Nguyễn Đình Chính |
Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.
talawas chủ nhật
Nguyễn Đình Chính
Onlai... balô
Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.
Nguyễn Đình Chính
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
10.
Trời sập tối thì chuyến xe cuối năm ngược rừng cũng chạy tới thị xã Nả Hoang.
Đây cũng là bến đỗ chót.
Cậu phụ xe dựng cổ dậy. Trong xe chỉ còn hơn chục hành khách. Cô gái Xí Oắn Vi Bằng Tươi đã biến mất. Chắc là cô xuống ở một ngã ba nào đó trong khi gã ngủ.
Thằng bạn Thốn Mừ cụt chim đã đứng đón ở cổng bến. Cao to. Đầu trọc. Áo bông sù sụ. Tẩu thuốc dài ngoẵng phun khói mờ mịt. Bàn Kì Pháo cười hô hố.
“É me cậu. Cũng trọc đầu a.”
Đó là câu chào thay cho ôm vai, bắt tay.
Choàng vào cổ thằng bạn Thổn Mừ cái khăn len sặc sỡ. Bốc phét.
“Vợ ta gửi quà cho cậu đây.”
“A ha. Cám ơn. Chiều nay vợ cậu gọi điện cho ta những nhiều lần cứ hỏi thăm cậu đã lên đến nơi chưa. Nó sợ cậu bị rét lại đau cái bao tử. Vợ cậu tốt lắm. Có vợ sướng thế.”
“Sướng cái mả mẹ mày . Vợ. Của nợ. Toa lét.”
“Cái gì. Mót đái a?”
“Không đái.”
Kéo nhau ra ngồi quán nước chè chén ngay bên đường. Không uống nước mà rượu. Hai bát rượu tổ bố. Đụng bát chứ không phải chạm cốc. Thị xã Nả Hoang lạ mắt gã rồi. Chen chúc khấp khểnh nhà xây hai tầng ba tầng. Đèn xanh đèn vàng đèn tim nhố nhăng nhấp nha nhấp nháy.
“Về xem nhà mới của mày.”
“Nhà trống hoác như nhà ma. Có đếch ai nấu cơm cho đâu mà về. Tao dẫn mày đi ăn đặc sản núi rừng rồi đi công đoạn ba cho thích thú. Đưa ba lô đây tao đeo hộ.”
“Mày bảo dấm cho tao một em Máng Ka xinh lắm hả?”
“Muốn mười em Máng Ka xinh đẹp cũng có.”
Nhà hàng trương biển hiệu đặc sản núi rừng thịt hươu thịt chồn vênh ngay sườn dốc. Cũng bàn cũng ghế cũng bia cũng rượu cũng quầy bếp lừng lững mù mịt bốc khói chẳng thua kém nơi nào. Hai đám khách đang ngồi chồm hỗm ầm ĩ nhai nuốt nhậu nhẹt. Chủ hiệu ria mép mắt chuột cuống quýt vẫy khăn chào mời Bàn Kì Páo như tiểu đệ chào đại ca. Thằng bạn Thổn Mừ cụt chim trợn mắt.
“Có bắn được con chồn đực nào không.”
“May quá mà. Thợ săn vừa xách tới hai con.”
“Đâu rồi?”
“Em xả thịt rồi.”
“Thịt mèo chứ gì?”
“Ôi trời ơi. Em đâu dám lừa đảo anh Páo”
“Ta có khách quý dưới xuôi lên chơi. Mày không được gian dối.”
“Vâng. Không gian dối. Mời đại ca dẫn khách lên lầu.”
Đúng là thịt chồn. Toàn nạc. Săn thịt. Vị ngọt của thịt thú hoang trong rừng không thể lẫn được. Rượu gạo nương men lá. Thơm ngái. Ăn uống phè phỡn. No chướng bụng. Mặt đỏ phừng phừng. Đắt lòi tói. Thằng Pháo vứt ra cả đống tiền không thèm lấy mấy ngàn lẻ còn thừa.
“Bây giờ ta đưa cậu đi hát ka ra ô kê nhé. Hát chán rồi đi công đoạn ba zịt gái non Máng Ka Mườn Nhùng Thổn Mừ. Được chưa”
“Thôi mà. Để ngày mai. Ta mệt rồi. Ta buồn ỉa. Về nhà cậu. Ta muốn xem nhà mới.”
Thằng Pháo gật đầu.
“Thế thì thôi”
Nhà mới của Bàn Kì Páo ở gần cổng chợ. Nhà hai tầng. Cửa sắt sơn đen kéo ra kéo vào loảng xoảng. Một đống bao tải méo mó chất ngất. Chẳng biết có cái gì bên trong. Bàn Kì Pháo kéo gã lên tầng hai. Không giường không chiếu. Thảm len con chim công. Trải khắp buồng. Ti vi. Dàn máy nghe nhac. Tủ lạnh. Gương soi. Tất tật đều mác đơ in Trung Quốc. Say quá. Lần vào toa lét. Thằng Páo thét oang oang bên ngoài. Cậu ỉa thoải mái. Ta đi có việc hay lắm. Ta đi đây. Về ngay thôi mà.
Vừa ỉa vừa nôn. Và ngủ trên chậu ỉa. Ngủ ngồi.
Nửa đêm. Choàng tỉnh. Ai đã khênh ra đặt nằm ngon lành trên thảm len chính giữa phòng. Gối bông rất êm. Đỉnh sọ giật nhoi nhói. Mắt nhắm mắt mở. Thằng Páo ngồi bó gối ngoẹo đầu ngáy ầm ầm ở góc phòng. Cạnh thằng Thổ cụt lù lù một đống chăn bông thỉnh thoảng lại cựa quậy.
Mệt quá lại ngủ tiếp.
© 2008 talawas
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sông và Hòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.
Các bài liên quan