talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 03.08.2008

Tạ Đức AnNgười được khen ngợi

Tạ Đức An
Tạ Đức An

 

Tạ Đức An

Người được khen ngợi

 

Lần thứ hai đi coi thi đại học, Toàn vẫn chưa dứt được cái cảm giác của lần trước, cách đây đúng một năm, năm 2007, nghĩ lại mà buồn cười. Trước khi đi, lo lắng, sợ muộn giờ, sợ tắc đường, hồi hộp, sợ không hoàn thành trách nhiệm… nói chung là thấy trên đôi vai mình gánh một đống cái phải sợ và một đống những trách nhiệm bởi vậy nên cũng thấy oai hẳn lên. Oai đến nỗi mà lúc ra đường, hình như Toàn lúc nào cũng vểnh mặt lên và cứ nghĩ: “những người đi đường đang chăm chăm nhìn anh ngưỡng mộ vì biết anh là cán bộ coi thi đại học”. Gánh trên vai một đống trách nhiệm thế, Toàn phải đi sớm, không, mà phải là thật sớm. Nhỡ có trường hợp rủi ro tắc đường, xe hỏng thì còn có phương án hai đến còn kịp giờ, đường Hà Nội biết thế nào được, tắc bất kể lúc nào không biết. Ban đầu Toàn tính đoạn đường 5 cây số đi trước khoảng 45 phút, đi xe máy chỉ mất mười lăm phút, vẫn còn ba mươi phút cho phương án hai. Nhưng nhỡ phương án hai là thuê ông xe ôm mà cũng gặp vấn đề thì sao? Lại phải giải quyết câu hỏi ấy? Thế là anh quyết định dành thêm ba mươi phút nữa cho phương án ba. Ba phương án, đó là quyết định cuối cùng! Sáu giờ kém mười lăm xuất phát. Ngày thứ nhất, không tắc đường, xe không hỏng, đến điểm thi đúng sáu giờ, bảy giờ mới bắt đầu làm việc, ngồi chờ một tiếng. Ngày thứ hai, 7h15 thí sinh bắt đầu thi, sáu giờ phải có mặt, đi từ năm giờ kém 15. Không tắc đường, xe không hỏng, đến điểm thi đúng 5 giờ, lại ngồi chờ một tiếng. Ngày thứ ba, cũng như ngày thứ hai, vẫn ngồi chờ một tiếng. Nghĩ đến đấy thì Toàn bật cười… Ừ! Thế mà không nghĩ ra là phải mang một tờ báo đến đọc, cả ba hôm ngồi chờ lâu đến buồn ngủ. Toàn lại thấy tiêng tiếc, lại thấy phí cho ba tiếng ngồi không buồn chán và… phí phạm.

Thế còn năm nay? Năm nay, chỉ còn buổi tối cho Toàn chuẩn bị, ngày mai là anh lại “lên đường” đi coi thi. Sinh viên mà được đi coi thi hai năm liên tục cũng oai lắm chứ, nhất là năm ngoái anh lại được cán bộ chỉ đạo điểm thi khen ngợi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nghĩ lại khắc thời gian ấy Toàn lại ửng mặt lên như mình vừa được ngợi khen trước bao nhiêu người một lần nữa. Chứ đâu có như mấy ông bà sinh viên khác, cũng đi coi thi đấy, có người còn được đi đến lần thứ ba rồi mà vẫn cứ lóng nga lóng ngóng. Có ông thì chẳng hiểu biết gì, làm ăn dại dột, cuối giờ gọi thí sinh lên thu bài mà chẳng để ý nó ghi số tờ vào giấy theo dõi, nhỡ thằng nào láu cá nó làm có một tờ nó ghi hai nhỉ? Đếm lại mà thiếu bài thi nhỉ! Chết dở! Đuổi học chứ đâu có đùa! Có cô cậu thì làm ăn vớ va vớ vẩn, ngồi trong phòng mà cứ để thí sinh nó ngoảnh ngang ngoảnh ngược chép của nhau, thế còn gọi gì là thi mới thố nữa. Phá hoại quy chế! Bất công! Nghĩ đến đây Toàn thấy tưng tức, anh lại cứ thấy người bứt rứt như có kiến bò trong ruột, không thể chịu được. Mà những trường hợp ấy phải dính cán bộ thanh tra nó bắt được mới đáng đời! Để cho người ta đưa vào khuôn khổ chứ đâu phải chuyện chơi!

Nghĩ thế, Toàn giật mình thon thót, hệt như cái cảm giác của ngày này năm ngoái, cũng lo, cũng bồn chồn, cũng sốt ruột. Toàn dở lịch làm việc ra, thời gian biểu mấy ngày coi thi vẫn vậy. Ban đầu Toàn nghĩ, năm nay chẳng dại mà đi sớm như năm ngoái. Địa điểm thi khác nhưng vẫn khoảng chừng từng ấy cây số, chắc vẫn mất từng ấy thời gian. “Năm nay mình sẽ đi trước ba mươi phút thôi, chứ như năm ngoái thì…”. Nhưng Toàn lại nghĩ: “Năm ngoái mình gặp may, không có rủi ro, nhỡ năm nay số mình nó… Mà cái điểm mới này ở tận đường Hai Bà Trưng, mình đã biết đường đi lối lại thế nào, nhỡ xẩy ra chuyện thì chết?”. Thế là anh lại băn khoăn rồi tính: “Đi trước giờ làm việc bốn nhăm phút”. Bốn nhăm phút, chỉ vừa đủ thời gian cho phương án hai, nhỡ mà gặp thằng xe ôm côn đồ, nó đưa đi nó vòng vèo thì… đến muộn là toi đời, cả một kỳ thi đại học quan trọng cấp quốc gia chứ đâu có đùa, ai cũng đến muộn thì loạn à. Cuối cùng Toàn lại quyết định đi trước thời gian làm việc một tiếng mười lăm phút, đúng như năm ngoái, nhỡ có xảy ra chuyện gì còn xoay sở được. Trước lúc đi ngủ, Toàn nhắc đi nhắc lại lẩm bẩm trong mồm một mình: “nhớ mang quyển báo đi đọc, vứt điện thoại ở nhà, hẹn giờ đồng hồ năm giờ mười lăm dậy…”.

Sáng hôm sau Toàn dậy đúng năm giờ, mọi thứ đã chuẩn bị từ tối hôm qua rất cẩn thận. Nhưng vẫn cần kiểm tra lại, cẩn thận có bao giờ là thừa! Toàn chằm chằm đôi mắt vào cái túi “đồ nghề”, gọi thế cho nó có tên, chứ nghề ngỗng gì ba hôm coi thi đại học, mấy thứ giấy tờ tuỳ thân linh tinh: Nào chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên, bằng lái xe, giầy dép quai hậu, một ít tiền lẻ trả lại cho thí sinh… À khoản tế nhị đây, năm ngoái có anh không biết thu tiền thế nào mà nhầm lẫn lung tung rồi cuối cùng cộng lại thiếu mất mấy chục nghìn đấy. Chán cái nhà trường mình, thu bao nhiêu chả thu lại đi thu 23 nghìn lệ phí, sao không thu 20 nghìn đi hay là 25 nghìn chẳng hạn, lẻ như thế thì bố ai mà kiếm đâu ra tiền trả lại. Thí sinh nó đi thi nó mang tiền trăm chứ nó mang theo làm gì cái tiền vài nghìn bạc. Ừ phải rồi năm nay mình phải kiến nghị mới được, cái khoản này là phải có ý kiến, chứ cứ như thế thì… Đã dò rất kỹ chiếc túi, Toàn lại thấy không nên tin vào trí nhớ của mình nữa, để chắc chắn rằng không còn thiếu cái gì cần thiết cho buổi sáng làm thủ tục, anh lại rướn mắt xung quanh, dò xét cái phòng trọ rộng sáu mét vuông thân quen này. Không còn gì cần thiết, đã tạm yên tâm, Toàn bước khỏi phòng ra ngoài ăn sáng. Chẳng phải Toàn của những ngày bình thường hoạt bát nhanh nhẹn nữa, anh bước chậm rãi như người già đi dạo, trong đầu vẫn cố lùng sục xem còn cái gì cần thiết mà vẫn đang nằm ở xó sỉnh nào trong bộ óc không. Khổ thân cái trách nhiệm coi thi đại học có ba ngày. Khổ! Biết là khổ thật, nhưng vẫn thấy sướng, sướng lắm chứ, chúng nó còn tranh nhau đăng ký mà chẳng được…

Ăn sáng, ba ngìn xôi xéo, phải ba nghìn mới no được, chứ đâu như hai năm về trước chỉ cần một nghìn là đủ, lúc ấy giá cả nó còn nhè nhẹ. Toàn nhìn xung quanh, mấy cô cậu chắc thí sinh ở quê ra thành phố thi, không biết thi trường nào, đang lố nhố giục bà bán xôi lấy nhanh nhanh không muộn giờ. Muộn giờ! Toàn giật thót mình nhìn lại đồng hồ, mới năm giờ hai mươi, hay đồng hồ mình hỏng, thôi chết hay là muộn thật? Anh cuống quýt hỏi bà bán xôi: “Mấy giờ rồi, bà ơi?” – “Mới năm giờ hai mươi, vẫn còn sớm chán!”. Đỡ lo, nhưng vẫn chưa tin hẳn, Toàn lại quay sang hỏi một cậu vừa nãy giục bà bán xôi: “Mấy giờ rồi, cậu?” – “Năm giờ hai mốt!”. Thở phào nhẹ nhõm, Toàn lại thầm cười trong bụng, mấy cô cậu này giống mình thật, còn mấy tiếng nữa mới đến giờ mà đã lo muộn. Ừ mà chẳng biết chúng nó có biết mình là cán bộ coi thi của một trường đại học không nữa, Toàn lại thấy oai oai, giá chúng nó biết thì khắc sợ xanh mắt! Toàn nhai xôi như người già móm nhai cơm rang, anh không nuốt được, không phải xôi không ngon mà vì anh đang lo, đang hồi hộp… Toàn hồi hộp giống hệt như giờ này, ngày này năm trước… Anh nhìn sang bên cạnh, mấy cô cậu học sinh, hình như chẳng cô cậu nào ăn ngon miệng được, họ đang nhấm nháp bát xôi to bằng củ khoai tây. Giá là ngày thường chắc chỉ lủm một miếng là hết béng nhưng giờ đây trước thời khắc quan trọng này họ nhai nó như những con bò nhấm nháp những cọng rác dính đầy phân khô còn vương trong chuồng. Cả Toàn nữa, anh thấy mình giống như một cậu sĩ tử chuẩn bị bước vào phòng thi lần đầu tiên!

*

“Ê! Toàn! Đi đâu đấy?”

Toàn giật thót mình, quay lại nhìn một cô bé đang nở một nụ cười tuơi và dịu nhẹ như bông hoa dành dành trắng, người vừa làm anh phải giật mình và cắt đứt dòng suy nghĩ miên man. Một cô bé quen quen mà lạ lạ, sao cô bé lại biết tên mình nhỉ?... Toàn ngơ ngác, tự hỏi.

“Cậu có phải Toàn không? Có phải Toàn mà năm ngoái coi thi ở điểm Đại học Xây Dựng?” – nụ cười cô bé xịu đi một chút, ngượng ngùng…

“Ư…ừ… Nh…ưng… bạn…?!”

“Không nhận ra à? Tớ còn biết, năm ngoái cậu được khen ngợi vì làm việc nghiêm túc, hôm nào cũng tóm được một trường hợp quay bài…”

Nụ cười cô bé lại tươi trở lại, mà sao nhìn nụ cười ấy, càng nhìn Toàn càng thấy quen. Vẫn chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện, chưa nhận ra cô bé là ai nhưng nụ cười tươi dịu ấy cứ bám riết đầu óc anh như nàng tiên cá lên trên bờ không thể xa rời bể nước. Rồi cuối cùng Toàn cũng nhớ ra:

“À! Bạn có phải Thùy? Hôm cuối, tớ bắt và lập biên bản một con bé ương ngạnh, bạn coi cạnh phòng tớ? Cái tên ‘Thùy’ dịu dàng nhỉ, thảo nào nụ cười cũng dịu dàng đến hút hồn con trai nhà người ta!”

Cô bé đã bị chỉ đích danh lại bất ngờ “được” Toàn khen dịu dàng nên đỏ ửng mặt, câu chuyện bắt đầu tự nhiên:

“Năm nay cậu có đi coi thi không? Tớ vẫn coi ở điểm đấy, cái con bé ương ngạnh mà cậu lập biên bản ấy đáng ghét thật, hôm nọ tớ còn gặp nó ngông nghênh ở trường mình đấy! Mà cậu năm nay coi ở điểm nào?”

“Tớ coi ở Hai Bà Trưng, trường cấp 3 Trần Phú…” - Toàn cúi nhìn đồng hồ, 5h 46 phút – “Thôi tớ phải đi đây, bảy giờ phải có mặt rồi, đường không xa lắm nhưng chưa quen, sợ trục trặc gì lại muộn mất. Bạn cũng đi đi chứ?...”

“Ừ! Cậu đi sớm đi, năm ngoái được tuyên dương thế chắc năm nay thể nào trách nhiệm cũng nặng nề hơn đấy, chứ không phải giám thị 2 như năm ngoái đâu, còn tớ thì chắc vẫn thế.”

Toàn nghiêm trang nét mặt như một người có trách nhiệm thực sự. “Trách nhiệm nặng nề hơn, tất nhiên rồi!” - anh thích thú lắm với câu nói ấy.

*

Toàn dắt xe ra, nổ máy…

Đến nơi đúng 6 giờ, Toàn thở phào nhẹ nhõm, đã yên tâm giờ giấc, không tắc đường, không có sự cố gì xảy ra, việc bây giờ chỉ là ngồi chờ…

Thí sinh đã bắt đầu láo nháo trước cổng, mấy chú cảnh sát, đội sinh viên tình nguyện đã bắt đầu làm việc, Toàn bắt đầu đến nơi và bước lên phòng hội đồng… Mọi cái đều bắt đầu.

Bước vào căn phòng rộng thênh thang. Ngày thường, căn phòng này mang tên là “hội trường”, nhưng cứ đến mỗi kỳ thi vào đại học nó lại phải nhận thêm một cái tên mới: “phòng hội đồng” và gánh một trách nhiệm mới, rất quan trọng: nơi làm việc của những cán bộ coi thi và cán bộ chỉ đạo một điểm thi đại học. Phòng hội đồng rộng thênh thang mới chỉ có hai người ngồi trên, Toàn đoán chắc đấy là Trưởng và Phó ban chỉ đạo điểm thi tại đây. Anh bước vào bình thản chào hai người cán bộ một nam một nữ đang hí húi vừa làm việc vừa bàn tính. Vừa lúc đó thì Toàn hơi ngỡ ngàng nhận ra thầy Trần Minh Quốc, năm ngoái cũng làm phó ban chỉ đạo điểm thi ở Đại học Xây Dựng. Nhìn thấy Toàn, Thầy Quốc đổi sắc mặt, hình như thầy cũng bất ngờ khi nhận ra Toàn nhưng rồi nét mặt thầy lại bình thường trở lại và chậm dãi nói với Toàn:

“Chào em! Ừ đến sớm thế! Bây giờ chưa có việc em cứ thư thả nghỉ ngơi đi, rồi tí nữa thày phân việc cho.”

Toàn nhẹ nhàng đặt mông xuống ghế ngồi, một lát anh lại đứng dậy, bước khỏi phòng hội đồng ra sân trường để ngắm nghía một ngôi trường nổi tiếng thì ít, mà để trông khuôn mặt các sĩ tử năm nay thế nào thì nhiều và nhất là sắp phải nhận một công việc mang trách nhiệm nặng nề, anh thấy trong người bộn rộn, anh muốn ra ngoài cho khuây khoả. Đã khá đông thí sinh đang ồn ào ngoài cổng đợi giờ mở cửa phòng. Toàn rút trong túi tờ báo đã chuẩn bị từ sáng sớm ra đọc nhưng chửa đọc được mấy dòng thì anh lại thở dài đút tờ báo vào. Trong người anh bộn rộn lắm, hình như những người trẻ khi chuẩn bị phải nhận một công việc quan trọng nào cũng hồi hộp thế, hay là chỉ mình Toàn là như vậy? Ngồi chán, ngắm chán, từ thí sinh đi thi đến kiến trúc của một ngôi trường cấp ba xây từ hồi Pháp thuộc, anh lại lôi quyển vở ghi những công việc, những quy chế đối với người cán bộ coi thi ra đọc, cái này thực ra Toàn đã đọc đi đọc lại nhiều lần lắm rồi nhưng hình như anh vẫn muốn nhét chặt hơn khối chữ bòng bong ấy vào trong đầu cho chắc, anh cẩn thận quá chăng? Không! Cẩn thận quá có bao giờ là thừa! Toàn rất lo, anh chỉ muốn năm nay cũng hoàn thành nhiệm vụ như năm ngoái, lúc nào cũng muốn làm việc hết mình để mang lại công bằng cho thí sinh đi thi, ít nhất là tại phòng anh coi. Đọc hết phần công việc dành cho giám thị 2, Toàn lại đọc sang phần công việc cho giám thị 1, anh thầm nghĩ: “Biết đâu đấy, năm nay mình phải làm giám thị 1, năm ngoái mình làm việc tốt thế người ta đưa sang!”. Đọc hết phần công việc cho giám thị 1, Toàn lại đọc lại…

Giờ làm việc đã đến, bảy giờ, Toàn lại vào phòng hội đồng, điểm danh, nghe phổ biến quy chế và những công việc cần làm trong buổi sáng. Toàn chăm chú nghe tỉ mỉ, những công việc cho cán bộ 2, cả những công việc cho cán bộ 1… Xong. Phân công công việc, phân công giám thị, thầy Quốc đọc danh sách giám thị hai, đến cái tên Đỗ Khắc Toàn thì thầy ngập ngừng dừng lại, nhướng mắt xuống dưới dò nhìn Toàn. Toàn cúi mặt xuống tránh ánh mắt của thầy và chờ đợi tên mình được đọc lên, nhưng thầy Quốc lại bỏ qua. Trống ngực Toàn đập nhanh hơn, “hay là, hay là thầy phân công cho mình làm cán bộ 1 thật, thầy có nhớ năm ngoái chính thầy nêu gương mình trước mọi người?!”. Toàn lại chờ đợi… Thầy Quốc đọc danh sách cán bộ 1, xong, cũng không thấy cái tên Toàn. Toàn bắt đầu băn khoăn, hay mình làm giám thị biên bên ngoài phòng thi, mà thế sao được, năm ngoái mình còn được khen ngợi… Ừ đúng thế thật, danh sách giám thị biên là năm sinh viên và một giáo viên nhưng cũng chẳng có cái tên Đỗ Khắc Toàn. Toàn băn khoăn lắm và trống ngực thì đánh thuỳnh thuỳnh như tiếng trống báo hiệu giờ thi đại học đã bắt đầu. Phòng hội đồng chỉ còn lại mấy ông bà cán bộ chỉ đạo điểm thi và một mình Toàn, căn nhà trống trải. Còn vị trí công việc nào cho mình nữa đây, một vị trí mà quan trọng hơn giám thị 2, quan trọng hơn cả giám thị 1?... Cô trưởng ban chỉ đạo điểm thi đứng trước mặt Toàn từ lúc nào đang tươi cười nói:

“Còn mỗi mình em chưa phân công việc gì à?”

“Vâng!” - trống ngực Toàn lại rung lên chờ đợi một trách nhiệm sắp được giao phó.

“Anh Quốc ơi, còn bạn này nữa anh phân công bạn ấy làm việc gì đi.”

“À! Cậu Toàn phải không? Giám thị đủ hết rồi, thôi hôm nay em chịu khó dự bị nhé!” - thầy Quốc quay lại nói với Toàn.

“Dự bị!” - thế là tất cả những suy tính cả gần một tuần nay của Toàn đều đổ vỡ tất. Cứ tưởng sẽ phải nhận một trách nhiệm gì nặng nề hơn năm ngoái chứ, thế mà… Những chuẩn bị mấy hôm nay cẩn thận là thế, chi li là thế bây giờ thành thừa tất cả… Tự nhiên mọi thứ trước mắt Toàn trở nên mờ ảo, nét mặt anh hình như ngượng ngùng, khoảng không xung quanh anh cứ lan ra, lan ra như những vòng sóng vừa tạo ra khi một ai đó vừa ném viên gạch xuống dưới mặt hồ yên tĩnh. Toàn không hiểu nổi tại sao lại thừa mình, lại dự bị, anh thấy buồn, cô đơn… Nhưng Toàn lại cứu vãn nỗi cô đơn ấy bằng một niềm hy vọng: “Biết đâu, ngày mai sẽ khác, ngày mai anh sẽ có một nhiệm vụ khác!”. Chứ chẳng thể nào lại như hôm nay, một thằng sinh viên mới lần đầu đi coi thi mà còn được hiên ngang làm giám thị 2. Còn mình, năm ngoái mình làm tốt thế, được chính thầy Quốc khen ngợi, bây giờ lại phải theo ông bảo vệ đi khiêng cái nọ, vác cái kia… Đến lúc ra về Toàn vẫn hy vọng thế.

Hôm sau, Toàn vẫn đến sớm, cũng hồi hộp chờ đợi nhưng cuối cùng tất cả những dự tính của Toàn lại bị đổ vỡ một lần nữa khi thày Quốc lại nói với Toàn:

“Em làm giám thị dự bị vậy nhé! Có việc gì tôi sẽ gọi.”

Đầu Toàn bưng bưng, sống mũi cay cay chực chảy nước, da mặt giường như căng ra làm khuôn mặt anh tấy đỏ. Toàn cố tìm cách lý giải nhưng chẳng có lý do nào thuyết phục. Sao Toàn phải dự bị? Toàn làm sai cái gì ư? Không, chẳng có gì sai cả, mà đã làm gì đâu mà sai? Hay là số mình không may, người ta cứ đọc theo danh sách thế là thừa mình ra ở cuối bảng? Cũng chẳng phải, dưới tên mình còn mấy cái tên nữa…

*

Gần hết giờ thi môn đầu tiên, Toàn ngồi ngủ gà ngủ gật trên ghế đá, lúc này, ngoài cổng trường đám cô cậu sinh viên tình nguyện cũng chẳng có việc để làm. Một anh sinh viên tên Đoàn (anh này Toàn biết vì học khoá trên cùng khoa, năm ngoái Đoàn cũng coi cùng điểm thi với Toàn) đi qua gọi làm Toàn giật mình tỉnh dậy:

“Toàn! Dự bị à? Buồn nhỉ?”

Đoàn nháy nháy mắt với Toàn rồi cười cười, hắn tiến lại phía Toàn ghé sát tai thì thầm:

“Ai bảo năm ngoái chú lập biên bản toàn con cháu cán bộ to!”

“Con cán bộ nào?” - Toàn toan mở miệng hỏi nhưng Đoàn đã vội tiến bước ra phía nhà vệ sinh - chính vì mình bắt và làm kiên quyết mấy trường hợp ấy nên mới được thầy Quốc tuyên dương mà…

Nỗi băn khoăn trong anh ùa về: “Con cán bộ! Thì ra, năm ngoái toàn con cán bộ bị mình lập biên bản, thảo nào chúng ương thế, thảo nào hôm ấy mình bắt đứa nào cũng trố mắt lên không biết sợ, còn trừng mắt lại mình chứ! Thảo nào... Cũng chính vì thế nên Toàn mới phải ngồi đây… dự bị!?”. Toàn băn khoăn mãi, đến khi ở phía phòng thi gần chỗ anh ngồi có tiếng quát tháo ồn ào. Anh nhìn sang, bà trưởng ban chỉ đạo điểm thi đang khua mồm ngoa ngoắt chửi một thí sinh: “Đã lười học mà cái mặt thì nhơn nhơn không biết sợ ai…!”. Một cô sinh viên lần đầu tiên đi coi thi đại học vừa túm được một cậu thí sinh đã quay cóp lại ngang ngược và cô đã lập biên bản cảnh cáo!

Hà Nội, 19.7.2008

© 2008 talawas

Tạ Đức An sinh ngày 10.9.1984 tại xã Quảng Minh, Việt Yên, Bắc Giang. Hiện là sinh viên lớp K9, năm thứ hai, Khoa Sáng tác & Lý luận, Phân ban Văn học, Đại học Văn hoá Hà Nội, đang hoàn thành tác phẩm truyện dài viết cho thiếu nhi mang tên Chảy về sa mạc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài