talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 18.03.2007


Nguyễn ViệnTrước ngày Chúa lại đến


Nguyen Vien
Nguyễn Viện

talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu một trong những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Viện, người từ lâu đã đưa văn chương đi vào những kẽ hở và xộc xệch của lịch sử, sử dụng chính những điều phi lý của ngôn từ và tưởng tượng để đưa ra một hình dung về sự phi lý của tồn tại đặt trong một lịch sử như thể bị đặt nằm ngang trên một mặt phẳng đã đánh mất tính đồng nhất của mình.

Cao Việt Dũng

 

Nguyễn Viện

Trước ngày Chúa lại đến


I II III

Chiếc chiếu hoa cạp điều bay lờ lững từ Tây sang Đông, ở giữa in hoa văn chữ “song hỷ”, hai bên có dòng chữ tiếng Việt “gia đình – hạnh phúc” viết theo kiểu chữ triện. Trên những ngọn cây tràm, lũ chim ngóc mỏ tò mò nhìn theo chiếc chiếu bay, không có một hạt thóc hay con sâu nào trên chiếc chiếu đẹp đẽ ấy. Bởi thế, việc chiếc chiếu bay chẳng có ý nghĩa gì với những con chim đang đói khi cơn lũ ồ ạt chảy dưới gốc cây. Nhưng cô gái leo ngọn dừa trốn một nỗi buồn đã nhìn thấy chiếc chiếu như một cơ may và cô phóng người lên chiếc chiếu đang bay ấy mà không hề bận tâm mình sẽ đến đâu.

Tôi nói với Hằng, vấn đề của em không phải là có thích nghi được với đời sống hay không, nhưng chính là cần phải sống như em vẫn sống. Chúng ta luôn luôn phải đối diện với sự trống rỗng và đôi khi vô nghĩa. Anh nghĩ, em cần trở lại trường học sớm. Hằng nói, hẳn nhiên là em sẽ phải trở lại trường, một ngày nào đó, cho xong, nhưng em luôn luôn bị ám ảnh bởi một kẻ rình rập đánh cắp những ý nghĩ của mình, như thể người ấy có thể thò tay vào trong óc em, moi ra những điều tồi tệ nhất. Tôi bảo chẳng cần phải cảnh giác với những việc như thế, ý nghĩ là một cái rất riêng, người ta không thể lấy cắp nó mà không bị nhức đầu.

Ngày 2.3.2004. Chiếc chiếu bay đã đặt cô gái xuống trên một cái ghế ở quán café gần cầu Văn Thánh, nơi mặt đất đang nghiêng đổ. Cô gái đã trở thành người đàn bà lỡ dở. Người đàn bà đang tìm những cô gái khác. Trên chiếc xe ôm chở một cô gái gầy ốm, nhếch nhác cặp sát lề, gã đàn ông lái xe khoảng bốn mươi tuổi, lùn và đen nhẻm, đôi mắt có vẻ lương thiện nhướng lên hỏi: Lấy không?

Vào đây. Người đàn bà nói.

Gã lái xe ôm bảo cô gái xuống rồi dựng xe. Cô gái ngại ngùng bước ra xa. Người đàn bà giơ tay vẫy cô gái và nói: Vào đây.

Cô gái vẫn đứng ngoài đường. Gã xe ôm phải dắt tay cô dẫn vào.

Ngồi xuống đi. Đừng sợ. Em có phước mới được đưa đến đây. Người đàn bà vỗ về. Em uống nước nhé? Quay vào trong bà bảo cô tiếp viên: Cho nó một ly nước. Bà hỏi cô gái mới đến: Em đi mấy đứa?

Dạ, ba.

Hai đứa kia đâu? Bà hỏi gã xe ôm.

Chúng đi xe khác.

Ông đi tìm tụi nó lại đây cho tôi.

Bà phải cho tiền cò.

Bao nhiêu?

Mỗi đứa mười ngàn.

Được. Đi đi.

Cô gái vẫn còn vẻ lấm lét. Bà hỏi: Quê ở đâu?

Dạ, Cam Ranh.

Bạn có muốn thuê Cam Ranh không? Bao nhiêu? Ba trăm triệu đô/năm. Đắt quá. Bạn thừa biết mặt tiền của nó có một không hai trên thế giới. Nhưng hoàn toàn không sinh lợi. Vấn đề của bạn đâu phải để sinh lợi. Cũng đành là thế, nhưng nó phải có ý nghĩa. Tất nhiên, nó chính là biểu hiện quyền lực của bạn.

Trong chốc lát, gã xe ôm đã chở thêm hai cô gái tới. Người chúng đầy bụi. Người đàn bà nhìn các cô gái và nghĩ, cộng cả ba đứa lại chắc mới bằng tuổi bà.

Các em có muốn làm với tôi không? Phụ bán quán, ăn ngủ tại chỗ, lương bốn trăm ngàn. Chúng em xin vâng theo ý bà.

Tôi nói với Hằng: Lối sống Mỹ là một giải pháp mà không nhất thiết phải thừa nhận nó hay không. Đừng nói là em không chịu đựng được. Hằng bảo lúc nào cũng có một cái camera nó chĩa ống kính vào mình, giống như là bị phanh thây.

Ngày 30.4.1975. Người đàn ông đi từng nhà căn dặn: Hãy cạo sạch hình lá cờ quốc gia vẽ trước cửa và lấy giấy làm cờ giải phóng. Nếu đoàn quân giải phóng tiến vào thì ra đón. Lúc ấy cô gái vẫn còn ngồi trên chiếc chiếu bay. Cha cô gật đầu, rất nhiều ý nghĩa, với người đàn ông. Mọi người đổ xô đi mua giấy đỏ, vải đỏ. Mặc dù tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, người ta vẫn lo sợ một cuộc thảm sát. Những người lính giải phóng đi chân đất, quần áo xốc xếch và ướt sũng, có người chỉ mặc quần ngắn. Có lẽ họ vừa lội qua sông. Trông họ hiền lành, ngơ ngác và đầy phấn khích. Một ai đó bảo hoan hô. Mọi người hoan hô mà không biết hoan hô cái gì. Trước đó vài tiếng đồng hồ, từng toán lính quốc gia lấm lét vừa chạy vừa trút bỏ những bộ quân phục. Trên đường đầy nón sắt và những thứ quân trang khác. Cô gái bảo toàn thành phố đầy rác. Cả súng và lựu đạn. Nón sắt để làm cối giã cua rất tốt nhưng không ai dám lượm về nhà. Nhưng trong các trại lính và khu nhà của người Mỹ đã bị người dân lao vào hôi của. Những người khôn ngoan hơn thì chạy ra bến tàu. Những chiếc tàu đã biến họ thành Việt kiều, trong số ấy có anh Đại của cô. Cô không bỏ chạy vì cô không sợ bị rút móng tay hay phải lấy thương binh Việt cộng. Cũng ngay trong ngày hôm ấy, mẹ cô mang tấm ảnh sĩ quan của người anh trai lớn của cô từ trên bàn thờ xuống và đốt đi cùng với nhiều thứ giấy tờ khác. Những tấm hình của người anh trong album và một số sách vở cũng bị mẹ cô cho vào lửa. Một số quần áo xem ra chẳng liên quan gì đến sắc phục của một chế độ cũng bị đốt sạch. Tất cả những gì đẹp đẽ còn lại mà bà không cảm thấy nguy hiểm trong nhà đều được đóng thùng cất giấu. Còn cha cô thì lái chiếc xe của ông ra sông và dìm nó xuống nước. Nghèo, hèn là những phẩm hạnh cao nhất của cuộc sống mới.

Cuộc hôn nhân vội vã của những kẻ bị đẩy xuống bùn lầy giống như cách kết thúc của những con chim bị chặt cánh. Khi họ cảm thấy không còn gì trong cuộc đời thì lấy nhau chính là cách gia cố sự hiện hữu, đồng thời cũng là cách để sở hữu cuộc đời mình. Hằng là cô gái được sinh ra bởi sự vô vọng. Và sự vô vọng đã được cứu rỗi bởi những linh hồn đày đọa trong những giấc mơ vượt thoát. Hằng nói: Em chỉ là hiện thân của sự chạy trốn.

Ngày 2.3.2004. Ba cô gái được đưa về nhà hàng của người đàn bà bên Lái Thiêu. Bà nói với các cô gái: Chúng mày cần phải ăn mặc cho đẹp và hấp dẫn. Tao sẽ ứng tiền trước cho chúng mày để sắm đồ.

Các cô gái được phi tang nguồn gốc bằng son phấn và những chiếc váy.

Hằng hỏi: Tại sao anh lại bảo họ phi tang? Tôi nói cuộc sống đã bị hình sự hóa ngay từ khi cha mẹ của người đàn bà muốn xóa bỏ quá khứ của họ năm 1975. Với những người khác thì đã xảy ra từ 1954.

Người đàn bà nói với các cô gái: Từ hôm nay, ba đứa mày sẽ được gọi là Kiều Hạnh, Mỹ Loan, Khánh My. Đứa nào thích tên nào thì lấy tên ấy. Tao cho chúng mày quyền chọn lấy số phận của mình.

Cô gái gầy ốm nói: Em chọn tên Khánh My.

Hai cô gái còn lại dành nhau tên Mỹ Loan. Cô gái đã chọn cho mình tên Khánh My bảo: Thôi hai đứa mày bốc thăm đi.

Một cô hỏi bà chủ: Chị cho em tự đặt tên được không?

Được.

Cô gái ngẫm nghĩ trong giây lát rồi rụt rè nói: Hồng Phượng được không chị?

Được.

Hồng Phượng mình dây nhưng hai vú to. Người đàn bà nghĩ, rồi ra con bé này có khả năng áp đặt đàn ông trong những tính toán của mình bằng sự xảo quyệt của một con đĩ hảo hạng.

Đầu tháng 5.1975. Căn nhà của gia đình cô gái bị nhà nước mượn làm trụ sở ủy ban phường. Cả gia đình cô thu gọn lại trong căn nhà để xe. Nhiều lần ủy ban đề nghị với cha cô cống hiến căn nhà cho cách mạng, tuy sợ nhưng cha cô khôn khéo từ chối nói cách mạng cần thì chúng tôi cho mượn, nhưng không thể cống hiến vì đó là căn nhà của ông bà để lại. Cho dẫu khôn khéo thế, căn nhà của họ cũng không bao giờ đòi lại được.

Người đàn ông mặc đồ bộ đội, nói giọng miền Nam, hào sảng dù quê mùa vẫn tìm cách nói chuyện với cô mỗi khi có thể. Ông ta bảo: Cô nên đi sinh hoạt đoàn thể.

Tôi không thích đám đông, cô trả lời.

Tập thể là sức mạnh. Cô cần phải dựa vào tập thể để phát huy mình.

Cô gái không cần phát huy, nhưng cô không thể không tuân lệnh khi có người đến yêu cầu cô phải đi sinh hoạt buổi tối cùng với những thanh thiếu niên khác. “Vòng tròn có một cái tâm. Cái tâm ở giữa vòng tròn. Quay sao cho đều cho khéo… cho vòng tròn đừng méo đừng vuông…”. Cô chỉ thấy những cái vòng tròn như trong đèn kéo quân, ở giữa là một ngọn lửa dối trá. Để chấm dứt tất cả những trò vớ vẩn ấy, cô nghĩ mình sẽ lấy chồng.

Người đàn ông bộ đội, đeo lon đại úy, làm chủ tịch ủy ban quân quản phường, đang chiếm ngự căn nhà cô biết được ý nghĩ quyến rũ ấy, tự đặt mục tiêu phấn đấu: Chồng cô sẽ là tôi.

Việc đầu tiên ông ta làm là bố trí một căn nhà khác cho gia đình cô một cách chí tình và chí lý. Bất cứ một căn hộ nào khác cũng thoải mái hơn cái cảnh phải sống chui rúc như tội phạm trong chính căn nhà của mình. Cô không biết mẹ mình đã uất hận như thế nào, phần cô, khi rời bỏ căn nhà quen thuộc của mình, cảm giác nó giống như một cái cây bị bứng ra khỏi mặt đất.

Hằng nói, em không còn bé để dãy đành đạch hai chân khi người ta bế em lên quẳng xuống biển, mà em đã nhìn biển như thể đấy là chính em. Và em chờ đợi giây phút mình thật sự rơi xuống biển.

Lúc ấy, cha cô đã vào trại cải tạo chỉ vì tính quá cẩn thận của ông.

Tôi đã giải ngũ, có phải trình diện không, thưa anh?

Trước đây ông làm gì?

Đại úy.

Đại úy hả?

Vâng.

Đại úy thì vào đi.

Ông đại úy ngụy đi vắng thì đã có ông đại úy cách mạng. Ngày 19.5.1975, ông đại úy cách mạng đeo khẩu K54 kè kè bên hông đưa cho cô gái tờ giấy, nói:

Đây là di chúc Bác Hồ. Tối nay em sẽ đọc ở sân trường học.

Em không đọc đâu. Chọn người khác đi.

Không phải ai muốn cũng được. Đây là vinh dự rất lớn lao, anh đã tranh đấu dành cho em.

Cô không mường tượng được điều ấy sẽ làm thay đổi cuộc đời cô. Tối 19.5, trước toàn thể nhân dân trong phường tụ tập ở sân trường học, cô đã đọc bản di chúc theo cái cách hằn học nhất mà lòng cô không thể che giấu, nhưng các cán bộ của phường lại bảo cô có một giọng đầy khí thế cách mạng. Qua ông chủ tịch, họ đề nghị cô tham gia ban xã hội của phường. Cô lên danh sách những gia đình khó khăn cần được giúp đỡ. Cô tìm thấy niềm vui vì sự có ích của mình, ít ra với những người cần vài ký gạo.

Ngày 5.3.2004. Quán Lan Thanh vắng teo, không một người khách. Bữa cơm chiều vẫn diễn ra một cách bình thường. Tất cả người làm và các cô tiếp viên vào bàn. Họ hỏi nhau: Chị Lan Thanh sao không về ăn cơm?

Hình như chị ấy đi đòi tiền.

Có đứa nào muốn đi đòi nợ thuê không? Một người đùa.

Cần phải mang mã tấu theo không? Hồng Phượng hỏi.

Mày chỉ cần giơ cặp vú ra là được.

Vô duyên.

Chỉ giơ vú ra là lấy được tiền thì tôi giơ suốt ngày. Mỹ Loan nói.

Khánh My vừa ăn vừa tư lự. Cô tự hỏi, quán vắng tanh thế này, chị Lan Thanh lấy tiền đâu trả công người làm, thế mà chị còn nhận thêm ba đứa bọn cô.

Tháng 7.1975. Thành phố nham nhở với những căn nhà bị đập phá khi người ta bị buộc phải đi “kinh tế mới”. Tất cả những gì có thể mang đi được như khung cửa, mái tôn, cột kèo… người ta đều dỡ hết. Chiến tranh đã chấm dứt, nhưng sự tang thương của những bức tường vỡ trong hòa bình cũng đau xót không kém, đôi khi nó còn nhức nhối hơn bởi sự vô lý và dã man. Một cuộc sống không được chuẩn bị đẻ ra những từ ngữ ngớ ngẩn. Những sự việc ngu độn đến hoang đường. Ông đại úy cách mạng bảo Lan Thanh: Nếu nhà em không đi kinh tế mới thì cha em rất khó về.

Lan Thanh nói lại với mẹ chuyện ấy. Bà mẹ nói: Mẹ chỉ lo cho con. Rồi bà lẳng lặng từng ngày mang đồ trong nhà đi bán.

Thành phố lốm đốm những chợ trời. Người ta máng quần áo lên người như những cái mắc áo di động. Trí thức và vô học. Trên lề đường, chén bát cũ xô đẩy nhau tìm một chỗ phơi mình. Sang và hèn cùng tìm thấy một mùi vị nhân sinh cặn bã.

Ông đại úy cách mạng nói với Lan Thanh: Nếu em lấy một cán bộ cách mạng thì nhà em không sợ phải đi kinh tế mới.

Thư của Hằng. Em nghĩ cần phải xức thuốc đỏ trên cái mồm lở loét của những chính trị gia. Em tin rằng văn chương có thể tách rời khỏi chính trị mà vẫn không mất đi những giá trị nhân bản. Tôi bảo, dù em có chính trị hay không, thì em vẫn phải sống trong một cơ chế chính trị. Trong cơ chế ấy, em bị chính trị ràng buộc. Có thể đấy là quả bóng bay hay cái cối giã gạo, nhưng em không bao giờ thoát khỏi nó.

Ngày 6.3.2004. Lan Thanh nói với Hồng Phượng: Em đi với chị. Họ tới một khách sạn. Ở đó họ gặp một người đàn ông có vẻ sang trọng. Ăn uống và nói chuyện thời trang. Sau đó họ về phòng. Hồng Phượng cảm thấy mình trôi đi trong một thế giới khác. Những cánh đồng cỏ khô héo và con bò vàng đói khát dũi mõm vào cát. Ở một chỗ nào đó trên cơ thể, cô cảm thấy đau đồng thời với một nỗi rạo rực cô chưa từng biết, nó làm cô nẩy tưng lên. Khi cô tỉnh lại sau một giấc ngủ dài, cô thấy mình trần truồng. Người đàn ông đưa cho cô mười triệu.

Cầm mười triệu trước. Khánh My và Mỹ Loan không cần phải cho uống thuốc mê. Họ thản nhiên đến khách sạn với người đàn ông không quen biết.

Tôi nói với Hằng, anh tin rằng hầu hết những vụ bán trinh đều được mang ý nghĩa cao cả của sự hiếu thảo với cha mẹ.

Ngày 30.4.1975. Từ hôm nay các ngươi được gọi là ma ngụy. Tổ quốc không ghi ơn các ngươi nữa. Kẻ nào trong các ngươi là con của Chúa thì hãy về với Chúa, kẻ nào là con Phật thì liệu mà tìm đường đến Tây phương cực lạc kẻo muộn. Chẳng còn bao lâu nữa, các ngươi sẽ là những con ma không mồ. Xương máu các ngươi sẽ bị chà đạp và linh hồn các ngươi bị nguyền rủa. Mộ phần các ngươi thành bình địa và sự hy sinh của các ngươi trở thành vô nghĩa. Các ngươi đừng ăn cháo lú và uống nước sông mê kẻo lòng các ngươi thù hận. Các ngươi hãy đi và bỏ lại vành khăn tang cho người đến sau. Cả sự sống lẫn sự chết đều vô ích trước sự lầm lạc của con người. Sự đau khổ không cứu chuộc các ngươi. Sự vinh quang không tha thứ các ngươi. Thế gian mà các ngươi đeo đuổi không thật. Chỉ có nỗi niềm của các ngươi tồn tại đích thật và phù phiếm trong hồi quang của ánh chớp số phận. Các ngươi đừng gán cho nhau những tội ác lố bịch của bọn tay sai, bởi vì không ai trong các ngươi có quyền lựa chọn. Thượng đế đã đến và ngài bảo: Hãy có. Người có sẽ có thêm và người mất sẽ mất hết. Để dấu vết các ngươi được xóa sạch, các ngươi đừng chui vào chỗ tối tăm, cũng đừng tìm cách phơi mình ra ánh sáng. Khi đến ngày tận thế, đấng công bằng sẽ xuất hiện và ngài sẽ an ủi các ngươi trong gấu áo của ngài.

Ngày 10.3.2004. Trong nhà hàng Lan Thanh có hai phòng kín, chỉ những người quen mới được tiếp đón ở đó. Cả ba cô gái Khánh My, Mỹ Loan và Hồng Phượng đều được gọi lên tiếp khách. Họ mặc váy ngắn và không có đồ lót. Bà chủ nói: Đây là những vị khách đặc biệt của chị, các em phải chu đáo tiếp các anh, đừng để các anh buồn.

Thưa chị, vâng ạ.

Quay sang các anh, bà chủ bảo: Các anh thích gì cứ thoải mái.

Vấn đề là ở chỗ ấy. Các em cứ hồn nhiên rồi các em sẽ là tiên. Thế giới đích thật ở trong cánh cửa đóng kín. Trong thế giới này, các em sẽ được phóng thích từ chân tơ tới kẽ tóc mà không phải vất vả làm cách mạng. Các em sẽ được tôn vinh trên các tầng trời khi nhảy múa và cho đàn ông uống sữa và mật của mình. Sự màu nhiệm của con người còn linh thiêng hơn thần thánh khi cửa mình các em mở ra cho tự do và nhân quyền hiển lộ. Vũ trụ được nhận biết bởi một niềm sướng thỏa. Đừng bảo các em là đĩ mà hãy gọi các em là thiên sứ . Cũng đừng vu cho các em là điếm mà hãy xưng tụng các em như tình nhân bằng túi tiền của mình. Và đừng lên án các em là sa đọa mà hãy cổ vũ các em như những kẻ tiên phong của nền mỹ học hậu tương lai.

Ngày 10.10.1975. Hôm qua em vẫn còn là con gái. Hôm nay em đã thành đàn bà. Người đàn bà trẻ hỏi ông đại úy: Nhà em không còn phải lo đi kinh tế mới? Ba em sẽ sớm được về phải không?

Tất nhiên là nhà em không bao giờ phải đi kinh tế mới, khi có anh ở đây. Cũng tất nhiên là ba em sẽ sớm được về, nếu ba em cải tạo tốt.

Lẽ ra, anh nên để cho các cô gái rên rỉ vì sướng. Văn chương là tiếng nói của cơ thể. Hằng nói. Mọi sản phẩm của trí tuệ chỉ dẫn đến sự tha hóa.

Ngày 10.3.2004. Anh Hai nói với Hồng Phượng: Em vừa ngon vừa ngọt.

Thèm không?

Thèm.

Cho anh bú liếm suốt ngày nhé.

Sướng.

Cho em về làm vợ anh.

Ok. Anh thuê nhà riêng cho em ở.

Ở nhà thuê có ma.

Nhưng về nhà anh sao được.

Thì mua nhà cho em.

Để anh tính.

Ngày 11.3.2004. Hồng Phượng gọi điện thoại cho anh Hai: Anh đến quán em chơi.

Hôm nay anh bận.

Ngày 12.3.2004. Hồng Phượng lại gọi điện thoại cho anh Hai: Anh có nhớ em không?

Nhớ.

Đến quán em chơi đi.

Hôm nay anh kẹt.

Ngày 13.3.2004. Hồng Phượng vẫn kiên nhẫn gọi cho anh Hai: Sao anh không đến chơi với em?

Anh rất muốn.

Đến đi, em cho anh bú.

Anh đang bị sưng lưỡi.

Ngày 11.11.1975. Người đàn bà trẻ nói với ông đại úy: Hình như em có bầu.

Thật không?

Thật. Anh không vui sao?

Anh không biết phải tính thế nào.

Thì cưới em đi chứ còn tính gì nữa.

Chưa được đâu. Vợ anh mới ở quê lên.

31.12.1975. Cái bầu của người đàn bà trẻ đã to lên, ai cũng nhìn thấy. Ông đại úy phải làm kiểm điểm với đảng ủy, ban chấp hành công đoàn, cơ quan cấp trên và bị cho nghỉ việc đồng thời bị khai trừ ra khỏi đảng và xuất ngũ. Lý do chính yếu không phải vì ông đã phá hoại đời một cô gái, mà ông đã quan hệ bất chính với phần tử nguy hiểm con của sĩ quan ngụy. Ông về quê với người vợ cũ. Đến khi người đàn bà theo ông làm cách mạng bản thân sinh con thì ông để bà vợ cũ ở dưới quê như hồi nào vẫn thế và lên thành phố ở hẳn với người mẹ trẻ của con mình. Dẫu sao thì ông vẫn là người có công với cách mạng, không khó khăn lắm, ông tìm cho mình một công việc mà ông tin rằng có thể kiếm tiền một cách dễ dàng nhất. Đi buôn gỗ.

Ngày 1.3.2004. Cái Nhớn, cái Nhỡ, cái Bé bỏ ruộng muối. Chỉ có mình cái Nhỡ ôm theo bọc quần áo. Hai đứa kia, mỗi đứa mặc hai áo. Chúng ra đường đón xe về thành phố. Chúng bảo muối làm hai bầu vú chúng teo lại và cửa mình chúng khô cong. Chúng muốn có quần áo đẹp và những chàng trai thành phố. Chúng không muốn suốt đời phải úp mặt xuống ruộng muối. Trong túi chúng, không đứa nào có tới một trăm ngàn đồng. Nghe nói, trong thành phố dễ kiếm việc làm. Cho dù có phải đi ở cho người ta thì cũng hơn ở cái xứ sở chỉ có cát và muối này. Ngày đầu tiên ở thành phố, chúng loanh quanh khu bến xe. Thành phố không ai biết chúng. Đêm đến, chúng ôm nhau ngủ. Mấy thằng bụi đời chen vào nằm giữa, bọn chúng sợ hãi vào ngồi với ông bảo vệ bến xe. Ông bảo vệ bảo muốn tìm việc làm thì nhờ mấy ông chạy xe ôm. Ông xe ôm bảo muốn xin việc làm thì gặp mấy bà chủ quán. Chúng mày muốn bán bia ôm, cà phê ôm hay vào động đĩ? Chỗ nào kiếm tiền cũng dễ. Không muốn dễ thì đi bán vé số. Chúng cháu không có vốn. Không có vốn thì đã có cái trời cho. Chúng mày cứ bán cái trời cho cho tiện. Xét cho cùng thì nó cũng đâu phải của chúng mày. Cứ tung hê cho cuộc đời phủ phê nồng ấm. Các bác khôn ngoan, xin các bác cứ dạy.

Năm 975. Bà Phạm Thị vãn cảnh chùa Tiêu Sơn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, hứng tình với thần thánh về có bầu. Cùng năm đó đẻ ra Công Uẩn. Ba năm sau, xem tử vi cho Công Uẩn, biết đứa trẻ có số làm vua, sư Lý Khánh Văn mới nhận mình là cha và đem về nuôi.

Ngày 20.5.1976. Lan Thanh đẻ đứa con trai đầu lòng. Khi đứa trẻ vừa lọt lòng, người mẹ thấy một vầng sáng lớn xuất hiện ngay cửa ra vào, nên đặt tên con là Đại Quang. Hai tuổi, Đại Quang đã đọc được sấm Trạng Trình.

Năm 1010. Lý Công Uẩn làm vua, bỏ Hoa Lư chọn đất có rồng bay làm kinh đô. Lúc ấy có một thầy địa lý người Tàu đến Thăng Long, ông ta sợ rằng người Việt sẽ làm bá chủ thiên hạ, bèn ếm bùa ngay mắt con rồng, chỗ sau này người Hà Nội gọi là Hồ Gươm. Bùa hiệu nghiệm đến nỗi, chỉ tám năm sau ngày đăng quang, Lý Thái Tổ đã không nhìn thấy đường vội sai người sang Tàu thỉnh kinh Tam Tạng về làm quốc đạo, xuất công khố đúc chuông, xây chùa khắp nước. Từ đó, quốc đạo của người Việt thời nào cũng phải thỉnh từ xứ người.

Ngày 14.3.2004. Hồng Phượng không điện thoại cho anh Hai nữa. Cô gái hiểu rằng tất cả đàn ông đi uống bia ôm đều là “người Việt nói dối”. Giữa lúc ấy Đại Quang về nước thăm mẹ. Hồng Phượng nhìn thấy hắn và nghĩ, con mồi này xem ra còn có dây buộc.

Anh Đại Quang ơi, anh là ánh sáng là chân lý của đời em.

Em là cái bánh bao khai.

Không phải, em là đặc sản nhà hàng Lan Thanh.

Cho anh nếm mùi đi.

Em cho anh luôn đời em.

Anh chỉ cần ít ngày thôi.

Lan Thanh không thích mối quan hệ này, bà nói với Đại Quang: Không được quá trớn. Mày muốn vui chơi đi chỗ khác.

Tuy thế, Hồng Phượng vẫn tìm cách gặp Đại Quang với hy vọng gắn bó đời mình với bà chủ.

Năm 1976. Ông đại úy, bố của Đại Quang cùng vài người bạn đã xuất ngũ quay trở lại rừng. Họ thuê người đốn cây và chở về thành phố bán cho các xưởng cưa. Kẻ nào muốn làm luật thì có luật. Tiền vãi ra trên đường, họ vẫn giàu lên nhanh chóng. Chủ nghĩa xã hội muôn năm. Cha chung không ai khóc. Những kẻ ưu tú là những kẻ sống trên sự ngu dốt của người khác. Trong lúc con cái của nhân dân lớn lên bằng khẩu hiệu thì cậu ấm Đại Quang lớn lên bằng sữa ngoại. Năm tám tuổi, cậu ấm được gửi đi vượt biên đến ở với bác Đại, bởi vì cha mẹ cậu biết rằng, trong một xã hội giả dối, sự giàu có nào cũng bị coi là gian lận.

Khí hậu mát mẻ của nước Mỹ làm Đại Quang lớn nhanh như thổi. Năm mười lăm tuổi, Quang đã như một thanh niên trưởng thành. Bà chị Mỹ đen trông thấy cậu trong hành lang của tòa nhà tháp đôi ở New York đang dáo dác nhìn ngó những cặp vú lủng lẳng qua lại. Bởi một sự mẫn cảm của loài thỏ, bà chị Mỹ đen ngửi thấy mùi sữa tinh khiết trong háng cậu và chị không cưỡng được cơn thèm muốn uống cái nước trắng đục ấy của cậu. Chị vỗ vào mu của mình, gọi cậu: “Come here”. Cậu đi theo mùi cháy khét bí ẩn và bị đẩy vào thang máy. Trong một khoảng chật hẹp đầy hơi người, cậu thấy con cu của mình bị nắm chặt. Đến tầng thứ năm mươi ba, con cu cậu vẫn bị nắm và kéo vào một phòng làm việc nhỏ. Ở đó, cậu bị tụt quần và bà chị Mỹ đen quì xuống mút điên cuồng con cu của cậu. Vẫn không làm chủ được mình, cậu bị bà chị Mỹ đen ấn đầu cậu xuống bắt ngửi cái mùi hôi nhất của chị, khi chị đã tốc váy lên và ngồi trên bàn. Cậu chịu không nổi cái mùi vừa hôi vừa khét của chị. Nhưng có một nguồn cơn nào đó không hiểu, đun đẩy cậu ngoạm vào cái miếng thịt bầy nhầy đầy lông ấy như một con chó con dúi mõm vào hũ bơ. Cái mùi hôi dần dần tan biến và trên sóng mũi của cậu, chỉ là mùi lúa chín trên cánh đồng vàng của quê hương dâng lên dào dạt. Mùi lúa chín trở thành nỗi ám ảnh của cậu và nó khỏa lấp tất cả sự thông tuệ của một thần đồng nơi cậu.

Năm 975. Con rồng trên mái chùa Tiêu Sơn cũng đã ngửi thấy mùi lúa chín trong háng bà Phạm Thị. Đợi cho lúc ánh nắng chiếu vào mắt bà, con rồng quẫy đuôi bay xuống sân chùa và nó cũng không thể cuỡng nổi cơn thèm muốn uống cái mùi nồng nàn đồng ruộng của bà. Nó chui vào trong váy bà quẫy đạp làm nổi cơn cuồng phong suốt vùng Kinh Bắc. Từ ngày ấy, con gái Kinh Bắc lúc nào cũng dậm dật hát quan họ, chèo kéo một nỗi niềm xa vắng.

Năm 1894. Lý Công Uẩn luân hồi tái sinh trong một gia đình trọng Nho học ở Chợ Lớn. Với vốn chữ Hán trong kinh Tam Tạng học được từ năm 1018, Uẩn làm thơ tiếng Hán để bày tỏ chí khí của mình, nhưng thơ không thể cứu được nước mất và kinh Tam Tạng không phải là vũ khí chống được quân thù. Trong một buổi chiều nắng cực, Uẩn ra bến sông Sài Gòn hóng gió. Chiến hạm của Pháp đậu kín mặt sông. Uẩn nghĩ, cọc gỗ của Ngô Quyền hay Trần Hưng Đạo không thể đánh đắm được những con tàu sắt. Thời nào cần có giải pháp của thời đó. Vốn là một minh quân, Uẩn nhận ra chân lý và ngay chiều hôm đó Uẩn xin xuống tàu làm tạp dịch với mong ước đi khắp thế giới tìm tâm kinh về cứu nước. Lòng nhiệt thành đến nỗi Uẩn không kịp về nhà từ giã cha mẹ, anh em.

Năm 1914. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Uẩn được đưa đến mẫu quốc làm công nhân trong một xưởng đúc súng. Ở đó, đêm đêm Uẩn đọc sách của Voltaire, Montesquieu và cả Machiavel, tránh xa những khu nhà thổ đang mọc đầy lên khắp nước Pháp.

Ngày 16.3.2004. Trong quán bia ôm, Hồng Phượng đổ bia lên người mình. Bia chảy đến đâu, Đại Quang liếm đến đó. Mùi lúa chín khét của bà chị Mỹ đen năm nào vẫn ám ảnh khiến mũi hắn khụt khịt vì sặc nước trong cửa mình Hồng Phượng tuôn ra.

Ngày 30.10.1979. Trên vùng biên giới Kampuchia, những cây gỗ bằng lăng to hai người ôm lần lượt ngã đổ, để lộ ra một toán lính Khmer đỏ với súng AK Trung Quốc và đạn dược quấn quanh người. Ông cựu đại úy, bố Quang, nhìn thấy sát khí hừng hực trên mặt bọn Khmer đỏ, biết ngay tình nghĩa quốc tế vô sản đã không còn nữa. Ông ta bỏ chạy. Bọn Khmer đỏ nổ súng. Tiếng súng quen thuộc của chiến trường năm xưa làm ông sợ hãi, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để luồn lách giữa những lằn đạn thù hận. Khi được bộ đội biên phòng cứu thoát, ông mới hoàn hồn nhận ra mình bị thương ở bọng đái.

Người vợ tận tụy trung thành năm xưa của ông ở dưới quê mang ông về nuôi.

Năm 1918. Thằng Kuzu ở xứ Congo thuộc Pháp lôi Uẩn ra khỏi đống sách, nó bảo:

Mày muốn làm cách mạng thì cần phải biết đàn bà là gì, nhất là đàn bà mẫu quốc.

Uẩn nói: Tao ăn chay trường.

Cũng được. Nhưng chắc mày biết Đức Phật cũng đã lấy vợ và đẻ con. Chúa Giêsu cứu thế cũng đã yêu say đắm Madalenna.

Ngày xưa họ Lý nhà tao đã mất ngôi vì mấy con thị mẹt. Tao thù đàn bà.

Nhưng nếu mày không biết đàn bà thì không bao giờ mày hiểu được cái xã hội cần giải phóng là gì.

Tao không cần biết cái xã hội cần. Tao chỉ cần biết cái tao cần.

Đấy là phục hồi ngai vàng nhà Lý?

Không, tao muốn bọn Tây phải cút khỏi đất nước tao.

Chuyện này để tao chỉ cách cho mày. Nhưng trước hết mày vẫn cần phải biết mùi đàn bà.

Cách gì?

Sang Nga. Nhưng mày không thể đi một mình.

Kuzu dẫn Uẩn đến một khu nhà ổ chuột. Céline như một đám mây trước giờ mưa bão đón họ. Kuzu nói: Mày muốn đến được Moscou an toàn thì phải lấy Céline. Phòng nhì Pháp đang đặt câu hỏi về tính cách bất thường của mày.

Uẩn và Céline ra tòa thị chính đăng ký kết hôn.

Uẩn nói: Anh là người chay tịnh.

Céline cười: Còn em là loài ăn thịt sống.

Con thú ăn thịt sống đè kẻ chay tịnh xuống đất và bảo: Cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân loại là phụ nữ nằm trên.

Ngày 15.10. 1980. Bố của Lan Thanh được tha khỏi trại cải tạo. Ông là một trong những người đầu tiên làm đơn xin đi Mỹ theo diện HO do chính phủ Mỹ bảo lãnh. Ông bảo: Đã chịu đựng được cái nhục khi phải nhận tội cái mình coi là lý tưởng, thì không còn cái nhục nào không chịu đựng được.

Tháng 10. 1954. Cô bé Mì mới bảy tuổi được bố đem gửi cho người bạn thân di cư vào Nam. Bố Mì nói: Tôi cảm thấy có điều gì đó dường như sai lầm, nhưng không thể sửa chữa được nữa. Tôi không muốn nó phải gánh chịu sự sai lầm của mình. Anh mang nó đi càng xa càng tốt. Nó là con anh.

Bố Mì trở về Cao Bằng, tiếp tục cầm súng trong nỗi xao xuyến về địa ngục.

Năm 1925. Uẩn nói với Céline: Anh phải về nước. Em ở lại nuôi con. Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp nhau lại, nếu em chờ anh.

Céline không nói gì. Bà hiểu rằng, không điều gì có thể ràng buộc được một người đam mê chính trị, ngoài chính tham vọng của anh ta.

Uẩn không về nước ngay mà cùng với Kuzu đi Moscou. Suốt hai năm, Uẩn ăn ngủ trong thư viện của trường đệ tứ quốc tế, đọc và học thuộc lòng tất cả các sách của Marx, Engels, Lénine. Uẩn nói với Kuzu: Sự thuận hòa của Phật giáo chỉ là thứ chính trị của thời bình. Tôi đã tìm thấy đạo cho dân tộc mình bằng sách lược của Lénine.

Chia tay Kuzu, Uẩn theo con đường tơ lụa của nhiều thế kỷ trước về Trung Hoa thăm dò tình hình.

Ngày 16.3.2004. Đại Quang đã chếnh choáng buồn ói. Hắn nằm gối đầu lên đùi Hồng Phượng. Mùi thơm của những cánh đồng lúa chín vàng tràn vào phòng. Hắn hỏi: Thực tại hay hư vô?

Hồng Phượng không hiểu hắn nói gì. Cô nói: Cứ vô đi thì biết thực hay hư.

Ừ thì vô. Chăm phần chăm nhé.

Hồng Phượng đổ bia vào hư vô. Đại Quang uống bia từ thực tại. Cho đến khi Đại Quang đã chui cả trí khôn và mình mẩy vào trong âm ty của Hồng Phượng thì lại một lần nữa hắn trở nên thông tuệ. Hắn nói: Mùi lúa quê hương cứu rỗi những linh hồn xa xứ.

Năm 1932. Uẩn đứng trên bờ biển Hồng Kông nhìn về phương Nam thấy lửa khói mịt mờ. Từng đoàn người gậy gộc trong tay rời bỏ cánh đồng, họ đi về phía lửa cháy, hô vang: Không làm nô lệ. Tiếng hô của họ làm rách một bên màng nhĩ của Uẩn. Trong lòng bồn chồn, Uẩn nhìn thấy họ chết trong đống lửa. Về sau này, Uẩn chỉ nói mà không nghe được người khác nói.

Hằng hỏi: Năm 1968, anh ở đâu? Tết Mậu Thân anh ở Kontum. Sao người ta bảo anh làm chánh án tòa án nhân dân ở Huế? Ngày ấy, người ta nhuộm máu nhau, nhưng anh không giết người. Có người lại bảo, anh là một trong những người lập danh sách những kẻ phải chết? Không, anh không giết người. Vậy những kẻ đã chết thì do ai giết? Anh không biết. Ai biết? Nhân dân.

Năm 1893. Hồn Lý Công Uẩn bay phất phơ trên mái Lăng Ông, Bà Chiểu. Uẩn tiếc nuối cơ hội mở mang bờ cõi về phía Tây của Lê Văn Duyệt. Vì lòng nghi kỵ, Minh Mệnh đã cản đường Duyệt. Lê Văn Duyệt không có người nối dõi, Uẩn đành chọn cô gái có lòng thành tín lúc ấy đang xin xăm trong lăng để đầu thai. Cô gái đầm đìa nước mắt khấn: Thần thánh có thiêng xin cho con tấm chồng. Cô gái nóng lòng lắc ống xăm. Quẻ xăm có nội dung như sau: “Nhà rồng có một đứa con, không chồng mà chửa mới ngon hơn người. Số này đến chín phần mười, đẻ con quí tử rạng ngời tông môn”. Cô gái bồi hồi bước ra ngoài, nắng mùa hè làm cô lóa mắt, dường như có một ánh chớp mang hình con rồng đánh vào người cô. Tháng ấy, cô tắt kinh. Một nỗi xao xuyến từ trời đổ xuống lòng cô. Ngày ngày, cô vào lăng, lắc mình trong ống xăm tìm lời giải đáp của định mệnh. Quẻ xăm càng nhiều, lòng cô càng rối. Thày đồ chuyên viết thư pháp ở cổng lăng, vốn dòng dõi nhà Lý, tên Công Chính, nhìn thấy sự hoang mang lo lắng của cô, ngỏ ý đón cô về làm thiếp. Cô gái từ chối lời cầu hôn của Công Chính, trốn vào Đồng Ông Cộ chờ ngày lâm bồn. Bởi một linh tính của huyết thống, Công Chính đi lại thăm nom cô.

Ngày rồng hạ sinh, có mây ngũ sắc phủ trên mái nhà. Để cho cuộc đản sinh của rồng mãi mãi là huyền thoại, người mẹ đã phải chết trong sự sợ hãi bởi những bóng ma tật nguyền của tương lai đứng trước cửa đòi báo oán. Rồng không khóc. Bà mụ đỡ đẻ cho rồng bảo: Đứa bé có năm tràng hoa quấn cổ này về sau gan lì lắm.

Công Chính đem rồng về nhà mình nuôi nấng và gọi là Uẩn. Uẩn lớn lên trong sự thù ghét của những đứa con bà cả. Chính vì thế, sau này Uẩn không bao giờ về thăm nhà, cho đến khi tất cả anh em đều chết.

Ngày 8.3.1980. Cậu bé nhỏ hơn Lan Thanh mười tuổi mang đến cho nàng một bó hoa hồng, nói: Hoa hồng mang tôi đến tặng cho chị.

Hoa hồng nghĩ là tôi sẽ nhận cậu?

Vâng, vì tôi yêu chị.

Người đàn bà một con thiếu đàn ông đã lâu nhìn cậu bé chăm chú. Cậu có đôi mắt buồn gợi cảm, nhưng đôi môi lì lợm. Lan Thanh nói: Lại đây với tôi.

Cậu bé bước tới ngồi dưới chân Lan Thanh. Nàng xoa đầu cậu bé: Biết mùi đàn bà chưa?

Rồi.

Thật không?

Cậu bé im lặng. Lan Thanh kéo đầu cậu bé vào lòng mình cho ngửi mùi lúa chín.

Ngày ấy, Đại Quang đang ở Mỹ với ông bác. Lan Thanh sống một mình buồn tẻ. Nàng mang cậu-bé-hoa-hồng về nhà mình giúp giặt quần áo, lau nhà và làm tình để cảm thấy cuộc đời không vô vị. Nhưng cậu bé lãng mạn bẩm sinh ấy tiềm tàng một sức mạnh tình dục không bờ bến đã đẩy nàng đến một thói quen trần truồng hoang dã. Cứ ở cạnh nàng là cậu cương cứng. Cậu dùng cả thân xác mình và những ý tưởng sáng tạo phụng hiến cho sự dâm đãng ẩn giấu của nàng bất kể sáng trưa chiều hay đêm tối.

Năm 1963. Bà Trần Lệ Xuân bảo món thịt nướng của mấy ông sư ăn không được. Mì lên chùa Ấn Quang đốt hương cầu nguyện cho bố. Người đưa tin cho biết, miền Nam sẽ có nhiều biến cố khó lường, nếu Mì muốn, sẽ đưa Mì ra nước ngoài. Mì nói: Tôi đã một lần xa bố. Tôi không muốn đi xa hơn nữa.

Hai năm sau, Mì lấy chồng, một người làm dân biểu quốc hội phò các thày ở chùa Ấn Quang.

Năm 1945. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh để làm công dân một nước độc lập. Lý Công Uẩn lúc ấy đang ở Hàn Quốc thăm họ hàng, được tin ông vua cuối cùng của Việt Nam đã thoái vị, uống cạn ly rượu với hậu duệ, Uẩn thốt: Chế độ phong kiến đã cáo chung, nhưng các vương triều vẫn sẽ lần lượt trị vì thiên hạ. Ta và con cháu của ta sẽ trở lại.

Năm 1965. Lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam mang theo kẹo cao su, thuốc lá và kiểu cách làm tình mới. Con gái Việt Nam làm me Mỹ sướng hơn làm me Tây vì Mỹ thích bú lồn. Bà Phó Đoan bảo ngày xưa thằng Xuân tóc đỏ không biết chơi kiểu sáu chín.

Ngày 20.7.2001. Mì trưng bày 40 bức tranh sơn dầu ở Trung tâm triển lãm thành phố Hồ Chí Minh theo những hồi ức về cuộc tình lén lút với một cố vấn Mỹ. Không ai biết bà già sáu mươi học vẽ lúc nào. Cuộc triển lãm được Ban chấp hành Hội Mỹ thuật thành phố đánh giá là thành tựu đột biến của một tài năng. Các phóng viên báo chí dựa vào đấy cũng viết bài ca ngợi như một hiện tượng. Riêng các quan chức chính quyền và các doanh nhân giàu có thì được thúc đẩy bởi một sự đầu cơ chính trị đã đến vét sạch tranh của bà bằng cái giá tranh của bộ tứ Phái-Sáng-Liên-Nghiêm.

Tôi kể cho Hằng nghe: Có một tin đồn không biết xuất phát từ đâu, nói rằng bà Mì là con của ông Lý Công Uẩn. Những kẻ theo chủ nghĩa bảo hoàng muốn theo đóm ăn tàn, đón gió, hy vọng một ngày kia Lý Công Uẩn lên ngôi trở lại, sẽ trở thành người có công với vương triều. Bà Mì không phủ nhận tin đồn đó, chẳng những thế, bà còn cho mọi người xem album ảnh của bà chụp ở lăng và đền thờ nhà Lý tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh, cũng như những bức ảnh bà chụp ở ngôi nhà cũ của Lý Công Uẩn trong Chợ Lớn. Phần anh, đánh giá tác phẩm của bà ấy như thế nào? Hằng hỏi. Tôi nói: Đấy là tranh của người tập vẽ.

Ngày 25.4.1975. Ông cố vấn Mỹ gọi điện thoại cho Mì bảo: Em đi Mỹ với anh. Việt Cộng đã bao vây Sài Gòn.

Mì trả lời: Em không thể đi với anh. Cám ơn anh đã cho em những ngày hạnh phúc, cũng cám ơn anh những gì em đã được biết từ anh. Em phải ở lại để đón bố.

Năm 1954. Vô sản thế giới đoàn kết lại. Quân thù có cái bụng Xã Xệ. Quân thù có con mắt Lý Toét. Quân thù mang tên địa chủ. Quân thù là Khái Hưng. Quân thù là Nhân Văn Giai Phẩm. Quân thù là Vũ Trọng Phụng. Quân thù là Phạm Quỳnh. Quân thù là tư sản. Chúng ta đến xứ này để phanh thây xẻ thịt kẻ thù. Chúng ta phải giành lại bát cơm của nó và bắt nó phải ăn cứt. Chúng ta phải cướp lấy ngôi nhà của nó và cho nó xuống ở chuồng lợn. Chúng ta tru di ba đời nhà nó bằng chủ nghĩa lý lịch.

Rít cạn một hơi thuốc lào rồi chiêu ngụm trà, Lý Công Uẩn nhắm mắt không muốn nhìn thấy cảnh đấu tố hỗn độn ở sân đình. Nhưng rồi Uẩn đứng lên, bảo một người dưới quyền: Đồng chí hãy đánh chiêng trống lên cho thêm phần bi tráng.

Năm 1920. Phan Chu Trinh gặp Lý Công Uẩn ở Paris. Trinh nói: Tôi cho rằng cuộc cách mạng dân trí mới là cuộc cách mạng căn bản.

Uẩn cười: Kinh nghiệm của tôi từ thế kỷ mười một cho thấy, nhân dân lúc nào cũng là bầy cừu. Vấn nạn của một dân tộc là vấn nạn của người chăn dắt.

Năm 1882. Quan huyện Từ Sơn Lý Công Chính treo ấn từ quan, thác là bệnh nhưng thật ra ông chán cảnh luồn cúi. Chính bảo hoặc làm vua, hoặc làm dân. Làm quan ở giữa giống như con cu bí đái. Ông về làng dạy học. Nhưng ông như cái gai trong mắt bọn quan lại, chúng tìm cách hãm hại ông, vu cho tội tuyên truyền phản động. Chính phải bỏ làng vào Nam sống lẩn lút trong Chợ Lớn với người Hoa, để lại người vợ với hai đứa con cho thành hoàng và tổ tiên chăm sóc. Bang trưởng Quảng Đông thấy Chính có cốt cách bèn vời Chính về nhà làm phụ đạo cho con mình. Ba năm sau, Chính được bang trưởng đặc cách mai mối cưới một cô gái lai Việt. Cũng nhờ ông bang trưởng này mà khi Lý Công Uẩn về Trung Quốc, đã được người Hoa giúp đỡ.

Năm 1972. Mì gặp đại tá Custer tại hồ bơi của chuẩn tướng Bách ở Thủ Đức. Lúc ấy người Mỹ đã thấm mệt trong cuộc chiến Việt Nam. Nhìn cái thân thể ướt đẫm đầy lông của Custer từ dưới hồ lên, Mì chợt có cảm giác con dã thú này sẽ ăn thịt mình. Custer nói: Đàn ông thường giải quyết sự mệt mỏi của mình bằng cách tìm một mệt mỏi khác với đàn bà. Tôi đã thấy sự sợ hãi trong mắt bà, Mì ạ, và bản năng đàn ông trong tôi vừa muốn che chở bảo vệ bà, vừa muốn chiếm đoạt bà.

Mì phản ứng tự vệ: Người Mỹ đang bỏ cuộc. Tôi nghĩ ông cần phải chạy trước.

Custer cười: Lẽ ra người ta phải đưa bà tới cuộc đàm phán ở Paris.

Nếu tôi có quyền quyết định, tôi không đàm phán.

Bà định bắc cầu ngang Thái Bình Dương qua đánh San Francisco?

Mì cười. Custer cũng cười. Con thú nói:

Bà thật khiêu khích. Tôi không thể nào không chiếm đoạt bà trước khi bà đến được Washington DC.

Lần gặp thứ hai, Custer nói: Tôi muốn mời bà đến Mỹ khảo sát địa hình trước.

Tôi sẽ cùng đi với chồng chứ?

Không, tôi sẽ thu xếp cho ông ấy đến Australia.

Lần gặp thứ ba, Custer hỏi: Em có ý định chiếm hết nước Mỹ không?

Em nghĩ chỉ cần New York, Washington DC, Los Angeles là đủ.

Năm 1949. Những người bạn Trung Hoa của Lý Công Uẩn đã đẩy Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan. Uẩn được chứng kiến một trong những cảnh tượng hoang đường nhất của lịch sử nhân loại. Từng người một bị vặn cổ oặt ra phía sau, nên mắt họ thường nhìn mông của mình. Cu đàn ông biến thành đuôi và vú đàn bà biến thành hai cái gù như gù lạc đà. Người ta bảo rằng dị dạng như thế là đẹp.

Năm 1973. Mì đến Mỹ cùng với Custer. Ở đó, lần đầu tiên trong đời Mì mới biết âm hộ đàn bà quí giá và đáng kính dường nào. Mỗi lần muốn bú, bao giờ Custer cũng lạy ba lạy trước cửa lồn Mì. Custer bảo đấy là lễ giáo Đông phương. Trong chỗ thân tín, Mì cũng tán tụng: Cặc Mỹ ngon nhất thế giới.

Ông chồng dân biểu của Mì không phải là thằng đần. Ông biết chuyện vợ ngoại tình với Custer, nhưng ông muốn lấy điểm với Mỹ cũng như cần lòng từ bi của các thầy ở chùa Ấn Quang.

Ngày 16.3.2004. Hồng Phượng hỏi Đại Quang: Anh mỏi mồm chưa?

Mỏi rồi nhưng vẫn thèm.

Thèm thì bú tiếp đi.

Năm 1995. Cha mẹ Lan Thanh đã xuất cảnh được một năm. Nàng ở lại vì ghiền cái măng sữa của cậu-bé-hoa-hồng. Nhưng cậu bé đã cảm thấy mật của Lan Thanh có vị tanh, sữa của Lan Thanh có mùi ôi. Cậu đi tìm sữa tươi hơn và mật ngọt hơn. Buồn chán, Lan Thanh kinh doanh nhà hàng mong tìm được niềm vui trong sự sa đọa của mình và của những người chung quanh.

Hằng đã rất ít liên lạc với tôi. Tôi hỏi: Em tìm thấy cái gì ở Mỹ? Hằng chọc tức tôi: Một thằng Custer. Tôi bảo: Nếu là một thằng Custer thì mừng cho em, nhưng anh sợ là một nàng Rosa. Hằng chửi: Anh là thằng khốn. Nhưng không lâu sau, Hằng lại viết cho tôi: Rosa rất dễ thương, tụi em đi ăn với nhau và Rosa dẫn em về nhà. Rosa cho em coi những dụng cụ cầm tay của nó. Nó hỏi có thích thì nó cho một cái. Em bảo không xài hàng giả. Nó bảo hàng giả nhưng chất lượng thật. Tại sao anh không ở đây với em?

Năm 1947. Những người bạn Trung Hoa bảo Lý Công Uẩn: Đồng chí nên làm một người bình thường trước khi trở thành vĩ nhân.

Thì tôi vẫn là người bình thường.

Không, đồng chí đang đóng vai thánh nhân. Ngô Đình Diệm đã vào tu viện. Đồng chí cần chứng tỏ mình thật sự là đàn ông. Bọn lại cái hay đồng tính không có chỗ đứng ở phương Đông.

Tôi đã có vợ rồi.

Đồng chí cần phải làm lại lý lịch của mình, thể hiện triệt để tính giai cấp. Đồng chí phải xóa bỏ dấu tích hoàng tộc, phủ nhận vợ ngoại bang để làm một bần nông bất khuất, lấy vợ công nhân kiên cường, và đẻ một lũ con trung dũng. Khi thời cơ thích hợp, chúng tôi sẽ đưa đồng chí về nước.

Tháng 3.1975. Ông dân biểu, chồng Mì, tất tưởi đi lại chùa Ấn Quang, tìm một chỗ đứng trong thành phần thứ ba của Hiệp định Paris. Ông thỉnh ý các thầy: Con phải làm gì?

Các thầy bảo: Khi lũ đổ xuống thì người biết bơi cũng có thể chết.

Ông bảo vợ: Em hỏi Custer xem, liệu có thể thành lập chính phủ liên hiệp không?

Custer bảo Mì: Chỉ có thể có một liên hiệp là liên hiệp giữa ba chúng ta.

Ngày 16.3.2004. Giữa lúc Đại Quang vẫn còn đang bú Hồng Phượng thì Khánh My xô cửa vào phòng. Hồng Phượng quát: Mày làm gì vậy?

Khánh My trơ tráo nói: Tao vã quá.

Đại Quang bảo Khánh My: Đến đây với anh.

Năm 1951. Sau khi chứng kiến cuộc thảm sát Khổng Tử, Lão Tử và Thích Ca Mâu Ni trên đất Trung Quốc, Lý Công Uẩn đã bị dao động mạnh. Staline giết người hàng loạt. Mao Trạch Đông giết người tập thể. Hai mươi bốn năm sau, Pôn Pốt cũng giết người đại trà. Lý Công Uẩn đọc kinh sách của Marx, Lénine chữ nào cũng thấy nhỏ máu. Đêm hạ huyền, ngày nguyệt tận, Uẩn âm thầm rời bỏ vợ con, lội qua sông Nậm Thi trốn về nước. Ở Lào Cai ít ngày, Uẩn đóng bè chuối thả trôi theo dòng chảy sông Hồng xuống đồng bằng. Hào cửu nhị: “Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân”. Quẻ Bát thuần càn. Uẩn nói với những người xung quanh: Khi thánh nhân xuất hiện thì đức của người làm cho cây cỏ tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Nhưng năm ấy trên toàn cõi Việt Nam khô hạn, mùa màng thất bát, một nửa dân số phải cạp đất tìm giun dế bỏ vào mồm.

Anh vừa mở thùng thư với hy vọng nhận được một cái gì đó của em. Nhưng chỉ có hai tờ giấy bạc năm trăm và hai trăm không biết của ai bỏ vào đấy. Anh nghĩ, rồng đã đi qua đây. Rồng bảo năm 1956 rồng đã khóc vì những ai oán trong cuộc cải cách ruộng đất. Năm 1968 rồng cũng đã khóc vì những xác người vô tội bị chôn vùi ở Bãi Dâu, Huế. Từ năm 1975 đến nay, ngày nào rồng cũng khóc vì những cuộc ra đi tủi nhục của rồng con.

Năm 1954. Pháp rút khỏi Việt Nam. Mì xuống Hải Phòng và lên tàu há mồm di cư. Trên đỉnh núi Yên Tử, Lý Công Uẩn cùng ba vị sư tổ của Trúc Lâm thiền phái ngậm ngùi nhìn dòng người ra biển. Uẩn chảy nước mắt, hỏi: Tại sao họ lại từ chối chúng ta?

Trần Nhân Tông bào chữa: Không, họ mang chúng ta đi thì đúng hơn.

Pháp Loa bình tĩnh: Đi hay ở cũng là đạo.

Huyền Quang không nói gì vì ngài có nhiều kinh nghiệm của người làm chính trị. Những biến thiên của lịch sử chỉ là tâm vọng động.

Một số đệ tử Phật xuống núi di cư. Lý Công Uẩn lại hỏi: Cả các ngươi nữa cũng bỏ ta ư?

Các đệ tử thưa: Chẳng lẽ hoàng thượng cũng muốn chúng tôi phải chết?

Không. Nhưng Pháp cần phải được hoằng trong u tối và Đạo cần phải sáng giữa vô minh. Đức vô úy của các ngươi đâu?

Thưa hoàng thượng, tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Người săn voi ở Bản Đôn đã lấy người vợ thứ sáu và đẻ được hai mươi mốt đứa con. Ông ta bảo không có khoảng cách giữa sự ngu xuẩn và lòng dũng cảm, nhưng tiếng tù và có thể khiến được voi qui phục. Ông ta cũng nói, những con voi cuối cùng đang đi về phía biển. Rừng không còn phải là chỗ cho thú hoang.

Năm 1232. Lễ tế tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Dương, huyện Đông Ngạn, Bắc Ninh, Trần Thủ Độ sai bọn lính tâm phúc đào hầm, làm nhà lá bên trên. Tất cả tôn thất nhà Lý đến lễ đều bị sập hố, Trần Thủ Độ cho lính lấp đất chôn sống, không tha một ai. Trước đó, Lý Huệ Tông đã trốn vào chùa Chân Giáo nhổ cỏ làm công quả mong thoát khỏi nghiệp chướng, nhưng Trần Thủ Độ bảo nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ cái. Huệ Tông hiểu ý, vào sau chùa thắt cổ tự vẫn. Trần Thủ Độ cũng ra lệnh, con dân trong nước, ai là họ Lý muốn sống phải cải thành họ Nguyễn. Từ đó, họ Nguyễn trở thành họ đông nhất ở xứ Rồng.

Năm 1954. Ở miền Bắc, dòng dõi đáng để kiêu hãnh nhất là con nhà bần cố nông. Lý Công Uẩn khai lý lịch, bố: Lý Khánh Văn quét lá đa chùa Cổ Pháp. Ông nội: Lý Khánh Vũ cày thuê cho địa chủ ở Từ Sơn.

Năm 1975. Ở miền Nam, dòng dõi an toàn nhất là con nhà gia đình có công với cách mạng. Mì khai lý lịch, bố: Lý Công Uẩn hoạt động bí mật. Ông nội: Lý Công Chính là bạn của nhà cách mạng Phan Châu Trinh.

Ngày 16.3.2004. Khánh My và Hồng Phượng đồng thanh nói với Đại Quang: Tụi em cho anh làm vua. Rồi đặt Đại Quang nằm trên bàn, hai cô xoay vòng bú liếm hắn từ lỗ tai xuống ngón chân.

© 2007 talawas


I II III

Nguyễn Viện sinh năm 1949 tại Hải Dương. Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

Tác phẩm Đã xuất bản: Trinh nữ (tập truyện ngắn). NXB Ðồng Nai 1995; Bố mẹ và con và... (tạp văn). NXB Trẻ 1997; Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết). NXB Trẻ 1998; Rồng và rắn (bốn tiểu thuyết). Tổ hợp xuất bản Miền Ðông Hoa Kỳ 2002; Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết). NXB Công an Nhân dân 2003. (Sách bị thu hồi sau 2 tuần phát hành); Chữ dưới chân tường (tập truyện). NXB Văn Mới, Hoa Kỳ 2004. 26 lần tờ bờ lờ (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết mở). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008.

Chưa xuất bản: Dọc đường muộn (những truyện ngắn viết trước 1999); Lao về phía bão 32 nhịp (thơ, 2001); Mật ngôn viết trên da người (thơ, 2002, đã công bố trên tienve.org); Đi tới cuối đường, rồi... (truyện vừa, 2007); Kịch và một số truyện ngắn khác.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài