talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 26.10.2008


Đào HiếuVề đâu?


Dao Hieu
Đào Hiếu

Đào Hiếu

Về đâu?

Tiểu thuyết

Mục lục

Chương 1: Hello, ông nội
Chương 2: Người lính già trên đồng bưng
Chương 3: Một ông già, một con chó
Chương 4: Vương gia và người dẫn đường
Chương 5: Sự cám dỗ của quyền lực
Chương 6: Đứa con rơi của vương gia
Chương 7: Cô nữ sinh mười hai tuổi
Chương 8: Mạt lộ
Chương 9: Cây trúc mảnh mai của miền Tây
Chương 10: Ông chủ Nhật Bản
Chương 11: Ba phân cảnh ngắn
Chương 12: Bước ngoặt
Chương 13: Những cánh diều
Chương 14: Sinh nhật của lão già
Chương 15: Quà tặng cho Akinari
Chương 16: Săng-ta
Chương 17: Bóng tối và sự im lặng
Chương 18: Hai anh em
Chương 19: Giám đốc Minh và Akinari
Chương 20: Kết thúc vụ săng-ta
Chương 21: Cha, mẹ và con trai
Chương 22: Những đứa trẻ khóc
Chương 23: Buổi sáng trong vườn hoa
Chương 24: Trúc nằm trên võng
Chương 25: Akinari trở về Nhật
Chương 26: Tiếng gọi trên bến sông
Chương 27: Trở lại phồn hoa
Chương 28: Mặt đất đã thay đổi
Chương 29: Truyền giống
Chương 30: Lễ mừng thọ của vương gia
Chương 31: Ba ông già trên cù lao


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31


 

1. Hello, ông nội


Tôi đưa hai tay ra, đón lấy một sinh vật bảy ngày tuổi từ tay cô gái mười chín tuổi.

Đó là một con ấu trùng trong suốt, ngọ ngoạy và say ngủ. Một sinh linh mong manh, lấp lánh như giọt nước. Giọt nước đọng trên đầu ngọn cỏ, trong suốt, nhìn thấy cả bầu trời đựng trong nó.

Sự có mặt của đứa hài nhi trong căn nhà này không ai sắp đặt, không ai báo trước. Không biết từ đâu đến.

Sinh vật ấy hoàn toàn vô thức, vô ngã. Xinh tươi như cái chồi non. Như nụ mầm vừa cựa mình từ trong nách lá, lộ diện với trời đất.

Sinh vật ấy không thèm nhìn đời nên mắt không mở. Không có nhu cầu giao tiếp, không có nhu cầu đối thoại, không cần khám phá ngoại giới nên tuyệt đối im lặng.

Nó say ngủ, buông thả và mỉm cười.

Cô gái nói:

“Đây là con của anh Duy.”

“Vậy sao?”

“Dạ thưa, phải. Tức là cháu nội của bác.”

Mười lăm phút trước tôi là “cha”, bây giờ là “ông nội”.

“Còn cháu. Cháu là ai?”

“Là mẹ của bé.”

“Cháu tên gì?”

“Tên Mỹ Mỹ”

Tôi không biết có nên tin lời cô gái này không. Nhưng tôi không giận, mà lại tức cười. Và dường như lòng đang vui. Bởi vì tôi thích đứa bé này quá. Bất luận nó có phải là con của thằng Duy hay không. Đứa bé này rất lạ. Mỗi lần tôi đến gần là nó cười. Như thể nó đang muốn nói với tôi:

“Hello, ông nội! Bắt được ông nội rồi nhé.”

Tôi bảo cô gái sửa soạn chỗ nằm cho bé. Cô gái bối rối. Hoàn toàn trái ngược với sự thanh thản tuyệt đối của hài nhi. Nó nằm trên hai cánh tay tôi. Hoàn toàn phó thác. Hoàn toàn tin cậy. Và tôi cũng tin cậy nó. Không biết tình cảm ấy từ đâu đến. Như một món quà từ cõi trời ban xuống. Tôi đón nhận không chút do dự. Không ngạc nhiên.

Chỉ đến tối, thằng Duy về, tôi hỏi:

“Có phải con mày không?”

“Chắc vậy.”


*


Từ đó, nhà có thêm hai người. Có kẻ khuyên tôi nên cho em bé xét nghiệm ADN cho chắc ăn nhưng tôi không cần, bởi vì nó dứt khoát là cháu nội của tôi rồi. Thử ADN rủi nó không phải là con thằng Duy thì sao? Tôi phải mất nó sao? Quái quỷ, tôi lại rất sợ điều ấy.

Như một đứa trẻ, tôi đến cơ quan khoe tùm lum. Tay sếp của tôi cười tủm tỉm. Hắn nói: “Vậy là thằng con ông đã đem về một của nợ rồi!”. Tới lúc nghe câu nói ấy tôi mới tỉnh ngộ, thấy mình đã khoe mẽ một cách quá khờ. Và tôi “tốp” lại. Thắng gấp. Mặt sượng trân.

Nhưng về đến nhà, vừa tới cửa phòng cháu nội là hào quang đã tỏa sáng, lưng mọc hai cái cánh, bay bổng vô phòng như một thiên thần. Nó vẫn chưa thèm mở mắt, nhưng nó biết tôi về. Nó cười. Tôi nghe từ thinh không giọng của nó vang lên:

“Hello! Ông nội. Ông nội mới đi làm về hả?”

Tôi trả lời:

“Thưa cháu nội, ông mới đi làm về.”

Mỹ Mỹ nói:

“Cười suốt ngày. Ông nội ơi!”


*


Tôi ngạc nhiên về sự giao cảm thần bí giữa tôi và đứa hài nhi này. Chưa có ngôn ngữ. Chưa có cử chỉ. Không giao tiếp bằng mắt. Chỉ bế trên tay mà tâm hồn hai ông cháu đã chảy tràn vào nhau như hai mạch nước ngầm, hợp lưu thành một dòng suối. Tình yêu của tôi tràn ngập căn phòng, “phủ sóng” cả nhà, rồi cả tổ dân phố. Ai ai cũng bắt được tín hiệu của hai ông cháu.

Bảy tháng sau, khi bé biết ngồi thì “sóng đã phủ đến tận bên ngoại” ở Chợ Lớn.

Ngày nọ, có người đàn bà kém tôi vài ba tuổi xuất hiện. Mỹ Mỹ giới thiệu:

“Đây là mẹ cháu”.

Tôi ngồi, quan sát cái cách bà nựng cháu ngoại. Không có gì đặc biệt. Gương mặt mỏng, phảng phất một chút bí ẩn, một chút gượng gạo. Tôi hơi buồn vì nghĩ rằng rồi đây đứa bé sẽ chia sẻ tình thương của nó cho người đàn bà xa lạ này và tôi không chịu nổi cái cảm giác khi nó ngả vào lòng người đàn bà này và gọi: “Ngoại ơi!”.

Nhưng cái nỗi buồn vô danh ấy không đọng lại lâu. Bé đã biết bò và thích gặm nhấm mọi thứ như một con hải ly nhỏ. Và tiếng nói đầu tiên từ miệng bé không phải là “ba” hay “má” mà là “ông”.

Tôi muốn nâng trình độ tiếng Việt của bé lên một chút. Tôi nói: “Ông nội. Ông nội.” Nhưng không được. Tập suốt một tuần cũng chỉ: “Ông. Ông.” Dường như vần “ội” quá khó đối với một hài nhi bảy tháng tuổi.

Thực ra vào thời điểm đó, nhu cầu giao tiếp giữa chúng tôi chỉ cần một tiếng “ông”, kèm theo nụ cười và vòng tay nhỏ bé ôm lấy cổ.

“Ông” bao trùm lên vạn vật. Không có gì to lớn nhất trong vũ trụ mà không nằm gọn trong tiếng “ông”. Không có gì nhỏ bé nhất trong vũ trụ mà không chứa đựng tiếng “ông” bên trong nó. Tôi thích đồng hóa nó với tiếng “OM” trong Lục tự đại minh chân ngôn của Phật giáo Tây Tạng.

Nhưng có lẽ cháu nội cũng chẳng cần “chân ngôn” ấy.

Nó chỉ cần “vô ngôn”.

Im lặng và cười.


2. Người lính già trên đồng bưng


Nơi tôi đến là xã Vị Thủy. Hoàn toàn xa lạ. Đó là một vùng đồng ruộng chằng chịt kinh rạch, ở sâu tận trong ngóc ngách, xó xỉnh nào, cách Cần Thơ bảy tám chục cây số. Nhà cửa thưa thớt, dân cư đi lại bằng xuồng và bằng ghe máy.

Tôi không hiểu sao một tay đại úy bộ binh quân lực Việt Nam Cộng hòa như Quỳnh lại chọn cái nơi đồng không mông quạnh này mà sống đời.

Bình sinh hắn đâu phải tay vừa, từng làm đại đội trưởng biệt động quân, từng thoát chết trong vụ bao vây của Việt cộng với trận “mở đường máu” ngoạn mục không thua gì phim chiến tranh của Mỹ, vậy mà bây giờ xếp giáp quy hàng về nương náu chốn này.

Bức thư Quỳnh gởi cho tôi từ Vị Thủy phải mất hai tuần mới tới được Sài Gòn. Thư viết chỉ một câu: ”Tao sắp dỡ chà, mày xuống ăn cá.”

Trong khúc sông chảy ngang nhà, người ta thả xuống nhiều cành cây khô để “lót ổ” cho cá. Trên mặt nước rải đầy lục bình để che nắng. Sau một năm, cá về thường trú ở đó, con cháu đầy đàn. Đến ngày, người ta chỉ việc vây lưới chung quanh, dỡ lục bình đi, dỡ chà bỏ lên bờ. Rồi kéo lưới.

Đủ loại cá. Đủ kích cỡ. Cả xóm lăng xăng, không cần thuê mướn, không cần mời. Người ta xúc cá bằng thau, bằng xô nhựa, từng tốp đàn bà con gái xách thau cá chạy như vịt. Chủ nhà lo phân loại cá. Thương lái bu đến bằng ghe máy. Cân ký, chồng tiền. Trẻ con lấy que tre xiên những con cá lau kiếng, cầm trên tay làm đồ chơi, chạy giỡn quanh chuồng gà.

Trong đám con nít có một bé gái chừng sáu, bảy tuổi, hai tay cầm hai con cá lau kiếng. Nó đen thui nhưng xinh quá. Tôi hỏi:

“Con tên gì?”

“Tên Trúc.”

Lũ con nít đồng loạt kêu lên:

“Không phải đâu. Nó tên Ba Khùng đó.”

Tôi bế cô bé lên, dỗ dành:

“Tên Trúc đẹp lắm. Con là gì của ông Quỳnh?”

“Cháu ngoại.”

Xế chiều, tôi hỏi người bạn:

“Sao tụi con nít gọi cô bé là Ba Khùng vậy?”

“Nó hay khóc nhè. Mỗi lần rầy nó là nó khóc cả ngày. Dỗ không nín. Trốn ra sau vườn ngồi dựa gốc ổi khóc tiếp. Khóc đã rồi ngủ. Tới chiều tối bị muỗi bu lại cắn, mới chịu vô nhà.”

“Con nhỏ lớn lên nó sẽ xinh lắm đấy. Ráng cho nó đi học. Đừng để nó dốt. Tội nghiệp.”

Mặt trời lặn rồi mà chòm xóm còn náo nhiệt. Hết sức vui. Tưởng “hốt bạc”, té ra năm trăm ký cá bán được có năm triệu đồng, chi phí cơm, rượu, thuốc lá, cà phê cho bà con hết hơn một triệu…

Quỳnh nói:

“Không giàu có gì. Nhưng mà vui. Ở thành phố dễ gì có cảnh này.”


*


Buổi tối chỉ còn lại tôi và người bạn. Một chút trăng non. Một chút gió sông. Một lít rượu gạo. Và một con cá lóc nướng rơm.

Ba mươi năm đọng lại trong một khoảng không sáng đục, được định vị bởi một vòm trời có tàng cây đen viền xung quanh, và một mặt đất cằn khô, lởm chởm, trải lên manh chiếu rách.

Quá khứ đang chảy về cái thung lũng phi thời gian ấy. Nó như một cái “lỗ đen” hút tất cả mọi hoài niệm, mọi buồn vui, gian khổ và tủi nhục vào cái cay nồng đắng nghét của ly rượu gạo đục ngầu nơi bưng biền nước nổi.

Năm hai mươi tuổi tôi vào đại học. Quỳnh rớt tú tài phần II nên bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức.

“Tao thật may mắn, Quỳnh nói, lúc giải phóng vô, với lon đại úy chắc chắn tao phải đi cải tạo mười năm. Ai dè vô trại cải tạo mới hai tuần thì lù lù một ông cán bộ đến lãnh về. Đó là cậu vợ, mới được cử về làm bí thư xã.”

Coi như trận đó nó thoát chết nhưng cứ mỗi lần thấy công an thấp thoáng đầu ngõ là tim đập thình thịch.

Tôi hỏi:

“Có việc gì mà đại úy sợ dữ vậy?”

“Có một bí mật. Nhưng tao không nói đâu.”

Và nó chôn chặt bí mật đó trong lòng suốt nhiều năm nay. Tôi cụng ly và uống cạn với nó.

“Đại úy Quỳnh ơi!” Tôi nói, “Đã hai mươi năm rồi. Tại sao một đại đội trưởng mũ nâu lừng lẫy như mày lại về cày ruộng ở cái chốn khỉ ho cò gáy này? Tại sao mày không đi Mỹ theo diện H.O? Tại sao mày không đem vợ con về quê?”

Quỳnh rót rượu cho tôi.

“Bạn bè cùng khóa sĩ quan với tao đứa nào cũng được đi Mỹ theo diện H.O, chỉ có tao là bị Mỹ từ chối.”

“Vì sao?”

“Vì Mỹ nó chỉ nhận những thằng cải tạo từ ba năm trở lên. Tao đi cải tạo có hai tuần. Cho nên phải cày ruộng gần hai mươi năm nay.”

“Nhưng chuyện mày không được đi Mỹ có gì là bí mật?”

“Đúng vậy. Mày có biết tại sao tao không dám về quê?”

“Tại sao?”

“Vì một món nợ máu.”

“Nợ máu à? Những thằng hiền khô như bọn mình mà cũng có nợ máu sao?”

“Đó chính là cái ‘chó đẻ’ của chiến tranh. Hồi đó tao cũng là thằng học sinh nghèo như mày. Rồi chỉ vì thi rớt mà trở thành chuẩn úy. Rồi đụng mấy trận, thành đại úy đại đội trưởng.”

“Nhưng nợ máu gì vậy?”

“Hồi đó đại đội tao đóng trên một ngọn đồi thấp. Việt cộng bao vây ngay đêm giao thừa. Tụi nó cũng chừng một đại đội, nhưng đủ quân số. Còn đại đội của tao chỉ có tao, một thằng trung sĩ giữ kho đạn và chín thằng lính. Mày thử tưởng tượng cả đại đội chỉ còn 11 thằng. Số còn lại đều trốn về nhà ăn Tết.

Quét đèn pha qua một lượt, thấy vi-xi nằm đen kịt, trang bị B40, AK47. Tụi lính của tao run lập cập. Có đứa khóc mếu máo: ‘Đại úy ơi, phen này chắc chết hết.’

Tao cũng có hơn gì nó. Nghĩ, đù má, tại sao mình lại lâm vào tình cảnh này. Trong số những thằng vi-xi đang vây ngoài kia chắc chắn cũng có những đứa từng là bạn cùng lớp với mình. Ai đã đặt tao vào cái thế quyết tử, cái thế một mất một còn này?

Nhưng lúc đó không có thời gian dành cho những câu hỏi như vậy. Súng đã nổ. Tiếng AK47 chưa bao giờ ghê rợn đến như vậy. Nó đanh, khô và lạnh. Bao cát tung tóe. Đạn B40 trùm lửa lên các nóc hầm.

Tao gọi thằng trung sĩ giữ kho đạn lại. Nó hỏi:

‘Tính sao. Đại úy?’

‘Gọi hết cả chín thằng lại đây.’

‘Chỉ còn bảy.’

Tao đã ra lệnh. Đù má, tao không còn cách nào khác ngoài một cái lệnh tàn khốc:

‘Đem hết tất cả các thùng lựu đạn ra đây. Mỗi đứa ôm một thùng. Ném súng đi. Chỉ chơi lựu đạn thôi. Tao đi đầu. Trung sĩ Trọng khóa đuôi. Bảy thằng tụi bay ở giữa. Cự ly 4 mét. Ném lựu đạn ra hai bên. Mở đường máu.’

Thế là nhào tới như những con thú dữ. Tiếng gầm của lựu đạn và mùi thuốc súng làm tụi tao say máu. Không mảy may sợ chết. Tao vừa ném lựu đạn vừa chạy trong lửa và khói. Mặt đất rung chuyển. Lựu đạn nổ kéo theo tiếng gầm ghê rợn của mìn claymore đã được gài sẵn ngoài rào phòng thủ. Những tiếng rú bị chìm khuất trong tiếng mìn sát thương. Tiếng AK47 thưa dần. Một trái B40 bùng lên, hất trung sĩ Trọng lên cao như miếng giẻ rách. Tao cũng không hiểu tại sao tao còn sống. Trọng chết rồi. Bảy thằng lính còn ba. Và tao nữa là bốn. Đại đội vi-xi gần như bị xóa sổ. Xác hai bên nằm la liệt. Bốn thằng tụi tao cố lết về khu an toàn thì trời vừa rạng sáng. Mệt đến nỗi không biết mình có bị thương không. Tụi tao nằm ngửa trên vùng đất khô cứng đầy những mảnh đá ong vỡ vụn.

Tất cả đều khóc.”

Quỳnh nổi điên, ném cái chén xuống dòng sông, cầm chai rượu lên tu một hơi. Nói tiếp:

“Đó là trận đánh khủng khiếp nhất trong đời tao. Và cũng là một trong những trận đánh ấn tượng nhất, nổi tiếng nhất của sư đoàn 22. Tất nhiên tên tuổi đại úy Quỳnh cũng trở nên lừng lẫy. Và cũng vì thế mà phải lìa bỏ quê hương.”


3. Một ông già, một con chó


Tôi vội vàng, chỉ kịp ghé cửa hàng đồ chơi mua một quả bóng nhựa rồi đi xe ôm về nhà. Tôi gọi cửa nhưng không ai mở, đành lục xách lấy xâu chìa khóa.

Căn nhà im lặng. Các phòng đều đóng cửa. Tôi nhìn vào lỗ khóa. Chỉ có bóng tối. Tôi gọi điện cho Duy:

“Sao không có ai ở nhà vậy?”

“Nó ẵm con đi mất hai ngày nay rồi.”

“Đi đâu?”

“Không biết. Không nói gì cả, cũng không viết thư để lại.”

“Chắc nó bế con về ngoại chớ gì?”

“Không biết”

“Thế con có biết nhà bà ngoại nó ở đâu không?”

“Không.”

Tôi đứng không vững.

“Trời ơi. Chẳng lẽ mất con nhỏ sao? Hãy cho ba một cái địa chỉ nào đó chứ. Nhà của chị nó, dì nó, hay bạn của nó chẳng hạn…”

Thằng Duy cho tôi một cái địa chỉ của bạn con Mỹ Mỹ ở Bình Thạnh. Tôi vứt hành lý ngay cầu thang, lấy xe đi liền.

Đó là một căn gác gỗ trong xóm lao động. Một cô gái trạc tuổi Mỹ Mỹ thò đầu ra lan can nói vọng xuống:

“Lâu lắm rồi Mỹ Mỹ không đến đây. Nhưng có chuyện gì vậy, bác?”

“Mỹ Mỹ nó bế con đi đâu mấy ngày nay. Theo cháu thì nó đi đâu?”

“Cháu không biết. Hay là bác lên Bàn Cờ gặp Út Vân thử coi. Hai đứa nó thân nhau lắm.”

Tôi đi vòng vòng khu Bàn Cờ. Hỏi địa chỉ của Út Vân, không ai biết.

Suốt buổi chiều tôi ngồi thẫn thờ trên võng. Bụng đói nhưng không ăn được. Duy nói:

“Ba yên chí đi. Thế nào nó cũng ẵm con về.”

“Sao mày biết?”

“Vì tiền đâu nó nuôi nổi con nhỏ?”

Có thể coi đó là một tia hy vọng. Nhưng mười ngày trôi qua mà không có tin tức gì. Tôi cứ lẩn quẩn quanh chiếc điện thoại. Giống hệt một vụ bắt cóc. Nhưng không thể đi báo công an được vì Mỹ Mỹ là mẹ của bé. Không thể nói đây là một vụ bắt cóc.

Đến ngày thứ mười lăm thì một giọng nói ngọt ngào vang lên trong điện thoại:

“Chào ông nội. Ông nội khỏe không?”

“Khỏe hay không thì con thừa biết. Bao giờ hai mẹ con về?”

“Con muốn về lắm. Nhưng ông bà ngoại của bé không cho. Ông nội ơi. Gia đình con nghèo thật nhưng mẹ thì phải nuôi con thôi, con không thể xa con của con được đâu.”

Tôi bảo tôi chấp nhận nó làm con dâu và gọi nó về nhưng nó không chịu. Nó nói nó không thích thằng Duy. Thằng con tôi cũng thế. Hai đứa chỉ như kẻ qua đường.

“Nhưng con phải đem bé về đây chứ. Gia đình bác có điều kiện nuôi dạy bé tốt hơn nhiều.”

“Vậy thì để con hỏi lại ba mẹ con đã.”

Rồi nó cúp máy. Như ông thần đèn vừa hiện ra bỗng biến mất giữa thinh không, có trời mà biết ông ta đi đâu.

Ba ngày sau thần đèn lại hiện ra:

“Ông nội ơi! Ông ngoại của bé muốn mời ông nội lên nhà chơi.”

Chỉ trong một phần ngàn giây tôi đã có mặt ở đó. Một cái cầu thang hẹp và tối. Những bậc cấp xi măng nham nhở dẫn đến một căn phòng lù mù, âm u và ẩm mốc. Ngọn đèn duy nhất chỉ to bằng quả bóng bàn treo lơ lửng giữa nhà. Một người đàn ông ốm nhom nhe răng cười với tôi và mời tôi ngồi xuống cái ghế gỗ ọp ẹp. Nhưng tôi không ngồi. Tôi hỏi:

“Bé Vi đâu?”

Ngay lúc ấy tôi nghe tiếng sột soạt, và tiếng thở sụt sịt vì nghẹt mũi từ trong xó tối. Tôi bước đến và nhận ra cháu nội đang ngồi im thin thít. Tôi bế bé lên, và đẩy cánh cửa sổ.

Bé Vi nhìn tôi, không chớp mắt. Rồi bỗng nhiên nó đưa ngón tay chỉ vào trán tôi. Nó gọi:

“Ông nội!”

Tôi ôm siết nó vào lòng. Cuối cùng thì bé đã gặp ông nội. Và cuối cùng thì bé đã phát âm được tiếng “nội” mà trước đây không tài nào bé nói được.

Cháu nội nhìn tôi khóc. Nó quan sát những giọt nước mắt đang ứa ra, long lanh, rồi lăn xuống má. Có lẽ nó tưởng đó là những hạt thủy tinh nên nó dùng hai ngón tay mà bốc. Những giọt nước mắt cứ vỡ ra, không bắt được, không giữ được.

Trong ánh nắng xế vừa hắt vào từ cửa sổ, tôi nhìn thấy một khuôn mặt tái mét, ủ rũ và héo hắt.

Người đàn ông đặt một ly nước trước mặt tôi. Rồi ông ta cứ lục đục làm cái gì đó trong toa lét. Tôi nói:

“Anh à. Tôi thấy anh sống thế này mà phải lo cho một đứa nhỏ thật là khổ. Nhà tôi có điều kiện tốt hơn. Anh để cho tôi nuôi cháu đi.”

Người đàn ông lại nhe răng cười:

“Không được. Phải hỏi ý kiến mẹ nó.”

“Vậy Mỹ Mỹ đâu?”

“Tôi không biết. Có khi nửa đêm nó mới về. Có khi gần sáng. Có khi bốn năm ngày nó mới về một lần.”

“Thế thì ai cho bé bú? Thay tã? Tắm rửa?”

Tôi thấy ngứa ngáy, liền đưa chân ra ngoài sáng, thì thấy lông chó bám đầy. Tôi khám tay chân của bé cũng đầy lông chó.

“Anh nuôi chó sao?”

“Để giữ nhà.”

“Trời ơi! Thế này thì không xong rồi. Anh cho tôi mượn cái chổi.”

Tôi mở thêm một cánh cửa sổ nữa, cởi áo và quần dài. Tôi quét nhà, lau nhà, lau bàn ghế, chùi cầu tiêu, xếp quần áo, rửa chén bát… Vừa làm vừa giận sôi máu. Nghĩ mình suốt đời cứ bị phái nữ nó đì. Hồi còn trẻ thì nghèo quá nên thất tình, điêu đứng vì phái nữ. Khi có gia đình thì bị vợ kiểm tra giờ giấc, đi lại… như một anh tù chính trị bị quản thúc tại gia. Đến giờ đã già rồi tưởng thoát nạn, té ra lại gặp một “phái nữ” tự kiếp nào về đầu thai làm “cháu nội”, bị người ta bắt cóc, làm khó dễ, không biết vụ việc sẽ diễn tiến thế nào nhưng mở màn kiểu này chắc chắn là bi kịch rồi!

Tôi không muốn rời cháu nội. Nhưng tôi cũng không thể ở lại đây mãi được. Đến tối, tôi ru bé ngủ rồi lén về. Cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả nào.

Từ đó mỗi ngày tôi từ Sài Gòn lên Chợ Lớn ba lần: sáng, trưa, tối. Tôi đi như đi thăm nuôi ở trại cải tạo. Sáng dậy sớm, xách giỏ đồ lên thăm cháu một lúc rồi vội vàng đến sở làm. Trưa mua cái bánh mì, vừa chạy xe vừa ăn. Vượt mười cây số đường phố kẹt xe, toát mồ hôi. Lại quay về sở làm lúc hai giờ. Chiều tan sở, thong thả hơn, ở chơi với cháu nội lâu hơn.

Nhưng nụ cười của bé vẫn héo hắt. Từ một thế giới đẹp đẽ, sáng sủa, nhiều đồ chơi, bỗng rớt vào cái xó tối mù mịt. Sống chung với một lão già và một con chó.

Ông nội tự nhiên biến mất. Mẹ cũng biến mất. Ba cũng biến mất. Lạy Chúa! Một đứa hài nhi mong manh làm sao có thể chịu đựng nổi sự thay đổi đột ngột và tàn nhẫn như vậy?

Tôi đã cố làm cho bé cười, nó nể tôi, chỉ nhếch môi một chút nhưng mặt buồn hiu.

Một tuần sau Mỹ Mỹ gọi tôi và nói rằng mẹ cô muốn mượn tôi một ngàn đô la để trang trải nợ nần. Tôi đồng ý ngay lập tức và hẹn ngày chồng tiền. Con trai tôi phản đối. Nó giựt cái điện thoại và hét lên:

“Cô muốn tống tiền hả? Giữ lấy mà nuôi đi! Dám không?”

Tiếng Mỹ Mỹ ở bên kia đầu dây:

“Dại gì nuôi. Ngay ngày mai tôi đem thảy vô viện mồ côi.”

Tôi hốt hoảng. Giằng lấy cái điện thoại:

“Bác lạy con! Bác sẽ đem tiền đến trong vòng ba mươi phút.”

Chưa tới ba mươi phút tôi đã đứng ngay đầu cầu thang rồi. Nhưng căn phòng trống trơn. Chỉ có con chó nhỏ ra đón tôi. Nó cũng chẳng thèm sủa. Chỉ ngửi ngửi cái chân tôi rồi bỏ đi, lẩn mất trong xó tối.


*

Sáng hôm sau tôi nhận được một cú điện thoại, không phải của Mỹ Mỹ mà là của “bà ngoại”.

“Chào anh sui. Anh khỏe không?”

“Bé Vi đâu? Tôi có tiền cho chị đây.”

“Trời ơi. Anh làm như tôi là kẻ tống tiền. Tôi chỉ mượn anh thôi, rồi tôi sẽ trả.”

“Nhưng sao tôi đến không gặp ai cả?”

“Thằng con anh nó ăn nói bậy bạ quá. Tôi chỉ muốn dạy nó một bài học thôi.”

“Cám ơn chị. Bây giờ gặp chị ở đâu?”

“Anh cứ đến vườn Tao Đàn, chỗ có cầu tuột. Mỹ Mỹ nó đang chơi với bé Vi ở đó.”

Tôi chưa kịp nói cám ơn thì bà đã nhắc:

“Nhớ đem theo ngàn rưởi đô nhé.”

“Ủa, hôm trước nghe Mỹ Mỹ nói một ngàn đô mà.”

“Nó nói lộn. Tôi cần một ngàn rưởi đô. Tôi cũng sẽ trả cho anh bằng tiền đô.”

Vở kịch kết thúc như vậy. Đúng ra đó chỉ là một tiểu phẩm bi hài có phần đơn giản, nhưng với tôi nó là một biến cố, một dấu ấn sâu sắc không bao giờ phai mờ.


4. Vương gia và người dẫn đường

Giám đốc Sở thương nghiệp Huỳnh Thị Thu bốn mươi tuổi, tự lái xe đến tìm tôi vào lúc mười giờ sáng.

“Nghe nói cháu nội anh bị bắt cóc?”

“Không phải bắt cóc. Chẳng qua bà ngoại nó kẹt tiền muốn mượn anh vài triệu bạc. Cô đến đây vì vụ đó à?”

“Đến thăm anh. Và mời anh đi ăn trưa.”

Bàn ăn đặt trong sân vườn, yên tĩnh, sang trọng. Thu nói:

“Chắc tụi này phải ly hôn.”

“Sao căng vậy?”

“Ảnh không quên được chuyện cũ. Suốt ngày im lặng. Như một người trầm cảm.”

“Nhưng nó có thương thằng Huy không?”

“Có. Nhưng với em thì im lặng. Suốt ngày im lặng.”

“Nó có biết thằng Huy là con của lão vương gia không?”


*

Biết. Và đó là nghiệp chướng. Đạo Phật hiểu nghiệp chướng như là một món nợ phải trả cho kiếp trước.

Kiếp trước tôi đã nợ gì ông ấy? Kiếp trước ông ta là ai? Một quan lại, một bá hộ hay chỉ là một kẻ phong tình?

Kiếp trước ông ta là ai mà kiếp này quyền lực bao trùm thiên hạ? Ông không lộ diện nhưng có mặt khắp nơi, nhắc tới tên ông thì mọi người đều run sợ.

Theo tin đồn thì ông thuộc dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, mang họ Nguyễn Phúc, một trong những đứa cháu của vua Đồng Khánh, nhưng trong phòng riêng của ông lại treo ảnh vua Hàm Nghi, em ruột vua Đồng Khánh, vì Hàm Nghi chống Pháp còn Đồng Khánh là một ông vua thân Pháp. Về sau này, khi đất nước thống nhất thì trong phòng khách của tư dinh ông cũng có treo ảnh vua Hàm Nghi cạnh ảnh cụ Hồ. Chính vì thế mà khi còn ở trong rừng mọi người đều gọi ông là “vương gia”.

Ít ai được thấy mặt vương gia. Ông như cái bóng chập chờn sau tấm vách nylon mờ đục. Rừng thì đen kịt, ngửa bàn tay không thấy, nhưng trong căn lều của ông, ngọn đèn dầu vẫn in rõ cái bóng lên vách. Ông đi lại. Ông nghe đài. Ông đọc báo cáo. Ông uống trà. Và ông chờ tôi.

Lúc ấy tôi đang ở mé rừng. Trời mới chạng vạng. Giao liên bàn giao tôi cho người dẫn đường.

Đó là một người đàn ông lạnh lùng, Một chiếc quần kaka sờn rách. Áo bà ba đen và một cái khăn rằn quấn quanh cổ. Khẩu AK mang sau lưng, mũi súng chĩa xuống đất. Anh ta ngồi đợi trên doi đất nhỏ cạnh mé nước.

“Chào đồng chí”, tôi nói. Nhưng anh ta làm thinh, ra hiệu cho tôi đi theo. Hai người băng qua những vườn xoài thấp. Trong bóng tối, lối mòn châu thổ vẫn ánh lên một màu trắng đục vì thế chúng tôi đi khá nhanh. Tới một cái chốt kiểm soát, người dẫn đường nói mật khẩu rồi đi qua cây cầu khỉ.

Thấy người đàn ông lầm lí quá tôi bắt chuyện:

“Đồng chí là người ở đây?”

“Không. Tôi là Bắc kỳ.”

“A, bộ đội?”

“Không phải bộ đội. Bắc kỳ di cư.”

Câu trả lời lạ quá làm tôi không dám hỏi nữa. Đột nhiên có tiếng động cơ rất lớn từ sông cái tràn vô. Người dẫn đường ra hiệu dừng lại, nghe ngóng. Tiếp theo là tiếng loa phóng thanh vang trên mặt sông:

“Hỡi các cán binh cộng sản. Các anh đã bị bao vây. Quân lực Việt Nam Cộng hòa sắp tấn công càn quét khu căn cứ này. Hãy ra hàng, nếu không các anh sẽ bị tiêu diệt.”

Lập tức trực thăng quần đảo ngay trên đầu. Người dẫn đường nắm tay tôi chạy nhanh đến một chốt vũ trang.

“Cho cô này xuống HBM.”

Tổ trưởng vũ trang nói:

“Còn một cái cuối cùng. Hai đồng chí xuống đi.”

Anh ta đỡ tôi xuống rồi nhảy theo. Kéo nắp hầm đậy lại. Hơi đất ẩm và bóng tối làm tôi ngộp thở. Người dẫn đường nói:

“Bây giờ không phải lúc ngại ngùng đâu. Đừng đứng sát vách đất. Hãy nép vào tôi đi. Sẽ thấy dễ thở hơn.”

Đó là kinh nghiệm chiến trường. Bao giờ một nam một nữ ở chung hầm bí mật cũng có nhiều hy vọng sống sót hơn là hai người đồng giới tính. Quả nhiên hơi ấm của tấm lưng người đàn ông làm tôi thấy dễ chịu hơn. Trên mặt đất súng nổ lẻ tẻ. Chỉ một lúc sau đại liên từ trên trực thăng bắn xuống áp đảo. Cành xoài gãy răng rắc. Tiếng chân chạy nặng nề ngang qua miệng hầm. Cũng may căn cứ này đóng trên một địa hình sông nước nên xe tăng không vào được.

Có tiếng chân nhiều người khuấy động mặt đất bên trên. Người dẫn đường rút chốt lựu đạn cầm ngay trước ngực. Anh nói nhỏ vào tai tôi:

"Nếu tụi nó 'xăm’ trúng miệng hầm thì tôi sẽ bung nắp hầm lên, ném lựu đạn và dzọt lẹ ra bờ sông nhé. Cô biết bơi không?”

Nhưng những bàn chân mang giày “xô” đã đi xa dần. Một đợt trực thăng nữa đảo tới. Đạn M60 lại trút xuống như sấm sét. Nắp hầm rung chuyển. Tôi co rúm lại.

Không biết trận càn kéo dài bao lâu vì sự gầm thét của bom đạn đã làm lu mờ mọi khả năng phán đoán. Khi chiến trường im tiếng súng, người dẫn đường hé nắp hầm nhìn lên thì thấy trời đã sáng.

Chúng tôi lại lên đường. Người đàn ông lấy lương khô đưa cho tôi. Lúc hai người đối mặt nhau tôi ngạc nhiên khi nhận ra một chàng trai đẹp đẽ, nho nhã. Tôi hỏi:

“Anh tên gì?”

“Trần Vũ.”

“Sao buồn quá vậy?”

“Không.”

Lại cắt rừng mà đi. Rừng sáng. Thưa thớt.


*


Sau bữa cơm chiều, nhà văn Đức Hải đến gặp tôi:

“Sao? Ở luôn đây được không?”

“Mọi người ở được thì em ở được.”

“Vậy mà có người muốn chiêu hồi đấy. Cô phải cẩn thận chớ nên tiếp xúc nhiều.”

“Ai vậy?”

Ông nhà văn liếc nhìn về phía Trần Vũ lúc đó đang nằm trên võng hút thuốc lá. Tôi nói:

“Đồng chí ấy có vẻ bí ẩn.”

Đức Hải cười khô một tiếng rồi quay lưng đi. Mười Thảo tiến lại chỗ tôi.

“Em cho chị cây đèn dầu. Ở trong rừng phải có 3 chữ Đ. Đó là Đèn, Đài và Đùng.”

“Đùng là gì?”

“Là súng. Rồi chị cũng sẽ có một khẩu.”

Tôi hỏi:

“Anh Trần Vũ là nhà văn hả?”

“Ảnh là trung úy ngụy đấy. Tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt nhưng ghét Mỹ ngụy nên bỏ vô đây. Ban đầu ảnh viết văn, viết báo hăng lắm. Rất phong độ.”

“Sao thấy ảnh buồn?”

“Người ta không tin ảnh. Bị theo dõi. Bị kiểm điểm. Bị ông Đức Hải bắt khai lý lịch hoài.”

“Tại sao?”

“Vì nghe đài BBC. Ảnh nói với em là lúc đầu ảnh rất tự hào về sự chọn lựa. Bây giờ thì tấn thoái lưỡng nan. Em thấy ảnh như bị thất chí, bị trầm cảm. Em nghĩ tại sao người ta lại đối xử với ảnh như vậy? Người bình thường theo cách mạng thì ‘tốt’ có một lần. Người bên kia chiến tuyến mà theo cách mạng thì phải ‘tốt đến hai lần’. Chị có đồng ý với em không?”

“Chị chưa hiểu nhiều về ảnh.”


*


Đèn trong căn nhà lợp lá trung quân ấy được thắp sáng đầu tiên. Vương gia đang ngồi uống trà. Hình như trên tay có cầm một cuốn sách. Theo lịch làm việc, tối nay tám giờ tôi phải đi gặp ông.

Tôi nghĩ nếu mình bước vô căn phòng ấy thì mình cũng sẽ là một cái bóng. Những người đứng bên ngoài cũng sẽ nhìn thấy bóng tôi in trên bức vách làm bằng tấm nylon xám đục. Tuy nhiên khi tôi bước vô thì ngọn đèn dầu đã được dịch ra sát của sổ, vì thế ở ngoài nhìn vào chỉ thấy có vùng sáng của ngọn đèn.

Vương gia ngồi trên cái ghế tre, ra hiệu cho tôi ngồi đối diện. Ông hỏi tôi về công tác thanh niên ở đô thị, và đặc biệt chú ý đến những cán bộ Đoàn đang hoạt động dưới danh nghĩa Phật giáo. Tuyệt nhiên ông không đả động gì đến chồng tôi hiện bị tù Côn Đảo. Ông chỉ nói:

“Rất tiếc là cháu đã bị lộ. Chú đã bố trí một đồng chí khác về thay chỗ của cháu. Cháu sẽ đảm nhiệm công tác khác, quan trọng hơn. Còn bây giờ đã đến đây thì mọi việc có chú lo. Chú coi cháu như con nuôi vậy.”

Ông đứng lên, đưa tay ra. Tôi bắt tay ông, và trong động tác ấy tôi cảm thấy có một lực kéo rất nhẹ, nó giống như một sự khuyến khích hơn là cưỡng ép.

Ông vuốt tóc tôi bằng những ngón tay dịu dàng. Tôi không dám cưỡng lại. Tôi để yên một lúc rồi gỡ nhẹ tay ông và bước ra ngoài đêm.

Lúc ấy ngoài mé rừng nhà văn Đức Hải xách đèn pin đi rảo một vòng khu lán trại. Bao giờ ông ta cũng dừng lại chỗ gốc cây bằng lăng cách võng của Trần Vũ chừng bốn mét. Và lắng nghe.

Mọi tối, giờ này, Trần Vũ thường nghe đài BBC nhưng bữa nay hắn nghe cái đài quái gì lạ hoắc. Đức Hải nhích tới mấy bước, cũng không nghe được, bèn tới sát võng.

“Ông nghe cái gì vậy?”

Im lặng.

“Nghe bằng tiếng Mỹ thì ai mà hiểu. Có chửi Đảng cũng chẳng ai biết.”

Trần Vũ chẳng buồn ngoái lại. Anh chỉ nói:

“Không phải tiếng Mỹ. Tiếng Pháp.”

“Tiếng Pháp lại càng phức tạp.”

Nói xong thì bỏ đi.

Ngang qua căn nhà của lãnh đạo, thấy cái bóng của vương gia đi qua đi lại, Đức Hải vội vàng tắt đèn pin và bước lẩn vào trong bóng tối.

Tôi thả bộ, đi về phía Trần Vũ.

“Em có món quà nhỏ cho anh.”

“Cô nên về ngủ đi. Tôi muốn nằm một mình.”

Nhưng tôi đã sấn tới mấy bước và thảy gói thuốc lá lên ngực anh.


*


Trong buổi họp, Đức Hải nói:

“Nhân danh bí thư tôi đề nghị đồng chí Vũ nộp lại cái đài cho cơ quan. Nhiều đồng chí cần đài mà không có.”

Trần Vũ mở thắt lưng lấy cái radio, đặt ngay trước mặt mình.

“Còn khẩu súng và cây đèn dầu, anh có muốn tịch thu nốt không?”

Đức Hải nói:

“Khi nào cần, tôi sẽ thông báo.”

Cuối buổi họp Trần Vũ ra gốc cây ở sau bếp ngồi hút thuốc. Đó là gói thuốc tôi cho anh tối hôm qua. Tôi thấy ái ngại cho anh. Tôi đến gần và nói:

“Anh không nên sống đơn độc như thế.”

“Tôi không sống đơn độc. Tôi bị cô lập. Thu không biết rằng tôi đã vào rừng bằng một tâm tình rất đẹp, và bằng hào khí của một chàng tráng sĩ sao? Thu không biết rằng một sĩ quan tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt tương lai sẽ có thể trở thành tướng lãnh sao? Vào đây tôi chỉ muốn làm một anh du kích mà còn bị nghi ngờ. Còn gì bẽ bàng hơn thế không?”

Lúc ấy có tiếng Đức Hải gọi:

“Đồng chí Thu. Vương gia cần gặp.”


*

Đó là đêm định mệnh. Về sau này tôi đã tự vấn lương tâm tại sao đêm ấy tôi lại không chống cự quyết liệt để cuối cùng chịu thua trước lão già ấy? Hình như tôi đã bị sự tác động của cái câu lão hứa hẹn vào đêm đầu tiên tôi gặp lão:

“Chú đã bố trí một đồng chí khác về chỗ của cháu. Cháu sẽ đảm nhiệm công tác khác, quan trọng hơn.”

Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ có thể thay chỗ của chồng, làm bí thư thành đoàn Cần Thơ… nên sau cú đẩy yếu xìu lên ngực lão, tôi đã nằm bất động trên cái chõng tre lót nệm gòn rộng chừng một mét.

Trong nhiều năm, tôi vẫn tự biện hộ rằng đêm đó mình không làm rùm beng chỉ vì muốn bảo vệ uy tín cho lãnh đạo, vì điều đó rất cần cho kháng chiến. Nào ngờ, sau ngày thống nhất, gặp lại các nạn nhân của lão, tôi mới biết rằng họ cũng dùng cái lý do cũ rích ấy để tự biện hộ cho mình.

Sáng hôm sau, có tin Trần Vũ mất tích. Người ta túa ra đi tìm. Còn nhà văn Đức Hải thì ngồi viết báo cáo là Vũ đã chiêu hồi. Báo cáo viết chưa xong thì có người phát hiện anh nằm ngoài bờ suối trong tình trạng sốt cao. Tôi nấu cho anh một nồi cháo cá và cùng với Mười Thảo thay phiên nhau chăm sóc.

Vài bữa sau, Vũ đã khá hơn. Đức Hải đem trả lại cho anh cái radio.

Khi ông ta đi rồi tôi bảo Vũ:

“Thấy mất anh, người ta nói anh đi chiêu hồi.”

“Cô có tin không?”

“Nửa tin nửa ngờ.”

“Vậy tôi kể cho cô nghe một giai thoại trong truyện Tam Quốc nhé. Tào Tháo có tội, phải đi trốn, tráng sĩ Trần Cung theo giúp. Hai người đến nhà một người bạn tên Bá Xa, được ông này mời nghỉ lại, rồi đi mua rượu về thết đãi. Hai người nằm trốn trong phòng, chợt nghe bên ngoài có tiếng gia nhân nói: ‘Bắt trói nó lại và giết đi.’ Tức thì xông ra, gặp ai chém nấy. Khi ra nhà sau, thấy con heo bị trói đang nằm dưới đất thì biết mình đã giết lầm người. Bèn lên ngựa bỏ chạy. Giữa đường gặp Bá Xa đi mua rượu về Tào Tháo bèn chém chết luôn. Trần Cung nói: ‘Lúc nãy ta đã giết lầm bao nhiêu người, sao bây giờ lại còn giết nữa?’ Tào Tháo nói: ‘Thà mình phụ người chớ đừng để người phụ mình. Nếu không giết, nó về thấy người nhà chết hết nó sẽ đi tố cáo. Ta thoát sao được?’ Trần Cung thấy Tào tháo là kẻ bất nhân nên bỏ Tào Tháo mà theo Lữ Bố. Em có hiểu ý nghĩa câu chuyện đó không?”

“Ý anh muốn ra chiêu hồi chứ gì?”

“Em hiểu sai rồi. Trần Cung thấy Tào Tháo bất nhân nên theo Lữ Bố. Còn anh thấy Mỹ bất nhân nên theo Việt cộng. Bây giờ lại thấy Việt cộng vừa bất nhân vừa bất nghĩa, chẳng lẽ anh trở lại với Mỹ sao? Trần Cung còn có con đường để đi. Còn anh thì đã cùng đường. Đã mạt lộ rồi. Chỉ còn cái chết thôi.”

Tôi đưa ngón tay lên môi anh:

“Vũ ơi! Đừng nói những lời ấy. Anh gắng ăn thêm một chén cháo.”

Trong khi chăm sóc anh, tôi tìm thấy trong cái ba lô con cóc một tập truyện ngắn mà anh là tác giả. Tôi hỏi mượn đọc nhưng anh nói:

“Em đọc làm gì. Đó là những câu chuyện ấu trĩ của một thời hoang tưởng.”

“Sao lại hoang tưởng?”

“Vì chung quanh anh toàn là xu nịnh, đố kỵ và hèn nhát, những thứ ấy không hề có trong cuốn sách ấy.”

“Vậy tác phẩm này là dối trá sao?”

“Không dối trá nhưng ngây thơ, hời hợt. Em đem ra ngoài đốt giùm anh đi.”

“Sao lại đốt.”

“Nếu em không đốt thì anh sẽ đốt.”

Và trong đêm ấy, khi mọi người đang ngủ say thì Trần Vũ đã ra ngồi nơi cái gốc cây quen thuộc của mình. Anh lôi cuốn sách ra, xé từng tờ. Và đốt. Ngọn lửa cháy đơn độc trong cái xó rừng ẩm mốc, khuất tịch và câm lặng. Ngọn lửa vừa nhóm lên một chút đã tàn lụi. Những trang giấy ngả vàng hấp hối đang được hóa kiếp.

Giữa trưa hôm sau Trần Vũ gọi Mười Thảo đến. Hỏi:

“Em có thương anh không?”

“Sao anh lại hỏi vậy?”

“Vì anh muốn nhờ em chuyển giúp anh một bức thư về gia đình.”

“Sao anh không nhờ giao liên?”

“Thư của anh luôn bị kiểm duyệt. Hãy nhận lời đi. Vì đây là bức thư cuối cùng.”

Mười Thảo giật mình:

“Anh nói gì vậy?”

“Anh sẽ tự sát.”

“Không được. Anh nói mê rồi.”

Cô gái nhỏ sờ trán Trần Vũ, thấy lạnh tanh. Tay cô run lên. Vũ lại nói:

“Gia tài của anh còn 3 thứ có thể dùng được. Cái đèn dầu, anh cho em. Cái đài thì em có rồi, anh tặng cho Thu.”

Trần Vũ cầm khẩu AK47 lên, mỉm cười với cô bé đang run rẩy:

“Sau khi anh tự sát. Người ta sẽ lấy khẩu súng. Anh chỉ còn một chiếc đồng hồ. Em giúp anh gởi tặng cho thằng Hay. Nó đi giao liên chưa về phải không? Nó thường trầm trồ cái đồng hồ này lắm đó.”

Tiếng gà rừng gáy vang trong buổi trưa oi bức. Trần Vũ lột cái đồng hồ đang đeo trên cổ tay rồi bỏ chung các thứ vào cái bao nylon đã chuẩn bị sẵn và đưa cho Mười Thảo. Anh đứng lên, xăm xăm đi ra bờ suối.

Mười Thảo kêu lên:

“Anh Vũ! Em lạy anh!”

Lúc đó tôi đang đứng trong trạm xá nghe tiếng kêu, vội bước ra. Mười Thảo kéo tay tôi chạy ra suối. Khi chúng tôi đến nơi thì Trần Vũ đã lội sang bên kia bờ và đang đứng trên một mô đất.

Mười Thảo lôi tôi xuống suối. Tôi vấp ngã, ướt hết quần áo. Thảo gào lên:

“Em lạy anh! Anh Vũ ơi!”

Con bé khóc hu hu. Trần Vũ mở chốt an toàn, kéo quy-lát. Tôi la lên:

“Đừng! Em xin anh! Anh Vũ!”

Và tôi nhào tới nhưng Vũ lạnh lùng nói:

“Đứng im! Bước tới thêm một bước là tôi bắn liền.”

Nhưng chúng tôi bất chấp. Chúng tôi nhảy lên bờ. Lập tức một loạt đạn tung đất đá ngay trước mặt, làm chúng tôi khựng lại.

Hai đứa quỳ xuống. Sụp lạy và khóc nức nở.

Nhưng Trần Vũ rất bình tĩnh, anh cũng quỳ xuống, đưa nòng súng ngay cổ họng mình và bóp cò. Tiếng nổ như một tiếng hú khô và lạnh của rừng.

Trần Vũ ngã chúi xuống phía trước.

Khẩu súng chuồi theo triền dốc.


5. Sự cám dỗ của quyền lực

Sau cái chết của Trần Vũ, Thu được đề bạt làm bí thư thành đoàn Cần Thơ. Cũng là dịp để cô chạy trốn cái mối quan hệ đầy tai tiếng với người “cha nuôi” của mình.

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thu về tiếp quản Cần Thơ, tiếp tục làm bí thư. Mười Đạt, chồng Thu, từ Côn Đảo trở về nhưng phải nằm bệnh viện điều trị dài ngày vì kiệt sức.

Những năm tháng khắc nghiệt trong lao tù đã làm Mười Đạt không gượng dậy nổi. Cuộc sống gia đình kham khổ và ảm đạm.

Vì thương chồng mà Thu bị mắc kẹt ở Cần Thơ suốt chín năm trời. Tuyệt vọng và muốn đổi đời.

Đầu năm 1984 Thu quyết định gặp vương gia để xin về công tác tại Sài Gòn. Lần gặp đầu tiên Thu không tự tin vì cô nghĩ rằng vương gia đã quên mình rồi, không ngờ ông rất nhiệt tình. Chỉ một tuần sau Thu đã nhận được quyết định về làm phó giám đốc Sở Thương nghiệp TP Hồ Chí Minh và được cấp cho căn hộ tại một chung cư trung tâm thành phố.

Những cuộc gặp vương gia sau đó đã làm sống dậy những dư âm xác thịt từ trong R, nó lay động các vùng cảm xúc thầm kín mà thỉnh thoảng cô vẫn thấy nó xuất hiện bằng sự căng cứng hay nỗi bứt rứt vô danh nào đó. Có lúc cô hoảng hốt thấy mình giống như một kẻ dâm đãng, vô luân và bất trị. Nhưng dường như vẫn còn một sức mạnh ma quái nào đó xúi giục, dẫn dụ cô đến với lão.

Chưa bao giờ cô cảm thấy mình gần gũi quyền lực đến như vậy. Nó đã mất đi cái vẻ thần bí, trang nghiêm của thâm cung bí sử mà ngày xưa, ngay cả trong căn phòng nhỏ hẹp lợp lá trung quân giữa rừng già, cái hơi hướng của cung đình vẫn tràn ngập làm cô ngây ngất.

Thế mà bây giờ, cảm giác khi bước chân vào ngôi biệt thự đồ sộ ấy không phải là sự choáng ngợp của cung đình, mà là cái mùi của quyền lực.

Quyền lực ở cách cô chỉ mấy bước. Và khi cô ngồi xuống cái ghế bành oai vệ trong phòng khách rộng mênh mông kia, thì quyền lực đã nằm gọn dưới hai bàn chân cô trong hình hài một con hổ nhe nanh vuốt, được dệt một cách tinh xảo trên tấm thảm Ba Tư.

Trên bức tường đối diện cô, có treo chân dung vua Hàm Nghi bên cạnh chân dung cụ Hồ.

Và khi lão vương gia bước ra thì cô thực sự thấy mình là chủ của ngôi nhà này.

Quyền lực lúc nãy còn cách một tầm tay, thì bây giờ đã sừng sững giữa hai đùi cô. Cô kẹp chặt quyền lực giữa háng. Rồi cô cắn nó giữa hai hàm răng rất đều của mình. Cuối cùng quyền lực tràn ngập trong cơ thể cô. Cô chiếm giữ, thủ đắc và sở hữu nó.

Khi còn trong chiến khu, lão cho cô uống mỗi tháng một vỉ Lyndiol 28 viên để ngừa thai. Hôm nay thì không. Đã nhiều năm cô không sinh hoạt tình dục, nên lần này cô đã đáp ứng một cách say đắm đến nỗi vương gia phải ngạc nhiên.

Tuy vậy ông vẫn bắt cô dùng thuốc tránh thai. Thu chiều ông vì cô nghĩ rằng mình phải củng cố thế đứng tại thành phố này cho vững vàng rối mới tính đến chuyện có bầu. Cho đến khi cô được đề bạt làm Giám đốc Sở thương nghiệp và được cấp cho một ngôi biệt thự sang trọng thì cô mới quyết định không dùng thuốc nữa. Năm đó Thu 30 tuổi.

Vào một ngày giữa năm 1985, khi cái thai đã được bốn tháng, cô quyết định báo tin cho vương gia.

Lão lặng người đi. Sửng sốt. Lão ném cái gạt tàn vô tường vỡ tan tành.

“Sao không dùng thuốc?”

“Tại sao phải dùng thuốc? Đây đâu phải trong rừng?”

“Nhưng tôi là vương gia. Tôi có gia đình, vợ, con. Cô muốn phá tan cái tiền đồ của tôi sao?”

Thu đá chai rượu văng vô xó nhà.

“Đó là chuyện của bố. Bố nuôi ạ. Đã sợ thì đừng làm. Thời chiến tranh ác liệt như vậy, gian khổ như vậy mà bố còn dám chơi. Bây giờ lại sợ sao?”

Lão vương gia nghẹn cổ họng, đành phải bước ra ngoài vườn hoa.

Thu lấy cái xách tay. Tài xế của cô đang chờ ngoài cổng. Cô nói vừa đủ cho vương gia nghe:

“Bố có đủ bản lãnh để thu xếp mà. Phải không, anh yêu?”


*


Khi đã bình phục, Mười Đạt nói với vợ:

“Anh muốn có một đứa con quá. Anh đã ngoài bốn mươi rồi.”

“Em cũng vậy.” Thu nói.

Nhưng lần “thử sức” đầu tiên đã thất bại. Thu phải chiều chuộng vuốt ve cái “súng ngắn” của chồng hồi lâu nó mới lên đạn được, nhưng khi vừa chạm mục tiêu thì đạn nổ quá sớm, mảnh rớt tung tóe bên ngoài. Thu cụt hứng. Và phải chờ một tuần sau mới thử lại được. Kết quả cũng không khá hơn. Khẩu súng ngắn của Mười Đạt đã vô dụng.

Nhưng bụng của Thu thì cứ to dần lên. Đạt hỏi:

“Của ai vậy?”

Một câu hỏi giản dị. Nhưng không có đáp án.


*


Đó là tổng hợp những gì Thu kể cho tôi và những gì tôi biết được qua dư luận. Bữa ăn trưa kéo dài tới xế chiều nhưng câu chuyện chưa tới đoạn kết. Và có lẽ còn lâu mới tới hồi kết cuộc.

Lúc này Huy, tác phẩm của Thu và lão vương gia, vừa tròn mười tuổi.

“Anh có nghĩ rằng trong một hoàn cảnh gia đình như vậy con trai em sẽ hư hỏng?” Thu hỏi.

Tôi chưa trả lời câu hỏi đó. Bởi vì tôi chỉ là một người quan sát, ghi chép và lưu trữ tư liệu. Tôi đang theo dõi sự phát triển của cái vườn cây đã mọc lên từ cuộc chiến tranh tương tàn vừa qua.

Không biết chúng là loại cây trái gì mà tràn lan sâu bọ, mầm bệnh, và bốc mùi tanh tưởi. Dường như chúng là loài cây ăn thịt. Ong bướm, chim chóc không đến. Chỉ có ruồi nhặng, giòi bọ…

Loài người đang chờ ngọn lửa tam muội từ trời dội xuống thiêu rụi khu vườn ấy, hóa kiếp những cây ăn thịt, những sâu bọ và ruồi nhặng, để ươm mầm cho một vườn Địa đàng mới.

Tôi đang chăm bón một chồi non. Đó là Quỳnh Vi, cháu nội tôi. Tôi sẽ tìm cho nó một mảnh đất để phát triển, một bầu không khí khác để hít thở, một vùng nắng khác để quang hợp. Bạn tôi, đại úy Quỳnh ở làng Vị Thủy cũng đang có một cây con. Đó là bé Trúc sáu tuổi học lớp Một.

Quỳnh Vi, Trúc và Huy là ba đứa trẻ trong hàng triệu đứa trẻ của thế hệ kế tiếp. Tôi yêu chúng. Có thể chết cho chúng sống. Có thể tàn héo cho chúng tươi tốt. Và tôi nhen nhóm một chút hy vọng. Vậy mà trong lòng vẫn sợ hãi. Tôi đứng trong một góc kín đáo của cuộc đời, nhìn lớp trẻ quanh tôi mà run sợ bởi sự thô thiển, vô cảm và ích kỷ của chúng.

Sẽ hình dung thế nào về thế hệ kế tiếp, thế hệ của ba đứa bé mà tôi đang quan sát?


6. Đứa con rơi của vương gia

Đó là đứa trẻ thứ tư trong danh sách những “nhân vật” mà tôi đang theo dõi và ghi chép. Nó là con của vương gia và cô bác sĩ riêng trong tư dinh của ông. Năm 1980 cô bác sĩ về quê Long An sinh con. Hai năm sau cô lấy chồng và gởi con cho bà ngoại. Khi thằng bé được mười hai tuổi thì bà ngoại mất, nó không có nơi nương tựa.

Ba Trần, bạn học của tôi và đại úy Quỳnh, là một thứ trưởng trong chính phủ Cách mạng miền Nam. Trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 anh bị thương nặng nên không thể lập gia đình được, nghe nói vương gia có đứa con rơi đang lưu lạc ở Long An, anh liên hệ với ông và ít lâu sau người ta dẫn đến cho anh một thằng bé cao lớn, đẹp đẽ. Tên nó là Minh.

Trần bị thương ở cột sống nên ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt bình thường như đi đứng, viết lách. Chưa kể những bộc phát của nó gây nên chứng co giật, phải nằm viện điều trị dài ngày.

Tôi gặp đại úy Quỳnh ở cổng bệnh viện. Anh dẫn cháu ngoại theo.

“Chào bé Trúc. Có nhớ ông không?”

“Nhớ. Ông có chụp hình cho con mà.”

Con bé mặc một cái quần đỏ và cái áo bông màu tím, nhăn nheo như vừa lấy từ trong hũ ra. Tôi nói với Quỳnh:

“Còn nửa tiếng nữa người ta mới cho thăm bệnh. Ông đi với tôi đàng này.”

Tôi dẫn hai ông cháu vào một tiệm quần áo. Tôi mua cho bé Trúc một cái đầm màu mỡ gà và một đôi xăng-đan trắng. Lập tức cô bé biến thành một thiên thần nhỏ.

Con bé thích bộ cánh mới quá. Nó không chịu thay ra nên người chủ tiệm phải lấy bao nylon gói bộ đồ cũ lại.


*

Khi chúng tôi bước vô căn phòng thì Trần vẫn nằm im vì anh không xoay người lại được. Một người đàn bà ngoài ba mươi và một cậu bé chừng mười lăm mười sáu tuổi chào chúng tôi. Đó là Minh.

Bà quản gia và Minh tỏ ra rất quan tâm đến bé Trúc. Ba người xúm xít nhau ngoài hành lang bệnh viện, cười nói rôm rả. Chỉ một lúc sau, cả ba đều biến mất.

Trong phòng chỉ còn lại ba anh em chúng tôi. Quỳnh nói:

“Ông xin được thằng con khá quá.”

“Học lớp Mười Một. Tiếng Anh giỏi lắm. Nó vẫn dịch tài liệu cho công ty.”

Đó là một công ty địa ốc lớn của thành phố. Tôi không thích kiểu làm ăn của những loại công ty như vậy, vì thực chất nó chỉ là một guồng máy liên kết với chính quyền và các công ty nước ngoài để ép buộc dân nghèo bán đất đai, đồng ruộng của mình với giá rẻ mạt, rồi sau đó dùng những lá bùa “quy hoạch” để kinh doanh làm giàu.

Hồi còn là sinh viên, Trần không có cái “máu” đó, nhưng khi đã ở trong guồng máy, anh không thể cuỡng lại. Anh vận hành theo nó và coi chuyện đó là một dịch vụ hợp pháp và hái ra tiền. Rốt cuộc chính anh lại là người thúc đẩy cái guồng máy đó chạy hết công suất của nó.

Rồi một ngày kia, anh trở thành một thứ “siêu địa chủ” mà không hề hay biết.

Anh đã làm giàu như một cái máy, vì thực ra anh cũng không biết dùng tiền để làm gì. Không vợ con, không anh em, chỉ có một bà mẹ già. Và bây giờ thêm một đứa con nuôi.

Hôm nay sức khỏe của Trần tiến triển tốt. Nét mặt linh hoạt, cười nói vui vẻ.

Tôi và Quỳnh đều không quan tâm đến công ty của anh. Chúng tôi chỉ nhắc chuyện quá khứ, những kỷ niệm với các thầy cô hồi còn trung học… Trần nói nhiều và đầy hứng thú.

Tôi đưa cho anh một ly nước và anh uống cạn.

Người đàn bà và lũ trẻ đã về. Bé Trúc ôm một con búp bê to tướng. Nó khoe với Quỳnh:

“Ông ngoại ơi. Nó biết hát đấy.”


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31

Đào Hiếu sinh tại Tây Sơn, tỉnh Bình tại Định. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài: Giữa cơn lốc, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 1978. Một chuyến đi xa, Nxb. Măng Non 1984, Nxb. Trẻ 1994. Qua sông, Nxb. Văn Nghệ 1986. Vùng biển mất tích, Nxb. Đồng Nai 1987. Vượt biển, Nxb. Trẻ 1988, 1995. Vua Mèo, Nxb. Trẻ 1989. Người tình cũ, Nxb. Văn Nghệ 1989. Kẻ tử đạo cuối cùng, Nxb. Trẻ 1989. Thung lũng ảo vọng, Nxb. Trẻ 1989. Hoa dại lang thang, Nxb. Văn Học 1990. Trong vòng tay người khác, Nxb. Tác Phẩm Mới 1990. Kỷ niệm đàn bà, Nxb. Văn Nghệ 1990. Nổi loạn, Nxb. Hội Nhà Văn 1993. Lạc Đường, talawas 2008, Nxb. Giấy Vụn 2008, Nxb. Kim Thư Production USA 2008. Thơ: Đường phố và thềm nhà, Nxb. Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, Nxb. Văn Nghệ 1982. Những bông hồng muộn, Nxb. Trẻ 1999. Tình địch, Nxb. Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài