên anh nói “Tôi hơn ba mươi”, anh ngượng vì đã ba lăm tuổi à? Việc gì anh phải ngượng, ai cũng có lúc ba lăm tuổi mà.”

Ba mươi lăm tuổi… công nhận là cũng nhiều rồi… như thể tất cả những gì thú vị nhất, đẹp nhất trong đời đã trôi qua.

“Thế anh bao nhiêu?”

“Tôi… Em hai sáu tuổi…”. Tôi nhìn đồng hồ… Tôi không chịu nổi gã này quá năm phút nữa. Tiến uống bia, tôi không uống. Đã mấy tháng nay tôi nuôi một con rùa, tôi không uống rượu, tôi trốn khỏi thế giới… nhưng thế giới không nhận thấy điều này.

“Công việc của mày thế nào?”

“Bình thường. Lâu lắm mới thấy mày.”

Tiến thấy nóng. Tiến chỉ còn mặc áo phông. Áo phông của Tiến đằng trước có chữ YES đằng sau có chữ NO.

“Công việc của mày thế nào?”

“Bình thường. Dạo này có trò gì hay không?”

Cuộc trò chuyện như chẳng có gì để nói với nhau…

Ngoài hiên quán cà phê có ông già ngồi thu lu ngủ trong mưa… Thế giới mà tôi trốn tránh nó trông như thế đấy.

Tôi không muốn nghe là mình đã ba lăm tuổi, rằng tất cả những gì thú vị nhất, đẹp nhất trong đời đã trôi qua. Có lẽ chính vì thế mà tôi trốn khỏi thế giới… Nhưng tôi vào tận đến Thành phố Hồ Chí Minh, cách xa nơi tôi sinh ra, cách xa mái nhà của tôi cả ngàn rưỡi cây số để nghe chính điều mà tôi sợ nghe thấy.


3.

Mùa hè xuất hiện ở Hà Nội trên những mẹt dưa hấu đỏ rực bổ sẵn, những miếng dứa vàng ươm và những quán kem đông nghịt người.

Sáu giờ chiều. Những cửa hàng trên phố như thể lá phổi, đầy khách hàng rồi lại lép kẹp, vắng tanh. Những chấn song sắt ở ngoài ban công vẫn còn nóng. Dưới đường, những gã đàn ông uể oải như thể đã mất hết sức lực sau một ngày nóng nực và chỉ hơi sống dậy trong những quán bia. Thành phố ở bên ngoài cửa sổ văn phòng tôi dường như mỉm cười, giơ má cho những cơn gió chiều hôn.

Mỹ - tất cả có ý nghĩa ít ỏi đến chừng nào khi em tựa thân thể nhẹ nhàng như ngọn gió vào người tôi, tỳ khuỷu tay lên vai tôi và cười ngây thơ trong quán cà phê. Kỳ diệu biết bao khi ngồi như thế, vừa khó xử, vừa ngượng ngùng và hơi thở gần loạn nhịp – tôi và em biết chúng tôi cần gì ở nhau… Sự thông hiểu đồng loã xuyên qua mắt, qua môi, qua cả những viên kem nhiều màu đang dần tan chảy. Chúng tôi đứng lên, hai ngón tay út ngoắc vào nhau, hít một hơi rất sâu và đi tìm một nơi yên tĩnh mát mẻ giữa cái nóng nực của thành phố.

Mỹ bước vào căn nhà đổ nát là cuộc đời tôi không phải vì em có đầy đủ vũ khí của những tình nhân chuyên nghiệp: sắc đẹp đặc biệt, trí thông minh, nét độc đáo riêng mà chính vì em tốt và tình cảm.

Trong tâm trí tôi vẫn thường trông thấy em, tôi vẫn nhớ rất rõ những ngón tay như thể trong suốt với những đường gân xanh đeo nhẫn kim cương lấp lánh. Lông mày được vẽ khéo léo vòng lên trên làm mắt em vốn đã to trông càng mênh mông hơn. Trong tâm trí tôi trông thấy em mỗi ngày hàng trăm lần và chẳng bao giờ tin rằng tôi là người tình của em.

Mỹ tôn thờ những lạc thú, thích những cái xa xỉ, cứ muốn để những người chẳng hề xứng đáng có nhận xét tốt về mình. Em hết sức chậm chạp, em nhìn đời phóng khoáng như đàn ông, hết sức tự do, khinh rẻ tiền bạc và tiêu tiền như rác, tiêu tiền như thể để trả thù đời, như thể sinh ra trong chiếc tã làm bằng những tờ 100 USD.

Tôi và Mỹ - không có tháng ngày, chỉ có khoảng cách giữa những giấc mơ. Có những khoảng khắc dài như vĩnh cửu. Anh có thể trở đi trở lại với nó, dùng nó như nền móng để xây những ngôi nhà.

Giọng em hơi khàn và tôi phải lòng cả giọng nói ấy. "Anh nói cứ như thể mình còn có quyền lựa chọn. Những gì xảy ra giữa chúng mình như thể trò thí nghiệm của ai đó, có thể là của Chúa, có thể là của chính chúng mình… Làm sao em có thể biết được?"

Tôi cầm lọ nước hoa đã hết, săm soi nó trên tay, nghĩ với nỗi buồn và cay đắng về tình yêu... Tôi đã lấy răng cắn vào lọ nước hoa như cắn vào tình yêu đã hết, nỗi tuyệt vọng khiến ta phải bám vào cái gì đó, bám vào cả những đồ vật đáng phải vứt đi như lọ nước hoa đã rỗng kia... Nó như thể tượng đài cho người đã phản bội ta...

Năm nay tôi ba mươi lăm tuổi. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như thế nữa.

Tất cả bắt đầu một cách thật sự rồi, như thể từ trước đến nay tôi chỉ sống thử, sống nháp.

 

© 2006 talawas

Phan An (còn có bút danh khác là Phan An Tuân) tên thật là Phạm Trí Hùng, sinh năm 1970 tại Hà Nội. Tiến sĩ Luật. Nhiều năm sống ở Moldova và Nga. Đã và đang làm rất nhiều nghề khác nhau. Hiện sống tại Hà Nội.

Tác phẩm Truyện ngắn “Một ba ba xin nghe” của Phan An đã in trong Tuyển tập truyện ngắn hay 1997 của báo Văn nghệ Trẻ.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài