Nguyễn Đình Chính |
Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.
talawas chủ nhật
Nguyễn Đình Chính
Onlai... balô
Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.
Nguyễn Đình Chính
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
21.
“Lần này ông phải tìm bằng đươc cho tôi một cô bạn gái trẻ tuổi.”
“Tiền.”
“Tất nhiên. Com biêng?”
“Giá thị trường trôi nổi năm trăm ngàn đồng tiền Việt.”
“Tốn kém có vậy thôi ư?”
“Làm sao?”
“Làm sao nghĩa là làm sao. ông còn định mặc cả nữa cơ à.”
“Ấy chết. Không. Tôi muốn nói là tôi có thể đưa cho ông hơn như thế. Năm trăm ngàn cho cô bé. Còn ông. Xin biếu hai trăm ngàn.”
“Ông nghĩ tôi là một thằng ma cô?”
“Không mà. Tôi... tôi đã không nói một từ nào xúc phạm ông. Còn như nhỡ ra thì… có thể cái tiếng Việt của tôi tồi quá.”
“Đùa vậy thôi. Ông xịt bảy trăm ngàn ra đây.”
“Vâng. Có ngay.”
Và Zăng Thọ vội vã quay lưng lại che chắn. Che chắn cái gì. Tất nhiên là che chắn cái ví - mà ông ta vẫn quen gọi là cái bóp. Và... móc ví ra đếm đủ 70 tờ mười ngàn đồng tiền Việt đưa cho ta (Zê).
Zăng Thọ là ai?
Một lão già. Một anh già người Pháp gốc Việt ngoài bảy mươi. Lưng thẳng. Mắt cười. Ria mép. Áo quần như bọn chíp hôi. Ba lô bụi sau lưng. Không được (đúng hơn là chưa được vinh dự) xếp vào loại Việt kiều yêu nước. Một ngày cuối năm giáp tết mưa bụi lây phây. Tình cờ ta (Zê) đụng phải lão đang ngơ ngáo trước tấm bia tiến sĩ trong khu Văn Miếu. Ta (Zê) cắt nghĩa cho lão nghe về cái chức quan Tế tửu. Còn lão thì than phiền với ta ngay cái câu đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết Người xa lạ của Ka Muy đã dịch sai bét. Ta mời lão một ly cà phê. Lão cám ơn tới ba lần. Lão than phiền về cái giá thuê phòng ở khách sạn từ 120 ngàn đồng (tất nhiên là tiến Việt) bông dưng tăng vọt lên 360 ngàn đồng vì lão là một nguời Pháp. Trời ơi. Tại sao cái xứ sở này lại kỳ quặc như vây. Và lão dang rộng hai tay, nhún vai: Không hiểu nổi. Ta bèn lôi lão về nhà một thằng bạn hoạ sĩ dở người giàu kếch sù nhà cửa vợ con đề huề ở phố Hàng Bạc đang có ba căn hộ chung cư cao cấp đắp chiếu bỏ không hơn năm nay (buôn nhà). Thằng bạn hoạ sĩ bèn đưa cả chùm sáu chiếc chìa khoá ba căn hộ cho lão. Thoải mái đi. Ba căn hộ liền nhau đó. Cho ông xài cả ba. Cho mượn. Khuyến mại. Không lấy tiền. Tất nhiên là Zăng Thọ trợn mắt vì cảm động. Thế là ba năm nay, năm nào cũng vậy hế cứ đến tháng Giêng là Zăng Thọ cũng đều đặn bay từ Paris sang chơi. Chơi bao lâu. Chơi ba tháng. Hỏi vì sao chỉ ba tháng. Trả lời: Phải có mặt ở Paris trước ngày 5 tháng Tư để đóng thuế. Hết.
Ta (Zê) và Zăng Thọ bỗng dưng kết thành bạn thân. Tình bạn này thơm tho mùi trí thức nhưng cũng trộn mùi hôi thối chó già vì thỉnh thoảng cả hai thằng cũng giữ miếng gầm gừ (gầm gừ thôi chứ không đớp nhau) y hệt như hai con chó già cúp đuôi ngồi trước một khúc xương.
Năm thứ hai của tình bạn quốc tế giao duyên này, tình cờ ta (Zê) đưa được Zăng Thọ lên hình trong một phóng sự tài liệu nghệ thuật thuật về đồng bào Việt kiều nô nức rủ nhau về quê hương ăn tết. Phim chiếu trên kênh VTV4 đúng vào ngày mồng 4 tết ta. Thế là Zăng Thọ bỗng nhiên thành người nổi tiếng. Mười giờ đêm một ngày nọ tại sân bay quốc tế Nội Bài có cô phóng viên tình cờ túm được ông đang còng lưng đẩy hai cái va li to tướng căng phồng (chứ không phải ba lô bụi lép xẹp rúm ró). Cô phóng viên có cuộc trò truyện chớp nhoáng thú vị với ông. Cuộc trò chuyện đó được ghi âm và đăng trên trang giữa một tờ báo lá cải có số lượng phát hành gần chục vạn bản. Bài phỏng vấn khá ngộ nghĩnh khiến ZăngThọ càng nổi tiếng như cồn.
*
PV: Xin chào ông già Việt kiều yêu... yêu gì nhỉ. A yêu tết. Xin chào ông già Việt kiều yêu tết. Đêm nay ông bay về Paris?
ZT: Hết hạn visa rồi. Tôi phải có mặt ở Paris. Sớm ngày kia phải khai và đóng thuế, thực thi bổn phận một công dân Pháp.
PV: Ba tháng ở Việt Nam mang lại cho ông niềm vui phấn chấn hay nỗi sợ hãi?
ZT: Cả hai. Tôi nói nỗi sợ hãi trớc. Tôi rất sợ hãi mỗi khi phải băng qua đờng, một lần qua đờng là một lần thoát chết. Tôi sợ hãi Lẩu. Trời ơi! đi tới đâu cũng đợc bạn bè mời ăn Lẩu. Lẩu! Lẩu! Nông! Mẹc-xi. Tôi già rồi, chỉ thích ăn tí ti cơm với một chút cá kho tộ thôi.
PV: Còn niềm vui phấn chấn?
ZT: Nhiều lắm. Ấy là tôi đợc lên tivi. Tôi đi du lịch Điện Biên với một bạn nhà văn. Ảnh đây, tặng nhà báo. Tôi thăm thân. Tôi viết báo. Tôi làm sách. Tôi đợc mời đến dự tiệc nhiều nơi và đợc tặng quà. Vui vẻ phấn chấn nhất là đợc gặp rất nhiều văn nghệ sĩ.
PV: Cảm tưởng của ông về họ?
ZT: Các văn nghệ sĩ trong nớc làm việc miệt mài. Tính nết thì cởi mở, dễ làm quen. Họ đón tiếp tôi với nhiều tình thân rộng lợng. Tôi rất cảm động.
PV: Ông nghĩ gì về không khí sinh hoạt văn nghệ trong nớc?
ZT: Tôi chỉ là một ngời khách ở xa về, nếu vội vã trả lời câu hỏi này e rằng có điều gì thất thố. Tôi vẫn đang từ từ tìm hiểu, làm quen. Nhưng có một điều có thể nhận thấy ngay không khí sinh hoạt văn nghệ ở trong nớc sôi động lắm. Ở bên kia chúng tôi đâu có đợc như vậy. Thấy mà thèm đó. Bọn tôi ở bên đó từng nhóm nhỏ, lẻ loi, lọt thỏm giữa một xã hội da trắng náo nhiệt nhưng thờ ơ. Vì vậy mỗi khi có ai ở trong nớc sang là bọn tôi xúm lại ngay, trò chuyện, phỏng vấn cứ ầm cả lên cho… vui.
PV: Ông đang tổ chức dịch một số tác phẩm văn học ở trong nớc giới thiệu sang Pháp. Ông có thể cho độc giả VNT biết công việc này tiến hành đến đâu rồi?
ZT: Đây là một việc làm từ từ, dài hơi mà tôi và nhà văn (Zờ), cùng một bà nhà văn và một ông nhà thơ ngời Pháp đang làm. Chúng tôi đã tìm đợc hơn mời tác giả. Hai cái va ly nặng 45 ki lô này chật cứng nhiều tác phẩm của họ. Tôi vừa phải trả thêm tiền cớc quá tải 5 ki lô đấy.
PV: Tiêu chí để nhóm các ông tuyển chọn dịch?
ZT: Xin lỗi. Chúng tôi tự thấy không có chút phẩm hạnh nào để dùng chữ tuyển chọn. Bọn tôi chỉ đi tìm những tác phẩm theo ý thích rất riêng của chúng tôi. Có thể nói vắn tắt: Đó là những tác phẩm có nhiều giá trị văn chơng và cũng phải hợp khẩu vị của hai nhà xuất bản ở Paris đang cộng tác với nhóm chúng tôi. Họ in sách và cần bán đợc sách. Họ rất sợ bị phá sản.
PV: Nhe nói các nhà xuất bản ở Pháp chỉ săn đón các tác phẩm ở Việt Nam có vấn đề chính trị, bị phê bình dữ dội hoặc tốt nhất là bị đình bản, bị thu hồi, bị cấm in?
ZT: Ở trong nớc hay nghe đợc những tin đồn hài hớc quá. Anh nên bỏ chút thời gian bay sang Pháp đi. A! Mới đây thôi, tôi cũng nghe tin vui tai lắm. Một nhà văn ở trong nớc vừa mang một cuốn tiểu thuyết dày 200 trang sang in tại một nhà xuất bản lớn ở Paris, phát hành hơn 40 vạn bản. Cuốn tiểu thuyết này, theo như lời nhà văn đó vừa tuyên bố ở bên đó là bị cấm in ở trong nớc. Ông nhà văn này tôi biết. Cái nhà xuất bản đó tôi cũng biết. Nó nhỏ xíu, vô danh. Ở tỉnh lẻ cách Paris 800 cây số. Và cuốn tiểu thuyết 200 trang đó, tôi cũng biết nó bị một nhà xuất bản trong nớc từ chối in vì viết dở. Họ chê ông này hết hơi rồi, không biết viết tiểu thuyết. Và một bà bạn nhà báo của tôi cũng vừa meo cho tôi hay mấy lời tuyên bố lạ tai của ông nhà văn này ở tại một cái ki-ốt bán sách ở Paris. Xin lu ý bạn, chúng ta đang sống trong một thế giới đặc quánh sự quảng cáo tự vỗ béo mình nhiều khi không còn giới hạn của sự liêm sỉ. Bạn có muốn nghe lời nói thật của một ông già ngời Pháp gốc Việt là tôi đây, đã định cư ở Paris từ năm 1950 không? Có những tác phẩm đợc chuyển ngữ in ở Paris… OK! Nhưng xin các nhà văn đó đừng ảo tởng. Paris là gì? Đó là một cái bể sục sôi, lạnh lùng. Nó nhấn chìm tất cả. Nghiền nát tất cả. Xin xỏ, xun xoe với nó cũng chẳng đợc gì đâu. Hãy đi tìm những giá trị vinh quang và sự nổi tiếng ở ngay trên xứ sở đồng bào nói cùng ngôn ngữ với mình. Thú vị hơn, an toàn hơn và đích thực hơn rất nhiều. Rất nhiều. Tôi nói thật lòng đấy. Hãy tin một ngời già đã nếm trải nhiều cay đắng gần trọn một đời ngời xa xứ này đi. Tin tôi đi.
PV: Ông có nghiệt ngã quá không?
ZT: Sự thật nghiệt ngã chứ tôi đâu có nghiệt ngã. Cũng như hội họa, văn học Việt Nam cha bao giờ chen nổi vào thị trờng da trắng. Tại Pháp hiện cũng có hai nhà xuất bản nhiều năm nay cố gắng giới thiệu văn học của các nớc thế giới thứ ba trong đó có Việt Nam. Nhưng… biết nói thế nào nhỉ? Tôi lại nhớ hơn chục năm trớc có một ông nhà văn ngời Việt Nam đợc một ngời bạn giúp đỡ in ở Paris một quyển tiểu thuyết về đề tài chiến tranh phản chiến trong đó có nhiều chơng gần như bê nguyên si của Rơ-Mạc sang. Rồi ông ấy sang Paris trả lời phỏng vấn kỳ lắm. Và ông ấy cứ đinh ninh là sắp đợc trao giải Nô Ben văn học. Chà! Mấy nhà báo bạn tôi ở Paris. Họ làm việc ở mấy cái đài, mấy tờ báo. Họ phụng sự ăn lơng của các ông chủ của họ. Ông nhà văn đó đâu có hiểu đợc mọi nội tình. Thật đáng ngậm ngùi. Đôi khi họ biến ta trở thành trò hề mà ta không biết lại đội ơn họ miên man. Paris là vậy! Một hí trờng tàn nhẫn.
PV: Paris là như vậy! Thế thì mấy ông còn định chuyển ngữ, giới thiệu sách của các nhà văn trong nớc sang đó để làm gì?
ZT: Tôi già rồi. Tôi cạn kiệt sự ảo tởng rồi. Thú thực là tôi cũng chẳng hiểu bọn tôi có đang làm một công việc dã tràng xe cát biển Đông hay không? Có một điều, mấy năm nay về Việt Nam, tôi có dịp đợc đọc nhiều tác phẩm in ở trong nớc. Tôi thấy có nhiều tác phẩm có giá trị hơn rất nhiều, rất nhiều mấy tác phẩm đã đợc chuyển ngữ in ở Pháp thập niên qua. Sống ở Pháp hơn nửa thế kỷ, tôi làm công việc phê bình văn học, dịch thuật và tôi có mối quan hệ thân tình, có chút tín nhiệm với một vài nhà xuất bản lâu năm có uy tín ở Paris. Tôi nghĩ: Tại sao tôi không cố gắng giới thiệu các tác phẩm có giá trị đó sang Pháp nhỉ. Tôi bèn rủ hai bạn nhà văn Pháp và ông nhà văn (Zờ) cùng làm công việc này và họ đều vui lòng nhận lời.
PV: Ông là một dịch giả có uy tín. Xin ông cho vài nhận xét về dịch thuật ở trong nớc.
ZT: Tôi vô cùng ngỡng mộ sức làm việc của các dịch giả ở trong nớc khi biết số lợng đồ sộ các tác phẩm nớc ngoài đã đợc chuyển ngữ ra tiếng Việt. Nhưng tôi ngạc nhiên vì số lợng quá ít ỏi các tác phẩm tiếng Việt trong nớc đợc chuyển ngữ in ở nớc ngoài. Nhập siêu quá nhiều. Xuất siêu quá ít. Mất cân đối nghiêm trọng. Thật là thiệt thòi cho các nhà văn Việt Nam và nền văn học Việt nam. Tôi đợc biết trong nước rất quan tâm vấn đề này nhưng hình như họ còn lúng túng chưa tìm đợc một cách làm thực dụng, có hiệu quả.
PV: Bao giờ ông quay lại Việt Nam?
ZT: Tôi về Pháp để giới thiệu các tác phẩm với hai nhà xuất bản. Nhng quyết định cuối cùng là các ông chủ hai nhà xuất bản đó. Khoảng gần tết ta năm sau tôi sẽ lại về Việt Nam và xin làm việc cụ thể với những nhà văn nào có tác phẩm đã đợc chấp nhận in. Chúng tôi sẽ làm hợp đồng chi tiết về trình tự công việc chuyển ngữ, về bản quyền, về tiền bạc. Tôi đợc hai nhà xuất bản ở Paris uỷ quyền mà.
PV: Xin cảm ơn và chúc ông thượng lộ bình an. Hẹn gặp lại.
ZT: Tôi cũng xin nhờ bạn chuyển lời chào kính trọng với nhiều tình thân tới Ban biên tập và đông đảo bạn đọc của bản báo.
Ghi chú: Bài viết giữ nguyên cách phát âm thỉnh thoảng lại thiếu âm ư của Zăng Pôn Thọ (nói ngọng)
(HL thực hiện)
© 2008 talawas
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sông và Hòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.
Các bài liên quan