talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 30.07.2006


Nguyễn Xuân KhánhMẫu thượng ngàn

Chương VII: Bà tổ cô Chương XI: Bà Ba Váy kể chuyện

Nguyen Xuan Khanh
Nguyễn Xuân Khánh

“Năm 1962, tôi in tập truyện ngắn đầu tay có tên là Rừng sâu. Tập truyện này phản ánh hiện thực xã hội chủ nghĩa và tôi bị kỷ luật. Từ đó tôi quyết định không đi theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa mà theo cách của mình. Năm 1971, tôi viết Miền hoang tưởng, đến tận năm 1990 mới in mà vẫn phải đổi tên. Cuốn Trư cuồng, tôi viết theo kiểu cắt dán những truyện ngắn thành tiểu thuyết. Đến Hồ Quý Ly, tôi dùng các điểm nhìn khác nhau để chiếu vào Hồ Quý Ly, tránh có những đánh giá chủ quan. Còn Mẫu thượng ngàn thì nói về Mẫu, cũng có nghĩa là nói đến đàn bà, nói đến nhục cảm. Mỗi cuốn là một cách viết, một cách nhìn không giống nhau.”

(Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trả lời phỏng vấn của báo Người Lao động)

Vừa ra mắt, Mẫu thượng ngàn đã lập tức được giới phê bình và báo chí trong nước coi là sự kiện văn học của năm 2006. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu 2 chương trong cuốn tiểu thuyết lịch sử hơn 800 trang này.

talawas chủ nhật

 

Nguyễn Xuân Khánh

Mẫu thượng ngàn



Chương XI: Bà Ba Váy kể chuyện

1.

Tôi là con ông Thần Rừng. Gọi Thần Rừng vì ông cụ tôi quanh năm suốt tháng sống trong rừng, sống nhờ rừng. Ông cụ thông thuộc rừng núi quê tôi như thuộc lòng bàn tay. Ông cụ săn bắn, bẫy chim, đào củ, hái măng, hái nấm... làm kế sinh nhai. Cụ biết bắt chước tiếng kêu của loài vật và cả mọi tiếng chim. Thường hiếm khi bắt chim chơi. Chỉ có ai đặt cọc tiền trước, thuê bắt loại chim nào, lúc ấy cụ mới bắt. Mà đã định bắt là bắt được ngay. Cứ như thể khu rừng là cái lồng chim riêng nhà cụ, và khi nào muốn thì thò tay vào lồng mà bắt ngay ra con chim mình cần. Cả rắn cũng vậy. Rắn cũng bắt theo sự đặt hàng của khách. Ngoài ra, cụ còn biết chỗ nấm mọc gọi là mỏ nấm, nhất là loại nấm hương. Cụ bảo mỗi loại nấm chỉ có thể mọc trên gỗ của một số loài cây. Không phải gỗ nào cũng có nấm hương. Có những loài cây quý mọc ra những loại nấm đặc biệt quý, loại nấm ấy có thể dùng chữa bệnh tật. Thầy tôi nói đó là nghề bí truyền của cụ. Ngoài việc hái nấm tự nhiên, ông cụ còn biết trồng nấm. Nghề trồng nấm hương và thu hái nấm hương sau này ông cụ sẽ chỉ truyền cho con gái và con rể thôi. Anh Phác (Trịnh Huyền) ngày xưa vẫn theo bố tôi đi săn bắn. Ông cụ rất quý anh Phác, nhưng chỉ truyền nghề bẫy chim, còn nghề nấm hương thì chưa. Cụ bảo: "Bao giờ cậu và cái Váy nên vợ nên chồng, tôi khắc bảo. Mà lỡ ra tôi chưa bảo kịp, thì cái Váy nó đã học rồi, nó sẽ truyền nghề cho chồng con nó...".

Thật là một câu nói gở! Bởi vì ông cụ chưa kịp truyền cho anh Phác thì đã qua đời. Ông cụ bị rắn cạp nia cắn. Thứ rắn khoang trắng khoang đen ấy lợi hại vô cùng. Một ông bạn thợ săn cõng cụ từ trong rừng về nhà cứu chữa. Mới đi được nửa đường, ông cụ đã chết trên lưng người bạn, không kịp trối trăng với vợ con nửa lời.

Đến hội mùa xuân năm ấy, tình của tôi và anh Phác đã khăng khít lắm. Đã tính chuyện lấy nhau, nhưng rồi anh Phác đi theo cụ Đề và không trở về làng nữa, để cho duyên tình tôi dở dang...

Cả nhà tôi, đàn bà đều tên là Váy cả. Mẹ tôi là bà Đĩ Váy. Tôi là Váy chị, em tôi là Váy em. Tôi đi làm lẽ người ta. Vợ thứ ba nên dân làng gọi là bà ba Váy. Khi tôi đẻ đứa con gái, chồng tôi, ông lý Cỏn, đặt tên là Đào. Nhưng cả nhà vẫn gọi nó là Đĩ Váy Con.

Sau khi cha tôi mất, anh Phác bỏ làng ra đi, mẹ ốm, gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn cùng cực. Mẹ tôi nợ nhà ông lý Cỏn hai mươi thùng thóc song không có cách nào trả nợ được. Chẳng lẽ ba mẹ con ôm nhau chờ chết đói hay sao. Chỉ có mỗi một lối thoát. Bà mối bảo mẹ tôi: "Để cho con Váy chị đi làm lẽ cho ông Lý. Nhà người ta hiếm, quý người. Làm bà lý Ba, một bước nhảy lên nhất nhì trong xã, chẳng sướng hay sao. Cuối năm sinh được một thằng cu, người ta sẽ coi cô ấy như hòn vàng". Thế là tôi đành nhắm mắt đưa chân về nhà ông lý Cỏn. Lúc đó tôi mới mười bảy tuổi. Ông lý Cỏn đã ngoại ba mươi và đã có hai bà vợ. Cả hai bà đều chưa có con.

Bà Cả đã cứng tuổi nên hay ghen. Bà Hai nguyên là đào hát, ăn nói ngọt ngào lắm. Bà muốn kéo tôi về phe, nên thường đến chơi với tôi và kể cho nghe nhiều chuyện trong gia đình, kể cả những chuyện chăn gối phòng the. Bà Hai rất kình địch với bà Cả nên có bao nhiêu chuyện về bà Cả đều thổ lộ với tôi hết.

Bà Cả tên là Lụa, hơn ông lý Cỏn những bốn tuổi. "Nhan sắc có thể gọi là xấu, nhất là cái môi trên cứ cong tớn lên. Đã xấu thế, mà đàn bà chẳng ra đàn bà" - Bà Hai chê bai. Tôi hỏi: "Sao đàn bà lại chẳng ra đàn bà?". Bà Hai cười: "Thì lúc vợ chồng ân ái với nhau ấy. Thật là buồn cho người đàn ông, khi người đàn bà lúc ấy lại chỉ biết nằm thượt ra như cây gỗ. Rồi cái miệng lúc ấy lại chỉ biết kêu lên ú ú ớ ớ nữa chứ. Thật chán mớ đời! Thật nẫu cả ruột". - Bà Hai nói xong cứ ôm bụng cười. Tôi lại hỏi: "Chuyện ấy làm sao chị biết được". Bà trả lời: "Thì lão ấy kể lại với chị". Bà Hai ngồi im một lúc, mường tượng lại chuyện ngày xưa rồi kể:

"Cái hồi lão ấy mới cưới chị, bà Cả ghen lồng lộn. Nhất là dạo ấy lão không hề vào buồng mụ ta. Một hôm mụ đe: "Mình mà không động đến tôi nữa, tôi sẽ mách thầy cho". Ông Lý nhà chúng mình cũng sợ ông chánh Thi, tức ông bố vợ. Chị cũng doạ lão: "Ông mà cứ sang với mụ ấy luôn - liệu hồn! Tôi sẽ không cho ông vào buồng tôi nữa đâu". Lão ấy cuối cùng phải năn nỉ với mình, rồi chia lịch ra, ngày chẵn ở với chị, ngày lẻ ở với mụ ấy. Chị cũng làm cao mãi mới bằng lòng cho như vậy."

Tôi thật tan nát cả cõi lòng khi nghe bà Hai kể câu chuyện tranh chồng ấy.

Ở gia đình họ Vũ được ít lâu, chắp nhặt những điều nghe thấy, dần dần tôi mới rõ được mọi chuyện.

Thực ra, cụ chánh Thi gả con gái cho ông lý Cỏn cũng phải suy nghĩ đắn đo. Bởi vì đám cưới ấy chưa thực môn đăng hộ đối. Ông cụ Cảo, bố ông Cỏn, tuy giàu, nhưng chưa có chức tước trong làng. Cô Lụa, tức bà cả Cỏn sau này, lúc ấy đã ngoại hai mươi. Trai làng không ngó tới, vừa vì cô xấu, vừa vì không ai dám trèo cao. Cụ chánh Thi rất sốt ruột, lo con gái ế chồng. Ông Cỏn lúc ấy mới mười sáu tuổi, khá lanh lợi. Lại là con nhà giàu. Cụ chánh Thi ngắm nghía mãi, cuối cùng chấm Cỏn cho con gái mình. Cụ Chánh sai bà mối đến đánh tiếng cho họ Vũ Xuân. Bà mối nói rõ lợi hại:

"Cô Lụa nết na, lại là con nhà gia thế. Tuy không được chim sa cá lặn, nhưng cũng không thể gọi là xấu. Nếu cậu Cỏn sánh duyên với cô Lụa, thì gia đình ta sẽ có lợi nhiều. Thứ nhất là có vây có cánh. Giàu có mà thiếu vây cánh, thì mối lo lắng nguy hiểm luôn rình rập. Thứ nhì, khi cậu Cỏn đã làm rể cụ Chánh, thì lẽ đương nhiên cụ Chánh phải gây dựng cho con rể. Thứ ba, cô Lụa về làm dâu cũng có dấn có vốn chứ không phải về tay không. Cụ Chánh hứa sẽ cho cô Lụa một mẫu ruộng làm của hồi môn."

Ông cụ Cảo là người thực tế. Ông suy đi tính lại kỹ càng, rồi ép con trai phải lấy Lụa. Đêm đầu tiên động phòng, Cỏn không thích Lụa, nhưng vì tính tò mò của chàng trai mới lớn, cũng đã làm tròn nhiệm vụ của người chồng. Lụa, lần đầu tiên, va chạm với đàn ông, sợ dúm dó, nên cảm thấy đau. Cô ta doạ:

"Làm người ta đau thế. Ông về ông mách thầy cho."

Đến đêm thứ tư, thứ năm, Lụa bỗng lên cơn giật, miệng ú a ú ớ, Cỏn sợ quá vội thắp đèn lên xem sao thì bị Lụa kéo lại, thổi tắt phụt đèn, rồi cấu vào lưng Cỏn:

"Khỉ ơi là khỉ."

"Có làm sao không?"

"Chẳng sao cả! Thôi nào, nữa đi.”

Ấy, cái người đàn bà động một tí lại doạ mách thầy, thực ra là người đàn bà chí thú xây dựng cơ nghiệp nhà chồng. Chỉ phải cái tính hay ghen, hay cậy thế cha, nhưng thực ra là người đôn hậu, lại giỏi công việc nhà nông. Một tay bà chỉ huy sắp xếp công việc cho vài chục người làm, tất cả đều đâu ra đấy. Lại biết thưởng phạt công minh. Rõ là tay nội tướng tài giỏi. Rõ là người đàn bà quý báu trời đã ban cho nhà họ Vũ Xuân, để cho gia đình ấy ngày càng thêm giàu có thịnh vượng. Lý Cỏn, nhờ có bà, không phải lo việc nhà, mà chuyên tâm vào việc to tát, vào việc làm cho họ Vũ Xuân thêm sang thêm danh giá.

Ông chánh Thi là người quyền thế nhất trong vùng. Ông lại thân thiết với quan phủ, quan huyện. Thấy Cỏn thông minh, lanh lẹn, ông liền khuyên con rể bán ruộng để chạy chọt chân lý trưởng. Rồi từ đó, ông truyền nghề hào lý chăn dân cho Cỏn.

Lý Cỏn vẫn thường khoe mình có hai sư phụ: Một là cụ chánh Thi, hai là cụ tú Cao. Cụ chánh Thi dạy Cỏn cách phi ngựa nước đại, còn cụ tú Cao luôn như bộ hàm thiếc để ghìm chân ngựa lại. Cụ Chánh dạy rằng làm quan phải biết lập uy. Cụ tú Cao lại dạy làm quan luôn phải biết run sợ, phải biết giữ lại chút ân đức dành cho con cháu. Nghe như có vẻ trái ngược nhau, song Cỏn khôn ngoan nên biết nghe lời cả hai người.

Lúc lý Cỏn mê mẩn cô đào Huệ, Lụa bảo thế nào ông cũng không nghe, cứ cưới về làm bà Hai. Lụa sang mách bố:

"Anh ấy không biết điều, cứ đòi vợ nọ con kia. Anh Lý được như ngày hôm nay, tất cả đều nhờ thầy. Thầy phải răn dạy anh ấy cho con."

Ông cụ Chánh ậm ừ nhưng không động tĩnh gì cả.

Lúc ông lý Cỏn cưới tôi về làm vợ Ba, thấy tôi trẻ quá, người lại phây phây mỡ màng, bà Cả càng ghen lồng ghen lộn. Tôi tưởng bà sẽ hành hung tôi, nhưng chuyện đó không xảy ra. Không hành hung, nhưng việc giữ chồng thì bà quản rất chặt. Không một đêm nào ông Lý được ngủ ở nhà tôi. Ông chỉ lén lút đến lúc chập tối, kéo tôi vào buồng, rồi nhập nhụa vội vội vàng vàng trong chốc lát sau đó lại ra đi. Có lẽ ông chê tôi lôi thôi, nghèo khổ, nhưng tuổi trẻ hơn hớn của tôi vẫn làm ông mê đắm. Vả lại, ông phải thú nhận, tôi là người đàn bà đằm thắm. Dù ông ở với tôi vội vàng, ngắn ngủi, không hiểu sao tôi vẫn đem lại cho ông những điều ngọt ngào mà hai người đàn bà kia không có. Tôi chẳng yêu thương mà lấy ông, nhưng sự hiền dịu, sự cam chịu của tôi dần đã cuốn hút ông, đến mức ông luôn hờn ghen (điều mà ông không có với hai người đàn bà kia). Sự ghen tuông ấy, đôi lúc, trở nên quái quỷ, khó hiểu. Những lúc ấy, ông hành hạ tôi bằng cách lấy tay véo vào bầu vú cho đến lúc chúng tím bầm lại mới thôi. Ông ta đâu có biết rằng sự ghen tuông hành hạ tôi như thế chỉ làm cho tôi càng ngày càng xa cách ông. Và càng xa cách, tôi càng luyến tiếc mối tình xưa, thời trẻ. Nhiều đêm, tôi vẫn chảy nước mắt và nhủ thầm:

"Anh Phác ơi! Bây giờ anh ở nơi chân trời góc biển nào? Người ơi! Sao mãi chẳng về?"

Người đàn bà ghen tuông ấy giữ chồng có hiệu quả. Thời gian của bà ở với chồng là nhiều nhất, so với hai chúng tôi. Bà hai Huệ nói cứng thế thôi, chứ thực ra bà vẫn phải chịu lép vế so với bà Cả. Còn tôi thì chẳng cần phải nói làm gì. Tôi như một thứ của ăn vụng. Chồng tôi ăn vụng vào những giờ hiếm hoi mà ông bớt xén được của bà Cả. Nhưng điều kỳ diệu lại xảy ra với tôi trước tiên. Tám tháng sau tôi đã có đứa con đầu lòng: thằng Cò. Rồi liền tù tì năm một, tôi sinh thằng Tũn, thằng Tĩn, thằng Bòi, cái đĩ Váy Con. Tôi sinh con dễ dàng đến nỗi mọi người phải phát ghen. Mà đứa trẻ nào ra đời cũng xinh đẹp, cũng khỏe mạnh.

Và, điều lạ lùng cũng xảy ra với hai người đàn bà kia. Khi tôi sinh đứa thứ nhất thì cả hai bà đều mang bầu. Ỷ thế bà Cả có mang, lý Cỏn lấy cớ vợ cần yên tĩnh nên chểnh mảng việc gối chăn. Đã thế, lại có bận dám bỏ bà Cả ở đêm một mình, chui sang nhà tôi ăn vụng cả đêm. Bà cả Cỏn tru tréo lên và lại về mách ông chánh Thi. Cô Lụa kiên quyết bắt cha lần này phải xử tội lý Cỏn cho đến nơi đến chốn.
Cụ Chánh gọi lý Cỏn đến. Cỏn cứ lần khân mãi, cuối cùng cũng phải sang nhà bố vợ. Thấy dáng vẻ con rể có phần lúng túng, ông cụ cười, sai gia nhân dọn rượu ra, rồi vuốt râu, cười khà khà:

"Anh Lý, thầy khen anh đấy. Chén rượu này thầy mừng anh."

Tưởng ông nhạc nói mát trước khi nổi giận sấm sét, lý Cỏn cứ tăn tiu, xoay xoay chén rượu trên tay. Cụ Chánh vỗ vai con rể:

“Làm trai phải nhiều vợ mới đáng tài trai. Như thầy đây, mới chỉ có ba bà, thầy vẫn chưa thỏa chí. Còn anh, mới ngoại ba mươi, trong nhà đã có ba bà. Mà cùng một lúc ba bà đều mang thai. Thật đáng mặt đàn ông. Con gái thầy, có lúc mè nheo một tí cũng chả sao. Cũng là chuyện thường tình. Chỉ có điều thầy dặn, phải khu xử cho khéo, phải chia đều công bằng... Hơi mệt đấy... nhưng sẽ trong ấm ngoài êm.”

Đấy, cái cảnh lấy chồng chung là như vậy đó. Thật buồn phiền, thật thảm hại. Ba người đàn bà tranh nhau ân sủng của một người đàn ông. Đáng lẽ ra, số phận của tôi đâu có đáng chịu như vậy. Tôi đã có con, và có nhiều con với ông Lý, nhưng trong tôi vẫn luôn có một khao khát, trong tôi vẫn luôn có một tình cảm không thỏa mãn, mối tình xa xưa từ thời con gái vẫn để lại trong tôi một dư vị ngọt ngào khôn nguôi... Đừng tưởng thời gian đã xoá nhòa nó hẳn... Không, nó vẫn còn đấy... Nó vẫn như ở trước mắt tôi... Điều sâu kín mà tôi không thể thốt nên lời... Đừng tưởng một người đàn bà nghèo khổ, dốt nát, quê mùa như tôi chẳng có tình cảm gì... Tôi như cánh đồng hạn lâu ngày.... Nó chỉ chờ một cơn mưa. Nó chờ đợi một trận mưa dầm dề, mà nó đã tuyệt vọng, tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ thấy. Tâm trạng của tôi lúc gặp anh Phác trở về là như vậy đó. Tôi thảng thốt ở bên mỏ nấm, ở bên bờ con suối. Tôi chẳng hề e thẹn trong hang đá khi đứng trước mặt anh, thổ lộ với anh những lời trách móc, nhưng thực chất là những khát khao mà năm tháng đã dồn nén, tích tụ trong tôi. Tôi run lên trong đôi cánh tay rắn chắc của anh. Người đàn bà thuần thục trong tôi như đã quên mất cái run rẩy khi ôm lấy người đàn ông, thì lạ chưa, cái run rẩy nóng bỏng ấy lại xuất hiện trở lại, bởi vì tôi cảm thấy đây mới là người đàn ông thực của riêng mình. Lạ chưa, tôi đã khóc trong cuộc ân ái ấy. Và tôi như kẻ điên rồ lao vào mối tình xưa, lao vào cuộc ngoại tình không lối thoát. Những cuộc ái ân vụng trộm bên con suối, bên cái mỏ nấm mà tôi nghĩ chỉ có cha tôi ngày xưa biết, và ngày nay chỉ có tôi và Trịnh Huyền biết đã diễn ra liên tục. Tôi như chẳng biết sợ là gì, tìm mọi cách nói dối để đến với Trịnh Huyền. Cuộc tình vụng trộm đầy hiểm nguy. Có thể nó sẽ gây tai họa cho tôi. Và nó càng nguy hiểm hơn, vì Trịnh Huyền là người giả mạo, người trốn chạy trên quê hương mình. Anh có thể mất mạng như chơi vì lý Cỏn là người cầm quyền, vì anh và ông ta là hai kẻ tình địch.

Chẳng có điều gì ở đời giữ được kín mãi. Có thể có những con mắt đã để ý đến chuyện tôi hay vào khu rừng ấy. Trịnh Huyền đã linh cảm thấy điều đó. Tôi cũng vậy, nhưng tôi không thể cưỡng lại nỗi đam mê đi tìm người đàn ông thực sự của riêng mình. Mối tình đầu đời, nay biến thành mối tình muộn, mối tình ấy càng trở nên cuốn hút hơn khi tôi có thể so sánh hai sự va chạm ân ái giữa tôi với Trịnh Huyền và với chồng tôi. Đối với ông lý Cỏn, tôi càng lúc càng thờ ơ, còn ông càng lúc càng thô bạo. Hình như, trong lúc ái ân ông muốn đánh dấu, muốn chứng tỏ tôi là mảnh đất của riêng ông. Và còn điều này nữa, hình như trong lúc giao hoà đã có sự nghi ngờ. Ông như con cáo đã đánh hơi thấy điều lạ khi đứng trước hang ổ của mình.

Cũng may, sự nguy hiểm qua đi, khi đại họa xảy ra với làng Đình. Sở dĩ tôi phải kể lể nhiều về chị Lụa, tức bà cả Cỏn, bởi vì chị gặp nhiều bất hạnh. Cũng là phận gái với nhau cả, nên tôi thương xót cho số phận chị. Chị hay ghen, thậm chí có lúc quá quắt, nhưng đó là cảnh chồng chung, trách chị làm sao được. Nỗi bất hạnh của chị cũng là khởi đầu cho sự bất hạnh to lớn của Cổ Đình. Có thể nói đó là một đại nạn.

Lại nói khi tôi về nhà ông lý Cỏn. Được gần một năm, tôi sinh cháu đầu lòng, đó là Xuân mà tôi vẫn gọi là thằng Cò. Mấy tháng sau khi tôi sinh con, thì chị cả Cỏn sinh cháu Long, chị hai Cỏn sinh cháu Tùng. Khi tôi mới về nhà họ Vũ, người ta nhìn tôi bằng con mắt rẻ rúng lắm. Bởi vì tôi nghèo, tôi chỉ là một nàng hầu, tôi chỉ là đứa con gái bị gán nợ, giá trị của tôi chỉ bằng hai mươi thúng thóc. Họ cho rằng tôi may mắn lắm nên một bước đã nghiễm nhiên thành bà Lý. Tuy nhiên, sau khi tôi sinh được con trai, rồi tiếp theo đó, chị Cả và chị Hai cũng sinh được luôn hai cháu trai, thì mọi người lại nhìn tôi bằng con mắt khác hẳn đi. Ông thầy tướng số bảo họ Vũ Xuân có quý nhân đến nhà phù trợ nên chỉ có một năm đã sinh được ba quý tử. Ông thầy bảo tôi đã đem lại sự hanh thông cho ông Lý. Tôi như một ngôi sao lành đến để khai thông cho một dòng sông bị tắc nghẽn. Nếu nói về đường con cái thì quả có sự khai thông thật. Mấy năm sau đó, tôi đẻ liền cho ông Lý thêm ba đứa con trai. Mà lại đẻ bằng những cuộc ân ái vội vàng cứ như vụng trộm, kể ra cũng tài thật. Đúng tôi là người đàn bà mắn con và nhờ những đứa con trai ấy, số phận tôi cũng bớt bị khinh rẻ.

Riêng chị cả Cỏn, nghe ông thầy tướng nói như vậy, chị bớt cay nghiệt hơn, tức là chị nới lỏng dây trói với ông lý Cỏn. Tuy chị không thả lỏng cho ông Lý ở thâu đêm với tôi, nhưng ít ra chị cũng không đay nghiến lắm, khi ông Lý chập tối đến nhà tôi có về muộn hơn một chút. Tôi biết ao ước thầm kín của chị cả Cỏn. Chị muốn có một bầy con trai, càng đông càng tốt, ít ra chị muốn có đủ bộ bốn con Long, Ly, Quy, Phụng. Người đàn bà giàu có lại đông con trai, là đại phúc, vừa giàu của lại giàu con. Do vậy, chị phải giữ rịt ông Lý ở với chị. Chị hai Cỏn, sau khi sinh thằng Tùng, liền bị bệnh. Ông lang bảo chị không sinh nở được nữa. Như vậy, đã bớt một đối thủ. Bây giờ đối thủ là tôi. Chị cả Cỏn muốn chạy đua với tôi. Sau lần sinh thứ nhất của tôi, chị Cả đã tìm mọi cách không cho chồng sang với tôi dù là chập tối một lát. Chị bảo bao giờ chị có mang lần thứ hai, chị mới thả cho ông đi. Ông lý Cỏn liền giở thủ đoạn lén lút. Ông biết sáng nào bà Cả cũng đi thăm đồng. Khoảng thời gian này hơn một tiếng. Đúng lúc ấy ông lẻn sang chỗ tôi, kéo tôi vào buồng, tốc váy lên, và loáng một cái ông đã làm xong bổn phận con đực một cách thòm thèm. Đấy là cái đận tôi có mang thằng Tũn. Sau khi cái bụng tôi đã mây mẩy lùm lùm, bà cả Cỏn về tra hỏi chồng.

“Tại sao bụng cô Ba lại to lên như thế?”

“Tôi chẳng biết.”

“Hay là nó chơi ngang.”

Lúc này lý Cỏn mới cười xoà với vợ:

“Đừng nói thế mà phải tội. Con tôi đấy. Một hôm bà đi đồng vắng, tôi sang nó, chỉ chạm vào thôi. Ai ngờ cô Ba mắn thế. Bà nó đừng xị mặt ra thế. Cũng là điều mừng, là cái phúc nhà ta chứ sao.”

Đận ấy, tôi lại đẻ con trai, và ít tháng sau bà Cả cũng mang thai, nhưng lại sinh con gái: đó là cái Thắm. Sau khi đẻ Thắm, bà Cả tự dưng ngừng sinh nở. Trời chẳng chiều lòng bà. Mấy năm liền bà cứ trơ ra. Bà lên đền Mẫu, dâng lễ vật rất hậu, xin con cầu tự. Bà Tổ cô đứng ra làm lễ. Bà Tổ cô là người rất sùng bái. Tuy nhiên, chẳng bao giờ người ta thấy bà hầu bóng. Người họ Vũ Xuân đồn với nhau rằng bà Tổ cô hầu bóng rất oai phong lẫm liệt, song từ khi ông phủ Khiêm mất, bà không hầu nữa mà chỉ làm chủ điện ở đền Mẫu thôi.

Lúc ấy bà Tổ cô đã già rồi. Khi bà cả Cỏn thưa với cụ về việc cầu tự, cụ bảo sẽ phá lệ vì con cháu để ăn mày cửa thánh, cụ sẽ đích thân bắc ghế hầu thánh. Có lẽ đây là lần đặc biệt, lần cuối cùng cụ đặt tấm lụa hồng phủ diện lên đầu. Cụ bảo cụ vẫn hầu những giá xưa.

Thoạt đầu pháp sư (cung văn) dâng văn thỉnh Mẫu:

Bóng trăng loa
Mẫu đơn nhất đoá
Gió lay mành
Nhang xạ thoảng hương đưa...

Cuộc hầu bóng ấy không đông người - ý cụ muốn vậy. Chỉ có con cháu trong nhà và một số con nhang đệ tử thân thiết. Không đông nhưng mà thành kính, trang nghiêm. Câu hát tiếng đàn của pháp sư dắt tâm hồn con người dần vượt thoát khỏi miền cõi tục, để nhập vào cõi thiên hương. Giá Mẫu diễn ra nhanh, nhưng cũng đủ để con người dọn mình nghiêm trang bước vào cõi tâm linh hư ảo.

Xe loan thánh Mẫu đã trở về cung trời rồi, người cung văn chuẩn bị chuyển giọng sang bài văn cô Chín đền Sòng, cô Mùi đã dặn ông như vậy. Cũng phải thôi, bởi vì cô Chín thiêng lắm, cô lại rất hào phóng ban tài phát lộc, cô sẵn sàng ban cả những niềm vui trần thế to lớn, ví dụ như ban cho một đứa trẻ. Mà cuộc hầu bóng này chẳng là cuộc hầu bóng cầu tự cho bà cả Cỏn hay sao.

Tuy nhiên, ông cung văn hoàn toàn ngạc nhiên khi chiếc khăn phủ diện được tung ra. Những ngón tay của cụ Tổ cô giơ lên lại ra hiệu cho pháp sư hát văn giá quan Hoàng Mười. Cũng được thôi! Hôm nay hầu chẳng nhiều. Giọng người cung văn còn khỏe, tràn trề khí lực.

Ông này hát điệu dọc lại rất hay. Giọng ông sang sảng làm cụ Tổ cô hài lòng, mặt tươi hơn hớn.

Đức Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An
Ở huyện Thiên Bản, làm quan đất Phủ Giày.

Ông pháp sư đâu có biết cuộc lên đồng này là cuộc bắc ghế hầu thánh cuối cùng của cụ Tổ cô. Nó vừa là cuộc cầu tự cho con cháu, lại vừa là sự hồi tưởng. Cụ Tổ cô muốn nhớ lại những chuyện xưa về người chồng về một vị quan trung hiếu tiết liệt. Đã gần năm mươi năm rồi, người đàn ông tri kỷ đã ra đi. Cũng chính vì ông mà bà Tổ cô đã hi sinh, đã chịu lỡ làng cả một kiếp người.

Lưỡi gươm thiêng cứu nước phù đời
Đánh đông, dẹp bắc việc ngoài chốn binh nhung.

Ông phủ Khiêm, người chồng thứ nhất của cụ Tổ cô chẳng là người như thế hay sao? Để tỏ lòng trung liệt, ông đã tự rạch bụng phơi tấm lòng son ra giữa thanh thiên bạch nhật, làm tấm gương cho người đời soi chung.

Cụ Tổ cô cũng tri ân vô cùng với tấm lòng trọng nghĩa của người chồng thứ hai. Cụ Trưởng lấy cụ bà, chủ yếu vì muốn cứu bà, cứu lấy giọt máu cuối cùng của dòng họ Phùng xứ Nam. Ông lão là người theo đạo Gia-tô kể đã mấy đời. Con người đạo gốc ấy dám vi phạm cả lệ đạo vì cái ơn cứu tử ngày xưa. Bà cụ vẫn còn nhớ, có những năm về quê nội, ông cụ đã lén làm ngơ cho bà về Phủ Giầy, để cho bà lễ bái theo tục lệ đạo Mẫu mà bà, dù đã cải đạo, vẫn còn sùng tín.

Cuộc hành lễ này có nhiều ý nghĩa như thế đấy, tuy nhiên cụ không hề quên công việc cho con cho cháu. Lúc phát lộc, cụ rút trong người ra một chiếc khăn thêu, rồi dùng nó bọc một quả cam trao cho chị cả Cỏn:

“Quả cam con ăn, cái khăn con luôn để trong người. Mẫu sẽ thương con, con sẽ cầu được ước thấy.”

Chị cả Cỏn cầm lấy gói lộc, cung kính giơ thật cao trên đầu, rồi cúi rạp xuống để trán sát mặt đất, chị cảm thấy như lòng mình rúng động.


2.

Bà Cả rước chân nhang ở đền Mẫu về thờ vào đầu năm, cuối năm linh nghiệm liền. Bà sinh con trai thứ hai đặt tên là Ly. Cậu ấm quý như hòn vàng, nhưng là con cầu tự nên khó nuôi lắm. Quặt quẹo luôn. Bà Cả lại mất sữa nên cậu Ly còm nhom. Cũng may lúc đó tôi sinh cái đĩ thứ năm, đĩ Váy Con, hai bầu sữa của tôi buộc phải chia ra cho hai anh em nó bú. Ở nhà ông lý Cỏn, không biết ai đặt ra lệ, mà lũ trẻ con gọi ba người đàn bà chúng tôi theo cách gọi khác nhau rất lạ. Con tôi và cả con bà Hai đều phải gọi chị cả Cỏn là Đẻ, mặc dù bà ấy không hề đẻ ra thằng Cò, thằng Tũn, thằng Tĩn, thằng Bòi và con đĩ Váy Con. Bà hai Cỏn, thì tất cả bọn trẻ đều phải gọi bằng Mợ (ý chừng theo cách gọi tân thời kiểu thành phố). Còn tôi, bà ba Váy, thì chúng nhất loạt đều gọi bằng U (ý chừng vì tôi là người nhà quê, đặc sệt nhà quê). Cách gọi ấy cũng có cái hay, vì nó phân biệt rất rõ ràng, không gây ra nhầm lẫn. Vả lại cách gọi ấy cũng còn hay, vì trẻ con làng tôi đều gọi mẹ bằng U, nên gọi U rất thân mật, gần gũi. Hơn nữa, ở nhà tôi đông trẻ rất vui, rất xuề xoà, tôi lại là người yêu trẻ nên thằng Long, thằng Ly con bà Cả, thằng Tùng con bà Hai cũng thích đến nhà tôi. Nhất là thằng Ly, nó bám tôi lắm. Mỗi lần tôi cho bú, thằng Ly bám một vú, cái đĩ Váy Con bám vú bên kia. Thằng Ly bú rất nhanh. Loáng một cái nó đã mút cạn bầu sữa. Khi ấy, nó lại bú tranh nốt bầu bên kia, mà lần nào đĩ Váy Con cũng phải nhường. Khốn thay, thằng bé bú nhiều nhưng lại mắc bệnh đi tướt. Thành thử, đĩ Váy Con tuy bú ít nhưng da dẻ hồng hào, chân tay bụ bẫm; còn cu Ly tuy bú nhiều mà da dẻ lại nhăn nheo, người vẫn còm nhom. Bà cả Cỏn bảo sữa tôi không hợp với Ly. Bà thuê vú em cho cậu bé bú, song thằng bé vẫn đi tướt và suốt ngày đòi: "Bú u cơ", nên cuối cùng lại phải trao nó cho tôi chăm sóc. Tôi chăm bẵm thằng Ly hết lòng như con đẻ rứt ruột, nên cuối cùng thằng bé cũng khỏi bệnh và lớn thành người.

Năm thằng Ly lên sáu, cụ Tổ cô gần chín mươi, cụ già quá nên thân thể rệu rã, sắp sửa đến cõi. Cụ dặn đừng làm ma chay linh đình, bởi vì cụ nửa đi đời nửa đi đạo, nếu mang thi thể cụ về nhà ông lý Cỏn làm ma to kèn trống phúng điếu như kiểu bên đời, thì cánh bên đạo nhà ông Liến, Láu sẽ phản đối. Còn nếu làm tang lễ ở nhà thờ, thì cánh họ Vũ Xuân sẽ chẳng bằng lòng. Chi bằng cứ theo di chúc của cụ, đem chôn cụ ở rừng báng đằng sau đền. Rồi dăm năm nữa, con cháu hãy ra Hà Nội, tìm hài cốt cụ cử Phùng chôn ở cánh đồng Bông gần chùa Hà, Cầu Giấy, đem về chôn cạnh cụ - Có như thế mới làm dịu nỗi ân hận của cụ. Cụ thề sẽ không đi bước nữa sau khi ông phủ Khiêm chết. Dù chỉ là sự chấp kinh phải tòng quyền, nhưng cụ đã tái giá tức là đã thất hứa, không phải đạo với người chồng mà cụ kính yêu. Sống không sửa được lỗi lầm, thì khi chết phải sửa lỗi lầm ấy.

Ngày hôm trước khi cụ qua đời, con cháu họ Vũ Xuân lần lượt đến chào cụ. Bà cả Cỏn mang thằng Ly đến từ biệt cụ lần cuối. Chẳng hiểu sao khi trông thấy thằng bé, cụ lại chảy nước mắt và bảo:

"Cụ thương chắt lắm."

Cụ Tổ cô chết được ba tháng, thằng Ly đang khỏe mạnh, đột nhiên ngã bệnh. Ban ngày nó vẫn chơi đùa, ban tối bỗng nổi cơn sốt cao. Sờ trán nóng như hòn than. Gần sáng bụng chướng lên đau quằn quại. Hết đau bụng, sang đi lỏng. Hết đi lỏng, sang sài giật. Bà cả Cỏn cuống cuồng sang cụ tú Cao xin thuốc. Cụ Tú sang thăm bệnh cho cháu nhưng bệnh quá nặng. Thằng bé gầy gò có khuôn mặt tuấn tú đến tối hôm sau mê sảng cứ luôn mồm gọi "cụ ơi!". Chẳng ai biết là cụ nào. Gọi luôn mồm cho đến sáng thì thằng bé đi.

Bà cả Cỏn mất đứa con trai thông minh mà bà rất yêu, đâm suy nghĩ héo hon, rồi sinh bệnh. Cụ tú Cao mang hết sở trường ra chữa cho cháu dâu. Rất lạ! Toàn thuốc tốt thuốc quý mà bệnh của bà lý Cỏn cứ trơ ra không chịu lui. Cụ chánh Thi xót con gái, đón ông lang làng Gồ, ở xa cách kẻ Đình hai chục cây số về chữa cho con gái. Diệu vợi lắm. Phải mang võng đi đón rồi lại đưa về. Tốn công tốn của lắm mà bệnh vẫn chẳng chịu lui.

Bệnh bà cả Cỏn càng ngày càng nặng. Ông lý Cỏn nhà tôi lúc này mới điểm lại tất cả tình hình. Bà cụ Tổ cô chết tháng hai. Thằng cu Ly chết tháng năm. Khi chết thằng bé cứ gọi "Cụ ơi". Vậy nó gọi cụ nào. Rồi sang tháng sáu, bà Lý lại liên tiếp bị bệnh. Như vậy có nghĩa gì? Tại sao họ Vũ Xuân lại bị lắm tai ương như vậy. Chữa thuốc mãi không khỏi... hay là bị ma ám. Cả nhà bàn nhau đến chùa hỏi ông hộ Hiếu. Cụ chánh Thi nói:

"Lão điên ấy hỏi làm gì? Toàn trò bịp bợm để doạ nạt người ta."

Riêng tôi, tôi vẫn nhớ tới chuyện năm xưa họ Vũ Xuân vứt ông Thần Cẩu (con chó đá) xuống hồ Huyền, sau lại phải vớt lên; rồi chuyện ông Tây Pierre mắt mèo bị ma ám, sau được ông Hiếu chữa khỏi. Cho nên tôi vẫn tin ông Hiếu. Một buổi tối tôi lén ra chùa lễ ông Hộ Pháp và xin ông Hiếu cho biết tình hình cõi âm thế nào, tình hình gia đình tôi rồi sẽ ra sao? Ông hộ Hiếu lại lấy bát nước trong vắt bí hiểm của mình ra, đặt trên đó một nén hương nằm ngang, rồi xuýt xoa khấn vái. Cuối cùng ông nói với tôi:

"Đi đi thì hơn... Chị không hiểu à... Tôi bảo chị nên cho các cháu lánh đi ít lâu thì hơn... Thiên cơ bất khả lậu... Nhưng cứ lánh đi... đợi khi yên ổn sẽ trở về. Đây, tôi cho chị mấy lá bùa. Đeo cho mỗi đứa trẻ một cái ở cổ... Bùa trừ tà đấy.”

Năm ấy tôi lại sinh đứa con thứ sáu nên ông Hộ cho sáu cái bùa.
Tôi nghe lời ông Hộ, đang đêm mang con về nhà mẹ đẻ bên làng Già. Ông lý Cỏn thấy vắng lũ trẻ hỏi tôi, nhưng nghe tôi nói, ông cũng bằng lòng. Đến khi một cậu em bà cả Cỏn cũng quay ra ốm thì cả chồng tôi và cả cụ chánh Thi đều nao núng lắm. Ông cụ chánh Thi rước ông thầy phù thuỷ làng Gồ về xem số, làm lễ. Ông ta phán rằng:

"Động đến ngài "đại thụ linh thần" ở gốc cây đa rồi. Thần cây đa bắt bà Cỏn về làm quân hầu đầy tớ. Không sửa lễ làm ngài hạ cơn giận dữ, thì ngài sẽ còn giáng tai hoạ cho cả bên nội lẫn bên ngoại."

Người dân làng Đình đổ đến xem đám cúng lễ thần Cây đa đông như hội. Ngài chỉ định bắt một mạng bà Cỏn về làm lính hầu, song gia đình ông Lý nhà tôi giàu có, nên sắm sửa đồ tế lễ khá hậu hĩnh. Đáng lẽ chỉ phải sắm một cô hình nhân thế mạng, nhưng nhà tôi đã sắm hai cô. Đó là hai cô tố nữ bằng giấy. Hai cô đều váy tím khăn nhung đen; chỉ có khác một cô áo đỏ, một cô áo xanh, một cô tay cầm quạt, một cô tay bưng cơi trầu. Hai cô hình nhân thế mạng đều xinh đẹp, mặt trắng, lông mày ngài đen nhánh, mắt phượng, môi son. Đồ bằng nan giấy mà tinh xảo đáo để. Hai cô tựa lưng ở hai bên cột đằng trước cái ngai "đại thụ linh thần". Cạnh ông thần cẩu còn dựng con ngựa bạch và chiếc lọng đều bằng giấy. Còn vàng mã tiền giấy thì một mâm tú ụ. Hôm ấy, gốc cây đa đầu làng bỗng sinh động, tưng bừng hẳn lên vì màu sắc xanh đỏ tím vàng. Lũ quạ ngoài đồng thấy người đông đúc, cũng bay cả đàn về đậu trên ngọn đa nhòm xuống, góp thêm vào sự náo nhiệt bằng những tiếng kêu quạ quạ ồn ĩ.

Việc cúng thần là chính, nhưng ông Lý nhân tiện, làm cả cúng cháo lá đa. Nghĩa là cúng luôn cho cả những cô hồn, những ma đói ma khát, để cho các vong linh phiêu bạt ấy không thể thừa gió bẻ măng gây thêm tai họa. Những chiếc lá đa khoanh hình bồ đài xâu tăm, được rót đầy cháo thí vào, được bày la liệt bên những chiếc rễ đa nổi trên mặt đất, hoặc trong những bụi cây, gốc cỏ chung quanh.

Ông lý Cỏn thân làm chủ lễ. Ông thầy phù thuỷ mặc áo đỏ đánh trống. Một chú bé phụ lễ đánh cái chập cheng. Ông thầy ê a đọc bài văn cúng. Chồng tôi lễ bốn lạy rồi tiến đến ngai thờ rót rượu. Sau đó ông nhắm mắt lẩm nhẩm van xin:

"Con xin ngài thương chúng con lũ người trần mắt thịt, trót mạo phạm đến oai linh. Con xin ngài có phạt thì cũng giơ cao đánh khẽ. Xin đức ngài mở lượng hải hà tha thứ, xá tội cho vợ con là Nguyễn Thị Lụa, con cụ Nguyễn Văn Thi. Nay gia đình chúng con xin dâng lễ vật ngựa, lọng, mũ mão, hia hốt đầy đủ. Lại xin dâng tố nữ một đôi, hai kẻ hình nhân thế mạng, để thay thế Nguyễn Thị Lụa ngày đêm hầu hạ linh thần..."

Sau khi ông Lý khấn, một trận gió to nổi lên cùng với tiếng trống, tiếng chũm chọe hình như cũng rộn ràng hơn trước. Những chiếc lá đa, những chiếc bồ đài bị lật sấp rồi bị gió cuốn theo... Hai cây nến đỏ trên ngai tắt phụt. Dân làng thì thầm với nhau: "Ngài thiêng, ngài nhận đấy". Ông lý Cỏn nhà tôi tay run run châm lại nến. Rồi ông quỳ xuống xì xụp lạy như tế sao. Thầy phù thuỷ khua trống rộn rã để kết thúc cuộc lễ. Dân chúng còn chờ xem đến lúc đốt vàng mã. Ngọn lửa lem lém trên những vạt áo xanh đỏ của hai cô tố nữ. Lửa biến những mảnh giấy màu thành những tàn đen kéo chúng bay vút lên trời...

Cuộc tế lễ linh đình đến như vậy mà cũng không làm sao cứu nổi mạng con người. Bà cả Cỏn nhà tôi cũng chỉ trụ được hai ngày nữa thôi, rồi cuối cùng cũng tắt thở.

Đám ma của chị Cả là cả một câu chuyện rắc rối. Ông Lý nhà tôi cẩn thận nhờ mấy người bấm quẻ để xem giờ nhập quan, giờ phát tang... ngày giờ chôn cất. Cả mấy người đều nói cùng một câu làm ông Lý lo sợ, chạy ngay sang nhà cụ tú Cao:

"Ông ơi! Con biết làm thế nào bây giờ đây?"

Trông thấy bộ mặt hoảng hốt của người cháu, cụ Tú ôn tồn:

"Có chuyện gì, anh Lý cứ bình tĩnh nói cho chú xem sao."

"Trùng tang! Tất cả đều nói trùng tang ông ạ."

"Trùng tang ư?"

Ông già nhắc lại lời người cháu. Đến lượt bộ mặt ông cụ cũng biến sắc, tái nhợt đi.

"Ông ơi! Cháu Ly ẩn tuổi mẹ nó, hai mẹ con sinh cùng giờ, chết cùng giờ. Hai mẹ con lại chết chỉ cách nhau một tháng. Đúng là trùng tang rồi ông ạ. Đấy là chưa kể cụ tổ nhà mình cũng mới chết. Rồi cậu út bên nhà ngoại con đang bị ốm."

Cụ Tú cố lấy giọng cứng cỏi để an ủi:

"Anh Lý đừng nên tin vào những chuyện mê tín. Tôi đọc sách thánh hiền từ lúc để chỏm, có bao giờ thấy sách nói đến chuyện trùng tang. Đừng nên nghe các ông thầy phủ thuỷ. Đừng nên làm những chuyện rắc rối. Đạo nghĩa vợ chồng cứ thực bụng xót thương, rồi lễ nghi chẳng sơ sài, đào sâu chôn chặt, thế là trọn vẹn."

Ông lý Cỏn nhà tôi sang hỏi bố vợ. Ông chánh Thi gật gù:

"Kể ra lời cụ Tú là đúng với sách. Nhưng suy cho kỹ, thánh hiền vốn ở nơi đâu? Chẳng phải là ở tận bên Tầu hay sao?... Còn ở đây là quê hương chúng ta, vậy, anh Lý cứ nên theo phong tục mà làm. Ngày xưa, các cụ chôn người chết trùng ra sao. Ngày nay, ta cũng làm theo đúng như thế. Thầy cũng đi hỏi rồi. Người ta bảo nhà mình bị trùng nặng chứ không phải trùng nhẹ. Nghĩa là bên nội bị ảnh hưởng, mà cả bên ngoại cũng phải chịu theo. Chuyện này chẳng phải chuyện chơi. Anh phải có bổn phận với bên nội, nhưng cũng phải lo lắng cả cho bên ngoại. Chị Lụa là phận đàn bà. Người ta bảo nữ nhân ngoại tộc. Nhưng không hẳn như thế đâu. Cái sự trùng tang này ghê gớm lắm."

Đã nói đến tục lệ, ai còn dám cãi. Người ta sống ở làng, sống với họ tộc, anh em, cô dì chú bác; ai có thể dám bất cần, dám làm điều gì trái với tình cảm của mọi người. Ngay cả cụ tú Cao, một người đức cao vọng trọng, cụ cũng không dám đi ngược với tục lệ. Nhỡ ra có chuyện gì, cụ làm sao gánh nổi trách nhiệm.

Người hoảng hốt nhất là ông Lý nhà tôi. Từ lúc nghe hai tiếng trùng tang, người ông tựa như mê mẩn đi. Ông Lý, từ lúc làm người, chỉ thấy mọi sự ở đời đều xuôi thuận với ông. Đây là lần đầu tiên ông gặp điều không như ý, điều gay go. Cũng là lần đầu tiên, một người thân thiết, gắn bó với ông nhất đã ra đi. Con người lanh lợi, mưu mẹo ấy đột nhiên như ngã gục.

Chị Cả nằm thẳng dẵng trên giường. Ông Lý chẳng nhờ ai. Chính tay ông đã vuốt mắt cho bà. Cũng chính tay ông đã lấy chiếc đũa ngáng miệng cho bà. Người đàn bà ấy có lúc hay làm nũng. Chị Cả có lúc hay doạ mách tội ông Lý với cụ chánh Thi. Nghĩ cho cùng, người đàn bà ấy, tiếng là con nhà quyền thế, tiếng là lấy chồng giàu có, song thử hỏi đời chị ấy có sung sướng hay không. Người đàn bà ấy cũng đầu tắt mặt tối quanh năm, chẳng khác gì những kẻ lam lũ. Cũng cơm hẩm, dưa khú như người tá điền. Chị ấy cũng dậy sớm theo tiếng gà gáy sáng, cũng xay lúa giã gạo cho đến lúc trăng gác đầu ngọn tre. Giờ đây, con chị chết mới tròn một tháng, chị đã vội theo con. Chết vào giờ xấu! Chết trùng tang! Chết ai oán gây nên nỗi nơm nớp cho mọi người. Theo đồn đại, sẽ còn những người khác đi tiếp. Sau bà, sẽ là ai đây? Lão thần trùng sẽ còn bắt những ai? Thật lạ lùng. Biết lão thần trùng là mối nguy chính nhưng chẳng ai dám nhắc đến chữ "Thần trùng". Ai cũng tránh, cũng kiêng gọi tên ấy. Cứ như thể nhắc đến chữ ấy là lão ta sẽ hiện ra ở ngay sau lưng, cả gia tộc nhà chồng tôi cứ như mê đi. Mọi người lặng lẽ, kẻ nào việc nấy. Ít nói là tốt nhất. Gia đình chúng tôi đang làm một việc rất lạ. Chúng tôi biết mười mươi đây là một đám trùng tang, nhưng mọi người cứ phải thản nhiên coi đây như một đám tang thường. Chúng tôi đang cố tình đánh lừa thứ ma ác, đánh lừa lão thần trùng quỷ quyệt.

Cái Thắm rất thương mẹ. Con bé mới chừng mười ba, mười bốn mà đã đảm đang chẳng khác gì chị Cả. Nó chẳng nhờ dì Hai, chẳng khiến dì Ba. Nó tự tay đun nước ngũ vị hương, rồi quây màn làm lễ mộc dục lau rửa cho mẹ sạch sẽ, rồi thay quần áo mới cho bà tươm tất.

Thầy phủ thuỷ làm lễ phạt mộc, yểm bùa. Ông cầm nắm hương đọc phù chú, lấy con dao dựa chém nhẹ vào những tấm ván của chiếc áo quan bằng gỗ vàng tâm để đuổi lũ tà ma còn ẩn náu trong đó. Sau đó yểm bùa. Yểm cả trong áo quan, yểm cả những xó xỉnh tối tăm trong nhà.

Lễ phạm hàm mới thật thảm thương. Ở trường hợp chết bình thường người ta dùng ba đồng chinh đã mài sáng loáng và một bát gạo. Người hộ tang hô ba lần: sơ hàm, tái hàm, tam hàm. Mỗi lần hô, người ta bỏ vào miệng người chết một đồng chinh và một thìa gạo. Riêng ở trường hợp này, vì chị cả Cỏn chết trùng tang người ta không dùng đồng chinh và gạo. Vật bỏ vào miệng người chết lúc này là một nắm kim nhọn hoắt. Tiếp đó là việc làm khủng khiếp. Ông thầy phù thuỷ lại múa hương, lại thét, lại đọc phù chú. Sau đó, ông lấy kim khâu, chỉ chắc, khâu kín hai môi người chết lại. Cái kim đâm vào môi sừn sựt, không hề có máu chảy ra. Tôi nhìn mà sởn tóc gáy, mắt nhắm nghiền lại. Cái Thắm thương mẹ quá, khóc rãy lên, rồi nằm ngất thẳng cẳng.

Tiếp đến làm lễ khâm liệm cho chị Cả. Người ta dùng những tệp giấy bản kê đầu, chèn đầu, rồi bó người chết bằng những tấm vải liệm dài. Người chị Cả cuối cùng được gói lại gọn ghẽ, vuông vức trông như chiếc bánh chưng dài...

Trong cuộc lễ khâm liệm ấy, mấy người đàn bà yếu bóng vía trong nhà bị ngất. Cái Thắm bị ngất lâu nhất. Đến như chị hai Cỏn vốn kình địch với chị cả Cỏn mà cũng phải lả người đi, khóc không thành tiếng. Ông lý Cỏn chồng tôi có lẽ là người thương xót chị Cả nhất. Cứ tưởng ông ít đằm thắm với chị Cả là vì ông ít yêu thương chị. Hoá ra không phải. Cứ nhìn ông mà xem. Ông ngơ ngơ ngác ngác, nước mắt chảy ròng ròng, sụt sịt như một đứa trẻ. Người ta gọi ông cũng chẳng thưa, cứ như kẻ mất hồn...

Tại sao, lúc khâm liệm chị Cả lại phải làm những chuyện khác thường như bỏ kim vào miệng và khâu môi như vậy? Trong đám tang tôi không dám hỏi, mãi về sau mới biết.

Người ta bảo rằng chết trùng tang rất độc. Không làm theo đúng tục lệ, sẽ làm chết nhiều người khác trong họ tộc. Có gia đình bị trùng tang chết liền nhau tới chục người. Cái kẻ ác độc gây ra tang tóc ấy chính là thần Trùng. Đó là một ác thần. Nó thường biến thành một con rắn đến mộ người chết trùng, rồi nằm cạnh xác chết. Nó đe doạ vong linh người chết, hành hạ, tra khảo xác chết. Nó buộc người chết phải khai ra tên họ, ngày sinh tháng đẻ của những người thân còn sống, để rồi sẽ về bắt tiếp những người đó. Trường hợp này phải bỏ kim vào mồm và khâu miệng lại. Khâu như vậy cốt đề phòng. Nhỡ ra, người chết bị thần trùng tra khảo đau quá, cũng không có thể há miệng ra mà khai với vị ác thần những điều mình biết.

Người hộ lễ là cụ tú Cao. Cụ là người từng trải, lịch lãm, nắm vững mọi thủ tục, công việc tang lễ. Cụ cắt đặt công việc cho từng người trong nhà rất khéo. Người nào đúng việc nấy. Đáng lẽ ra ông lý Cỏn nhà tôi phải làm tang chủ, nhưng từ lúc chị cả Cỏn mất ông như người mất hồn. Tôi phải đưa ông về nhà, bắt ăn, rồi bắt ngủ một lúc, ông mới đỡ, tuy nhiên vẫn còn ngơ ngác không điều khiển được mọi việc. Thằng cháu Long con chị cả Cỏn phải đứng ra làm tang chủ. Thằng Long kém thằng Cò con tôi một tuổi, nhưng về thế thứ nó là anh thằng Cò, lại là con đẻ chị Cả nên làm tang chủ là phải. Thằng bé mười sáu tuổi, khá lanh lợi và xót thương mẹ. Lúc chị Lụa tắt thở, nó cầm chiếc áo cánh của mẹ leo lên nóc nhà để hú hồn hú vía:

"Ba hồn chín vía bà Nguyễn Thị Lụa ở đâu có nghe thấy tiếng con trai là Vũ Xuân Long, thì hãy về với con với cháu."

Nó hô ba lần, vừa hô vừa khóc. Thằng bé suýt ngất xỉu trên mái nhà. Ông thầy phù thuỷ bảo:

"Xin gia đình cứ làm lễ đúng như lệ thường, như mọi đám ma khác. Nếu không làm khéo đánh động tới người (ý nói thần Trùng), sẽ rất bất lợi."

Ý ông phù thuỷ, như tôi đã nói, là phải thật khéo để đánh lừa thần Trùng. Cứ làm như thể gia đình không biết chị Lụa đã bị chết trùng tang.

Cụ Tú phải thay mặt gia đình sang có lời với cụ đồ Tiết nhờ họ Đinh giúp đỡ một số việc. Nghĩa tử là nghĩa tận, cụ đồ sai Trịnh Huyền đến thổi kèn giúp cho việc hiếu được nghiêm trang, long trọng.

Tiếng kèn lâm khốc lúc phát tang của ông Huyền làm cho cả làng Đình phải nôn nao, kéo nhau đến đám tang. Ông Cỏn làm việc quan, lại giàu có, nên khách khứa đông nườm nượp. Cái sự trùng tang là việc riêng trong nhà, cụ Tú giấu biệt, lại cấm tiệt con cháu không được hở ra. Hơn nữa, họ Vũ Xuân gia pháp rất nghiêm, nên lúc ấy trong làng không ai hay biết; người làng rủ nhau đến thăm hỏi như đám ma thường. Ngoài các vị chức dịch trong vùng đến viếng, còn thấy mặt cả hai ông chủ đồn điền: ông Pierre và ông Julien. Từ khi ông Philippe chết, bà vợ đầm của ông không bén mảng sang đồn điền nữa. Người ta bảo bà ấy sợ cái xứ sở này. Người ta còn nói bà thề rằng sẽ không bao giờ đặt chân lần thứ hai tới đất Cổ Đình. Tiếng là đồn điền thuộc về cả hai ông chủ Tây, nhưng ông Pierre chỉ ham mê vẽ vời không thích bận bịu công việc, nên tất cả công việc đều ở trong tay ông Julien. Dân Cổ Đình bảo hai ông Tây này rất khôn. Một ông là võ một ông là văn. Ông Julien thì nhanh nhẹn tháo vát nhưng tính tình nóng nảy. Ông Pierre, ngược lại với ông em, là người văn vẻ nho nhã. Ông ta được dân trong xóm mến. Nhờ ai đứng làm mẫu cho vẽ thì trả tiền tử tế. Có những bà chỉ gánh đôi quang gánh nhẹ, đi đi lại lại trước mặt ông chừng một lúc, thế mà cũng được ông trả công cho một hào, bằng tiền công làm việc vất vả cả ngày. Thỉnh thoảng ông còn chia kẹo cho trẻ con. Cái nhà ngang nhà thím ba Pháo bỏ không, đem cho ông Pierre thuê để đồ vẽ cũng được đồng bạc mỗi tháng. Ông ta lại chẳng hề khinh rẻ cái phận nghèo hèn làm mõ của thím Pháo - vì vậy, dân bảo chắc kiếp trước ông Tây này là người Nam và tu đạo Phật nên mới thế.

Ông Pierre ở xứ ta đã lâu, am hiểu lệ tục xứ mình, lại biết nói tiếng ta. Tuy giọng còn lơ lớ chút ít, nhưng đứng trước linh cữu bà Lý, ông ăn nói thật nghiêm trang, văn vẻ chẳng khác gì người ta:

"Đồn điền chúng tôi biết tin bà Lý quy tiên. Chúng tôi đến phúng viếng, mang hoa đến chia buồn cùng tang quyến."

Quản Láu mặc đồ đen bưng mâm trên có chai rượu, nắm hương, bó hoa đặt lên hương án trước linh tọa. Nhạc kèn lâm khốc của Trịnh Huyền cất lên ai oán. Trai gái trong nhà, nam tả nữ hữu ngồi xệp hai bên rập đầu xuống đất khóc ô hô, khi hai ông Tây cúi đầu vái lễ.

Thằng Long, thằng Xuân, thằng Cò, thằng Tũn, Thằng Tĩn chống gậy vông, mặc áo xô đáp lễ. Hai ông Tây vái bốn vái. Lũ con trai sụp xuống đất đáp trả lễ ba lần.

Sau đó cụ Tú và ông Lý phải ra tiếp khách. Ông Lý ngơ ngác, đi loạng choạng. Tôi phải dìu chồng tôi ra đứng bên bàn nước. Ông Tây Julien đưa con mắt sắc sảo ra nhìn chung quanh. Rồi ông chăm chú nhìn ra đám kèn trống, nhìn chằm chằm vào ông Trịnh Huyền với bộ mặt sứt sẹo quái gở. Tôi cứ nghĩ rằng bộ mặt nửa thực nửa hư, nửa hiền nửa ác, nửa đẹp nửa đáng ghê sợ của ông dễ làm người ta chú ý. Mà cũng đáng chú ý thật, vì khi ông Huyền thổi kèn những vết sẹo bên nửa mặt trái của ông đỏ lựng lên, giữa đống thịt đỏ lựng ấy lại có những vết tím bầm. Ông Huyền cũng có ý tứ, ông ngồi khuất sau người đánh trống cơm và cố nghiêng phần mặt xấu xí đi chỗ khác. Song, ông đã như thứ người bị trời đánh dấu, chúi vào đâu được để che đậy nổi con người mình. Càng cố che giấu càng dễ bị nhận ra. Tôi chợt thấy thương và lo cho ông khi con mắt soi mói của ông Tây Julien chợt ngẩng lên và hỏi chồng tôi:

"Cái người... thổi kèn kia... là ai?... Có phải... Trịnh Huyền... đó không?"

Chồng tôi như cái máy đáp lại:

"Dạ dạ..."

Người Tây lại hỏi:

"Có phải... cái người này... mở lớp... dạy học không?"

Chồng tôi ngơ ngác rồi đáp bằng những câu như vô hồn:

"Dạ không."

"Ông Lý biết không... Phải cẩn thận... Phải rất cẩn thận..."

Ông Tây hoạ sĩ Pierre, vì am hiểu phong tục, thấy hỏi những chuyện như vậy có lẽ không hợp trong lúc gia chủ đang có tang nên đưa mắt ra hiệu cho ông Tây em.

Lúc đó, ông Julien mới như giật mình nhìn sang ông cụ có chòm râu lơ thơ vào đôi mắt rất sáng đang nâng chén nước trà bốc khói cho ông. Cụ Tú hiền lành nhìn vào mắt hai người Tây và nói:

"Xin mời các quan lớn."

Ông Tây anh đỏ mặt đỡ lấy chén nước:

"Xin cụ đừng gọi tôi như vậy. À quên, xin giới thiệu với em đây là cụ tú Cao. Còn đây là ông Julien em tôi. Con rể cụ Tú chính là bác sĩ Alexandre mà anh em ta có dịp tiếp kiến ở nhà cha xứ."

Julien giơ cả hai tay niềm nở nắm lấy bàn tay dài và gầy guộc của ông già. Người Tây sôi nổi ấy không chú ý đến ông già, nhưng cụ Tú tỏ ra rất quan tâm tới anh ta. Ông cụ đã quan sát không bỏ sót một cử chỉ nào của Julien, từ lúc anh bước chân vào nhà mình.

Đêm xuống, khách viếng đã hết. Cả làng đến nghe ông thợ kèn thổi kèn giải. Đêm trước hôm đưa đám ma, ở làng tôi, người ta thường thi khóc: cháu khóc cô, con khóc mẹ, chị khóc em, chồng khóc vợ... Người khóc thường là đàn bà, tóc xõa rũ rượi, ngồi bẻ quặt chân trên đất nức nở khóc... Tiếng khóc là những lời kể lể về tính nết hiền thục, hay lam hay làm, rồi những kỷ niệm với người đã khuất... Nay người ra đi, âm dương cách trở, chẳng còn nhìn thấy mặt nhau để thương để nhớ để sầu cho người còn sống... Tiếng kể lể, tiếng khóc ơ hờ, tiếng nấc, tiếng gọi... thỉnh thoảng tiếng kèn lại dấy lên lâm li thống thiết làm mọi người ngồi dưới cây rơm, ngồi trên sân gạch bặt lặng cúi đầu.

Ai không biết khóc thì thuê thợ kèn khóc giúp. Người nhà quê chúng tôi vẫn như vậy, đã đành là phải sống bằng miếng cơm ăn, nhưng cũng không thể sống mà thiếu hội hè. Vui có hội vui, mà buồn cũng phải có hội buồn. Thổi kèn giải là một đêm hội buồn. Trong khi cánh đàn ông đốt đèn sáng trưng trong nhà, xúm xít nhau quanh đám tổ tôm hoặc đám chắn, thì những người đàn bà, trẻ con chúng tôi ngồi dưới ánh trăng và nghe kèn giải. Đám kèn giải còn kéo dài tới lúc nửa đêm, tức là giờ các cụ làm lễ chuyển cữu. Tôi không biết các cụ cắt nghĩa lễ chuyển cữu ra sao, chứ đám đàn bà chúng tôi cho rằng chuyển cữu tức là giở mình cho người chết. Ôi chao! Nằm dài mãi trong áo quan cũng mỏi lắm chứ, người dưới cõi âm chắc cũng phải giở mình như người cõi dương.

Song còn lâu mới tới nửa đêm, lúc này chỉ có đèn nến sáng trưng ở bàn thờ linh tọa, còn tất cả mọi người đều ngồi chìm trong bóng đêm trăng. Nó sáng mờ mờ đủ che khuất khuôn mặt kỳ dị của Trịnh Huyền. Hàng tháng nay, tôi bận bịu với công việc trong nhà nên không có thì giờ mà nghĩ tới ông ta nữa. Nghĩ cho cùng, ông Lý nhà tôi, dù có bị mất bà vợ cả thì cũng vẫn còn bà Hai và tôi tức bà Ba. Còn Trịnh Huyền thì sao? Ông ta sống cũng phải sống trong nỗi nơm nớp lo sợ. Và điều buồn nhất là ông ta chẳng có người đàn bà nào sống bên cạnh để chăm lo cho, để nâng giấc an ủi những khi ốm đau, hoạn nạn...

Tôi ngồi ở chân cây rơm thở dài nghĩ như vậy. Tôi cúi đầu xuống, lắng nghe tiếng kèn ai oán của ông lẩn quất trong lùm tre, mái rạ. Nó làm cho tôi rưng rưng muốn khóc. Nó làm cho tấm lòng mộc mạc của tôi thổn thức, xốn xang. Hai bố con ông Trịnh Huyền thổi kèn và ngâm khóc khéo lắm. Ngày trước, đám hội hiếu bên làng Già sang giúp thường kết thúc đêm kèn giải bằng một điệu múa sinh tiền. Người ta bảo sống gửi thác về. Chết tức là về ngôi nhà chính của mình. Vậy nên chết cũng nên tiễn bằng điệu múa vui.

Hai bố con ông Trịnh Huyền không làm như vậy. Họ lại kết thúc đêm kèn giải bằng một khúc hát. Ông Huyền lúc này không thổi kèn. Ông đánh cây đàn trong tiếng bập bung nhè nhẹ của chiếc trống cơm. Cháu Nhụ ngồi dưới chân ông. Hai bố con hát một bài hát rất lạ. Bài hát sầu thảm, chẳng hề giống một làn điệu nào, nhưng lại phảng phất tất cả nghe vừa quen vừa lạ. Nó nức nở cái hơi làn thảm, nó lâm li như kèn lâm khốc. Tôi gục đầu xuống đầu gối, cứ thấy rờn rợn gai gai. Về sau, tôi mới biết đó là bài khóc của ông năm xưa khi người vợ ra đi, lúc ông xa quê, lúc con bé Nhụ còn bé tí. Ngày xa xưa ấy, cháu Nhụ chưa biết hát; còn bây giờ, chính cháu Nhụ đang cất tiếng bằng cái giọng ai oán giữa đêm khuya. Nó hát rằng:

Con thương mẹ, con trèo lên núi
Chẳng thấy mẹ đâu
Chỉ thấy vượn mẹ bồng con
Ạ ời... vượn khóc nỉ non.

Con thương mẹ, con lội xuống khe
Chẳng thấy mẹ đâu
Chỉ thấy ếch nhái kêu sầu
Sầu suốt đêm thâu.

Con thương mẹ, con lên hỏi trời
Trời chẳng trả lời
Chỉ thấy mây mờ giăng mùng
Sương rơi như khóc.

Con thương mẹ, con xuống hỏi đất
Đất chẳng trả lời
Đất rì rầm khẽ hát lời ru
Ru rằng:
Âm dương cách trở đôi đường
Mẹ đi để nhớ, để thương, để sầu.
Mẹ đi để héo giàn trầu
Để thui giàn bí, để đau hàng cà.

Thì ra đây là câu khóc mẹ của cháu Thắm. Con bé thưởng cho phường kèn những ba xu, bảo ông Huyền hát dâng cho mẹ nó một câu hát nào hay nhất mà cũng sầu thảm nhất.

Trong câu hát này, cái Nhụ cũng cảm thấy như chính nó đang khóc mẹ, người mẹ mà nó hầu như không còn nhớ mặt. Vì vậy giọng nó rưng rưng đầy nước mắt. Còn ông Trịnh Huyền, nghe giọng đứa con hát, nghe tiếng khóc thê thảm của cháu Thắm, mà ông lại đang diễn cái bài hát do tự tay ông đặt ra, mượn miệng đứa con để nói lời chia biệt, cho nên tiếng đàn của ông khác hẳn lúc thường. Nó làm cho mọi người trong đám tang im phăng phắc. Đám tổ tôm trong nhà cũng bỏ chơi, kéo ra thềm, kẻ đứng người ngồi, chau mày nghe lời tiễn biệt.

Vì là đám ma trùng tang, nên ông chánh Thi, người đứng đằng sau chỉ đạo đám ma con gái, bắt mọi nghi thức tang lễ đều phải hoàn hảo. Ông Chánh muốn hồn ma và thần Trùng buộc phải bị quyến rũ, buộc phải mê mẩn đi, để bị hút theo tiếng kèn, tiếng đàn, tiếng trống. Chính vì vậy, ông Trịnh Huyền phải trổ hết tài nghệ, làm sao tiếng kèn của ông phải làm người ta bật khóc. Tiếng kèn đầy ma lực quyến rũ ấy quả thật đã làm đám tang như trở thành một cuộc lên đồng. Ở đây, cả làng đã bị cuốn hút, tất cả mọi người đều đã biến thành những con đồng. Như thế, đám ma mới ra đám ma. Trịnh Huyền cũng thực chẳng ngờ rằng tiếng kèn của mình lại có thể làm mê hoặc, đánh lừa được cả thần Trùng, ma quỷ.

Ngày hôm sau, đưa đám lúc mặt trời lên. Đây là cuộc đánh lừa thần Trùng có tính toán rất kỹ lưỡng, tính trước cả đường đi lối về. Đường đi của linh cữu, đặc biệt khác lệ thường. Con đường phải ngoắt ngoéo, rắc rối, bất ngờ. Bảo rằng để cho hồn ma khó nhận ra đường, sẽ quên mất lối, kẻo lại dẫn thần Trùng quay trở về nhà. Người ta không đi theo cửa chính. Gia đình xé rào, mở một lối đi ở bên luỹ tre giáp đồng. Khi đám ma qua trổ tre ra đồng, lập tức con đường ấy bị lấp lại ngay. Người ta lấy rong gai lấp đầy, bịt kín lại. Rồi đóng cọc buộc chặt, thậm chí sai đầy tớ trồng ngay những gốc tre mới. Chỉ vài tháng nữa, chỗ này sẽ xanh um, sẽ chẳng ai có thể nhận ra nơi đây đã có một lối đi chỉ dành riêng cho đám ma ấy nữa.

Khi ra ngoài đồng, bốn chàng trai lực lưỡng cầm bốn hình nộm gọi là bốn ông phương tướng dẫn đầu. Bốn hình nhân mặt mày dữ tợn ấy là bốn tướng trừ tà ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Bốn bộ mặt đen, trắng, đỏ, xanh. Bốn ông thần dữ tợn cầm bốn thứ binh khí, chuỳ, đao, giáo, kiếm. Bọn trẻ trong làng đông nghịt chạy theo bốn hình nhân do bốn trai đinh lực lưỡng vác, họ hò hét và nhảy nhót.

Đáng lẽ đám tang qua đồi, rồi vượt sông sang khu rừng bên kia bờ, nhưng bốn ông phương tướng lại dẫn ra hồ Huyền. Vẫn là mưu mẹo để đánh lạc đường. Người ta cho linh cữu lên thuyền bơi ra vùng nước bao la sau đó chui vào đám sương mù dày đặc buổi sớm. Tiếng kèn ai oán của ông Trịnh Huyền vang xa trên mặt nước mênh mông sương trắng. Ra đến giữa hồ thì sương mù dày đặc kết thành những hạt nước nhỏ.

Đoàn người đưa tang ướt sũng, khi thuyền cập bờ bên kia. Đám ma vượt mấy quả đồi sim, qua khu rừng trám, thì đến quả đồi hoang nơi đào huyệt. Huyệt đào theo bậc tam cấp. Thầy phù thuỷ đội mũ đầu hổ theo bậc đất xuống đáy huyệt. Đó là thần hổ trị huyệt. Bốn ông phương tướng bằng giấy được cắm ở bốn góc. Thần hổ tức thầy phù thuỷ cầm hương, đọc chú, khử tà, yểm bùa. Có lúc ông đọc lầm rầm, có lúc ông quát, ông thét để đuổi lũ ma quỷ tránh xa khỏi nơi đây.

Thầy phù thuỷ bảo trường hợp này trùng nặng nên không chôn quan tài xuống dưới đất. Phải chôn bán âm bán dương, đợi cho đủ ngày mới chôn hẳn. Người ta đặt ngang trên huyệt hai tấm ván dày rồi đặt quan tài lên đó. Phía trên, ông Chánh sai dựng một túp lều lợp tranh để che nắng che mưa.

Tôi thắp ba nén nhang cắm trước ngôi nhà mồ của chị cả Cỏn mà khấn rằng:

Chị Cả ơi! Em về nhà ta, làm phận nàng hầu. Em cam phận lẽ mọn nàng hầu, chẳng bao giờ dám ăn ở quá với cái số kiếp hèn mọn của mình. Em chẳng bao giờ dám tự ỉ vào chuyện có nhiều con mà làm điều gì trái với phận của mình. Em vẫn luôn một lòng cung kính, và hầu hạ chị. Lũ con của em, tiếng rằng em sinh ra, nhưng thực chúng là con của chị. Chị sống khôn chết thiêng hãy thương lấy chúng nó, để giữ gìn cho dòng dõi ông Lý, chồng chúng ta, càng ngày càng đông cành xanh ngọn... Em cắn cỏ lạy van chị. Xin hãy thương lấy đàn con của chị. Xin hãy thương lấy dòng giống của nhà ta. Em cắn cỏ em lạy van chị...

Tôi cứ rối rít van xin như thế. Tôi đầm đìa, ròng ròng nước mắt. Tôi thực sự tin rằng những lời cầu khẩn thành thật của tôi sẽ làm cho người đàn bà nhiều uy quyền đã ra đi ấy sẽ động lòng, sẽ không bao giờ quay trở về cõi dương để làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi, những người còn sống.


Nguồn: Mẫu thượng ngàn, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2006

Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Rừng sâu (tập truyện ngắn, Nxb. Văn học, H., 1962), Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, Nxb. Đà Nẵng, 1990), Trư cuồng (tiểu thuyết, talawas, 2005), Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2000, 2001, 2002, nối bản và tái bản 15 lần), Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2002), (Mưa quê, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2003). Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2006).

Sách biên khảo: George Sand – nhà văn của tình yêu (Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1994)

Dịch thuật: Những quả vàng (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1996),
Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá-Văn minh Pháp và nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1998),
Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 1998),
Hoàng hậu Sicile (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, Nxb.Kim Đồng, Hà Nội, 1999),
Tâm lý học đám đông (tiểu luận của Gustave le Bon, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2006)

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài