Tô HoàiBa người khác
Tô Hoài (Nguồn: Tuổi Trẻ) |
Mười bốn năm sau khi hoàn thành bản thảo, tác phẩm Ba người khác của nhà văn lão thành Tô Hoài nay đã chính thức ra mắt bạn đọc và đang được dư luận đặc biệt chú ý. Trong những ngày qua, chúng tôi đã có dịp đăng một số bài viết về tác phẩm này. Được sự cho phép của tác giả, talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu toàn văn Ba người khác đến bạn đọc.
talawas chủ nhật
Tô Hoài
Ba người khác
I
II
III
IV
V
Dai dẳng, ngắc ngoải, thoi thóp, rồi nạn đói cũng qua.
Buổi chiều không còn rào rạt gió giải đồng mùa hạ. Mây trắng lờ đờ từng tảng vần vụ trong nắng nhạt. Mấy chân lúa ba giăng đã lác đác được gặt. Lúa một vụ, mùa trên đồng cao, chiêm dưới đồng trũng với vài miếng ba giăng hiếm hoi. Lúa của nhà ai, nhưng mà thế là đã trông thấy cái sống người rồi. Tiếng liềm cắt xoèn xoẹt và tiếng cười phảng phất ở đâu. Trẻ con từng đám ra chân ruộng đã quang nhấc gốc rạ tìm cua, bắt chuột.
Nhưng tôi vẫn chưa nguôi cơn hốt hôm xử bắn địa chủ Thìn. Tôi là đội phó phụ trách toà án cho nên cái sợ ấy có lẽ chỉ tôi biết thôi. Không thể biết tại sao đợt trước tôi lại được thăng chức đội phó. Có lẽ tôi biết làm biên bản và tính toán. Phải đâu tôi thạo con số mà làm được toà án. Thật tôi cũng đoán mò. May gặp cái tính hiếu thắng của đội trưởng Cự, đội trưởng hay nhảy ra làm thay tôi ngay giữa mít tinh xử án. Có khi Cự làm luôn, tôi khỏi phải tìm cớ lờ, cứ ngồi nguyên.
Sang bước chia ruộng đất, lên phương án xong phải ra đồng lãnh đạo cắm thẻ nhận ruộng. Ôi chao, lại đấu tranh, lại trở lại tính nợ địa chủ, nợ quịt công, nợ lừa đảo, nợ tội ác, trăm thứ nợ chẳng biết lần đằng mù nào. Mà phải có những con số cụ thể mới khỏi lọt lưới, mới chia ruộng được. Nhưng tôi thường nghĩ ra những con số tam toạng, số liều. Không thế không xong, mà thế cũng được. Bởi cả đội không ai biết mà họp thôn, họp tổ nông hội thì chẳng ai dám nói khác anh đội - "Thông qua được chứ?", thế là giơ tay, giơ tay khắp lượt. Cải cách ruộng đất ở đâu cũng đồng loạt có năm đợt, tôi đã được đi ba đợt mà tôi ra cánh đồng vẫn như nhìn vào bức vách. Chỉ thuộc cái tên, tôi không áng chừng thế nào một miếng, một sào, đồng cao đồng sâu, đợt đầu còn chưa trông rõ cây lau, cây ngô, cây mía. Đội trưởng Cự thì không cần mở sổ tay, cứ đọc vanh vách. Tôi khen nịnh, đội trưởng Cự nói tớ là con nhà bần cố, mấy đời thèm ruộng như mèo thấy miếng thịt, mà trong nam ngoài bắc, cả trên thế giới đâu chẳng là ruộng cấy lúa, làm gì không nhớ. Lão nói giời ơi đất hỡi thế, tôi sao dịu nỗi lo được.
Nhưng tôi khéo lựa, tôi láu cá, chịu khó để ý cho nên ở đội có lẽ chẳng ai biết thực hư tôi giỏi hay dốt thế nào, không ai biết tôi cũng chỉ như một anh ở đội nào đã bị đăng lên bài báo chế giễu: đến bước chia ruộng, chia quả thực, nông hội cãi nhau mấy đêm không xong, anh đội chắp tay quỳ xuống giữa cuộc họp: "Em lạy đội, em lạy các ông các bà nông dân, thế này thì em xin về, em chịu không làm được". Không, tôi đàng hoàng, không bấn đến thế.
Bấn nhất những lúc loạn xạ chồng chéo việc. Vạch thành phần xong rồi, có người được mọi người giơ tay biểu quyết cho làm trung nông, cải tổ nông hội còn ngồi đấy, chẳng đợi điểm danh lần lượt đến, đã hớn hở chạy xuống bãi dắt con bò bị tịch thu hôm nọ về. Vừa đi lại vừa kêu: "Tôi là bần nông, tôi là bần nông mới đúng". Mấy người được làm trung nông líu ríu chuyện. Cái thằng chủ tịch bây giờ thành thằng phản động ấy tao đốt nhà mày rồi đếm hết hạt bụi gio cũng chưa cạn tội. Mới năm kia, tôi thiếu thuế, nó bắt mất con bò, lại còn cho du kích đến khuân đi cái tủ, còn cái vại nữa. Tôi phải tìm cho ra những thứ ấy. Tôi chẳng thèm quả thực của đứa nào, tôi chỉ đòi của nhà tôi.
Tịch thu, trưng thu, trưng mua để đống đấy rồi chia. Ngoài kia trẻ con đánh trống rong cờ, tôi càng rối cả ruột. Các nhà địa chủ đứng ngồi rúm vào một xó, mấy người còn đến xỉa xói kể tội. Một lát, người ta đi lùng khắp nhà, lấy vôi vạch sẵn đánh dấu cái tủ, cái chum "những đồ này của nhà tôi, tôi đánh dấu sẵn kẻo mang đi đâu nữa thì lẫn mất". Người gánh, người khiêng, ai cũng gầy đói hom hem, nhợt nhạt, mới chỉ đem lên chỗ tập trung tạm, chẳng biết còn đưa đi đâu nữa mà đã hăm hở như đương khuân về nhà mình.
Một bà lão nhặt được trong đống đồ đạc và quần áo bề bộn một cái cối đồng giã trầu, lấy ra nghiền xong một miếng trầu bỏm bẻm nhai, như con trâu già đêm nằm trong chuồng trệu trạo nhai lại. Rồi lại xăm xăm đi. Bà lão này khôn vặt, cứ la liếm nhặt những cái yếm, cái thắt lưng, cái ống đũa, chẳng ai để ý.
Ấy là quang cảnh những hôm các thôn rộn rịch lần lượt mít tinh tuyên bố xoá giai cấp địa chủ. Công tác lại tuần tự: chiều gọi loa, hô khẩu hiệu, tối họp xóm xong từng nhà về còn mạn đàm trao đổi ngày mai là ngày sung sướng nhất của nông dân, ngày mai giai cấp địa chủ bị tiêu diệt hoàn toàn ở xã ta và trên cả nước nữa. Mỗi thôn thành lập bốn tổ: tổ đem gia đình địa chủ ra đấu, phân hoá tại chỗ. Tổ sục sạo xem đồ đạc còn giấu diếm ở đâu và tịch thu sổ sách, giấy tờ trong nhà. Tổ vận chuyển quả thực ra để ngoài sân đền. Tổ làm trật tự kiêm ghi chép phân minh. Cuộc mít tinh xử án toàn bộ giai cấp địa chủ làm ở thôn Đìa, các thôn khác đến tham quan rồi về cứ theo thế mà làm hôm sau.
Ở Chuôm, tôi làm trưởng ban, họp đến ba giờ sáng mới thành lập xong ban tịch, trưng, mua. Hội nghị đã nhất trí phương án mua những gì, cái gì tịch thu, cái gì không mua. Không mua lặt vặt cái thớt, bó đũa, cái vai cày. Những tấm ván áo quan thì tịch thu. Địa chủ chết được nằm hòm sang trọng à? Tao nhắm mắt chưa biết bó chiếu hay bó cót đây. Tịch thu cái cũi đựng bát đĩa chứ cái chậu cám lợn thì mua làm thèm vào. Phải làm mọi cái to nhỏ đúng chính sách đã bàn.
Vừa họp xong, gà đã gáy dồn. Thế là lại đi luôn. Từ lúc mờ sáng, trống ngũ liên đã đánh dồn ba tiếng một, như trống hộ đê, trống chữa cháy, trống cướp. Cho đến sáng bạch thì hầu khắp trong thôn có cái gì gõ được thì người ta cũng đem gõ, loạn xạ như khi gấu ăn trăng, đập nồi đập chậu cho gấu sợ phải nhả mặt trăng ra. Trống cái, phèng phèng, thanh la, kẻng thanh sắt, vỏ đại bác, vỏ bom... vang vang bốn phía, những đám người đùn đùn ở các ngõ xóm ra.
Trước tôi còn ở bên Am, tôi đã tổ chức gác nhà thằng Vách để đợi lệnh đoàn uỷ cho bắt, nhưng đội trưởng Cự về thôn ấy lại cho nó làm chuỗi. Lúc ấy không biết thằng Vách ở đâu chui lên vừa nhớn nhác vừa hung hăng. Vách mặc cái áo nâu bạc, đóng cái khố đuôi lươn, đít hóp lại, hai đầu gối nhô ra như hai hòn cuội tay cầm chiếc đòn xóc, chốc chốc lại hoa lên múa. Trong bộ râu quai nón, phùn phụt ra những tiếng hét: Hoan hô... Hoan hô... Có người hỏi: Đi mít tinh mà lại đóng khố à? - ấy, ra đây kiếm cái quần địa chủ để mặc, khỏi phải cởi truồng sẵn cho đỡ vướng.
Tôi trèo đứng lên cái bàn giữa bãi cỏ đọc một tờ diễn văn đã có mẫu in sẵn từ trên đoàn gửi xuống, sau cùng tôi giơ cái loa giấy, nói chõ ra bốn phía: "Tôi tuyên bố từ giờ phút này toàn bộ giai cấp địa chủ ở xã nhà đã bị tiêu diệt. Giai cấp nông dân muôn năm!". Phất cờ lên! Phất cờ lên! Trống lên! Cờ phất và trống ếch rùng rùng nổi từng hồi. Đội sục sạo, đội trật tự, đội ghi chép, đội tịch trưng mua và cả đám mít tinh nhốn nháo kéo vào nhà địa chủ Thìn. Vách chạy trong đám, vẫn múa cái đòn xóc, la to: "Cha mẹ để của cho cũng sướng đến thế này thôi, giời đất ơi!". Cái khố đuôi lươn thấp thoáng rồi lẩn mất.
Trong sân nhà địa chủ, tôi đứng lên trên thành bể, ra lệnh các phía. Thiếu nhi đánh trống sôi nổi nào! Các giới nghiêm chỉnh đâu vào đấy nào! Ban trật tự làm việc! Đội khuân vác, đội tố khổ hãy sẵn sàng! ở gian bên còn có mấy người trong nhà ngồi bó gối, đứng ngơ ngác. Bà lão Thìn liệt giường đã nhiều năm, nằm đắp chiếu. Người con dâu và lũ cháu, áo xống lấm như vùi - đấy là người ta trát bùn làm áo đã cũ, mặc cả vào người, xúm lại quanh giường người ốm. Ban trật tự lật chiếu lên: "Xem có giấu cái gì trong chiếu không". Mùi thối khẳm xông lên, lại phải buông xuống.
Trưởng thôn Cối làm tổ trưởng tịch, trưng, mua nhưng lại mù chữ, lúc đội sục sạo đến báo cáo, tôi phải ghi ngoáy con số vào sổ tay rồi tôi lại trèo lên thành bể, nói to:
“Địa chủ cường hào gian ác Đoàn Văn Thìn có: ruộng 5 mẫu, 1 nhà ngói năm gian, 1 nhà gỗ ba gian, 1 trâu, 1 nghé, 10 chum, 15 vại, 4 giường, 2 phản, 1 yến gạo, 2 yến thóc, 7 cái nồi năm, nồi tám, nồi mười, mâm đồng 2 chiếc, mâm gỗ 8 chiếc... Tổ tịch, trưng, mua quyết định: tịch thu toàn bộ nhà ngói, nhà gỗ và diện tích ao vườn. Để lại cho nhà nó ở cái bếp đầu bờ rào. Tịch thu tất cả nồi đồng, sanh đồng, mâm đồng, cũi bát đĩa, hương án, đồ thờ. Trưng mua các phản gỗ, bàn toạ, ghế tràng kỷ, ván áo quan. Không mua thóc gạo đương có, không mua quần áo chăn chiếu đương mặc, đương đắp, không mua nồi niêu ang đất, tôn trọng tín ngưỡng không đụng đến đồ thờ, bát hương. Tôi yêu cầu đội khuân vác làm việc, đem các đồ đạc tịch trưng thu kể trên lên bãi quả thực.”
Rồi người ta khiêng đồ lên bãi quả thực trên xã hay đã vác trộm về, tôi nào phân biệt được. Tuyên bố xong, tôi nhảy xuống giữa những lộn xộn. Chẳng biết tổ trật tự lẫn lộn vào đâu, cũng chẳng biết ai đội khuân vác, ai hôi của. Có người đội ra cái thớt to như cái nón Chuông trên đầu.
Vách chưa lấy được cái gì, lon ton chạy. "Đứa nào kiếm cho tao cái quần, chọn cái mới ấy. Tao đã đóng khố sẵn để đợi mặc quần mới đây". Nhưng chẳng khi nào tôi còn để mắt đến Vách. Có người bê ra cái chĩnh, hét vào mặt tôi: "Em xin cái này về đựng nước cáy. Bao nhiêu đời bây giờ mới được cái chĩnh". Nhiều người chạy ra vườn thục cái thuốn vào gốc xoan, vào bụi hoa nhài nghi ngờ có chôn của. Trong nháy mắt, đống quả thực chỉ còn lại cái hương án, cái tràng kỷ và cỗ áo quan phải khiêng vác, không ai lôi đi được.
Chợt nhớ còn quên mất một việc, tôi nói to:
“Ai có khổ thì ra vạch tội địa chủ. Dân quân dắt các con dâu nhà nó ra một nơi, đem trẻ con đứng chỗ khác, phân hoá chúng nó, giải thích, yêu cầu chúng nó hàng phục nông dân thì có con đường sống.”
Chẳng ai nghe tôi nói, người vẫn đùng đùng khuân vác chạy quả thực. Chẳng biết làm thế nào, mà thôi thế cũng là xong việc ở đây, tôi ra hét người sang tham gia "mít tinh xoá địa chủ" tư Nhỡ bên thôn Am. Những người bơ vơ chưa vớ được cái gì ngẩn ra nghe nói còn chỗ địa chủ nữa. Thế là rùng rùng sang bên Am, hàng ngũ trống ếch và cả đám ồ ạt chạy.
Bên kia ao dừa không còn tiếng đàn chó ra sủa như mọi khi. Cả nhà Tư Nhỡ đã trốn đi từ bao giờ. Có lẽ đã lâu rồi, cứt giun đùn về vệt lên đầu hè từng đống. Ngoài bờ ao, rặng dừa đã bị chặt cả ngọn, không còn lấy một quả. Cái cổng tán vẫn buông sùm sụp, bùng nhùng đống dây thép gai và cánh cửa nhà trên nhà dưới cài then trong, giả như vẫn có người trong nhà.
Một người trong tổ sục sạo nhặt được chỗ xó cột một mảnh giấy đưa cho tôi:
Gửi cậu mợ, các chị các em Hương, Hiển, Vinh, Phú Quí
Máu gà lại thấm xương gà
Em đi nam bắc hoàn cầu
Nếu em còn sống ngày sau em về
Tôi bảo: "Truyền đơn này là của mật thám đế quốc bỏ lại" rồi tôi xé vụn tờ giấy. Trong bụng tôi nghĩ: Chắc một đứa con tư Nhỡ trốn đi, để lại thư kích động. Nhưng tôi ỉm không nói với ai. Cho khỏi lôi thôi.
Chẳng ai ngơ ngác trước cả nhà địa chủ bỏ trốn. Mà nhà cũng sạch trơn, chẳng còn đồ đạc lấy được, người ta nhảo ra ngay, chạy theo đồ thô các nhà địa chủ đương được khiêng lên bãi cửa đền. Xa xa, lại tiếng trống ngũ liên trống ếch lẫn tiếng reo à à. Trong khoanh tre các làng, khói đốt các sách vở và giấy tờ của nhà địa chủ bốc lên đen ngòm như các đám thui bò.
Các thôn đã lần lượt mít tinh tuyên bố xoá bỏ giai cấp địa chủ, tiếp theo tịch thu, trưng thu, trưng mua đúng như kế hoạch. Đội trưởng Cự đi kiểm tra, đến thôn Am, thôn Chuôm thấy mít tinh đã xong ngay buổi sáng, bấy giờ chỉ còn một đám ở thôn khác chạy đến hôi của và mấy người đứng lẩn quẩn ngắm cái hương án có vẻ tiếc rẻ giá đem về bổ làm củi, nhưng nặng không ai dám khiêng.
Đội trưởng Cự đi tìm tôi. Tôi nằm ngủ trên chõng nhà lão Cối, úp quyển sổ tay lên mặt. Đội trưởng Cự vào dựng tôi dậy, mắng như tát nước. Mặt Cự đỏ tía, mà chắc mặt tôi tím lạnh. Tôi đã học tập làm điểm ở thôn Đìa rồi mà vẫn quá ẩu. ẩu nhất là vừa xong đã về lăn ra ngủ. Phúc mà tôi không bị làm lại, phải lên xã tham quan để "đợt sau làm cho đúng". Tôi sợ cuống quít thế chứ còn gì đâu mà làm lại. Tôi cũng không dám nói đã sang định hỗ trợ cho thôn Am. Đội trưởng Cự phụ trách thôn Am, tôi hãi lão lại đổ cho tôi mưu mô cho cả nhà tư Nhỡ bỏ đi, tẩu tán hết của, nông dân không còn nổi cái bát cái nồi để chia quả thực. Tôi cũng không hỏi xem tư Nhỡ vẫn bị giam hay nó đã trốn theo gia đình, tất nhiên không dám hỏi. Đội trưởng Cự nổi lôi đình một lúc rồi bảo tôi lên mít tinh xã kết thúc đấu tranh thắng lợi xoá bỏ giai cấp địa chủ toàn xã.
Hơn ba mươi gia đình nhà địa ngồi một phía đen ngòm bãi như quạ đậu. Các nhà phú nông đại diện được đến tham quan thì ngồi hàng ngoài. Người suốt chín thôn cơm nắm cơm đùm từ tinh mơ kéo đến bạt ngàn trong tiếng chiêng, trống, tù và inh ỏi. Đã đốt hết dưới thôn rồi thế mà trên xã không biết còn khiêng ở đâu ra những cái tủ đựng sách báo chữ Nho chữ ta chất cao như cây rơm, mồi lửa đã châm đốt cháy rừng rực như những cây đình liệu.
Các thôn lên chưa đủ. Có thôn cả buổi sáng còn đấu chưa dứt - còn thì giờ đợi, đội trưởng Cự lại mắng tôi: "Phải khơi gợi căm thù đã, chứ để quần chúng đâm đầu vào mấy cái quả thực à!".
Cuộc mít tinh xử án. Người ta sán đến chỗ các nhà địa chủ, im lặng nhìn như xem những con vật lạ, con gà mới mua hay cái rọ chuột. Anh đội nói: "Mặc kệ, không cần trật tự, cho quần chúng thoả lòng căm thù". Một đám vây lại chỗ một bà lão địa, hai mắt cùi nhãn đã loà hẳn. Bà lão mặc lồng hai cặp áo nâu da bò, khăn vuông láng thâm mới, nhai trầu thong thả, không biết điếc thật hay giả điếc, dửng dưng không để ý xung quanh. Đằng kia, một lão địa - lão này không có tội ác, không bị giam, lão chít khăn, áo bông dài sa tanh mới, hai tay chắp trước bụng áo như đứng hầu quan. Tiếng ai như tiếng thằng Vách quát: "A ha! Chúng nó mặc tất cả quần áo vào người để khỏi phải tịch thu đấy. Lột ra, lột hết ra. Tao có quần rồi, tao cần thêm một cái áo, đứa nào lấy cho tao". Một người hất tay trật cái khăn vố của lão địa. Nhưng cũng không ai lột váy, cởi áo lão địa ông, địa bà ấy. Cái khăn bị lệch mà lão địa cũng không dám giơ tay sửa lại, mồ hôi đậu từng nốt trên mũi lão. Chốc chốc, lão lại mắm môi ưỡn người đảo mắt nhìn xuống, ngước lên như cố nhịn đái hay nhịn ỉa chẳng biết.
Các thôn vẫn đương kéo lên cả thôn Am, thôn Chuôm, mà tôi không biết, vì tôi quên không cho lệnh lên. Chỉ là còn ngửi thấy hơi của, người ta gọi nhau đi. Trên bờ tường, trẻ con leo ngồi đánh trống. Dưới kia, loa trõ xuống đầu đồng: A lôậi lô. Nắng đã hẩng, người đi ồn ào, tiếng tù và ánh ỏi.
Đội trưởng Cự phân công tôi ra kiểm soát các tổ dân quân, đặc biệt gác chỗ bọn địa chủ. Cho đến chiều, liên tiếp người đến kể khổ. Rồi thì đuốc đốt lên, mãi đến nửa đêm đội trưởng Cự mới đứng lên tuyên bố xoá bỏ tiêu diệt toàn bộ giai cấp địa chủ toàn xã.
Tôi về, mệt phờ người. Trông lên trời sao long lanh bập bỗng thẫn thờ nghĩ đến công việc ngày mai, ngày kia, chỉ những lo là lo. Còn rắc rối đây, sang bước cắm thẻ nhận ruộng, lại bước chia quả thực. Hai bước này ở trong Thanh, tôi đều tránh được. Bây giờ mà phải làm thì nguy vì chưa biết đầu cua tai nheo những gì. Những lần ấy tôi hay khoe khéo nghề kế toán của tôi. Công tác bước cuối dồn mọi việc, mọi ngành gấp rút cộng trừ bảng a, bảng b, chuẩn bị mừng chiến thắng tổng kết. Thế là tôi được gọi lên đoàn ngồi vắt óc nặn các con số, nhân chia bạt tử, rồi cũng xong cả. Nhưng ra đây tôi chưa đánh tiếng được với trên đoàn rằng tôi là cán bộ tài vụ. Bây giờ không rõ còn kịp chào hàng không, khốn nỗi tôi cũng chưa quen ai ở trên. Đến phải vùi đầu vào hai bước rắc rối này, thôi thì có người có ta.
Thôn Chuôm có thể nặng nhất bước này. Địa chủ Thìn nhiều ruộng đất, tôi cũng chưa đếm được nhiều bao nhiêu, ruộng nhà địa rải rác các xứ đồng, lại ruộng xâm canh bên kia sông. Trong thôn lại có bốn thằng phú, sáu trung nông cứng có thể vào diện vận động san sẻ ruộng cho nông dân. Mà ở đâu, ruộng chia thế nào thì cũng thiếu. Công lao người ta cả tháng hội họp tố khổ đấu tranh rồi, cái cây đợi ngày hái quả, bao nhiêu quả. Đương lúc ấy cái Duyên lại ỡm ờ bảo tôi: "Cắm thẻ nhận ruộng xong rồi em mới về nhà chồng chứ không thì để chúng nó cướp không công em đấu tranh à? Sao im thế? Hay là anh muốn truất phần em để chia cho em Đơm cháu địa ác? Thề đi, anh không thể chia cho em chỗ ruộng nhất đẳng điền thì từ giờ đừng có đụng vào em mà chết gãy xương đấy".
Những buổi họp bàn chia ruộng, quả thực, chưa đâu vào đâu, ai cũng té tát, hầm hè tím tái vặc nhau. Ruộng đồng cạn, đồng sâu, và quả thực, cái nhà đầu hồi hay ở gian giữa, cả cái cối đá, cái bắp cày trên gác bếp cũng tranh nhau không ai nhường ai. Hôm sau mới chia thử đã loạn xạ. Chỉ có cái cối đá mà mấy người hét: Vần đi, vần đi. Người khác đá lại. Một người ở đâu tới, thủ sẵn cái thừng, đánh thòng lọng xuống lưng cối, khoác thừng vào vai, kéo xềnh xệch cái cối đá. Tôi chặn lại - Không được, chưa chia - Em chỉ lôi ra xem thử để lúc em được chia thì mang đi cho dễ, em thử thôi mà. Rồi cười khà khà, đi vào. Trong này còn khối thứ, bỏ vào ngồi họp thì đứa khác ra cướp mất. Cứ đứng đây, tôi cái này, cái này. Ôi trời, còn biết đằng nào mà lần. Hai tai nghe quang quác, khoành khoạch, át cả tiếng anh đội cổ đã khản đặc như những người nhà có đám phải rặn ra khóc.
Cứ đối nhau chan chát.
“Ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng mặn, ruộng chua, lấy ráo. Bần cố chúng tôi đã mấy đời đói ruộng như con đói sữa mẹ.”
“Cho tôi cái xướng mạ, tôi chỉ xin một thứ thế thôi.”
“Cả giai cấp địa còn đánh đổ được nữa là chia cái ruộng đã có trong tay, khoan đã, rồi đâu vào đấy.”
“Tôi không có màn. Anh đội ơi! Cho tôi một cái màn mới là thoả mãn bần cố nông.”
“Đấy là sang mục quả thực. Mấy hôm nữa.”
“Mấy hôm nữa thì bàn bây giờ làm mẹ gì cho tốn nước bọt.”
Rồi lại nói ngay:
“Nhưng mà tôi cứ nói trước, tôi phải được cái áo ấm. Đáng nhẽ tôi khiêng địa chủ Thìn thì tôi được cái áo bành tô của nó, thế mà trưởng thôn Cối đã nẫng tay trên của con tôi. Cả đời mới trông thấy cải cách mà không được cái áo thì rét lắm. Mà tôi là cố nông, cố nông ba đời, bố tôi cần cái hòm đến nơi rồi. Cái hòm ở nhà địa chủ Thìn là phần tôi, chưa dùng đến thì mùa hè để ông cụ được nằm cho mát cái lưng. Hề, hề, hề...”
“Nhà tôi chỉ rặt giống nồi đất, đội về mà kiểm tra. Tiên nhân đứa nào bảo bà có cái nồi tư đem giấu đi!”
Rồi cuộc họp lại lái về ruộng đất, lại lung tung.
“Trung nông nhận ruộng giao canh của địa chủ thì hoa màu tính sao? Tôi chỉ có hai miếng chó ỉa ấy, đổi nước mạ, nước khoai lấy ruộng có được không? Tôi là trung nông yếu, các ông các bà ạ.”
“Yếu hay khoẻ thì cũng là trung nông, ai cho trung nông đổi chác mà đòi.”
“Nói như cái nhà chị thì mấy tháng nay tôi đi đấu công toi à?”
“Nguyên canh là thế nào, cào bằng đi, chia lại.”
“Ruộng tôi cày, động chệ đến mồ mả nhà ai mà chia lại!”
“Báo cáo đầy đủ này. Tôi chưa có đất vườn, tôi chưa có cái chum, cái vại tử tế đựng nước cáy. Tôi xin nhận chỗ ao dừa nhà tư Nhỡ.”
“Tôi phải được chia cái áo bông của thằng Thìn mới là đoàn kết bần cố, thằng Thìn còn cái áo bông dài năm ngoái vẫn thấy nó mặc rét.”
“Các người ơi, để mắt đến thằng trung nông ọp ẹp này một tý. Nhà toàn ruộng nuôi giang sếu bồ nông đồng chua, phải cho lên cắm thẻ đồng cao chứ.”
“Đã bảo trung nông thì đợi ngõ ngoài nữa.”
“Hay là nông hội tư túi chia cả ruộng cho con mẹ công thương bán bánh đúc chợ huyện?”
“Đứa nào bảo ông tư túi, ông gang họng ra.”
“Tôi như con chó hóng cứt, từ chặp tối điếc cả tai mà chưa được cục nào đây.”
Mới thử một ngã ba ngã tư đã rối tinh. Thì giờ vun vút, mỗi buổi sáng hội ý đội về lại tơi bời tất tả. Thêm khó một nỗi, sổ sách địa bạ đã chất đống đốt sạch sành sanh cho "hết tàn tích địa chủ phong kiến" mất rồi. Bây giờ lần hỏi từng nhà địa, nhà phú. Chỉ có những nhà có ruộng mới thuộc đích các ruộng nhà mình. Thế nhưng hôm xử bắn địa chủ Thìn, cả các nhà địa nhà phú nào cũng bị điệu lên bãi ngồi cho trông thấy, rồi về người thì ốm chết, liệt giường, có người phát điên, có người trốn biệt. Chẳng hỏi được ai.
Lão tư Nhỡ thì biệt tăm. Đêm ấy, tư Nhỡ đội mái nhà giam của xã chui ra. Dân quân đổi nhau gác suốt sáng dưới tường mà không biết. Yên trí tường cọc tre nhẵn sạch vấu, cao hơn hai thước, không thể leo trèo được. Sáng ra, nghe tin báo, đội trưởng Cự đến đứng chắp tay sau lưng, mắm môi nghiền ngẫm, rồi đi quanh mấy vòng, đứng lại, giơ tay phân tích: "Tôi đã biết nó còn trẻ, nó nguy hiểm nhất nên cho biệt giam đợi án. ở xã này, chân tay nó đã bị tôi chặt hết, không thể nghi ngờ giai cấp nông dân giúp nó trốn được. Có ai nhớ không, nhà nó gài cái máy galen trên cột tre, cao bằng cây cau, nó liên lạc với địch ở miền Nam được mà. Bọn phản động các nơi còn nhiều lắm. Nhất định địch ở trong Nam đã ra cứu nó". Những người làng đến xem, thì thào: "Thằng này sợ quá lòi cả cứt, thế là hoá ra nhẹ bụng, nhẩy bật được lên nóc nhà. ở đây rồi cũng chết, đằng nào cũng chết, nó liều. Đứa liều thì cái gì chẳng làm được". Chỗ lỗ hổng cót mái, máu chảy ròng ròng xuống chân tường, vệt giỏ giọt dài ra đến chỗ cột trụ. Dân quân sục vào trong đền nhưng không thấy dấu vết người ẩn nấp. Nhưng Cự đã bảo là "có địch trong Nam ra cứu nó" thì không ai dám nói thêm thế nào nữa.
Theo lịch, ngày mai phải xong phương án chia. Mà con số và các loại ruộng vẫn mù mờ gạch xoá trên giấy. Bí thật, nhưng tôi không hỏi ai một câu. Hỏi thì hoá ra lòi đuôi. Khi còn ở bên xóm Am, tôi rối quá thì lại vào nằm với cái Đơm cho nhẹ đầu. Duyên ở đây không thế, suốt ngày Duyên đi nhổ mạ thuê rồi lại quanh quẩn ra ngắm ruộng, đi mặc cả chia ruộng chỗ ấy, chỗ ấy, tối đến thì đi tuần. Có hôm sáng bạch, tôi bừng mắt, thấy Duyên nằm vục đầu xuống ngực tôi, đêm qua ngủ với nhau lúc nào không biết nữa.
Thoáng bóng đội trưởng Cự ngoài ngõ. Tôi đương ườn mình lơ mơ, chập chờn trên chõng. Thực sự, lo luẩn quẩn không thể chợp hẳn mắt. Tôi nhỏm dậy, kéo cái ba lô lên đầu gối, mở sổ tay, đẩy mấy tờ giấy kẻ lung tung ra, như đương làm việc. Cái chỏm mũi đội trưởng tái lịm như quả cà tím ló vào. Có lẽ mọi khi mũi Cự vẫn tím đỏ thế, tôi không để ý. Không hiểu sao, mỗi lần đương cái lo, y như rằng, đội trưởng Cự hiện ra như một ông thần, có khi ông ác tác quái, có khi ông thiện ban cho sự nhàn hạ. Tôi hồi hộp không biết lần này thế nào.
Cự cười nhếch mép:
“Anh đội làm gì đấy?”
Chưa nghe Cự nói rỡn "anh đội" thế bao giờ. Có thể việc tốt lành đến nhưng tôi vẫn ý tứ, giữ gìn.
“Tôi viết nốt phương án.”
“Số liệu những đâu mà nhanh thế?”
“Đương lấy, vừa viết vừa lấy mới kịp được.”
“Xong rồi cũng phải làm lại. Thôn Am, thôn Chuôm chẳng còn một mống nào có nhiều ruộng mà bắt nó khai. Chỉ có họp xóm đấu tranh tố khổ mới ra con số ruộng được, cậu đã làm chưa. Chưa phải không? Rồi còn phát động phú nông, trung nông lớp trên nhường ruộng, hiến ruộng. Vẫn chưa làm chứ gì? Mỗi khi Cự nói lại lòi chuôi cái tôi chưa biết chưa làm nhưng tôi lại vỡ ra được nhiều cái khác không nghĩ được. Tôi ngơ ngẩn hỏi:”
“Bây giờ phải làm lại à, còn lịch công tác...”
Đội trưởng Cự ngồi xuống, nhắc cái quai sắc cốt rồi xua tay:
“Không kịp rồi, tớ lại phải ra tay mới được. Nếu không thì vì cậu mà cả đội chạy bét.”
Tôi lại cảm tưởng nhẹ mình. Cầu được ước thấy, lúc nguy nan lại được phù trợ, có mả cứu bần, hay thật.
“Từ hôm nay, cậu ra ở nhà trưởng thôn Cối, tớ lên đây ốp việc. Có thế mới kịp.”
Tôi đã đánh hơi được một mùi, cái mùi nồng nồng ở đũng quần Duyên. Nhờ thế mà tôi thoát vất vả. Thằng dê cụ này đến chỉ vì cái mùi đũng quần đàn bà mà thôi. Con vợ dưới xóm Đìa nó tống đi cán bộ rồi, lên xóm Am nằm với cái Đơm, bây giờ lại sang tòm tem cái Duyên. Chỉ thế, chẳng ba cùng ba càng, chẳng tổng kết, bồ kếp giời hỡi gì ở đây. Chắc thế, họ hàng nhà ma, đi guốc vào bụng nhau cả.
Nhưng vậy cũng lợi cho tôi, nghĩ thế, tôi tủm tỉm cười. Đội trưởng Cự tinh lắm, như đoán được cái cười láu tôm diễu của địch thủ. Bất chợt, Cự sừng sộ quật tôi:
“Này này bảo cho mà biết tớ lên đây để cứu cậu khỏi phải đi tù đấy, biết chưa. Chẳng tội Việt gian như thằng Đình, tội tù hủ hoá cũng tù ngang thế. Còn nhớ bài báo thằng Bổn ở Đào Khê chứ. Đi cải cách mà hủ hoá phải ghi lý lịch bị đuổi về cơ quan còn nhục hơn thằng đeo gông. Cái con Duyên chung chạ quần áo với cậu, cả làng chửi rầm lên, cậu vờ điếc à?”
Tôi bầm mặt, câm như hến. Bị băm bổ đào đến tận ngóc ngách âm ti thế còn biết chống chế thế nào. Những điều tôi nghĩ xấu về Cự chỉ là những vu vơ mờ nhạt mà tội của tôi thì sờ sờ đấy rồi.
Cự vẫn chưa buông tôi, nhưng đã dịu:
“Cậu là tiểu tư sản có công giúp giai cấp nông dân đi cải cách mấy đợt rồi, tớ thông cảm. Tớ còn biết cả chuyện cậu lằng nhằng với cái Đơm, lại mấy đứa dân quân gái đi gác đêm đều phải chết với cậu. Nhưng tớ xuý xoá cho, biết không.”
Tay tôi tỳ lên cái ba lô, run bần bật. Mỗi tiếng của đội trưởng Cự như một cái bóp cổ, nếu nó không nới tay thì chỉ chắc đứt hơi. Cự ngừng gườm con mắt lòng trắng đỏ ngầu nhìn tôi dò ý.
Rồi bỗng lại nhẹ nhàng sang chuyện khác, tôi mới được nguôi ngoai theo.
“Bàn với cậu nhé.”
Tôi lóng ngóng cầm bút lên, mở vu vơ trang sổ tay.
“Công tác chia ruộng, chia quả thực toàn xã, cả thôn Am, thôn Chuôm tớ đã sắp sẵn xong từ bước hai.”
“Anh nhanh quá.”
“Bây giờ tách riêng đồng chí ra phụ trách lúa thần kỳ - công tác đặc biệt đột xuất.”
Khi nào đương cậu cậu tớ tớ mà đổi sang đồng chí, đồng chí thì ấy là tới việc khác thường, lúc vui lúc cáu gắt không lường được. Lúa thần kỳ, mấy lâu nay trên báo đã nói, lại được xem ảnh báo chụp ruộng ở nước nào, lúa thần kỳ chín trổ bông ken dày, cả trẻ con lũ chạy chơi trên mặt thóc. Lại đã nghe từ độ thằng Đình ma xó còn ở đây cũng thấy bảo đội sắp làm lúa thần kỳ, thì ra thật. Nhưng làm lúa thần kỳ thế nào, là cái gì.
Mỗi câu của đội trưởng Cự lại gỡ ra cho tôi từng mối băn khoăn.
“Một ít lúa ba giăng cũng đỡ được đói, nhưng chưa ăn thua. Mà đợi mùa thì trên hai tháng nữa. Cái thần kỳ này chỉ một tháng đã chắc ăn. Đột xuất là như thế. Làm thử một khoảnh, được thì ta cho cấy lan ra cả đồng. Bây giờ có nơi còn quải mạ ba giăng muộn. Lấy một miếng mà thí điểm thì năm thước cũng được. Cho bừa kỹ bùn vữa ra như cháo loãng, bón lót cả phân tươi, phân xanh rồi cấy dày, thật dày, liền khít, có thể đến khi lúa trỗ trẻ con mới trèo lên chơi được. Bón thúc bốn góc ngay, chỉ mười lăm ngày lên đòng. Khi đội ta rút sẽ để lại kỷ niệm và kinh nghiệm ruộng lúa thần kỳ cho làng nước làm theo, từ nay ấm no đời đời. Đã thấy quan trọng, giỏi chưa?”
“Rồi ạ.”
Tôi chỉ còn biết ừ hữ như thế. Tôi không chịu nổi cơn toát mồ hôi hột lần nữa, dù là mồ hôi phấn chấn hy vọng. Đội trưởng Cự còn nói đi nói lại một lúc về lúa thần kỳ. Dần dần tôi cũng thấy ra cái lúa thần kỳ mới tài tình làm sao. Tôi mà làm thành công ấy a! Ô hay, cũng vẫn cái ruộng cái lúa, sao cả tỉnh, cả nước xưa nay chưa nghĩ được ra. Bây giờ sáng kiến to lớn lọt vào tay cái thằng tôi chưa nhìn ra được mặt hạt thóc tẻ thóc nếp khác nhau, thế mới lạ. Đã bảo đội bảo làm thì làm gì chẳng được. Thôi thì như người ốm uống tàn hương nước thải, biết đâu rồi khỏi bệnh, mà không khỏi cũng không phải chết vì tàn hương nước thải. Tôi hí hửng cái lúa thần tuy chưa ai làm bao giờ nhưng nghe ra dễ có lẽ hơn việc chia ruộng, chia quả thực.
Tôi không dám đoán mò về sự đội trưởng Cự sang xóm này nữa. Đích xác thế mà tôi lại thấy đội trưởng, Cự đương công tác cần kíp. Tôi sợ đội trưởng cả trong ý nghĩ tôi cũng muốn tránh, muốn làm lành đi. Đôi lúc cũng thoảng nghĩ không biết cái Duyên thế nào, nhưng tôi lại tự gạt đi. Tối hôm ấy, tôi ra ở nhà trưởng thôn Cối ngoài bãi. Không hiểu sao trẻ con ở nhà, chẳng đứa nào cõng nhau vào ngủ nhà ông như mọi khi. Đội trưởng Cự đã đánh dẹp cả chúng nó đi. Nhưng cũng không tò mò hỏi.
Cả lũ năm sáu đứa nằm quềnh quàng dưới đất khắp hai gian nhà, kéo gỗ khò khò chẳng khác trên nhà ông cụ, ai làm gì cũng đố nghe biết được. Không hiểu vợ chồng Cối nằm xó nào. Sau mới nhớ Cối đi họp, có thể khuya lại đi gác hay nằm vạ vật đâu. Tôi cũng đi ngủ luôn.
Đương mùa làm, lại thêm công tác cải cách, thêm cái đói, mọi việc đều lật đật. Hồi này tan rã hết lớp học bình dân rồi, mà tôi cũng thôi thúc đẩy. Suốt ngày, vợ Cối làm quần quật, đi bừa về nhảo ra nắng phơi dây khoai, dây muống. Quá nửa đêm Cối lù lù về. Cối vơ củi vào đun nước. Cối uống tàn nồi chè xanh vò, đứng lên vác bừa toan đi thì trăng lặn. Nghe tiếng lịch kịch, tôi thức giấc. Tôi lồm cồm ra.
“Hượm đi đã.”
Cối hỏi:
“Gì thế?”
“Có việc cần bàn.”
Tôi nói thuộc lòng về lúa thần kỳ như Cự đã nói hôm qua rồi rụt rè hỏi:
“Làm được không?”
Tôi có nỗi ngượng của thằng chưa dắt con trâu bao giờ lại huyên thuyên chuyện cấy hái mùa màng với anh thợ cày. Nhưng Cối đã cười nhe hàm răng cải mả.
“Dễ như chơi ấy mà.”
“Công tác này để chào mừng thắng lợi cải cách, cả huyện cả tỉnh sẽ nhìn vào thành tích của ta. Xem có phải thì xin thêm dân quân giúp. Bấn quá, hồi này thôn nào cũng bận.”
Cối lại cười:
“Đi làm mướn, một mình tôi gánh cả mẫu, từ lúc cày ải đến khi ra hạt thóc, chẳng cần ai. Giờ chỉ có năm thước lúa, nằm khểnh giơ tay làm thầy cúng bắt quyết cũng xong.”
“Mai làm được không?”
“Trưa nay tôi về một lúc là thắng lợi ngay.”
Tôi cũng không hiểu thắng lợi thế nào.
Cối vác bừa đi. Tôi coi như thế là đã giao xong công tác. Bấy giờ trời mới rạng sáng, bốn bên các nhà gọi nhau tiếng ơi ới, tiếng chu chéo. Vợ Cối chạy từ trong góc nhà, tóc túm ngược, bóng mờ qua dưới mái tranh, chị hò hét lũ con còn nằm lăn lóc dưới đất. Chúng nó chưa dậy, chị đã vùn vụt đi, không biết ra đồng hay lên chợ. Cái Cối đổ nước vào nồi dây khoai bữa sáng. Người ta có lúa rồi, nhưng không phải nhà ai cũng có, mới chỉ lác đác, nhiều nhà vẫn còn bữa dây khoai, dây muống.
Cối bảo lúc nào làm cũng xong, tôi chẳng rõ nhưng tôi biết các anh đội nói thế nào, nếu để thế có nên bảo các đội cùng làm không, chỉ mấy thước ruộng bằng cái vũng bắc gầu tát nước thôi mà. Rồi mọi việc, Cối làm ngay trưa hôm ấy thật. Miếng màu năm thước ruộng bé như cái lỗ mũi trâu. Cối cuốc lên, chẳng cần biết ruộng khoai của nhà ai. Đất hẹp chưa ra nổi góc đường cày, con trâu không xoay mông được. Cối cuốc rồi đập đất luôn, xế chiều coi như xong một mảng đất cả công cày bừa.
Ruộng cao, kề cái chuôm, thế là bắc gầu tát nước làm. Đội trưởng Cự hôm nào cũng tạt qua xem làm đến đâu. Trưởng thôn Cối lại càng hăng. Chỉ ba buổi đã tràn lan nước rồi các thứ phân hổ lốn, phân rác, phân xanh, phân chuồng, phân vách bếp bồ hóng được quảy trong xóm ra quải xuống đúng kỹ thuật đội trưởng. Cối lên chợ huyện Xin hay là mua mấy bó mạ, tôi ở nhà đẽo cái que tre dài bằng đòn gánh. Một tờ bìa cặp đầu que dán mảnh giấy trắng, đổ thuốc đỏ trộn mực bút máy, đóng khung trang trọng nắn nót kẻ hàng chữ: lúa thần kỳ.
Tôi muốn làm cho làng nước ngạc nhiên. Tối trước hôm mít tinh xem cấy lúa thần kỳ mới đem cái bảng ra cắm góc ruộng. Cấy là ngày hội, người các xóm kéo ra. Trẻ con nện trống ếch rình rình. Làng chưa có chủ tịch và uỷ ban xã, chi bộ mới toanh chưa bầu chi uỷ, nhưng đủ tám trưởng thôn và các đội dân quân đến mít tinh. Thiếu có Duyên. Hôm trước, tôi nhờ Duyên cho mấy gánh đất bóc ở vách bếp nhà địa chủ Thìn, vách bồ hóng kinh niên làm phân tốt lắm, Duyên đã gánh đủ. Bây giờ Duyên đi đâu. Tôi vào xóm tìm.
Duyên vẫn ngồi nhà, vẻ dỗi. Duyên vùng vằng:
“Em chưa thấy mặt cái ruộng chia, em còn phải đi sát anh Cự.”
“Đi sát cái ấy, thằng này biết rồi.”
Duyên sấn sổ dí ngón tay vào trán tôi:
“Biết gì, biết cái hủ hoá à? Chỉ được cái đoán bơ vơ. Em mà tố ra thì anh chết ngỏm đầu nước chứ không phải ai đâu.”
Tôi gượng nhẹ, dàn hoà:
“Tổ dân quân các thôn đã đến cả. Em là người xuống cấy một tay đầu tiên, đã phân công thế rồi mà.
Duyên cười, vẫn nói chuyện khác:
“Nhà em nhớn bé già trẻ mười bốn khẩu, để xem chia bơi thế nào. Đi sát là đi sát thế, chưa chi đã ghen hão. Con này tha đi xé xác đứa khác thì khỏi, đừng lôi thôi.”
Tôi đánh trống lảng:
“Ra ngay đi. Đội trưởng cũng ở đấy rồi.”
Tôi kể chương trình: đội trưởng Cự xuống cắm cây mạ làm danh dự. Duyên cấy theo đến hết hàng. Tôi đứng trên bờ lãnh đạo mít tinh hô khẩu hiệu.
Duyên cười tăng tả đi, rồi quay lại:
“Anh phải giúp em cái này.”
“Giúp thế nào?”
“Tối nay, anh với em đến nhà địa chủ Thìn khuân cái cối đá.”
Tôi lắc đầu.
“Sắp chia quả thực, dân quân tuần ngặt lắm. Nhỡ một cái.”
“Nhỡ cái gì! Anh đội tịch thu cái cối nhà địa chủ, dân quân đi bảo vệ. Anh là cán bộ, em là tổ trưởng dân quân, đứa nào dám ho he.”
Tôi đương cần Duyên, tôi gật gật, trong bụng thấp thỏm, ừ thì đến tối hãy hay. Duyên lại bắt tôi phải thề. Tôi lúng búng. Duyên nguýt một cái, may quá Duyên không quay đi mà Duyên ngoảy thẳng ra đám đông ngoài đồng.
Người các thôn trông thấy trước tiên cái bảng "lúa thần kỳ" càng chen đến. Nhưng chỗ bờ ruộng chật quá, đám đông kín cả lối. Loa phải gọi đứng bớt lên sườn đê. Chỉ có các anh đội với trưởng thôn, tổ trưởng dân quân được xuống quanh mảnh ruộng toen hoẻn bằng vũng nước. Thôn Đìa đông người lên nhất - cái làng đồng sâu này vừa rồi đói nặng, có người chết, nghe đồn đội đem giống lúa thần kỳ về, một bát cơm ăn no ba ngày, thế là càng háo hức đi xem.
Đội trưởng Cự đeo sắc cốt, đứng xoạc chân, ống quần nâu xắn quá đầu gối, tay cầm loa giấy chõ lên đám người đông nghịt lưng đê.
“Thưa toàn thể đòm bào, đòm bào đã trông rõ cái bảng "lúa thần kỳ" chưa? - (Tôi phổng mũi đứng cạnh đội trưởng, nhưng hai tay lại run. Không phải vì lạnh trời, mà vì câu đội trưởng nói tôi cảm như lúa thần kỳ đương thành sự thật). Thưa đòm bào, cuộc phóng tay phát động quần chúng vùng lên tiêu diệt giai cấp địa chủ đã kết thúc, ruộng đất đã về với nông dân lao động, bây giờ ta có lúa thần kỳ...”
Lát sau, đội trưởng Cự hích tay vào vai áo tôi làm hiệu nhắc rồi chuyển cái loa giấy cho tôi. Tôi quay loa, hăng lên: A lô... A lô... Tôi tuyên bố bắt đầu cấy...
Cự hất cái túi da lên lưng, lội xuống bùn, cầm một bó mạ, tẽ ra từng mảnh, cắm hai dảnh xuống mặt nước. Rồi lên bờ hô to: "Cắm liền dảnh! Cắm liền dảnh!". Duyên bước tiếp xuống, thoắt một chốc đã hết ba tay mạ, có khi cả ba bốn dảnh một khóm, khoảnh ruộng dần dần xanh kín như khung bèo tổ ong. Từ trên lưng đê, vang vang tiếng ốc, tiếng trống ếch, tiếng reo, tiếng hô khẩu hiệu. Lạ sao, những người cả đời lênh đênh với đồng ruộng thế mà trước miếng ruộng vừa cắm cây mạ lại reo sướng như chưa trông thấy ở đâu như thế bao giờ. Có lẽ người ta tưởng sắp có phép tiên, cái khung mạ kia chỉ chốc lát sẽ bồng lên, lá lúa nở ra, lên đòng...
Từ hôm ấy, trưởng thôn Cối và tôi ngày nào cũng quấn quít bên mảnh ruộng. Tôi được dịp mải vào đấy để lảng những công việc chia ruộng, chia quả thực cứ lặng lẽ sôi sùng sục từ trong làng ra ngoài đồng. Đằng xa, chốc lại ầm ĩ tiếng quát tháo. Nhiều người vác cả bó thừng ra sắp sẵn đóng cọc chằng quanh thửa ruộng sẽ được cắm thẻ. Cả một đời bây giờ mới nhìn thấy một miếng ruộng của mình. Những cành tre phơ phất các góc ruộng. Người vừa được gọi tên ra nhận ruộng, nước mắt ràn rụa quay lại chắp tay vái trời, vái anh đội. Có người lầm rầm khấn ông bà ông vải tổ tiên về chứng giám với con cháu rồi ngồi xuống khóc rưng rức.
Mấy tối, không thấy Duyên đến, rồi bặt bóng. Chắc Duyên còn đuổi theo đội trưởng Cự, túi bụi cãi nhau chọn ruộng.
Nước phân tràn ngập đẩy cây mạ phổng lên. Gốc lúa nở liền xít. Lúa không vàng úa mà xanh lơ rồi xanh thẫm, ngắm sướng cả mắt. Một hôm khác, trông như có khói mờ bốc trong lúa ra. Đến tận nơi thấy trên chân lúa chen nhau, thân nóng hầm hập, bốc hơi.
Tôi hỏi Cối:
“Thế này là thế nào?”
Cối đứng yên. Chẳng biết thế nào, Cối làm thì cứ làm như tôi dặn chứ chưa bao giờ thấy lúa ruộng ở đâu cấy sắp hàng liền chân nhau thế này. Cối nhìn tôi, như đợi anh đội đã học được phép lạ về làm lúa thì cắt nghĩa cho. Tôi cũng là anh đội. Anh đội phải ra anh đội, tôi thản nhiên hỏi như lão nông tri điền thành thạo đồng áng.
“Trong xóm những nhà ai có quạt thóc?”
“Sẵn thôi.”
“Lúa nóng quá. Nó cũng như người ấy mà, phải quạt cho nó hạ hoả.”
Những gốc lúa nóng hầm hập như bắp ngô luộc, nhuốm mùi ải thum thủm, nhưng tôi không biết. Tôi đương nghĩ phân tích: con người đứng chen chân thế này còn đổ mồ hôi, lúa cũng như người, lúa đổ mồ hôi thì quạt cho nó ráo mồ hôi. Có thế thôi.
Cối vào trong xóm, một lúc đã vác ra cả chục cái quạt thóc. Cái quạt to bằng nửa chiếc chiếu mộc, nan tre cật, giấy phất cậy, xách một tay không nổi. Mấy người đem quạt ra, xúm lại nói:
“Làm quạt kéo quạt lúa, anh đội ạ.”
Một lát sau, năm thước ruộng lúa đã hoá ra hiệu cắt tóc có quạt kéo ở đầu phố, như khi tôi còn nhỏ. Khách cắt tóc trời nóng ngồi dưới cái quạt kéo phe phẩy. Chỉ khác ở đây trên cánh đồng trống trải, người ta đem hai dóng tre bắt chéo như ba chiếc cọc gầu sòng nối nhau thành một xà ngang dài, mắc liền bốn cái quạt thóc dày kệp. Bốn người hai bên bờ kéo thừng quạt luôn tay. Lúa rào rạt, gió quẩn rập rờn trên mặt ruộng. Người xem đông, đâm ra vui như cái trạm gác, như quán nước đầu xóm. Suốt đêm, rộn rã tiếng "ai đi hò lờ": Địa chủ ta đánh đổ rồi. Hò lơ hó lơ...
Nhưng đám lúa vẫn nóng hầm hập. Cây lúa chặt cứng như bó mạ cao vổng. Con cào cào rúc không lọt. Quanh chân lúa, đất sùi lên như đống mối đùn. Thế mà ngày nào cũng vẫn lũ lượt, người đến tham quan. Tiếng lành đồn xa, hàng huyện đổ đi xem lúa thần kỳ. Những ruộng khoai, những bãi cỏ từ trên lưng đê xuống, vết chân xéo nhàu nát thành lối tắt. Trên đầu đê, đã có người ra dựng nghiêng cái phên nứa mở quán nước chè xanh.
Nhưng khi thửa ruộng chon von ngả màu úa đỏ như mặt cái lò gạch nung đã chín thì người về xem cũng vãn dần. Chỉ ngắm nghía rồi lẳng lặng quay ra, không ai nói một câu. Về xa đằng giữa đồng thì cả lũ bưng miệng cười hô hố rồi chạy biến. Những khóm lúa lả rạt, trĩu xuống.
Dân quân cắt lượt vẫn mải miết quạt. Trưởng thôn Cối bấn bíu việc nhận ruộng cắm thẻ. Chỉ còn mình tôi, với khi nửa đêm trở ra, mấy cô dân quân đi tuần không về trạm gác, mò vào đây bù khú. Chúng tôi thay tay nhau, người ngủ ngay trên bãi cỏ, người quạt cả đêm.
Đuôi mắt tôi đứt kẽ, thức toét cả mắt. Nhưng chịu còm cọm xó đồng thế này chẳng biết lúa thần kỳ đi đến đâu, dẫu khó nhọc một tý cũng còn nhàn. Trong thôn thì mọi việc lúc khảng tảng lúc rối rít, bùng nhùng như mớ dây thép gai. Chia ruộng, chia quả thực, mọi cái còn trên giấy thế mà ai cũng đã biết mồn một rồi cãi nhau. Lại họp, lại họp. Những người áng chừng mình chẳng được lợi lộc, đã lảng chân giò, rồi phàn nàn bao nhiêu đêm đi đấu, đi canh gác, đi quảy đồ quả thực nhà địa khổ như con chó, khổ hơn thằng mõ. Thằng mõ ngày trước hầu làng còn được phần miếng xôi. Ừ rồi xem bần cố làm trò khỉ thế nào, lão bần cố Diệc kia mắt toét lông quặm ngồi đèn chói mắt, mồm ngậm hạt thị nói như người hụt hơi. Nông hội không họp được vì chẳng ai ở nhà, vào lúc nông nhàn, người ta còn chạy chợ kiếm miếng, đi rao các làng thuê trèo cau trèo dừa. Có đấu đá tranh cãi chia bơi nữa thì đến tối, đến tối. Lại loan tin đồn: đội này về mới lấy ruộng của địa chủ, phú nông, mai kia đến đội cào bằng về thì cả làng thành một hộ bao nhiêu ruộng đem nhập một, bấy giờ mới thật đều như nhau. Đâu cũng kẻ lo người đợi, lại nháo nhác, lại thì thào.
Rắc rối nhất ở những nơi phải bình đi bình lại. Cùng là được chia, nhưng ai cũng tranh miếng ngon. Họp đêm chưa thông, đội lại yêu cầu về nhà mạn đàm gia đình rồi báo cáo kết quả với đội. Thế là chỉ trong một nhà mà cũng chửi bới nhau rối xoè.
Vợ nói: Trung nông là cái thá gì. Quả thực chẳng được một cái cuống rơm, nếu được mua hoá giá cũng phải sắp hàng sau đít người ta, đến lượt thì chẳng còn cái rẻ rách. Đi dân công không được một đồng kẽm mà nay gọi mai gọi trung nông - Nhất định ta xuống bần nông thôi" - Nhưng mà... - Chẳng nhưng nháu gì cả. Hôm sau họp, ai cũng đã biết nhà trung nông này có những thắc mắc ấy. Thế là tổ trưởng tránh lôi thôi, gác lại không cho họp. Vợ trung nông chu chéo: "Nhà tôi lên địa để các ông bần cố sắp đem đấu a? Thách đấy, có giỏi gọi cả xóm ra đây mà tố, mà đấu!" Nói cứng thế, nhưng về nhà cả đêm đào hố chôn nồi đồng, bát đĩa. Bốn tối họp rồi mà nào ruộng, nào quả thực chia bơi vẫn chưa đâu ra đâu.
Đêm ấy, lại bàn đến quả thực. Đêm nay, đội trưởng Cự làm khác. Cho gọi hết trung nông cứng, trung nông vừa, trung nông yếu đến họp với cốt cán bần cố. "Được, để cho chúng nó một trận mất vía!" Nhưng chẳng nể anh đội, cuộc họp tán loạn không khác đêm trước. Có người nói như phát rồ, khi thấy Cự đọc sổ sẽ chia cho nhà trung nông ấy chiếc vại. Nhà bà nọ có vại rồi, một mực đòi cái vại ấy. "Tôi là trung nông, nhưng con tôi liệt sĩ. Ty thương binh trên tỉnh về nói thế. Bên kia sông đấy, nhà có liệt sĩ được biếu hai sào thượng đẳng điền". Cự nói: "Sắp tổng kết thắng lợi rồi". Bà lão gào lên ngắt lời. "Tôi được cái gì mà tổng với kết!" Cự khêu gợi: Tại sao nhà ta có được ruộng đất như ngày nay? Bà lão xắn váy, té tát: "Không có tiền tậu, tiền chuộc thì các anh đem đất đem ruộng cho tôi đấy à?" Rồi mắm miệng: "Đằng nào tôi cũng phải được cái vại ấy, hôm khiêng quả thực, tôi đã đánh dấu vôi rồi".
Rồi cứ cò kèo thế. Đội trưởng Cự nổi cáu, đập quyển sổ tay, sừng sộ:
“Nhà mụ lọt lưới đấy, xấp xỉ phú đấy. Đừng có quá lời, chẻ hoe xóm này cho mà xem. Hai địa, hai phú, mười trung, mười sáu bần, tám cố, 2 công thương, 1 kéo vó không có thành phần. Cho trung nông là phúc bảy mươi đời, muốn lên địa phú hả? Ai muốn lên thì đội cho lên. Thoải mái.”
Câu nói nửa rỡn nửa dọa của đội trưởng khiến từ lúc ấy đến rạng sáng ai cũng im thin thít. Đội trưởng cứ nói choang choác, nghe rợn trong thanh vắng. Hăng quá, đội trưởng Cự kết luận: "Nhà bà kia tôi cho lên phú, từ nay không được đi họp nông hội". Tờ mờ sáng, bà lão về đến cổng, ngã lăn ra. Sớm hôm sau, nghe tiếng gõ cá áo quan cạch cạch lẫn tiếng người trèo ngọn cây nhãn hú "ba hồn chín vía..." về nhập quan. Nhà ấy thế là bị qui phú nông. Chỉ có mấy người họ gần đến khiêng quan tài, đám ma phú địa không được đưa ra phía trước mà đi đằng cổng đồng.
Đội trưởng Cự cũng đi đưa đám, nhưng đến đấy thì đứng lại, đợi đám ma đi khuất. Rồi Cự tạt ra đám ruộng lúa thần kỳ. Đội trưởng chau cặp mày lông nhím, cúi xuống, lay một khóm lúa. Hình như cây lúa chỉ đợi tay người đụng, cả khóm lúa ật ra ngả vạ. Rễ đã thối mủn đến bẹn cây. Bực mình, Cự ngẩng lên rút cái bảng "lúa thần kỳ" quăng vèo vào giữa mặt lúa đã đỏ xuộm như rơm sắp cháy.
Tôi ngạc nhiên, vờ:
“Ô hay, hôm qua còn xanh mởn mà.”
Tôi nhổ khóm nữa. Khóm nào rễ cũng nát ruỗng. Mấy tay dân quân quạt suốt đêm còn ngái ngủ, mở mắt trông thấy đội trưởng, lại ra sức co chân đạp thốc cho những cánh quạt phất liên liến. Đến lúc đội trưởng ném cái bảng chỏng gọng vào ruộng, thì tất cả buông chân khỏi cái chòng lọng thừng, ngửa cổ cười khơ khớ. Các bọn này ngửi mùi lúa thối từ lâu, thế mà vẫn ra công quạt, quạt,...
Cối ghé tai tôi:
“Em biết là thất bại từ lúc chưa làm. Nhưng anh bảo thì em phải vâng thôi.”
Có cay đắng tôi không. Thế nào đội trưởng Cự cũng sắp đổ tội cho tôi. Quả nhiên.
“Cậu thì chỉ biết rúc đầu vào váy mấy con dân quân từ chặp tối, còn hơi sức đâu mà nhòm ngó lúa má!”
Trời, cái lão quái này cứ bô bô giữa đám đông thế này. Đến tù mọt gông mất. Lão cũng chỉ suy bụng ta ra bụng người, tôi cong cổ hỏi:
“Đồng chí bảo thế nào?”
“Một công tác quan trọng của đội bị thất bại, đồng chí phải chịu trách nhiệm trước đoàn uỷ. Tôi bảo thế, rõ chưa?”
Từng nhát búa giọt vào hai mang tai, điếc đặc con nhĩ. Tôi sắp quỳ xuống, tôi sắp quị xuống. Thấy đội trưởng nổi lôi đình, mọi người xung quanh đã bỏ đi. Tôi xuống nước, ấp úng:
“Tôi...”
Đội trưởng thao láo nhìn tôi. Rồi hai con mắt đỏ cúp xuống. Nhưng vẫn im lặng nặng nề. Gan bàn chân tôi như kiến lửa leo vào đốt. Cự nói:
“Kiểm điểm trước đội đã, rồi tập thể sẽ quyết định.”
Đã biết mẽ Cự nói tập thể, chứ khi nào Cự cũng to mồm hơn mọi người.
Nhưng Cự lại dịu dàng:
“Nói thế chứ, tôi cũng nói cho đồng chí biết, các xã cả huyện này đều thất bại lúa thần kỳ hết, không phải chỉ có ở đây. Đồng chí biết chưa?”
Không đợi tôi trả lời, Cự lại nói:
“Có công tác này gấp.”
Tôi lại biết thế là thoát rồi. Cự nói như đương bàn bạc, thế là mọi việc đã bình thường lại, bao giờ cũng vậy. Tôi hỏi thân thiết và lễ phép:
“Thưa, gì đấy ạ?”
“Việc này cần làm trước cho kịp tổng kết. Giao cho đồng chí tối mai tổ chức kết nạp Đảng nốt số rễ chuỗi xóm Am, xóm Chuôm. Những người này: anh em đồng chí Cối - kể ra ông bố cũng tốt, nhưng phải cái tai điếc, thì thôi. Bố con đồng chí Đơm, cô Đơm và ông Diệc. Cả thảy bốn người. Làm tốt công tác này mới có thể xét lại đội đồng chí để chết lúa thần kỳ được.”
Dù sao, thế là lại êm rồi. Nhưng tôi còn lúng túng chưa rõ việc kết nạp này cũng không lấy gì làm to tát mà tôi lại được giảm cái tội mất mặt kia. Hay là Cự cần sĩ diện, hay là bởi lúa thần kỳ cả hàng huyện, hàng tỉnh đều chết toi cho nên hoà cả làng, không thành tội lỗi ai. Tôi làm kết nạp đảng viên cho rễ và chuỗi đã hai lần, mặc dầu chưa ở đâu tôi dám hé răng cái nỗi mình không phải đảng viên.
Tôi đương nuôi hy vọng rồi sẽ xoay được một giấy giới thiệu về cơ quan, tôi là đảng viên, được kết nạp mới toanh giữa cuộc đấu tranh quyết liệt. Tôi đem về cơ quan cái giấy ấy. Vả lại, khuyết điểm ngày trước của tôi xảy ra ở cơ quan đã lâu, mà các phòng, các ban thì đổi xoành xoạch, có khi trở về chẳng ai nhớ, lại nhiều người mới chẳng ai biết cái việc khỉ ấy. Lần ấy tôi đã được duyệt lên đối tượng. Rồi tôi bị nhà bếp phát hiện tôi ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Bấy giờ, mì chính còn hiếm như vàng. Cả tháng, được bán phân phối một gói mì chính Thái Lan thật hiệu "cái gáo" đem chia cả phòng hơn hai mươi người, một xuất được ba thìa con. Thế cũng đã quí, chỉ vài hạt rắc vào bát canh rau muống, đã ngọt thơm khác hẳn canh không người lái.
Tôi làm công đoàn, được đi mua lĩnh những gói mì chính quí báu về. Tôi nghĩ được cách bóc khéo mép cái giấy bóng gói, nhét đường tây vào. Mì chính và đường đều trắng nhuế nhoá, mà đường lại ngọt sẵn giống mì chính. Đến hôm chia, tôi bày ra cắt từng gói mì chính trước mặt mọi người. Anh em đã rọc giấy sẵn để gói từng suất. Chẳng ngờ, mấy hôm ấy trời trở nồm, bao mì chính đã hở rồi dán lại, đường ướt vón thành cục trong bao. Tôi không thể chối được" thằng ăn cắp đã trộn đường vào mì chính..." Đối tượng đảng của tôi chìm vào bóng tối, đi tong.
Tôi nghe rõ đội trưởng Cự nói rồi, nhưng cũng giả hỏi lại:
“Tối nay à?”
“Không, tối mai.”
“Làm ở địa điểm nào?”
“Ở nhà đồng chí Diệc bên Am.”
“Tôi có phải đi triệu tập...”
“Đã báo cả rồi. Xong việc này, báo cáo lên nhiều công tác một lúc, mới che được cái thối lúa. À cả các nơi cũng thế.”
Rồi cười hì hì. Rồi lại nói:
“Có việc này tôi dặn trước đồng chí.”
“Việc gì ạ.”
“Bố con Diệc là con rể, là cháu địa chủ có tội ác.”
“Vâng.”
“Hôm chôn được ba ngày, thằng Diệc còn về cúng cơm bố vợ.”
“Ôi, thế thì làm sao kết nạp...”
“Nhưng bố con anh ta đều là khổ chủ, đã tố dứt khoát rồi. Có đúng thế không?”
“Đúng.”
“Đồng chí làm biên bản cứ nói gọn nhà nó là thành phần bần cố, đừng lôi thôi chữ nghĩa gì thêm nữa.”
Lắm việc, lắm mưu mẹo dồn dập, tôi dạ nhịp rồi ngồi thần mặt cho đến lúc đội trưởng Cự đổi vai đeo sắc cốt, bước ra. Cự lên khỏi đường bờ ruộng, tôi chưa lại người, vẫn còn tù mù như ngái ngủ.
Đội trưởng Cự chợt quay lại. Hốt nhiên, tôi chột dạ, không hiểu sao lại trợn hơn lúc nãy.
Nhưng Cự chỉ nói:
“Này bảo thằng Cối ra cuốc ngay cái mả ăn mày đi. Xem có dây khoai, dây muống ở đâu thì rấp vào. Để thế người ta đi qua chửi cho thì cậu đeo mo nang vào mặt đấy.”
“Vâng, vâng.”
Trưa hôm ấy một mình Cối cắm cúi san lấp, trồng mới năm thước ruộng chéo mõm bò lại thành ba luống dây khoai mới gọn ghẽ, một lúc đã hết tang tích cái ruộng lúa thần kỳ vu vơ.
Chiều hôm sau tôi lo lễ kết nạp, nói là sửa soạn, nhưng cũng đơn giản. Bấy lâu đi cải cách, theo khẩu hiệu đồng ruộng là chiến trường, ở mặt trận thì tất tật mọi việc đều giản dị, khẩn trương từ giấy tờ đến mọi lễ lạt, anh đội ở mỗi thôn lo lấy việc lễ kết nạp, cáng hết từ giới thiệu đến công nhận đảng viên dự bị.
Tôi tính đốt ngón tay từ khi về xã này lần lượt qua các công tác: bắt rễ xâu chuỗi, cụng đầu tố khổ, chỉ định trưởng thôn, thành lập dân quân, đấu bá, cắm thẻ nhận ruộng, chia quả thực rồi kết nạp đảng, tiêm máu mới vào tổ chức cơ sở rồi liên hoan xong đội rút về khu tổng kết, xong lại chuẩn bị đi đợt khác. ở đâu chưa biết, đã có tài liệu và kinh nghiệm các hội nghị, nơi và làm đã thuộc. Từng bước tuần tự tuy bận thật, nhưng thật cũng không nghĩ nhiều hơn và lẫn lộn những ăn ngủ thường ngày, kể cả khi hò hét những câu to lớn mà không hiểu nghĩa đến đâu, cứ phán ra đấy.
Tôi đi bảo mọi người, dầu đã rõ ai cũng biết rồi. Tôi làm thế cốt ra vẻ ta đây quan trọng. Bác Diệc ngần ngừ: "Tôi đã xin với anh đội trưởng tôi cũng như cố Cối điếc lác, tôi nhìn đèn thì lông quặm cụp xuống, loá lắm, ngồi đâu cũng sợ sáng, phải chui lủi như con ếch con nhái thì đừng cho chúng tôi lên Đảng làm gì". - Không, trưởng thôn phải vào Đảng, trưởng thôn cả nước đều đảng viên, rồi còn lên chi uỷ, lên huyện uỷ, tỉnh uỷ. Bác Diệc cười méo một bên miệng: "Đội ơn anh giúp cho, tôi mà lên quan huyện thì cả vùng này nó đặt vè - Vè thế nào? - Từ thủa chui trong bụng mẹ ra thằng Diệc chưa biết đường lên huyện đằng nào. - Cờ đến tay ai người ấy phất chứ. Làm rồi khắc biết. Tối mai, cứ tối mai đấy.
Tôi tưởng bảo cái Đơm thì có thể khó. Tính nết nó trẻ con. Đơm giận tôi hay là Đơm bết với đội trưởng quá, lâu tôi không gặp. Chẳng ngờ lại dễ như đùa. Tôi vừa nói "mai đi kết nạp nhé", Đơm cắn tôi một phát vào vai. Nanh răng nó lõm một vết, đau như chảy máu trong áo. Dữ như con chó cái ghen con, nhưng tôi biết thế là nó đương sướng, nó đã bằng lòng. Tôi nèo thêm một câu cho chắc: "Tối đến đấy". Đơm không trả lời, Đơm xông đến toan cắn nữa. Tôi chạy.
Thế mà khi tôi bảo Duyên lại đâm ra rắc rối nhất. Duyên đương dựa cột ngồi thừ trong góc nhà, mắt đỏ hoe. Tôi sà xuống ôm Duyên. Duyên đẩy tôi hự một cái văng bắn ra, trán vập vào cái cột. Phải một đòn bất ngờ, tôi loạng choạng. Nếu không vớ được cái cột, chắc đã ngã bổ chửng. Tôi tưởng Duyên rỡn, thường ngày Duyên vẫn đùa táo tợn thế. Nhưng rồi cũng không dám sàm sỡ, tôi chỉ men đến. Bỗng Duyên chửi rống lên:
“Cha tiên nhân bố chúng nó!”
Rồi hu hu khóc. Nó chửi bóng tôi a? Không có lẽ. Tôi ngọt nhạt khẽ gọi: Duyên, Duyên ơi. Duyên lại tru lên. Tôi bảo đừng, đừng thì Duyên càng nức nở, lại chửi. Gần chùa gọi bụt bằng anh, oai anh đội ở tôi trong con mắt Duyên bị mờ nhạt, chìm nghỉm đã lâu rồi. Tôi ngồi im nhìn Duyên. Động lòng, tôi nghĩ vơ vào giá không dở cơn khóc cơn chửi chắc nó đã cờn lên tôi rồi. Cái môi rừng rực cong lên thế kia ngoạm vào mặt, như con lợn tháu xốc cám. Nhưng mà Duyên vẫn đương khóc, đương chửi bới.
Tôi đã đoán chừng được những giọt nước mắt của Duyên. Mấy hôm ấy lại một đợt cán bộ thôn đưa người đi nhận ruộng. Từng bó cọc thẻ đan nan đầu như cái vỉ ruồi dựng ngoài bờ dậu. Mọi người xô sang những cánh đồng bên kia sông, đấy đất gan trâu, không phải phù sa, toàn ruộng lúa tạ. Ngày chia không xong, tối lại họp. Người quát tháo, người chửi, người kêu khóc, người vùng vằng bỏ về, lại rối lên. Chắc Duyên ở đám ấy ra. Không biết ruộng nương được thế nào, đến đâu rồi, xong chưa.
Duyên hơi ngớt, chỉ còn thút thít, tôi khẽ hỏi:
“Cái gì thế?”
“Chúng nó bảo em sắp về nhà chồng, không có khẩu ở đây. Không được chia.”
“Đội trưởng Cự biết không?”
“Anh ấy bảo phải đi trình bày với nông hội.”
“Thế thì được.”
“Được là được thế nào. Những quân mới ngửi thấy hơi ruộng đã giơ chân nắm tay như bọn trâu điên. Em bắt đền anh.”
“Được rồi.”
“Những như anh Cự cũng còn co vòi nữa là anh thì ra con qué gì.”
“Đã có cách.”
“Cách thắt cổ chết à?”
“Đã biết chưa, tối nay kết nạp. Xong thì em thành đảng viên. Đứa nào dám ho vào thì có mà chết tươi. Đảng viên rồi, còn lên cán bộ, lên chi uỷ, làm gì cũng được.”
“Thật thế hả anh?”
Hai mắt Duyên đã ráo hoảnh, lại cười tít. Nhà đương vắng. Chúng tôi lôi nhau chui vào xó luồn ở vách sau. Tàu lá dáy cọ đi cọ lại vào mặt gây mùi ngai ngái. Duyên đè ngửa tôi ra, như trả thù chứ không phải là đền ơn. Cặp, túi, mũ vứt vung vãi. Lát sau, Duyên cười rúc rích lôi tôi dậy. Tôi đeo túi, đội mũ rồi ngoái cổ lại: "Tối nhé".
Xế trưa, đội trưởng Cự lại tìm tôi. Trên cánh đồng, những cây thẻ cắm nhận ruộng lô nhô như quân cờ bỏi. Đội trống ếch rập rờn đằng thôn Đìa nghe xa xa dưới đồng sâu lên. Đôi chốc, tiếng tù và rúc như sáo chiêng sáo đẩu con diều thi hội các làng ngày trước. Đàn ông đàn bà bước xăm xăm đi không nhìn ngang ngửa, ai cũng cầm một bó thẻ cắm ruộng như bó chông. A lô. .. a lô... Bà con nông dân tập trung bên bụi duối nghe điểm danh... A lô, ngày hội thắng lợi, hát lên, hát lên... Một hai ba... Chủ lực là nông dân ta... Ai đi hò lờ... Hò lơ, hó lơ...
Tôi ra đồng nhưng tôi không túi bụi vào đám chia ruộng, nhận ruộng. Tôi rà rà men bên bụi tre. ở đấy, mọc dại những bụi hoa mò đỏ sẫm, những cành tầm xuân gai lủa tủa hoa màu đào phơn phớt. Tôi hái hoa mò, hoa tầm xuân, bó thành bó. Đội trưởng Cự đã bước tới sau lưng.
Đội trưởng Cự cười:
“Trang trí hội trường à?”
Rồi Cự nói:
“Vợ tớ sắp được sang đội công tác cải cách bên Thái Bình. Tối nay tớ cho nó lên để cậu kết nạp một thể. Tớ kết nạp nó ở dưới ấy thì không khách quan, quần chúng người ta phê bình.”
Rồi đội trưởng Cự tăng tả đi, câu nói và việc nhẹ nhàng coi như gài thêm, như tình cờ. Chiếc loa giấy đeo đằng lưng nhô nhốp như con chó con leo dây giật giật. Nó cũng chẳng nghe câu đệm nịnh của tôi: "Anh yên tâm, sẽ kết quả", đội trưởng đã mải miết biến vào đám người xúm xít giữa đồng. Tôi biết việc kết nạp vợ Cự đáng lẽ phải nói từ hôm nọ thì bây giờ Cự làm như chợt nhớ ra.
Chập tối, bác Diệc đã đun sẵn nồi nước chè tươi vò. Cái chè vò thật đậm giọng. Tôi uống đâm ra nghiện. Xuống ở nhà Cối, được cái thằng Cối cũng uống chè vò sáng sớm. Tôi mới để ý ở đây đi ra đồng ai cũng uống mấy bát nước chè vò rồi đến trưa mới đến bữa cơm cám rau rợ. Gà gáy tan canh bác Diệc đã lui hui vò nắm chè hái nhiều qua bỏ vào cái rá con, dội đổ một lượt nước sôi "làm lông chè". Song đâu đấy, bỏ chè vào cái ấm đất, đun liền một nồi. Khi ấy, tôi cũng vừa dậy. Tôi chưa dậy thì bác Diệc gọi to: Nước đương ngon, anh đội anh đội ơi! Tôi lồm cồm bò trong chõng ra, mắt nhắm mắt mở, hớp từng ngụm. Chè tươi vò ngọt chát mà bùi, cái ngái ngủ, cái mệt quần thảo với Đơm cả khuya đêm qua biến hết. Bác Diệc và tôi làm hết liền hai ấm nước. Rồi bác Diệc ra đồng. Vác cày, cuốc, bừa hay cái cào cỏ thì cũng thêm cái giỏ đeo lưng, được con cua, con nhái thì bỏ lên đấy. ở nhà, có hôm tôi với Đơm lại quần nhau nữa, khi các em Đơm cũng đã ra đồng cả, rồi tôi có đi đâu mới đi. Đã lâu quá, tôi đi khỏi nhà Đơm, mà vẫn nhớ, nhớ thế.
Bấy giờ, trên chõng, bên ấm nước, ngọn đèn hoa kỳ không có bóng hiu hiu lay lắt. Trên gian thờ, bó hoa mò và hoa tầm xuân, trông nhấp nhoáng cũng lạ mắt. Duyên vừa đến trông thấy bó hoa, nói một câu khiến tôi chưng hửng:
“Cái hoa mò nhiều bọ mò lắm. Bọ mò chui vào cắn rốn thì có mà ngứa toạc bụng ra.”
Tôi chống chế:
“Màu đỏ hoa mò đẹp.”
“Đẹp nhưng mà cả đêm chẳng ai gãi rốn hộ tôi.”
Duyên bước lại, rón ngón như sợ con bọ mò leo lên tay. Chẳng cần hỏi tôi, Duyên cầm bó hoa vứt ra bờ rào rồi vào bậu cửa ngồi với Đơm. Bà lão loà trong kia đã lẫn vào bóng tối chẳng ai nhìn thấy đâu cả. Muỗi ở cái chuôm cạn sau nhà tràn vào vo ve râm ran, táp lên mặt như vốc trấu ném.
Một người con gái dáng thấp nhỏ đương vào qua bụi duối. Vợ đội trưởng Cự.
Một lần nữa lại trông ả khác hôm nọ. Áo nâu mới cổ xây, vai đeo túi vải ka ki tím. Đầu búi tóc lối cán bộ, không chít khăn nâu như mọi cô gái trong làng.
Tôi nói với mọi người:
“Hôm nay kết nạp có cả vợ đồng chí đội trưởng.”
Duyên đứng phắt lên, rít hàm răng:
“Con đĩ kẻ Đìa hả?”
Vợ đội trưởng Cự đã bước vào nền đất thềm nhà:
“Chào...”
Duyên đã lao ra túm tóc, dìm xuống: "Tiên sư con đĩ! Bà xé xác con đĩ!". Ả nọ chưa kịp biết thế nào đã bị ngã huỵch lưng vào chiếc cột tre như cây dừa đổ, cả cái nhà rung răng rắc chao đi. Đơm cũng vừa lăn xả tới. Tiếng chửi, tiếng đấm đạp huỳnh huỵch, tiếng xé quần áo rợn tai. ả nọ chết dí không ngoi đầu được. Duyên ngồi cưỡi lên - "Mày mà kêu thì bà nhét cứt vào mồm!". Người đàn bà bị hai người nắm tóc dằn xuống ngồi phệt vào mặt, cứ xoay như cối xay, tiếng ngạt ú ớ. Ngọn đèn lung lay vì gió đòn, tắt phụt. Tối om om, tiếng đấm, gót chân đạp càng huỳnh huỵch và những tiếng xé quần áo soàn soạt. Bác Diệc và tôi loanh quanh luýnh quýnh không biết làm thế nào.
Vụt một cái, bóng người vùng được lên, chạy thoát ra ngõ. Vấp vào trưởng thôn Cối đã đến từ nãy vẫn đứng ngoài, Cối bị văng ra, cũng không kịp nhìn ra ai. Nhưng Cối cũng không vào nữa.
Tuột mất con thù rồi, Duyên và Đơm hổn hển lên ngồi xuống đầu chõng. Bác Diệc chẳng biết ngô khoai thế nào, vào bếp thổi đống dấm, đem cái đóm ra châm lại đèn. Hai khuôn mặt mồ hôi nhợt nhạt trong ánh đèn chập chờn. Đơm cầm lên cái túi vải đeo vai của vợ đội trưởng. Đơm móc tay lôi toạc cái túi. Chẳng có gì, chỉ thấy lòi ra mảnh giẻ. Duyên đương còn hầm hầm sưng mặt cũng cười ré: "Cái túi cán bộ tố điêu của con đĩ!" Cùi tay Đơm rơm rớm máu. Đơm giơ lên khoe: Tớ đấm nó gãy mất cái răng... Duyên cũng hớn hở: - Tớ ngồi day đít thật lực vào mặt nó!
Thế là vỡ họp. Uống hết ấm nước chè rồi tôi về nhà cả Cối bên Chuôm. Suốt ngày túi bụi ngoài đồng cắm thẻ mới về, đã đến thẳng nhà bác Diệc. Chẳng nên công chuyện gì, tôi đi lù khù đầu rỗng không. Tôi kể chuyện trận đấm đá vừa rồi, Cối cũng lặng yên nghe như vừa mới biết. Cối cười hê hê.
“Ối giời, có thế mà anh chẳng đoán ra.”
“Không đoán ra làm sao?”
“Chúng nó đánh ghen. Ngứa ghẻ đòn ghen thì khiếp lắm.”
Tôi lờ mờ nghĩ ra. Hình như cái gì tôi cũng hiểu chậm, nhiều khi có việc tôi chưa tóm đâu được đầu đuôi thì xung quanh đã vanh vách cả. Tôi đâm bối rối, vẩn vơ, một mình lang thang đi đến khuya, đầu óc lơ mơ. Hôm sau, cả làng lại sôi lên, tất tả, hùng hục những rơi rớt chuyện ruộng và quả thực.
Tôi tìm đội trưởng Cự để nói cái việc tối qua hỏng bét, tôi lại thật thà muốn bảo Cự rằng tôi thấm thía cái đuôi câu nói của cả Cối. Vì anh đội trưởng máu dê cho nên chúng nó đánh ghen. Ăn vụng nhiều quá, chùi mép không hết. Nhưng chỉ nghĩ thì hăng hái vậy thôi, tôi chẳng dám nói.
Tôi đi tìm Cự nhiều nơi, đến tận chiều cũng không thấy Cự. Không hiểu Cự đi đâu. Chặp tối, tôi lại ra đi tuần với dân quân, một ngày có buổi đi tuần là vui thú nhất. Khuya, tôi vào cái lều canh trên mặt nước bùn inh tai tiếng ễnh ương như mọi khi. Nghe rào rào người nói và tiếng khúc khích từ xa. Hình như đám con gái đang cong mỏ chuyện đánh ghen nọ. Tiếng Duyên lát xát nỏ mồm nhất. Chúng họ đã trông thấy tôi.
“A anh đội! Anh đội!”
Tiếng chào hỏi và những câu nói trống không chớt nhả:
“Xê ra, bọn dòi bọ xê cả, xê ra. Rước anh vào với cái Duyên. Cái Duyên được ngồi cạnh anh trước, cái Duyên trước. Thế anh Bối xử kiện đám đánh nhau chập tối hôm qua thế nào? Anh phụ trách toà án giỏi đấy, không có anh thì có án mạng rồi. Tội nghiệp quá, vợ đội trưởng bị đứa nào đấm gãy răng lại chát đít vào mặt, đứa nào thế, hả anh?”
Tiếng cười the thé. Cả lũ lại đã nằm thườn thượt chen nhau kín cái sàn hóp đá. Lại nhao nhao. - Sao anh Bối không vào can? Nhỡ để có đứa chết thì làng mang vạ.
Tôi chỉ lặng im trong bóng tối đêm khuya mát trời. Chẳng mấy lúc, đã rập rờn những tiếng ngáy, không biết ngáy thật hay giả. Cái trạm gác vẫn như mọi đêm, cứ nằm đây thì tôi chẳng còn nhớ còn sợ anh đội trưởng đã doạ "mày ngủ với bao nhiêu con dân quân". Tiếng chẫu chàng uôm oạp râm ran rộ lên từng lúc. Chỉ giun dế thì rỉ rả liên hồi. Chốc chốc, dưới nước gầm sàn một con cá chuối quẫy đớp lật chiếc lá súng kêu chách một cái.
Tôi lần sờ vào cổ Duyên. Duyên hất tay tôi vật lại ngực tôi huỵch một cái. Thế là nổi lên tiếng choe choé ở một góc. "Háu thế, trò chuyện cái đã nào!" Rồi các góc cười rộ lên. Cả những đứa lúc nãy vờ ngáy cũng cười sặc, ho khòng khọc. Chúng nó cợt nhả, chẳng khác ếch nhái kêu chẳng chuộc dưới gầm sàn, như mọi đêm, tôi đã quen. Và chúng tôi cứ rì rầm trong bóng tối, biết chúng nó đương dỏng tai lên nghe cả. Duyên cắn tai tôi, nói: "Đánh cho nó về bảo liệu hồn những thằng đàn ông máu dê này này". Nhưng rồi Duyên lại dịu dàng vuốt mu bàn tay tôi.
“Anh Cự chia cho em được một miếng ruộng với một gian nhà địa chủ Thìn.”
“Về nhà chồng đến nơi, lấy nhà làm gì!”
“Của giời cho chẳng lấy cũng thiệt. Mà bán ngay rồi.”
“Phải cho nó ngủ mấy lần?”
“Còn hỏi thế nữa thì thiến!”
“Sướng thế mà lại đánh vợ người ta.”
“Cứ đánh chứ. Hí, hí...”
Đêm dần dần khuya.
Sớm hôm sau, cái chòi canh lại biến hết người lúc nào. Như mọi khi, tôi vẫn rũ rượi ngái ngủ chưa dậy được. Tiếng lạt xạt cỏ, tôi hấp háy nhìn ra. Đội trưởng Cự đương xăm xăm vào.
Cự nói ngay:
“Tối hôm kia, tớ nắm được chuyện hết rồi.”
Tôi ngồi dậy, vẫn lúng túng, Cự lại nói:
“Cũng coi như xong, không có gì đáng lo.”
“Là xong thế nào?”
“Xong là xong, là kết nạp cả rồi. Đồng chí làm báo cáo ngay đầy đủ tên tuổi như tôi đã bảo, tôi ký chứng nhận rồi gửi lên đoàn uỷ cho kịp.”
Chẳng hiểu thì cũng như hiểu, thế là được rồi. Tôi đương nghĩ đến cái giấy giới thiệu mai kia tôi sẽ được về sinh hoạt Đảng ở cơ quan, đội trưởng Cự sẽ ký xác nhận, dấu đỏ đoàn uỷ kèm bên. Đội trưởng Cự làm cái gì cũng được, lão này như cú như cáo, có thể nó đã biết tôi không phải đảng viên. Nắm đằng chuôi, làm được việc cho lão cái đã, tôi viết báo cáo ngay. Việc của tôi rồi tính sau.
Đội trưởng Cự dửng dưng nói sang công tác khác.
“Các thôn đã cắm thẻ gần xong. Nhân dân đương phấn khởi chuẩn bị liên hoan thắng lợi. Tôi phải lên đoàn uỷ, có công văn triệu tập hoả tốc. Sáng nay không hội ý đội, đồng chí về xóm Chuôm thấy nếu còn thì chia nốt chỗ đồ thô quả thực ở nhà địa chủ Thìn. Cái nhà thì tôi đã cho bốn hộ cố nông. Hôm nào xong đem hết quả thực đi, người ta đến nhận nhà. Đấy, công tác hôm nay của đồng chí. Chưa xong hôm nay, mai phải dứt điểm.”
Nói rồi đội trưởng Cự đi, khoác cái sắc cốt nặng những công việc xô lệch một bên vai áo đại cán.
Tôi lại vào nhà địa chủ Thìn - hôm trước mít tinh xoá bỏ giai cấp địa chủ toàn thôn tôi đã cho đưa lên xã hết quả thực. Có còn mấy cái chum vại, cái khung cửi vải, cái thuyền gang tán thuốc bỏ tuềnh toàng giữa bãi, mỗi đêm lại mất trộm một thứ. Chẳng biết bây giờ có còn gì.
Cái nhà ngói ẩm thấp, cổ lỗ, như mấy mươi đời nay vẫn lụ khụ thế. Những bức tường gạch vồ để mộc không vôi vữa đã lên rêu xanh đen, lại thêm từ mấy lâu nay những dây mã đề, lá mảnh bát, dây bìm bìm trong kẽ gạch mọc ra. Hai lần cổng tán ngoài ngõ mới vào đến cái cửa gạch xây trên rấp chông trà chống cướp cao như chòi canh. Năm gian nhà ngói thông thống trước cái sân gạch Bát Tràng, cuối sân có một bể nước hứng nước mưa hai cây cau.
Trong nhà ngoài sân tan hoang, sạch như chùi chẳng còn một bóng đồ đạc. Hôm trước những cái còn lại được đem về đến đây rồi đêm hôm người ta đã nẫng đi, đội trưởng không biết - chẳng ai lạ, chỉ đám dân quân thôi mà. Hàng cây cau liên phòng lùn tịt, không phải mùa quả cũng chưa đến mùa hoa, đứa nào ngứa tay đã chặt trụi hầu hết. Trong nhà, các bậu cửa gỗ, hai gian trái lồng bức bàn thành buồng cũng bị tháo vác đi. Một mái nhà hậu trống hốc, đã dỡ mất một mảng ngói. Những hộ mới được chia chưa đến ở nhưng gian nào cũng đã rấp rong, những hàng gạch sân được nậy lên xếp phân ranh giới, lại chăng dây ngăn từng khoảng như rào bờ ao. Tôi không đoán được gian nào Duyên được chia. Nhưng mà nó bán cho người ta rồi, có biết hay không biết cũng chẳng làm gì.
Không ai lai vãng đến, ở thôn khác cũng đương có chia của người ta kéo đến hôi. Tôi ngồi xuống thềm, định ngồi một lát rồi về, tôi thờ ơ trông ra bể nước. Cả xóm cũng không nghe động tĩnh chỗ nào. Nhiều nhà còn đổ ra đồng xem chỗ ruộng mới được cắm thẻ, không thì kéo nhau đi tìm những nơi còn chia quả thực, rồi lại quay về ngắm ruộng. Những khoảng ruộng đã được rào kín như giàn trầu không, mà vẫn chưa yên tâm. Ngày thì đi quanh ao xem ngắm cho thuộc mặt ruộng mới, tối còn mò rình ngộ có đứa nào nhổ thẻ cắm lấn bờ.
Một người lừ đừ ngoài cổng tán vào. Thoạt nhìn cái áo dạ cứt ngựa, biết trưởng thôn Cối, tôi vẫn giật mình. Cái áo của địa chủ Thìn tôi đã trông thấy Cối lột, vẫn mặc cả ngày cả đêm từ hôm ấy.
Trông thấy tôi, Cối sững lại. Cối ngỡ trong nhà không có ai.
“Anh ở đây à?”
“Ừ. Quả thực đâu cả mà đây không thấy? Đội trưởng bảo tôi đến chuẩn bị chia nốt.”
Cả Cối cười.
“Còn cái qué gì mà chia với bôi. Đội trưởng chỉ còn thấy lúc nghe báo cáo thôi. Chiều hôm qua có mấy cái mễ lăn lóc, em định đến đem về, thế mà bây giờ cũng đã biến.”
Cả Cối chắp tay ngắm quanh, rồi trỏ cái dây mây, nhìn tôi:
“Cái rơm cái rác này chẳng đáng một tiền, anh cho em nhé.”
Rồi Cối cởi cái dây mây hai đầu buộc vào hai cái đinh chốt ở tường, dây phơi xống áo. Cối nhổ cả đinh rồi Cối cuộn vòng tròn lại, cắp lên nách. "Chào anh Bối". Cối cung cúc ra. Đến cổng gạch ngoài, Cối ngoảnh cổ lại gọi to:
“Anh Bối! Anh cho em...”
“Cái gì?”
“Cái mê tín này ấy mà.”
Cối trỏ tay vào con chó đá to bằng hòn gạch chỉ chôn ngập chân chỗ đầu tường. Cối vừa hỏi vừa lay nậy con chó lên. Không nghe tôi trả lời, cũng không phủi đất, Cối cắp con chó đá vào nách bên kia rồi lùi lũi đi.
Tôi vẫn ngồi thừ đấy. Tôi không biết đi đâu, tôi ngại ra đường nhỡ gặp việc lại phải làm. Nhưng ở không cũng không tiện. Lúc nào cũng bận rộn, anh đội không thể ngồi ơ mặt ra thế này. Viết báo cáo kết nạp Đảng mà Cự nói thì trong đầu chưa nghĩ được chữ nào. Bây giờ mở sổ tay ra hí hoáy viết nháp, viết không khó, nhưng nghĩ thì mỏi mắt lắm mà lại không kềnh ra ngủ ngay ở vỉa hè này được. Tôi nhớ hay là về nhà bố cả Cối. Cái ba lô kê ra, úp quyển sổ lên mặt. Giả bộ làm việc mệt quá, không ngờ lại chợp đi - thường vẫn thế, mà cũng đương phải nghĩ phải làm thế thật.
Tôi đeo túi lên vai. Bỗng Đơm ở đâu nhớn nhác đến. Dạo này cái Đơm bảnh gái hẳn ra. Chắc đội trưởng đã vần ra uốn nắn tợn. Mảng vá đụp đít quần hứng cái bẩn thấy tháng đã được thay bằng một miếng vải nâu da bò mới vuông vắn. Tấm áo tấc nâu đã díu lại những chỗ sứt chỉ, lộ cánh tay trùng trục. Đôi vú tròn vồn ra như hai quả bưởi. Lại hay đỏ mặt cười toe toét. Đơm có chửa rồi cũng nên. Biết nó chửa với thằng nào, với tôi hay Cự, hay thằng nào nữa. Đội không rút nhanh, nó phưỡn bụng ra đứng chỉ vào mặt đứa nào, thì có mà chết mất ngáp. Đơm đến đây làm gì. Có thể Đơm trông thấy tôi, Đơm vào. Chưa đã cơn à.
Nhưng Đơm làm như không thấy tôi. Đơm nhìn xéo trong nhà rồi đi thẳng vào. Tôi ngờ ngợ thế nào, đây là nhà bên ngoại, Đơm đã thuộc cả. Đơm lúi húi trong ấy một lúc chưa thấy ra.
Tôi hỏi vọng vào:
“Ngủ trong ấy à?”
Đơm nhón gót bước ra, mặt cau có khác lúc nãy. Đơm lẩm bẩm một câu, rồi sa hai dòng nước mắt.
“Chúng nó đào mả cha nhà chúng nó hết rồi.”
“Cái gì?”
“Em chôn chục cái bát chiết yêu cất ở chỗ gầm chạn mà cũng có đứa moi lên.”
“Vào xem lại, xem kỹ cái đã.”
Đơm lừ mắt, có khi đã đoán không phải tôi nói vào xem lại còn hay không. Nhưng Đơm vẫn đi với tôi vào gian khuất trong bếp. Một thoáng, hai đứa đã nằm rúc chỗ chân tường dưới những dây thài lài tía. Ai đi ngoài không trông thấy, nhưng nằm đây có thể nhìn sang được bên kia bờ ao, thấy chân người đi vào.
Đơm nói:
“Chỉ được cái này là giỏi!”
“Có giỏi hơn đội trưởng không?”
Đơm đương nhay tôi tưởng đến sứt miếng môi. Bỗng Đơm nhả ra nghển lên, lơ láo nói khẽ: "Cái cối! Cái cối!" Rồi Đơm đẩy tôi ngã xuống mép tường. Đơm kéo quần, chạy ra. Đơm cứ thế chạy, quên cả tôi vẫn nằm trong bụi thài lài. Nhưng tôi cũng đứng ngay dậy. Bây giờ mới sợ nhỡ có con rắn dưới ao bò lên thì sao.
Tôi thần người, ngồi lên cũng nhìn được vẫn ở đấy có cái cối đá lâu đời đã thủng trôn như hòn gạch bỏ lăn lóc, chỉ đến mùa để đập lúa. Đơm chạy thoắt đến bên cối. Đơm bê cái cối nghiêng lên rồi cứ thế Đơm vần cối ra ngõ. Cái cối đá thủng lăn như cái bánh xe. Không biết làm thế nào rồi Đơm vần được cái cối đá từ bên Chuôm về thôn Am. Vào đến sân, hai tay Đơm nâng hẳn cối lên, đẩy vào giữa nhà.
Rồi Đơm lại chạy biến đi. Nhưng Đơm không trở lại chỗ tôi. Đơm lại nhớ ở đâu có cái gì. Mấy hôm ấy ai cũng bận bịu hớt hải đi tìm kiếm vơ vét.
Ở trong nhà, người mẹ tàn tật vẫn chầu hẫu trong xó luồn cuối vách. Có lúc nghiêng đầu như nghe được tiếng chân, tiếng cái cối lăn thình thịch. Hai con mắt cùi nhãn ngước ra. Người đàn bà như con cóc ngồi gầm giường. Con cóc lúc trở trời kèn kẹt nghiến răng. Người này chỉ là cái bóng con cóc. Nhưng hôm nay bỗng nhiên như biết nghe ngóng. Hai bàn tay chống lên hai miếng gỗ, người ấy bò ra chỗ sang sáng trước cửa, lần đến bên cái cối thủng. Bàn tay vêu vao khô đét, đen như đất, rờ lên lỗ hổng miếng cái cối. Người tàn tật ngửi thấy mùi quen thuộc của cái cối đá thủng.
Ôi con người đến lúc ấy tỉnh lại. Bao nhiêu lâu nay mọi cái trong lều này người đàn bà ấy có tỏ tường như mọi người ta hay không, chẳng ai có thể rõ được. Nhưng cái cối đá, cái cối đá, ngày trước cô bé què đã trèo leo từ tấm bé. Ngày xưa, buổi chiều cơm nước xong ngày nào chả được chị được em ôm ra ngồi thọt đít vào cái hũm đá thủng. Con bé cởi truồng tồng ngồng, mẹ đem ra tắm ao rồi cõng lên đặt xuống cái lỗ cối đá. Như thằng phỗng, như con tò he ai đặt đâu thì ở đấy. Hai con mắt đục mờ, hai đầu gối, cái khoeo teo lại như cái sống tàu lá chuối héo. Không biết gì, nhưng cái ngày xưa của con người thì như tranh đám cưới chuột, tranh con lợn tết dán lên cột, nhớ mãi. Ơ là vậy, con bé bộ xương ngồi giữa chiếc cối đá thủng trông ra hàng cây cau như những chân con sếu gió đánh lắc lư. Ngoài kia, mặt nước ao bèo cái xanh om chốc chốc từng đàn cá trắm ăn lên quãy ùm ùm tưởng người ngã xuống ao. Chiều chiều, tiếng người ta gọi nhau lao xao bên đường làng, rồi một chấm sao hôm lấp lánh lên đằng chân tre, đứa con gái ốm yếu lùi vào giấc ngủ, vào cơn mê mù mịt đời người.
Nhưng chỉ có một bàn tay run rẩy đụng vào mặt cối thì trong khoảnh khắc tất cả thảng thốt nhớ lại. Người đàn bà cúi xuống, đặt cái đầu tóc rũ rượi trên cối. Hơi mát mặt đá như đứa trẻ ngày xưa ra ngoài cầu ao vốc nước lên mặt rửa cơn ngái ngủ. Thời con trẻ của ta ở đằng kia, ở bên kia, ở đâu, người tàn tật lồng lên giằng xé bò tới. Cái đầu đập xuống mặt đá, như chày giã, toé máu loã lợi, chúi xuống, chúi mãi xuống ngày xưa.
Tôi đương đi, tính xem về đâu nằm khoèo một giấc hay tìm đội trưởng báo cáo đã chia xong nốt quả thực.
Đơm chạy tới, mặt nhợt nhạt.
“Anh Bối!”
Tôi không để ý, giở giọng cợt:
“Lại đi đâu nào?”
“Mẹ em chết rồi.”
“Ối!”
“Mẹ em va đầu vào cối đá.”
“Cái cối đá em đã vần về ấy à? Chết thật à?”
Tôi không về nhà Đơm, tôi đi sang bên Chuôm tìm Cự. Có người chết, đằng nào cũng phải báo cáo đội. Tôi đến nhà bố Duyên. Bấy giờ chiều đã xế, nắng vàng nhạt ủ ê ngoài cái sân đất. Trông vào nhà không có ai, nhưng nghe tiếng lục sục như gà đạp ổ đằng vách trong. Rõ ra tôi vô ý. Có người ở nhà mà không biết. Tôi lùi ra tận ngoài ngõ rồi hỏi vọng vào:
“Đồng chí Cự có đây không?”
Cự bước ra ngay. Vẫn cái túi da như chiếc ấm giỏ trễ vai, hai con mắt ngầu đỏ. Còn thoáng tiếng đụng trong vách. Con Duyên vẫn trong ấy. Chắc nó ngủ rồi, cứ làm xong thì nó ngủ ngay vẫn thế. Tôi lại nhớ cái bài báo thằng Nguyễn Bổn, hay là con nào khác, không phải con Duyên, biết đâu. Nhưng khi Cự cất tiếng hỏi nghiêm nghị thì tôi quên ngay cái chuyện tóm quả tang đội trưởng chơi gái ban ngày.
“Đồng chí Bối đến có việc gì?”
Rồi nét mặt Cự lại dịu ngay. Nhưng tôi cũng chưa thấy nhẹ nhàng lại được, bởi thói quen chỉnh tề, khúm núm trước đội trưởng. Cự cười xuề xoà:
“Cả đêm qua tớ viết báo cáo tổng kết thắng lợi mà chỉ được mấy chữ. Dân bần cố đánh vật với văn hoá, phải nhờ đến đằng ấy thôi.”
“Báo cáo đội trưởng vợ đồng chí Diệc chết.”
“Sao? Thế nào?”
“Va đầu vào cối đá.”
“Chết chưa?”
“Chết rồi.”
“Đồng chí khám nghiệm chưa?”
Tôi đáp:
“Khám nghiệm rồi.”
“Chết thế nào?”
“Chắc là tự tử.”
“Tự tử! Người què, đui mắt, tai điếc, lại câm, tự tử sao được! Âm mưu địch, thế là địch vẫn phá ta. Tôi đã bảo mà, xã này có thôn còn phát động chưa lên hết, nhiều chậm tiến làm chỗ cho địch ẩn náu. à chia quả thực xong chưa?”
Tôi nói trôi chảy:
“Chia hết, còn mỗi cái cối đá thủng cho đồng chí Đơm vần về nhà, thế là mẹ đập đầu chết.”
“Không phải! Không!”
Đội trưởng Cự bứt rứt bỏ túi xuống lại khoác lên. Rồi đùng đùng đi. Tôi luống cuống theo. Nhưng ra ngõ tôi còn ngoảnh lại xem đứa nào trong vách thò ra. Im lặng, không thấy ai. Tôi lại nghĩ nếu là cái Duyên thì nó ngủ say rồi.
Cự bước nhanh nhanh, nói như hét:
“Đập đầu, đập đầu là làm sao. Đồng chí mất cảnh giác đến thế nào nữa! Chỉ có địch, địch phản ứng giai cấp mới thế. Tính xem, từ bước một, mấy người chết. Sắp tổng kết rồi mà nó còn giết đến người nhà cốt cán, làm rối loạn hàng ngũ ta. Thế này thì quá lắm.”
Tôi lập cập bước, như người có tội bị giải đi. Mà có tội thật. Tôi nói liều, nào đã trông thấy người chết. Bác Diệc đi đâu vẫn chưa về. Cũng không thấy Đơm. Có khi lũ thằng cò con sếu nhà bác sợ quá đã chạy hết. Nhà chẳng có ai. Tôi trông rõ cái đầu trên hũm cối một mớ tóc đốm nâu đốm bạc bùi nhùi rũ rượi. Đích là chết thật. Đội trưởng Cự vào trong vách cầm ra cái đòn gánh khều ngửa mặt người chết. Cổ đã cứng ngẳng, vạc xuống lằn máu tím đen vằn vèo như con gà bị cắt tiết.
Đội trưởng Cự bảo tôi:
“Trông thấy chưa, những nhát dao đâm vào cổ còn máu đọng lại. Vết dao bầu, chỉ có dao bầu mới nhát ngọt thế này. Đồng chí Bối, ngay bây giờ. Một là tìm cho được đồng chí Diệc, đồng chí Đơm. Hai là, gọi tất cả cán bộ đội, các trưởng thôn đến hội ý ngay ở nhà đồng chí Cối. Ba là cho dân quân các xóm lập tức bí mật, thật bí mật lùng xem nhà ai có dao phay, dao bầu mổ lợn, mổ trâu thì thu hết. Đi ngay, hơn bốn giờ rồi, mau lên mới kịp, tối còn họp việc khác.”
Nhưng nói xong Cự vẫn giữ tôi lại:
“Những vụ giết người bịt đầu mối thế này chỉ do tổ chức phản động. Đấy hôm bắt thằng tư Nhỡ, đương ghi biên tài sản cũng có người tự tử. Truy thằng tư Nhỡ nó phải nhận làm chủ mưu, lại khai nó đã làm trưởng thôn hai mang, trước nó đi lính thông ngôn cho Pháp, nhớ không nào? Mấy thôn đã xảy ra ma ném doạ người đi họp, đánh què trâu, mất trộm trâu, giết trâu ngoài đồng, trộm gà, đốt nhà, người thắt cổ, người bỏ đi. Chỉ chưa có một vụ nào bỏ thuốc độc. Nhưng thế đã quá đủ, quá rõ. Nếu ở đây không có thì địch chỉ huy từ xa.”
Tôi chạy liền đi. Dù vất vả, cũng thấy dễ thở hơn phải loanh quanh đấy với Cự mỗi chốc lại nghĩ ra toàn những địch.
Chặp tối, đội trưởng dân quân Duyên với ba cô nữa vào nhà Vách.
Vách nằm trong xó nhà tối om, không biết đã ngủ hay còn gật gưỡng say rượu. Thấy người nhấp nhoáng, Vách đứng dậy. Duyên gõ cạch cạch đầu súng vào cột mái.
“Anh Vách có nhà không?”
“Vách đây. Đứa nào hỏi tao?”
“Đội yêu cầu anh nộp con dao bầu.”
“Dao bầu nào?”
“Dao bầu ấy.”
“Sáng mai tao phải đi mổ lợn.”
“Đội bảo thế.”
Vách đã khuệnh khoạng ra trước mặt Duyên.
“Đội à? Mày về bảo cái thằng đội nhà mày rằng thằng Vách không nộp dao bầu. Đứa nào thò mặt đến đây thì ông chọc tiết, bây giờ ông cắt tiết chúng mày trước, lại đây. Không lại thì ông nhảy ra bóp cổ? Này, này...”
Duyên và mấy cô hốt hoảng nhảo chạy ra.
Vách gọi:
“Duyên! Duyên!”
Duyên đứng lại ngoài ngõ.
“Vào đây đã. Cho tao làm một cái, tao không giết đâu. Mày nằm ngửa cho bao nhiêu thằng đội còn được, tiếc gì người làng. Vào đây...”
Cả mấy cô dân quân khiếp quá, lẩn vào bóng tối.
Cuộc họp đội với các trưởng thôn và nông hội cả xã ở nhà Cối rộn rịch suốt đêm. Xã này đón bước ba vẫn chưa bầu được uỷ ban, được chi uỷ, lần nào họp rộng cũng ồn ã thế. Nhưng cũng chỉ đội trưởng Cự bảo đấy là có địch phá hoại và chỉ một Cự lên tiếng át cả. Những bác Diệc, cả Cối, cô Duyên, cô Đơm và cốt cán các thôn khác với cả chục cán bộ đội nhiều lúc ngồi ngây, ngủ gật. Tiếng gà lại đã gáy râm ran.
Cự nói như quát:
“Sắp bước vào tổng kết thắng lợi thì địch tấn công ta. Tên Vách đã phản bội giai cấp, nó không nộp dao, có khi chính nó gây ra vụ án này chưa biết chừng. Tôi yêu cầu dân quân thôn Am, thôn Chuôm gác nhà tên Vách ngày đêm. Sáng nay tôi lên đoàn uỷ xin được lệnh, thì đồng chí Bối đến bắt nó ngay. Có khi cấp bách quá cứ bắt không cần đợi tôi về. Các đồng chí có tán thành không?”
Tất cả bật lên "đồng ý" rồi họp tan. Dân quân hai thôn ẩn nấp rình suốt từ ngõ nhà Vách ra bờ giếng. Trong nhà, Vách vẫn im như không. Có người nghi ngờ khéo thằng việt gian này trốn rồi. Bảo nhau vào tận nơi xem sao. Vẫn nghe tiếng ngáy rờn rờn trong vách. Lại bò ra, thế là yên chí địch vẫn trong vòng vây.
Trời sáng hẳn, tôi đưa dân quân ập vào. Không thấy ai. Hay là thằng ấy trốn mất rồi, nguy quá. Đương thì thào, Vách ở trong bếp nhảy ra, hai tay hai con dao bầu, múa lên.
“Tránh ra, tránh ra. Đứa nào vô phúc cứ vào gần ông đây thì ông cho ăn cả hai nhát.”
Mọi người nháo nhào. Vách ung dung đi ra cổng làng lên đê. Đến chiều cũng không thấy về.
Trên đoàn có lệnh cho bắt Vách. Nhưng thế là nó đã trốn mất.
Việc rắc rối tới đâu, cũng như mỗi ngày, rồi cứ qua đi, lại việc khác đến. Một buổi sáng, đội trưởng Cự mặt phừng phừng hớn hở đến nhà cụ Cối gặp tôi. Vừa ngồi xuống đã rút ra một tệp tài liệu, tôi trông thoáng, một tờ in to. Tôi đoán là tờ khẩu hiệu mít tinh mừng cải cách thắng lợi, sắp được tổ chức.
Cự nói một thôi:
“Như thế, đã vào bước kết thúc. Tôi vừa được lên đoàn uỷ nghe dự thảo báo cáo tổng kết toàn đoàn. Hơn một trăm đội của đoàn rải ra trên một trăm xã. Chỉ có đội trưởng hai xã trọng điểm với đội ta được về đoàn góp ý kiến với dự thảo tổng kết. Chắc chắn ta lại vớ tuyên dương đợt này rồi. Tình hình khắp nơi phức tạp, địch lồng vào tổ chức cũ trăm phần trăm, đâu cũng giương bẫy cải cách giả, chỉnh đốn tổ chức giả trước khi đội về. Thế mà vượt hết, thắng lợi lớn, toàn đoàn truy được hơn năm trăm địa chủ lọt lưới, đến bước ba đưa tỷ lệ từ 5% lên 7,24% đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ về chính trị cũng như về kinh tế. Bây giờ vào đợt cuối, tớ đưa cậu - tôi thật dễ chịu được nghe Cự nói tớ tớ cậu cậu - đây là khẩu hiệu cho treo ở hội trường tổng kết thắng lợi ở các xã, những 12 câu, dài đấy, phải làm sẵn. Mừng cải cách ruộng đất... kẻ câu dài nhất trước. Làm luôn thì vừa cho kịp dự chi bộ, dây, đinh, giấy, lên văn phòng lấy tiền mua. Sang bước bốn, các thôn phải tự báo triệt để không một trường hợp nào tồn đọng nông dân chậm tiến. Ta đã có chủ tịch, có xã đội trưởng còn chi uỷ thì hai cũ một mới cứ thế lên xã cộng lại, tất cả các tổ chức phải xong ngay đầu bước mới kịp tổng kết.”
Sáng hôm ấy, tôi hội dân quân lại phổ biến kế hoạch tập đi đều bước duyệt binh trong mít tinh mừng cải cách thắng lợi. Một lúc, nhìn lên trên đê thấy đổ xuống có đến hai chục cái xe đạp. Những người trên xe mặc quần áo nâu, ba lô đeo lưng, đạp bon bon.
Từ hôm nọ đã được nghe có đội sửa sai cải cách ruộng đất sắp về. Có lẽ đây. Chúng tôi cũng có xe đạp, nhưng đã phải để lại trên đoàn uỷ. Từ hôm đội về, cấm không cho xe đạp vào làng cơ mà. Thế là đội cải cách kém thớ cái đội này rồi. Đội gì đây.
Đoàn xe phóng vào nhà văn phòng đội. Đã tám giờ, nhưng xe và người tiếp theo về nhộn nhịp. Mới chỉ có vài dân quân ra bãi. Tôi cũng không cho tìm thêm, để nghe xem cái gì thế này. Lát sau tôi được gọi về họp. Những cán bộ lạ nhưng trông quen mắt vì những cái áo đại cán màu xi măng, quần nâu, mũ cát két tím, xắc cốt da, xắc cốt vải. Dường như mọi người đều đã quen, hay đội trưởng Cự làm ra bộ bạt thiệp bắt tay, trò chuyện thế.
Cuộc họp không do đội trưởng Cự điều khiển mà một người loắt choắt có cái túi da to bằng chiếc ba lô đặt xuống cạnh cặp kính trắng, như ông trưởng phòng nói mở đầu họp công nhân viên chức cơ quan, vừa trịnh trọng, vừa thân, lại vừa hách.
“Thưa các đồng chí, công tác "Sửa sai và tiến lên" do tỉnh uỷ chỉ đạo, huyện uỷ thực hiện. Tôi thay mặt đoàn sửa sai của tỉnh uỷ giới thiệu với đội, đây là đồng chí huyện uỷ viên phụ trách đội sửa sai về công tác xã này.”
Rồi người cán bộ tỉnh nói một thôi như đọc lại bài "Cải cách ruộng đất thắng lợi, sửa sai và tiến lên" tuần trước chúng tôi đã họp đội đọc bài ấy trên báo để thông suốt. Người huyện uỷ viên còn trẻ, bộ quần áo nâu non, hai mắt sâu trũng, mặt phờ phạc như mới ốm dậy hay mới ra khỏi trại giam của đoàn uỷ cải cách. Chỉ mới nói mấy câu đã thở, mặt đỏ lựng, vẻ mệt. Tôi ngồi nghe không ra chăm chú, không ra lơ đãng. Bởi vì đương sửa soạn tổng kết thắng lợi, bây giờ lại bảo sửa sai. Cả mấy đợt, lúc nào cũng cảnh giác, cũng đánh địch rồi chia ruộng, chia quả thực, chỉ thấy thành tích, trên bảo sao làm vậy tôi chẳng thấy sai chỗ nào, bây giờ lại sửa, biết rồi đến đâu hay là sai cả, lại phải vào ngồi tù không biết chừng. Tôi đâm lo lo, nghĩ chỉ thấy rối tơ vò.
Đội trưởng Cự ngồi yên, mấy lần mấp máy miệng toan nói, nhưng chắc nhớ ra đây là đội trên mới về, lại thôi. Mọi khi người khác đương nói Cự cũng cắt, cũng kết luận và giải tán, chẳng coi ai ra thế nào.
“Chúng ta qua công tác bàn giao sẽ hiểu nhau. Tôi giới thiệu hai đội phó sửa sai.”
Hai người ngồi phía ngoài đứng lên. Đội trưởng Cự ngứa ngáy quá, mắt ngầu đỏ. Đến cỡ hai người kia chỉ bằng đội phó Nguyễn Văn Bối tôi mà cũng được đứng lên để giới thiệu thì đội trưởng Cự không thể chịu được, đột nhiên khùng lên. Khác mọi khi, nói đến lúc hăng mới băm tay bây giờ ngay một lúc, cả hai bàn tay Cự vung như gạt ra đỡ đòn mà trước mặt chỉ có chúng tôi.
“Báo cáo các đồng chí, chúng tôi đã kết thúc bước ba để sang bước bốn tổng kết thắng lợi. Xã này hết sức phức tạp, ngày hôm qua địch còn đập đầu giết chết một nông dân giữa ban ngày. Chúng tôi đã báo cáo đoàn uỷ cho truy lùng hung thủ.”
Ông cán bộ tỉnh khẽ ngắt lời:
“Đoàn uỷ cải cách đã kết thúc công tác. Từ nay mọi việc phải báo cáo với huyện uỷ.”
Cự vẫn nói, mỗi lúc một đùng đùng:
“Chúng tôi đương triển khai, đội nhất định phá tan âm mưu địch. Báo cáo đồng chí, tôi quen tác phong quân đội, quyết tâm đánh đến cùng. Đồng chí huyện uỷ mới được thả trong sửa sai, đồng chí chưa nắm được tình hình...”
Người huyện uỷ đứng lên hỏi gắt:
“Đồng chí phát biểu xong chưa?”
Cự cụt hứng.
“Báo cáo hết.”
Người huyện uỷ ngoái tay ra sau lưng lấy khẩu súng lục đặt lên mặt ba lô, lạnh lùng:
“Tôi báo để các đồng chí biết trên huyện đã cử đội sửa sai chúng tôi về nắm mọi công tác của xã từ giờ phút này. Chúng tôi sẽ lựa chọn lưu một số đồng chí đội cải cách ở lại công tác. Tôi yêu cầu đồng chí đội trưởng từ giờ tới chiều chuẩn bị, sáng mai đến báo cáo toàn bộ tình hình với chúng tôi.”
Đội trưởng Cự đương đứng mà chân khấp khểnh như con gà què lơ láo nhìn khẩu súng lục bóng nhoáng, đen sì trên mặt ba lô. Đằng lưng áo ông cán bộ tỉnh cũng gồ gồ có súng, nhưng không thấy ông rút ra. Tôi lại đoán cái bọc nặng chịch mọi khi thấy cộm trong ba lô Cự không phải khẩu súng. Chắc cái cục gì bọc giấy. Mặt đội trưởng Cự sụp xuống.
Tôi không được chọn ở lại làm cán bộ sửa sai. Tôi như mở cờ trong bụng. Nhưng làm bộ mặt ủ rũ, tôi lủi thủi đi ra. Ngay lúc ấy, các đội viên sửa sai phóc lên xe đạp toả ra các thôn, công việc dường như đã sắp đặt trước cả. Không vào nhà tổ chức cũ, tổ chức mới, không dựa rễ chuối nông hội, đội sửa sai ở lung tung các nhà. Sáng hôm sau, đến buổi làm mỗi người một cái cào cỏ, xuề xoà như chúng tôi, người mặc áo, người cởi trần, ai cũng mặc quần đùi, lam lũ như người trong xóm, tất cả ào ra đồng. Thế thì khác gì đội cải cách, sửa sai ở chỗ nào. Các xóm xôn xao: đúng đội cào bằng về vác cào đi kia kìa, cào bằng rồi, cả làng đóng khố đuôi lươn đến nơi. Các anh cải cách cũng phụ hoạ thế.
Bố con Cối với cả chục người nữa lò dò đến. Rối rít người hỏi, người nói, người trả lời lẫn nhau.
“Đội cào bằng hay đội san bằng, hả anh?”
“San hay cào thì khác nào!”
“Khác chứ, có phải không anh Bối?”
“Không, đây là đội sửa sai. "Hoàn thành tốt cải cách ruộng đất, sửa sai và tiến lên" khẩu hiệu thế, đọc kỹ khẩu hiệu mới chưa?”
“Thế cải cách sai hả?”
“Cái gì sai thì sửa.”
“Sửa thế nào?”
“Tôi bắn địa chủ Thìn, bây giờ bảo địa chủ Thìn chết oan, thế tôi có bị bắn không?”
“Chưa biết thế nào!”
“Ối giời ôi!”
“Tôi được chia một gian nhà thằng tư Nhỡ, tôi phải dọn đi à?”
“Tôi có phải trả hai chân trâu quả thực không?”
“Nghe nói đội cào bằng về bắt cả làng này đổi ra chỉ để một họ, họ Nguyễn hay họ Lê?”
“Được quả thực mỗi một cái chum, cả làng biết đấy.”
“Tôi... tôi...”
“Chẳng hiểu ra thế nào!”
Tôi cũng không cắt nghĩa được điều nào rõ hơn. Thế là mọi người đùng đùng kéo đi tìm đội trưởng. Một mình Cối ngồi lại.
“Chỉ có anh với em, em hỏi thật nhé. Đội cào bằng về đuổi đội cải cách đi để làm lại tất cả à?”
“Không phải đội cào bằng, đội sửa sai.”
“Ừ, đội sửa sai thì cũng là đội đuổi đội các anh. Tôi phải trả chức đảng viên, trưởng thôn, trả nhà, trả ruộng, đội sửa sai dựa vào rễ khác chứ ai.”
“Không đâu.”
“Thế đội sửa sai về làm cái chó gì!”
Tôi nói như hô khẩu hiệu:
“Sửa sai và tiến lên!”
Câu nói dứt khoát và mạnh mẽ ấy chẳng làm cho Cối để ý, mà Cối lại ra chiều bực bội. Cối lại tất tả đi. Nhà tối om, lũ trẻ con vừa nghịch choe choé đấy, đã ngủ khì cả. Không biết nhà này lo quá bỏ bữa tối hay quên, để đói anh đội. Tôi có ý mong Duyên. Duyên vác cả súng, - có thế mới là đi tuần suốt đêm, tôi chúi xó nào Duyên cũng mò được. Không biết đêm nay Duyên có về không, buồn quá.
Từ gà gáy, mấy người vừa được chia ở nhà địa chủ, ở nhà phú nông rộng quá tiêu chuẩn phải nhường lại, họ nậy gạch sân quảy đi. Người nhà phú nông xót của ra cản, đôi bên đánh nhau bằng đòn gánh, kêu rầm rĩ, cả xóm đổ ra đứng xem. Trời đã tang tảng sáng, ở đâu đi ra mấy tay trung nông lấp lửng chúa hay nói ngang họ chẳng được chia bôi, cũng không mất cái lông chân, cứ vừa đi vừa rên lên như những thằng rồ: ai đi hò lờ, hò lơ hó lơ...
Không có lệnh, không ai về truyền đạt, đội cải cách đương rầm rộ sắp tổng kết, bỗng dưng tan như ao bèo gặp mưa to. Không còn hội ý sáng sáng, đội trưởng Cự lúc đi lúc đến lúc nào đi đâu cũng chẳng biết.
Cối ở đâu về, hớt hải:
“Anh công tác thống kê sao không được giữ lại làm sửa sai, anh bị đuổi về à?”
Tôi nói vu vơ:
“Mai kia lên đổi công, lên hợp tác, không cần thống kê.”
“Thế thì đích xác là cào bằng rồi.”
Cối lại ngơ ngác đi ngay. Mới bảnh mắt mà chỗ nào cũng tụ lại từng đám người loanh quanh như gà vướng tóc.
Đội trưởng Cự đến. Cối ở đâu lại về hỏi:
“Các anh đi thì chúng em làm việc thế nào?”
“Đã có đội sửa sai.”
“Đội sửa sai có dựa vào chúng em như các anh đâu.”
Tôi còn ngái ngủ, ngáp một cái:
“Ôi thôi, mấy tháng bù đầu, cũng phải cho chúng tớ xả hơi một cái.”
Đội trưởng Cự quắc mắt. Một câu nói quen thuộc nhưng nghe lúc nào cũng ghê ghê.
“Không được có tư tưởng nghỉ ngơi!”
Dù sao, chẳng nghỉ ngơi thì cũng hết việc, thong thả. Tôi ở nhà như người thừa. Cối đi họp với đội sửa sai, chẳng biết tình hình thế nào đêm về không buồn nói một câu. Tôi nằm dài, hồi này dân quân cũng bỏ gác đêm. Tôi lại mong hôm nào được về đoàn uỷ lấy xe đạp ra chợ huyện đánh một bữa bánh đúc riêu kễnh bụng. Rồi được thông báo lên đấy mới thật biết lại đi công tác sửa sai nơi nào hay được về cơ quan. Thế là chúng tôi sắp đi, mọi sự quanh mình cũng khá là điều ngẫm nghĩ. Đội cải cách bị vứt bỏ, mà tôi vẫn không biết cải cách sai ở chỗ nào, chỉ thấy mọi người dửng dưng qua mặt. Bác Diệc, anh Cối vẫn được trưởng thôn, được đảng viên hình như tỏ ra thương hại tôi, đem đến cho xôi ngô, bánh đúc, mua trên chợ huyện.
Bác Diệc nói: "Chúng em chưa quen với đội sửa sai. Các anh sắp rút về tỉnh có phải không?" Chẳng biết câu hỏi tò mò hay hỏi đuổi. Nhưng nghe tiếng bác Diệc thì không phải thế. Đêm trăng suông, tiếng đập lúa thình thịch, nghe thấy no ấm quanh mình khác những ngày mới về đây. Bác Diệc mau nước mắt, con mắt viền vải điều đã mòng mọng. Bác nói bao giờ quên được nết ăn nết ở của anh cái tối hôm anh về nhà này. Có hôm mấy chị em Đơm đương cắt rạ ngoài đồng, tưởng tôi đã đi, cả bọn tất tả chạy lên, khóc hu hu. Có hôm, côô Duyên cũng đỏ hoe mắt, cô về nhà nhìn lên chỗ sợi thừng tôi vẫn vắt áo, không thấy. Duyên bỏ cơm, ra ngõ nhìn lên đường cái tây. Đến lúc thấy tôi về vai đeo cái sắc cốt, vẫn anh đội như mọi khi, Duyên chạy ra, lột cái mũ lá của tôi, đội lên đầu hí hửng như trẻ con. Tôi hỏi: "Có nhớ anh không?" Duyên bảo: "Anh mà đi thì tháng nào ở cữ thằng cu em bỏ thư cho anh. Anh sờ vào chỗ rốn em mà xem, thằng cu đương cựa quậy đạp đấy". Tôi có ý nghĩ hay là tôi ở lại đây. Ừ, tôi ở lại đây, tôi về cơ quan hay tôi ở lại cũng thế, hay là tôi ở lại đây với Duyên.
Ven đê dưới kia, trong những khoanh tre lưa thưa, có nhà bác Diệc, nhà bố Duyên, nhà cả Cối, thêm nhà tôi,... lại nhà thằng Vách nữa - cái thằng khùng không biết mấy hôm nay trốn ở đâu, nghe tin đội sửa sai đánh gục đội cải cách rồi, nó đã trở về, lại vác con dao bầu đi mổ lợn thuê.
Trên cánh đồng hôm nào mới cấy màu mạ còn vàng ửng, đã nghe gió rì rào lùa vào chân lúa. Các nhà mới được ruộng chia tìm cấy lúa bát, nếp voi, nếp vằn, cốt được cái chóng ăn. Đấy, thế thì đội cải cách sai ở đâu, từ khi đi cải cách tôi chỉ biết có thắng lợi, thắng lợi. Cái sợ, cái buồn, cái vui, cái hồi hộp, tôi như con quay ném vào đám chơi, cái dây vật quay tít hay để con quay lăn long lóc, tự tôi chẳng biết ra thế nào. Người ta thường nhớ lâu những cái mình làm được, bây giờ thấy vườn tược, đồng ruộng mỗi hôm mỗi khác, phút chốc thấy như tôi thật có thành tích, chứ chẳng phải... ồi, mà thôi.
Ngõ nhà Vách, bụi duối lưa thưa sần sùi đi qua nhiều lần nhìn đã quen mắt. Bỗng Vách lừng khừng đi ra. Thấy tôi, Vách đứng lại, không chào, nhưng giơ tay vẫy. Trông dị dạng, nó đương lên cơn dở người. Nhưng nó nói tinh tường lắm.
“Bây giờ đến lượt tôi bắt, tôi trói anh, tôi đem đi đấu chứ. Mà nói đùa thôi, xuý xoá cả, buồn lắm. Anh Bối vào chơi, tôi bảo cái này.”
Nhà không có ai. Vách đã đuổi vợ đi hay vợ Vách đã bỏ đi từ dạo Vách bị rình bắt, không thấy về nữa. Mấy con dao bầu của Vách dựng một hàng ở chân vách, trông ghê mắt. Tôi ngồi xuống bậu cửa, hỏi:
“Vợ đi đâu?”
“Tôi cho nó đi ăn mày rồi.”
Vách lại nói:
“Từ hôm anh về, tôi chưa kể khổ với anh lần nào, phải không?”
“Anh đã tố tư Nhỡ đấy thôi.”
“Nhưng mà nông dân chưa hết khổ thì vẫn phải kể ra chứ. Chưa đâu vào đâu, thằng tư Nhỡ đã thót trốn mất. Chẳng đi bắt nó, các anh lại chộp tôi, rõ thật, chó ăn thịt chó, các anh định đấu tôi, bắt tôi. Thằng Tây còn chẳng giết nổi tôi, các anh thì là cái thá gì. Thế mà bây giờ tôi lại không muốn sống nữa, tôi muốn chết.”
“Nói dại!”
“Tôi mà dại thì cả cái xóm Am này phải ngu như con bò. Lại nói chuyện ngày xưa nào. Nói cả đời chẳng vợi được cái núi khổ đâu. Nói một việc thôi nhé. Thằng hương kiểm, thằng phó lý bố tư Nhỡ đấy, cái năm đói 1945 nó bắt tuần đinh đêm nào cũng phải đi rà xem có người đói ở đâu đến chết ở đường làng thì khiêng vứt xuống sông cho khỏi phải chôn. Mỗi đêm, tôi đi ném vài xác xuống sông. Tôi vác phải cái xác thối quá, nhưng người còn mềm, bụng thở bòm bọp. Tôi phân vân, nó chưa chết mà ném xuống sông bắt nó chết thì hồn oan nợ oán mấy đời. Nhưng đi một quãng thì trên vai tôi lạnh dần, rồi thằng người chết cứng. Nó chết rồi, tôi quẳng cái xác xuống nước. Làm sao mà người tôi vẫn thối khẳn mùi người chết, khắp mình ngứa ngáy muốn phát điên. Sáng ra nhìn thấy hàng đàn con rận bò đen kịt từng đám trên áo, đầy cả đầu tóc, xuống cổ, xuống mặt. Thì ra tôi còn hơi nóng, đàn rận ở cái xác đã bò sang đổi chỗ trú ngụ từ lúc nào.”
“Thôi thôi...”
“Kể chuyện khác vậy nhé. Khi đi du kích, mấy lần tôi về tìm giết bố thằng tư Nhỡ. Nhưng đêm nó lẩn lên ngủ bốt hương dũng.”
“Những chuyện chán bỏ mẹ!”
“Thế mà tao vẫn cố nông, cố nông cái mả bố chúng nó. Đội cào bằng có bắt đổi họ, tao bảo tao là họ Cố, Cố Văn Vách. Tiên sư thằng Diệc, thằng Cối chúng nó bảo tôi có con dao đi mổ lợn kiếm ăn thì tôi là thành phần công thương, không được chia quả thực.”
Tôi ngại Vách lại nói bắt quàng về các thứ chuyện cải cách, tôi đứng dậy. Vách bước đến, túm vai tôi. Hai tròng mắt nó đỏ như miếng tiết, trông phát hoảng. Tôi phải ngồi xuống.
“Tôi quí anh nên mới mời anh vào đây. Tôi đếch thèm bảo thằng đội Cự. Cái đội cào bằng ấy à, đêm qua họp xóm, trông cán bộ nói hách dịch như quan huyện, tao ngứa mắt lắm, rồi đến phải chọc tiết có thằng. Nhưng nghĩ lại tôi giết Tây, giết ta, giết lợn nhiều quá rồi, bây giờ tôi giết đến tôi thôi, chả giết ai nữa. Cho nó hết rắc rối. Anh có trông thấy cái gì trong kia không?”
Nhìn vào vách thấy một cái thừng buộc trên xà tre, múi tròng lọng hoác ra như đợi người chui đầu vào. Dưới đất, hai chiếc gạc đập lúa xếp chéo. Người đưa đầu vào tròng lọng rồi đạp cái gạc ấy, thế là bôông bêêng. Tôi đã biết người ta làm thắt cổ tự tử như thế.
Tôi hấp tấp hỏi:
“Cái kia? Cái kia?”
“Cái thắt cổ, đã bảo mà...”
“Không, không.”
“Không phải tôi thắt cổ anh đâu. Em thích anh được xem em thắt cổ, em thắt cổ. Đừng đi tố điêu là địch phá hoại nhé, tao thắt cổ tao thôi.”
“Không, không được.”
“Không có gàn quải. Gàn tôi thì tôi cho cả anh cũng chết chứ không phải một mình tôi.”
“Đừng làm thế.”
“Câm cái mồm sẹo gỗ đi. Nói thế chứ chán lắm, chúng mày như ruồi, giết ruồi làm gì, tao chỉ muốn có một thằng đội xem tao chết để đừng đi tố điêu là địch phá hoại. Tớ quen đằng ấy từ cái chập tối đằng ấy về làng này mà, nhớ không. Đằng ấy là thằng ma tịt biết cái qué gì mà về làm loạn làng. Nhưng cũng còn chơi được, chưa đểu bằng thằng đội Cự, cho nên tớ mới cho vào xem tớ chết.”
Vách nói lung tung, gáy tôi dần dần lạnh. Tay Vách nắm chặt cánh tay tôi run bần bật, toát đẫm mồ hôi.
“Tớ không đun đằng ấy lên tròng lọng đâu. Đừng sợ. Con dao bầu này chọc một cái, thì đằng ấy...”
“Lạy anh.”
“Ấy chớ. Hèn thế mà cũng đòi đi giải phóng người ta. Đã bảo tớ chỉ gọi đằng ấy vào xem tớ chết, chẳng có mưu mô phá hoại như các đằng ấy hay sai người tố láo đâu.”
“Thế...”
“Thế thế. Tớ trèo lên, đưa cổ vào.”
“Anh...”
“Chỉ dặn anh đội chớ dại mà cắt dây hạ tôi xuống bắt tôi sống. Tôi sống thì tôi tố anh đội hủ hoá với con gái cả xóm này, tôi tố anh đội đập chết con mẹ què rồi anh đội đem thắt cổ tôi để bịt đầu mối. Đã biết thế thì đáng tội thế nào chưa?”
Tôi bàng hoàng như ngã xuống nước. Có điều tôi hiểu ngay là chớ có đụng đến thằng Vách. Nó biết tất cả, thế thì cho nó chết. Vách buông tôi, Vách xăm xăm vào bước lên đống gạc đập lúa, chui đầu vào tròng lọng, tròn hai con mắt nhìn ra.
Tôi ù té chạy.
Nghe sau lưng cái gạc lúa đổ văng, lăn lách cách. Cho đến hôm đi - và đến bây giờ, tôi không dám thì thào với ai về cái chết của thằng Vách.
Nguồn: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.
Các bài liên quan
(Một số bài viết về Ba người khác trên talawas)
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957, hiện sống tại Hà Nội. 1945 - 1958 làm phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. 1957 - 1958 Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. 1958 - 1980 Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. 1986 - 1996 Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Hiện sống tại Hà Nội. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (đợt 1, 1996).
Tác phẩm Gần 200 tác phẩm, nổi bật là Dế mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1942); Quê người (tiểu thuyết, 1943); Truyện Tây Bắc (tiểu thuyết, 1954, Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956); Miền Tây (tiểu thuyết, 1960, Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970); Tự truyện (hồi ký, 1965); Quê nhà (tiểu thuyết, 1970, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970); Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992); Chiều chiều (hồi ký, 1997)...