Nguyễn Vĩnh NguyênViễn cảnh từ cơn áp thấp
Nguyễn Vĩnh Nguyên |
Một cặp vợ chồng trẻ, mà ta dễ tưởng như một cặp tình nhân, nằm trên căn gác lửng đợi cơn bão được dự báo là sắp ập đến. Trong khi chờ thảm hoạ, một thảm hoạ vừa có tính giả tưởng vừa rất gần với hiện thực, hai người uể oải nói chuyện với nhau về những tin tức trên radio. Chàng trai, nhân vật xưng Tôi đồng thời cũng là nhân vật nhà văn viết ra truyện ngắn này, vừa vuốt ve cô gái vừa hồi tưởng về những lần làm tình... Câu chuyện không đưa đến một cái kết nào ngoài những giả định của nhân vật chính - người kể chuyện.
talawas chủ nhật
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Viễn cảnh từ cơn áp thấp
Cho M…
Lúc bấy giờ, chúng tôi nằm trên gác lửng. Hai cặp bắp chân trẻ trung khỏe mạnh khá xứng đôi vừa lứa thòng ra ngoài thành gác. Đong đưa, đong đưa… Một cặp đen nhiều lông lá và vài vết sẹo đã kín miệng. Một cặp trắng tròn và mịn màng đến nỗi thấy cả những sợi gân non màu xanh ở gần mắt cá. Tương phản và bổ sung trong một chỉnh thể đẹp, khỏe, căng tròn của từng đường nét.
Những đám mây, hãy xem, nó sắp bay vào phủ kín cửa sổ nhà chúng ta.
Tôi hơi cựa mình để biên độ quan sát của mắt có thể hướng về phía cửa sổ, kiểm nghiệm hiện tượng trong từng lời nàng vừa nói trong khi một tay chạm vào, vuốt ve trên chiếc váy vải lụa xám của nàng. Lụa mịn. Da chân mịn. Mát. Và lan nhẹ những dòng sóng đầu tiên của khoái cảm. Tôi nói:
"Giá như cả anh và em có nhiều thì giờ nằm ngắm đám mây đen ùa vào cửa sổ ngôi nhà chúng ta!"
Nói thì nói thế. Tôi nhấn mạnh chữ “giá như” - Làm ra vẻ đang bận rộn và quan trọng hoá lên thôi. Thực ra, chúng tôi hoàn toàn có đủ thời gian để đợi cả đến lúc đám mây đen kia không những bay vào ngôi nhà mà còn đủ sức trông thấy nó làm mấy trận mưa ướt át trên chiếc váy lụa mát mịn màu xám phủ đến đầu gối của nàng và cái quần lửng kaki màu trắng của tôi có in hình bản đồ du lịch một miền nào đó hình như São Paulo ở túi.
Nói thì nói thế. Tôi nhấn mạnh chữ “ngôi nhà chúng ta” chứ thực ra chẳng có ai chứng nhận rằng, đôi tình nhân đợi bão này đang nằm trong một căn gác quá nhỏ bé ở một thị tứ hoàn toàn lạnh lùng.
Thời gian là cái có thể nắm được như mấy viên xúc xắc trên tay của những kẻ nhàn rỗi và vô hướng sống qua một ngày.
Bốn cái bắp chân, hai trắng mịn nuột nà và hai sần sùi ngăm đen sần sẹo lông lá, đang đòng đưa trên thành ván gác lửng. Đôi khi sự đòng đưa đồng nhịp còn tạo nên tiếng ót ét, ót ét của mấy thanh gỗ hình đường diềm cọ cựa vào nhau đôi khi theo nhịp nhanh vội mạnh, đôi khi không hẹn mà tự dưng chậm lại, uể oải.
"Cứ nằm đây đợi những đám mây đen bay vào nhà hả anh?"
"Có lẽ thế."
"Ừ, thật khó hình dung nếu nó đi vào trong căn phòng này và làm một vốc mưa nhỏ thôi cũng được. Một vốc mưa riêng của chúng ta. Không ai sở hữu sự ẩm ướt mát trong ấy ngoài chúng ta."
"Sao em lại ước mơ điều đó? Chúng ta hoàn toàn có thể làm được bằng vòi hoa sen mà."
"Không biết nữa."
Tôi nhìn đôi môi nàng đang tươi mọng từ một góc ngược sáng nhạt nhoà và nhớ lại lần đầu tiên chúng tôi làm tình dưới vòi hoa sen cách đây mười năm trong một chuyến cắm trại ở Đà Lạt. Vòi nước ấm phả vào chúng tôi mùi khử clo khá đậm và tưới lên hai cơ thể nồng nẩy nhún nhảy theo một tiết tấu hoang dại. Chính lúc ấy, dưới vòi hoa sen, trong tư thế đứng, tôi thấy nàng bị biến mất dần dần từ khuôn mặt đến phần ngực và bàn tay, bàn chân, bắp đùi mịn màng và cả vùng sâu hoắm miền đang hút tôi vào cơn dư chấn dữ dội. Một cơn dư chấn xoá dần những chủ thể. Những đợt khói cuộn tròn và bay ngợp, che tất cả các chi tiết cấu trúc bên trong phòng tắm, che cả vòi hoa sen hình dấu hỏi, chiếc máy nước nóng đời cũ chạy rò rè và tiếng nấc đôi khi cắt ngang mọi sự chú ý đến khung cảnh đang bị bủa vây bởi sa mù. Lần đầu tiên chúng tôi bị chính màn hơi mù đục từ cơ thể bủa kín và cô lập. Cơn giao hoan kết thúc trong tình trạng cả hai đều mệt nhoài bò ra khỏi căn phòng tắm hẹp và kín bưng của khách sạn ba sao. Chúng tôi nằm trên giường nệm trắng và nhìn những đợt hơi toả ra từ phòng tắm, loãng tan vào không gian rộng hơn của gian phòng. Chúng tôi không nói gì với nhau cả. Lặng im như thế, đợi cho không gian trong trẻo trở lại và cảm giác thoát hơi trên hai cơ thể mất đi.
Hiện tượng đó không lặp lại lần thứ hai.
Tuy nhiên nó ám ảnh như một sự kiện trong cuộc đời tình ái giữa tôi với nàng. Chúng tôi vừa chờ đợi một hiện tượng tương tự có thể trở lại, vừa lo sợ mình sẽ chết chìm trong sa mù từ chính cuộc ân ái tạo ra. Chúng tôi không nghĩ đến chuyện yêu nhau trong phòng tắm nữa. Dù sau lần ấy thi thoảng tôi vẫn được đọc những thông tin tư vấn tình dục trên các số tạp chí Đàn ông và Đàn bà. Phần lớn các chuyên gia tư vấn đều cho rằng, cả hai cùng đứng dưới vòi hoa sen cọ rửa và ve vuốt thì có thể đưa nhau vào cơn khoái lạc thần tiên, lâu dài và mãn nguyện nhất. Chúng tôi nằm đọc những thông tin ấy và thấy không mới. Ít ra là với sự cố dữ dội mà chúng tôi từng trải qua tại phòng tắm nước nóng Đà Lạt.
"Nó sẽ phủ trùm trên chúng ta như một chiếc mền rộng. Và chúng ta đi vắng khỏi mặt đất này lúc nào không hay!"
Nàng nói, và đòng đưa mạnh hai bắp chân không đều nhau, chân này lên chân kia thì xuống và cứ thế chân kia lên chân này xuống. Lúc bấy giờ, tôi đã dời vị trí bàn tay ở phần dưới đùi nàng sang một toạ độ khác đó là phần ngực đang căng lên vì một thế nằm quá thoải mái và mặc sức hớ hênh, dưới lần lụa mỏng khoét sâu hình trái tim là một trái tim bập bùng cháy. Nàng thở đều đặn. Lâu rồi, những động tác vuốt ve trên ngực đã không còn tạo nhiều khoái cảm, hay nói theo cách mà chúng tôi vẫn thẳng thắn với nhau là “no feeling” (không xúc cảm). Dù sao thì trong đầu óc của loài giống đực có ý thức hưởng thụ tình dục như tôi thì vú vẫn là nơi tập trung nhiều múi dây thần kinh quan trọng nhất góp phần làm bùng lên một trận núi lửa trên cơ thể đàn bà. Điều đó hoàn toàn là một khảo nghiệm đúng. Dù kết quả có thể xảy đến nhanh hay chậm còn tuỳ.
Tôi lại nhìn ra cửa sổ. Cái đám mây hung tợn nhất có viền xám vừa khuất một tầm nhìn. Chúng đang bay về trên mái nhà của chúng tôi. Tốc độ khá nhanh. Đài báo tối nay có cơn bão dữ quét qua thị tứ này với sức gió báo động giật cấp 12. Trận bão mùa thu thường chẳng đỏng đảnh tí nào. Nó không khoan thai như hai sinh thể đang chờ đợi nó trong buổi choạng vạng. Nhiều lần tôi và nàng đã nằm ở tư thế này và ngắm mây rồi kết thúc bằng một cuộc vật lộn (mà người ta vẫn gọi gọn gàng là làm tình) trước khi một cơn bão đến hay chuẩn bị cho một tai hoạ nào đó được dự báo trước có thể xảy ra. Chúng tôi thường đồng loạt nghỉ việc ở công sở để tận hưởng những phút giây đợi chờ như thể nghi thức cử hành cho những bất an hay bình yên.
Dù sao thì vẫn nằm bên nhau, tay phải của tôi nắm chặt vai nàng đang uốn lượn, rung lên từng hồi.
"Hơi mưa đến nhanh lắm!" - nàng nói, giọng như vừa thoát khỏi cơn mê sảng.
"Nó từ biển vào."
"Trận này sẽ gãy nhiều cây trong thị tứ."
"Ừ, và nhà cửa nữa. Nhưng dù sao nó cũng đã giảm sức gió nhiều rồi. Nó đã quá mất sức khi đi qua một số những đảo quốc nhỏ ngoài khơi xa."
"Anh có xem dự báo thời tiết à?"
"Ừ. Chương trình đó ngày càng hấp dẫn. Cô gái mặc váy dẫn chương trình thường đứng trước bản đồ hình chữ S và hoạt bát diễn giải dự báo từng vùng kia là bạn thời đại học của anh."
"Thế à? Hay nhỉ."
"Ừ, ngày xưa cô ấy thích nghe đài và chỉ ước mơ đọc tin thời tiết."
(…)
"Anh ơi, cởi áo nhé?"
"Chưa. Nhìn kìa, mây một đám mây to đang bay vào cửa nhà chúng ta… Nó sẽ phủ bọc lấy chúng ta trong chốc lát nữa. Nhắm mắt đi em."
Nhiều lần trong năm, bão đi vào thị trấn theo nhiều phương khác nhau, nhưng cùng đều từ phía biển. Toạ độ căn gác của chúng tôi đang nằm chiếu ra phía đại dương là vuông góc với một dòng hải lưu mạnh. Nhưng nếu chiếu sâu xuống lòng đất thì nó cắt vào một mạch đứt gãy của tia đất khá ngặt nghèo. Là phong thuỷ nói thế. Công việc tham gia thiết kế kiến trúc khiến tôi thường tò mò tìm hiểu về chỗ ăn, nằm, đứng, ngồi của mình trên mặt đất. Nhưng dẫu sao nó cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì vì đơn giản là tôi và nàng không có nhiều chọn lựa. Cũng như nhiều lần trong đời, tôi đã nghĩ vì sao con người ở thị tứ mỏng manh này cứ kiên trì bám vào cái mũi đất đầy thiên tai mà không chuyển đi nơi khác sống an toàn hơn, sung túc hơn? Ngoài những lý thuyết xuất phát từ bài học giáo khoa kiểu như:
“giữ gìn hương hoả quê cha đất tổ”;
“nếu ai cũng chọn những miền cư trú giàu có thì ai sẽ giữ từng tấc đất ở những vùng cơ thể đất nước ít may mắn”;
“người ta không từ bỏ được đất hương hoả trải qua bao đời”
… những lý luận tưởng hợp tình hợp lý nhưng có khi đâm ra duy ý chí đến cực đoan đến cùng ấy đã không làm cho tôi thoả mãn với câu hỏi mình tự đặt ra.
Cũng có thể người ta sinh ra đã có một sự chọn lựa lập trình vô hình nào đó của tự nhiên. Lý thuyết này có vẻ siêu hình và có thể dẫn giải dài dòng khi phải mượn cái duyên nhà Phật, sự an bài bàn tay của nhà Chúa hay lẽ vận hành trong đạo của nhà Lão…
Ngôi nhà của chúng tôi cứ như ly nước rỗng hứng mãi những đám mây bay chờn vờn. Ở một góc nhìn hạn chế, tôi cảm giác như sự vận động của chúng là một cuộc dạo chơi, quần tụ nào đó khá hồ hởi. Chẳng về đâu. Chẳng để làm gì.
"Em đã xin nghỉ ba ngày."
"Sao nhiều thế?"
"Còn dọn dẹp nhà cửa khi cơn bão đi qua."
"Em nên tiết kiệm thì giờ."
"Mà chắc gì chúng ta còn lại sau bão?"
"Cũng không hẳn là nó sẽ cuốn mọi thứ đi…"
Nàng hơi nghiêng người và rúc vào gáy tôi trước một đề xuất chẳng lấy gì làm thong thả. Mỗi lần như thế, tôi hiểu ý nàng muốn nói: “Thôi, em biết rồi ông cụ non ạ, cho qua chuyện này nhé, mình nói chuyện đám mây đi…”
Tôi biết ý, dùng ngón tay lất lơ trên nhũ hoa của nàng như trẻ con đùa với vú giả của chiếc bình sữa. Bấy giờ nàng thở mạnh. Những đợt gió cũng vừa rít trên mái tôn. Và mây bay như thể bị lùa vội vàng hút về phía trên cửa sổ. Có tiếng người lớn mắng trẻ con phía ngoài con đường đất. Và tiếng dọn dẹp vật dụng ở những căn nhà bên cạnh. Tiếng gà vịt kêu. Tiếng loa phát thanh đang đưa một mẩu tin chiến sự số binh sỹ thiệt mạng vừa được cập nhật từ đâu đó ở Iraq và tiếp nối là thông tin y học về nghiên cứu axit trong nước mưa, tin giới khảo cổ khai quật một thành phố bị chôn vùi trong lòng đất, phát hiện nhiều bộ xương thể hiện mọi tư thế sinh hoạt ban đêm ở một thành phố văn minh đỉnh cao… những mẩu tin được đọc bởi giọng là đàn ông trầm ấm nhưng chữ được chữ mất vì tiếng rèn rẹt nhiễu sóng.
"Nếu em, em sẽ không phát bản tin thành phố bị chôn vùi vào thời điểm này."
"Chắc mọi người cũng lo bắt gà vịt, chó heo dọn dẹp đồ đạc tránh bão, cũng chẳng ai nghe đâu em ạ."
"Đồng ý. Nhưng quan điểm của em là nên dành bản tin cho việc dự báo trước những mất mát sau cơn bão và cách mà người ta sẽ phòng chống và kinh qua nó."
"Biết sao được, quan điểm của anh thì nhà đài sẽ phải phát nhiều bản nhạc hay để người ta vui sống, ít ra là khi cơn bão chưa đến khi mà những bản tin dự báo chắc gì đã đúng thật sự."
"Dù sao thì mây cũng đang đến. Cả chúng ta cũng chẳng có kiến thức gì chống bão hữu hiệu. Chúng ta yêu nhau và đang để mặc mọi thứ còn gì. Kể cả vận mệnh của mình."
"Nhưng điều đó cũng không nói lên rằng cơn bão sẽ xí xoá cho những gì chúng ta cất công chuẩn bị. Bao nhiêu kẻ chuẩn bị cũng thế. Em cứ hình dung sức gió…"
Chúng tôi nằm tranh luận một lúc về cách ứng xử lẽ ra đài phát thanh nên làm trước thời khắc quan trọng, khi đám mây đang tả tơi bay dạt mênh mang và những vốc mưa đầu tiên đang ném lên mái tôn trên mái nhà. Tiếng lạch cạch nghiến thép và gãy đỗ của chiếc máng xối sau hè kèm theo những thanh âm xào xạc lá mục lưu cữu từ lâu nay. Khi ấy, tôi và nàng - đôi tình nhân càng hoà hợp về tình dục thì càng mâu thuẫn về quan điểm đang nằm tranh luận về vấn đề ứng xử của truyền thông, cụ thể là đài phát thanh trước mỗi cơn bão. Mỗi khi đề cập đến hai chữ quan điểm là thế nào cũng có kẻ bỏ cơm vài ngày. Quan điểm cũng là thứ làm cho chúng tôi suýt ra toà li dị vài ba lần trong bốn năm chung sống. Cách tốt nhất là tôi lại đặt tay vào dưới đùi nàng, dưới lớp lụa mỏng manh và lướt từ đầu gối đến ngã ba, trong khi chân nàng đang đòng đưa từ nhanh đến chậm và đôi khi dừng lại như lắng nghe một cảm giác rồi lại đòng đưa… đòng đưa… không đều đặn.
Khi tay tôi làm việc cật lực với sự mịn màng của vải váy lụa và làn da căng nóng thì miệng nàng vẫn khăng khăng khẳng định rằng: Người ta nên đưa tin về cơn bão và những thiệt hại sắp xảy đến, không nên tản mạn cập nhật những thứ xa xôi và cũng chẳng nên khiến thiên hạ quên đi thực tại chống bão. Nàng khăng khăng rằng, bản tin chiều nay là một mẩu băng đã được phát vào tối hôm qua, khi đang trực điện thoại ở bưu điện, nàng đã nghe rồi...
"Nó quen lắm. Về số binh sỹ thiệt mạng và về axit trong nước mưa ấy. Những thông tin xa xôi, không thiết thực."
"Ừ, lẽ ra mình không nên nói chuyện quan điểm…"
"Nhưng anh có thấy vô lý không, đang lúc bão sắp tới thì nhà đài lại phát một mẩu tin về chiến sự bên kia địa cầu và những phát minh trời ơi đất hỡi, tiêu diệt sự lãng mạn trong thế giới và gieo hoang mang bằng chuyện mưa axit, thành phố bị chôn vùi trọn gói… Dù sao sau bão người ta cũng cần tinh thần lạc quan để sống!"
"Ừ, những mẩu tin hư vô ấy chỉ làm cho chúng ta cãi nhau rồi bất ổn…"
Nàng nhấn mạnh chữ “trọn gói” tạo cảm giác sòng phẳng đến lạ kỳ. Và khi ấy, tôi vẫn kiên trì với những quỹ đạo ngẫu hứng của bàn tay ve vuốt dưới lớp váy lụa mỏng. Và hai bắp chân nàng vẫn chuyển động đòng đưa nhưng có hơi rút lại từng cơn.
Những đám mây vẫn lùa lên trên cửa sổ như cách nó bay ngược theo chiều mắt nhìn của chúng tôi. Trời mù xám một màu. Và những hạt mưa đầu tiên mang hơi nước mát lạnh đang lùa vào từ phía cửa sổ, nơi hàng sáng sáng đón mặt trời, tối tối đón giờ ảm đạm.
"Sao chúng tôi chẳng bao giờ dọn dẹp gì trước những biến cố? Trước khi bạn đọc đọc những dòng câu hỏi này, chính chúng tôi đã tự hỏi quá nhiều lần. Nhưng có nhất thiết để giải đáp một cách xác đáng không? Hay có thể nói tôi với nàng gặp nhau ở một cảm giác lạ kỳ: chúng ta chẳng có gì để mất cả ngoài hai cuộc đời trần trụi trước thế giới. Một ba mươi một hai tám. Hai cuộc đời xét về tử vi chẳng bao giờ hợp quan điểm của nhau (và thực tế cũng thế) nhưng cùng ở với nhau dưới một căn gác trọ trong một thị tứ buồn lặng hướng về phía biển đông."
Nói thế là tôi đã trắng phớ ra bất chấp sự đánh giá của độc giả về một tên viết văn thiếu thông minh đến độ phải tung ra khái niệm và sự giải thích tường tận khi ngôn ngữ miêu tả của hắn trở nên giới hạn. Nhưng cũng xin lật lại vấn đề, đứng trước một cơn bão chưa đến thì hắn ta biết nghĩ gì? Đứng trước một sự âu lo bất an cồn cào như dục vọng hay tai ương thì hắn sẽ làm gì? Mọi thứ sẽ phải đi bằng những câu hỏi giản tiện nhất. Có thể được trả lời hoặc không. Chẳng có gì quan trọng với hắn. Và lời khen thông minh cũng phỏng có ích gì.
"Phỏng có ích gì…, tôi nghĩ - nếu những đám mây bay vào và phủ kín căn phòng này."
Trong khi đó, mắt nàng đã nhắm kín. Một giấc ngủ phía trước? Hay sự tập trung hít thở tận hưởng khoái cảm bàn tay chai sần vì cầm tay ga xe máy đang vuốt ve ở khoát những dòng sóng khoái lạc từ tô điểm những vùng nhạy cảm truyền đi khắp cơ thể nàng. Đã có lúc tôi mong muốn cuộc sống đầy những cơn bão, từ đó tạo ra những dịp may để chúng tôi được nằm bên nhau trong những chiều ảm đạm và nói những chuyện không cần quan trọng, không quá mưu toan của cuộc đời thường nhật. Nhưng cũng đã có lúc trước những cơn bão, tôi không biết sẽ bắt đầu từ đâu để thưởng thức khoái cảm như thể đây là cơ hội cuối cùng trong đời sống này. Chúng tôi lo sợ sẽ chìm vào mây lần nữa và chạm tới bến bờ ảo diệu của nhục cảm như trong quá khứ. Trong hai hộp sọ cấu tạo trẻ trung này, chỉ có một điều gặp nhau là nỗi sợ: bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng có thể chết trong ngôi nhà, trên căn gác lửng u ám này vì cóng, vì sự biến động của tia đất trong cơn nhiễu bão. Và nó - căn gác - vì bất cứ lý do gì - sẽ đổ ụp xuống và nước lũ cuốn chúng ta trôi đi, chìm xuống bùn lầy trong tư thế bám khíp chặt vào nhau như những bộ xương được phát hiện trong thành phố chôn vùi bên kia Thái Bình Dương. Những ý nghĩ ấy làm xen lẫn trong tôi cảm giác vừa âu lo vừa cuống quýt tận hưởng.
"Tiếng cây gãy, anh nghe không?"
"Làm gì có. Tiếng lá mục trôi khỏi máng xối."
"Không, rõ ràng là cây gãy. Cây xà cừ trước đường. Có cả tiếng người la, hình như thế…"
"Làm gì có. Tiếng mèo động đực. Khốn khổ con mèo nào động đực trước cơn bão. Có thể. Thật không đúng lúc… Có thể tiếng nhành cây mít cựa mình trên mái tôn."
"Em nghe rõ tiếng cây gãy mà. Ở vị trí cây xà cừ."
"Thôi thế cũng chả sao. Nhưng hình như loa phát thanh đã tắt rồi thì phải."
"Cây gãy, đứt dây điện, loa phát thanh tắt là đúng rồi."
Có thể cũng chả sai. Thường những cuộc tranh cãi dựa vào trí tưởng tượng ấy giữa tôi và nàng không có hồi kết và tôi luôn là người phải nhường nhịn. Điều đáng nói là cơn bão chưa hẳn đến. Và hai cặp chân vẫn đòng đưa… đòng đưa… trên thành gác lửng ót ét.
Điều đáng nói hơn là chiếc váy ngủ bằng lụa xám của nàng đã trật hẳn lên bụng, phơi chiếc quần lót màu trắng có những hình ren mềm mại. Loại quần lót bó chặt vào mông, không làm lộ những đường viền vẫn được quảng cáo hàng đêm trên tivi vào những giờ cao điểm. Bàn tay tôi vẫn tiếp tục khám phá sự ẩm ướt ở ngã ba giữa hai chân nàng. Và đôi khi điềm tĩnh chọn toạ độ khác ở phần trên cơ thể - hai nhũ hoa đang căng phây. Tôi khám phá sự rung động cũng như nín nhịn của cảm giác ở hai đầu vú không tốt cho bằng ở chính điểm ẩm ướt giữa hai chân loài người, giống cái.
Nàng nằm như một con cá thoải mái trên thớt. Và bàn tay tôi là một lưỡi dao bén ngọt lướt đi lướt lại trên mình con cá tự nguyện được hiến tặng cơn xung động của máu.
"Kìa, thêm một đám mây to xuất hiện. Có lẽ nó sắp bay vào phòng chúng ta."
Tôi dừng sự hoạt động của tay và nghiêng mắt nhìn ra cửa sổ. Một đám mây lớn hình lưỡi rìu đang bay qua vòm trời xám. Nó in lên khung cửa hai song dọc hai song ngang một viễn cảnh buồn bã nhưng có sự vận động biến ảo không ngừng trong bố cục và hình dung. Gió lạnh lướt theo nó cũng tràn vào căn phòng. Gió làm cho mọi chi tiết hình hài của đám mây thay đổi quá nhanh trong mắt của tôi và nàng. Nó từ hình ảnh lưỡi rìu đã biến thành một hình dung khác: chiếc quần lót phụ nữ bị bàn tay sàm sỡ nào đó xé rách tả tơi. (Hình dung này chợt đến có thể vì tôi đang chạm vào phần mềm nhất của chiếc quần lót thêu ren của nàng chăng?)
Văn phòng kiến trúc của tôi đóng cửa. Những dự án từ việc xây dựng khu chăn nuôi heo bền vững cho đến khởi công ngôi chùa trên đỉnh núi đều phải gián đoạn. Cũng thế, công việc trực máy, nhận fax ở bưu cục của nàng cũng phải ngưng lại. Chúng tôi đều háo hức chờ đợi và đón nhận cơn bão bằng tất cả những suy diễn tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, những diễn biến hời hợt lẫn sâu sắc của nó. Với một đôi tình nhân, điều này thực sự không đem lại ý nghĩa gì lắm cho độc giả. Nếu chúng tôi là vợ chồng cũng thế, ý nghĩa sâu sắc hay sự cuốn hút dấp dẫn và bài học rút ra từ nó chắc cũng chẳng có gì. Đó chỉ là ứng xử đợi chờ và đôi chút quan điểm lẫn nhục cảm của một câu chuyện không đầu không cuối.
Đến đây, điều cuối cùng mà bạn đọc quan tâm là:
1. cơn bão có đến hay không?
2. thiệt hại của nó cho đời sống trong thị tứ như thế nào? (số người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế ước tính ra làm sao?)
3. điều rút ra từ cơn bão này và đề ra phương pháp phòng chống những cơn bão sau.
4. một số người quan tâm đến sex sẽ tự hỏi: không biết bọn chúng có làm tình ngon lành, tới nơi tới chốn hay không trên căn gác lửng dở hơi ấy trong tiếng rèn rẹt trở lại của đài phát thanh với bản tin chiều thông báo hướng đi của cơn bão đã thay đổi; chính vì thế, dân ở đảo X. cách thị tứ này vài trăm hải lý đang bị dìm trong hoang tàn. Và đang có một đợt áp thấp khác len vào vùng đảo Philipin.
5. tất cả những điều trên thực sự không có ý nghĩa gì, vậy thì truyện ngắn này sinh ra để làm gì? Nó được viết lúc nào, trước, hay sau - bằng sự thất vọng trước việc đón tiếp cơn bão bất thành?
Vĩ thanh
Chúng tôi nằm trên căn gác lửng ấy đã nhiều năm. Trước nhiều bản tin áp thấp. Đó là thời gian cả hai cùng bị suy tim. Người ta nói nếu sinh ra và lớn lên ở vùng biển, chỉ cần có dấu hiệu áp thấp là tim người đập mạnh. Hay người sống gần đê, khi lũ về thể nào cũng có kẻ bị cao huyết áp, kẻ không kháng cự được cơ chế ấy sẽ chết trước khi lũ cuốn đi.
Câu chuyện được chuyển sang một hướng khác khi cơn bão không đến: chúng tôi nằm ôm nhau và ngủ say trong buổi chiều nhiều mây đen ấy. Và đợi cơn bão sau theo dự báo của bản tin tối. Chúng tôi chẳng có gì để dọn dẹp hay mất mát.
"Anh ơi, giá như những đám mây đen ngoài kia bay vào cửa sổ căn phòng của tụi mình và bủa kín mọi khoảng cách, vật dụng."
"Để làm gì?"
Nàng để lửng câu chuyện, không trả lời tiếp nữa. Nàng luôn có suy nghĩ riêng tư nào đó khó nắm bắt còn hơn những đám mây bải hoải ngoài kia. Và tôi hiểu, thật vô nghĩa nếu việc gì cũng đặt ra những câu hỏi, những lý giải, những bài học. Tuy nhiên, trong thời tiết này và trong tư thế hai cặp chân một trắng mịn đòng đưa, đòng đưa… những đám mây sẽ bay tiếp vào giấc ngủ của chúng tôi. Và trong đêm, chẳng may có cơn bão hay trận nham thạch nào đổi hướng tràn qua đây ngoài mọi dự báo thì tôi và nàng luôn tin chắc một điều: chúng tôi sẽ được đánh số cẩn trọng trong tư thế khít vào nhau khi chuồi vào lồng kính của viện bảo tàng dân tộc học vài triệu năm sau.
Sài Gòn 8.2007
© 2007 talawas
Các bài liên quan:
Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Ninh Thuận, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt, hiện là nhà báo ở TPHCM.
Tác phẩm: Nguyễn Vĩnh Nguyên có nhiều thơ và truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí giấy và điện tử. Anh có hai tập truyện ngắn đã xuất bản: Năm mười mười lăm hai mươi (Nxb. Hội Nhà văn 2005) và Khu vườn lưu lạc (Nxb. Văn nghệ 2007).